Người nói phét và người nổ có chung một điểm là nói những điều không có, những điều nằm trong trí tưởng tượng của họ nhiều hơn là sự thật, và làm “vui tai” người nghe không ít.
Tôi có người bạn trước kia phục vụ trong ngành Quân Cụ, chuyên lo về xe cộ, súng ống, đạn dược. Anh có cái tài biến chiếc “Rép” nhà binh thành xe “Rép” dân sự dễ dàng. Cách thức biến hóa ra sao thì quả tình tôi bù trất. Anh là một con người đặc biệt, chỉ lo để ý đến xe cộ nhiều hơn là ghé mắt vào mấy cái thứ gây ra tiếng nổ chết người như đạn, mìn v v... Do đó, tuy hàng ngày phải chạm mặt với chúng nhưng anh không hề bị tiếng nổ của đạn ảnh hưởng đến tâm tính. Tôi phục anh lắm. Sống gần với đạn dược, nghe đạn nổ mỗi ngày mà anh không hề “Nổ”. Tại sao tôi nói tiếng nổ của đạn ảnh hưởng đến tính tình con người ? Cũng dễ hiểu thôi, tiếng nổ mỗi ngày thấm dần vào da, thịt, máu, lên tới óc, vô trung khu thần kinh gây ra căn bệnh “nổ”. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng mà ! Đó là chứng bệnh của “Những Người Đẻ Gần Các Kho Đạn”. Đạn nổ thì làm chết người nhưng mấy anh chàng nổ chẳng làm “chết” ai cả. (Thật ra cũng có một vài trường hợp các người đẹp vì tin lời các chàng “nổ” mà “chết” cả một đời. Khi nhận biết ra chàng đã “nổ” để “tán” mình thì lúc ấy ván không phải đã đóng thuyền mà là đóng “thùng” rồi !).
Đạn thì có nhiều loại. Đạn súng lục, súng trường, súng tiểu liên, súng đại liên. Còn đạn đại bác thì cũng có đủ loại như 105 ly, 155 ly, 175 ly hay loại 130 ly của Liên Sô bắn xa 27 cây số v v...Mỗi loại gây ra tiếng nổ lớn nhỏ khác nhau và tác hại cũng khác nhau. Con người “nổ” cũng theo quy luật như thế. Người nổ ít, kẻ nổ nhiều, hay dở tùy trình độ.
Nổ cũng là một hình thức nói phét, chỉ khác nhau về cường độ và hoàn cảnh. Người nói phét và người nổ có chung một điểm là nói những điều không có, những điều nằm trong trí tưởng tượng của họ nhiều hơn là sự thật, và làm “vui tai” người nghe không ít. Nói phét thì không cần ngòi nổ, còn muốn cho đạn nổ thì phải có “kích hỏa” hay ngòi nổ mới làm cho đạn phát nổ.
Người nổ cũng giống như đạn nổ, nghĩa là phải có “ngòi nổ”. Ngòi nổ có thể là một người đẹp đang đứng trước mặt, có thể là trong một bữa tiệc, có thể là sau một chuyến đi xa trở về, cũng có thể là một chuyến về thăm lại quê hương v v... Cường độ nổ của người nổ được một nhà văn có tí máu khôi hài mô tả như sau :”Trong một phút có 60 giây thì anh ta nổ hết 59 giây, bạn chỉ có duy nhất một giây để gật gù cái đầu của bạn thôi chứ không thể xen vào câu chuyện với ý kiến ý ong gì hết.”
