Home Phiếm Các Tác Giả Người Việt mình có sức chịu đựng rất giỏi!

Người Việt mình có sức chịu đựng rất giỏi! PDF Print E-mail
Tác Giả: Song Chi   
Thứ Ba, 20 Tháng 3 Năm 2012 11:06

Tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao đã trở thành điệp khúc quen thuộc trong đời sống kinh tế của người dân Việt Nam.

 


 Một số phụ nữ người kéo, người đẩy một chiếc xe chở đầy các thùng trái cây nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Hình: Hoàng Ðính Nam/AFP/getty Images)
 
Từ đầu năm 2012 đến giờ mới chưa đầy 3 tháng mà người dân đã phải liên tục đối mặt với việc hàng loạt mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá.
 
Trước tiên là giá gas tăng cả thảy 4 lần. “Ðầu tháng 1 năm nay, giá gas tăng 24,000 đồng mỗi bình 12 kg. Sau đó vài ngày, giá tiếp tục điều chỉnh thêm 8,000 đồng với lý do thuế nhập khẩu tăng. Ðến đầu tháng 2, giá gas lại nâng thêm 42,000 đồng nữa.” Và mới đây nhất, “Từ ngày 1 tháng 3, giá nhiên liệu đốt tiếp tục tăng thêm 52,000 đồng mỗi bình 12 kg, nâng giá giá bán lẻ lên mức 477,000 đồng.” (Theo VNExpress ngày 29 tháng 2).
 
Như vậy, tổng cộng giá gas đã tăng 126,000 đồng một bình 12 ký. Tức khoảng 36%.
 
Tiếp theo là giá xăng đầu. Còn nhớ lúc ông Bộ Trưởng Tài Chính Vương Ðình Huệ mới nhậm chức, người dân rất hồ hởi trước sự cương quyết của ông Huệ khi các doanh nghiệp xăng dầu than lỗ, đòi tăng giá. Vào thời điểm ấy, Bộ Tài Chính đã quyết định giảm giá xăng 500 đồng/lít ngày 26 tháng 8 vì “quyền lợi của quốc gia và quyền lợi của hàng triệu con người.”
 
Tại “Hội thảo về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” ngày 20 tháng 9, 2011, ông Huệ đã có những phát biểu cứng rắn: “Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá và cũng không nên tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ bù lỗ.”
 
Nhưng chỉ được một thời gian, đến nay giá xăng dầu lại tiếp tục tăng. Và tăng với mức kỷ lục 2,100 đồng/lít, từ 20,800 đồng/lít lên 22,900 đồng/lít với loại xăng A92, tức khoảng 10%. Các loại dầu hỏa, dầu mazút, dầu diesel tất nhiên cũng tăng theo.
 
Ðã vậy, người dân còn bất mãn hơn với phát biểu của ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục truởng Cục Quản Lý Giá “nếu tính kịch trần thì thuế suất đối với xăng dầu phải là 25%-35% và mức giá cần phải điều chỉnh là 4,200-6,500 đồng một lít. Tuy vậy, Nhà nước đang đứng trên quan điểm vì lợi ích của toàn nền kinh tế nên vẫn quyết định giữ thuế ở 0%...” (Theo VNExpress ngày 9 tháng 3).
 
Ngành điện cũng đòi tăng giá. Không chỉ một mà là hai lần trong năm 2012.
 
“Theo EVN, việc đề xuất tăng giá điện do chịu áp lực giá gas, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Với dự kiến này, EVN sẽ đề nghị mỗi đợt tăng ít nhất 5% so với giá bình quân hiện nay.” (Theo Công An Nghệ An ngày 11 tháng 3).
 
Như vậy, những thứ cần thiết nhất không thể không dùng là nhiên liệu đốt, xăng dầu, điện... đều tăng hoặc sắp tăng, kéo theo nhiều mặt hàng khác trong đời sống cũng tăng.
 
Người dân bực tức vì nạn độc quyền của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước dẫn đến sự không minh bạch trong giá cả, tình trạng làm ăn lời hay lỗ... Các doanh nghiệp như xăng dầu hay điện lúc nào cũng kêu lỗ, mặc dù nhiều bài báo đã vạch ra mức lương khủng của các cán bộ quan chức trong những ngành này. Cũng như việc đầu tư kinh doanh tràn lan ngoài ngành dẫn đến đọng vốn hoặc thua lỗ. Và hễ cứ thua lỗ là bắt dân gánh.
 
Người dân bực tức còn vì các doanh nghiệp lúc nào cũng so sánh với giá cả các nước khác và cho rằng giá xăng, điện, gas ở VN vẫn còn thấp hơn. Nhưng lại không chịu nghĩ đến thu nhập của người VN như thế nào so với các nước.
 
