Home Phiếm Đốc Gàn Nhớ Về Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đức

Nhớ Về Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đức PDF Print E-mail
Tác Giả: Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI   
Thứ Bảy, 15 Tháng 11 Năm 2008 09:20

Tạp ghi của TS Trần An Bài để kỷ niệm 40 năm thành lập Học Viện CSQG Thủ Đức.

 Cụ Nguyễn Công Trứ lấy vợ lẽ thứ 10 vào năm 73 tuổi. Sau đêm tân hôn, cụ còn sảng khoái cảm tác bằng hai câu thơ:

Tân nhân dục vấn: Lang niên kỷ?
- Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam.

Dịch nghĩa:

Nàng muốn hỏi anh: Bao nhiêu tuổi?
- Năm mươi năm trước, mới hăm ba.

Tôi phục tài cụ Nguyễn Công Trứ thật! 73 tuổi đầu mà cụ còn đủ gân đủ cốt hăng hái động phòng với người tình thứ 10. Chắc cụ làm ăn cũng chẳng khấm khá gì nên khi bị người tình hạch hỏi, cụ mới trả lời kiểu đánh trống lảng chữa thẹn: "50 năm trước, mới 23!" Còn tôi, năm nay mới 6 "bó" lẻ 6 , thế mà đã ủ rũ buồn thiu ngồi một mình lẩm bẩm than rằng: "40 năm trước, lão mới 26 tuổi và cũng có đủ 10 mối tình: 9 mối tình đầu với Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) từ Khóa 4 đến Khoá 12, nhưng nay tất cả đều dang dở phân ly: kẻ theo Mẹ Âu Cơ lên núi, người theo Bố Lạc Long Quân ra biển. Còn lại có một mối tình đu đưa tới giờ này, bỏ thì thương, vương thì nhớ. Mắc mớ gì mà bỏ? Đó là mối tình với lão bà nhà tôi!"

Năm nay, 2006, kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Học Viện CSQG, tôi đang phiêu bạt nơi đất khách quê người, xin lưu luyến ghi lại một vài kỷ niệm khó quên về mối tình của tôi đối với ngôi Học Viện thân thương này.

Tôi quen biết Đại Tá Trần Minh Công tại Đại Học Luật Khoa Saigon. Khi gặp nhau, Đại Tá Công đang là Viện Trưởng Học Viện CSQG, còn tôi đang là Dự Thẩm Toà Án Saigon. Chúng tôi tuy đã có nghề nghiệp, chức vụ vững chắc trong xã hội, nhưng vẫn quyết tâm trở lại nhà trường trau dồi thêm kiến thức để có thể phục vụ quốc gia hữu hiệu hơn. Đại Tá Công tiếp tục bậc Cao Học Kinh Tế, còn tôi tiếp tục bậc Cao Học Tư Pháp để lấy bằng Tiến Sĩ. Và từ sự quen biết này, Đại Tá Công đã mời tôi làm giảng viên môn Hình Sự Tố Tụng từ lúc ông nhận chức Viện Trưởng Học Viện CSQG. Đúng ra, tôi đã bắt đầu giảng dạy ngay khi Học Viện còn đặt trụ sở tại Trại Lê Văn Duyệt, Saigon, nhưng việc xin phép Bộ Tư Pháp để có thể bỏ một số giờ ở Toà Án, đi dạy học là một trường hợp hết sức khó khăn. Nhưng sau cùng nhờ văn thư thỉnh cầu đặc biệt của Bộ Tư Lệnh CSQG, tôi đã được phép đi dạy mỗi tuần một lần, bắt đầu lúc Học Viện CSQG được khánh thành tại Thủ Đức vào năm 1969.

Như vậy là qua sự mai mối của Đại Tá Trần Minh Công, mối tình đầu giữa Học Viện và tôi đã chớm nở từ năm 1969 và tiếp tục mặn nồng cho đến ngày miền Nam bị bức tử. Những năm tháng ấy chất chứa biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đẹp, khó quên. Làm sao mà quên được ngày mãn Khóa 4, khi các anh em sinh viên công kênh tôi chạy vòng sân vận động. Làm sao mà quên được khi đưa các sinh viên Khoá 6 đi dự phiên toà xử tướng cướp Điền Khắc Kim nổi tiếng về các tội cướp của, hãm hiếp và vượt ngục khỏi Khám Chí Hòa, khiến báo chí bàn tán xôn xao một thời! Làm sao mà quên được buổi dẫn anh em Khóa 8 đi thăm Khám Chí Hòa, nơi có Con Ma Vú Dài đêm đêm xuất hiện. Làm sao mà quên được những buổi trưa hè ngồi ăn cơm chung với các anh em Khóa 11 và 12 ở Câu Lạc Bộ Học Viện!

Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson (1856-1924) một ngày kia đang lúc thăm viếng Tiểu Bang Montana thì có một em bé cố gắng chen đến gần. Em muốn tặng Tổng Thống một món quà nhưng vì bất ngờ, nên em không kiếm ra thứ gì đáng giá. Lục lọi mãi, em mới tìm thấy một đồng xu trong túi. Em lấy ra tặng Tổng Thống. Năm năm sau, Tổng Thống Wilson qua đời, phu nhân tìm thấy trong chiếc ví của ông có đồng xu gói trong một miếng giấy. Thì ra Tổng Thống Wilson đã trân quý kỷ vật của em bé đó và giữ luôn mãi trong người.

Tôi cũng có một kỷ vật đang giữ trong trái tim từ bao nhiêu năm nay, đó là hình ảnh Học Viện CSQG mà trong đó in hình hàng ngàn nét mặt Khóa Sinh CSQG và các bạn hữu Cảnh Sát thân thương của tôi.

Từ chỗ quen biết với Đại Tá Công, tôi lại được gặp gỡ Trung Tá Phạm Công Bạch, Phó Viện Trưởng Học Viện CSQG, cũng tốt nghiệp từ trường Đại Học Luật Saigon, nhưng ông là khóa đàn anh vì ra trường trước tôi một năm. Theo nhận xét riêng của tôi, đây là hai vị sĩ quan Cảnh Sát trẻ tuổi, nhiều tài năng, đầy nhiệt huyết và là cặp bài trùng có nhiều triển vọng lãnh đạo ngành CSQG, nếu chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) còn tồn tại.

Đại Tá Công hiện nay sống tại Nam Cali nên thỉnh thoảng tôi mới có dịp gặp, nhưng Trung Tá Bạch thì ở ngay tỉnh San Jose với tôi, nên chúng tôi thường gặp nhau, nhất là lại ghi tên tập thể thao trong cùng một câu lạc bộ để kéo gân lấy sức lúc tuổi già. Chúng tôi có thể theo dõi rất sát những nét nhăn tuổi đời trên gương mặt của nhau. Trung Tá Bạch may mắn lại có hiền thê vừa trẻ lại vừa đẹp. Chàng và nàng thuở ấy học cùng trường Đại Học Luật và con đường Duy Tân mòn gót giầy của đôi tình nhân mặn nồng nhất trường. Ấy vậy mà cho tới giờ này, đã trên 40 năm rồi, đàn con cháu thỉnh thoảng vẫn bắt gặp bà tình tứ ngồi tựa vai ông, nghe ông ca: "Trả lại em yêu khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát..." Rồi mỗi ngày lần theo năm tháng, chàng xem ra mắt mờ chân chậm thì nàng lại có vẻ xuân nồng phơi phới.

Bây giờ tôi mới thấy cái khôn của những anh chàng lấy vợ trẻ. Ai về già mà có cô vợ trẻ thì như vớ được cây khế vàng, muốn gì được nấy, vì có vợ là có tất cả:

Ngày ngày vợ là quản gia
Đi chơi đi hội, vợ là tình nhân
Khi nào lỡ bước sa chân
Vợ như là mẹ, ân cần sớm hôm
Khi nào ốm yếu gầy còm
Vợ là bác sĩ chăm nom hết lòng
Khi nào vất vả long đong
Vợ như bà chị lau dòng lệ em
Khi nào trong dạ đói mèm
Vợ là em gái dịu dàng cơm canh
Khi nào đeo xớ quấn manh
Vợ là người thợ vá lành áo khăn
Trăm năm chiến đấu nhọc nhằn
Vợ là đồng đội, cùng ăn cùng làm
Khi nào gây gỗ vợ can
Vợ là nhân tố trong ban giảng hoà
Mai sau trăng mật có già
Thì ai ơi
Vợ
Vẫn là
Trăng non.
Phạm Minh Giang, "Thân Thương Hai Tiếng Vợ Mình")

