Home Phiếm Các Tác Giả Các hãng Hoa Kỳ còn có thể cạnh tranh?

Các hãng Hoa Kỳ còn có thể cạnh tranh? PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Mạnh Tuấn   
Thứ Năm, 08 Tháng 9 Năm 2011 20:51

Nguyên do là những sản phẩm do Solyndra làm ra giá thành đắt gấp đôi những sản phẩm cuả China    

 

TT Obama thăm Solyndra (28 tháng 5, 2010)     

                 
 Đầu tháng 9, 2011 một tin đã làm tất cả những ai quan tâm đến nền kinh tế Hoa Kỳ phải lo ngại: Hãng Solyndra, chuyên sản xuất những tấm “vỉ thâu nhật năng” (solar panels), đã phải vội vã đóng cửa (swift shutdown), đẩy hơn một ngàn nhân viên vào cảnh thất nghiệp.

Đây là lần thứ ba trong vòng một tháng, các hãng liên quan đến năng lượng mặt trời khai phá sản (1).

Sự phát triển của ngành nguyên liệu tái sinh (renewable energy), đồng nghiã với  ngành nguyên liệu sạch (clean energy), gần đây được coi như một trong những nỗ lực chính nhằm bảo đảm sự thịnh vượng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Công ty này đã từng được MIT đánh giá như một trong những công ty tân tiến nhất thế giới (one of the world’s most innovation campanies).

Bộ Năng Lượng (Department of Energy) cuối tháng 9, 2009 đã đồng ý cho công ty mượn $535 triệu để thêm vào số vốn  huy động được từ tư nhân (trên 1,1 tỉ).

Tổng thống Obama trong dịp thăm trụ sở công ty (26 tháng 5, 2010) đã tuyên bố: “Những công ty như Solyndra đang là đầu tầu để đưa nền kinh tế Hoa Kỳ đến chỗ tươi sang, vững mạnh hơn”(2).  


Solyndra đã hội đủ mọi điều kiện về “thiên thời” (khuynh hướng đề cao năng lượng sạch - tái tạo, giảm lệ thuộc vào dầu hỏa), “địa lợi” (huy động được nguồn vốn khổng lồ từ tư nhân và sự ưu tiên giúp đỡ của Liên Bang), “nhân hoà” (thị trường rộng lớn của Mỹ đang dang tay chờ đón loại sản phẩm này).

Nhưng than ôi! Tất cả những kỳ vọng đặt vào Solyndra đều đã tan thành mây khói. Chỉ hơn một năm sau ngày TT Obama đến thăm, công ty đã buộc phải tuyên bố phá sản!

Nguyên do là những sản phẩm do Solyndra làm ra giá thành đắt gấp đôi những sản phẩm cuả China(3)!

Càng bán công ty càng lỗ (vì phải bán duới gía thành). “chịu trời không thấu”, cuối cùng, một công ty hàng đầu về năng lượng mặt trời của Mỹ đành ngậm ngùi ra đi. Sự kiện này khiến ai cũng muốn đặt câu hỏi: “Liệu những công ty Mỹ có còn cạnh tranh nổi với những công ty China không?”  

Vào chợ Wal-Mart hay Target chúng ta thấy hầu như tất cả các sản phẩm đều làm tại xứ có dân số đông nhất trái đất! Từ quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, . . , ngay cả những vật dụng điện tử.

 Rõ ràng các công ty Mỹ không thể cạnh tranh với người Tầu. Nhiều người cho rằng hàng của China thắng thế nhờ cạnh tranh bất chính, những công ty xuất cảng của họ đã được chính phủ nước này hỗ trợ (subsidized).

Thực ra, nguyên nhân chính vẫn do giá nhân công bên China quá rẻ so với Mỹ. Nước Tầu với hằng hà sa số những nhân công lương thấp (khoảng 1/10 lương căn bản tại Hoa Kỳ), giá thành sản phẩm của họ quá rẻ so với hàng nội điạ.

