Viết lách và Hát hỏng |
Tác Giả: Lã Mộng Thường | ||||
Chúa Nhật, 08 Tháng 5 Năm 2011 18:55 | ||||
Dẫu được sinh ra và lớn lên nơi đất Việt mà mãi tới khi tuổi đời đã qua gần nửa thế kỷ, tôi mới nhận ra trong những bài nói chuyện hoặc viết lách nơi ngôn ngữ Việt được dùng khá nhiều điệp ngữ, ngạn ngữ, ca dao, hoặc tục ngữ. Một thí dụ điển hình đó là “Viết lách” hay “Hát hỏng.” Không dám đặt vấn đề nhìn tổng quát về ngôn ngữ Việt mà chỉ thử xét nơi trường hợp “Viết lách” và “Hát hỏng,” hình như chúng nói lên sự thể thực nghiệm chứ không phải vô tình được lắp ráp thêm cho xuôi lời nói. Dẫu “Ngữ bất tận ngôn, ngôn bất tận ý,” ai cũng biết và nghiệm chứng được như thế, nhưng ngoại trừ trường hợp những vị được trọng vọng mới thường bị để ý đến những gì các ngài phát biểu. Có lẽ nơi những trường hợp này họ đã có thời giờ suy nghĩ chín chắn nếu không muốn nói là đã có những chuyên viên chuẩn bị diễn văn sẵn, hoặc nơi trường hợp ai đó có chút tên tuổi bị kẻ khác nhắm tới đả kích. Tuy nhiên dẫu bị đả kích thế nào chăng nữa, người đả kích chỉ nói lên sự bất đồng ý kiến, nếu không muốn nói là đã không thực sự biết nguyên nhân cũng như điều kiện tại sao người phát biểu nói như thế, chẳng khác gì nơi trường hợp Ca Dao nhắc tới, “Cá trong lờ đỏ hoe con mắt, cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô.” Người đả kích chỉ có thể nói lên quan điểm trong môi trường nhận thức của họ chứ không bị liên hệ ràng buộc nơi chức vị cũng như điều kiện nào đó của người phát biểu. Ngôn từ “Viết lách” thường được nhắc đến nơi đầu môi chót lưỡi người nói tiếng Việt. Thực ra, nói thì nói vậy cho qua, nhưng những ai đã bị cái nghiệp văn chương gây bùa mê thuốc lú mới thực sự cảm nghiệm được “Lách” phải trả giá như thế nào. Dĩ nhiên, tôi không muốn nói tới những ai muốn trở thành nhà văn, hoặc viết với ý định được gọi là nhà văn hay tự xưng nhà văn; ấy là chưa dám nhắc tới danh hiệu “Văn sĩ.” Viết với ý định được gọi nhà văn coi chừng càng bị phê bình, càng nổi tiếng. Ngược lại, có những người viết vì mê viết, bị viết, không viết sẽ cảm thấy bức xúc, ray rứt và chỉ những ai bị rơi vào trạng thái này mới cảm nghiệm được viết lách khốn khổ thế nào. Tất nhiên ngữ bất tận ngôn, thế nên phải bày tỏ suy tư của mình nơi giới hạn ngôn ngữ, tự phương tiện trình bày đã khiến mình thao thức. Ai có giờ đọc lôi thôi lòng thòng! Ai có kinh nghiệm cũng như cảm nghiệm nhận thức giống mình may ra truyền đạt điều khiến mình nhức nhối. Đồng thời, ai cũng chỉ muốn đọc ngắn gọn, muốn biết để mà biết và tưởng rằng mình biết. Đàng khác, dùng ngôn ngữ để trình bày một món ăn ngon không thể nào khiến độc giả no bụng; thế nên, dẫu viết lách giỏi đến mấy, cùng lắm chỉ khiến người đọc hoặc nghe rệu nước miếng, phương chi viết về những gì mình thao thức hoặc khát khao. Xét nơi giới hạn này của sự trình bày bằng cách viết, tất cả những ai lên án người viết mà không chịu thực nghiệm, ngược lại lên tiếng phê bình, quả là ấu trĩ. Lý do, thực tế chứng minh, không ai