Tác giả bài thơ trên còn quên một điểm đặc biệt khác là khi cửa nhà thanh vắng thì vợ mình là chiếc radio có thể phát thanh liên tục 24 giờ một ngày mà không sợ hết pin. Chương trình phát thanh gồm đầy đủ các tiết mục: từ ca cải lương đến gỡ rối tâm tình, từ tin tức quốc tế đến tin chó cắn xe, xe cán chó, từ hài kịch với giọng cười the thé, đến bi kịch với tiếng khóc tỉ tê não nề. Ngày xưa, các cụ mình truyền kinh nghiệm rằng đàn bà chóng già hơn đàn ông, nên phải lấy vợ trẻ để bù trừ:

Giai ba mươi tuổi đương xoan,
Gái ba mươi tuổi đã toan về già.

Tôi cũng biết được cái mánh khóe này, nên đã chọn cô vợ trẻ hơn tôi 10 tuổi. Khi đó, có người lại còn xúi dại bảo tôi chọn một cô trẻ hơn những 15 tuổi, nhưng tôi hổng dám, vì lấy vợ trẻ quá, sợ rằng cưới về mất công mua ô mai thí dỗ suốt ngày đêm thì cũng phát mệt! Vậy mà sau này em vẫn còn hậm hực trách móc:

Ngày xưa bé nói yêu anh,
Anh chê bé nhỏ, bé không biết gì.
Ngày nay bé đã dzậy thì,
Anh khen bé đẹp, bé chê anh... già!

Ấy là tôi nói chuyện đàn ông có vợ trẻ thì nó sung sướng hạnh phúc như thế đấy! Nhưng các bà thì không hẳn như vậy đâu. Đừng có bà già nào dại dột đi lấy chồng trẻ nhá! Các cụ ta đã dạy rằng:

Chồng già vợ trẻ là tiên,

Vợ già chồng trẻ là duyên con bò.

Con bò mà duyên dáng cái nỗi gì. Ta thường nghe nói: "Ngu như bò!" Đã ngu thì làm sao mà có duyên được. Thành ra cái con bò được xếp vào loại vừa ngu vừa vô duyên. Ai muốn biết duyên con bò nó ra làm sao thì cứ nhìn vào Hoàng Tử Charles của nước Anh là thấy liền. Ông Hoàng đang có vợ trẻ Diana xinh như mộng, đẹp như mơ, thế mà lại sinh chứng, hất hủi nàng, để rồi tằng tiu lấy phải ngay mụ già Camilla đã có chồng hai con. Thế chẳng phải là ngu, giống như duyên con bò là gì?

Hiền thê của Trung Tá Bạch còn rủ vợ chồng tôi gia nhập câu lạc bộ Cao Niên để mỗi ngày đến đó tập tài chi, ăn trưa và kể chuyện đời với mấy lão ông và lão bà. Nhưng vì mỗi tuần tôi vẫn thường vào Viện Dưỡng Lão thăm ông già tôi, nên không còn giờ để hưởng thêm không khí già nữa! Bố tôi tuổi Bính Thìn, sinh năm 1916, tức năm nay vừa tròn 90 tuổi. Ông cũng là một Sĩ Quan Cảnh Sát và năm 1975, ông không muốn bỏ quê hương đi theo các con, nên cũng bị đưa vào nhà tù cải tạo của Việt Cộng, đọc đủ 5 cuốn lịch, đến nỗi đui luôn một con mắt, còn con kia chỉ còn thấy được 2/10. Mỗi lần vào thăm ông, tôi cảm nghiệm thấy hình ảnh tương lai gần kề của đời mình. Lòng tôi tự nhiên chùng xuống! Ai công hầu, ai khanh tướng? Ưu tư, phiền muộn, công danh, sự nghiệp, tiền tài, sắc dục, nhà cao cửa rộng, xe hơi sang trọng... kể cũng bằng không! Con người khi càng về già thì càng giống con nít, từ tính nết cho đến cách sinh sống như đi đứng, vệ sinh... Các cụ già lẩm cẩm được gửi vào trong khu cấm, nghĩa là vào dễ mà khó ra. Một hôm khi tôi mở cửa vào khu cấm thì đã thấy một cụ bà chờ sẵn. Bà định lợi dụng lúc tôi mở cửa để trốn ra, nhưng tôi cản lại. Bà cụ năn nỉ:

- Ông ơi, ông làm ơn cho tôi về nhà để đóng chuồng bò lại. Nhà tôi có tới bẩy con bò lận!

