Home Phiếm Các Tác Giả Chuyện Cuội và Cây Đa

Chuyện Cuội và Cây Đa PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Văn Thiện   
Chúa Nhật, 09 Tháng 11 Năm 2008 02:26

Cuội vốn là nhân vật huyền thoại của người dân Việt. Từ thuở nhỏ ta hẳn đã hát câu đồng  dao:

 Thằng cuội ngồi gốc cây đa,

Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời… (1)

 Cuội đi ra từ trong nhiều truyện cổ dân gian. Cũng nhiều loại  cuội, có “thằng cuội”, “chú cuội”, lại  có cả “chàng cuội” với vợ con hẳn hoi, còn cụ cuội thì chưa thấy ai nói tới bao giờ. Không hiểu vì sao dân ta lại không ưa gì họ  hàng nhà này. Có lẽ vì họ hay nói sai sự thực, nên đã bị mang tiếng từ xưa: Nói dối như cuội.

 Cũng chẳng nên trách cứ nhau làm gì, đôi khi cuội cũng chỉ vì có nhiều ham muốn, hăng hái quá mức; chưa hiểu hết được lẽ đời mà lại ham làm việc lớn, nên người đời tuy không ưa nhưng cũng chẳng ghét. Ta vẫn thường trách đùa những người hay hứa hẹn suông là: Sao ông “cuội” thế!

Vì vậy chớ có dại mà nghe lời cuội, lắm lúc  thêm bực mình, hỏng việc, lại còn trở thành trò cười cho thiên hạ.

 Thực ra từ thời khởi thủy, các cụ nhà cuội là những người chăm chỉ, làm nghề nông, ngày ngày lên rừng kiếm củi, lượm cây, hái quả, hoặc cầy cấy để kiếm sống.

 Có chuyện kể rằng: Đã từ lâu rồi, cuộc sống con người còn hoang sơ lắm, có một chàng Cuội trẻ, lấy việc săn bắt muông thú, trồng cây tỉa bắp làm kế sinh nhai. 

 Chàng vốn tốt bụng và nhiều ước vọng.  Những đêm trăng sáng, nằm chơi trên chõng tre giữa sân ngửa mặt nhìn trời, chàng thấy cung trăng ngời ngời vẻ đẹp, lại thấy cả nàng tiên nữ bên thềm cung Quảng như mỉm cười vẫy gọi.

Chàng muốn được lên đó. Với cả họ hàng.

Để thực hiện mơ ước này, chàng đã trồng một bụi tre rất to, hy vọng sẽ làm một cái thang thật dài bắc lên tận nơi mơ ước ấy.

 Một lần vào rừng sâu, thấy  bầy khỉ rất đông nô rỡn trên một  cây cổ thụ lớn, cành lá xum xuê. Chúng vặt nhũng chiếc lá non, những chiếc búp đỏ hồng nhai ngấu nghiến. Con nào con nấy béo mầm, có nhiều con trông dáng đã già, mặt mũi nhăn nheo, người rụng trụi cả lông nhưng vẫn nhanh nhẹn leo trèo, thoăn thoắt chuyền cành không kém gì lũ khỉ non. Chàng đoán rằng đây là loại cây quý đã che chở, nuôi dưỡng đàn khỉ, nên đã  tìm cách tách một nhánh cây non  đem về trồng phía sau nhà. Hàng ngày chàng chăm sóc, tưới tắm và khấn vái cầu cho cây chóng đâm chồi nẩy lộc, mong sẽ là một cây giúp ích cho mọi người.

Không phụ công người, cây lớn rất nhanh, cành lá vươn dài tươi tốt, những chùm rễ tua tủa đâm ra từ cành cao, thõng xuống đất mẹ hút chất bổ nuôi cây. Với sức lớn không ngờ của nó, Cuội càng tin rằng đây là cây thần, sẽ giúp Cuội cùng họ hàng sung sướng giữa cuộc đời vất vả này. Hàng ngày chàng quét sạch lá rụng, tưới tắm, dọn dẹp, không để thứ gì bẩn thỉu ô uế dưới gốc cây quý.

Đó là cây đa.

 Người trong bản làng gần đó thường chê cười Cuội là lẩm cẩm, không chịu thu vén cửa nhà, chăn nuôi gà lợn; mà chỉ sợ  sân bẩn,ruồi muỗi, hại cây. Ngày ngày đi làm lụng vất vả về nhà chỉ lo chăm chút cây đa.

