Chiếc áo Tứ Thân |
Tác Giả: Lê Bình | |||
Thứ Tư, 29 Tháng 10 Năm 2008 05:35 | |||
“Hôm qua em đi tỉnh về Đợi em ở mãi con đê đầu làng Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi! Nào đâu cái yếm lụa sồi ? Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ? Nào đâu cái áo tứ thân ? Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? (Chân Quê-Nguyễn Bính) Áo tứ thân là một loại áo dài của phụ nữ Miền Bắc. Nhiều tài liệu ghi lại thì áo tứ thân có từ thế kỷ 12, nhưng theo một vài tài liệu khác thì chiếc áo tứ thân có từ thời Hai Bà Trưng (nghĩa là vào thế kỷ thứ I), người ta nói rằng Hai Bà ngồi voi ratrận, áo HaiBà là chiếc áo tứ thân và thắt lưng đai vàng; nghe qua cũng hợp lý lắm. “Này nhé, bà cởi voi, cầm kiếm vào thời đó chúng ta còn bận áo vải chàm, còn thô sơ, màu sắc sặc sở, thì chiếc áo hai ba mảnh như vậy là do nhiều miếng vải ráp lại. “Nghe cũng có lý. Ngày nay dường như các cô gái Mường vẫn còn áo tứ thân…và Hai Bà là người Mường?” Ngày nay chiếc áo tứ thân chỉ mặc trong các dịp lễ mang tính cổ truyền mà thôi. Tại sao hôm nay lại kể chuyện chiếc áo tứ thân? Số là như vầy, ở nhà có mấy đứa cháu coi chuyện cổ tích Tấm Cám (do nhà sản xuất Thế Hệ Trẻ phát hành) trong chuyện có 2 cô gái mặc chiếc áo tứ thân, đầu chít chiếc khăn mỏ quạ trông duyên dáng, dễ thương yêu kiều hết mực. Đi đứng uyển chuyển dịu dàng, chiếc áo dài quấn quít theo chân…Chẳng những các cô gái trẻ bận tứ thân đẹp đã đành; người già, người nghèo cũng bận áo tứ thân đều đẹp. Chiếc áo vá chùm vá đụp nhiều màu cho đến chiếc áo lụa….mặc vào đều đẹp cả. Chiếc áo tạo nên nét đẹp? Chuyện đó “tùy người dối diện”. Con bé hỏi “Cái gì đó?” Mẹ nó trả lời “Chiếc áo dài.” “Sao không giống áo của má?” “Nó là áo dài Tứ Thân” …..Một loạt những câu hỏi khác tới tấp bay ra như hỏa tiển liên thanh …không đối không, địa đối địa… Có nghe con nít ngạc nhiên thì người lớn mới ngạc nhiên. Ừ nhỉ! Người lớn chai đá trước vẻ đẹp của thế giới chung quanh rồi sao? Hay là mất cảm giác, tê đầu lưỡi vì ăn ớt quá nhiều? Mọi nét đẹp của thế giới quanh ta ngày càng thu hẹp; người lớn càng ngày mất dần cảm tính với môi trường? Người lớn chỉ còn 4 chữ trong đầu “Cơm, áo, gạo, tiền”. Thật thế sao? Đau xót đến thế sao? Ăn thì ”fast food”, đi thì vội vàng, ngủ thì chưa đủ giấc…tháng qua tháng, năm qua năm…nhìn lại mới đó mà mình đã già, thời gian đi thật nhanh; nhưng mà sao cái nhà 30 năm trả hoài sao chưa thấy hết??? Ngộ thiệt. Thế mới biết trong kinh thánh Chúa Jesus dạy học trò “Muốn vào nước thiên đàng hãy như đứa bé nầy…” Pháp Bảo Đàn, Tổ Huệ Năng dạy học trò “Gánh nước, bửa củi đều là thần thông.” Cha chả là nguy! Thậm chí nguy! Làm sao như đứa bé cho được khi mà tiền nhà mỗi tháng tới liền liền, bên cạnh đó nào xăng, bảohiểm, tiền quà cáp mùa lễ; nào đám cưới, đám sanh nhựt…ra trường, ăn nhà mới…v.v. Hàng “tỉ” thứ phải chi tiêu mà lương chỉ chừng đó, mà gióp giếc chưa biết nhận “giấy hồng” vào một ngày đẹp trời nào đây? Cha chả! Làm sao bây giờ? Lại còn chuyện “gánh nước “ là gánh nước, “bửa củi” là bửa củi chớ thần thông sao được mà thần thông? Gánh nước đổ mồ hôi, bửa củi coi chừng dao búa chặt vào người …thì có…chớ thần với thông cái nỗi gì được! Mô Phật! Lạy Chúa tôi! Hồn ai nấy giữ nha. Xuống chơi với đám cháu cho vui đi nào. Cái trò chơi “Thiên đàng địa