Bẩy con bò cụ muốn nói là bẩy đứa con của cụ đấy!

Hôm khác, tôi đi ngang qua một cụ ông - chưa một lần quen biết - ngồi xe lăn ở hành lang Viện Dưỡng Lão. Vừa thấy tôi, cụ liền mắng xối xả:

- Đi đâu mà đi như ăn cướp vậy?

Lúc trở ra, tôi lại gặp cụ còn ngồi đó. Tôi đi chậm lại, mỉm cười chào thăm cụ, nhưng cụ vẫn chưa hài lòng:

- Ơ, cái thằng này! Ai quen biết hồi nào mà chào với hỏi? Lại còn cười nhăn răng ra nữa!

Tôi tự hỏi không biết sau này khi tới tuổi già như cụ, tôi có được "vui tính" giống cụ hay không? Ấy đó, chưa già mà tôi đã bắt đầu ăn nói lan man lạc đề rồi.

Xin được trở về với những kỷ niệm tại Học Viện CSQG. Vị Sĩ Quan Giảng Sư mà tôi thương mến nhiều nhất là cố Đại Tá Đàm Trung Mộc. Tôi được biết ông là một trong những luật gia kỳ cựu của VNCH. Ông xuất thân từ trường Đại Học Luật Hà Nội, cùng thời với các vị thẩm phán trưởng thượng và giáo sư của tôi. Hầu như tuần nào tôi cũng có dịp gặp và nói chuyện với ông. Học Viện tọa lạc tại Thủ Đức, còn chúng tôi ở Saigon, nên thường phải đi sớm để có mặt tại Học Viện trước giờ dạy học cả nửa tiếng đồng hồ, vì giảng sư bắt sinh viên ngồi chờ là điều tối kỵ. Trong thời gian chờ đợi ấy, tôi thường sang xe ông, ngồi nói chuyện. Điều làm tôi rất ngạc nhiên là khi nhắc đến các vụ án quan trọng đăng trên báo chí Saigon, ông đều chỉ trích các thẩm phán xử án, rồi ông tiết lộ: Đó là lý do ông không muốn gia nhập ngành thẩm phán, đành chọn phục vụ ngành Cảnh Sát!

Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi ông lại thích nói chuyện với tôi. Lúc đó, tôi chưa đầy 30 tuổi, đáng tuổi con ông và học trò của ông. Tôi đem đề tài luận án Tiến sĩ Tư Pháp viết về Vai Trò Cảnh Sát Tư Pháp để tham khảo với ông. Ông chỉ bảo tôi rất tận tình. Ông đề tặng tôi những sách luật ông viết và gọi tôi là "đồng nghiệp", nghĩa là cùng nghề dạy học! Tôi xấu hổ vô cùng, vì làm sao tôi xứng đáng là "đồng nghiệp" với ông! Trong luận án đó, tôi đã phản ảnh rất nhiều quan điểm của Đại Tá Đàm Trung Mộc. Nhưng một tâm tình độc đáo của ông đã gieo vào đầu óc tôi và thay đổi cả cuộc đời tôi sau này. Đó là lời ông căn dặn: "Xử án cũng như thể giết người. Giết lầm người thì bao nhiêu tội của phạm nhân đổ hết lên đầu mình!" Thế là tôi bắt đầu sợ nghề xử án từ đó!

