Lệch |
Tác Giả: Gã Siêu | |||
Thứ Hai, 14 Tháng 6 Năm 2010 14:31 | |||
Theo Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức, chữ lệch có hai nghĩa chính : 1- Lệch là xéo, nghiêng qua một bên, chẳng hạn như chênh lệch, thiên lệch. 2- Lệch là so le, không đều, không bằng, chẳng hạn như đũa lệch. Trong mục chuyện phiếm hôm nay, gã xin bàn về hiện tượng lệch, nhất là trong phạm vi tình yêu. TRƯỚC HẾT, LỆCH LÀ NGHIÊNG QUA MỘT BÊN Nếu hiểu lệch là nghiêng về một bên, theo kiểu : ai đội mũ lệch, xấu mặt người ấy, thì trong phạm vi tình cảm, hiện tượng lệch cũng chỉ là một hiện tượng rất bình thường. Thực vậy, khi bàn về cái đẹp, có người đã phát biểu : - Đẹp là con cóc cái dưới mắt con cóc đực. Lời phát biểu này muốn nói lên rằng : Trên cõi đời này chỉ có cái đẹp chủ quan, chứ chẳng hề có cái đẹp khách quan, được xác định bằng những số đo lý tưởng của vòng số một, vòng số hai và vòng số ba. Cũng thế, khi bàn về tình yêu, có người cũng đã phát biểu : - Con tim có những lý lẽ riêng của nó. Lời phát biểu này cũng muốn nói lên rằng : Tình yêu là một cái gì rất mực riêng tư, đặt căn bản trên những yếu tố hết sức chủ quan, khiến nó trở thành như một mầu nhiệm, mà người ngoài không tài nào hiểu nổi. Chính vì thế mà trong tình yêu, luôn xảy ra những chuyện chéo cẳng ngỗng. Chẳng hạn bà mẹ vì thương đã chọn vợ cho anh con giai. Cô gái được bà mẹ chấm vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, thế mà anh con giai cứ lắc đầu nguầy nguậy, để rồi cuối cùng rước về dinh một cô gái vừa xấu lại vừa đen, cứ vô tư ăn nói bô bô, cái dáng bên ngoài là dáng đờn bà, nhưng cái cốt bên trong lại là cốt đờn ông !!! Chẳng hạn gã có một anh chàng học trò tên là Dũng. Ngay từ hồi còn học lớp đệ thất đã được bè bạn đặt cho cái hỗn danh là Dũng…đen. Dũng đen không phải vì cứ vác banh ra đá vào giữa trưa với cái nắng chói chang của vùng Thất Sơn, nhưng đen từ cái “gien” trong bụng đen ra. Thế nhưng anh chàng Dũng đen này lại lấy được một cô vợ trắng nõn trắng nà, trắng còn hơn cả trứng gà bóc, khiến bàn dân thiên hạ cứ tưởng chị ta là một…cô đầm chính hiệu Pháp quốc! Vốn mang tích cách chủ quan, nên tình cảm thường nghiêng về bên này, hoặc ngả sang bên kia, khó có ai yêu thương một cách đồng đều. Hiện tượng được gọi là thiên tư, thiên vị và có mặt ở nhiều lãnh vực khác nhau. Thứ nhất là trong gia đình. Con cái hay kêu la trách móc cha mẹ vì thương đứa này mà ghét đứa kia. Có những “đứa con bất đắc dĩ”, mà ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, dường như đã bị cha mẹ bỏ quên, và nếu có chấp nhận, cũng chỉ vì miễn cưỡng mà thôi. Khi lớn lên, những đứa con này được khen thì ít, mà bị chê thì…hơi nhiều. Chẳng hạn : - Mày là đứa con thiếu tháng, nên chân tay hậu đậu, đụng vô chuyện nào là hỏng chuyện nấy. Đôi khi gã cũng thấy trong gia đình, có những đứa con được diễn tả là “ngồi nhà mát mà ăn bát vàng”, có nghĩa là được “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”, chẳng phải đưa ngón tay ra lay thử bất kỳ công việc nào. Còn ăn uống, thì bao giờ cũng được dành cho miếng to hơn, miếng ngon hơn. Trong khi đó, những đứa con khác phải làm đầu tắt mặt