Khát vọng hột xoàn |
Tác Giả: Ngọc Lan | ||||
Thứ Sáu, 21 Tháng 9 Năm 2012 08:12 | ||||
Chị vừa lớn lên thì ba chị bị bắt đi học tập cải tạo 12 năm. Mẹ chị một mình bươn chải nuôi đám con tám đứa trong thời khó nhăn nhất của đất nước, với cơm bữa đói bữa no, duy có điều mẹ chị không để cho đứa con nào phải bỏ học. Tốt nghiệp cao đẳng, chị đi dạy và bắt đầu yêu một thầy giáo dạy cùng trường. Thoạt đầu nhiều người hơi ngạc nhiên, bởi chị quá đẹp, thành ra khi nhìn chị đi bên ông thầy giáo đó người ta cứ phải liên tưởng đến chuyện “thằng gù nhà thờ Ðức Bà.” Tuy nhiên, nhìn kỹ thêm một chút, người ta chợt hiểu rằng trong thời gian khốn khó, ai ai cũng gò lưng đạp xe đạp, thì chuyện “anh gù” có chiếc xe honda thì bỗng dưng thành hoàng tử cũng là lẽ thường. Yêu nhau một thời gian, chị khám phá ra tính keo kiệt, chi li của anh sao chẳng thua gì chị. Không được, một mình chị biết tính toán là đủ, thêm anh nữa cũng ke re cắc rắc như chị thì làm sao chị chịu nổi. Thế là chị muốn chia tay. Anh bảo, ừ thì chia tay, nhưng phải trả đồ mà hai năm qua anh đã tặng chị. Tức điên, chị về ôm vài món quà anh tặng trả lại cho anh. Anh bảo, chưa đủ, và đưa cho chị một cái list dài dằng dặc những thứ ngày nào giờ nào anh đã dâng hiến cho người yêu. Không biết rằng chị về tìm hoài không đủ hay là vì không nỡ trả lại hết, hay là vì anh khóc lóc ỉ ôi, thôi lấy ai cũng vậy lấy anh anh cám ơn, hay là vì cái gì nữa chẳng biết mà cuối cùng người ta thấy họ làm hòa và một đám cưới tưng bừng diễn ra. Chị nhìn chiếc nhẫn cưới hột xoàn nhỏ xíu trên tay, mắt rạng ngời hạnh phúc. Là vợ chồng, nhưng giữa họ có một sự phân định rạch ròi: tiền lương anh anh giữ, lương chị chị giữ, anh chi tiêu gì cho nhà, chị trang trải chi cho con, tất cả đều rạch ròi, cứ thế mà làm, khỏi mất công cãi lộn. Chính vì thế chẳng lạ gì khi anh dẫn con đi Sở Thú về và đòi chi trả anh tiền đã mua cho con cây cà rem, bởi tiền con ăn là trách nhiệm của chị. Và cũng chẳng lạ gì khi chị đi chợ mua về hai gói xôi, chị một gói, con một gói, anh không có phần, vì chị không có nhiệm vụ trả tiền ăn cho anh. Tiền chị có dư là để dành sắm hột xoàn thôi. Chị không có nhu cầu sắm quần áo mới đắt tiền, chị là khách hàng trung thành của những quần áo “si-đa” hàng hiệu, bởi chẳng ai chạy đến vạch áo chị ra xem cũ hay mới, người ta chỉ nhìn cái hào nhoáng bên ngoài. Chị không có nhu cầu ăn, ăn là cái cho vào bụng chẳng ai nhìn ra. Chị không có như cầu đi chơi, bởi người ta không theo chị sát những chuyến đi để biết chị như thế nào. Chị chỉ có nhu cầu kiếm tiền và phơi cho thiên hạ xem tiền chị có qua vòng vàng, hột xoàn và hai cái xe máy, một chiếc đi tới lui, một chiếc @ trùm mền cho có với người ta. Năm nọ, chị được các anh chị em ruột bảo lãnh sang Mỹ chơi một chuyến cho bõ những ngày cơ cực. Chuyến đi không mất xu nào thì chị phải đi chứ, mà đi Mỹ thì mới đúng là cho thiên hạ lác mắt ra. Anh chị em muốn đưa chị đi chơi đây đó một tháng cho biết thiên đường nước Mỹ. Nhưng mới qua ngày trước ngày sau nhìn thấy người nhà ngồi may quần áo gia công, chị lân la xem và nhẩm tính ra tiền công Việt Nam thấy cũng được được. Thế là chị không muốn đi chơi đâu hết. Chị chỉ muốn ở nhà phụ may đồ kiếm tiền. Chị may ngày may đêm, 14 đến 16 tiếng một ngày, đến ngày trở về Việt Nam, chị hí hửng sắm được cái hột xoàn xứng đáng với công chị dốc sức. Về Sài Gòn không lâu, với giấy visa còn hạn, chị lội ngược lại qua Mỹ một lần nữa để đi phụ bán cơm cho một tiệm ăn, bởi chị tính chị bỏ ra ngần này tiền mua vé máy bay, sang đi làm thêm 5, 6 tháng, số tiền chị kiếm được sẽ là gấp bao nhiêu lần tiền lương đi dạy. Và như thế, kết thúc chuyến đi Mỹ lần hai, với kiểu tiết kiệm đến mòn người, chị vừa sắm thêm được 2 cái hột xoàn mới đeo lấp lánh nơi lỗ tai. Kiếm tiền nhiều nhưng chi tiêu của chị vẫn không đổi. Thời buổi gạo châu củi quế mà gia đình 4 người của chị mỗi ngày ba bữa cũng chỉ mất bằng đúng số tiền một bữa cơm trưa của nhân viên văn phòng. Có lẽ chị khéo tính hơn mọi người. Một bó rau luộc, 2 cái trứng chiên. Dinh dưỡng cũng đủ, ăn ít lại đẹp người, giữ dáng. Tiền còn lại, chị vẫn tiếp tục sắm hột xoàn. Viên hột xoàn tròn cỡ đầu ngón tay vẫn lung linh ánh tím trong giấc mơ của chị, hằng đêm.
|