Home Phiếm Gã Siêu Năm Tuất Nói Chuyện Chó

Năm Tuất Nói Chuyện Chó PDF Print E-mail
Tác Giả: Gã Siêu   
Thứ Năm, 26 Tháng 7 Năm 2012 08:44

 Sống trên đời, ăn miếng dồi chó, ...  Xuống âm phủ, biết có hay không ?

Thuở ban đầu nơi gã đang cắm dùi, chỉ có một số ít gia đình làm nghề dệt chiếu. Những gia đình này đều thuộc gốc Phát Diệm và nghề dệt chiếu vốn là nghề cha truyền con nối, được đem từ miền bắc vào miền nam.

Cùng với thời gian, họ đã sinh con đẻ cái và con cái họ lấy vợ lấy chồng. Vì thế, nghề dệt chiếu như được nối vòng tay lớn và liên tục phát triển. Rồi sau đó,  bàn dân thiên hạ thấy “mần ăn” được, nên cũng nhào vô kiếm chút cháo và nghề dệt chiếu được tràn lan khắp thôn ấp.

Ăn theo vào đó là nghề trồng đay, nghề xe đay và nhất là nghề đổi…chó, hay còn được gọi là nghề…chiếu chó!

Những người làm nghề chiếu chó phải là những thanh niên khỏe mạnh và dẻo dai. Chỉ cần một chiếc xuồng là hai vợ chồng có thể tung tăng chèo bơi trên sóng nước vào những đêm trăng sáng, cũng như vào những đêm trời tối với nghề chiếu chó. Khá hơn một chút thì ráp thêm chiếc máy nổ, cho đỡ tốn sức lao động và chỉ cần một người trên ghe cũng đủ.

Họ lấy chiếu từ nhà hay mua chiếu từ những gia đình dệt chiếu. Nếu mua thì họ thường mua chịu, gối đầu hai ba chuyến. Tiền bán chó lần này sẽ được dùng để thanh toán cho tiền mua chiếu của những lần trước. Có nghĩa là làm nghề này thì không cần bỏ vốn, mà chỉ cần bỏ công sức mà thôi. Chiếu mua thường là chiếu mỏng và chất lương…tồi, thì mới lời.

Họ phải len lỏi vào các kênh rạch chằng chịt, đi tới những nơi mà thiên hạ còn kiêng thịt chó, hay chưa mặn mà với món “mộc tồn” cũng như món “cờ tây”, thậm chí còn phải chui vào tận những sóc Miên, vì càng đi xa thì càng có lãi. Họ không mua chó, nhưng  đem chiếu ra để mà đổi lấy chó.

Mỗi chuyến đi của họ thường kéo dài năm ngày. Nói theo ngôn ngữ vi tính hiện nay, thì đó là “mô đen 2.5”, có nghĩa là khởi hành vào sáng thứ hai và trở về vào chiều hay tối thứ sáu.

Ngày thứ bảy là thời điểm để bán chó. Họ có thể mang chó ra chợ, nhưng phần lớn đều đã được đặt hàng từ trước, hay được các “lái chó” đến cân, để rồi đem lên Saigon, Xóm Mới, Hố Nai… Nếu chẳng may có con chó bị nghẹt thở mà ngỏm củ riềng, thì họ mới làm thịt và sai vợ con đi bán rong.

Ngày kia, một cô nàng đội mẹt thị chó đi ngoài đường và rao bán :

- Ai thịt chó không ?

Bỗng một người từ trong nhà gọi vọng ra :

- Chó, chó lại đây.

Cô nàng đội thịt chó cũng không phải là tay vừa, nên đã hỏi lại :

- Ai chó đấy.

Giống như những tên tử tù, trước khi bị hành quyết, thường được cho ăn một bữa phủ phê, thì cũng vậy, trước khi bán chó hay cân chó, họ cho chó xơi một bữa thịnh soạn, muốn ăn bao nhiêu thì ăn, ăn cho đã thèm tới lúc căng bụng lên mới thôi. Chỉ tính riêng khoản này, họ cũng đã kiếm lời thêm được một vài ký khi bán chó hay cân chó.

