Trưa ngày 25 tháng 12 năm 1974, tôi đang cùng với bạn bè dự một bữa ăn nhân dịp Nô-En tại nhà của một thuộc viên thì được Sĩ Quan Trực từ Phòng Tình Hình gọi máy đến báo cáo một tin tức khác thường.
Vào khoảng 11g30 vừa rồi, có một chiếc trực thăng đáp xuống cạnh Trường Tiểu Học Xã Lộc Mỹ, thuộc Quận Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam. Từ trên phi cơ bước xuống một thiếu tướng và một trung tá Việt Nam Cộng Hòa, cùng với một người đàn ông và một người đàn bà Hoa Kỳ. Người đàn ông có mang theo một cái hộp trên tay. Viên trung tá vào trường, dẫn bác Cai Trường ra, giới thiệu với mấy người kia; rồi bác Cai Trường vào trong mang ra một cái xẻng, theo sự chỉ dẫn của hai người Mỹ, đào một cái lỗ, ngay giữa hàng rào phân chia khoảng sân bên hông trường ấy với con đường hương lộ bên ngoài, chôn xuống đó cái hộp của người đàn ông Hoa Kỳ, lấp đất lại, rồi xóa sạch dấu đất mới, để chỗ đó trông giống bình thường như không có việc gì xảy ra. Xong, bốn người kia trở lên trực thăng bay đi, và bác Cai Trường vào trường. Mọi việc xảy ra mau lẹ như đã được sắp đặt từ trước rồi. Lúc chôn cái hộp là vào khoảng 12 giờ trưa. Tôi đoán là có cái gì bí mật, mà nhà chức trách địa phương giấu kín, hoặc không biết rõ nên Thiếu Tá Lâm Minh Sơn, Chánh Sở Đặc Cảnh Tỉnh Quảng Nam, chỉ báo cáo đơn giản thế thôi. Cho nên, do tò mò nghề nghiệp, tôi về nhà sớm và bắt tay vào việc ngay. Sau khi gọi điện thoại hỏi Trung Tâm Hành Quân thuộc Sư Đoàn I Không Quân và Văn Phòng Bộ Tư Lệnh Quân Khu I, tôi tổ chức một chuyến đi quan sát tại chỗ, đồng thời tiếp xúc với các mật viên quanh vùng, để biết thêm chi tiết về vụ này.
Bác Nam thanh minh: ‒ Tôi cứ tưởng là chỉ cần báo cáo những gì liên can đến cộng sản mà thôi, còn đây là vấn đề tình cảm cá nhân mà các người trong cuộc đã yêu cầu tôi giữ kín giùm. Thiếu tá Sơn đỡ lời tôi: ‒ Không ai trách móc bác đâu. Bác hãy kể chuyện về người Mỹ tên Sam đi. Bác Nam kể: ‒ Đầu năm 1971, Toán Dân Sự Vụ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ hoạt động tại Quận Đại Lộc thay đổi cấp chỉ huy. Người mới đến là Đại Úy Sam, một thanh niên đẹp trai, hiền lành, nhã nhặn, bình dân. Anh rất lanh lợi và có nhiều sáng kiến hay. Công tác nổi bật đầu tiên là anh thành lập một Hội Việt Mỹ cho Quận Đại Lộc. Anh chịu khó đi thuyết phục để mời vào Hội không những chỉ các viên chức chính quyền như Quận Trưởng, Phó Quận Trưởng, Chỉ Huy Cảnh Lực, Trưởng Chi Thông Tin, Trưởng Phòng Văn Hóa Giáo Dục, Hiệu Trưởng Trường Trung Học, các sĩ quan thuộc Chi Khu, Xã Trưởng, giáo sư, phụ huynh học sinh, học sinh trunghọc, v.v... như thường lệ, mà anh còn mời cả các thương gia, nông dân, tài xa, tài công, lâm dân, ngư dân, v.v... cùng với một số tu sĩ PhậtGiáo trong vùng. Với Hội Việt Mỹ của Sam, sinh hoạt ở đây sinh động hẳn lên. Hội viên gồm mọi tầng lớp xã hội. Sách báo từ phía Hoa Kỳ phân phát, phổ cập hầu như đến từng gia đình. Hoạt động không chỉ thu gọn trong các kỳ họp, mà còn thể hiện qua bất cứ cơ hội nào có