Ăn Chay |
Tác Giả: Gã siêu | |||
Thứ Bảy, 06 Tháng 3 Năm 2010 10:20 | |||
Một khi bụng đã đói, thì mắt liền mờ tịt và tay chân bỗng bủn rủn, thậm chí con ruồi đậu vào mép cũng chẳng buồn xua Ăn chay là một trong số những việc làm đạo đức quan trọng mà hầu như tôn giáo nào cũng thực hiện. Tuy nhiên, cách thức giữ chay lại khác biệt tuỳ theo chủ trương của mỗi tôn giáo. Chẳng hạn theo Phật giáo, ăn chay là ăn và uống những thứ có nguồn gốc từ thực vật, không được ăn thịt cá hay những thứ có nguồn gốc từ động vật vì liên quan đến việc sát sinh. Thực vậy, với quan niệm về luân hồi, sau khi chết, tuỳ theo công phúc mình đã làm khi còn sống, mà được đầu thai làm kiếp loài vật hay loài người, cho tới khi được lên cõi Niết Bàn. Thời gian ăn chay được gọi là trai kỳ, nhiều hay ít tuỳ theo lòng mộ mến của mỗi người: * Nhị trai là ăn chay 2 ngày mỗi tháng: Mùng 1 và 15 âm lịch. * Tứ trai là ăn chay 4 ngày mỗi tháng: Mùng 1,14,15 và 30, nếu tháng thiếu, thì lấy ngày 29. * Lục trai là ăn chay 6 ngày mỗi tháng: Mùng 1,8,14,15,23 và 30, nếu tháng thiếu thì lấy ngày 29. * Thập trai là ăn chay 10 ngày mỗi tháng: Mùng 1,8,14,15,18, 23,24,28, 29 và 30, nếu tháng thiếu thì lấy các ngày 27.28. và 29. * Nhất nguyệt trai là ăn chay suốt một tháng. * Tam nguyệt trai là ăn chay suốt ba tháng. * Ăn chay trường là ăn chay suốt cả đời. Phật tử được khuyến khích ăn chay vào những ngày 1,14,15 và 30 vì đó là những ngày mở cửa âm và các linh hồn được tự do! Đối với Hồi giáo, thì có tháng “Ramadan”. Tháng này được bắt đầu một cách thống nhất, từ ngày 13.9 cho toàn thể cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới. Nhiều người thường gọi một cách đơn giản tháng Ramadan là “tháng nhịn ăn”, hoặc “tháng ăn chay”, nhưng cả hai cách gọi đều không chính xác cho lắm, bởi vì các tín đồ Hồi giáo thực sự không ăn chay và cũng không nhịn ăn, bởi vì nếu nhịn ăn suốt cả một tháng, thì e rằng khó mà sống nổi. Trong tháng này, tất cả các tín đồ Hồi giáo đều thực hiện nghiêm túc qui định: Không ăn, không uống, không hút…nghĩa là không được đưa bất cứ thứ gì vào miệng. Tuy nhiên, qui định này chỉ được áp dụng vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn mà thôi. Ngoài ra, luật cũng qui định: những người đau ốm, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi…đều được miễn trừ, không phải nhịn. Việc nhịn ăn và nhịn uống như thế có mục đích tạo sự thông cảm với những người nghèo đói, đồng thời tập luyện sự tiết chế, chống lại những cám dỗ về vật chất. Chúng ta thử tưởng tượng xem: Với thời tiết nóng và khô của sa mạc, thế mà suốt ngày trong cả tháng không được động đến một giọt nước, thì đó phải là một hy sinh to lớn. Tuy nhiên khi mặt trời đã lặn và tiếng loa từ các giáo đường vang lên, người ta lại được phép tổ chức tiệc tùng và ăn uống linh đình, như kiểu xứ ta ăn tết. Theo một thống kê của Ai Cập, thì lượng thực phẩm tiêu thụ trong tháng Ramadan thường gấp 2, gấp 3 lần các tháng khác trong năm. Rồi vào lúc 2 hay 3 giờ sáng, mỗi khu phố lại có một người mang một cái trống nhỏ, tiếng rất đanh, vừa đi vừa đánh theo nhịp ngũ liên, lại vừa hô to để đánh thức mọi người thức dậy, lo nấu nướng cho kịp ăn uống trước khi mặt trời mọc, để bắt đầu một ngày nhịn mới. Còn bên Do Thái giáo, thì ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức. Người Do Thái có một cuộc “đại chay”, nhân ngày lễ xá tội. Đây là một việc bắt buộc mang tính cách cá nhân đối với mọi thành phần Dân Chúa. