Home Phiếm Gã Siêu Nịnh Vợ

Nịnh Vợ PDF Print E-mail
Tác Giả: Gã Siêu   
Thứ Bảy, 12 Tháng 3 Năm 2011 10:31

Canh bả nấu dù là mặn chát, Cũng khen rằng: Ngọt mát em ơi!

 

Phàm đã là người, thì ai cũng thích được khen ngợi, cũng thích được ca tụng, cho dù những lời khen ngợi và ca tụng ấy chỉ có tính cách xã giao, thậm chí đôi khi còn mang tích cách giả dối và bôi bác, như một Cố Tây đã phát biểu:

- Thầy biết nó “pĩnh” thầy (dối gạt), mà thầy vẫn thích.

Khi được khen ngợi và ca tụng, chúng ta cảm thấy sung sướng như người được gãi đúng chỗ ngứa. Cánh mũi nở to như trái cà chua. Chúng ta thao thao bất tuyệt về những thành công, những chiến thắng của mình để cho bàn dân thiên hạ phải tâm phục khẩu phục.

Theo định luật kinh tế, đã có cung thì phải có cầu, hay ngược lại đã có cầu thì cũng phải có cung. Được ưa chuộng như thế, nên trong cuộc sống chúng ta thấy không thiếu gì những kẻ chuyên môn khen ngợi và  ca tụng người khác để thủ lợi. Hành động này được gọi là nịnh.

Thực vậy, nịnh là dùng những lời lẽ dịu ngọt để tâng bốc người quyền thế, để rồi sau đó nhờ vả chuyện nọ chuyện kia mà kiếm chút cháo, hay dèm pha hạ nhục và làm hại kẻ khác.

Ngày xưa trong chế độ quân chủ, thì nhà vua là người đứng đầu một nước, thay trời để trị dân, nên nắm trọn quyền hành trong tay. Vì thế, đã xuất hiện chung quanh nhà vua một đội ngũ nịnh thần đông đảo, để cầu mong được hưởng nhờ ơn mưa móc. Nhà vua nói cái gì cũng khen hay. Nhà vua làm cái gì cũng khen tốt. Không bao giờ dám bày tỏ ý kiến, hay lên tiếng can ngăn trước những sai lỗi của nhà vua.

Sách “Cổ học tinh hoa” kể lại rằng: Văn Quân, người đất Lỗ Dương, bảo Mặc Tử:

- Có kẻ nói với ta rằng trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, để thì im, gọi thì thưa, như thế có cho là trung thần được không?

Mặc Tử nói:

- Bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, như thế khác gì cái bóng? Để thì im, gọi thì thưa, như thế khác gì tiếng vang? Vua chúa mà dùng đến những kẻ như bóng, như vang thì còn được ích gì? Cứ như tôi đây mà gọi là trung thần thì khi vua nhầm lỗi, phải liệu cách can ngăn mà đưa vào điều thiện, khi mình có điều hay, thì phải tìm đường bày tỏ, mà không lộ ra ngoài; trên thì thành thực một lòng, một dạ với vua; dưới thì không a dua vào bè, kết đảng với ai; những sự tốt lành yên vui thì để phần vua hưởng, những điều oán thù, lo lắng thì mình hứng đựng. Có được như thế, thì tôi mới cho là trung thần.

Tác giả cuốn sách đã thêm vào một lời bàn như thế này:

Người nào mà ngôn ngữ, hành vi đã theo mình như cái bóng, như tiếng vang, thì một là kẻ ngu xuẩn, hai là kẻ xiểm nịnh. Kẻ ngu xuẩn là hạng kém làm không nên việc, còn kẻ xiểm nịnh thì có ý chiều mình để kiếm lợi. Hai hạng người này chẳng những mình không mong cậy gì được, mà còn nguy hại đến mình nữa.

Cho nên đạo làm vua, mà nói rộng là cả đạo dùng người, phải biết kén những người dám can ngăn điều dở của  mình, bày tỏ điều hay của họ, quên thân mà hết lòng với mình, thì mới là những người có ích, giúp mình được việc vậy.

Bước sang chế độ dân chủ, những người lãnh đạo quốc gia thường là chủ tịch, tổng thống, thủ tướng…nắm trong tay quyền lực và vận mạng của đất nước. Vì thế, chung quanh họ cũng không thiếu những kẻ nịnh bợ, luồn cúi. Có một thời, họ được thiên hạ ưu ái tặng cho cái tước hiệu là “gia nô”, nhất là đám nhà báo.