có thể ăn dùm, uống dùm cho mình. Và lẽ tất nhiên nơi trường hợp nhận định tư tưởng, chiều hướng nơi bài viết, không ai có thể suy nghĩ dùm cho mình. Xét như thế, tác giả một bài văn, hoặc nhận định, hay một câu truyện, bởi nhận thấy độc giả có nghiệm chứng, suy tư, hoặc điều kiện sống, hay nhận định khác mình, sẽ phải vật lộn với ngôn từ. Nói cách khác, cần để ý lách, tránh cảnh bị rơi vào trường hợp phải đối diện với thày bói mù rờ voi, có lẽ do sự chịu đựng nơi mỗi người đều có hạn, trong khi được lời Kinh Thánh nhắc nhở, “Đừng nói vào tai kẻ ngu xuẩn kẻo nó khinh thị nét tinh tế của lời con nói,” hoặc, “Đừng đàm luận với kẻ ngu xuẩn bởi, cả con nữa, con sẽ trở nên giống nó,” người viết đành phải suy nghĩ và đặt vấn đề trước hầu tránh những mũi tên đầy ẩn ý từ nhiều chiều hướng nhắm tới. Viết không lách tất nhiên coi thường độc giả; mà độc giả thì chín người mười ý; trăm người ngàn lối nhìn khác nhau. Bởi vậy có câu nói, “Những vị đại văn hào là những người sau khi chết cả trăm năm vẫn còn có kẻ thù.” Họ nói lên những điều như chọc vào tai thiên hạ nhưng lại tuyệt vời đối với những ai để tâm suy nghiệm để nhận biết thêm giá trị đích thực cuộc sống của mình. Viết dẫu bị giới hạn cách diễn đạt hơn nói nhưng mang chung một khía cạnh với cách trình bày bằng ngôn từ về phương diện bị chỉ trích; đó là chỉ tác giả hay người nói bị trở thành tâm điểm để quần chúng chỉ trích nơi trường hợp những gì không thuận lòng họ mà thôi. Ít người đặt vấn đề về tờ báo hay cơ sở ấn loát đăng tải bài viết cũng như hầu hết chẳng ai đặt vấn đề đến những người soạn diễn văn. Đối với âm nhạc, nhiều công việc chuyên môn âm thầm phía sau bức màn sân khấu hoặc chiếc đĩa hát, một hệ thống những liên hệ giây chuyền, tiếp nối, không có không được, không thực hiện chẳng xong, tất cả được tóm gọn nơi hai tiếng “Hát hỏng.” Bình thường, khi nói đến hát hỏng, người ta chỉ nghĩ tới ca sĩ, nhưng thử hỏi, có ca sĩ mà không có bản nhạc để hát thì dẫu hát hay mấy, dở mấy, đúng hay sai đều chẳng gì đáng nói. Thêm vào đó, có nhạc sĩ soạn nhạc, có nhạc sĩ hòa âm, phối khí, có ban nhạc nhưng không có hệ thống âm thanh thì lại chẳng khác gì nhóm mãi võ bán thuốc dán. Chắc chắn không ai muốn làm ca sĩ mãi võ bao giờ. Tuy nhiên, tai ác thay, bởi không dám tự đặt vấn đề hoặc mang nặng nề mặc cảm tự ty nơi khả năng hát xướng, đa số thường bo bo ấp ủ quan niệm được hiểu theo án định luân lý “Xướng ca vô loài” của người xưa để lại. Giải thích vô ích bởi dẫu cố gắng giải thích cũng chẳng khác gì thổi kèn tai trâu, coi chừng nó vạc cho, chỉ mang đại họa. Kinh Thánh có câu nói quả hợp tình, hợp lý nơi trường hợp này, “Của thánh đừng cho chó, chớ quăng châu ngọc trước bầy heo kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi” (Mt. 7:6). Đàng khác, chẳng những chín người mười ý mà chín người trăm cái miệng, nói ngược, nói xuôi, ngang dọc, trên dưới, nói thế nào cũng có kẻ cho là được. Giả sử lúc hứng khởi mở miệng cất tiếng hát thì ma chê quỉ hờn mà phê bình