Home Phiếm Các Tác Giả Văn Hóa Vô Tư!

Văn Hóa Vô Tư! PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Thập   
Thứ Năm, 27 Tháng 10 Năm 2011 06:28

“Vô tư” để không quan tâm đến sự hiện diện của người khác đã đành, người Việt nam lại càng “vô tư” trong những chuyện có thể gây nguy hại cho người khác.

 

  Tôi vẫn luôn hãnh diện về sự yên tĩnh trong cái xóm nhỏ nơi tôi đang ở. Ngoài tiếng chim hót vào buổi sáng, tiếng xe cứu thương thỉnh thoảng ré lên trong đêm, tiếng trẻ cười đùa trên con đường cụt sau giờ tan trường mỗi buổi chiều, suốt ngày cái xóm nhỏ của tôi yên ắng đến độ tôi cứ tưởng như đang ở trong cảnh “dưới trời là ta”. Vậy mà 3 giờ sáng thứ bảy vừa qua, sự yên tĩnh của xóm tôi đã bị phá vỡ vì một cuộc cãi vã phát ra từ một gia đình chỉ cách nhà tôi vài bước. Nghe loáng thoáng tiếng chửi cộc cằn của người chồng và sự đáp trả tru tréo của người vợ, tôi cũng đoán được rằng nguyên nhân của vụ to tiếng là chuyện ghen tuông. Hai vợ chồng có bốn đứa con trong tuổi vị thành niên này chỉ mới dọn về xóm tôi được gần một năm nay. Có lẽ đây là lần đầu tiên những người hàng xóm của tôi bị phá giấc ngủ và dựng đầu dậy vì một tiếng ồn như thế.

Cứ tưởng có thể nướng thêm vài tiếng đồng hồ như thường lệ vào mỗi sáng thứ bảy, tôi lại bị kết án vào một sự trằn trọc bất đắc dĩ. Không dỗ lại được giấc ngủ, tôi đành hướng về Việt nam để ôn lại những đêm mất ngủ vì sự ồn ào náo nhiệt ở quê nhà.

Trong một tháng đi “thực tế” ở Việt nam, chỉ có một lần tôi ngủ trong nhà một người bạn và một lần qua đêm trên chuyến xe buýt được xếp vào hạng “có chất lượng cao” vì có giường nằm. Tất cả những đêm còn lại, tôi đều thuê nhà nghỉ hay khách sạn với giá bình dân. Phải nhìn nhận rằng, so với các nước Á châu khác, như Singapore chẳng hạn là nơi mà giá một đêm nghỉ trong một nhà trọ dành cho dân “Balô” (Backpackers) không dưới 60 đô Úc, đó là chưa kể điều kiện vệ sinh không mấy “lý tưởng”, nhà nghỉ và khách sạn bình dân tại Việt nam tương đối đủ tiêu chuẩn (máy lạnh, nước nóng, tủ lạnh, tivi “cáp”.v.v), giá lại rẻ như bèo: mỗi đêm chỉ tốn từ 10 đến 12 đô Úc!

Nhưng dù có là 5 sao đi nữa, không khách sạn nào ở Việt nam có thể được miễn nhiễm về tình trạng quá tải của tiếng động và sự ồn ào. Tôi đã luôn tìm những nhà nghỉ hay khách sạn nằm khuất trong những con đường nhỏ, xa những trục lộ giao thông chính, nhưng tôi cứ tưởng sau chuyến đi Việt nam, tôi phải đi khám bác sĩ tai vì bị tra tấn ở mức độ gần như không thể cho phép được!