Thực vậy, những ký giả được liệt vào hàng “gia nô” thường được thuê viết những bài ca tụng chế độ, bênh vực nhà nước…thậm chí trong những cuộc họp báo, họ còn được gài trước những câu hỏi, để chỉ hỏi những điều mà nhà nước muốn nói, muốn thông báo, muốn răn đe mà thôi, đồng thời họ sẽ chiếm lãnh trọn thời gian, để phe đối lập không thể lên tiếng được. Phải chăng đó cũng là một độc chiêu, vừa tinh vi lại vừa hiệu quả, hầu  bịt miệng phe đối lập, để họ không tìm được cơ hội phản đối công khai hay bày tỏ quan điểm chính đáng của mình.

Nói theo ngôn ngữ hiện nay, thì những sự nịnh mà gã vừa mới viết ở trên được coi là “vĩ mô”, nghĩa là ở vào một phạm vi rộng lớn, phạm vi “quốc gia đại sự”. Còn trong lãnh vực “vi mô”, lãnh vực nhỏ bé, gã ghi nhận được một vài kiểu nịnh thật là…dễ thương.

Trước hết là…nịnh đầm. 

Đề tài này gã bàn đến một lần rồi, nên chỉ xin tóm lại tí chút mà thôi. Chữ đầm ở đây, bắt nguồn từ chữ “dame” trong tiếng Pháp, có nghĩa là bà. Vì thế, nịnh đầm nói riêng là nịnh các bà, còn nói chung là nịnh đờn bà con gái. Đây là cách cư xử, mang nặng ảnh hưởng của phương tây, luôn tỏ ra lịch sự và mau mắn đối với phụ nữ. Thái độ này không phải chỉ được biểu lộ bằng lời nói, mà còn được biểu lộ bằng việc làm và lúc đó người ta gọi đó là…ga lăng.

Trước hết ga lăng là lịch sự đối với đờn bà con gái.

Chẳng hạn: Một phụ nữ bụng mang dạ chửa, mệt mỏi bước lên xe buýt. Trên xe đã hết chỗ. Bỗng nhiên có một chàng thanh niên rời khỏi ghế của mình, nhường chỗ cho chị ấy ngồi, lại còn cất túi hành lý cồng kềnh của chị ấy vào nơi an toàn nhất với những lời lẽ nhẹ nhàng. Ga lăng như vậy là một hành vi thực sự có giá trị. Nó làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp và thú vị. Đồng thời nó còn làm nên cái phong cách đáng yêu của con người nữa.

Tiếp đến ga lăng là hào hoa, cư xử đẹp đối với đờn bà con gái.

Chẳng hạn : Một cô gái đi xe may, chẳng may bị té ngã, đồ đạc rơi vãi tứ tung. Một chàng trai thấy vậy vội dừng xe lại, cẩn thận nhặt hết đồ đạc lại cho cô, rút khăn lau vết bẩn trên cánh tay cô và ân cần hỏi han xem cô  có cần giúp đỡ gì  nữa khong. Chỉ khi cô trở lại trạng thái bình thường, chàng trai mới chịu lên xe và đi tiếp. Thái độ của chàng trai thật ga lăng và đáng khâm phục, vì đã tỏ ra chu đáo, biết hy sinh vì người khác.

Sau cùng “ga lăng” còn có nghĩa là hào phóng, chi tiêu một cách rộng rãi đối với đờn bà con gái.
Chàng sẵn sàng bỏ tiền ra để mời nàng đi ăn, đi siêu thị. Chàng sẵn sàng bỏ tiền ra để mua tặng nàng những món quà đắt giá vào ngày tình yêu, ngày sinh nhật…Những món quà này phần nào biểu lộ sự quan tâm chăm sóc, cũng như tình yêu của chàng đối với nàng.

Nịnh đầm hay ga lăng như thế quả thật là dễ thương!

Tiếp đến là nịnh vợ

Tuy nhiên còn một thứ nịnh, không phải chỉ dễ thương mà thôi, nhưng còn rất đáng yêu và đáng mến nữa, đó là nịnh vợ.

Lang thang trên mạng, gã thấy bàn dân thiên hạ cũng đã tốn khá nhiều nước bọt, cũng như giấy bút để trao đổi về vấn đề này. Gã xin lượm lặt những kinh nghiệm quí giá ấy để cùng nhau chia sẻ.

Trên trang “Dân Trí”, một tác giả đã viết: Phụ nữ lúc nào cũng thích những lời mật ngọt. Được yêu chiều, nàng sẽ còn đền đáp bạn nhiều hơn. Vậy bạn chớ có so đo, tiếc gì mấy lời vàng ngọc khen tặng vợ, bạn sẽ “thu về” nhiều hơn đấy.

Sau đó tác giả đã đưa ra những việc cần phải làm ngay, được gọi là “tuyệt chiêu nịnh vợ”:

1- Khen nàng đảm đang: Không phải nàng nào cũng giỏi nữ công gia chánh. Nếu nàng có lòng, mà chưa đủ khả năng để nấu cho bạn một bữa thật ngon, thì đầu tiên là hãy cứ ghi nhận, rồi cố tìm ra một điểm gì đó để khen, hay ít nữa cũng tìm cách động viên.