Mua chiếu dổm, đổi chó rẻ và bán chó mắc, thành thử nhiều anh chàng “chiếu chó” làm ăn phất lên trông thấy. Tính trung bình mỗi chuyến đi như vậy, sau khi đã trừ mọi chi phí, họ còn lời được cả chỉ vàng.

Thời hoàng kim của nghề chiếu chó tại vùng khỉ ho cò gáy này là vào khoảng năm 1986, nghĩa là cách đây vừa đúng hai mươi năm. Hồi đó, nếu chỉ bấm đốt ngón tay, gã cũng có thể ghi nhận được ít nhất 50 ghe chiếu chó ăn theo trong ấp. Và bây giờ gã thử nhẩm làm một phép tính xem như thế nào nhé.

Bình thường thì một ghe, một tuần, một chuyến. Mỗi chuyến đem về khoảng 100 ký chó. Với con số 50 ghe trong ấp, vị chi sẽ đem về khoảng 5.000 ký chó, hay nói vắn tắt là 5 tấn chó trong một tuần. Một năm tính tròn là 52 tuần lễ, như vậy sẽ đem về khoảng 260 tấn chó mỗi năm. Số chó khổng lồ này sẽ được phân tán đi khắp tứ phương thiên hạ cho dân nhậu xài chơi.

Tuy nhiên, con người thời nay đã đổi khác. Người ta bắt đầu ưa chuộng nệm “mút”, nệm thông hơi, nệm nước, với những nhãn hiệu nổi tiếng, chẳng hạn như Kym Đan…Một khi đã quen nằm nệm rồi, mà lỡ đi tới đâu phải nằm chiếu, thì cứ y như rằng  mọi xương sống, xương xườn, nghĩa là tất cả bộ xương cách trí của mình như đâm xuống giường, đau nhức không ngủ nổi.

Ngoài ra, dân chúng ở đây muốn dệt chiếu, thì phải mua cói tận Sađéc, thành thử chiếu nơi gã không địch nổi với chiếu Sađéc, vì giá cả mắc hơn. Một vài gia đình cũng thử trồng cói, nhưng không thành công, vì cói vừa ngắn lại vừa không đạt chất lượng.

Trong khi đó, nhiều loại chiếu khác nhau xuất hiện trên thị trường, từ chiếu ny lông đến chiếu gỗ, từ chiếu Thái Lan đến chiếu Trung Quốc được quảng cáo là vừa êm lại vừa có công dụng chữa bệnh!

Chính vì những lẽ ấy, hàng chiếu bị ế ẩm và nghề dệt chiếu dần dần bị dẹp tiệm.

Hơn thế nữa, nuôi được một con chó không phải là chuyện dễ. Kinh nghiệm về việc nuôi chó đã cho gã thấy như vậy. Có những lúc trong nhà ba con chó cái cùng đẻ một lúc, nên lúc nhúc ba bầy chó con. “Khuyển số” tổng cộng lên tới gần bốn chục.

Thế nhưng, khi chó con bắt đầu biết ăn cũng chính là lúc bệnh đường ruột xuất hiện và cướp đi sinh mạng của chúng. Số chó sống sót, khôn lớn và trưởng thành chỉ còn lại đôi ba con mà thôi.

Do đó, số cung không theo kịp với số cầu, số chó được nuôi không lấp đầy nổi cái khoảng trống vô cùng to lớn của dân bợm nhậu, khiến cho  “nguồn” cung cấp chó ở khắp nơi bị cạn kiệt.

Chính vì lẽ ấy, dân chiếu chó lâm vào cảnh ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh, nên phần lớn đã bỏ nghề chiếu chó mà xoay sang nghề khác.

