Home Phiếm Các Tác Giả Ngọc của Sài Gòn

Ngọc của Sài Gòn PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc   
Thứ Năm, 15 Tháng 9 Năm 2011 14:37

Chẳng ai tìm ra được “ngọc của Thủy”...

  1.  Một cô bạn về kêu Sài Gòn thay đổi quá. Nhưng Vy không thích cái thay đổi đó, cô thèm sao Sài Gòn của cô vẫn như xưa – như cái thời còn được gắn với bốn chữ “Hònngọc Viễn Đông”… phố cảnh hiện đại, hoa lệ, con người lịch lãm, hào hoa, dù lúc nào cũng ào ạt các dòng người tứ xứ đổ về.

 

Rất nhức đầu cho chúng tôi mỗi lần có khách phương xa đến chơi, xin được giới thiệu những thứ và nơi “chỉ Sài Gòn mới có”.

Các tour chuyên nghiệp thường cho khách đi địa đạo Củ Chi. Dân cựu chiến binh và một số bạn trẻ mê phiêu linh mạo hiểm có vẻ khoái chỗ này.

 Nhưng cũng không thiếu những người trợn trắng mắt sợ không dám coi trọn film trước một số đoạn khá “mạnh mẽ”.

Với những khách đã đi nhão Việt Nam, đa số kêu rất mê Hà Nội với thiên nhiên, cây, hồ, phố cổ… Những người bạn Sài Gòn của tôi tiếp lời ngay, nhưng tụi bây có thấy dân Sài Gòn cởi mở và hiếu khách nhất nước không? Tụi nó cười, người Hà Nội và một số nơi khác cũng nói y như vậy.”

2.  Có lần tôi đưa Geoff Gillham từ Anh đến trường Sân khấu ĐiệnẢnh của thành phố này để dạy Sân khấu Giáo dục. Anh đi nhiều ChâuPhi, Trung Đông, Châu Đại dương… Geoff có vẻ say đắm loại xã hội chủ nghĩa trên lý thuyết, như say một đạo giáo.

Tình cờ, tôi đưa anhvào quận 11, trèo lên ngọn tháp gần ngôi chùa cổ vài trăm năm. Ở góc nhìn đó, mới thấy Sài Gòn tả pín lù, ít ra về xây cất, lổn nhổn nhà cao tầng, chen chúc khu ổ chuột, vàng tôn rĩ sét nằm kề các loại đắp nổi đại bàng, khải hoàn môn…

Cũng không thiếu vài ba củ hành của Nga mới nhập cư… Biết là trăm hoa đua nở nhưng không khỏi có một chút gì đó nhói tim trước hình ảnh một viên ngọc quý bị đập tan thành muôn ức mảnh.

3.  Thủy, một bạn gái khác của tôi – là một biên đạo múa nổi tiếng trong và ngoài nước – có dịp đi lòng vòng quanh Sài Gòn với tôi cứ xuýt xoa kêu, trời ơi, đẹp quá! Những viên ngọc của Sài Gòn.

Được mời đi nói chuyện mới một lớp Thiết kế tuyển, cô kêu các học viên đi tìm ra và chụp đem về những viên ngọc đó, loại ngọc mà với người đi nhiều nước như cô, gần như chỉ một vài nước mới có, Hà Nội chưa kịp có, còn ở thành phố này người ta cứ cho chúng là một thứ lỗi thời, quê kệch, phải tháo đập bỏ đi để xây lên những cái mới thua chúng tất nhiều.

Chẳng ai tìm ra được “ngọc của Thủy”. Mãi đến một đêm đi ăn tối ở một quán cơm vắng với cô, thấy cô nài nỉ chủ quán cho nghe lại nghe đi những “Chung vui đêm này, cho trọn tình đêm nay…”, “Con đường xưa em đi…” của Duy Khánh mới biết được luôn ngọc của cô là những ngôi nhà có mặt tiền đá mài đá rửa của những năm 70.