Trong một chương trình du lịch và ẩm thực được thực hiện tại Việt nam và được chiếu trên đài truyền hình SBS, Luke Nguyễn nói rằng ở Việt nam hiện có khoảng 30 triệu chiếc xe gắn máy đủ loại. Chương trình này có lẽ đã được thực hiện cách đây vài năm. Theo tôi ước tính, nay con số này có thể đã lên đến ít nhứt 40 triệu cho một dân số trên 90 triệu người. Có thể đây là tỷ lệ cao nhứt thế giới. Thái lan, Phi luật tân, Nam Dương hay Ấn độ là những nước Á châu nổi tiếng kẹt xe, nhưng nhìn xuống đường có lẽ người ta không thấy một lưu lượng xe gắn máy khủng khiếp như trong các thành phố lớn của Việt nam. Tôi nghĩ rằng tại một thành phố lớn như Sài Gòn chẳng hạn, mỗi một người lớn đều phải sắm riêng cho mình một chiếc xe gắn máy. Như một anh bạn của tôi chẳng hạn, bốn cha con từ Bà Rịa lên Sài Gòn vừa tìm kế sinh nhai vừa học hành; họ phải thuê một phòng nhỏ ở Phú Nhuận. Căn phòng “đa năng” được xử dụng tối đa: vừa là phòng ngủ, phòng học, phòng ăn, nhà bếp, nhà giặt và ban đêm kiêm cả chỗ để xe. Vậy mà ra khỏi nhà, cha con mỗi người đều có con ngựa sắt riêng cho mình! Tôi không ngạc nhiên tại sao mỗi ngày ở Việt nam trung bình có đến 30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông!

Tôi chọn tháng 9 để về thăm Việt nam vì đây không phải là cao điểm mà người Việt hải ngoại thường về thăm quê hương và trong nước đây là tháng học sinh tựu trường. Mùa này các khách sạn, nhà nghỉ và những địa điểm du lịch tương đối vắng người, giá sinh hoạt có phần rẻ hơn. Hơn nữa, tháng 9 cũng là tháng cổ động “an toàn giao thông” tại Việt nam. Trong những ngày lang thang ở Sài Gòn, tôi đã nghe không biết bao nhiêu buổi văn nghệ rầm rộ để phát động phong trào “giao thông an toàn”. Những khẩu hiệu kêu gọi tôn trọng luật giao thông và đi đường được treo khắp nơi. Nhưng dường như người Việt nam xã hội chủ nghĩa đã ngán tới cổ “văn hóa khẩu hiệu”, cho nên mặc cho chính phủ có tốn vải và nước sơn để viết khẩu hiệu và các “văn công” có khàn cả cổ để gào thét, người dân vẫn “giao thông” theo luật riêng của mình...

Tác giả Sàigòn Cô Nương từ trong nước đã nói đến những nguyên nhân như sau: “Đầu tiên xe cá nhân quá đông, ít ai chịu đi xe buýt. Nhà mấy người là bấy nhiều chiếc xe gắn máy, không kể bây giờ lượng ô tô cũng tăng đáng kể. Chạy xe gắn máy trên 50 phân khối phải có bằng lái nhưng mấy ai giữ đúng luật lệ “sơ đẳng”. Gặp đèn đỏ không thấy cảnh sát giao thông là chạy luôn, chở ba người và hàng ngang thường là học sinh giờ tan trường, đi sai làn đường, xe gắn máy nhào qua làn xe hơi và ngược lại, đường đông xe bốn bánh xếp hàng dài quá, đợi sốt ruột nên lén lấn qua làn xe hai bánh. Nhất là nhằm lúc kẹt xe, xe cộ vùng vẫy, len lỏi nên tha hồ lấn đường, nhảy lên lề, quay ngược miễn sao thoát thân. Kẹt xe thì khó gây tai nạn vì xe nhích từng chút nhưng cảnh hỗn loạn thì đương nhiên. Riêng đường rày xe lửa nhiều lần tai nạn thương tâm vì ai cũng muốn lấn lên với ý nghĩ mình nhanh hơn xe lửa.” (Sàigòn Cô Nương, Tháng an toàn giao thông, Việt luận, 11/10/2011)

Tôi thật may mắn, vì không nằm trong số 30 người phải chịu tế thần mỗi ngày cho tai nạn giao thông tại Việt nam trong tháng 9 vừa qua. Nhưng bù lại cho sự may mắn đó tôi phải bị tra tấn vì tiếng động cơ ngày đêm đập vào màng nhĩ của mình.

