Home Phiếm Đốc Gàn Việt (2)

Việt (2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đốc Gàn Trần An Bài   
Thứ Sáu, 25 Tháng 6 Năm 2010 05:26

Thôi thì chúng ta cứ nhận huyền sử Tiên Rồng cho vui. Vậy qua huyền thoại này, cổ nhân muốn nhắn gửi con cháu những triết lý nào?

Trước hết, Tiên được quan niệm là siêu nhân sống trên cao, xinh đẹp, hiền từ, thanh thoát và bất tử. Còn Rồng thì được coi là chủ tể của biển cả, làm mưa làm gió, thiên biến vạn hóa. Rồng có đầy đủ đặc tính của lối tư duy nông nghiệp: tổng hợp của cá sấu và rắn, sinh ra ở dưới nước nhưng lại có thể bay lên trời mà không cần cánh, có thể vừa phun nước vừa phun lửa. Rất nhiều địa danh Việt Nam mang tên liên quan đến Rồng, như Thăng Long, Hàm Rồng... Qua biểu tượng Tiên Rồng, cổ nhân muốn dạy chúng ta rằng người Việt Nam là một kết hợp vừa biến hóa vừa trường cửu, vừa vật chất vừa siêu phàm, vừa linh ẩn vừa thượng hằng, vừa xinh đẹp dịu hiền vừa hùng dũng cương quyết, vừa chan chứa yêu thương, vừa uy lực vô song, vừa có tình vừa hợp lý. Do đó, mỗi người dân Việt Nam luôn luôn phải biết hãnh diện về nguồn cội của mình:

 "Trứng Rồng lại nở ra Rồng
Chim Tiên lại đẻ ra dòng chim Tiên"
       (Linh mục Trần Cao Tường)

Thứ hai, Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên núi là Âm,  Cha Lạc Long dẫn 50 con xuống biển là Dương. Đây là nguồn cội của triết thuyết Âm Dương, thể hiện nghĩa tương sinh, tương khắc trong Kinh Dịch. Chính nguyên lý Âm Dương đang điều hành vũ trụ và cuộc sống mọi loài trên trái đất này. Dân tộc Việt Nam sinh sống bằng nghề nông nên quan tâm số một của họ là sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người. Sinh sản của con người thì do hai yếu tố: cha và mẹ, nam và nữ; còn sự sinh sôi nảy nở của hoa màu thì do đất và trời - "đất sinh, trời dưỡng". Chính vì thế mà hai cặp "mẹ-cha", "đất-trời" là sự khái quát đầu tiên trên con đường dẫn đến triết lý âm dương.  (5)

Các nhà viết huyền sử quên mất những đứa con không biết là âm hay là dương hoặc những đứa con thích người cùng phái tính. Dương đụng với dương, âm đụng với âm, tất cả chẳng sinh sản ra được cái giống gì cả, tuy nhiên, đây vẫn là đề tài sẽ làm nhức nhối xã hội loài người mà huyền sử Tiên Rồng không đề cập tới.

Thứ ba, sự kiện Mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng mang ý nghĩa gì? Loài người không đẻ ra trứng, chỉ có loài chim mới đẻ trứng. Tổ Tiên Việt Nam đã theo dấu chim Hồng để mở nước và dựng nước, nên chọn Chim là vật tổ, tự thân hai chữ Hồng Bàng. Hồng là ngỗng trời, là chim thiên nga, đại diện cho sự trong trắng tinh tuyền, mang ý nghĩa nuôi chí lớn tung hoành khắp tứ phương. Bàng là rồng, chỉ những chân lý thâm sâu như đáy bể, phát xuất từ cõi tiềm thức u linh.  (6)

 

  
  Trống Đồng Việt Nam  Mặt Trồng Đồng Ngọc Lũ 
  
  
Những nét vẽ trên mặt trống Đồng  (phóng lớn)  

Hình ảnh chim được khắc họa trên mặt trống đồng với mỏ dài của loài chim nước. Theo linh mục triết gia Kim Định thì chim nước của Việt tộc thể hiện nguyên lý Âm Dương Giao Chỉ, vì nó vừa bay lên trời, vừa xuống dưới nước. Chi tộc Việt tôn thờ chim Hồng, biểu trưng của văn minh nông nghiệp, cùng với chi Lạc trong cộng đồng Bách Việt nên chúng ta vẫn tự hào là giòng giống Lạc Hồng (Lạc Âu).  (7)