người Mỹ xuất hiện trong làng xóm ViệtNam. Sam đề nghị, và được phía Việt Nam đồng ý, dùng phòng học của Lớp Năm trường này làm nơi trao đổi văn hóa, dạy tiếng Anh vào buổi tối, vì nơi đây thuận tiện cho sự đi lại của mọi người. Phòng này nằm ở đầu dãy, bên hông có một cửa sổ nhìn ra hàng rào che khuất tầm mắt của người qua đường. Phía bên kia đường, các ông thấy đấy, có một cây đa cành lá sum suê, rễ ở gốc cây cao hơn mặt đất, người nào vóc cao mà đứng lên trên đám rễ, tựa vào gốc cây nhìn vào cửa sổ thì trông thấy mặt cô giáo rõ ràng. Giáo viên Lớp Năm là cô Diệu Hương, hoa khôi toàn Quận, năm ấy vào khoảng hai mươi, dịu dàng, lễ phép, đứng đắn, siêng năng. Phòng học Lớp Năm trước kia là nơi cô đến soạn bài, chấm bài cho học sinh, và tự học thêm chương trình đại học vào các ngày nghỉ và mỗi buổi tối, thì nay còn là nơi cô đến làm công việc của Hội với tư cách thư ký, học tiếng Anh, dạy tiếng Việt và giới thiệu phong tục tập quán của người Việt với ngưới Mỹ, giúp chiếu phim, điều khiển máy ghi âm, v.v... Cha mẹ cô thuộc giới trung nông, sùng Đạo Phật và chịu ảnhhưởng Đạo Nho. Sự giao tiếp giữa cô với Sam, trong khung cảnh chung của sự tiếp xúc giữa hai bên Việt Mỹ, có bắt tay, có vỗ vai, nhất là giữa đàn bà con gái Việt Nam với đàn ông Hoa Kỳ, bề ngoài là chuyện tự nhiên, nhưng cha mẹ cô rất lo, nên đã nhờ tôi theo dõi, ngăn ngừa giùm, sợ đi quá xa. Tôi là liên lạc viên của Hội, vừa sắp dọn rồi cất dẹp mọi thứ trước và sau mỗi buổi, vừa tham dự học tiếng Anh và dạy tiếng Anh, nên tôi có mặt hầu hết mọi lần Sam và Diệu Hương gặp nhau. Và tôi đã thấy ngay một mối tình trai gái chớm nở giữa hai người, ngày càng sâu nặng hơn. Quả thật là tôi đã có đồng lõa với hai người. Thứ nhất là vì tôi thấy Đại Úy Sam thật tình yêu Diệu Hương, muốn xây dựng lâu dài. Anh đi lễ chùa vào rằm, mồng một âm lịch, tìm hiểu Đạo Phật, học hỏi phong tục tập quán Việt Nam. Anh biếu quà và tham gia mọi cuộc vui với trẻ em vào các dịp cuối tuần, nghỉ hè, Trung Thu. Anh đưa Y Tế Mỹ đi săn sóc từng cụ già, cứu trợ từng nạn nhân bị Việt Cộng pháo kích, giật mìn. Anh giúp lợp nhà, sửa đường, đào mương, tích cực hơn cả cán bộ của mình. Dân chúng nhờ anh rất nhiều. Mà điều quan trọng là anh trân trọng người yêu, không hề sỗ sàng bậy bạ như đa số người Mỹ khác. Sam nói riêng với tôi là anh sẽ xin chính thức cưới Diệu Hương. Tôi biết là có nhiều cô gái Việt Nam lấy chồng Mỹ đường hoàng, nên tôi yên tâm. Thứ nữa là vì tôi nghĩ: nếu cho cha mẹ cô biết thì chắc ông bà sẽ cấm hẳn cô tới lui với Hội Việt Mỹ; mà không có cô thì Hội tất nhiên sẽ tan, vì anh sẽ dời Hội đi nơi khác, tôi mất việc làm với đồng lương cao và tiền lời bán đồ giải khát, bánh, kẹo, cháo, chè mỗi đêm. Mãi đến hôm nay, giữ đúng lời hứa với hai người trong cuộc, tôi vẫn chưa kể cho cha mẹ cô biết về mối tình giữa hai người. Huống chi đại úy Sam thì đã về nước từ sau Nô-En năm ấy, và cô Diệu Hương thì cũng đã bỏ đi đâu biệt tích từ sau Nô-En năm ngoái, 1973. ‒ Từ khi Sam rời Việt Nam, đến