Cứ thử tưởng tượng: dân số “có hộ khẩu” hẳn hoi tại Sài gòn là 9 triệu, cộng với khoảng 9 triệu người không có thẻ chứng minh nhân dân hay thuộc diện tạm trú, nếu cứ hai người có một chiếc xe gắn máy, thì tổng cộng có đến 9 triệu chiếc xe gắn máy. Những chiếc xe này vừa làm cho giao thông “ùn tắc”, vừa đêm ngày nhả khói và tiếng động vào không khí của thành phố này. Đó là chưa kể lượng taxi, “ô tô con” của cán bộ và đại gia cũng như các phương tiện di chuyển công cộng. Tình trạng ô nhiễm không khí và âm thanh chỉ có thể là “khủng khiếp” mà thôi, bởi vì ở Việt nam làm gì có chuyện kiểm tra về tình trạng nhả khói hay âm thanh quá tải của các động cơ máy nổ.

Suốt một tháng ở Việt nam, tôi không bao giờ ngủ được thẳng giấc. Trước năm 1975, cứ đến 10 giờ đêm, từ máy radio và tivi, ai cũng nghe được lời nhắc nhở “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để người xung quanh có thể yên giấc”. Tôi cứ tưởng ngày nay những cái loa phóng thanh giăng mắc chằng chịt ở mọi góc đường, phải tiếp tục bổn phận nhắc nhở đó. Nhưng e rằng nếu có thì cũng khó có thể át được tiếng động cơ của hàng hàng lớp lớp xe gắn máy hoạt động bất kể giờ giấc ở Việt nam. Dường như người Việt nam XHCN thích sống về đêm hơn. Sinh hoạt về đêm xem ra ồn ào náo nhiệt hơn cả ban ngày. Có những đêm, từ phòng ngủ, tiếng xe vận tải vào thành phố cộng thêm tiếng ồn ban ngày làm như thể có tiếng sóng biển mùa bão vỗ ầm ầm vào bờ và đập vào lồng ngực của mình.

Những đêm trằn trọc mất ngủ vì bị tiếng của động cơ xe gắn máy tra tấn như thế, tôi cứ thắc mắc: tại sao người Việt nam XHCN không tôn trọng luật giao thông và nói chung sống theo phương châm “mạnh ai nấy sống” như thế?

Cùng với ý thức hệ, văn hóa, ngôn ngữ...người “Nước Bắc” cũng đặt lên môi miệng người Miền Nam hai tiếng “vô tư”. Cứ “vô tư” nghĩa là cứ tự nhiên...như “người Hà nội”, muốn làm gì thì làm, nhứt là cứ tự nhiên làm phiền người khác, cứ xem người khác như thể không hiện hữu và cũng chẳng hiện diện trước mặt, bên cạnh hay đằng sau mình.

Tôi không biết người Việt nam XHCN ngày nay có phải là môn sinh của triết gia hiện sinh Pháp Jean Paul Sartre không? Ông triết gia đã từng ca ngợi và hết mình ủng hộ chủ nghĩa cộng sản này là người rất sợ cái nhìn của người khác. Ông tuyên bố một câu nghe rợn tóc gáy: “Người khác là hỏa ngục” (L’enfer c’est les autres). Không rõ người Việt nam XHCN hiện nay có ghét cái nhìn của người khác không, nhưng tuyệt nhiên trên đường đi tôi không thấy người ta nhìn thẳng về người đối diện, người ta chỉ chăm chăm nhìn vào...cái bánh xe của họ và cái chỗ nào trống để lủi vô.

Trong những ngày sống ở quê hương, mỗi khi ra đường tôi thấy thèm ánh mắt của người khác. Tại vùng tôi đang sống, hễ cứ gặp nhau, bất kể quen lạ, hầu như người Úc nào cũng nhìn thẳng vào mắt của người đang đi ngược chiều và nếu không nhoẻn miệng cười, thì ít ra cũng mở miệng chào “Good day, How are you, mate?...” như để nói rằng “tôi nhìn thấy bạn, tôi quan tâm đến bạn”.