2- Khen nàng xinh đẹp: Lời khen này chính là một liều thuốc tiên đem lại hậu quả có thật cho sắc đẹp của nàng đấy.

3- Chiều theo sở thích đặc biệt của nàng: Không phải lúc nào bạn cũng phải chiều chuộng nàng một cách vô tội vạ, nhưng biết chọn điểm mà chiều, thế nào nàng cũng cảm động và yêu bạn hơn, lại không dám “được đằng chân lân đằng đầu”.

4- Cho nàng làm nũng: Đó là những lúc nàng muốn tỏ vẻ nữ tính chút xíu, muốn lại được làm trẻ thơ nũng nịu tựa vai chồng, để thấy mình không già, không nhiều lo toan và gánh vác.

5- Giúp việc nhỏ: Khi làm bếp, nàng toát lên một vẻ đẹp mặn mà với những giọt mồ hôi duyên dáng lấm tấm trên trán, đôi má ửng hồng. Nếu bạn muốn nhân dịp này nhìn ngắm nàng, thì đừng chần chờ, hãy đến bên nàng cùng nhặt rau, chuyện trò như đôi chim non ngày mới yêu vậy.

Trên trang “Gia Đình”, một tác giả, phỏng theo báo “Tiền Phong”, đã viết như sau: Vợ chồng đầu gối tay ấp, ai mà chẳng muốn nghe những lời nói ngọt ngào từ phía người bạn đời. Các nhà tình dục học đã tổng kết thành mười câu nịnh vợ đắt giá nhất, mười câu nói của các ông chồng được hầu hết các bà vợ khoái chí, đó là:

1- Hôm nay em có dễ chịu không? Nghe bạn hỏi câu này, nàng rất “mát lòng mát dạ” vì nó chứng tỏ bạn quan tâm đến nàng. Nhưng để được nàng cảm động thực sự, bạn cần kiên nhẫn lắng nghe nàng kể lể “đầu cua tai nheo” những gì liên quan đến nàng. Chớ dại hỏi cho qua chuyện rồi lẩn sang vấn đề khác.

2- Trông em thật hấp dẫn. Chắc chắn nàng rất sung sướng khi nghe bạn nói như vậy. Tuy nhiên lời khen này sẽ phản tác dụng, nếu bạn là người có tiền sử thích chê bai và cạnh khóe nàng.

3- Em cảm thấy thế nào? Câu hỏi này chứng tỏ bạn rất kính yêu và quan tâm tới cảm nghĩ và tư tưởng của nàng.

4- Em xinh hơn cả đám bạn bè của em đấy. Lời nói này ngọt như mía lui, chắc chắn sẽ rất lọt tai nàng. Nhưng chẳng may nàng không mấy nhan sắc, thì bạn hãy “liệu hồn”. Nàng có thể cho bạn “biết tay”, nếu đó là lời khen không xuất phát tự đáy lòng.

5- Vợ anh quả là khôn ngoan hơn người. Nàng sẽ vô cùng cảm kích vì bạn không chỉ quan tâm tới ngoại hình, mà còn nể phục trí tuệ của nàng.

6- Em thật tuyệt. Dành cho những lúc riêng tư, hai người thì thầm với nhau.

7- Anh muốn sống  bên em trọn đời. Lời nói này có giá trị nhân ngày sinh, ngày cưới của nàng, vì đây là lời thề thốt cảm động nhất nàng nhận được từ nơi bạn.

8- Em là người bạn tốt nhất của anh. Hãy nói câu này sau khi hai người đã đồng lao cộng khổ trong  những khúc quanh lận đận của cuộc đời. Nàng sẽ cảm nhận đó là lời nói của trái tim, của tình yêu…

9- Em chắc chắn sẽ là người mẹ tốt. Lời nói này sẽ động viên nàng khi hai người dự tính sinh em bé.

10- Em làm cho cuộc đời anh hanh phúc. Nàng sẽ cực kỳ sung sướng và tự hào khi thấy mình là người đàn bà “vượng phu  ích tử”.

Trên trang VnEpress, Mai Nguyên đã dựa theo Telegraph, AFP, bình chọn Tổng thống Pháp là người biết nịnh vợ một cách tế nhị:

Sau ba năm chung sống, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lên tiếng khen ngợi đệ nhất phu nhân Carla Bruni và tiết lộ người vợ thứ ba này gây ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của ông. Ông nói trên tạp chí Le Point:

- Quan điểm của cô ấy nới rộng tầm nhìn cũng như những suy nghĩ của tôi.