Với mức thu nhập bình quân đầu người tại VN khoảng 1,300 USD/năm 2011, tức hơn 100 USD/tháng, làm thế nào để xoay xở đủ tiền điện nước, xăng dầu, ăn uống, chưa kể bệnh tật, nếu có con thì còn phải lo đóng học phí cho con và nhiều thứ vặt vãnh khác?
 
Bên cạnh đó, giáo dục hay y tế ở VN đều phải trả tiền. Và cũng tăng giá. Bộ Y Tế, Tài Chính và Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đã ký thông tư điều chỉnh tăng giá hơn 400 dịch vụ y tế trong năm nay. Nhưng khi đối thoại trực tuyến với người dân ngày 16 tháng 3 tại cổng thông tin điện tử Chính phủ, trước các ý kiến về vấn đề tăng viện phí, Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết lẽ ra còn phải tăng hơn nữa:
 
“Mức tăng thì trong cấu thành của giá có bảy yếu tố, lần này mới chỉ tính ba. Cụ thể, các chi phí trực tiếp, điện nước, duy tu sửa chữa trang thiết bị...” (Tiền Phong ngày 16 tháng 3)
 
Ai cũng biết, ở VN bây giờ, chỉ trừ những người thuộc tầng lớp trên mức trung lưu hoặc giàu có, còn lại nếu phải vào bệnh viện là cả một nỗi lo không đóng nổi viện phí. Và nếu chẳng may bị những căn bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài, tốn kém hoặc phải phẫu thuật, thì đành chịu chết, tiền đâu mà chữa.
 
Ðó là chưa kể, viện phí tăng nhưng liệu chất lượng bệnh xá, chất lượng điều trị... có tăng? Chỉ riêng nạn quá tải tại nhiều bệnh viện ở các thành phố lớn, với tình trạng ba, bốn... bịnh nhân nằm chung một giường, nằm luôn dưới gầm giường... từ nhiều năm nay rồi vẫn tiếp tục diễn ra. Ngược lại, các bệnh viện huyện, xã thì lại vắng hoe vì phương tiện, điều kiện chữa trị không đầy đủ, chất lượng tay nghề của y bác sĩ còn kém...
 
Cũng giống như khi ông Bộ Trưởng Giao Thông Ðinh La Thăng đòi thu phí xe máy, xe hơi của người dân để đầu tư vào việc cải thiện đường sá, giảm ùn tắc ở các thành phố lớn. Nhưng khi phí thu rồi liệu chất lượng đường sá có tốt hơn, nạn ùn tắc có được cải thiện, tai nạn giao thông ở VN vốn dĩ thuộc hàng cao nhất thế giới liệu có giảm đi?
 
Theo thông tin từ báo chí, phí xe máy sẽ từ 500,000 đến 1 triệu đồng một năm, xe ô tô 20 triệu, 30 triệu cho đến 50 triệu đồng/năm, ngoài ra còn mức thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Bài báo “Thuế và phí xe hơi - 'trăm dâu đổ đầu tằm'” trên VNExpress cho biết:
 
“Kể từ 1 tháng 6 sở hữu ôtô ở Việt Nam sẽ phải chịu tới 3 mức thuế cùng 7 loại phí và những con số đó chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến tổng chi phí ban đầu gấp 2.5 lần ở Mỹ. Phí bảo trì đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6, sẽ cùng 6 dòng phí khác đánh vào ôtô bên cạnh phí trước bạ, phí biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn. Ngoài ra còn 2 loại nữa là phí lưu hành và phí vào nội đô giờ cao điểm nếu đề xuất của Bộ Giao Thông được thông qua. Ngoại trừ phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn tính vào giá xăng, tất cả các loại còn lại được thu bất kể ôtô có được sử dụng hay không. Ði ít hay đi nhiều đều đóng giống nhau...”
 
Tính tổng chi cho một chiếc ô tô lên đến gần 10 triệu đồng/tháng! Xem ra không chỉ người đi xe gắn máy phải khóc mà người giàu đi xe hơi cũng méo mặt.
 
Nhiều người đã phải chua chát nhận xét nhà nước VN rất giỏi hành dân, liên tục thử thách sức chịu đựng của người dân. Không chỉ lạm phát, tăng giá thường xuyên mà các chính sách kinh tế, xã hội, cho đến các điều luật cứ thay đổi xoành xoạch khiến người dân chẳng biết đường nào mà lần.
 
Ngẫm ra thì sức chịu đựng của người Việt Nam giỏi thật, có lẽ cũng thuộc vào hàng cao thủ trên thế giới, có chăng chỉ thua... dân Bắc Hàn.
 
Chính vì người dân giỏi chịu đựng nên một cái nhà nước làm việc gì cũng tệ hại, từ điều hành quản lý kinh tế, bảo đảm cuộc sống bình yên no ấm cho người dân, giữ vững chủ quyền độc lập về chính trị, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho tới việc thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh... Nhưng lại vẫn cứ có thể tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ nhân dân hết năm nay qua năm khác. Thế mới hay!