Trong văn học sử có một giai thoại khá thơ mộng về một cô nàng bán chiếu. Giai thoại ấy như sau :

Ngày kia trên đường về nhà, Nguyễn Trãi đã gặp một cô gái rất đẹp, đang gánh chiếu đi bán.  Muốn bỡn cợt cô gái nọ, Nguyễn Trãi đã đọc bốn câu thơ :

- Ả ở đâu mà bán chiếu gon ?

  Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn ?

  Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi ?

  Đã có chồng chưa, được mấy con ?

Không một chút do dự, cô nàng đã họa lại :

- Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,

  Nỗi chi ông hỏi hết hay còn ?

  Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ.

  Chồng còn chưa có, hỏi chi con.

Ngạc nhiên về sự thông mình xuất chúng của cô gái, Nguyễn Trãi bèn hỏi tên cô gái là gì ? Cô gái đã trả lời tên là Thị Lộ. Và rồi Nguyễn Trãi đã cưới cô nàng bán chiếu ấy về làm hầu thiếp. Câu chuyện “tình cô bán chiếu” còn dài, dẫn tới vụ án “Lệ Chi Viên”,  khiến cho Nguyễn Trãi bị “tru di tam tộc”, bị giết tới ba đời, nhưng gã xin “xì tốp” ở đây để trở lại với cái nghề chiếu chó nơi quê hương gã.

Cái nghề chiếu chó nơi quê hương gã không được thơ mộng như cô nàng Thị Lộ bán chiếu ở Tây Hồ, trái lại rất nặng nề vất vả, trầy da tróc vẩy, đổ mồ hôi sôi nước mắt, mới kiếm được tí tiền còm đem về nuôi vợ nuôi con.

Một mình một ghe, nên ban đêm dân chiếu chó thường phải tìm những nơi đông dân cư, như chợ búa, nhà thờ hay nhà chùa để mà ngủ, bằng không sẽ trở thành miếng mồi ngon và rơi vào tầm ngắm cho bọn trộm cướp hỏi thăm sức khỏe.

Những đêm tạnh ráo còn đỡ, chứ những đêm mưa to gió lớn, thì vừa rét lại vừa run, nằm co ro trên chiếc xuồng nhỏ, vừa tròng trành, lại vừa nồng nặc mùi…chó, đến quỉ thần cũng không chịu nổi.

Cái mùi chó cũng rất đặc biệt. Những anh lái chó và nhất là những anh chuyên môn làm…chó, tức là giết chó lấy thịt, thì hình như bị cái mùi ấy, không phải chỉ ám vào áo quần, mà còn ám vào tận lục phủ ngũ tạng, dù tắm gội thế nào cũng không tẩy sạch nổi. Bởi đó, bất kỳ họ đi tới đâu đều bị lũ chó sủa vang.

Sinh nghề tử nghiệp. Trong ấp của gã đã có hai anh chàng chết vì nghề chiếu chó rồi đấy.

Một anh thì bị rơi tõm xuống sông vào mùa lụt lớn trong đêm giông bão và bị dòng nước cuốn trôi lúc nào không hay. Còn một anh thì bị chó cắn trong lúc thi hành phận sự, nhưng vì coi thường không thèm đi chích ngừa, đã nổi cơn điên một thời gian sau đó và đi tầu suốt sang thế giới bên kia, để lại người vợ trẻ và mấy đứa con thơ trong một căn nhà xiêu vẹo. Thì ra con chó cắn là một con chó dại.

Thời hoàng kim của nghề chiếu chó đã qua đi và chìm vào dĩ vãng, bởi vì số gia đình dệt chiếu bây giờ “lơ thơ như tơ liễu buông mành”, chỉ còn một vài hộ mà thôi. Ngoài ra, hàng chiếu cũng không còn được ưa chuộng nhiều trên thị trường như ngày xưa. Từ đó, nghề chiếu chó cũng bị tàn lụi theo, để rồi  trên đám tro tàn ấy, nghề mua chó hay lái chó được phát triển theo một chiều hướng mới.