Và ông nói thêm:

- Chúng tôi có một cuộc sống bình lặng và ổn định. Tôi không có điều gì để phàn nàn. Cô ấy thật tuyệt.

Tuy nhiên, trong các bài đã đọc, ga thích nhất bài thơ “Thuật nịnh vợ” của trang “Trọng Tuấn – Thu Nga”. Bài thơ khá dài, nên gã chỉ xin tán ra tán vào, tán vào tán ra một số đoạn mà thôi.

Trước hết tác giả xác quyết: Cho dù cuộc đời bạn có long đong vất vả, cho dù nàng của bạn có thuộc vào hàng “sư tử Hà Đông”, nhưng nếu khéo nịnh, chắc chắn bạn sẽ vượt qua được mọi cửa ải:

- Thân trai cũng mười hai bến nước,
   Nặng nỗi lo vô phước gặp “chằng”.
  Thế nhưng, chuyện chẳng khó khăn,
  Miễn là khéo nịnh, khéo ăn, khéo làm.

Vốn biết rằng đường vào tình yêu của anh chồng phải đi ngang qua cái bao tử và nữ công gia chánh vốn là nghề riêng của nàng, vì thế bạn cần phải cộng tác để phát triển cái nghề ấy cho nàng, đồng thời cũng phải biết mở miệng không phải chỉ để ăn, mà còn để khen những món nàng đã dọn:

- “Mần cho tuyệt cần phải nghệ thuật,
  Đòi hỏi mình nên rất “ga lăng”.
  Khi mà bà xã nấu ăn,
  Xắt hành xắt tỏi lăng xăng phụ bà.
  Canh bả nấu dù là mặn chát,
  Cũng khen rằng: Ngọt mát em ơi!
  Thức ăn dù chẳng muốn xơi,
  Cũng gồng cái miệng nuốt trôi cho rồi.

Trong cuộc sống đời thường, hãy tỏ ra quan tâm chăm sóc tới nàng bằng những việc làm tuy nhỏ nhặt, nhưng lại đậm đà yêu thương:

- Khi tan sở, về nơi tổ ấm,
  Dù vợ nhà chưa tắm cũng hôn,
  Khen rằng: Mít chín chẳng hơn,
  Thơm sao mà cả tâm hồn ngất ngây.
  Khi thấy vợ mặt mày ủ dột,
  Phải khôi hài theo mốt Văn Chung.
  Đang đi bỗng té cái đùng,
  Để cho mặt vợ sáng trưng nụ cười.
  Khi bả bị trở trời, nhức mỏi,
  Đừng làm lơ, phải hỏi, phải han.
  Bắt bà nằm sấp, chân dang,
  Trổ tài đấm bóp nhiều màn mê ly…
  Thấy vợ có lai rai tóc ngứa,
  Lấy nhíp ra, ngồi tựa bên nàng,
  Nhổ từng cọng tóc ngả vàng,
  Cho nàng đã ngứa, mơ màng mắt nhung.

Nàng là phái đẹp, nên bạn đừng bao giờ phàn nàn vì nàng đã mất nhiều thời giờ cho công việc làm đẹp, cũng như đã tốn nhiều tiền bạc để tân trang ngoại hình, đúng như một câu danh ngôn đã bảo:

- Đàn bà con gái mà không biết làm đẹp, thì không còn phải là đờn bà con gái nữa.

Mỗi khi được khen là xinh, là đẹp, nàng sẽ sung sướng đến tận tâm can tì phế:

- Khi thấy vợ kẻ mi, vẽ mắt,
  Phải ngắm nhìn rồi gật gù khen.
  Khen rằng: Nguyệt thẹn, hoa ghen,
  Dung nhan em rất “ăn đèn” em ơi!
  Khi bả muốn vào nơi mỹ viện,
  Mà túi tiền chẳng tiện bỏ ra.
  Nịnh rằng: Em đẹp thướt tha,
  Sửa chi cho mất…cái mà anh yêu.

Bài thơ còn dài và còn nhiều đoạn mê ly hấp dẫn, nhưng bằng đó mà thôi cũng đã đủ cho chúng ta thấy để tien tới tình trạng nghệ thuật, thì sự nịnh của các anh chồng phải thiên biến vạn hóa, mỗi trường hợp phải có được một lời nịnh khác nhau, cũng như mỗi hoàn cảnh phải có được một lời nịnh cho phù hợp.

Tóm lại, nếu đem ra thực thi những kinh nghiệm trên, gã tin rằng nghệ thuật nịnh vợ của các anh chồng sẽ đi đến chỗ tuyệt vời, hơn cả ông Tổng thống Pháp, mái ấm của họ sẽ đầy ắp tiếng cười rạng rỡ và bản thân họ sẽ được phong tặng huân chương…siêu nịnh!

Gã Siêu   This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it