Nếu tiếng nổ của đạn lớn hay nhỏ tùy theo loại đạn thì người nổ cũng đa dạng không kém. Người có học và vô học, cách nổ và đề tài nổ khác nhau. Bây giờ ta thử điểm qua một số các “thể loại” nổ xem sao. Những dạng “nổ’ này, ta thường bắt gặp trong đời sống hàng ngày. Cũng như nói phét, bàn về nổ thì những anh cán ngố Việt Cộng vẫn là vô địch thế giới (nổ theo kiểu khẩu hiệu “chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch bách chiến bách thắng muôn năm) dán khắp hang cùng ngõ hẻm vậy). Sau ngày Việt Cộng cưỡng chiếm được miền Nam, cái đau khổ của phe ta khi vào tù là phải nghe chúng “Nổ”. Những tiếng nổ chát chúa, kéo dài ngày này sang ngày khác, nổ liên hồi kỳ trận tựa hồ như mỗi tên cán ngố đều có gắn cục pin dưới đít và công tắc luôn luôn ở vị trí “on”. Bất cứ buổi lên lớp nào trước mấy chàng cải tạo đau khổ của phe ta, trăm tên cán ngố đều “nổ” một giọng điệu như nhau:
- “Ta đã đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ thì sá gì ba cái chuyện làm kinh tế. Kể từ ngày dựng nước và bảo vệ nước, đây là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử nước ta. Dân tộc ta thông minh, cần cù, tài nguyên= thiên nhiên dồi dào, tiền rừng bạc bể, nhất định trong kế hoạch bản lề 5 năm tới, nước ta sẽ vươn lên trở thành một trong những nước có nền công kỹ nghệ hàng đầu của thế giới”.
Tức cười một điều là, cán ngố thì nổ như thế, trong khi đó bà Nguyễn Thị Bình lại kêu gọi thế giới hãy viện trợ cho Việtnam một triệu cái cuốc. Con trâu đi trước, cày cuốc theo sau thì Cộng Sản Việtnam sẽ làm cho thế giới kinh ngạc là phải. Và cho đến bây giờ, sau hơn 30 năm, thế giới vẫn còn tiếp tục kinh ngạc vì sự chậm tiến và nghèo đói của quốc gia này. Nổ như thế là kiểu nổ của Hoàng Trung Thông:
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Hay của văn nô Tố Hữu:
“Chân dép lốp bước lên tàu vũ trụ”
Ghê quá ! Quý vị thử hình dung một tên Việt Cộng mang dép lốp (tức là dép râu, loại dép làm bằng vỏ bánh xe hơi phế thải) bước lên phi thuyền của thiên hạ bay (ké) vào vũ trụ thì cái sự nổ đó kỳ quái và trâng tráo như thế nào. Việt Cộng “nổ” là do bản chất, do cái chủ nghĩa “nổ” Mác-Lênin dạy dỗ những con người Cộng sản lúc nào cũng phải biết nổ và nổ.
Còn phe ta “nổ” là do đẻ ra và lớn lên gần các kho đạn bị đặc công Việt Cộng phá hoại. Ngoại trừ mấy anh chàng nổ với các người đẹp để bắt tí ái tình còm hay kiếm vợ, còn phần lớn ‘nổ” chỉ để chứng tỏ ta đây là siêu việt siêu quần, là cũng hết xẩy con cào cào như ai. Cũng có một số người nổ vì bắt chước theo chủ nghĩa A.Q của văn hào Lỗ Tấn (A.Q chính truyện) bằng sự thắng trận tưởng tượng hay tự cho rằng trước kia ta cũng xuất thân từ dòng dõi trâm anh, thế phiệt.
Lúc chưa mất nước, tôi có một người quen ở trong quân đội. Cấp bậc anh ta là Hạ Sĩ thôi nhưng khi ra khỏi nhà đến thăm người yêu thì anh ta đeo lon Trung Úy. Nhờ cái sự “nổ” từ Hạ Sĩ lên Trung Úy này mà anh cưới được nàng. Đây là chuyện có thật chứ tôi không hề phịa. Tôi còn nhớ, lúc tôi mới ra trường Võ Bị, mang lon Thiếu úy, chỉ huy Trung đội, đi hành quân ở Phước Tuy, tôi thường đội cái nón vải trên có gắn một hoa mai (bọn tôi gọi là lon phụ đề Việt ngữ vì lon TQLC là những vạch trắng, phần lớn dân chúng ở vùng quê không rành). Một tên đệ tử của tôi tên là Hường, lợi dụng lúc tôi ngủ trưa, hắn lén lấy cái nón của tôi đội đi ra chợ Bà Rịa “dợt le” với mấy cô thợ may. Tôi không hề biết chuyện ấy cho đến một hôm tôi nghe lính tráng trong đơn vị tôi nói về tên Hường với cái danh xưng là “Hường Nổ” :
- Cái thằng Hường đó “nổ” dễ sợ. Nó dám lấy cái nón có gắn một bông mai của Thiếu Úy đội ra chợ và tự xưng là thiếu úy để “tán” mấy cô thợ may.