khi Diệu Hương đi biệt, là hai năm trời, hai người có còn liên lạc với nhau hay không? Đời sống tình cảm của cô thế nào? ‒ Anh vẫn gửi thư đều đặn cho cô, qua tôi; tôi đều chuyển lại tận tay; nhưng cô nói là cô không trả lời. Tôi không được biết trong thư anh nói những gì. Có nhiều thanh niên Việt Nam cũng như vài ba người Mỹ có vẻ săn đón cô hơn, nhưng cô đối xử với họ bề ngoài tự nhiên như đối với Sam trước kia, chứ không có gì khác hơn. Cuối năm 1972 thì cô đổi về dạy ở Tam Kỳ, thuộc Tỉnh Quảng Tín; cuối tuần về nhà thường ghé thăm tôi. Tôi hiểu là cô rất buồn, ít nói hơn, da xanh hơn. Đây là bức thư của cô đã viết cho Sam vào dịp Nô-En năm ngoái. Cô đã dặn tôi: nếu đến hết ngày Nô-En năm nay, tức là 12 giờ khuya hôm nay, mà Sam vẫn không trở lại gặp tôi, thì xin tôi hãy giải giùm lời thề, bằng cách đốt nó ở gốc cây đa, là nơi anh đã đứng đó nhiều lần hướng về cửa sổ say-đắm nhìn vào... . * Lộc-Mỹ, ngày 25/12/1973 Anh Sam yêu-dấu, Đây là bức thư đầu tiên mà cũng là bức thư cuối cùng em gửi anh, người đàn ông đầu tiên mà cũng là người đàn ông cuối cùng trong đời em. Nội dung chỉ là EM YÊU ANH. Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như ba tiếng “em yêu anh”. Anh là người Mỹ học thức, giàu có, mạnh khỏe, trẻ trung, can đảm, cần cù, nhân ái, vị tha, hào phòng, tự do. Những quân nhân như anh, ngoài các cuộc hành quân còn dành thêm tâm trí, công sức và thì giờ để làm công tác xã hội giúp ích cho người xung quanh, thật là hiếm hoi. Trong cương vị của anh, anh xứng đáng tiêu biểu cho một dân tộc hung cường, nghĩa hiệp, vượt vạn dặm trùng dương đến đây hy sinh xương máu để bảo vệ, kiến thiết, và phát triển Việt Nam nghèo yếu khổ nạn quê hương em. Anh là một thanh niên lịchthiệp, nói theo các bạn em là “con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai”, yêu đời, yêu người, biết kính già quý trẻ, biết tôn trọng những giá trị tinh thần, nhất là tôn trọng người mình yêu. Anh đã cho em biết thế nào là mãnh lực ái tình, thế nào là tình yêu không phân chia chủng tộc, màu da. Anh vừa lãng mạn phác họa một cảnh gia đình hạnh phúc tràn trề, vừa thực tế dự trù sau khi xuất ngũ sẽ tiếp tục học lấy bằng M.A., lấy bằng Ph.D., dọn đường cho sự nghiệp tương lai. Anh đặt kế hoạch cho tiền đồ của cả hai chúng mình. “Anh đã cho em Niềm Tin trong Tình Yêu”... Nhưng vì cha mẹ em không chấp nhận việc một người con gái Việt Nam lấy chồng người nước ngoài (em biết điều đó qua nhiều lần ông bà phê bình người khác trước mặt em, và qua lời ông bà nói với bác Nam mà bác ấy kể lại với em), nên em đành phải giấu giếm mọi người, trừ bác Nam mà em đã thú thật sau này. Yêu nhau mà phải lén lút, còn gì bực bội và xấu hổ bằng! Hy-vọng duy nhất của em là chờ đến ngày em hai mươi mốt tuổi, là tuổi hợp pháp tự mình quyết định hôn nhân của mình; nhưng không phải là để tự do làm giấy hôn thú với anh, mà là để dễ thuyết phục song thân em chấp nhận mối tình của chúng mình, vì em không thể làm một đứa con bất hiếu ‒ bất-hiếu vì làm trái