Tết PDF Print E-mail
Tác Giả: Gã Siêu   
Thứ Tư, 02 Tháng 2 Năm 2011 23:01

Bây giờ là buổi chiều cuối năm, nắng vàng rơi rụng, làm cho những ý nghĩ xám xịt cứ lãng đãng trong đầu óc gã, khiến cho gã phải thờ dài thườn thượt như người xưa :

- Ôi nhân sinh là thế ấy,
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.

Thời gian thấm thoát tựa thoi đưa, tựa ngựa hồng qua khung cửa. Một khi đã chắp cánh bay đi thì chẳng bao giờ trở lại. Nó giống như dòng sông, làm sao có thể chảy ngược về nguồn. Nó cũng lững lờ trôi, chẳng cần chờ ai mà chẳng cần ai chờ nó :

- Xoay vần ngày tháng thoáng qua
Năm kia nào có đợi ta bao giờ.

Chính trong những ý nghĩ xám xịt ấy, mà gã lan man, tản mạn nghĩ về cái tết.

Vậy tết là đí gì ?

Trước câu hỏi này, gã phải vác tự điển ra tra cứu, vì sự hiểu biết của gã về vấn đề này rất là “lơ tơ lơ mơ”.
Theo “Việt Nam từ điển” của lê văn Đức, thì tết là ba ngày đầu năm âm lịch. Đồng thời nó còn chỉ khoảng cách thời gian trước và sau ba ngày này.

Thí dụ như khi tôi nói chợ tết, thì phải hiểu chợ được nhóm trước tết, chứ sau tết thì chỉ còn là chợ bán những đồ ế, của thừa mà chớ…

Điều rắc rối là về ngày. Khi ta bảo hai mươi chín tết phải hiểu là trước. Trái lại, khi ta nói những ngày còn ở trong… mùng, như mùng bảy, mùng tám, mùng mười, thì tất ráo cả đều là sau tết.

Ngoài ra, tết còn chỉ những ngày lễ lớn trong năm, như tết trung thu… Hay chỉ hành động xách đồ vật đi biếu nhân ngày tết :

- Mồng một tết cha,
Mồng hai tết chú
Mồng ba tết thày.

Trong khi đó, theo : “Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển”, của Trịnh văn Thanh, thì thời gian ăn tết co dãn như cao su và thường được kéo dài ra nhiều hơn. Đó là tám ngày đầu năm.

Ngày xưa các cụ cho mỗi ngày thuộc một giống khác nhau. Mùng một thuộc gà, mùng hai thuộc chó, mùng ba thuộc heo, mùng bốn thuộc dê, mùng năm thuộc trâu, mùng sáu thuộc ngựa, mùng bảy thuộc người và mùng tám thuộc thóc.

Vì thế, vào dịp tết người ta thường nghỉ sáu ngày, đến ngày mùng bảy thuộc người, được kêu là khai hạ, mới bắt đầu làm việc.

Chẳng hạn như gã, sống bằng nghề cạo giấy, thì ngày mồng bảy thể nào cũng phải bắn một điếu thuốc lào, thả hồn theo khói, rồi tay cầm bút nguệch ngoạc vài dòng, gọi là “khai bút” lấy hên cho năm mới.

Riêng quí vị thất nghiệp, ưa ngáp vặt, ngồi chơi xơi nước, thì còn nghỉ mút chỉ hơn nữa:

- Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu,
Tháng ba trồng cà.

Gã biết một nhóm bè bạn, gồm đúng mười hai tên, được gọi là “thập nhị sứ quân”. Họ nhậu xoay vòng, cứ ngày mồng bảy âm lịch mỗi tháng là đến “lai rai” tại nhà một tên, thành thử suốt năm họ đều…ăn tết cả.
Xong chuyện thứ nhất, bước tới chuyện thứ hai. Vậy trong cả và thiên hạ, người ta ăn tết ra làm sao ?

Mỗi lần nghĩ về cái tết, dân khố rách áo ôm như gã thường thở dài ngao ngán, như người xưa đã diễn tả:

- Tết đến,
Ông vải thì mừng, con cháu thì lo.