Tôi hỏi tên đệ tử của tôi: - Cậu có lấy cái nón của tôi đội ra chợ tán đào đấy à ?
Hắn cười trừ, thú nhận: - Dạ, em mượn đi dợt le một tí mà.
- Thảo nào, hôm qua có một cô đến đây hỏi tôi có biết thiếu úy Hường không, té ra là cậu.
Hắn tâm tình với tôi: - Thiếu úy à, coi bộ nàng “chịu” em rồi đó. Em rất cám ơn cái nón của thiếu úy.
- Sao cậu không cám ơn tôi mà lại cám ơn cái nón ?
- Có cái nón ấy em mới “nổ” được chứ.
- Thế cậu đẻ gần gần kho đạn Long Bình hay Cát Lái ?
- Quê em ở Bình Dương mà.
- Ở trên đó có kho đạn nào không mà sao cậu “nổ” quá vậy ?
Tên đệ tử của tôi hiểu ra, có vẻ mắc cỡ và lỉnh đi chỗ khác.
Những năm sống trong các trại tù Cộng Sản, tôi cũng đã từng chung đụng và phải nghe những cây súng đại liên nổ dữ dội. Họ nổ về những ngày tháng cũ trong quân ngũ của họ với những hành động xuất quỷ nhập thần, những chiến công hiển hách, những màn ăn chơi vung vít khắp các chốn xa hoa, về cái sự tiêu xài tiền bạc như nước của họ, về những giai nhân tuyệt sắc mà họ quen biết v.v...Một khẩu “đại bác” gốc giáo chức biệt phái, từng nằm bên cạnh tôi, nổ về cái vụ ra ứng cử dân biều của anh ta :
- Hồi tôi ra ứng cử dân biểu, tôi cho học trò của tôi đi khắp các tỉnh miền Nam dán bích chương cổ động cho tôi. Tốn khá nhiều tiền mà rốt cuộc cũng không có cơ hội để sử dụng mảnh bằng cử nhân luật của tôi trong tòa nhà lập pháp đó.
- Anh ứng cử đơn vị nào?
- Quận Tân Bình, Gia Định
- Ủa, quận tân Bình mà sao cho học trò đi khắp nước cổ động làm chi ?
- Trời đất, phải cổ động khắp nước, người ta mới biết mà bầu cho mình chứ.
Nổ thì nổ như thế nhưng đề cập đến ước mơ thì mơ ước của anh ta rất giản dị. Tôi nói với anh: - Anh có một quá khứ “vàng son” quá, ngày xưa tôi không theo nổi cái gót chân của anh. Thế bây giờ anh có ước mơ gì nào ?
Câu trả lời của anh rất trần tục và tầm thường: - Tôi mơ ước sao bây giờ có mấy củ khoai mì hay vài trái bắp ăn cho no bụng thôi.
- Anh có bị bệnh tâm thần không ? Đã mơ ước thì tại sao anh không mơ ước được trở lại những ngày tháng cũ ấy cho sướng cái thân mà lại đi ước củ khoai, trái bắp ? Anh hơi “quê”, thộn cái mặt ra và chống chế: - Bố khỉ, bụng đang đói mà lại ở trong tù thì mơ ước cao sang là không thực tế chút nào.
- Nhưng mà cái mơ ước thực tế đó của anh cũng vẫn không thể thực hiện được mà.
Anh “xì nẹc” thấy rõ: - Ông đếch thèm nói chuyện với mày nữa.