Thực vậy, cho đến bây giờ thịt chó vẫn là món…”khoái khẩu” cho dân bợm nhậu. Hơn thế nữa, trong cơn đại dịch H5N1, bao nhiêu gà vịt, chim chóc, nghĩa là phần lớn gia cầm gia súc đều bị giết sạch, chôn sạch, đốt sạch để khỏi bị lây lan bệnh cúm, nên thịt chó bỗng lên ngôi, vừa tương đối rẻ, lại vừa an toàn cho sức khỏe.

Chính vì lẽ ấy, hiện nay tại Việt Nam các quán thịt chó thi nhau mở ra như đi vào mùa xuân với trăm hoa đua nở. Con đường nào cũng có quán thịt chó, từ những con đường lớn dẫn vào trung tâm thành phố đến những con đường nhỏ dẫn về những vùng quê khỉ ho cò gáy. Mọi vùng đất, từ thị xã, thị trấn đến những thôn ấp đèo heo hút gió cũng thấy mọc lên những quán thịt chó, với những tên gọi rất quen thuộc và thân thương, chẳng hạn như : Cờ tây, Mộc tồn, Lá mơ, Nó kìa, Đúng rồi, Sống trên đời…

Gã ở nông thôn, nên cũng được xơi thịt chó đều đều. Thế mà đôi khi về Saigon, lũ bạn vẫn không ngần ngại rủ đi nhậu thịt chó. Địa chỉ của những quán ấy bây giờ không còn là độc quyền của khu vực Ngã Ba Ông Tạ hay Xóm Mới, mà đã lan tràn tới nhiều nơi, nhiều chỗ.

Lũ bạn gã, lúc thì lôi gã tới quán 297 đường Lý Thái Tổ, khi thì kéo gã tới quán Văn Bái ở bên Thanh Đa. Thậm chí có lần mò tới tận quán Tư Thân ở Bùi Môn. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là “cụm quán mộc tồn” ở một con hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Đường Nuyễn Thị Minh Khai, ngày xưa là đường Hồng Thập Tự, khởi đi từ “bùng binh” Cộng Hòa, qua bệnh viện Từ Dũ, qua rạp Olympique với đoàn kịch nói Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô của Kim Cương, qua vườn Tao Đàn…

Hiện nay, nếu đi về hướng cầu Thị Nghè,  thì sẽ gặp một con hẻm nhỏ. Rất tiếc vì hôm đó gã tới vào buổi tối nên không nhìn rõ tên con hẻm, nhưng nếu hỏi những nhà ở gần đấy rằng quán Hai Mơ ở đâu, chắc chắn họ sẽ chỉ cho ngay vì ai cũng biết đến tiếng tăm của “cụm quán” này.

Nằm sâu một chút trong con hẻm nhỏ, có tới cả chục quán thịt chó. Quán này liền vách với quán kia. Có lẽ do một nhóm dân cư họ hàng, bà con lối xóm với nhau ở ngoài bắc, kéo vô lập nghiệp.

Ở đây có  hai hình thức ngồi nhậu thịt chó, một là ngồi ghế xoay quanh một chiếc bàn như vốn thường thấy. Hai là “đánh tệt”, nghĩa là ngồi xếp bằng bằng xuống chiếu, theo kiểu Nhật.

Các món ở đây được chế biến theo phong cách miền bắc như : luộc, nướng, dồi, hầm, chả chìa, rựa mận, xáo măng…Đặc biệt có món “bàn chân chó” thật tuyệt vời. Khi kêu món này, thì phải đặt hàng là mấy cái. Người ta sẽ dọn lên trong một hay hai cái đĩa toàn bàn chân chó. Có lẽ người ta đã phải hấp cho nhừ, rồi nướng lại trên than hồng, nên bàn chân chó vừa dẻo, vừa dòn lại vừa thơm vừa ngon nữa.