"Trống đồng là bảo vật của các Lạc vương, dùng vào những dịp quan trọng trong đời sống của triều đình, như chiến tranh dựng nước giữ nước, thắng quân xâm lược, cầu cho mưa thuận gió hòa, trong dân gian, nhân dịp các lễ lớn trong cuộc đời, sanh con, đám cưới, đám tang, mỗi năm khi mùa xuân trở lại."  (8)

Nương nhau cặp trống Rồng Tiên
Khi gầm thét sấm, khi rầm rỉ mưa
Gieo dùi, trời ngẩn, đất ngơ
Quân thù rớt kiếm, rơi cờ bao phen.

(Bài thơ "Trống Đồng" của Hải Phương)

Triết thuyết Trống Đồng của dòng giống Lạc Hồng nghe thú vị biết bao, nhưng cái khốn khổ được bắt đầu khi Lạc Long Quân quyết định chia đôi đàn con, nửa theo cha về biển, nửa theo mẹ lên núi. Cảnh chia ly và chia rẽ bắt nguồn từ đó. Trước khi phân nát gia đình, Lạc Long Quân cũng đã nhìn thấy những khó khăn trước mắt cho vợ và 50 đứa con lên núi, nên mới dặn rằng, khi nào gặp khó khăn hoạn nạn thì cứ việc cầu cứu, phe cha sẽ đến giúp đỡ. Nhưng giúp xong thì cha mẹ vẫn không xum họp, ai nấy trở lại phần đất của mình. Cái tang thương là ở chỗ đó. Bởi vậy, con cháu Tiên Rồng bình thường là chia rẽ, đoàn kết chỉ là ngoại lệ. Khi gặp hoạn nạn, bị đô hộ, bị đàn áp thì con dân Việt Nam hết mực đoàn kết để chống trả kẻ thù, nhưng xong chuyện rồi thì lại trở về tình trạng phân rẽ.

Đọc lại lịch sử Việt Nam hoặc nhìn vào các cộng đoàn Việt Nam, nét nổi bật nhất vẫn là cảnh huynh đệ huých tường, chia rẽ đến độ tan nát, vỡ ra trăm mảnh. Hội đoàn mọc lên như nấm. Lúc đầu, hội nào cũng đoàn kết vui vẻ, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Đến sau, hội nào cũng chia đôi, cãi vã, không thèm nhìn mặt nhau, đến nỗi coi nhau như kẻ thù truyền kiếp.

Chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh không phải chỉ để giải thích một cách tiêu cực cảnh lụt lội hàng năm mà dân chúng Việt Nam phải chịu, nhưng là một lối diễn tả trung thực và đau lòng nhất về cảnh anh em trong nhà thường xuyên nổi giận sát phạt nhau, khiến cho cả đất nước phải tan hoang khổ cực.

Hỏi rằng kể từ ngày Hùng Vương lập nước đến nay, có được bao nhiêu thế hệ sống và chết an bình, hay chỉ là những cái chết nhục nhằn thao thức về đất nước bị ngoại xâm đô hộ, bị thực dân cai trị, hoặc vì anh em trong nhà chém giết nhau do toan tính và thủ đoạn của ngoại bang?

Việc thống nhất Nam Bắc bằng vũ lực với cái chết của hàng triệu đồng bào ruột thịt vào năm 1975 đã là một biến cố thật đáng buồn. Trong khi đó nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đánh đuổi ngoại bang và thống nhất đất nước trong khung cảnh hòa bình, đượm tình anh em một nhà. Chưa hết. Sau ngày thống nhất Việt Nam, các nhà tù man rợ mang danh là Trại Cải Tạo được dựng lên để trả thù các anh em thất trận. Thực tế, không ai bị cải tạo và cũng không ai cải tạo được ai. Có chăng chỉ là tạo lòng uất hận, căm thù ngút ngàn giữa anh em cùng một bào thai. Biết bao nhiêu cựu tù cải tạo khi nhắm mắt lìa đời vẫn đem theo cả một hành trang hận thù chưa trả để mang về kiếp sau. Hận thù ai? - Việt Cộng, người anh em cùng mang giòng máu Lạc Hồng.