 Trong lũ trai bản làng, Cuội không có gì nổi hơn, lại lầm lỳ nên thường bị các cô gái trêu ghẹo. Một buổi chiều, đi làm ruộng về, các cô rủ nhau vào nhà Cuội chơi. Thấy Cuội chưa về, các cô bèn nâng liếp cửa, vào nhà, ngó nghiêng khắp chỗ rồi rũ ra cười vì cung cách ăn ở của Cuội: Cửa nhà luộm thuộm, áo khố quẳng lung tung, nồi niêu bát đũa cái lành, cái vỡ. Trong ngoài lạnh tanh không có chim muông, tiếng gà tiếng chó… Duy chỉ thấy cây đa sau nhà là thật tươi tốt, dưới gốc cây sạch sẽ không một cọng rác, phía trước thân cây lại thấy một bệ đất có bát hương thờ cúng. Mấy cô tinh nghịch kéo nhau vòng lại phía sau gốc, vén váy … tè ra vài bãi.

Vừa lúc ấy có tiếng cuội về, các cô hoảng quá, vội lủi ngay ra sau vườn xé rào, vừa bấm bụng cười vừa ù té chạy.

 Cuội thấy động, vào nhà thì chẳng thấy ai nhưng khi ra vườn sau thì thấy gốc đa có mùi khai nồng nặc. Tức giận, Cuội dậm chân đành đạch, chạy đôn đáo xem xét khắp nơi, mắng chửi ầm ĩ. Đã định đuổi theo túm lấy kẻ bậy bạ, đánh cho một trận, nhưng bốn bề đã im ắng. Không biết là ai, Cuội đành hậm hực lăn ra nền nhà nằm thở.

 Đêm ấy sáng trăng, khí trời mát mẻ, khi Cuội tỉnh dậy thì trăng đã lên cao. Có tiếng đất rơi rào rào sau nhà nghe rất lạ tai, Cuội nhỏm ngay dậy chạy  ra xem có chuyện gì. Cây đa, suốt buổi chiều tối không thể chịu nổi mùi khai nơi chân gốc, đã rùng mình, rũ đất bay lên, bỏ đi. Khi cuội chạy đến nơi thì cây đã bay lưng lửng lên ngang tầm với. Sợ và tiếc, cuội kêu, gọi ầm ỹ rồi nhảy vội lên ôm nhánh rễ lòng thòng mong kéo cây trở lại.   

Cây Đa vẫn bay lên. Cuội ta không biết phải làm thế nào. Nhảy xuống thì hãi, cứ bám vào thì lo… Cây đa hướng vầng trăng sáng mà bay lên mãi.

Thế rồi, cây đa từ từ hạ  xuống cung trăng, Cuội lồm cồm đứng dậy ngơ ngác định thần.

 Từ đấy Cuội sống cuộc đời tẻ nhạt, ngày ngày ngồi  dưới gốc đa trên mặt trăng mơ ước mà nhìn về mặt đất, lòng ngơ ngẩn khôn nguôi.

 Trong thành phố thường có những người lang thang, sống lay lắt trong những vườn hoa, nơi khuất nẻo. Trong khu vườn hoa Hồ Tây, Mai Xuân Thưởng cũng có một ông già như vậy.

 Ông ta là người trầm cảm, chắc không còn người thân. Đôi khi cả tháng trời ông ta như biến mất, nhưng rồi lại thấy xuất hiện quanh quẩn ở đâu đó quanh khu công viên có gốc đa già (2). Khi thì ông ngả người trên ghế đá, ngó người qua lại, khi thì lại thấy ông ngồi trên gốc cây, bệ gạch nhìn ra mặt hồ nước mênh mang, trầm tư cả buổi như để sống lại cả quãng đời chìm nổi của mình.

 Vốn là người ít nói, nhưng với người hợp chuyện thì cũng có khi ông như mở cả ruột gan. Đôi khi ông ngồi cả buổi với người cùng cảnh ưu tư, gật gù tâm đắc, hiếm khi thấy  họ cười.

Có lần người ta còn gập ông ngồi nói chuyện với bà con từ  xa đến, ăn chực nằm chờ nơi vườn hoa Mai Xuân Thưởng để vào khiếu kiện ở Văn phòng Thủ tướng hoặc biểu tình đưa kiến nghị đến các nhà ông lớn ở gần đó. Những lúc ấy ông như được nhập lại với cuộc đời. Ông hỏi han, an ủi họ nhưng nét mặt vẫn như vô hồn, không hề xúc cảm. Vì hình như ông đã biết trước được những điều này ắt sẽ sảy ra, cũng như ông dự đoán được hậu vận của chính cuộc đời mình.