Còn ở thủ đô Hà Nội, hai địa điểm thịt chó được bàn dân thiên hạ chiếu cố và thường hay nhắc đến, đó là thịt chó ở đê Yên Phụ và thịt chó ở phố Nghi Tầm. Tuy nhiên, Hà Nội có một phong cách thưởng thức thịt chó hơi bị đặc biệt, đã từng được báo chí đề tới, đó là thịt chó ôm!!! Miết rồi cái gì người ta cũng có thể ôm được, từ cà phê ôm đến bia ôm, từ rượu đế ôm đến thịt chó ôm. Nhưng trong các thứ ôm ấy, chỉ có “xe ôm” là tương đối sạch sẽ nhất.

Nét đặc sắc của các quán “cờ tây” trên toàn quốc, là chỉ bán thịt chó mà thôi, không kèm theo bất cứ thứ thịt nào khác. Có lẽ một khi đã xơi thịt chó chấm mắm tôm, công thêm với lá mơ và củ riềng, củ xả, người ta sẽ nghiệm thấy thịt chó thật là đậm đà khó quên, trên cả tuyệt vời nữa, nên những thứ thịt khác, dù là đặc sản, cũng trở nên nhạt nhẽo, không thể sánh nổi.

Nói tới việc bán toàn thịt chó trong quán, gã nhớ tới một câu chuyện đã được đọc từ lâu trong một tác phẩm của Toan Ánh. Câu chuyện ấy như thế này :

Thời Pháp thuộc, có một viên tri huyện thường bị các quan trên bắt nạt. Ông ta tức lắm, nhưng nghĩ mình chức nhỏ, thấp cổ bé miệng, nên đành phải chịu vậy. Tuy nhiên, ông ta vẫn có ý muốn trả miếng lại những kẻ vẫn bắt nạt ông.

Ngày kia, nhân có việc, ông làm tiệc mời các hàng quan lớn, quan bé tới dự. Bữa tiệc đặc biệt này được ông làm toàn bằng thịt chó và ông thuê bếp Tàu đến nấu nướng rất ngon.

Vào tiệc, gắp một miếng chó hầm, xơi thấy ngon, quan tuần phủ mới hỏi quan huyện :

- Món gì mà ngon quá vậy.

Quan huyện kính cẩn đáp :

- Bẩm món chó đấy ạ.

Rồi ông ta đưa tay khoa một vòng như để chỉ món đã được bầy biện cũng như để chỉ khắp mọi người và nói :

- Hôm nay toàn chó thôi ạ. Tất cả đây đều là chó hết

Tới đây, gã xin trở lại với nghề mua chó hay lái chó. Thực vậy, theo định luật kinh tế :  đã có cầu thì ắt phải có cung, có người mua, thì  ắt phải có người bán. Trước nhu cầu thịt chó ngày càng gia tăng,  người ta phải lùng xục khắp các hang cùng ngõ hẻm để tìm cho ra chó.

Như trên gã đã trình bày : Nghề chiếu chó nơi quê hương gã đã tàn lụi, thế nhưng trên đám tro tàn ấy, nghề mua chó hay lái chó được phát triển theo chiều hướng mới. Đúng thế, bây giờ, người ta không mang chiếu đi đổi lấy chó, nhưng người ta đi mua chó đàng hoàng.

Một anh lái chó hôm nay được trang bị bằng một chiếc xe gắn máy, phía sau “đèo” thêm một cái lồng chó hay một cái cũi chó bằng sắt. Ban sáng, anh ta chạy phom phom trên những con đường làng, ban chiều anh ta trở về với cái lồng hay cái cũi nhốt những con chó đủ   loại : mực có, vàng có và lôm nhôm cũng có; già có, tơ có và xà mâu cũng có. Đôi khi còn có cả vài ba con mèo nữa, bởi vì mèo cũng là một món khoái khẩu, được dân bơm nhậu chiếu cố và được ưu ái gọi bằng cái tên…”tiểu hổ”.