Trong một đại nhạc hội có cả ngàn ngàn người Việt Nam tham dự, một danh hề nói rằng:

Không uống bia, không là người Mễ,
Không đi trễ, không là Việt Nam.

Các thính giả cười hả hê thoải mái. Danh hề tiếp luôn:

Làm khỏe như Mễ
Chia rẽ như Việt Nam.

Mọi người lại cười, cười to hơn lần trước. Đốc Gàn quay sang hỏi người bên cạnh:

- Tại sao cười?

- Vì nó đúng quá sức!

Đốc cảm thấy hụt hẫng. Chia rẽ là một căn bệnh trầm kha của người Việt thì tại sao họ không đặt thành vấn đề để sửa chữa mà lại chấp nhận thực tế như một trò cười?

Bao giờ mới chấm đứt được những vần thơ, những câu vè vô ý thức, nhằm chia rẽ, nhục mạ đồng bào ruột thịt như những câu thơ sau đây.

Chung quy cũng tại Vua Hùng,
Sinh ra đứa tỉnh, đứa khùng, đứa điên.
Đứa tỉnh thì đã vượt biên,
Những đứa kẹt lại không điên, cũng khùng.

Chắc gì những người bỏ nước ra đi đã là tỉnh? Chắc gì những người ở lại đã là điên, là khùng? Mong rằng những ý nghĩ phá hoại như trên cần được chấm dứt để tái lập một trang sử Con Rồng Cháu Tiên Đoàn Kết mới cho các thế hệ mai sau.

Thứ tư, những đứa con được sinh ra trong cùng một bọc trứng, một bào thai ấy được gọi nhau bằng một từ ngữ rất thân thương, rất đúng với huyền sử, đó là "đồng bào":

Bọc điều trăm họ thai chung,
Đồng bào hai tiếng vô cùng Việt Nam.

 Chữ "đồng bào" gói ghém tình thương yêu của anh em cùng chung một máu huyết. Chữ "đồng bào" còn biểu trưng ý niệm bình đẳng, không phân biệt phái tính hay giàu nghèo. Ý niệm "đồng bào" còn cổ võ một cộng đồng Bách Việt luôn đặt quyền lợi tập thể trên quyền lợi cá nhân, việc nước trước việc nhà.

Trong bài khảo luận "Miếng Trầu Quê Mẹ", nhà văn kiêm thi sĩ Trần Quốc Bảo đã phân tích tỉ mỉ về tâm tình của con người Việt Nam như sau:

"Xã hội Việt Nam được xây dựng trên một chữ TÌNH.

"Một xã hội "chín bỏ làm mười", "chục mười hai", "chục mười bốn"... là một xã hội đặc biệt và lạ lùng nhất trong các tổ chức xã hội của loài người. Người trong một nước coi nhau như anh em cùng một bào thai, nên chi lấy tình lấy nghĩa làm trọng - "vị tình vị nghĩa, không ai vị đĩa xôi đầy". - Bà con làng xóm sống với nhau "trọng nghĩa khinh tài" tạo nên cái tình "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng". Cái luân lý vị tha bác ái của người Việt sánh ngang được như một tôn giáo "ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà nhì nữa tôi thì thứ ba". Lòng người tràn đầy yêu thương, hiền hòa, không màng sự tranh cướp, thù hận, "tranh quyền cướp nước chi đây, coi nhau như bát nước đầy là hơn".

"Trong cái môi trường tuyệt vời tình nghĩa như vậy ta không ngạc nhiên thấy "phép vua thua lệ làng", vì lệ làng tạo nên bởi tình nghĩa. Tình nghĩa quý hơn cả vàng bạc "Tham vàng bỏ ngãi anh ơi, Vàng thì ăn hết ngãi tôi vẫn còn". Ta cũng không ngạc nhiên khi người Việt coi "nhân bản" là trọng, quý nhau ở tấm lòng, lúc nào cũng muốn làm tốt làm đẹp cho tha nhân dù một cử chỉ, một lời nói: "Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Lý thuyết thì đẹp đẽ như vậy, nhưng thực tế, cảnh huynh đệ tương tàn thật trầm trọng, bi đát. Cũng chỉ vì bà Âu Cơ sinh một trăm đứa con trai cùng một lúc, chẳng biết ai là anh, ai là em, nên tất cả đều xưng mình là anh cả, anh hai. Một trăm con là một trăm ông Vua, lập ra một trăm quốc gia và được gọi là "Bách Việt". Tâm lý chung của người dân Việt Nam là muốn hơn người và không muốn ai hơn mình.