thì chẳng khác gì một học giả nhận định. Thì đúng là học giả bởi nếu học thiệt đã bị kiện, dẫu kêu la méo cả miệng cũng phải còng lưng làm việc trả nợ nghiệp ăn nói bậy bạ. Vả lại nơi cuộc đời này đâu có luật nào đánh thuế người khoác lác nên ai vướng vô nghiệp âm nhạc, hát xướng đều có cơ hội nghiệm chứng câu nói “Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Kiều). Có khả năng, tài năng thực hiện sự việc khác người tất cần cặp tai nghe phê bình. Ai lỡ mang chút máu me văn nghệ văn gừng, để rồi thay vì dùng những thời giờ nhàn rảnh nghỉ ngơi, an hưởng cuộc đời, lại mê man với cung đàn tiếng nhạc mới có cơ hội nghiệm chứng được ngôn từ “Hát hỏng.” Nói như thế có nghĩa chỉ những người dùng phần nào cuộc đời mình tham dự vào thế giới âm nhạc mới có thể chân thành thực sự biết hát sẽ hỏng ra sao. Ngược lại nơi thực tại, nhận định bình thường của giới thưởng lãm quả là quá ư khác biệt và không dính dáng gì đến âm nhạc mà chỉ liên hệ đến một nửa ngôn từ hát hỏng. Từ một chương trình văn nghệ được đưa lên màn ảnh nơi đĩa DVD, tiếng là DVD trình diễn âm nhạc nhưng bình thường người ta để ý đến cách ăn mặc, trình diễn của ca sĩ. Dẫu cho cách diễn xuất và khung cảnh, hình ảnh phụ giúp trình bày bản nhạc hầu nói lên được tâm tình cũng như suy tư của tác giả sáng tạo nó, nhưng các nhà thương mại đã vô tình hay hữu ý dùng nghệ thuật thứ bảy làm phương tiện quảng cáo ca sĩ cho thuận công việc buôn bán âm thanh, bởi ai không biết chỉ một số ca sĩ đặc biệt nào đó được sinh ra để hốt bạc nhờ vào những tác phẩm âm nhạc của người khác. Đa số nghệ sĩ liên hệ đến âm nhạc đều rơi vào nghiệp ăn cơm nhà, vác ngà voi mua vui cho thiên hạ kèm thêm sự chịu đựng những phê bình lắm khi khiến đau tai, nhức óc. Thử hỏi giả sử một ca sĩ được thuê hát một bản nhạc nơi DVD sẽ được trả công bao nhiêu, phỏng có đủ tiền mua hoặc may chiếc áo mặc cho hợp với bản nhạc đó chăng? Bình thường ai cũng nghĩ ca sĩ cần phải có giọng đặc biệt để hát. Xin thưa, giọng nói của các ca sĩ có khác chi ai đâu. Nếu ai vô tình có được đĩa hát ngày xưa và đem so sánh giọng của cùng một ca sĩ đó thuở ngày xưa và bây giờ, đều nhận rõ được sự ảnh hưởng của kỹ thuật âm thanh nơi giọng hát. Vấn đề được đặt ra đó là tại sao ít người làm ca sĩ và lại càng ít hơn, chỉ một số được ái mộ đặc biệt. Hình như bất cứ sự giải thích nào đều dẫn tới điều mà nhà Phật gọi là nghiệp bởi đã biết bao người có giọng hát đặc biệt, cố gắng trở thành ca sĩ nhưng càng ngày chỉ càng có tuổi chứ không có tên. Có thể nói theo quan điểm Aán học, cuộc đời sẽ dẫn dắt một người đi vào hành trình người ấy được sinh ra để học những bài học cần phải học dẫu người ấy nhận biết hay không. Mặt khác, người càng nổi tiếng bao nhiêu càng phải trả giá cho vị thế của mình bấy nhiêu. Muốn có cuộc đời an nhàn, thảnh thơi trong khi ước mơ danh vọng, quyền lực… thì quả là ước mơ hão huyền. Đối với ngày xưa, hoàn thành một bản nhạc để thiên hạ thưởng lãm trải qua muôn vàn vất vả; chẳng những thế lại còn bị ảnh