Trái lại, tôi và người bạn quê Khánh Hòa nói ở trên không thể ở chung trong một hội đồng hương được, nói theo cách nói sai bây giờ, tất cả người Việt gọi nhau là đồng hương, không lẽ có một hội đồng hương mang tên “Hội Đồng Hương Việt Nam”.
Cũng như tôi và ông bạn nói trên có thể “liên lạc” với nhau, nhưng không thể nào “liên hệ” với nhau vì không phải là bà con, máu mủ, theo lối nói trong nước mà rất nhiều người bắt chước hiện nay. Nếu có một tiếng lâu nay chúng ta dùng sai, mà chúng ta biết là sai thì liệu chúng ta có sửa lại cho đúng không? Chúng ta là người Việt ở trên đất Mỹ này chỉ có thể xem nhau là đồng bào, một danh từ mà trước đây người ta hay dùng theo nghĩa bóng là con dân chung một tổ quốc, như anh em cùng một bào thai sinh ra. Nhiều người ngại không dùng tiếng “đồng bào” vì sợ xem thường người khác, vì ngày xưa các nhân vật lãnh đạo quốc gia hay mở đầu diễn văn bằng những tiếng “quốc dân”, “đồng bào”. Nhưng không lẽ chúng ta gọi những người Việt trong nước là “đồng bào” và những người Việt cùng chúng ta tỵ nạn sang đây là “đồng hương”? Trên báo chí vẫn thường thấy những tin “cứu trợ đồng bào bão lụt tại miền Trung” nhưng lại viết “đồng hương tham gia biểu tình đông đảo”! Điều đáng nói là hai tiếng “đồng hương” đã được lợi dụng triệt để để ca tụng tình thân ái, yêu thương, đùm bọc như “tình đồng hương”, “giá đồng hương”, giảm giá cho đồng hương, “đặc biệt cho đồng hương” nhưng nghĩa của nó là “lường gạt”, “xem thường”, “khinh bỉ”. Tôi không nói ngoa. Bạn thử vào một ngôi chợ Mỹ, rồi vào một ngôi chợ Việt để xem các cô bán hàng ở hai ngôi chợ này đối với khách khác biệt nhau ra sao? Bạn thử mua một món hàng ở tiệm đồng hương về nhà, không vừa ý, đem đổi lại, thái độ của ông chủ tiệm sẽ ra sao? Bạn thử vào một bãi đậu xe khu phố Việt để thấy lối hành xử của đồng hương chen lấn, vứt xe đi chợ giữa đường hay để sau đít xe người khác ra sao? Bạn thử vào một tiệm ăn đồng hương có nhiều người ngoại quốc đến ăn để xem người ta tiếp đãi khách da vàng, da trắng khác nhau ra sao? Những chuyện giao tiếp giữa đồng hương với nhau, trên các tờ báo địa phương, người ta đã nói đi nói lại nhiều lần, nhưng chúng ta vẫn gặp những chuyện bực mình nghìn lần như một. Hôm qua chúng tôi từ một nhà hàng ăn trên đường Bolsa, lái xe ra trước một dòng xe nối đuôi nhau chạy liên tục. Biết thân, tôi đã chờ đợi khoảng thời gian khá lâu, những người đi qua toàn là đồng hương thân yêu, nhưng chẳng có ai đưa ra một dấu chỉ thân thiện. May quá, cuối cùng có một người ra dấu nhường xe cho tôi ra, vẫy tay chào lại thay một tiếng cám ơn, tôi thất vọng vì nhận ra người lái xe kia là một người Mỹ tốt bụng chứ không phải chủng loại da vàng mũi tẹt như tôi... Sống trên mảnh đất có nhiều “đồng hương” nhất ở nước Mỹ này gần hai mươi năm, đã nhường lối xe ra hằng trăm lần cho tất cả mọi người lái xe, không phân biệt vàng, đen, trắng, đỏ, tôi ít khi thấy “đồng hương” mình vẫy một bàn tay để tỏ một cử chỉ thân thiện, mà chỉ thấy những khuôn mặt khó đăm đăm, ra chiều quan trọng, phớt lờ, trái ngược với nụ cười, lối xã giao của những người dân địa phương ở đây. Một lần khác trên con đường ra từ một khu chợ, một đồng hương còn trẻ, trong khi chờ xe đậu lấn qua phần đường ra, khiến chiếc xe của tôi phải mắc cạn không tiến được. Tôi xuống cửa xe nói với đồng hương xin nhích lên một tí, cho tôi đi lên, kẻo sau tôi còn nhiều xe đợi. Y có vẻ phật ý, lắc đầu. Tôi biết y coi thường người đồng hương, cũng như cái xe đời cũ của tôi. Nếu gặp một người Mỹ trắng sang trọng với cái xe đời mới, chắc y đã vui vẻ nhường đường. Cái này, ông cha ta thời xưa nói là kiểu “khôn nhà dại chợ”, đối với người nhà thì khinh bạc, lấn áp, nhưng đối với người ngoài thì sợ hãi kiêng nể. Tôi cũng đã từng đỡ cửa cho hằng trăm “đồng hương” ở các cửa hàng trong khu người Việt, điển hình là tại thương xá Phước Lộc Thọ, người