Thêm nữa, chuyện Con Ma Vú Dài trong Khám Chí Hòa làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Hồi đó, báo chí Saigon viết nhiều bài phóng sự về vụ này. Bộ Tư Pháp cử tôi mở cuộc điều tra để nếu cần sẽ truy tố ký giả và báo chí đã dùng cơ sở của chính phủ để dựng chuyện mê tín gây hoang mang dư luận. Con Ma Vú Dài xuất hiện tại khu giam tử tội chờ ngày bị hành quyết. Nơi này có nhiều tầng lầu và được rào bằng những hàng song sắt. Tôi lấy lời khai của rất nhiều nhân chứng, từ các viên chức coi khám đến các tử tội. Họ đều xác nhận vào lúc đêm khuya thường có một thiếu nữ thân hình khêu gợi với cặp vú to hiện về làm tình các tử tội. Ngay ban ngày vào lúc vắng người đi lại thì có tiếng lắc chùm chìa khóa nghe chát chúa và rùng rợn. Vào một đêm, chúng tôi cho di chuyển một tu sĩ đang bị giam ở khu khác về khu tử tội này để trắc nghiệm. Sáng hôm sau, tu sĩ đó vẻ mặt ngượng ngùng, xấu hổ nói: "Tôi là kẻ tu hành, sao các ông lại đưa tôi về chỗ này. Kỳ quá!" Quần của ông ta ướt nhèm vì xuất tinh! Tôi kết thúc cuộc điều tra với đề nghị Bộ Tư Pháp xếp hồ sơ, không nên truy tố ai trong vụ này. Riêng cá nhân tôi, tôi vẫn nghĩ rằng trong số các tử tội, có nhiều người bị xử oan. Người tử tội nổi tiếng nhất vào thời đó mà tôi nghĩ là không đáng bị chết, đó là ông Ngô Đình Cẩn, bào huynh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cho nên, cố Đại Tá Đàm Trung Mộc có lý để nhắc nhở tôi thận trọng khi xử án là vậy.

Sau ngày 30-4-1975, khi thấy không có tên Đại Tá Đàm Trung Mộc trong đoàn người tỵ nạn chạy ra nước ngoài, tôi đoán ngay những gì sẽ xảy đến cho vị sĩ quan khí phách ngang tàng này. Quả đúng như vậy! Trước khi trút hơi thở cuối cùng trong trại tù cải tạo, ông đã nhắn lại cho các bạn bè thân hữu, trong đó chắc chắn phải có các chiến hữu CSQG thương mến của ông: “Tôi trót sinh ra là người Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam và ước nguyện được chết trên quê hương Việt Nam. Trước sau, tôi không bao giờ tìm đường thoát thân ra nước ngoài”. Mắt tôi ngấn lệ thương nhớ và kính phục người Anh Hùng thuộc ngành CSQG: Đại Tá ĐÀM TRUNG MỘC!

Tính đến ngày VNCH sụp đổ, tôi vào ngành Thẩm Phán được 11 năm, nghĩa là tôi đậu kỳ thi tuyển chọn 15 Thẩm Phán lúc tôi 24 tuổi. Là một Thẩm Phán trẻ nhất của VNCH, tôi muốn dành thêm thời gian để học hành và chuẩn bị bước vào chính trường. Tôi không muốn giấu diếm để phải thú nhận điều này là khi bước chân vào Học Viện CSQG, tôi có ngay một dự tính dùng lực lượng Cảnh Sát làm nền móng cho việc trong-sạch-hóa chế độ VNCH.

Cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 xảy ra lúc tôi đang chờ thi năm cuối cùng Cử Nhân Luật. Vì bất đồng quan điểm về đường lối chống Cộng của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho một số tướng tá lật đổ chính quyền họ Ngô. Giết anh em ông Ngô Đình Diệm đã là sai lầm, mà việc dùng những tướng tá đảo chánh này để điều khiển guồng máy chính trị quốc gia, lại còn sai lầm hơn nữa. Các tướng tá Việt Nam hầu hết chỉ tốt nghiệp trường huấn luyện quân sự, chứ không học cách làm chính trị và điều khiển quốc gia, cho nên chính trường miền Nam sau ngày đảo chánh trở nên bất ổn và đi đến chỗ suy sụp là chuyện đương nhiên.

Sau biến cố nổi dậy của Phật Giáo miền Trung năm 1966, tôi trở về làm việc tại Bộ Tư Pháp và tham gia Ủy Ban tổ chức đại hội Thẩm Phán toàn quốc. Theo chương trình, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đến chào mừng đại hội. Bộ Tư Pháp soạn sẵn bài diễn văn đệ nạp cho văn phòng Chủ Tịch. Đến ngày đại hội, tôi hết sức ngạc nhiên vì Tướng Kỳ không dùng bài diễn văn soạn sẵn của Bộ Tư Pháp, mà ông lại nói theo ý ông. Một ông Tướng không hề có kiến thức gì về luật pháp mà dám đứng trước cả trăm thẩm phán để nói truyện buông về pháp luật thì quả là một điều hết sức khôi hài. Hôm đó, Tướng Kỳ đúng là một "tên hề múa rối luật pháp". Một sinh viên sĩ quan Học Viện CSQG chắc chắn nói về luật còn hay hơn ông. Sau đại hội, các thẩm phán lắc đầu ngao ngán, coi là bị nhục mạ khi phải ngồi nghe tuồng "Tướng Râu Kẽm múa rìu qua mắt thợ"!