Trong một vài năm gần đây, gã thấy xuất hiện ở nhiều nơi một cái nghề chẳng giống ai, đó là nghề…trộm chó.

Trước năm 1975, Saigon thường giới nghiêm vào ban đêm, nghĩa là từ mười hai giờ khuya cho tới ba bốn giờ sáng không ai được đi  ngoài đường phố, ngoại trừ lực lượng “bạn dân”, tức là lực lượng cảnh sát, có bổn phận phải tuần tra.

Gã có một ông anh, lúc bấy giờ làm cuộc trưởng cảnh sát tại Hòa Hưng, còn được gọi là Cống Bà Sếp. Các bạn dân nằm tại cuộc  cảnh sát này, thỉnh thoảng cũng mắc phải chứng bệnh nhạt miệng và thèm…thịt chó. Và thế là vào giờ giới nghiêm, ngài cuộc trưởng bèn phái mấy tay đàn em, leo lên chiếc xe díp, trực chỉ một bãi rác nào đó.

Ban đêm, chó thường kéo nhau tới bãi rác để kiếm thêm tí chút bồi dưỡng. Chỉ cần rút một khẩu súng, nhắm vào con chó nào có tướng tá ngon lành nhất,  “pằng” một phát, rồi chạy đến bỏ vào bao tải, quẳng lên xe, chạy về cuộc. Trong khi đó ở nhà, những người khác đã đun nước sôi và chuẩn bị mọi thứ gia vị cần thiết. Thoáng một chốc là đã có những đĩa thịt chó nóng hổi vừa thổi vừa xơi. Nhanh, gọn, đẹp.

 

Đi trên đường phố, nhiều lần gã được chứng kiến cảnh nhân viên công lực bắt chó…chạy rông. Họ dùng một chiếc xích có thòng lọng ở đầu. Gặp một con chó chạy rông, họ đuổi con chó chạy về hướng người cầm thòng lọng đang đón đường sẵn. Khi chó chạy tới, người đó nhẹ nhàng, nhưng lại nhanh như cắt, đưa thòng lọng vào đầu con chó. Con chó càng dãy dụa, thòng lọng càng siết chặt. Sau cùng, con chó được đưa lên xe một cách rất êm ru bà rù.

Gã phải công nhận rằng người cầm thòng lọng đón đầu con chó thật điêu luyện và thành thạo, rất ít khi đoán sai và tròng hụt. Con chó chạy qua, họ đã chụp là phải đúng, như những tay thiện xạ, bách phát bách trúng. Những kẻ hành nghề trộm chó, cũng hay dùng cách thức này để bắt chó.

Ngoài ra, chúng còn dùng tới bả, tức là tẩm thuốc độc vào một miếng thịt và ném cho chó ăn. Khi chó ngấm thuốc và rơi vào tình trạng hôn mê, chúng chỉ cần nhét chó vào bao, mang về xả thịt, rồi mang tới những quan thịt chó, vốn là mối ruột của chúng. Cách thức này thường mất toi bộ lòng, vốn dĩ là một món tuyệt vời của thịt chó, như người xưa vốn bảo :

- Sống trên đời, ăn miếng dồi chó,

  Xuống âm phủ, biết có hay không ?

Trong cuốn “Ăn trộm và nghệ thuật bắt trộm”, Toan Ánh đã ghi lại hai cách thức trộm chó của người xưa, mà gã đã liệt vào hạng…tuyệt chiêu, vậy xin được chép lại, kẻo mai mốt bị thất truyền, hậu duệ con cháu những kẻ trộm chó chẳng biết đâu mà mò.

