Home Phiếm Các Tác Giả Phiếm luận văn chương-2

Phiếm luận văn chương-2 PDF Print E-mail
Tác Giả: Huỳnh Kim Khanh   
Thứ Sáu, 16 Tháng 9 Năm 2011 22:17


"Hằng năm cứ váo cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...

 Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh , mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi bước đi trên con đường làng nhỏ hẹp..."

Với những dòng đơn sơ thắm thiết, Thanh Tịnh mở đầu một đoản văn trong tập ‘Quê Mẹ’ mà tôi chưa bao gì có dịp đọc hết từ ngày biết đọc và biết yêu văn chương. Tôi còn nhờ thời đó, tôi hay đọc tới đọc lui những bài văn ngắn đăng trong ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’, một tong những loạt sách do bộ Giáo Dục in ra cho các học sinh tiểu học thời bấy giờ. Tôi không nhớ rõ làm sao những cuốn sách đó đến với tôi, nhưng một điều chắc chắn là những cuốn sách đó, với bìa đã bị mất, đã in sâu vào tâm khảm tôi và đã ảnh hưởng mạnh cái mà tôi gọi là cái nghiệp văn chương trong tôi. Thời đó, tôi cứ đọc những đoản văn tới lui nhiều bận cho tới khi thuộc lòng lúc nào không hay.

 Một đoản văn khác của Ngọc Giao gọi 'Người Cô Độc' làm tôi nhớ mãi đến bây giờ:
Người cô độc ấy đi lang thang trên bãi cát. Hắn đến ngồi trên một tảng đá, móc túi lấy nắm cơm khô.  Ăn xong, hắn lơ đãng nhìn ra biển cả. Bình minh chưa đuổi hết hơi sương. Gió Bắc đem khí lạnh về cho mây nước. Mây, nước, chỉ toàn mây với nước vì quanh miền duyên hải ấy tuyệt nhiên không một bóng chân người...  Đoản văn tả một chàng trai cô độc sống một mình trên một bãi hoang với một dĩ vãng bí mật, cô đơn không ai hay biết. Chàng có thể là một tướng cướp khét tiếng một thời đang trốn tránh mạng lưới chánh quyền, hoặc chàng cũng có thể là một chiến sĩ cách mạng, tạm thời lẩn tránh để chờ một ngày vùng lên với mưu toan chiếm lại cơ đồ. 

Năm tháng trôi qua. Tôi xuống Sàigòn ở trọ một nhà bà con để đi học trường Võ Trường Toản, gần Đakao. Năm đệ lục tôi phải làm bài phê bình truyện ngắn của Tự Lực Văn Đoàn. Sau một buổi tối dò xét và cân nhắc, tôi chọn cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

Cuốn truyện mô tả cuộc tình của một chàng trai thị thành Hà Nội, tình cờ gặp và yêu một ni cô ở một chùa nhỏ vùng Bắc Ninh, tây Bắc Hà thành. Tôi nghĩ truyện này cũng là nguồn gốc của những vở kịch và tuồng cải lương cũng như những bài ca tương tự dưới nhan đề Lan và Điệp phổ biến sau này. Lâu quá tôi không còn nhớ chi tiết nhưng giây phút Ngọc, chàng trai trong câu chuyện vô tình nhìn thấy ngực đầy đặn, nõn nà  của Lan dưới lớp áo cà sa, chàng hiểu rằng mình đã yêu một tình yêu ngang trái. Khi biết được tình cảnh của Lan, chàng lại càng yêu nàng hơn. Thế nhưng, vì hoàn cảnh éo le, hai bên chỉ yêu nhau căm lặng thứ tình yêu lý tưởng không xác thịt. Mối tình đó kéo dài bao lâu chỉ có độc giả có thể tưởng tượng và phán xét. Đối với tôi thời đó, Hồn Bướm Mơ Tiên là một tình yêu lý tưởng chỉ có trong văn chương. Khi lớn lên sau này tôi mới khám phá ra rằng những cuộc tình lý tưởng rồi cũng sẽ chết theo thời gian. Khi yêu nhau, hai trái tim phải hòa hợp cùng một nhịp điệu, tâm hồn và thể xác phải quyện vào nhau thành một khối . Giây phút gần nhau tuy ngắn ngủi mà thiên thu.  Sau này, khi có dịp đọc những chuyện tình khác của nhiều tác giả khác như Nguyễn Thị Hoàng, Chu Tử khi lớn lên tôi mới học thêm được những tình cảm mới, tình yêu xác thịt. Năm tháng trôi qua, sau này có dịp đọc lại Hồn Bướm Mơ Tiên tôi lại cảm thấy tình lý tưởng không còn hấp dẫn như xưa. Tình yêu có thể bắt đầu từ một lý tưởng nào đó, nhưng rồi tình yêu cũng sẽ đối diện thực tế phũ phàng. Thực tế là vũng lầy của chúng ta. Thực tế là sự cọ xát của hai cơ thể, là nhịp điệu yêu đương nồng cháy như nắng trưa hè. Thiên đường hòa nhập hạ giới, khi trái cấm làm mất ngây thơ. Tình yêu nhục thể bạo phát rồi bạo tàn, bỏ lại hai thân thể rã rời nằm la liệt tưởng lại những phút tỏ tình thanh thoát ngày xưa. Nếu cuộc tình tiến xa hơn, đi đến một cuộc sống lứa đôi, hai đối tượng cũng sẽ tiến đến một giai tầng khác. Những lăn lộn hằng ngày của cuộc sống lôi hai ta vào thực tế.  Những bức thư tình ngày xưa đầy thi vị romantic giờ đây chỉ là một mớ giấy lộn nằm thẫn thờ đầy bụi bám. Tình yêu lúc nào cũng là đề tài bất diệt trong thơ văn và âm nhạc. Nguyễn Du trước khi sáng tác Đoạn Trường Tân Thanh cũng đã từng làm thơ tỏ tình với những nàng con gái trẻ cùng làng.   L' amour, c'est pour rien. Love is for nothing. Tính Yêu tuyệt đối không bao giờ cân nhắc lợi hại. Tình yêu thực là cho ra mà không cần lấy lại. Thế nhưng đã từng có những cuộc tình đổ vỡ khi thiên thần gãy cánh, khi tình yêu phải đối diện thực tế phũ phàng. Tình Yêu trong thơ Xuân Diệu là thứ tình ích kỷ:

Yêu là chết trong lòng một ít
Vì khi yêu nào chắc đã được yêu.