Từ ngày đó, tôi trông chờ các tướng lãnh sớm nhận ra khuyết điểm của mình và trả lại chính trường cho hàng ngũ dân sự, để may ra còn cứu vãn được tình trạng suy sụp của đất nước chăng?

Người Trung Hoa có câu: "Nhất niên chi kế, mạc như thọ cốc; thập niên chi kế, mạc như thọ mộc; bách niên chi kế, mạc như thọ nhân", nghĩa là: "Kế hoạch cho một năm, không gì bằng trồng lúa; kế hoạch cho mười năm, không gì bằng trồng cây; kế hoạch cho trăm năm, không gì bằng trồng người". Tôi cố gắng trồng những cán bộ tốt là những sĩ quan Cảnh Sát đa năng đa hiệu với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, để làm những cột trụ xây dựng ngôi nhà Việt Nam.

Tôi mơ một ngày VNCH có được một vị Tổng Thống đức độ, trong sạch. Lúc đó, Lực lượng Cảnh Sát chỉ cần cung cấp cho Tổng Thống 50 Sĩ Quan Cảnh Sát thanh liêm, trí thức để điều khiển 50 Ty CSQG thuộc 50 tỉnh của Miền Nam. Cùng sát cánh với các Trưởng Ty CS, còn có các Trưởng Cuộc Cảnh Sát là những sinh viên ưu tú xuất thân từ Học Viện gửi về phục vụ tại các làng xã là đơn vị nhỏ nhất của guồng máy chính trị quốc gia. Bước đầu được như vậy là kể như con ma tham nhũng đã bị đâm trúng huyệt, để rồi sẽ chết dần dần. Tham nhũng là quốc nạn đã làm suy yếu mọi tiềm năng hoạt động của VNCH. Từ sau ngày đảo chánh, con ma tham nhũng ấy có đầu giấu ở Dinh Độc Lập và mình mẩy tứ chi trải dài khắp các quân khu, bộ phủ, rồi lại được các phu nhân bú mớm cho thì hỏi rằng đất nước hơi sức đâu mà trị trong dẹp ngoài? Mất nước về tay Cộng Sản Bắc Việt là điều không thể tránh khỏi.

Lực lượng Cảnh Sát ở nước nào cũng vậy. Khi có chuyện thì dân nhờ cậy và coi là "Bạn", nhưng xong việc rồi, người ta lại ghét Cảnh Sát và mắng mỏ đủ điều, coi như "Thù". Tác giả viết tuồng cải lương "Ông Cò Quận 9" dựng ngay chuyện thê thiếp bê bối, con rơi con rớt gán cho ông Cò Quận 9. Tuy rằng lúc viết chuyện, Saigon chỉ có 8 quận, nên tác giả đặt tên là ông Cò Quận 9, có ý muốn nói đây chỉ là chuyện giả tưởng. Nhưng sau này Saigon có tới 11 Quận và các ông Cò mới này biết đâu lại chẳng dữ dằn hơn ông Cò Quận 9 nữa. Nhắc lại câu chuyện văn nghệ này để chứng minh rằng nghề Cảnh Sát vinh ít nhục nhiều.

Trong lớp học, tôi trình bày rất kỹ cho các khóa sinh nguyên tắc luật pháp về quyền tự vệ chính đáng. Mỗi khi mặc vào người sắc phục Cảnh Sát tức là bước ra chiến trường, nơi người Cảnh Sát trở nên mục tiêu cho gian nhân, tội phạm rình rập tấn công. Khi bị tấn công nguy hiểm đến tính mạng, người Cảnh Sát được quyền tự vệ. Một Cảnh Sát bị kẻ phạm pháp bắn gục tức là một phần thân thể tổ quốc bị tổn thương, và xã hội bị rối loạn. Khi nào Cảnh Sát phải nổ súng tự vệ thì kẻ phạm pháp phải chết và chết liền, vì nếu không, Cảnh Sát cũng bị đối phương giết chết. Có nhiều lần dân chúng hạch hỏi: Tại sao Cảnh Sát không bắn kẻ tình nghi bị thương thôi, mà lại phải bắn chết? Không, không có trường hợp nào Cảnh Sát được dạy chỉ bắn bị thương. Bắn bị thương là chưa đến mức nguy kịch, mà chưa nguy kịch thì không được bắn. Đã bắn là có nguy kịch. Và đã bắn là đối phương phải chết ngay tức khắc. Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế, người Cảnh Sát nhiều khi chỉ có một giây để quyết định bắn hay không bắn. Vì thế nhiệm vụ người Cảnh Sát thật là khó khăn và thường bị ghét nhiều là vậy!