Tuyệt chiêu thứ nhất được gọi là “mỹ cẩu kế”, dùng chó cái để bắt chó đực. Toan Ánh đã mô tả tuyệt chiêu này như sau :

Bọn chúng nuôi một hai con chó cái. Chúng ta thả những con chó cái này ra để bắt “cẩu tình” vời những con chó đực và giữa lúc chó đực đang say men tình chó cái, thì chúng gọi chó cái về. Lẽ tất nhiên chó đực đi theo… Đầu tiên, đến ngõ nhà nàng thì chó đực rút lui, nhưng sau không thấy gì nguy hiểm, thì theo hẳn vào trong nhà. Chó đực đâu biết mình đã đi vào chỗ chết. Tên trộm chỉ chờ chó đực vào nhà liền đóng cửa lại để hạ thủ.

Tuy nhiên, nhiều chó đực đi theo chó cái nhưng lại không chịu vào nhà ban ngày, mà chỉ thường đến vào ban đêm, đứng ngoài cửa mà…rít gọi. Đối với loại chó đực này, bọn trộm khóet một lỗ hổng ở tường, chỉ chui vừa con chó. Bên trong  chúng xích chó cái. Chó đực tới bên ngoài và rít lên để gọi. Chó cái ở bên trong cũng rít lên để trả lời. Chờ lâu không thấy bạn tình xuất hiện và thế là chó đực bèn chui qua lỗ tường. Tại đây, tên trộm đã rình sẵn. Và chó đực đi đời nhà ma.

Tuyệt chiêu thứ hai gã tạm gọi là “chó ơi là chó”. Có hai anh trộm chó đã nghĩ ra một mưu thật chiến. Mưu ấy như sau : Hàng ngày chúng dắt nhau ra cánh đồng, chỗ bàn dân thiên hạ đổ rác, cũng là nơi lũ chó thường tới để kiếm chút bổng lộc ngoài luồng.

Lợi dụng thói quen của lũ chó, một tên ngồi…ị, còn một tên vác vồ đi đi lại lại như  anh nông phu vác vồ ra ruộng đập đất. Chó mon men đến chờ và khi đã vục đầu vào xơi cái món nóng sốt ấy, thì chiếc vồ sẽ đập ngay vào đầu nó và nó chỉ còn đủ thời giờ để kêu lên hai tiếng ăng ẳng mà thôi.

Chẳng biết hai tên trộm áp dụng tuyệt chiêu này đã bắt được bao nhiêu chó, nhưng rồi ngày hôm ấy, cũng theo bài bổn cũ, một tên ngồi đồng, còn một tên vác vồ. Thế nhưng, tới lúc đập, vì bị hoa mắt nên tên vác vồ thay vì đập chó, thì đã đập tên ngồi đồng, khiên tên này lăn đùng ra bất tỉnh trên chính cái món nóng sốt hắn đã cho ra.

Ơi chó ơi là chó.

Để kết luận, gã xin kể lại sự việc một chú chó đáng được lưu danh đã làm. Báo Công An Thành Phố đã kể lại sự việc ấy như sau :

Một con chó cái giống Esquimaux đã cứu mạng một cháu bé mới chào đời tại Đài Loan. Chị Huang, hai mươi bốn tuổi, mang bầu tháng thứ chín, hôm Chúa nhật chị cảm thấy khó chịu nên đi vào phòng tắm, con chó của chị là Baby theo sau.

Trong phòng tắm, chị chuyển dạ bất ngờ, rồi sinh một bé trai. Chị cố xoay sở để cắt rốn bé bằng một chiếc kéo, nhưng không được và chị gục xuống sàn, kiệt sức đến nỗi không thể gọi người bạn cùng phòng giúp đỡ.

Nhưng con chó trung thành đã ngoạm cẳng chân đứa bé và cứu nó khỏi chết đuối. Khi đứa bé đã thở và khóc được nhờ con chó liếm mặt, Huang mới cố lấy hết sức gọi người tới giúp. Và đứa bé được cứu sống.

Đặc tính của chó là trung thành và tận tụy giúp đỡ chủ. Phải chăng đó cũng là những điều đáng cho chúng ta suy gẫm trong năm Bính Tuất này lắm chứ.