ý cha mẹ, bất hiếu vì làm cha mẹ mất mặt với mọi người. Nhưng, nếu ông bà vẫn không đồng ý thì sao? Đó là điều mà em không dám giải đáp, vì chỉ nghĩ đến là em đã thấy sợ rồi. Đùng một cái, anh được lệnh hồi hương. Một việc bình thường mà thời gian qua đắm chìm trong tình yêu em không nghĩ đến. Hết hạn tùng quân thì phải về thôi! Tuy thế, có lý nào chấm dứt mọi sự ngang đây sao anh? Nhưng anh đã trấn an em. Anh hứa là sẽ tìm đủ mọi cách trở lại Việt Nam, dù với tư cách quân nhân hay nhân viên dân chính, thường dân. Qua năm 1972 thì Hội Việt Mỹ dời đi nơi khác. Em sống xa anh, lại không còn gần những cảnh sinh hoạt thân quen do anh tạo nên và vẫn mang đậm dấu ấn của anh, nên em cảm thấy cuộc sống trống vắng, lạt lẽo vô cùng, dù anh vẫn gửi thư về đều đều; nên qua Nô-En thì em đã xin thuyên chuyển về dạy ở Tam-Kỳ. Em về Tam Kỳ để gần căn cứ Chu Lai, để được thấy các bạn anh nhiều hơn, để đỡ nhớ anh hơn, và để càng nhớ anh hơn. Anh yêu! Cuộc đời không chiều lòng người. Nô-En 1972 anh chưa trở lại được, nhưng vẫn còn nhiều hy vọng, vì chiến tranh vẫn còn. Nô-En 1973 anh không trở lại được, thì đâu còn hy vọng, vì chiến tranh không còn. Phải chăng hy vọng chỉ còn, tình yêu của chúng ta chỉ còn, khi vẫn còn chiến tranh, cuộc chiến khốc liệt mà chúng mình muốn sớm kết thúc? Nhưng, kết thúc như thế nào, có phải là trong chia lìa, mất mát, đổ vỡ, đau thương không anh? Nô-En năm nay em có một quyết định mới. Em bỏ gia đình, em bỏ việc làm, em thử... tìm về Hư Vô, một cõi sắc không không sắc ‒ như anh đã có nghiên cứu và nói là đã lãnh hội được rồi ‒ vì cuộc đời quả là bể khổ, oái oăm phi lý quá, phải không anh? Cha mẹ em ép buộc em phải kết hôn với một người mà em không yêu. Thế là em đã có lý do để thoát ly gia đình mà không làm cho ai đổ lỗi cho anh. Thời hạn ba năm của lời thề xưa vẫn còn. Anh còn một năm để giải lời thề trước cây đa làng cũ. Anh còn một năm để thử thách lòng anh. Em đã cố tình không viết một dòng chữ nào cho anh từ hai năm qua, trừ lời nhắn miệng với các người bạn mà anh nhờ gặp, rằng em trọn đời yêu anh và sẽ trung thành với anh, cốt để giúp anh trắc nghiệm tình anh. Nếu anh trở lại được, thì anh đi tìm em được; Tình Yêu sẽ hướng dẫn anh. Nếu anh không tìm ra em, mà anh vẫn muốn tìm em, thì đêm Nô-En 1974 em sẽ chờ anh ở Nhà Thờ năm xưa; chậm lắm là vào 12 giờ khuya ngày 25, phút cuối cùng của thời gian thử thách, em sẽ chờ anh ở gốc cây đa. Ở gốc cây đa đó, em đã đón nhận nụ hôn đầu tiên của người khác phái, em đã trao anh nụ hôn đầu tiên của người con gái, là lần đầu tiên em ngây ngất mê ly, là lần đầu tiên em sẵn sàng chết đi trong vòng tay siết chặt của người yêu. Ôi, nụ hôn ngọt ngào như lời thề nguyền buổi sáng mùa xuân cuộc đời, mà cũng là nụ hôn đắng cay mùi vị chia ly chúng mình dành cho nhau trước ngày anh xa em. Anh không sợ ma, em không sợ ma, nhưng hầu hết những người dân làng ở đây đều sợ ma. Nhờ họ sợ ma nên họ để yên cho chúng mình gặp nhau giữa khuya bên gốc cây đa nhiều đêm. Những lần