hưởng bè phái, liên hệ. Ngày nhạc sĩ Hiếu Anh còn sinh tiền, có lần tôi ghé thăm nhạc sĩ và tìm hiểu thêm về nhạc ngũ cung, vô tình khi hỏi đã viết nhạc từ bao giờ, ngài nhẹ nhàng nhắc đến sự thể bè phái ngày xưa, nghe mà đau lòng. Dẫu thời nay có những phương trình điện toán để viết nhạc, hòa âm, phối khí nhưng đại đa số nhạc sĩ vẫn bị lệ thuộc các nhóm hoặc các hãng thực hiện đĩa nhạc. Một thí dụ điển hình đó là những bộ âm thanh nổi được gọi tắt là VST vẫn ít khi thấy được xử dụng nơi các đĩa âm nhạc Việt. Không chi lạ lùng bởi muốn dùng những âm thanh này phải xử dụng những phương trình điện toán thực hiện âm nhạc và tất nhiên cần thời giờ học cách xử dụng. Có lần nói chuyện với một vài người thực hiện đĩa nhạc tại VN, họ cho biết chỉ thực hiện đĩa nhạc theo tiến trình của họ và mình chỉ có thể chọn ca sĩ tùy giá cả. Thực ra, chuyển một bản nhạc từ midi sang dạng nhạc để hát và điều chỉnh âm thanh để thâu vào đĩa tiêu pha khá nhiều thời giờ. Hơn nữa, mấy ai để ý về hòa âm, phối khí khi nghe đĩa nhạc và cho dù để ý lại cần khả năng chuyên môn về âm nhạc. Hơn nữa, quan niệm xưa, âm nhạc phụ giúp lời hát vẫn nặng nề ám ảnh khách thưởng lãm, có lẽ tại chưa quen hoặc không thực hiện được thì đành chấp nhận cho qua chăng. Tôi nhớ không rành bởi chỉ được nghe loáng thoáng về một bài báo phỏng vấn một số danh ca người Mỹ nói đến nhận định về giọng hát của chính họ. Đại khái không ai ca tụng nếu không muốn nói là không ưa giọng hát của mình mà trái lại muốn giọng hát của họ giống như giọng hát của một ca sĩ khác. Ngược lại, nơi bài hát “Ba Bà Mẹ Chồng” do ban AVT thời trước 75 trình diễn, “…Như hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ.” Tôi không quen biết ca sĩ nên chưa bao giờ nghe thấy bất cứ ca sĩ nào nói lời gì bày tỏ nỗi lòng không ưa đối với ca sĩ khác. Chỉ biết một điều đó là từ dạo ngứa tay ngứa chân tập tễnh học mấy phương trình điện toán viết nhạc để rồi lại ngứa cổ thâu âm mới cảm thấy tâm phục, khẩu phục những thành viên mang nặng nợ nghiệp với âm nhạc. Bình thường, khi một nhạc sĩ viết một bản nhạc hoặc phổ nhạc một bài thơ, nơi tâm trí họ đã nghĩ đến với cung điệu đó sẽ hợp với giọng hát của một ca sĩ nào đó. Không lọt khỏi lệ đó nhưng vì không thuận tiện việc nhờ hát, tôi gân cổ hát, mà lại chỉ có hứng thú hát những khi vừa chuyển đổi xong nhạc từ midi qua dạng “wave” mới phiền hà. Nào có lạ chi, cà phê, thuốc lá, chẳng cần biết chúng phương hại thế nào nhưng chìm trong giòng âm thanh chúng cứ chịu khó tiếp nối tỉnh thức con người. Đàng khác, ai đã soạn hòa âm, phối khí thì biết, cảm hứng viết nhạc thay đổi ngay khi vô tình để tâm vào chuyện nào khác. Nghe thấy có người nói soạn một bản nhạc mãi những một năm, tôi không hiểu được cách soạn như thế nào và những gì mà phải những một năm, hoặc là không có giờ hay hứng khởi tới rất ít nhưng vì có một tâm trí siêu việt nên cảm hứng không bị đứt đoạn, hoặc phải chấm từng nốt nhạc cho ban nhạc xử dụng sao cho chính xác với tâm tình muốn bày