Truyện kể rằng ngày kia Đức Phật đứng trước cửa Niết Bàn để tiếp đón chúng sinh vừa lìa đời.

Một Đại Đức đến gần Đức Phật, quỳ gối xá lia lịa:

- Mô Phật, xin Ngài mở cửa Niết Bàn cho con vào.

Đức Phật hỏi:

- Căn cứ vào đâu mà con xin Ta nhận vào Niết Bàn?

- Bạch Thế Tôn! Cả cuộc đời con đã cúng dường Tam Bảo. Con ăn chay, tụng niệm suốt 50 năm trường và không hề sát sinh từ hồi quy y.

Đức Phật mỉm cười:

- Con ơi, đó là con mới chỉ tu cho con thôi. Tu hành đắc đạo không những là biết giải thoát cho chính mình mà còn phải cứu khổ chúng sinh nữa. Con có biết không? Những lúc con thuyết pháp thì Phật tử ngồi ngủ gà ngủ gật, tâm họ không giác ngộ và trí họ cũng không tìm đến cõi Phật. Điều đó chứng tỏ con chưa hoàn tất nhiệm vụ hoằng pháp. Vì thế, con chưa thể vào Niết Bàn được. Ta sẽ cho con đầu thai kiếp khác nhá!

Đến lượt một ông Tướng mặc quân phục trắng, đeo găng tay trắng, ngực gắn đầy huy chương, tiến đến kể công với Đức Phật:

- Mô Phật! Hồi còn ở trần gian, con mang cấp bậc Thiếu Tướng. Con vào sinh ra tử để bảo vệ quê hương xứ sở và đồng bào con. Con là con của Phật. Vậy xin cho con được vào Niết Bàn với Ngài.

Đức Phật cũng ôn tồn trả lời:

- Con ơi, không phải hễ cứ xưng mình là con Phật tức là được Phật nhận làm con ngay đâu. Con còn phải sống sao cho đúng là con Phật. Bao lâu con ăn nói vung vít, con chơi bời trác táng, gây phiền lụy khổ đau cho nhiều người thì bấy lâu con chưa xứng đáng làm con Ta đâu. Hãy đầu thai làm kiếp người lần nữa xem công phúc của con ra sao, rồi hãy tính!

Từ nãy đến giờ, ông Cò Quận 9 nghe hết câu chuyện của Đại Đức và ông Tướng, nên sợ run cầm cập. Ông nghĩ rằng vị Đại Đức tu đã thành quả, còn ông Tướng nhiều công trạng như vậy mà còn bị từ chối vào Niết Bàn, thế thì làm sao ông ta có thể lọt vào được? Ông sợ hãi rón rén đến phủ phục dưới chân Đức Phật, không dám thưa thốt lời nào.  Đức Phật hỏi:

- Con là ai, làm nghề gì dưới trần thế ?

- Nam mô a di đà Phật. Con là Cò Quận 9, bến Saigon, nước An Nam. Con biết mình tội lỗi, xin Đức Phật thương độ trì cho con.

Đức Phật dìu ông Cò đứng lên, an ủi:

- Ta biết rằng ông Cò có số đào hoa, năm thê bẩy thiếp ở cõi trần, nhưng ân đức cứu khổ chúng sinh của con cũng khá nhiều. Nguyên cái việc con giúp đỡ dân mà còn bị dân mắng mỏ là con đã đáng được ân thưởng rồi. Chưa hết! Người nào ngồi lên xe Cảnh Sát của con cũng biết sợ, liền đấm ngực ăn năn xám hối và đọc kinh cầu Phật. Vậy nợ trần gian con đã trả xong. Con đã thành Phật. Hãy vào Niết Bàn để được tiêu diêu miền cực lạc với Ta!

- Mô Phật!

Kỷ niệm 40 năm thành lập Học Viện CSQG.