Còn phe ta mà sang đây từ hồi 75, nếu có đẻ gần kho đạn thì tôi chắc rằng cái sự “nổ” ấy cũng kinh hãi không kém. Chuyện nổ đó chỉ cần nghe qua vài câu là người ta biết ngay. Nổ như vậy được mô tả là nổ có license. Cái license là cái giấy chứng nhận hành nghề mà, không có nó là không được đâu nhá. Chẳng hạn một người tự nhận mình là kỹ sư điện, tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Theo lời anh nói, anh đã từng là kỹ sư trưởng trong một hãng Mỹ, dưới quyền anh có tới 4, 5 tên kỹ sư mũi lõ, mắt xanh, lương anh 150 đô la/giờ chứ không phải ít. Vậy mà anh cóc cần, “quit” job ngay để hành nghề tự do, sửa điện cho “phe ta” với giá phải chăng chứ không “chặt đẹp” như mấy tên chuyên viên bản xứ. Tìm cho ra được một người như anh trên cõi đời ô trược này đâu phải dễ ! Tuy nhiên, khi đi hành nghề sửa điện thì anh ta đưa ra cái danh thiếp trên đó có ghi cái “license number” đàng hoàng. Và thiên hạ bảo tôi rằng đó là một dạng nổ có license.
Nổ thì phải xẹt lửa, xẹt khói và xẹt hơi dù có license hay không. Lửa, khói, hơi xẹt ra từ người “nổ” khiến cho đời “bỗng dưng vui”. Phải vui và hãnh diện vì phe ta có được một ngòi nổ rất đáng đồng tiền bát gạo.
Và đây là một “cây bút” đẻ gần kho đạn. Anh ta viết xong một bài gửi đăng báo. Bài viết của anh không phải là truyện ngắn, tùy bút, khảo cứu hay tham luận chính trị gì cả mà là một bài về “thế thái nhân tình”. Anh gọi phone đến một người bạn hỏi ý kiến về bài viết của anh.
- Sao, anh thấy bài viết của tôi thế nào ?
- Rất tuyệt !
- Đó, anh thấy “văn tài” của tôi chưa ? V�= �n tôi là văn “bác học”, văn “éloquent”, văn Tự Lực Văn Đoàn mà. Anh nên ca tụng tôi một phát đi.
Cái kho đạn này có lẽ quên một điều cơ bản là khi một tác phẩm, một bài văn...đã phổ biến thì những gì anh viết xuống không còn thuộc về anh nữa mà thuộc về độc giả. Tự khen mình hay bắt người khác khen mình, người ta gọi đó là “tự phát, tự nổ” theo cái kiểu “tự biên tự diễn”. Tuy nhiên, không thể trách anh được vì đó là chuyện thường tình. Và cũng vì cái thường tình muôn thủa ấy nên người xưa đã nói “tự kỷ văn chương, tha nhân lão bà” mà ca dao ta diễn nôm câu nói trên như sau:
Xưa nay vẫn thói thường tình Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
Còn những “Việt kiều” về thăm quê hương mà tôi có dịp gặp trước khi sang xứ này, không có ai trong số họ nói rằng đang hưởng “oen phe”, làm thợ trong các hãng xưởng hay buôn bán...mà ai ai cũng nhận mình là kỹ sư, bác sĩ, tệ lắm cũng là chuyên viên kỹ thuật v.v... Những năm 87, 88 có thể coi là thời kỳ mở đầu những chuyến về thăm quê nhà của Việt kiều. Việt Cộng tiếp đãi họ rất trọng thể, nhất là các kho đạn tự xưng là bác sĩ, kỹ sư với hy vọng những vị này sẽ giúp đỡ tiền bạc, máy móc v.v... Tôi được nghe kể một chuyện như sau:
Một Việt kiều nhân chuyến về thăm quê nhà, ghé lại bệnh viện Phú Nhuận, tự xưng là bác sĩ và ngỏ ý muốn tham quan bệnh viện. Giám đốc bệnh viện cũng muốn nhân dịp này nhờ anh ta giúp cho một số trang bị dụng cụ y khoa. Anh được săn đón, tiếp đãi như một thượng khách. Anh được hướng dẫn đi thăm một vòng bệnh viện, lúc tiếp xúc với cán sự phụ trách phòng mổ của bệnh viện, anh ta đã lộ nguyên hình cái sự “đẻ gần kho đạn” của anh qua mẩu đối thọai dưới đây giữa anh và nhân viên phụ trách điều hành phòng mổ.
- Thưa bác sĩ, bệnh viện mới xây cất nên phòng mổ cần trang bị một hệ thống đèn mổ không có bóng.