tỏ. Riêng tôi, hát để thâu vô đĩa mới quả là sự khốn khó mặc dầu thời gian chỉ mấy phút đồng hồ. Hát, tất nhiên phải hỏng nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, và tôi đã không chuẩn bị chi hết nên hỏng ơi là hỏng. Bấm chuột để thâu sau khi điều chỉnh “mixer,” tôi vội vã bước tới microphone, khoác headphone lên đầu nghe giòng âm thanh đang được dàn điện toán chuyển đến trong khi mắt chăm chăm theo dõi những nốt nhạc được in sẵn. Tay giữ nhịp nhưng không được đụng chạm bất cứ gì nơi khuôn khổ hạn hẹp vì phải hát gần microphone cho rõ tiếng… Và đã có những bài thâu đi thâu lại hơn mười lần. Nhạc mình phổ, hòa âm tự phân định, thế mà lúc hát thì cứ phải vừa để ý nhịp nhạc, vừa đánh vần lời hát trong khi miệng phát âm… Và thế là cứ trật lên trật xuống đều chi. Có đời nào bài thơ tác giả viết “Áo thắm sân trường” (trong bài Thùy Áo Đỏ; thơ Đồng Văn) mà chẳng phải chỉ một lần, tôi đã hát sai những năm lần, năm lần hát thành “Áo tắm sân trường!” Bực điên cả người chỉ vì cái miệng không theo cái mắt bởi cái mắt đang vướng dõi theo mấy nốt nhạc cho cái tay khua ngang, khua dọc giữ nhịp. Tôi cảm phục một số ca sĩ không biết nhịp nhạc mà hát nghe vẫn phê, quả là tài, nhưng có lẽ họ phải tập tành khá vất vả! Thực ra, bản nhạc tự nó không đúng, chẳng sai vì nhạc sĩ đâu soạn nhạc cho chính họ hát, và cũng đâu phải tất cả những gì thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ sáng tạo được phát xuất từ tâm tư của họ. Nói cho đúng, có thể nói họ mang khả năng thương vay khóc mướn, nói lên tâm tình cảm nhận được từ những nhận thức hoặc sự thể nào đó nơi cuộc đời. Ai không biết điều này; thế mà vẫn có những cái mỏ dám cả gan ra bộ ta đây, lên giọng thày đời phê bình này nọ. Có điều, tôi chưa thấy nhạc sĩ nào lên tiếng thanh minh thanh nga khi bị ai đó dùng mình làm bàn đạp hầu được thiên hạ nhận ra là thứ gì. Tôi chỉ vô tình đọc được đôi bài phân tích nhạc nọ nhạc kia theo quan điểm hạn hẹp cá nhân mà thôi. Thiển nghĩ, người muốn phê bình về những sáng tác văn chương, thi phú, hay âm nhạc cần có một căn bản chuyên môn về bộ môn mình muốn nhận định. Đàng này, nếu không biết gì về âm nhạc lại đã chẳng bao giờ dám thử học bởi mặc cảm mình không ra gì mà dám lên giọng ì xèo này nọ về một tác phẩm âm nhạc nào đó thì có lẽ thua cả loài khỉ bởi “monkey sees, monkey does,” người Mỹ có câu nói như thế. Đã không biết thì học, nếu không đủ khả năng học chỉ nên đóng vai thưởng lãm hầu che dấu cái dốt; phê bình nhăng cuội mà cầu được để ý hay nổi tiếng quả là chuyện lạ đời! Đồng ý rằng cuộc đời chuyển biến nhưng chuyển biến thế nào chứ chuyển biến như câu nói nhân gian, “…tiến bộ từ thời đồ đá đến đồ đồng, qua đồ sắt… và nay tiến đến đồ đểu” thì không ai có thể chấp nhận. Ai đã hát, chắc chắn đã hỏng nhiều lần. Tuy nhiên, thà rằng hỏng cả ngàn lần và đến lần ngàn thứ mấy kiến tạo được gì cho mình và có thêm lòng tự tin thì vẫn còn hơn chẳng bao giờ hỏng để rồi ngày nào đó ra đi mang theo tâm trạng đã sống thừa! lmt
|