Đúng thế, ông vải thì mừøng bởi vì được tưởng nhớ, được cúng vái và nhất là được hưởng… hương khói.
Trong khi đó, con cháu thì lo bởi vì phải sắm sửa trăm thức bà giằng.

Còn hôm nay, gã có thể đổi lại câu nói trên một tí xíu :

- Tết đến,
Con nít thì mừng,
Người lớn thì lo’’.

Thực vậy, con nít thì mừng bởi vì sẽ được nghỉ học, sẽ được tiền lì xì, sẽ được mặc quần áo mới, sẽ được ăn thịt và còn nhiều cái khác ‘’sẽ được’’ khác nữa…

Trong khi đó, người lớn thì lo, lo đến toát cả mồ hôi hột, bởi vì trăm dâu đổ đầu tằm, bao nhiêu chi phí đều cậy nhờ vào ‘’cái hào bao’’ đang độ rỗng tuếch…

Trước tết thật lâu, thằng bạn gã đã hối bà xã mua hoặc may cho quí vị con nít, mỗi nhóc tì một bộ quần áo mới. Vì lúc bấy giờ vải còn rẻ và tiền công chưa mắc. Hay âm thầm sắm những bộ đồ “sida” đem về giặt ủi y như mới, rồi cất kỹ đến tết mới phô ra cho chúng.

Ngày ba mươi tết, bà xã hắn cứ thấp thỏm muốn đi chợ thật sớm, thế là hắn bèn phải vắt óc tìm đủ một ngàn lẻ một lý do để cản chân bà ta lại, khiến bà ta đi chợ muộn hơn thường lệ, bởi vì từ giờ ‘’ngọ’’ tức là vào khoảng giữa trưa , thịt thà, đường mứt và hoa kiểng đều rẻ… chỉ tội nó hơi kém tươi, hơi kém ngon một chút mà thôi.

Nhưng nào có can chi, bởi vì hắn lý luận:

- Của không ngon,
Nhà nhiều con cũng hết.

- Phải giả bộ đủng đỉnh cho qua ba ngày tết để lấy vải thưa che mắt thiên hạ, khỏi nhìn thấy cái rách mát te tua của mình.

Hắn cũng giống như một cô gái được ông thày bói sờ mu rùa, gieo quẻ mà phán :

- Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ba mươi tết có thịt heo trong nhà

Miễn là có hoa kiểng, có bánh mứt, có thịt thà cá mú để ‘’lên mặt với đời’’ còn phẩm chất của chúng ra sao thì thôi, kệ bà chúng. Méo mó có hơn không. Thói đời vốn thường vậy kia mờ :

- Chí cha chí chát khua giày dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là.

Tính toán chi li như vậy, hẳn gã sẽ phải phong hắn lên hàng ‘’trùm sò’’ mất thôi. Nhưng đành chịu vậy. Cái khó bó cái khôn, biết nói sao bi giờ.

Ngoài những mua sắm cần thiết cho cái mặc, cái ăn, cái uống… cả năm đầu tắt một tối, thì cũng phải phong lưu ít ra trong ba ngày tết cho bõ ghét.

Rồi sau đó, lại cúi gầm mặt xuống, tiếp tục kéo cày trả nợ cho cuộc đời mà vẫn cảm thấy hả lòng hả dạ, mát ruột mát gan.

Phải, ngoài những chi phí kể trên, là xếp trong gia đình, hắn còn phải dành cả một ngân khoản, cả một số tiền… khơ khớ, để lì xì.

Ngày xưa hắn vui mừng vì được lì xì bao nhiêu thì bây giờ hắn lại xót ruột, nhót gan và ỉu xìu bấy nhiêu vì phải lì xì.

Lì xì cho con nít còn đơ đỡ một chút. Nhưng con nít thời nay khôn hơn con nít thời xưa. Qua mặt nó bằng đồng tiền ‘’mới mà nhỏ’’ là không xong, thế nào nó cũng đòi cho được đồng tiền to, có cũ một tí cũng chẳng nhằm nhò gì.

Phiền nhất và đau nhất là phải lì xì cho những cặp vợ chồng “đỏ” đi tết mới. Đây cũng là dip để họ ‘’bù lỗ’’ cho đám cưới.

