Vấn đề trách nhiệm |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc | |||
Thứ Năm, 19 Tháng 4 Năm 2012 18:11 | |||
Thời gian vừa qua, trong bản từ vựng chính trị được nhìn thấy qua các cơ quan ngôn luận ở Việt Nam, bỗng xuất hiện với một từ có âm vang khá hay từ miệng các nhà lãnh đạo: Trách nhiệm.
Người nói hai chữ trách nhiệm nhiều nhất và ồn ào nhất có lẽ là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Đầu tiên, trước hiện tượng nhiều chiếc xe – cả xe máy lẫn xe hơi - đang chạy hoặc đang đỗ bỗng dưng phát nổ rồi bùng lên cháy, ông nói: “Từ năm 2012 với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải chịu trách nhiệm khi xe cháy nổ. Chúng ta không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng khi xe cháy nổ thì phải có cơ quan chịu trách nhiệm.” Sau đó, trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông, ông quyết định bắt những người đi xe phải đóng một số lệ phí như phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành vào nội đô giờ cao điểm, v.v. Trước sự phản đối ầm ĩ của dân chúng, ông khẳng định dứt khoát: “Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm và cá nhân tôi chịu trách nhiệm về đề xuất mức phí.” Đồng hành với ông Đinh La Thăng có ông Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng. Đối diện với sự lo lắng của chính quyền và dân chúng Quảng Nam trước hiện tượng thấm nước và rò rỉ của đập thủy điện sông Tranh, ông Vượng tuyên bố là, một, Bộ đã và đang khắc phục sửa chữa; và hai, đập vẫn an toàn và ổn định, “chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố nào làm nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân sống ở vùng hạ lưu sông Tranh.” Rồi ông nhấn mạnh: “Khi đã khẳng định đập sẽ an toàn, ổn định, chúng tôi chịu trách nhiệm về tuyên bố này của mình.” Kể ra, những lời khẳng định hùng hồn và dõng dạc của hai ông Đinh La Thăng và Hoàng Quốc Việt cũng rất ấn tượng. Trước đây, ở Việt Nam, người ta chỉ nói đến trách nhiệm tập thể. Lúc nào cũng hoặc đảng hoặc chính phủ chịu trách nhiệm. Nhưng khi công việc bị thất bại thì tất cả đều lắc đầu quầy quậy. Ví dụ vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin làm ăn dối trá gây thâm hụt 5.000 tỉ đồng, nguy cơ lỗ thêm khoảng 8.500 tỉ đồng và nợ đến 86.000 tỉ đồng. Khi sự việc chưa vỡ lỡ, tất cả các lãnh đạo mọi cấp đều xúm vào khen ngợi Vinashin rối rít, ký giấy cho phép Vinashin vay nợ ào ào. Đến lúc sự thật bị lột trần, khi bị một số đại biểu Quốc Hội tra vấn trách nhiệm, ai cũng nói: “Tôi không chịu trách nhiệm.” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận trách nhiệm điều tra. Nhưng cuối cùng, quyết định của Bộ chính trị là: Không ai chịu trách nhiệm cả! Bây giờ, một số Bộ trưởng và Thứ trưởng tự nhận trách nhiệm cá nhân một cách công khai như vậy, tình hình liệu có khá hơn không? Thú thực, tôi không tin. Đời sống chính trị, ở tầm quốc gia cũng như quốc tế, chỉ có ý nghĩa và kỷ cương khi gắn liền với một điều kiện căn bản: trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm là một khái niệm cực kỳ mơ hồ. Đó cũng luôn luôn là điều người ta chỉ thích nói chứ không thích thực hiện. Để biện minh cho việc không-thực-hiện ấy, người ta tìm mọi cách để bóp méo khái niệm trách nhiệm hoặc đùn đẩy nó sang hướng khác. Thời nào cũng thế. Và ở đâu cũng thế. Sự khác biệt giữa xã hội này và xã hội khác, thể chế này và thể chế khác, nằm ở hai điểm thiết yếu: tính khả kiểm (accountability) và sự trừng phạt. Ở các quốc gia dân chủ, bao giờ cũng có một lực lượng hùng hậu tập trung làm một việc quan trọng là theo dõi các lời hứa và việc thực hiện các lời hứa ấy của giới lãnh đạo. Lực lượng ấy bao gồm từ phe đối lập đến giới truyền thông vốn độc lập với chính quyền. Để bảo vệ quyền kiểm tra và tạo cơ hội cho việc kiểm tra, Quốc Hội thông qua các đạo luật về quyền thông tin (rights of information). Chính phủ muốn giấu cũng không được. Giấu là phạm pháp. Khi trách nhiệm không được chu toàn, nếu ở mức độ trầm trọng, phần lớn đều chọn giải pháp từ chức. Lý do chính là vì tự trọng. Nếu sự tự trọng ấy không có, người ta chọn giải pháp khác: trừng phạt. Có hai cấp độ trừng phạt: chính phủ và dân chúng. Ở cấp độ đầu, Tổng thống hoặc Thủ tướng có thể cách chức các Bộ trưởng; các Bộ trưởng có thể cách chức các Giám đốc Sở nếu họ không hoàn tất trách nhiệm chính yếu của họ. Nếu chính phủ không tự làm điều đó, dân chúng có thể trừng phạt chính phủ trong các cuộc bầu cử: họ không còn tin vào chính phủ ấy nữa. Như vậy, cả tính khả kiểm lẫn sự trừng phạt vốn là điều kiện căn bản của trách nhiệm đều chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở của ba yếu tố khác: quyền thông tin, quyền đối lập và tự do trong bầu cử. Có thể kể thêm yếu tố thứ tư này nữa: lòng tự trọng. Không có các yếu tố ấy, nói đến trách nhiệm chỉ là một chuyện đùa. Tiếc thay, giới lãnh đạo Việt Nam lại là “những kẻ thích đùa”, nói theo nhan đề một tác phẩm của Aziz Nesin, một nhà văn lớn người Thổ Nhĩ Kỳ.
|