tối với những công việc nặng nhọc, mà chẳng dám mở miệng than van, oán trách. Cựu Ước kể lại câu chuyện về tổ phụ Giuse như sau : Giacóp rất yêu thương Giuse, vì Giuse là con út, lại được sinh ra trong lúc ông đã già. Ông may cho Giuse một chiếc áo choàng dài tay…Tất cả những điều đó đã làm cho những người anh sinh lòng ghen ghét. Họ càng bực bội tức tối hơn nữa khi Giuse kể cho họ nghe giấc mơ về những bó lúa của các anh bỗng nghiêng mình chào kính bó lúa của Giuse, cũng như giấc mơ mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao bỗng sụp lạy Giuse. Cuối cùng, chính vì lòng ghen ghét mà những người anh đã tìm cách ám hại Giuse và bán Giuse sang Ai Cập. Đứng trước hiện tượng con yêu con ghét và nếu chẳng may mình lại là đứa con bị ghét, thì cũng hãy bình tĩnh tìm hiểu, đừng vội kết án cha mẹ, bởi vì cha mẹ có quyền yêu thương đứa con đau yếu hơn đứa con khỏe mạnh, đứa con ngoan ngoãn vâng lời hơn đứa con cứng đầu ngỗ nghịch. Nhiều lúc phải đấm ngực mình mà rằng : Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Chính vì những sai lỗi của mình đã làm cho mình trở thành kẻ dễ bị ghét. Thứ hai là ngoài xã hội. Rời khỏi ngưỡng cửa gia đình, đứa bé bước chân vào xã hội và môi trường đầu tiên đứa bé được tiếp xúc, chính là nhà trường. Và tại đây cũng đã thấy xuất hiện sự thiên tư, thiên vị. Tình cảm của thầy cô nghiêng về đứa học trò này hơn đứa học trò kia. Thực vậy, gã đã từng chứng kiến : Có đứa học trò hầu như lúc nào cũng được điểm cao, hầu như lúc nào cũng được thầy cô sai bảo việc nọ việc kia, hầu như lúc nào cũng được khen ngợi trước bàn dân thiên hạ. Trong khi đó, cũng có những đứa học trò bị thầy cô…đì, cứ nhìn thấy cái bản mặt là đã không ưa. Đây cũng chỉ là chuyện bình thường, ngay như Chúa Giêsu trong nhóm mười hai tông đồ, Ngài cũng đã dành cho Phêrô, Giacôbê và Gioan những tình cảm đặc biệt hơn. Ngay cả đến ông trời, hình như cũng đối xử không được công bằng cho lắm. Có người mở mắt chào đời đã được phú ban cho một sắc đẹp “chim sa cá lặn”, “nghiêng thành lệch nước”, có kẻ sinh ra đã phải ngậm đắng nuối cay số kiếp “em là gái trời bắt xấu”. Và ca dao cũng đã từng diễn tả : - Trời xanh con mắt là gương, Kẻ gian ngó ít, người thương ngó hoài. - Trời sao trời ở chẳng cân, Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. - Trời sao trời ở chẳng công, Người ba bốn vợ, kẻ không vợ nào. TIẾP ĐẾN, LỆCH LÀ SO LE Khi nói lệch là so le, thì cũng có nghĩa là không đều, không bằng, để rồi dẫn tới những sự khác biệt. Trong cuộc sống, gã nhận thấy có những cái lệch tạo nên vẻ đẹp. Chẳng hạn trong một bức tranh có màu nhạt, thì cũng phải có màu thẫm, có màu lạnh thì cũng phải có màu ấm và luật phối cảnh quy định bên cạnh một cây cao thì phải có căn nhà thấp…Cũng vậy, trong một bản nhạc có nốt trầm thì cũng phải có nốt bổng, có nhịp mạnh thì cũng phải có nhịp yếu… Tuy nhiên, có những cái lệch không được đẹp mắt cho lắm. Chẳng hạn cái lệch về thước tấc của một đôi vợ chồng trẻ, như ca dao đã diễn tả : - Mẹ em tham thúng xôi dền, Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Em đã bảo mẹ rằng đừng, Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào. Bây