Yêu và ghen cũng phảng phất trong thơ Nguyễn Bính:
...
Đừng tắm chiếu nay bể lắm người !

Và tác giả khẳng định rằng yêu tức lá ghen; ghen tức là yêu.

Yêu và ghen là hai yếu tố đi đôi với nhau. Sự ghen tuông chẳng qua khởi người từ một thứ tình yêu ích kỷ, chiếm đoạt. Cái thứ tình gọi là tình cho không biếu không ít hiện hữu trên cõi đời này.  Yêu là chỉ biết mình mình và đối tượng mình yêu. Một nhân vật thứ ba không có quyền len lỏi vào mối tình hai đứa. Thế nhưng yêu mà không để người yêu được tự do như con chim giữa bầu trời cao rộng, mà muốn đem nàng nhốt vào lồng son, gác tía để chỉ có mình được chiêm ngưỡng, nâng niu. Đó là lý do tình yêu gãy cánh. Tình yêu chiếm hữu là thứ tình yêu một chiều, dưa đến nhiều khổ đau, chia rẽ. Thế nhưng thế gian ngoài kia lúc nào cũng tự ràng buộc mình vào thứ tình yêu vị kỷ này. Đó là cội nguồn của đau khổ,  là những quái quăm, ngang trái trong đời. yêu và ghen cũng là hai nhan đề của những quyển tiểu thuyết của Chu Tử thời chiến tranh Việt Nam thời điểm thập niên 60.

Những mối tình không trọn vẹn, với kẻ ở người đi, hoặc yêu mà phải nhìn người yếu cất bước theo chồng như đã dược bàn đến trong bài phiếm luận kỳ vừa rồi. Rồi có những mối tình của kẻ dương gian và người chín suối, những mối tình Liêu Trai chỉ có thật khi màn đêm buông xuống, khi ánh đèn dầu mờ ảo hoặc ánh nến lung linh làm thêm vẻ huyền bí, mê hoặc của người đẹp về đêm dưới mát chàng thư sinh lận đận hoặc chàng lãng tử không nhà, ghé trọ một đêm ở quán trọ bên đường.

Còn đâu thủa ấy niềm khăng khít
Quỷ với người chung một mái nhà
Trăng bạn hoa em trầm mối lái
Đèn khuya díu đặt bong yêu ma
Dăm gã thư sinh vừa lạc đệ
Mươi nàng xuân nữ xóm chìm châu
Cảm thông một phút bừng ân ái
Miếu nguyệt vườn sương gặp gỡ nhau
( Vũ Hoàng Chương)

Hoặc một chàng thi sĩ lang bạt kỳ hồ thăm viếng mộ một tình nương vô danh :

Em hãy cười lên vang cõi âm,
Khi trăng thu lạnh bước đi thầm.
Những hồn phiêu bạt bao năm trước,
Nay đã vào chung một chỗ nằm.
...
Ta gởi bài thơ anh linh,
Hỏi người trong mộ có rùng mình ?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái ?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình ?
....
Thần chết cười trong bộ ngực điên,
Ta nghe em thở tiếng ưu phiền.
Nỗi lòng xưa dậy tan Thanh Vắng.
Hơi đất mê người -- Trăng hiện lên.      
( Đinh Hùng)

Liêu Trai Chí Dị là tập truyện ghi lại những chuyện tình kỳ bí giữa kẻ dương gian và người chín suối hoặc chuyện dan díu tình tự với những người đẹp hóa thân từ loài thú hoang, từ cội đá, lùm cây hoặc xuất hiện từ những bức tranh thủy  mặc. Cũng chính tập truyện này làm nguồn cảm hứng cho nhiều văn thi sĩ cổ kim.

Mình ta buồn đặc đặc
Say giữa hai tò Liêu Trai
Rún rẩy hoa đèn rung ngọn bấc
Không gian đàn mãi tiếng giày ai...
Dầu cạn lưng chừng phao
Sợi nhỏ thon mềm dáng liễu
Hài son phơi phới lửa đào
Khói biếc màu xanh yểu điệu
Ai đó - Phải chăng hồn cỏ cây
Bấc thơm dầu quánh, nhựa hây hây
Dầu vơi bấc mỏng manh gầy
Bước chân nào ngờ ngợ
Hoa đèn lung lay
( Vũ Hoàng Chương)

Những mối tình Liêu Trai chỉ hiện hữu giữa khoảng tranh tối tranh sáng, khi Âm thịnh Dương suy , khi ranh giới giữa thực và hư trở nên mờ nhạt không dầu mối, khi rượu và thơ đã hòa nhau lúc 'tửu nhập thần' như Tô Đông Pha và Vũ Hoàng Chương thường nói.

Lá dậy men rừng nguyệt úa thu
Buồn gieo từng giọt nến tương tư
Hôn mê xác tục mơ hồn bướm
Ta giở từng trang sách họ Bồ
( HKK)