- Cô nói cái gì lạ vậy ? Cô xin trang bị đèn mà lại đòi đèn không có bóng là làm sao ?
Nhân viên phòng mổ có vẻ ngạc nhiên và nhận ra rằng anh ta không phải “dân trong nghề” nên giải thích:
- Đèn không có bóng là đèn không hắt bóng, tức là không in cái bóng của của dụng cụ, bàn tay hay cái đầu của bác sĩ che tối chỗ mổ trên người bệnh nhân, chứ không phải là cái bóng đèn.
Anh ta làm thinh. Sau đó, nhân viên phụ trách còn tiếp tục giải thích công dụng của hệ thống đèn phòng mổ là có thể khuếch tán hay hội tụ ánh sáng cũng như điều khiển chiếu ánh sáng xa, gần hoặc rọi vào nơi nào mà bác sĩ cần phải mổ. Anh ta bị nghe “giảng” nên xì nẹc và “hố” ngay tức khắc, cho thấy mình ncũng là bác sĩ nhưng là bác sĩ chữa xe hơi:
- Cô không cần phải giải thích nữa. Tôi sửa xe hơi tôi biết. Nó giống như bóng đèn xe hơi chứ có khác cái gì đâu.
Sau buổi tham quan đó, anh “một đi không trở= lại”, không “léo hánh” đến bệnh viện ấy nữa. Và cũng kể từ đó, Việt Cộng chỉ thị cho các cơ quan địa phương những quy định tiếp xúc với Việt kiều chặt chẽ hơn để khỏi bị lầm.
Trở lại chuyện bên xứ Mỹ này, một hôm tôi được mời “đi họ” cho lễ vu quy của con gái một người bạn. Bên họ đàng trai có một anh chàng mà tôi tin đến 99,99% anh ta đẻ gần kho đạn Long Bình. Anh “nổ” ghê quá, nổ liên thanh, nổ liên tu bất tận, nổ không ngừng nghỉ, không hề mệt mỏi, từ chuyện văn học đến chuyện chính trị của nước Mỹ và trên thế giới, không cần biết những người chung quanh có lắng nghe anh nói không. Anh chỉ muốn chứng tỏ cái sự rất “uyên bác”, rất “trên thông thiên văn, dưới thuộc địa lý” của anh mà thôi. Anh nói một câu, kể ra thì cũng “chí lý”:
- Tôi nghĩ, chúng ta cần phải tiếp xúc, phải nói chuyện để học hỏi những điều hay, điều lạ. Muốn thế, chúng ta phải nói chuyện với các luật sư, bác sĩ, các dân biểu, thượng nghị sĩ hay thị trưởng, thống đốc... thì kiến thức của chúng ta mới mở rộng chứ còn nói chuyện với những người “homeless” thì học hỏi được cái gì ?
Tôi không nói rằng anh nói không đúng nhưng với điều kiện nào để anh có nhiều cơ hội tiếp xúc, nói chuyện với các tầng lớp trên trong khi anh chỉ là một người bán trái cây ven đường ? Và chính anh là “nhân vật” gợi hứng cho tôi viết cái phiếm này. Tôi cám ơn anh lắm lắm.
Tôi vẫn nghĩ rằng, trong một chừng mực nào đó, những “người đẻ gần kho đạn” là những người hạnh phúc nhất (mặc dù hạnh phúc chỉ là một danh từ trừu tượng và mang một ý nghĩa rất tương đối). Tại sao tôi nói họ hạnh phúc ? Bởi vì khi họ nói ra những điều mà họ chỉ tưởng tượng như vậy thôi, nghĩa là những điều chưa từng có hay chưa từng xảy ra trong đời họ, tức là họ sống trong cái thế giới của sự tưởng tượng. Đó là cái thế giới riêng của chính họ, (một thế giới “ảo” nhưng cứ nổ đi nổ lại nhiều lần, thét rồi họ tưởng đó là sự thật) và họ sẽ không cần biết đến cái thế giới chung quanh họ nữa. Như thế, tôi có thể kết luận rằng những người “đẻ gần kho đạn” là những người hạnh phúc nhất trên trần gian này. Chư vị có đồng ý như vậy không ?
|