giờ chồng thấp vợ cao, Như đôi đũa lệch so sao cho vừa. Riêng trong phạm vi tình yêu, có một cái lệch dễ gây va chạm và đổ vỡ, đó là lệch “gu”, khác biệt nhau về sở thích. Thực vậy, chúng ta thường nói : - Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Cha mẹ chỉ sinh ra hình hài bên ngoài của đứa con còn tính tình bên trong của nó, thì do trời đem lại. Chuyện rằng : Doãn Văn Tử thấy con không giống mình, nên giận lắm, cứ đánh đập nó luôn. Một hôm nói với Tử Tư rằng : - Vì không giống tôi, nên nó không phải là con của tôi. Tôi nghi ngờ mẹ nó có ngoại tình mà đẻ ra nó, nên tôi muốn bỏ nó. Tử Tư nghe vậy liền bảo : - Cứ như ông nói thì vợ vua Nghiêu, vua Thuấn cũng đáng ngờ ư ? Hai ông này là bậc thánh đế, mà sao đẻ ra Đan Chu và Thương Quân thực không bằng kẻ thất phu. Như thế thì con cứ gì phải giống cha ? Cái đạo thường thì cha mẹ làm sao đẻ con ra làm vậy. Nhưng cha hiền mà đẻ ra con ngu, thì cũng là thế thường tự nhiên, chớ nào phải tội người vợ. Doãn Văn Tử nghe hiểu ra, nên không từ con bỏ vợ nữa. Nếu suy nghĩ, gã thấy cái “gu”, hay cái sở thích cũng là một yếu tố nhỏ bé góp phần vào việc hình thành tính tình riêng của một con người. Nếu bảo rằng : - Bá nhân bá tánh, mỗi người có một tính tình riêng. Thì cũng có thể nói được rằng : - Bá nhân bá…thích, mỗi người đều có một sở thích, một cái “gu”riêng. Đúng là năm người thì mừơi ý, cứ như trăm hoa đua nở. Ngay cả trong đời sống vợ chồng cũng rứa. ”Thế nào là một cặp vợ chồng lý tưởng ?” Đó là tựa đề một chương trình truyền hình, gây được nhiều thích thú cho người xem. Từng cặp vợ chồng xuất hiện riêng rẽ trước ban giám khảo và trả lời những câu hỏi được đặt ra. Nếu cặp vợ chồng nào có được những câu trả lời hoàn toàn giống nhau, thì sẽ được chọn làm cặp vợ chồng lý tưởng. Thí dụ ban giám khảo hỏi : - Bạn muốn ăn gì ? Nếu người chồng trả lời là cà ghém mắm tôm, thì người vợ cũng phải trả lời là cà ghém mắm tôm, thì mới được điểm. Thí dụ ban giám khảo hỏi : - Bạn muốn tiết kiệm trước hay mua sắm trước ? Nếu người vợ trả lời là tiết kiệm trước, thì người vợ cũng phải trả lời là tiết kiệm trước, thì mới được điểm. Thí dụ ban giám khảo hỏi : - Bạn sợ gì ? Nếu người vợ trả lời là sợ ma, thì người chồng cũng phải trả lời là sợ ma, thì mới được điểm. Xem như vậy, thì có lẽ chẳng bao giờ tìm được một cặp vợ chồng lý tưởng, hoàn toàn giống nhau trong mọi sở thích, trong mọi vấn đề. Bước vào hôn nhân, chúng ta không hủy diệt những khác biệt của nhau, nhưng tìm cách sống chung với những khác biệt ấy. Tuy nhiên, nếu không cố gắng, thì những khác biệt ấy sẽ trở thành đầu mối sinh ra những căng thẳng và đổ vỡ. Gã xin liệt kê nơi đây một số những khác biệt về sở thích, một số những trường hợp lệch “gu”, để bàn dân thiên hạ cùng suy gẫm và tìm cách giải quyết. Về quan niệm sống : Người thì thích mua sắm và trang bị cho gia đình đầy đủ mọi tiện nghi, bởi vì phải an cư rồi mới lạc nghiệp. Kẻ chỉ muốn tiết kiệm, rồi dần dần mua sắm, để khỏi vay công mắc nợ, bởi vì tích tiểu thành đại, kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người thì thích giao lưu rộng rãi, tham gia các phong