 Có người hay chuyện kể rằng: Ông vốn là người Hà nội, lại là Hà Nội gốc, con nhà khá giả. Thời Pháp thuộc, ông học ở Trường Chu Văn An, ven hồ, kế nơi đây. Hồi ấy ông tham gia rất hăng hái phong trào học sinh sinh viên, biểu tình, bãi khóa đòi dân sinh, dân chủ. Và ông cũng đã bị bọn công an, cảnh sát Tây-Ta bắt, đã nếm mùi giam giữ, đánh đập đôi lần. Sau được thả và bị theo dõi gắt gao, ông bỏ ra vùng tự do hoạt động. Vốn sẵn nhiệt huyết, làm việc gì cũng hết mình, ông tin tưởng tuyệt đối vào Cách mạng vì thấy con đường mình theo là chính nghĩa, cao cả, pha chút hào hùng và đầy tính nhân đạo. Khi còn công tác trong các đội tuyên truyền, văn nghệ, với lý tưởng trong sáng, với tài liệu sách vở mà ít ai được  đọc, ông đã đưa đến cho nhiều người ở các tầng lớp khác nhau nơi đội đi qua những hiểu biết mới lạ mà đầy hy vọng. Với người đã từng được đến trường học, ông nói với họ về tinh thần dân tộc, về sự hình thành, phân hóa giai cấp, về quy luật phát triển của xã hội; với những người có tầm hiểu biết đơn giản, thì ông đưa họ đến với những viễn cảnh trong mơ ước không xa, với những nông trường bát ngát lúa vàng, có máy gặt, máy cầy tân tiến bên cạnh  những nhà máy rất lớn, khói tỏa lưng trời cung cấp đầy đủ sản phẩm tiêu dùng cho bà con. Xã hội là công bằng, nhu cầu là thỏa mãn.  

Khi tham gia  Cải cách ruộng đất, ông bao giờ cũng thực hiện cao những chỉ tiêu của cấp trên giao, nên đã phát động nông dân nghèo đấu tranh phát hiện được nhiều địa chủ, cường hào và những phần tử Quốc dân đảng phản động ẩn mình trong dân chúng nơi ông công tác để đưa ra xử lý nghiêm minh.

Ông tin rằng với sự sáng suốt của Cách mạng  dân ta sẽ đứng  lên, đập tan ách thống trị của bọn thực dân xâm lược, lật đổ giai cấp phong kiến, địa chủ, tư sản bóc lột, giành lấy quyền làm chủ chính đáng của mình.

Có tự do dân chủ là có tất cả. Chẳng mấy chốc mà nước ta sẽ giàu mạnh chẳng kém gì các cường quốc trên năm châu bốn biển.  

Tuy nhiên có mấy khi cuộc đời chiều theo ý con người. Trong và sau Cải cách ruộng đất, cũng vì hăng hái quá đà mà ông vấp phải những điều sau này phải ân hận suốt cả cuộc đời. Ông bị đình chỉ công tác.

 Chán nản, ông xin đi học chuyên môn. Với trình độ Đệ tam trung học cũ, lúc bấy giờ được coi là người có văn hóa cao, một lần nữa ông lại tạo được nguồn nhiệt huyết mới. Ông tuy là học viên nhưng  lại là cán bộ lớp  khóa đầu của trường Nông Lâm nghiệp Việt nam mới ra đời tại làng Cổ Nhuế, cách làng Bưởi dăm cây số. Vốn ưa hoạt động, chuộng điều mới mẻ, hay triết lý, giỏi thơ văn, ông tham gia tích cực các hoạt động xã hội, và phạm phải sai lầm chết người là đã đọc, viết bài cổ vũ cho nhóm Nhân Văn, Giai phẩm. Thế là ông bị đuổi học.

 Nghề ngỗng chẳng có, sống vất vưởng nhờ vả bạn bè, họ hàng xa gần trong thời kỳ mà xã hội đầy dãy những nghi kỵ, sợ hãi vì sự truy chụp về thành phần giai cấp. Ông ngán ngẩm với nhân tình thế thái rồi quyết chí bỏ phố phường,họ hàng lên thẳng nơi rừng xanh, thề một đi không trở lại, xa lánh cuộc đời.