Cứ xem đó như thói quen máy móc và lịch sự xã giao ngoài môi mép đi. Vậy mà trong một tháng sống ở Việt nam, tự nhiên tôi thấy “thèm” ánh mắt và câu chào hỏi ấy. Ở Việt nam, người đi xe gắn máy chạy như thể không có người đi bộ hiện diện trên lòng đường hay ở những nơi dành cho họ qua lại. Trên lề đường, vốn dành cho người đi bộ, người đi bộ cũng gần như mất quyền đi bộ, vì không còn một chỗ trống nào dành cho họ đã đành, mà cũng chẳng ai đếm xỉa đến họ. Nếu có đi ngược chiều, thì cũng chẳng ai màng đến sự hiện diện của người đối diện. Còn những người từ trong nhà dắt xe ra thì đương nhiên cũng xem người đi bộ như không hiện hữu. Người ta cứ “vô tư” đẩy chiếc xe của mình ra mà không cần phải nhìn người đang đi trên lề đường. Trong một tháng sống ở Việt nam, không biết bao nhiêu lần, tôi cứ lâm vào cái thế phải bị đẩy xuống lòng đường để tránh những chiếc xe được “vô tư” dắt ra và ủi vào người mình.

“Vô tư” để không quan tâm đến sự hiện diện của người khác đã đành, người Việt nam lại càng “vô tư” trong những chuyện có thể gây nguy hại cho người khác. Tôi vẫn không thể quên được những lần phải “hút thuốc thụ động” trên một số chuyến xe buýt. Có lần, người tài xế, anh lơ xe và một hai người khách quen thuộc khác châu đầu lại để “vô tư” nhả khói, mặc cho tôi đã buộc mở miệng nài nỉ xin “tha” cho vì nhà tôi dị ứng với khói thuốc và ở băng sau một em bé còn bồng trên tay phải ho từng cơn. Tôi lại cảm thấy “đau lòng” hơn vì phía trên người tại xế có một tấm bảng có ghi hẳn hoi câu “Cấm hút thuốc”.

Mới đây, trong phần tin tức trên đài SBS, tôi nhìn thấy cảnh một bé thơ bị xe cán trên lề đường. Chuyện ấy thì xem ra chẳng có gì phải đáng nói trong một quốc gia cộng sản có trên cả tỷ người và tai nạn giao thông chết người còn bình thường hơn cả “chuyện thường ngày ở huyện”. Đáng nói ở đây là có đến gần 20 người qua lại vẫn “vô tư” bỏ đi như thể không có chuyện gì xảy ra.

Chuyện này không thể không làm tôi liên tưởng đến hình ảnh phải nói là rùng rợn xảy ra ở Việt nam cách đây không lâu và đã được tải lên YouTube như chuyện “chỉ có ở Việt nam”. Đó là hình ảnh của một người được nhận diện là công an trên đường đi mua vật liệu xây cất đã bị một chiếc xe tải cán đứt nửa người. Trong bức ảnh, người ta thấy nạn nhân, mặc dù chỉ còn một nửa người từ bụng trở lên, vẫn còn tỉnh và cố gắng nói chuyện với một vài người qua lại. Đáng chú ý nhứt với tôi không hẳn là hình ảnh đáng thương của nạn nhân, mà là trong hơn 5 phút, làn sóng xe cộ và người qua lại vẫn thản nhiên và “vô tư” tiếp tục nhịp sinh hoạt như thể không hề có một người đang hấp hối gần đó.

Tại sao con người xã hội chủ nghĩa, dù là ở Trung Quốc hay Việt nam, đã có thể trở nên vô cảm trước khổ đau của người đồng loại và “vô tư” làm phiền người khác như thế?

Trong sự trằn trọc mất ngủ vì tiếng nổ của làn sóng xe gắn máy ở Việt nam, tự nhiên tôi lại nhớ đến câu nói bất hủ của ông tổ chủ nghĩa Marxit: “Chỉ có thú vật mới ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ của đồng loại để quay ra chăm sóc cho bộ da riêng của mình”.

Nếu sống lại để nhìn thành quả hôm nay, Các Mác sẽ nghĩ gì? Hay ông cũng chỉ trả lời: “Thì cứ vô tư đi!”