Home Phiếm Các Tác Giả Cuội hỡi ! Cuội ơi !

Cuội hỡi ! Cuội ơi ! PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Tâm   
Chúa Nhật, 10 Tháng 7 Năm 2011 11:40

     

                                                                           
Hồi còn bé tí xíu, Ngố tôi vẫn nghe à ơi câu hát: "Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời." Tâm hồn thơ ngây của Ngố chẳng hề nghĩ suy chỗ nào hợp lý hay chỗ nào không. Thí dụ, câu hỏi đơn sơ nhất là liệu ở trển có lúa để trâu của Cuội ăn không mà cu cậu ngồi nhí nha nhí nhảnh gọi cha như thế?

Nhớn nhớn một tẹo, Ngố lại nghe kể vốn Cuội là ở trần gian, song vì cảm chị Hằng đẹp ghê đẹp gớm nên một lần đã nắm lấy dây đa tót tuốt lên đó để làm bạn mí nhau. Chả hiểu người tiên giới mí kẻ phàm tục dùng thứ ngôn ngữ gì để tâm sự nỉ non, song ngày rằm nào nhìn lên trển cũng thấy lờ mờ bóng Cuội ngồi đó, còn chị Hằng lảng vảng mãi nơi đâu.

Ngố có đem thắc mắc này hỏi mẹ thì mẹ Ngố nạt: "Mày sao hay chẻ sợi tóc làm tư làm tám. Chị Hằng lù lù là bóng trăng đó còn gì. Ngố không dám hỏi thêm, nhưng thâm tâm nghĩ nếu giả sử vì chị Hằng đẹp tuyệt trần mà Cuội ta bỏ cả trần gian để theo nàng dzìa dinh thì cái sự dzìa dinh này có " đã " chưa, khi mà người ngồi thu lu trong khi người thì loanh quanh bên ngoài, sốt cả ruột.

 

 
Chị Hằng
Nguồn: OntheNet 
 
Cho dù với hình tượng nào đi nữa, Ngố tôi vẫn cho danh từ Cuội chỉ một sự việc gì có thực, hồn nhiên, khơi đậm tình người và tình đời, nên Ngố tôi ôm miết cái chân lý ngàn đời hổng xoay chuyển đó cho đến khi lớn lên. Vậy mà có một lần, nhân xem đám mãi võ sơn đông diễn tuồng Bao Công xửa án, nghe tiếng chập chõa lẻng xẻng gõ vang, trống đánh thùng thùng, đám lâu la dùng cây dùng gậy cản đường ngăn chặn bà con sáp gần, thấy tội nhân bị điệu ra, mặt mày hớn hở, chưa chi đã nghe lao xao ai đó la rầm: "Cuội, Cuội, đừng tin."

Cha mẹ ơi ! sao lại có điều tréo cẳng ngỗng dzị cà! Té ra chú Cuội của tôi, hình bóng có thực của Ngố là tượng trưng cho cái sự giả dối hay sao? Ngố tôi e có mòi hổng hiểu, mặt ngơ ra gọi là ngỗng đực. Rồi từ đó, cái nắng hạ vàng mà ông Tư Lành nhà ta một thời ca tận mây xanh Ngỗ thấy nó nhạt phèo, vì chân lý hổng phải là thứ gì như một mãi.

Càng ngày người ta càng dùng hình ảnh chú Cuội thân yêu của Ngố để ám chỉ đến các việc tào lạo xịt bột, những chuyện láo toét thiên lôi, những hành động tầm xàm tầm bậy. Cái chú Cuội hiền lành bám dây đa leo lên cung Hằng xem ra mất khách rồi. Mặc dù ngày nào có trăng thì lờ mờ Cuội còn ngồi đó. Bây giờ thứ gì bị người đời gán cho cái danh "Cuội" là coi chừng, đừng nghe theo mà hố. Bên nhà dùng búa xua, lời Cuội, báo Cuội, xây dựng Cuội, tiền Cuội, sống Cuội, bát nháo cả lên, chẳng biết đường nào rờ (mà dẫu có rờ loạng quạng cũng coi chừng bị khẻ gãy tay).