ta nghĩ tôi là một ông già điếc đặc nên đã không hề mở miệng cám ơn, đôi khi lại không buồn đưa bàn tay ra đỡ giùm cánh cửa, khiến tôi phải khép nép đứng lại một bên, ôm cánh cửa chờ đồng hương bước qua, sợ buông tay, lỡ cánh cửa đập vào mặt người ta. Chẳng phải mới chút đỉnh “thi ân” đã đòi “cầu báo”, mà sợ dân địa phương cho mình là người kém văn minh. Nhưng sự thực tôi đã lầm, vì nếu gặp một ông tây, bà đầm đỡ giúp cánh cửa thì “đồng hương” đã nở một nụ cười rất khả ái và không quên lịch sự cám ơn rối rít. Vậy câu nói “đồng hương khinh bỉ đồng hương” hẳn không sai. Câu chuyện này đã được ông Bá Dương bên Tàu và nhiều trang báo bên Mỹ nói chuyện nhiều lần, nhưng chẳng ăn thua gì, chỉ sợ người ta lại nhớ đến câu: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!” Bạn bè cứ cho tôi là hận đồng hương nên mới “Khổ lắm! Nói mãi!” Quả thật là tôi có bị một anh “nhóc con đồng hương” lừa trong bệnh viện, rồi lại bị một “từ mẫu đồng hương” gửi cho cái bill $3,500 về một dịch vụ “ảo” không hề có thực khiến cơ quan medi-care phải è lưng ra trả. Tôi cũng biết tôi có khuyết điểm là nhớ dai và chưa xóa bỏ được hận thù. Tôi biết nhiều người, nhất là giới cao niên, vì ngôn ngữ hạn chế nên phải bám riết vào đồng hương, không bị lường gạt kiểu này, cũng bị lường gạt kiểu khác, nhưng nghĩ “tình đồng hương”, “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý”, nên bị chúng coi thường, lại càng làm tới. Nhiều người than phiền bị những “công ty đồng hương” nhận tiền cọc, tiền mua vật dụng cho những dịch vụ sửa nhà, ghép phòng, xong rồi cao bay xa chạy. Rất nhiều gia đình khá giả đã bị “đồng hương” đem xe truck đến dọn sạch nhà. Ai hiểu rõ “đường đi nước bước” và chuyện tiền bạc của đồng hương hơn đồng hương, và dọn nhà đồng hương cũng dễ hơn vào dọn nhà Mỹ. Quả thật đồng hương là một tập thể rất dễ tin nên dễ bị lừa, từ chuyện chính trị cho đến chuyện nhỏ nhặt như viên thuốc, gói trà. Một nữ độc giả báo Viễn Đông vừa than phiền chuyện đi mua “cơm chỉ’ của đồng hương, về nhà thấy một con gián trong miếng canh mướp đắng, đem lại tiệm khiếu nại thì bị nhân viên không cho gặp chủ, lại còn bị mắng mỏ: “Mướp có gián thì ra chợ mà khiếu nại!” Một người khách khác than phiền mua phải chè thiu, bản thân người viết bài này cũng đã có dịp mua về nhà món tôm càng kho đã bị chua, đành phải mang ra gửi lại cho chủ tiệm thức ăn “to go”, được trả tiền lại, không bị sừng sộ, là may mắn, đằm thắm tình nghĩa đồng hương lắm rồi. Trong khi thức ăn “to go” của các nhà hàng Mỹ, trong ngày nếu bán không hết phải đổ thùng rác, không để qua đêm vì vấn đề vệ sinh và điều quan trọng là biết tôn trọng khách hàng, tiệm “to go” bán thức ăn ở Little Saigon này để nhiều ngày, siu thối, nếu không gọi “xem thường, khinh bỉ đồng hương” thì chúng ta gọi bằng chữ gì? Phải chăng đó là ý nghĩa của khẩu hiệu đẹp đẽ “đồng hương phục vụ đồng hương”! Trước con mắt quan sát của thiên hạ đối với đồng hương chúng ta, nếu có ai đó có nhã ý giới thiệu nét văn hóa của đồng hương thì nên tránh xa các khu chợ đầy rác, tàn thuốc lá và cũng đừng nên giới thiệu nét “khả ái” của những cô cashier đồng hương, nó cũng không khác gì mấy các cô “Duyên Dáng Việt Nam Airlines” đâu! Người ta nói ở nước Úc, Pháp, Canada hay ở các tiểu bang miền Đông nước Mỹ, đồng hương đối với nhau tử tế hơn nhiều. Cũng dễ hiểu thôi, cái gì ít mới quý. Một người Việt ở trong cộng đồng sắc dân khác rất dễ thương, nhưng cũng người này về với đám đông đồng hương thì sinh dễ ghét. Tôi biết nhiều ông bà ở tận miền Đông buốt giá, ít người Việt, trong hoàn cảnh chưa gần đồng bào được, nên rất muốn về gần đồng hương. Gần đồng hương rồi mới gặp trăm thứ bực mình, nhưng chẳng thà bực mình với đồng hương còn hơn khốn khổ với trăm thứ “đồng bào” giai cấp mới hiện nay ở bên nhà. Tôi cũng vậy. Nhưng khổ tâm lắm mới phải nói ra! Nói mãi! Biết rồi! Khổ lắm!
|