Theo phong tục quê gã, đồ lỡi thường là một cặp rượu, một cặp bánh chưng, một ký đường… hay thế nào thì tùy hỉ, không cần thiết lắm. Đồ lỡi chỉ có tính cách nghi thức tượng trưng và trình diễn, vì sau đó anh chị được lấy lại và đem sang nhà khác, miễn sao bày biện cho đẹp mắt và dễ coi.

Riêng phần khổ chủ, phải mở hào bao lì xì. “Bèo” quá thì không được, bởi vì đây sự góp vốn đầu đời cho anh chị mới làm ăn. Nhưng “khơ khớ” một chút thì không cáng đáng nổi. Thử hỏi, dịp tết mà có chừng hai mươi cặp đến tết mới, nhận họ nhận hàng, thì quá là nguy tai, và… vỡ nợ !

Gã là kẻ có khiếu ăn, mà chẳng có khiếu nói, bởi vì tinh thần ăn uống được Chúa ban cho ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Do đó, những lời chúc hay những câu “đáp lêã “, gã thường phải nhẩm trước trong bụng.

Nhớ lại hồi còn bé, sáng mồng một tết thật là vui. Thày mẹ gã ở nhà để nhận đồ lỡi, còn anh em gã phải hớn hở vác đồ lỡi đi tết ông chú bà bác, những người ở… vai trên.

Trước khi đi, mẹ gã thường gài cho một lời chúc, bắt phải học thuộc lòng như sau :

- Năm hết tết đến, thày mẹ chúng cháu cho chúng cháu đến tết hai bác, cầu chúc hai bác trong năm mới được… vân vân và vân vân…

Lớn lên, gã thường phải “vắt chân lên trán” để phệu ra những lời chúc thật dí dỏm, vừa để cười thầm một chút vừa để chọc ghẹo thiên hạ cho vui cửa vui nhà.

Thí dụ năm Canh Mùi, cầm tinh con dê, gã bèn mở miệng :

- Trước thềm năm mới, xin chúc chị năm con dê… nhiều may mắn.
Hay :

-Xuân về, chúc anh năm con… dê nhiều… may mắn.

Chúc như vậy, thì cứ liệu hồn đấy, không chừng sẽ được ăn đòn hội chợ đến phù cả mỏ ra. Tuy nhiên, có những câu chúc mà ngày nay xét ra không còn hợp thời nữa.

Thí dụ :

- Chúc cho anh chị mới, đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái… hay đẻ “tốc hành” theo kiểu cá cặp, sinh đôi, sinh ba...

Chúc như vậy là đi ngược lại với đường lối và chủ trương của nhà nước, vì nhan nhản ngoài đường phố thấy những tấm bích chương với khẩu hiệu :

- Vợ chồng son hai con là đủ.

- Dù gái hay trai,
Hai con là đủ.

Hơn nữa, nếu nhiều quá thì vợ chồng trẻ cũng khó mà khan nổi giữa thời buổi gạo châu củi quế này.
Dịp tết, ai cũng mong được nhiều may mắn. Người ta kiêng cữ đủ thứ để tránh cái xui cái xẻo. Người ta lên chùa hái lộc để rước vận may. Người ta đi xem bói, chấm lá số tử vi để biết được thêm một tí tẹo về hậu vận.

Bởi vì, như dân Thổ Nhĩ Kì đã bảo :

- Tương lai giống như người đàn bà mang thai, chẳng hiểu bà ta sẽ đẻ ra con trai hay con gái.

Câu danh ngôn này, hôm nay xem ra đã “xưa rồi Diễm ơi”, bởi vì nhờ siêu âm người ta biết rằng bà xã sẽ sinh con trai hay con gái từ lúc bào thai còn bé tẹo tèo teo.

Nhưng tương lai hậu vận thì vẫn còn mù tịt. Gã sẽ treo giải thưởng, còn đắt giá hơn giải Nobel, cho ai sáng chế ra chiếc máy dò tìm và xác định được tương lai hậu vận.