Nghe nói ông đã hóa thân thành người lao động thực sự, làm việc trong một lâm trường và cũng đã có vợ con với cuộc đời phẳng lặng. Nhưng cái họa của cuộc đời ông là vô đơn chí. Ốm đau và tính gàn dở - vì quá tôn thờ lẽ phải - đã dứt ông ra khỏi quãng đời mà  ông lầm tưởng sẽ mãi là của mình  và ném trả  ông về với gốc đa này.

 Nơi đây, mới chính là của ông, một trong những vùng đẹp nhất của thành phố quê hương, nơi ông đã sinh ra, đã có một thời niên thiếu đáng nhớ, có mái trường xưa, có cảnh vật hài hòa, trời nước mênh mông. Nơi mà  người ta có thể ngồi ngắm hàng giờ trong tĩnh lặng với tâm hồn thư thái, hoặc ngay cả khi  với nỗi buồn chĩu nặng trong lòng.

 Ông thấy cuộc đời ông là một chuỗi thất bại. Ước mơ một xã hội công bằng của một thời tuổi trẻ của ông đã không thành hiện thực. Xung quanh ông, xã hội ồn ào, những kẻ hợp thời đang giàu lên phi lý một cách nhanh chóng, xe hơi choáng lộn, biệt thự xa hoa, còn người dân thường thì vẫn chẳng khác xưa là bao. Lại thêm nhiều điều oan ức. Hàng chục, hàng trăm bà con nghèo khó, nhếch nhác, đã từ hàng ngàn cây số, màn trời chiếu đất ra đây ăn chực nằm chờ, khiếu kiện để đòi lại đất đai, đòi sự công bằng đang diễn ra hàng ngày trước mắt ông.

 Cũng có khi bỗng nhiên thấy thanh thản, bớt được ưu phiền, muốn được chia sẻ nỗi lòng, ông tâm sự rằng khéo mình cũng chẳng sống được bao lâu nữa, hệt như cây đa già nơi ông quanh quẩn hàng ngày.

Gốc đa này đã mục lắm rồi, chỉ còn một mảnh thân nhỏ liền với đất, còn thì gãy ruỗng cả. Thế mà nó vẫn sống. Ông như thân thiết với cây và thường trả lời đôi  câu cho những ai đứng xem  cây đa đặc biệt nhất trên đời này.

 Nếu đứng xa nhìn lại thì tưởng cây  có rất nhiều rễ thẳng và to bằng những thân bương (3) lớn. Nhưng lại gần thì mới té ra: Đấy chỉ là hàng chục chiếc cột sắt dài dăm bảy thước, sơn mầu xanh mà người ta đã  chôn, chống xung quanh giữ cho cây khỏi đổ. May mà cũng còn vài ba chiếc rễ phụ cắm xuống đất, hút nước nuôi cây.

 Với giọng chua chát ông thường bảo:

Cây đa này sẽ còn thọ hơn tôi, nó có cả thảy 13 cái cột chống, còn tôi thì chẳng có cái nào! Trời gọi, là tôi đi liền.

Những người dân biểu tình đứng xem thì mai mỉa: Cây này là Chế độ. Mấy cái rễ phụ là các ông Trung Ương. Các cây cột sắt là các chú bộ đội, công an. Cây này còn đứng được là nhờ vào cột.

Họ còn nhìn ông già mà cười và nói nhỏ với nhau: Bà con mình từ lâu nay đã chẳng dại gì mà trồng loại cây này. Nhiều đa thì lắm cuội!

 Thực ra cây đa cũng như ông già chẳng phải là đang sống mà chỉ là đang còn tồn tại khắc khoải trong dòng đời hỗn tạp này. Dù cho cây đa này là của Cụ Hồ trồng (3); và ước vọng đẹp đẽ suốt cuộc đời của ông già vẫn còn đó, không phai mờ, trong tâm trí ông.

_______________________________

Ghi chú:

(1) Cả bài là: Thằng cuội ngồi gốc cây đa,

   Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời,

   Cha còn cắt cỏ trên trời,

   Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.

   Ông thì cầm bút cầm nghiên,

   Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa.

 

(2) Cây đa ở giữa vườn hoa Hồ Tây, sau tượng Lý Tự Trọng,  phía trước đền Quán Thánh (Quận Ba Đình Hà Nội).

(3) Bương: Loại cây họ tre, đường kính thân tới 20 phân, xưa thường dùng làm cột nhà.