Những công ty nào vẫn muốn sản xuất những loại hàng “kỹ thuật thấp” này tại Mỹ sẽ là điều không hợp lý và đương nhiên thảm bại. Tuy vậy, các công ty Mỹ không phải là vô vọng:

Những điểm các công ty Hoa Kỳ có thể vận dụng để cạnh tranh:
      (1) Dựa trên “sức mạnh nền sản xuất linh động” Mỹ (a robust manufacturing power) - vẫn dẫn đầu thế giới.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc đầu năm 2010, Hoa Kỳ vẫn là nước sản xuất lớn nhất hoàn vũ, với giá trị sản lượng $2,2 ngàn tỉ, Mỹ hơn China 45% (sản lượng vào khoảng $1,5 ngàn tỉ, gồm cả hầm mỏ và năng lượng). Trong suất ba thập niên vừa qua (1980 – 2010), sản lượng của Mỹ vẫn ở mức 20% tổng sản lượng thế giới.

Tính sản xuất (productivity) của các công nhân Mỹ vẫn cao hơn hẳn nhân công các quốc gia khác (7% - Bureau of Labor Statistic 1/2010). Chưa kể mãi lực của thị trường Mỹ lớn hơn hẳn Âu châu và gấp năm lần Hoa lục.   

 
       (2) Chú trọng vào những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao (high–end).

Vận dụng những sở trường sẵn có như kinh nghiệm, óc sáng tạo, vốn kỹ thuật để sản xuất những sản phẩm độc đáo, vượt trội - trong lãnh vực này tiền lương nhân công không còn là yếu tố quyết định nữa.

Nhường hẳn cho China làm những sản phẩm có tính kỹ thuật thấp (low-end). Chú trọng vào sáng tạo và thiết kế, phần lắp ráp (assembly) nên nhờ China với nhân công rẻ mạt của họ làm. Nên mua đồ chơi làm tại China, nhưng bán lại cho họ iPod; Nên mua quần áo, chén đĩa của họ nhưng tìm cách bán lại phi cơ Boeing, máy móc Caterpillar. . .   

     (3) Làm giảm giá thành hàng hóa Mỹ bằng cách tận dụng những phương pháp máy móc hóa, tự động hóa.

Giảm thiểu tối đa sự dính dáng của con người vào qui trình sản xuất. Mặt khác, các công ty Hoa Kỳ cũng phải nỗ lực cải tiến phẩm chất hàng nội địa. Tất cả các cuộc thăm dò đều có chung kết luận: Người Mỹ sẽ mua hàng Mỹ (xe Mỹ) nếu chất lượng tương đương với hàng nhập (xe Nhật). 

 Chắc chắn thế giới không ngồi yên, người Hoa đang cố học hỏi, bắt chước để mong theo kịp Mỹ trên lãnh vực khoa học, kỹ thuật.

Họ đang từng bước đi vào những lãnh vực kỹ thuật cao, có lúc từng là độc quyền của Mỹ. Cũng như người Nhật sau thế chiến II đã “trình làng” với các sản phẩm “dổm”, rẻ, nhưng chưa tới ba mươi năm sau, Nhật đã chinh phục thế giới với những sản phẩm của Sony, Honda, Toyota, . . . Chúng ta hy vọng kinh tế Mỹ, với sức sống linh động, khả năng tiềm ẩn, sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại.

Kinh tế Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phục hồi và chứng minh được tính ưu việt của nền kinh tế tự do giữa môi trường dân chủ, đối ngược với nền kinh tế chỉ huy trong xã hội độc đóan. Dù sao sự thất bại (belly-up) của Solyndra, một công ty mới một năm trước đang được ca tụng tận trời xanh, cũng làm chúng ta phải quan tâm.  

   (Lễ Lao Động -  2011)
_________________________________________________________________
(1)Hai hãng phá sản khác trong tháng 8/2011: Evergreen Solar của Massachusetts    và Spectra Watt của New York.
(2“Company like Solyndra are leading the way toward a brighter and more prosperous future”.TT Obama (28 tháng 5, 2011)
(3)Gọi China là . . China, thay vì Trung Quốc (hàm ý chúng ta là nước ngoại biên)