Bây giờ thì gã đành phải mượn lời của Tú Mỡ mà long trọng cầu chúc :

- Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

- Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Đứa thì mua chức đứa mua quan
Phen này thì ông quyết đi buôn lọng
Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng


Còn rất nhiều chuyện để nói về ngày tết, nhưng cứ lông bông, nói dông nói dài, thì sợ bị thiên hạ kê ngay tủ đứng vào miệng :

- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Vì thế, gã xin trở lại với những ý nghĩ xám xịt lúc ban đầu.

Nếu trong chuyện Kiều, Nguyễn Du đã bảo :

- Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Cùng theo thể thức ấy, gã liền phệu :

- Chữ tết liền với chữ chết một vần.

Một ông thi sĩ nào đó đã viết :

- Yêu là chết trong lòng một tí.

Còn gã, gã cũng có thể phệu :

-Tết là chết trong đời một tí.

Đúng thế, trong dịp tết này rất nhiều người sẽ chết.

Phải, họ chết vì rượu bởi vì họ uống tới tình trạng say xỉn, ngoắc cần câu. Rất may cái chết này chỉ là một cái chết tạm thời, bởi vì người ta sẽ tỉnh lại sau cơn say.

Có những chàng trai và cô gái sẽ chết vì đua xe, vì đụng xe hay vì lạng lách trên đường phố. Rất may cái chết này chỉ dành cho một số ít, đó là những cô chiêu cậu ấm, ăn no dửng mỡ… mà đứt bóng !

Nhưng quan trọng hơn vẫn là cái chết chung cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Thực vậy, một năm mới sắp tới, cũng có nghĩa là một năm cũ sắp qua đi trong dòng chảy cuộc đời. Cây nến hồng cuộc sống sẽ ngắn lại một chút, bởi vì mỗi cái tết là một bước tiến gần đến cái chết, để rồi một lúc nào đó, cây nến hồng ấy sẽ phụt tắt.

Tết là chết trong đời một tí.

Mới ngày nào, gã còn trẻ trung, khỏe mạnh và yêu đời, thế mà hôm nay đã phải cõng trên vai một tí tuổi. Tết đến, gã sẽ già hơn một chút.

Với tí tuổi mang nặng, gã cảm thấy lưng oằn xuống, thân xác giở quẻ với những chứng bệnh mà gã không ngờ trước. Cuối cùng, thuyền đời sẽ cặp bến, nhưng bến đục hay bến trong ? Điều đó lệ thuộc vào cuộc sống hiện tại của gã.

Lúc này gã đã nghĩ trước một điều ước, để trong đêm giao thừa, lỡ có một bà tiên, hay một cô tiên thì càng tốt, quá bộ đến vỗ vai và bảo :

-Hãy ước một điều.

Hẳn gã sẽ trả lời liền tù tì như sau :

- Xin cho gã được làm con nít mãi mãi.

Hồi còn bé, gã chỉ mong ước được làm người lớn, để khỏi phải đi học, khỏi phải bị mắng, khỏi phải bị khua dậy đi lễ… mặc sức la hét om sòm cũng như ngủ nuớng và tết đến lại còn “sẽ được” nhiều thứ.

Gã thường hay hỏi ông ngoại :

- Làm thế nào cho tuổi mới nó vào ?

Ôâng ngoại xoa đầu gã, rồi mỉm cười và nói :

- Đêm giao thừa hãy chổng mông lên.

Thằng bé mê ngủ quên cả chổng mông, thế mà tuổi vẫn vào ào ào và xác vẫn lớn.

Bây giờ gã mới thấy :

- Mơ làm người lớn quả là điều dại dột, bởi vì người lớn phải nghĩ nhiều, phải lo nhiều, phải làm nhiều và nhất là… chóng về chầu trời.

Viết tới đây, gã bỗng nghe thấy tiếng hát của Hồng Nhung với chiếc răng khểnh vọng lên từ chiếc “cát xét” của quán nước bên nhà hàng xóm được vặn hết cỡ thợ mộc điếc cả lỗ nhĩ và rát cả con ráy :

- Em không muốn làm người lớn đâu anh,

Ứ hư….ứ hư…