Chuyện vui của đồng bào Việt tỵ nạn kể rằng có hai anh chàng Mỹ và Việt ngồi câu cua tại một khúc cầu trên cùng một giòng sông. Hai người cùng trúng mối. Nhắc cần lên là cua bám tứ bề. Hai chàng đều có những điểm giống nhau: cùng tự tin, tương đắc, cùng câu được một loại cua mập và số lượng như nhau. Nhưng chỉ có một điều khác biệt là chiếc giỏ cua của người Mỹ phải có nắp kín buộc chặt, vì đàn cua đua nhau bò lên. Còn giỏ cua của người Việt thì mở nắp toang hoang mà chẳng thấy con cua nào nhúc nhích bò lên cả.

Chàng câu cua người Mỹ thắc mắc hỏi anh bạn Việt:

- Sao kỳ vậy, cha nội. Cùng một loại cua bắt lên mà khi tôi bỏ vào giỏ của tôi thì cua tôi bò lổm ngổm tìm đường đi lên. Còn cua trong giỏ của bạn thì nằm êm rơ như vậy?

Chàng câu cua người Việt cười gật gượng:

- Dễ hiểu thôi! Cua Việt dù sống trong cảnh "cá chậu chim lồng" cũng vẫn còn óc ganh tị, không muốn con nào hơn mình cả, nên con dưới kẹp chặt con trên, chẳng con nào ngóc đầu lên được. Đồng bào Việt chúng tôi có thói bôi lọ, phá nhau, chụp nón cối cho bất cứ ai hơn mình, nên chẳng ai ngóc đầu lên được.

***
                                       
Trước đây, các tài liệu khảo cổ đã đặt giả thuyết người Việt Nam xuất xứ từ một nhóm người ở phương Bắc xuống hoặc từ Thái Bình Dương đi vào, nhưng với phát minh vĩ đại của di truyền học DNA (Deoxyribo Nucleic Acid) bắt đầu thành hình vào năm 1665, việc nghiên cứu cội nguồn con người đã bước sang một ngã rẽ rất quan trọng.

Tại Trung Hoa, nhà bác học J.Y. Chu cùng với 13 đồng nghiệp của ông đã công bố kết quả cuộc nghiên cứu về nguồn gốc người Trung Hoa căn cứ vào các kỹ thuật về Di truyền học, mang tên "Genetic Relationship of Pupulation in China" đã khẳng định rằng nguồn gốc của người Trung Hoa là do giống người ở Đông Nam  Á di lên. (9)  Như vậy thì giả thuyết người Việt Nam xuất xứ từ Trung Hoa là đáng bị bác bỏ rồi.

Trong bài biên khảo "Nhờ tiến bộ của Di Truyền học (DNA), phải chăng đã đến lúc chúng ta có thể khẳng định được nguồn gốc dân tộc Việt Nam?", giáo sư Cung Đình Thanh viết: 

"Căn cứ vào kết quả của Hội nghị Berkeley 1978 nghiên cứu về nguồn gốc văn minh Trung Hoa, căn cứ vào những phát minh khoa học mới nhất về khảo cổ học, nhân chủng học, di truyền học (DNA), ngôn ngữ học, cả những sưu tầm về phong tục tập quán ở phần đất nay thuộc hai quốc gia khác nhau, người viết chứng minh được rằng: khảo cổ học, nhân chủng  học, ngôn ngữ học, huyết thống di truyền học, cả về phong tục tập quán, đều chứng tỏ Đại Tộc Bách Việt đã có trước, cũng đã cư ngụ tại phần đất nay là đất nước Trung Hoa, ít nhất từ phía nam sông Hoàng, trước Hán tộc.  Và văn minh Bách Việt, căn bản là văn minh định cư trồng lúa nước, cũng đã có trước văn minh Hoa Hán, thuộc văn minh săn bắn và trồng lúa tắc, lúa khô".