trào, các đoàn thể, kết bè kết bạn để được thăng tiến ngoài xã hội. Kẻ chỉ muốn tạo bầu khí thân mật trong gia đình, chỉ cần có vợ chồng và con cái mà thôi… “Hai vợ chồng trẻ đã cãi nhau kịch liệt về quan hệ bè bạn của mình. Vợ thì không chịu nổi việc bất cứ người nào anh chồng cũng chơi được., bởi vì theo anh ta, mỗi người đều có những mặt hay, những mặt dở, quan trọng là mình biết chọn ra những điểm phù hợp để chơi, chứ không như chị, lúc nào cũng rặt mấy cô bạn từ thời phổ thông cho đến giờ, không muốn mở rộng mối quan hệ mới mẻ nào nữa, thì làm sao chịu nổi. Đờn ông thì phải giao du rộng rãi…” (Gia đình, số 49, năm 2006). Về chuyện giải trí : Người thì mê bóng đá, kẻ chỉ thích bóng chuyền. Người thì khoái phim Mỹ, kẻ chỉ khoái phim Hàn. Người thì thích nhạc rock, kẻ chỉ yêu nhạc trữ tình. Người thì kết sách khoa học kỹ thuật, kẻ chỉ kết sách văn học với những truyện tình lãng mạn. Tôi quen biết một anh chồng trẻ mê bóng đá, được liệt vào hàng tín đồ của túc cầu giáo. Dù sớm hay dù muộn, dù ngoại quốc hay Việt Nam, anh đều không bỏ qua một trận nào cả. Có những trận đấu quốc tế ở bên Tây, bên Mỹ…được truyền hình vào hai ba giờ sáng, anh cũng vẫn chịu khó ngồi coi. Ngặt một nỗi nhà chỉ có một chiếc TV, được đặt trong phòng ngủ. Để khỏi làm cho chị vợ bị mất giấc ngủ, hay lẩm bẩm càu nhàu, anh đã phải lấy mền trùm kín người và trùm lên cả chiếc tivi, không cho âm thanh và ánh sáng lọt ra ngoài, rồi thu mình trong đó mà theo dõi trận đấu. Đôi lúc hứng chí, quên béng mất sự đề cao cảnh giác, anh cũng vẫn gào lên : - Vào. Hay : - Dzô. Có chị vợ đã biểu lộ sự bực bội của mình như sau : - Thỉnh thoảng vào những dịp lễ hay kỷ niệm ngày cưới, mình cũng muốn thiết kế một bữa ăn có nến, hoa và nhạc cho thêm phần thú vị, thì anh chồng lại chê vợ là…sến. Mình mở nhạc trữ tình, thì anh chồng lại tắt ngay, và thay vào đó là những bản nhạc rap sôi động. Nhà có mỗi cái tivi, nên đôi khi vợ chồng giận nhau vì chẳng ai nhường ai, người đòi xem phim hành động, kẻ đòi xem phim tình cảm, người đòi xem tin tức thời sự, kẻ đòi xem ca múa nhạc… (Phụ nữ Chủ Nhật, số 50, ra ngày 17.12.2006). Về chuyện ăn uống : Người thì thích canh chua cá lóc, kẻ chỉ thích canh thịt dồn khổ qua. Người thì muốn ăn mặn, kẻ chỉ muốn ăn ngọt. Người muốn ăn cơm khô, kẻ chỉ muốn ăn cơm nhão. Thành thử mỗi khi cơm gần chín, chị vợ bèn phải đổ thêm nước sôi vào một bên, để tạo thành một nồi cơm nửa khô nửa nhão. Một chị vợ khác đã tâm sự : Minh thích các món canh có vị chua và cá rán, nhưng biết khẩu vị đó không hợp với chồng, nên cũng cố chiều chồng, làm những món ăn hợp với khẩu vị của anh ta. Một vài bữa thì được, nhưng quanh năm suốt tháng như thế thì chị thấy khó quá, không ăn nổi. Vì thế, bữa cơm chỉ có hai người, nhưng bao giờ cũng có hai bát canh, hai món thức ăn hoàn toàn khác nhau. Những hôm đi làm về mệt mỏi, chị làm qua loa bữa cơm, thế là anh ta giận sự không quan tâm của vợ, bỏ ra quán cơm đầu ngõ. Chị tự ái. Hai người thấy lòng cách xa dần”. (Gia đình, số 49, năm 2006). Để kết luận, gã xin ghi lại nơi đây cách “giáo dục sở thích của chồng” mà một chị vợ đã áp dụng, để cùng nhau…gẫm suy : Anh rất thích ăn canh khổ qua, còn tôi thì không ưa đắng mà lại thích chua. Để vừa lòng “ông xã”, tôi bèn nấu cho anh một tô canh khổ qua và luộc thêm một tô rau muống, lấy nước vắt chanh cho riêng mình, cũng là để mâm cơm thêm phần phong phú. Tôi cứ tưởng ông xã sẽ vui khi có đến hai thứ để lựa chọn, nhưng thật bất ngờ, khi bưng mâm cơm lên bàn, anh yên lặng nhíu mày và buông một câu buồn bã : - Em đem mâm cơm xuống đi. Tôi ngạc nhiên hỏi : - Tại sao vậy ? Anh nghiêm mặt trả lời : - Chỉ có hai vợ chồng mà mỗi người một tô canh, mất tình cảm quá. Thực sự tôi rất buồn, nhưng nghĩ lại anh đang muốn được thể hiện cái “tôi” của đấng mày râu, khi mới bắt đầu làm chồng. Tôi đành yên lặng bưng tô canh “sở thích” của mình đem đi đổ. Và quả thật, như một người thắng thế, ông xã tôi đã tươi cười suốt cả bữa cơm hôm ấy. Từ đó, tôi cố công tìm hiểu những sở thích của ông xã và nếu thấy “chấp nhận được”, tôi luôn làm theo. Điều đó khiến ông xã tôi luôn cảm thấy hài lòng về tôi. Mỗi lần đi chợ, tôi lại đùa: - Còn thích đắng nữa không ? Và lại nhận được từ anh một nụ cuời. Phần tôi dần dà cũng “ghiền” luôn vị đắng cúa bát canh mà chồng tôi thích. Còn anh thì đắng mãi cũng đâm chán. Biết thế nhưng tôi cứ vờ như đang được chiều anh, vẫn tiếp tục bát canh đắng hàng ngày và chờ một ngày anh tự yêu cầu thay đổi. Hình như được chiều quá, chồng tôi cũng đâm quen và cứ coi sở thích của mình là tối thượng. Một lần tôi thực hiện món kho có ngũ vị hương mà tôi rất thích. Bữa ấy, ngồi vào mâm cơm, anh lại nhăn mũi : - Mùi thế này, ngon gì, sao mà ưa thế ? Tôi im lặng, không phản ứng gì, cũng không đem cất món kho đi, ngược lại tôi ngồi “chén” món kho này một cách ngon lành. Vài hôm sau, tôi lại cố tình nấu một món kho có ngũ vị hương, nhưng không quên nấu một món khác tương tự mà anh rất thích. Bữa ăn được dọn lên và tôi chờ đợi. Quả nhiên chồng tôi lại tiếp tục câu nói hôm trước : - Mùi thế này, ngon gì, sau mà ưa thế ? Bây giờ tôi không yên lặng nữa : - Em đã tôn trọng sở thích của anh rất nhiều, đúng không ? Vì anh, em đã “ghiền” món canh khổ qua mà trước đây em rất ghét. Vậy tại sao anh lại không tôn trọng sở thích của em ? Anh không thích mùi ngũ vị hương, thì đã có món khác cho anh. Chẳng lẽ em không được quyền thích một món nào cho riêng mình sao ? Ban đầu, anh có vẻ bất ngờ, nhưng rồi anh lại yên lặng. Và chị đã cứu được một bàn thua trông thấy. Tác giả Ngọc Bích đã kết luận như sau : Hai con người khác nhau sống chung dưới một mái nhà, tránh sao cho khỏi những bất đồng về cá tính, sở thích, góc độ đánh giá, cảm nhận, kinh nghiệm, kiến thức, quan điểm sống…Vấn đề là cả hai có biết chấp nhận và cùng nhau khắc phục hay không mà thôi. Những bất hòa nho nhỏ, nếu mỗi cá nhân không chú ý ứng xử tế nhị thì sự khó chịu dần dần làm lòng người trở nên băng giá, lâu dài sẽ trở thành vô cảm. Khi xảy ra “sự cố”, phải biết đâu là giới hạn, đâu là điểm dừng…tránh tình trạng” kẻ chua, người đắng”. Ai cũng có “cái tôi”. Dẹp bỏ bớt đi “cái tôi” của từng người, để dung hòa lẫn nhau, sẽ giúp nuôi dưỡng tình yêu và giữ vững hạnh phúc gia đình. (Phụ Nữ Chủ Nhật, số 52, ra ngày 31.12.2006).
|