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày quốc hận. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy giả và những người Biệt Phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Sau cùng là Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng. Ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách thức chống lại những ham muốn xác thịt và tỏ lòng sám hối ăn năn, quay trở về cùng Thiên Chúa. Người Công giáo phân biệt giữa “ăn chay” và “kiêng thịt”, nhưng trong thực tế hai việc này lại thường đi đôi với nhau. Ăn chay là giới hạn phần lương thực được tiếp nhận vào cơ thể. Chỉ được ăn một bữa no và hai bữa đói mà thôi. Còn kiêng thịt là không được ăn thịt những động vật máu nóng như heo, bò, gà…nhưng lại được phép ăn cá, tôm, cua, ếch và các thứ hải sản vì chúng thuộc vào loại máu lạnh! Tuy nhiên trứng, sữa và những chế phẩm từ thịt có máu nóng, đều không phải kiêng. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần của việc ăn chay, đôi khi ăn ít hơn hay ăn đạm bạc hơn bình thường cũng được cho là một hình thức ăn chay. Đồng thời Giáo Hội khuyến khích nên dùng số tiền do việc hy sinh ăn uống này, để giúp cho những người nghèo túng. Những người đạo đức sốt sắng có thể ăn chay ngày thứ sáu trong tuần và 40 ngày trong suốt cả mùa chay. Tuy nhiên hiện nay, chỉ buộc phải giữ hai ngày, đó là thứ tư Lễ tro và thứ sáu Tuần Thánh mà thôi. Mặc dầu mỗi năm chỉ có hai ngày ăn chay, thế nhưng người ta lại hay bị “cám dỗ” để rồi mất chay, hay mất ý nghĩa của ngày ăn chay. Đúng thế, bên Tây phương, người ta thường cử hành lễ hội “Mardi gras”, tức là “Thứ ba béo”, ngày cuối cùng trước khi bước vào mùa chay. Trong ngày này, người ta tổ chức tiệc tùng linh đình, ăn uống cho thật đã, để bù lỗ cho bốn mươi ngày khắc khổ sắp tới. Người ta múa hát tưng bừng, nhảy nhót cho thật xả láng, để bù lỗ cho cái bầu khí ảm đạm của mùa chay. Có những nước đã tổ chức lễ hội này thật hoành tráng, chẳng hạn như Brasil với những trò giả trang và vũ điệu Samba, đã thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan. Tất cả những tiệc tùng và nhảy múa được kết thúc vào lúc 24 giờ ngày thứ ba, để rồi sau đó người ta bước sang ngày thứ tư Lễ tro, khởi đầu cho mùa chay, với màu tím tê tái nơi tâm hồn, với khuôn mặt ủ rũ như treo cờ tang, với luật buộc ăn chay và kiêng thịt. Còn đối với người Việt Nam, nhất là vào những năm tháng xa xưa, khi đời sống còn thấp kém. Trong bữa cơm gia đình, quanh đi quẩn lại, thì cũng chỉ có cà ghém mắm tôm, canh cua mồng tơi, hay rau muống luộc...Thỉnh thoảng lắm mới có tí cá, hay tí thịt. Thành thử, những người nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thì hầu như mỗi ngày của họ đều ăn chay và kiêng thịt, cuộc đời họ vốn dĩ đã là một mùa chay kéo dài. Vào ban sáng, có người chỉ uống một ly cà phê, có người chỉ ăn một chút, gọi là “điểm tâm”, rồi làm việc cho đến trưa mới dùng bữa mà vẫn vui vẻ khoẻ mạnh. Thế nhưng trong ngày ăn chay, ban sáng cũng vẫn theo thói quen bình thường, thế mà mới hơn 9 giờ, đã cảm thấy đói ngấu đói nghiến. Mới nhịn nhim nhím có tí xíu, thế mà đã cảm thấy như kiến bò bụng, đói cồn đói cào. Một khi bụng đã đói, thì mắt liền mờ tịt và tay chân bỗng bủn rủn, thậm chí con ruồi đậu vào mép cũng chẳng buồn xua. Và người lớn thường bảo: -‘ Đó là chước mốc ma quỉ.’ Ở nông thôn, vào ngày ăn chay kiêng thịt, người ta cũng thường kiêng luôn cả việc xác, bởi vì bụng đói thì làm sao có thể kham nổi những công việc đồng áng nặng nhọc. Và thế là ngoài những lúc đến nhà thờ tham dự thánh lễ hay ngắm nguyện, các cụ có tí tuổi, thường hay tổ chức “kiệu lá”, tức là…ăn gỏi cá. Các cụ chuẩn bị cho việc kiệu lá, cho việc ăn gỏi một cách rất công phu. Ngay từ ngày hôm trước, các cụ đã bảo con cháu đi chợ mua cá, hay kéo lưới dưới ao để bắt cá. Cá dùng để ăn gỏi thường là cá chép, cá rô, hay cá lóc… Rồi sáng hôm ăn chay, người thì rang gạo để giã làm thính. Người thì thái cá. Thịt cá thái xong, được đặt và gói trong những tấm giấy bản để thấm nước cho thịt được khô. Người thì làm nước chấm. Nước chấm được làm bằng mẻ nấu với cá băm nhuyễn. Người thì đi kiếm rau gồm các thứ lá như: Lá mơ, lá đinh lăng, lá sung, lá tầm duộc, lá cóc…Phải chăng cũng vì thế, các cụ thường gọi ăn gỏi là “kiệu lá”. Xem ra một bữa ăn gỏi, một lần kiệu lá như vậy vừa hoành tráng, vừa tốn kém lại vừa vui vẻ hơn một đám tiệc bình thường! Còn dân bợm nhậu, thì chỉ mong sao cho ngày ăn chay và kiêng thịt qua mau, đề rồi còn tụ lại, gầy độ và lai rai với nhau nữa chứ. Chuyện rằng: Vào tối ngày thứ tư lễ tro, mấy ông bợm nhậu cùng nhau mần thịt một con chó. Họ chờ cho đúng không giờ ngày thứ năm là bắt đầu nhậu. Họ làm như đã thật lâu không gặp nhau, đã thật lâu không được cụng ly với nhau, cũng như đã thật lâu không đụng đũa tới món cờ tây. Ngồi chờ hút thuốc lào vặt cũng sốt ruột, lợi dụng lúc mọi người lui hui dưới bếp, một anh bạn vội vặn chiếc kim đồng hồ treo trên tường, vì anh ta thầm nghĩ rằng: - Thà một người chết cho toàn dân được nhờ, thà một kẻ chịu tội cho bè bạn được sớm lai rai. Người ta ăn để mà sống, đó là chuyện đời thường, nhưng đời thường vốn có những cái nghịch lý của nó. Vì thế, không thiếu gì những kẻ sống để mà ăn. Họ đi tìm những khoái cảm trong việc ăn uống. Có những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Ăn no uống đủ nhưng vẫn chưa đã. Và thế là ‘’a-lê-hấp’’ móc cổ họng cho chó ăn chè để tiếp tục nhậu nữa. Tiệc một chưa đủ, bèn rủ nhau gầy sòng làm tiệc hai. Tăng một chưa đã, bèn mần tiếp tăng hai. Bên cạnh những kẻ thiếu ăn, có những bàn tiệc mâm cao cỗ đầy, thức ăn thừa mứa, mà mỗi khẩu phần trị giá bằng cả một năm lao động cực nhọc của