ngục hai bên…Mến cha mến Chúa thì lên thiên đàng” Và thôi thì trở lại chuyện đời thường. Trả lời cho con bé là dịp đi tìm kiến thức cho riêng mình. Áo tứ thân, như tên gọi, gồm có 4 miếng (tứ thân) vạt sau (lưng áo) là hai mảnh ghép lại, vạt trước có hai mảnh tách rời không có nút, khi bận hai vạt nầy được cột lại với nhau thả trước bụng; vì không cài khuy, không nút nên phần ngực coi như trống, bên trong phải có áo lót và mặc yếm. Các cô gái Việt thời cổ thường bận tứ thân trong các sinh hoạt hàng ngày như ra làm đồng, đi chợ…v.v. Đến thời Tây đô hộ, chiếc áo tân thời có khác…cho nên Nguyễn Bính mới hỏi “Nào đâu cái yếm lụa sồi?... Nào đâu cái áo tứ thân?” Áo Tứ Thân, Khăn Mõ Quạ, nón Quai Thao …thường đồng nghĩa với hát Quan Họ của Bắc Ninh (cũng chẳng ai hiểu tạo sao) Có bài hát quan họ như thế nầy. “Mấy trăm năm quan họ í i áo Áo tứ thân ối a bên đình Xe duyên cha mẹ hỏi Suờn đồi chín mùa sim Qua sông Cầu em hát Mùa xuân cũng về theo Mắt dao cau lúng liếng í i Nón quai thao dáng chiều. Anh xin làm quan họ Hừ là hát đối cân mạn thuyền Còn em em em cứ đợi Yêu người người trao duyên. Mấy trăm năm quan họ Hừ là áo tứ thân bên đình Người ơi xin người ở Yêu người người trao duyên Hứ hư hư là hừ... Hứ hư hư là...” (nhạc: Hữu Xuân. Thơ: Thái Thăng Long) Cái áo tứ thân như vậy, còn cái Yếm, mặc bên trong áo che phần ngực, xuất hiện từ bao giờ? Mặc áo tứ thân mà thiếu yếm…coi như huề tiển…cái ngực sẽ lổ lộ một tòa thiên nhiên ngay. Hình dạng của chiếc yếm là hình vuông vắt chéo trước ngực, phần trên là cổ yếm có 2 dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn. Ở 2 góc cón lại có dây để cột ra sau lưng. Yếm mặc với áo tứ thân, nón quai thao, khăn mỏ quạ để Nguyễn Nhược Pháp viết thành thơ: "Em đeo giải yếm đào Quần lĩnh áo the mới Tay cầm nón quai thao Chân em đi đôi guốc cao cao…” Ngày xưa con gái bận yếm là đẹp lắm (dường như ngày nay cũng còn đẹp?) chẳng những tôn vẻ đẹp, mà lại còn “hấp dẫn” ở chổ kín kín, hở hở. Hãy nghe Hồ Xuân Hương tả người con gái mặc yếm: Thiếu Nữ Ngủ Ngày. Mùa hè hây hẩy gió nồm đông, Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng. Lược trúc chải cài trên mái tóc, Yếm đào trễ xuống dưới nương long (lưng ong?) Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm, Một lạch Đào nguyên nước chửa thông. Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt, Đi thì cũng dở, ở không xong. Ngoài ra áo tứ thân còn có khăn mỏ quạ. Đây cũng lại là một nét duyên dễ yêu của các cô gái Việt. Khăn mỏ quạ, như tên gọi, là một chiếc khăn quấn trên mái tóc cột sau ót, phần khăn trước trán túm lại như hình cái mỏ con quạ. Muốn vấn được chiếc khăn mỏ quạ không phải là dễ. Theo mấy cụ bà Hà Nội, Bắc Ninh…rặt thì “vấn chiếc khăn mỏ quạ tùy theo khuôn mặt người. Vấn cao quá hay thấp quá đều hỏng” Trước khi vấn chiếc khăn mỏ quạ, lọn tóc phải được quấn trong chiếc khăn và xây tròn trên đầu để chút đuôi gà ra sau, rồi mới đội chiếc khăn mỏ quạ lên trên. Đại khái là như thế. (Đố mấy chị, mấy bà bận áo bà ba đầu chít khăn rằn vấn được tóc đuôi gà và đội được khăn mỏ quạ?) Chưa hết, trên chiếc khăn mỏ quạ còn có chiếc nón Quai Thao. Nón quai thao hay còn gọi là nón ba tầm là một loại nón của phụ nữ ở miền Bắc. Nón làm bằng lá cọ hoặc lá gồi, lá cọ, rơm, tre…có hình dạng giống như tai nấm, có quai