Giáo sư Cung Đình Thanh kết luận: "Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) trở thành cái nôi người da vàng cổ nhất của nhân loại tại phần đất không những ở Đông Nam Á mà ở cả toàn cõi Châu Á vậy".  (10)

Ông Trần Trung Lương, tức nhà văn Trà Lũ đã dùng giác quan thứ sáu để hô hoán lên rằng thổ dân Da Đỏ ở Canada đúng là con cháu bà Âu Cơ. Giả thuyết của ông đặt căn bản trên nhiều bằng chứng nghe rất tới. Ông viết: "Huyền sử của Nga của Tàu đều ghi chuyện tiến về phương Nam. Chỉ có huyền sử Việt Nam ghi việc con cái mẹ Âu Cơ tiến lên núi, tức phương Bắc. Tiến lên tận cùng thì gặp Bắc Cực. Ngang đó là eo biển Bering. Một số con của Mẹ Âu Cơ đã theo eo biển Bering. lúc đó bờ biển còn cạn, tiến sang địa đầu Mỹ Châu, rồi đi xuống và đã gặp miền đất bây giờ là Canada. Đàn con của Mẹ Âu Cơ lúc đó mang tên Inuit, tức tổ phụ người Da Đỏ bây giờ."  (11)

Theo ông Trà Lũ, người Da Đỏ có rất nhiều điểm giống người Việt Nam, chẳng hạn: gọi là Da Đỏ, nhưng thực sự họ là người da vàng. Cặp mắt họ giống y hệt mắt Việt Nam. Thổ ngữ "Kanata" chuyển âm thành "Canada" nghĩa là "cái nhà ta". Chính quyền Canada khi lập một khu mới đặt tên bằng thổ ngữ là "Nunavut", âm thanh đúng là "nu na nu nống", bài hát của trẻ con Việt Nam. Thành phố "Toronto", nơi có 80 ngàn dân Việt di cư đã được dịch ra là "Tổ Rồng Tiên". Nghe cũng êm tai lắm đấy chứ! Rồi mấy bài hát của thổ dân nghe "ý a ỳ a" độc giọng quan họ Bắc Ninh của ta. Đến cái mũ lông chim của thổ dân Canada cũng giống hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ của Việt Nam.

Nhà văn Trà Lũ kể rằng theo sử Canada thì người Da Đỏ đã có mặt ở nơi này cách đây ít nhất 24 ngàn năm. Vậy tổ tiên Việt Nam có từ bao giờ? May mắn ông kiếm được bài thuyết trình của nhà khảo cổ người Đức, học giả Wilhelm Gerhard Solheim II, đã trình bày tại Hội Nghị Khoa Học Thái Bình Dương tổ chức tại Tokyo mùa hè năm 1966. Ông Solheim kết luận rằng: "Cách đây chừng 30 ngàn năm đã có một bộ lạc tiền sử sinh sống tại địa bàn Hoà Bình, Bắc Việt Nam. Đây là nền văn minh đầu tiên của nhân loại."   (12)

Nếu đúng như vậy thì cũng mừng cho đồng bào Việt tỵ nạn ở Canada từ nay đỡ được mặc cảm ăn nhờ ở đậu, vì ít ra họ cũng chỉ bỏ cái nhà Tổ ở Việt Nam để về "Cái Nhà Ta" Canada mà thôi!

Chú thích:

   (5)  Trích Tự Điển Wikipedia
   (6)  Bài khảo luận "Tiên Rồng" của linh  mục triết gia Kim Định
   (7)  "Cội Nguồn Việt Tộc", sđd., tr. 73
   (8)  Bài khảo luận "Trống Đồng Việt Nam" của Trần Văn Khê
   (9)  Bản bá cáo này đăng trong Tạp chí Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia của Hoa Kỳ (The Nation Academy of Sciences - USA - Vol.95, issue 20, 1763-1768, 29 tháng 7, 1998).
   (10)  Bài khảo cứu trích từ http://tutuong.hypermart.net/html
              %20files/nguon%20goc%20dan%20toc%20vietnam.htm   
   (11) Trà Lũ, "Đất Anh Em", Hoa Lư 2003, tr. 46
   (12) "Đất Anh Em", sđd. tr. 118