những kẻ khố rách áo ôm. Đúng là tác phong ném tiền qua cửa sổ. Thánh kinh diễn tả rất đúng về hạng người thừa tiền và rửng mỡ này, khi gọi họ là những kẻ chỉ biết lấy cái bụng của mình làm chúa, ‘’quorum deus venter est’’ ! Thượng Đế đã ban cho con người một cái miệng và như chúng ta đã biết: Công dụng của cái miệng là để ăn và nói. Rất nhiều lần chúng ta đã phải khổ sở vì những lời dèm pha đầy ác ý. Lưỡi người còn sắc hơn cả gươm giáo và độc hơn cả nọc ong. Số người chết vì cái lưỡi còn nhiều hơn vì những cuộc chiến tranh tương tàn. Lời nói có thể làm cho chúng ta bị thân bại danh liệt, tiêu tan sự nghiệp, như ca dao diễn tả: -‘ Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, Còn về cái khoản ăn cũng không kém phần nhiêu khê và rắc rối. Người ta lao động quần quật cũng để tìm kiếm của ăn đút vào miệng. Cái miệng con người đã làm cho bao súc vật bị tuyệt chủng, bao cây cối đi đến chỗ xác xơ tiêu điều… và đến núi cũng phải lở. Rồi những cuộc chiến tranh giữa người với người đã xảy ra cũng chỉ vì miếng ăn. Và miếng ăn quả là miếng nhục! Giá như con người không phải ăn nữa thì sẽ lợi biết bao nhiêu. Lợi được thời gian. Lợi được công sức. Lợi được tiền bạc. Nhưng mà có lẽ lúc bấy giờ cuộc đời cũng sẽ buồn đi rất nhiều. Vì thế, gã vẫn cứ phải chịu khó ăn để mà sống mỗi ngày, cho dù là ăn những của đắng đót. Gã không biết Thượng đế có bé cái lầm hay không khi trao ban cho mỗi người chúng ta một cái miệng trong khi đó lại có những hai con mắt, hai lỗ tai và hai lỗ mũi. Phải chăng Ngài muốn chúng ta nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, hít thở nhiều hơn, còn ăn và nói thì nên giảm bớt, “sì tốp” lại phần nào. Và theo gã nghĩ đó cũng chính là sống tinh thần chay tịnh. Thực vậy, nếu hiểu sống tinh thần chay tịnh là kiêng, là nhịn, là dẹp bỏ, là chấp nhận hy sinh, thì một tác giả nào đó đã đưa ra những cách giúp chúng ta sống tinh thần chay tịnh như sau : - Dẹp bỏ những lời nói phạm và lấp đầy cõi lòng bằng những lời cảm thông, an ủi và khích lệ. - Dẹp bỏ những thái độ khó chịu và lấp đầy cõi lòng bằng những tâm tình biết ơn. - Dẹp bỏ những hiềm khích và lấp đầy cõi lòng bằng sự tha thứ và kiên nhẫn. - Dẹp bỏ thái độ bi quan và lấp đầy cõi lòng bằng niềm hy vọng và sự lạc quan. - Dẹp bỏ những băn khoăn lo lắng và lấp đầy cõi lòng bằng niềm tin tưởng vào Chúa trong khoảng khắc hiện tại. - Dẹp bỏ những chiếm hữu và lấp đầy cõi lòng bằng những điều đơn giản của cuộc đời. - Dẹp bỏ những ý tưởng hời hợt và lấp đầy cõi lòng bằng những suy gẫm và những lời cầu nguyện. - Dẹp bỏ những phê bình chỉ trích và lấp đầy lòng bạn bằng hình ảnh Đức Kitô nơi những người chung quanh. - Dẹp bỏ tính ích kỷ và lấp đầy lòng bạn bằng tình yêu thương đối với người khác. - Dẹp bỏ những hận thù oán ghét và lấp đầy cõi lòng bạn bằng một thái độ hoà giải. - Dẹp bỏ thói quen nói quá nhiều và lấp đầy cõi lòng bạn bằng sự thinh lặng và lắng nghe người khác. Sống tinh thần chay tịnh như thế, chắc chắn cuộc đời chúng ta sẽ ngập tràn bình an, yêu thương và hạnh phúc.
|