Cô mơ có một công trình nghiên cứu tử tế về chúng, phần cô, khi trả lời cho một tờ báo Tết chỉ mong viết về chúng với cái tít hơi dài: “Tại sao kiến trúc do dân xây dựng lại cảm động đến thế.”

Điều cảm động với tôi là tôi biết cô lìa cha và Việt Nam đi khi vừa 14 tuổi, và Sài Gòn với cô vĩnh viễn là những viên ngọc đó, dòng nhạc đó…

4.  Cái đẹp từ những viên ngọc đó của bạn tôi, theo cảm nhận của riêng tôi, có lẽ là sự không giống nhau, là kho tìm thấy ở một nơi nào khác từng ngôi nhà đang bị “thất sũng”.

Chắc chắn sẽ có rất ít người đồng tình với cô. Chẳng sao cả! Họ có quyền chọn ngọc riêng của họ, trong thời điểm đáng nhớ của họ.

Ví dụ có một chàng lãng tử ở quận 4, nếu phải chọn giữa nhà ở và một chiếc mô tô, chàng chọn ngay món thứ hai để khi đêm về, chàng tấp vào gầm cầu thang của một chung cư với ống xích khóa nối người chàng với viên ngọc mà chàng đã chọn cho đời chàng, lúc đó…

Người Sài Gòn, đến từ 300 năm trước, và cũng rất nhiều người Sài Gòn đến từ sông Mékong, từ Tây Nguyên, Tây Bắc, từ Hà Nội, Phát Diệm, Bùi Chu và bây giờ từ Thanh Nghệ Tĩnh, Hải Phòng… khi chọn Sài Gòn làm nơi sống tiếp, có nghĩa, một mặt nào đó, họ đã chọn một kiểu sống và nghĩ, độc lập với đất cũ, cho dù cùng hoà trong một bầu khí quyển thể chế tưởng là chỉ có một màu.

5.  Ngọc của Sài Gòn, trong từng khoảnh khắc nào đó, với tôi, còn là những bộ não đầy chất lãng mạn bất thường của đất địa này nay từ nơi khác trôi về. Như Nguyễn An Ninh (Chợ Lớn), Bùi Giáng (Quảng Nam), Bình Nguyên Lộc (Tân Uyên), Trần Tấn Quốc (Cao Lãnh), Sơn Nam (Cà Mau)...

Người bất thường, về số lượng thì thành phố này có thể nhường vài thành phố khác; nhưng về cách thể hiện không bình thường thì nơi đây có lẽ đầu bảng về các sắc màu giàu có, đậm đà. Thậm chí nơi đây người ta còn có thể tổ chức kinh doanh các kiểu điên nếu điều đó có khả năng hái được ra tiền.

Có những buổi chiều ngồi ở vĩa hè hay bên trong các quán nước sang trọng, chúng tôi thấy người ở đâu cứ nướm nượp trôi đi…

Với Deborah hành nghề massage ở New York để dành tiền đi chụp hình, du lịch… thỉnh thoảng có triển lãm ảnh ở Lincoln Center thì rất khoái những dòng người chảy cuồn cuộn như vậy ở Sài Gòn vì nó khá là giống New York của cô. Như thể đủ để là “ngọc cho Deborah”.

Còn đối với người thích tĩnh lặng thì kêu sao họ đi đâu một cách điên cuồng đến thế. Quốc Thảo thì mê một chút, “American dream” khi lần đầu tiên đi bus từ Chicago đến New York, gặp ngay bến xe, công viên khai nước đái nồng nặc, đường tối tăm lồi lõm, đã kêu ngay, có khác gì đâu Sài Gòn của tụi mình?

6.  Nhiều người nước ngoài đến Sài Gòn dịp lễ lạt, thấy rất chưa quen trước những dòng người xuôi ngược. Họ đi đôi khi chỉ để đi, hoặc một mình, hoặc với nhau, hoặc để ngó nhau, va chạm nhau, chơi!.