Cái bệnh ẫm ương ấy nó lây chóng lắm, các cụ ạ. Xoẹt cái nó ào qua tới bên này, nhanh còn hơn sóng thần vừa qua ở Sendai, bên Nhựt. Cho nên một số tổ chức, sinh hoạt, đại hội, xê-mi-na, gì đó đều bị la oang oang: "Coi chừng Cuội! " Ngố tôi cực lực phản đối việc tiếm danh này, bởi vì dưới con mắt Ngố thì chú Cuội vẫn là một hình ảnh đẹp; không chừng dăm ba năm nữa chị Hằng sẽ động lòng vì sự trung thành mà ban bố cho anh một tí tị tình yêu chăng? Ôi! Đó quả là ước mong vô cùng tận của Ngố.

Thế nên, ngẫm thân phận Cuội mà Ngố động cả lòng. Ai ăn ốc ở đâu mà bắt Cuội đổ vỏ! Những thằng rộng miệng nói càn, thiên hạ chẳng vả cho nó sưng vều để lần sau cóc dám nói thì lại kháo nhau đừng nghe vì chả nói Cuôi, xế nà thế lào? Có lẽ khổ đau của Cuội chỉ mình Ngố tôi chia xẻ. Thôi thì ủi an nhau: "Bậu đừng lấy đó làm buồn. Người ta chính đính đầy mình mà còn có khi mắc nỗi oan Thị Kính. Huống chi Cuội cù mì leo lên tận trển để rồi mặc ai nói hành nói tỏi cũng chẳng đối đáp được!" Cũng đâu phải nhời ăn tiếng nói hay hành xử mờ ám mới bị gán cho là Cuội, những việc sờ sờ ra đó mà dư luận vẫn báng bổ không thật nữa là. Chẳng hạn cái xác lù lù nằm ngày này qua tháng khác, vậy mà cũng có miệng ăn mắm ăn muối gọi là xác Cuội! Thảm thương thay, đến nhắm mắt cũng chả được yên.

 
Chú Cuội
Nguồn: OntheNet 
 
Ngố tôi thấy đau hộ cho thói đời. Người lềnh khênh nằm chờ mãi cái ngày đi đoạn đường sau cùng cũng chả thấy, lâu lâu được đánh bóng để ẫm ương nhận những sự thăm viếng trêu ngươi. Chẳng muốn nhận, cũng giúi vào tay bắt nhận, chẳng muốn nghe cũng bắt vểnh tai để nghe. Những cái bắt tay thắm thiết, những vòng ôm chặt chẽ mà thâm tâm hai bên đều cảm thấy nặng nề. Một đằng bụng bảo dạ : sao sống gì sống dai dzữ dzị. Còn một đằng thì than vãn: "Ôi, sao tôi khốn khổ thế này!

Thế mới biết nào phải dửng dưng mà đã được yên thân, bởi người ta đã bôi nhăng bôi nhít lên Cuội. Từ một hình ảnh hiền hòa, củ mỉ cù mì, người ta bôi tro chát trấu thành một tay bông lông, nói xạo. Nên thân phận Cuội mới ảm đạm làm sao!

Cám cảnh nhau, nay Ngố tôi chỉ còn biết ngậm ngùi chia xẻ. Nhìn lên trển, Ngố nhắn gửi bâng quơ: "Ới, Cuội ơi, Cuôi hỡi, đừng bao giờ Cuội nghĩ chuyện trở về trần gian nữa nhé! Cứ ở trển chờ đợi chị Hằng đi, may ra còn một chút "thực" ở đời. Chứ về đây Cuội chịu hổng nổi đâu, chỉ có mà lo tìm đường bám dây đa hòng về lại trển sớm.

Nhưng dẫu có vậy thì cũng muộn màng vì thứ gì ở trần gian này đã sa đà là coi như xong, visa rút thì đừng mong được cấp lại.