ấy, anh có biết đâu, em lo sợ vô cùng: không phải là sợ có người biết được mối tình mà chúng mình giữ kín, mà là sợ Việt Cộng tìm cách ám hại anh, vì chúng đã hơn một lần muốn nhờ tay em... Bây giờ thì anh đã hiểu rồi đấy. Nụ hôn biểu hiện lời thề. Đời em chỉ hôn một người; người đó, trên đạo lý, đã là chồng em. Em còn nhớ mấy câu Kinh Thánh mà anh đã giảng cho em: “Không được thề dối!” và “Không được phạm tội ngoại tình!”; và: “Hễ ai ly dị vợ mà không phải vì cớ vợ mình gian dâm thì tức là khiến cho nàng ngoại tình!” (Matthew 5:33, 27, 32)... Em không ngoại tình, em không gian dâm; em chỉ yêu một mình anh. Nếu không có anh thì em sẽ là hư vô, vì đời trở nên hư vô. Đây cũng là một cuộc thử thách tối trọng và tối hậu về phần em: do nơi anh, và do lời hẹn của anh, em sẽ trở về sống với hạnh phúc trần gian, hay sẽ tiếp tục và vĩnh viễn trở thành sắc không... D.H. * ‒ Và đây là mười hai bức thư của anh; Diệu Hương không ghé lấy từ mười hai tháng nay... Trời đã xế chiều. Tôi tranh thủ mở đọc bức thư mới nhất của người thanh niên đã từng một thời là Đại Úy Sam:
New York, December 1974 Diệu Hương, người yêu duy nhất của anh: Cả ba năm nay em không viết thư cho anh. Anh chấp nhận, vì đó là ý muốn của em mà em đã nói cho anh biết trước rồi; nhưng trong thâm tâm anh bao giờ cũng mong ước và ngóng chờ thư em. Vậy mà giờ đây thì anh không còn trông đợi thư em nữa, em biết vì sao không? Ngay khi gặp em là anh yêu em. Đồng thời, sau khi đã ở Việt Nam rồi, đã hiểu Việt Nam rồi, là anh yêu luôn Đất Nước và đồng bào em. Anh về Hoa Kỳ không phải chỉ để vận động trở lại Việt Nam với em mà thôi, mà là còn để nói lên tiếng nói của lương tri, chống lại phong trào phản chiến, kêu gọi tinh thần khử bạo phù nguy vốn là truyền thống cao đẹp của dân tộc Hoa Kỳ. Thế nhưng kết quả ngược lại. Ma quỷ đang hồi cực mạnh; người ta không nghe tiếng nói thống thiết của những con người chính trực như anh, thậm chí bác đơn thỉnh cầu của anh xin được một lần trở lại Việt Nam. Và bây giờ thì nước Mỹ đã bỏ cuộc rồi. Anh còn mặt mũi nào sống trên đời này mà làm người thua cuộc, hả em? nhất là trong cuộc tình của chúng mình mà hạn chót của lời thề đã đến rồi. Trong quá khứ, nước Mỹ đã từng cứu Pháp, giúp Đức, tiếp trợ Âu-Tây, nâng Nhật Bản, vớt Đại Hàn, che chở Á Đông. Trong tương lai, nước Mỹ chắc chắn sẽ còn hành hiệp cái thế độ nhân. Nhất định mọi người sẽ phải xét lại thái độ yếu hèn của ngày hôm nay. Riêng đối với em, anh đã giữ tròn danh tiết cho em. Trong đêm cuối cùng, bên gốc cây đa, em đã lịm người trong vòng tay anh, phó mặc hoàn toàn cho anh. Nhưng anh kính trọng tinh thần văn hóa Đông Phương... Anh sẽ không để cho ai biết gì về mối tình vô vọng của chúng mình. “Khối tình mang xuống tuyền đài khôn tan...” Nếu còn có thoáng chốc nào em nhớ đến anh, thì xin em hãy tin rằng, đến tận hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình, anh vẫn chỉ biết một lòng yêu em. Tình Yêu ấy là sinh khí cho hình hài này, vốn là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất mà thôi. Xin cho linh hồn anh được thanh thoát, làm một Romeo, một Trương Chi... SAM * Sơn, Chánh Sở Đặc Cảnh Tỉnh sở tại, nãy giờ ghé mắt cùng đọc theo tôi, phát biểu: ‒ Như thế là cô Diệu Hương đã tái xuất hiện ở Nhà Thờ đêm qua, và sẽ có mặt ở gốc cây đa đêm nay... Tôi nghĩ: “Đoạn cuối câu chuyện không thuộc nhiệm vụ của mình. Mình chỉ tìm biết xem cô là ai, lâu nay làm gì, ở đâu; thế thôi”. Tôi bắt tay từ giã Sơn: ‒ Tất cả thư từ, và những việc gì xảy ra đêm nay, về sau, hoàn toàn để tùy bác Nam giải quyết. Bây giờ thì tôi phải về; còn nhờ anh Hòa trong Quảng Ngãi, anh Song trong Quảng Tín, và anh Đảm ngoài Thừa Thiên, dĩ nhiên là cả anh ở Quảng Nam nữa, tìm xem cô đang tu ở chùa nào... * Đà Nẵng, ngày 25 tháng 12 năm 1974 PHIẾU TRÌNH Kính trình... tại SÀI GÒN Tiếp theo công điện... Kính xác nhận điện trình sơ khởi về việc... Văn Phòng Tư Lệnh Phó Quân Khu I đã xác nhận với chúng tôi rằng chính Thiếu Tướng Tư Lệnh Phó Hoàng Văn Lạc, thừa lệnh Trung Tướng Tư Lệnh Ngô Quang Trưởng, đã dùng trực thăng đưa hai người Mỹ liên hệ đến Xã Lộc Mỹ trưa ngày hôm nay, 25-12-1974. Trung tá Quận Trưởng sở tại dẫn đường. Hai người Mỹ ấy là đại diện của một Văn Phòng Thừa Phát Lại Mỹ, thi hành di chúc của một người tên Sam. Theo di chúc của Ông Sam thì sau khi ông tự tử chết đi, thi hài được thiêu thành tro, đem đến chôn ở hàng rào của trường tiểu học Xã Lộc Mỹ, thuộc Quận Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, ngay hướng mắt nhìn từ gốc cây đa vào khung cửa sổ Lớp Năm, giữa ngày Nô-En năm nay... Chúng tôi đã đến tận nơi tìm hiểu, được biết: Nguyên... * Tôi đang đọc lại bản lưu Phiếu Trình nói trên thì Sĩ- Quan Trực Phòng Tình Hình báo cáo rằng các Chánh Sở Đặc Cảnh các Tỉnh đã có mặt sẵn, đang chờ lệnh tôi trên máy điện đàm. Thiếu tá Thái Văn Hòa của Tỉnh Quảng Ngãi được tôi hỏi trước, trả lời: ‒ Ở Tỉnh Quảng Ngãi có chùa Thiên Ấn và nhiều chùa khác, nhưng không có ni cô nào giống với đối tượng cần tìm... Thiếu tá Đặng Văn Song, Chánh Sở của Tỉnh Quảng Tín, báo cáo là chưa tìm ra.
Chánh Sở Trương Công Đảm của Tỉnh Thừa Thiên liền xin xác nhận: ‒ Ngoài này chúng tôi đã tìm ra được cô rồi.
Cô ở ngay Chùa Sư Nữ nổi tiếng của Miền Trung. Tại đây, cô giấu lý lịch; ngoại trừ Sư Bà trụ trì, còn với người khác thì cô xưng một tên khác, nhưng thường chỉ dùng pháp danh mà thôi. Cô không bao giờ tiếp xúc với người ngoài chùa. Trước đây đã có nhiều người từ trong Đại Lộc ra tìm, nhiều lần mà không gặp được. Riêng ngày hôm qua, cô đã xin phép đi vào Quảng Nam thăm nhà... Tôi cám ơn các anh, rồi hỏi Thiếu Tá Lâm Minh Sơn của Tỉnh Quảng Nam tình hình đêm qua thế nào. Sơn đáp: ‒ Đêm qua, chúng tôi không thấy Diệu Hương đến gốc cây đa. Có lẽ cô đã nấp kín, cũng gần đâu đó mà thôi. Nhưng không thấy Sam xuất hiện thì cô đến đó làm gì! Còn bác Nam thì, sau khi đốt xong bức thư của cô ở gốc cây đa, đã chôn luôn các bức thư của Sam vào chỗ đã chôn cái hộp mới được đưa đến từ nửa vòng trái đất bên kia...
|