Chơi! Đó là một trong những đặc điểm của dân Sài Gòn. Chúng tôi vừa được đưa đi một vòng các trường giáo dục lao động & Giải quyết Việc làm ở một vùng rừng núi. Hiện đang có khoảng 31.000 người – trong đó có 15.000 người do Thanh Niên Xung Phong (TNXP) cai quản

– là những dân “chơi”, vướng phải loại dược say ma. Gặp lại những bạn cũ đi TNXP thời đầu vẫn chưa bỏ được rừng để về với phố. Cùng đố điểm giống nhau giữa TNXP và những học viên dân “chơi” đó là gì? Lời giải tạm thời chấp nhận được là cùng “ham vui”.

Một anh bạn kể, hồi đầu tưởng đi TNXP vui như đi dã ngoại. Đăng ký đi, được một tuần thấy cực quá, đòi về nhưng gia đình báo lên: “Hộ khẩu đã cắt rồi con ơi!”.

Hộ khẩu bị cắt từ năm 1976 nhưng cho đến năm 2005 này, số TNXP “đời đầu” ít ỏi còn lại đó vẫn mãi là người Sài Gòn. Và còn hơn vậy, họ đang là một loại ngọc cho những học viên láo ngáo phận người kia tin vào, sống tiếp trên rừng, và cho những người Sài Gòn khác, ở phố, đổi lại, có những giấc ngủ yên hơn.

Đọc được trong bài tập làm văn của các học viên. Khi tập đặt câu với hai chữ “niềm tin” và “hy vọng”, câu đầu có thể khác nhau:

-Mất niềm tin là mất tất cả.

-Niềm tin của em chính là má em!.

-Gia đình ơi! Hãy đặt niềm tin vào chúng tôi.

-Má ơi! Đừng mất niềm tin nơi con…

Nhưng câu thứ hai đều được đặt khá giống nhau:

-Tôi hy vọng mau được về lại Sài Gòn.

7.  Giám đốc một festival múa ở Âu châu, đến đây kiếm những chỗ có múa đương đại để xem, có vẻ thất vọng vì các chương trình ca nhạc tổng hợp ở đây chỉ là sao chép những thứ mà thế giới văn minh hiện đang vất đi.

Buồn cười nhất là khi tôi đưa bà đến các nhà hát lẫn tụ điểm thì trùng giờ chạy show của một ca sĩ và nhóm múa minh họa cho anh ta nên dọc đường chúng tôi cứ thấy thấp thoáng dáng nhau.

Cuối cùng, bà mừng rỡ vô cùng khi được xem “Đời cô Lựu” ở rạp Hưng Đạo của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Lúc đó, cải lương trở thành một viên ngọc quý mà người phụ nữ đến từ phương xa này vừa lượm được ở Sài Gòn.

8. Xưa, người ta vẫn gọi nó là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Ngọc xưa vẫn còn đó nhưng chúng tôi vẫn tin, nó có thể tan nhưng không nát, hiện đang phân tỏa thành từng viên nhỏ, có thể quý hơn, sang hơn, nhưng cũng bí-ẩn-một-cách-phơi-lộ hơn. Bạn có thể nhặt được nó hay không, ngoài chuyện cơ duyên còn là do chính tâm bạn xác định ngọc của đời bạn là gì.

Hãy bước ra khỏi nhà, đến đầu ngõ, có thể không cần phải đến ngả ba hay ngả tư gần đó, có thể ngay chính trong căn hẻm nhỏ của bạn… mở mắt ra đi, đã thấy được chưa, lấp lánh sắc màu rực rỡ từ những mảnh ngọc vỡ của một thành phố đã từng có lúc được gọi là Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông.


 Nguồn: Tạp chí Văn online http://www.vanmagazine.org