đeo, đỉnh bằng, đường kính khoảng 7, 8 tấc. Áo tứ thân thích hợp cho người phụ nữ quanh năm cần cù bươn chải, gánh gồng tháo vát. Còn chiếc quần thì sao? Ngày xưa người phụ nữ Việt không mặc quần 2 ống như bây giờ, người ta mặc váy, nghĩa là chiếc quần không có đáy, như người dân tộc trên cao nguyên mặc xà rông vậy. Đến đời Minh Mạng nhà nguyễn mới chuyển qua quần 2 ống: “Tháng 8 có chiếu vua ra Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.” Với những phụ nữ tỉnh thành , chiếc áo tứ thân có nhiều màu sắc hơn, đẹp và trang nhã hơn. Sau này người ta còn cải cách thêm thành chiếc áo ngũ thân. Ngũ thân là áo 5 tà, thêm ở vạt trước một vạt thứ năm nằm ở dưới vạt trước che cái yếm. Chiếc áo dài tứ thân của người Việt được nhiều người giải thích như vầy: Tứ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (Cha mẹ ruột và cha mẹ vợ), và áo ngũ thân, vạt thứ 5 nằm dưới vạt trước chính là tượng trưng cho người mặc áo(?). Vạt thứ 5 nối với hai vạt trước nhờ cổ áo có bâu đệm, và những chiếc khuy. Nhiều người không thích chiếc áo 5 tà cải cách nầy, họ cho rằng hơi hám giống chiếc áo của người Hán (Tàu) vì cái bằng khuy. Trong khi đó, sau thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng đưa con cháu lập nên triều đại nhà nguyễn. Theo tài liệu sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát được xem là người có công với chiếc áo dài Việt Nam (người Việt mặc hiện nay có 2 tà). Sách chép “Dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong đón nhận hàng vạn người nhà Minh (gọi là Minh Hương) không thần phục nhà Thanh sang định cư lập nghiệp. Trước làn sóng người mới này, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong. Trong sắc dụ đó, chiếc áo dài Việt Nam được khuôn phép như sau: "Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép ..." Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn viết "Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy". Nhưng một vài tài liệu khác thi cho rằng việc ra đời các sắc dụ về chiếc áo dài như là “quốc phục” là do những tham vọng của chúa Nguyễn Phúc Khoát muốn xưng vương và tách rời Đàng Trong khỏi sự ràng buộc thần phục vua Lê nên ban sắc dụ về ăn mặc như trên cho khác đi, không phải vì “giữ gìn bản sắc văn hóa” với những người khách trú Minh Hương như việc phụ nữ phải mặc quần hai ống …v.v. Chiếc áo dài đầu tiên (ở đàng trong) giống như áo dài người Chàm có xẻ nách. Như cả một cuộc đời, chiếc áo dài cũng trải qua nhiều lần biến đổi cho đến hôm nay mỗi khi nhắc đến y phục của phụ nữ VN người ta thường nghĩ đến chiếc áo dài. Cũng đúng thôi, áo dài mặc lúc nào và ơ đâu cũng thích hợp. Người phụ nữ Huế mặc áo dài đi bán bành bèo, đi chợ, đi ăn tiệc…và khắp Việt Nam, người con gái, phụ nữ Việt mặc áo dài khi đi học, khi đi làm, ăn tiệc…và trong những dịp lễ long trong như đám cưới đều được cả. Chiếc áo dài làm tăng vẽ duyên dáng thướt tha. Chiếc áo tứ thân chỉ là một loại áo của người phụ nữ Việt; bên cạnh chiếc ái dài 2 tà, 4 tà, 5 tà…đều gắn liền với gái Việt người nữ còn có chiếc áo bà ba cũng độc đáo lắm với hàng nút bóp, với vạt xẻ bên hông, thêm quần lãnh Mỹ A...thì con gái Việt Nam đẹp tuyệt vời… Trúc xinh trúc mọc đầu đình Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh. Nhưng em xinh là do những chiếc áo. Ôi những chiếc áo Việt Nam.
|