Lm. Phạm Minh Triệu, Giáo xứ Nam Định, nhận định về vụ xử TS. luật Cù Huy Hà Vũ |
Tác Giả: Hoàng Trường - Radio CTM | |||
Thứ Tư, 11 Tháng 5 Năm 2011 21:32 | |||
"Tôi tin rằng một ngày nào đó, người dân Việt Nam sẽ đứng lên đòi cái quyền của mình, cái quyền được đối xử công bằng trước pháp luật." Muốn nghe âm thanh, xin BẤM VÀO ĐÂY Hoàng Trường: Kính thưa quý thính giả, Linh mục Phạm Minh Triệu là cha xứ nhà thờ Bảo Long tại Nam Định. Linh mục Triệu là một người trẻ có bằng cử nhân luật và có nhiều quan tâm về hệ thống luật pháp hiện nay ở trong nước. Qua vụ xử án của Tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ tại Tòa án Nhân Dân Thành phố Hà Nội vào ngày mùng 4 tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã liên lạc với Linh mục Triệu để thăm hỏi. Sau đây là cuộc trao đổi giữa chúng tôi là Hoàng Trường với Linh mục Phạm Minh Triệu. Lm. Phạm Minh Triệu: Tôi là linh mục Phạm Minh Triệu đây ạ, tôi là cha xứ của nhà thờ Bảo Long Nam Định. Hoàng Trường: Linh Mục khoẻ không ạ? Lm. Phạm Minh Triệu: Cám ơn ông, tôi dạo này sao mà khoẻ được? (cười) Trước kia tôi ở xứ Hàm Long Hà Nội, tôi mới chuyển về đây được hơn một năm. Tôi học cùng với Lê Quốc Quân hơn nhau có một khóa thôi. Trước kia tôi học luật tôi chỉ mới có cử nhân thôi chứ tôi cũng chưa có lấy chứng chỉ luật sư. Cái vấn đề của tôi là vấn đề nhân quyền của con người. Tôi với tư cách là linh mục thì tôi ao ước và tranh đấu cho cái quyền, cái phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao tặng cho con người, như là quyền sống, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tôn giáo; nó là cái quyền căn bản của con người. Ở Việt Nam bây giờ nhà nước Việt Nam về hình thức thì nói rằng qua hiến pháp thì có tự do, nhưng về thực tế thì không có cái quyền đó của con người, mà ngược lại thì trấn áp; thế cho nên tôi cũng chỉ làm sao cầu nguyện và mời gọi mọi người cố gắng học hành phấn đấu và thậm chí cả tranh đấu nữa để cho cái quyền mà Thiên Chúa ban cho con người được thực hiện. Đấy là cái ao ước lớn nhất của tôi; cái phẩm giá của con người được tôn trọng, kể cả về sự sống thai nhi cho đến… nhất là những người nghèo, những người nông dân bị cướp đất. Thật ra thì tôi cũng có một chút liên hệ với Cù Huy Hà Vũ. Thứ nhất là liên hệ trong nghề nghiệp thì tôi cũng học luật, mà anh Cù Huy Hà Vũ cũng là người học luật và đang thực hành điều mình học kể cả ở Việt Nam và Pháp. Về mặt thực hành nghề luật thì anh có văn phòng luật sư của anh, trong đó có chị vợ của anh, thì liên hệ thứ nhất là đối với người học luật thì đều mong muốn đất nước có một hệ thống pháp luật và được điều chỉnh được pháp luật, cho nên tôi có một điểm rất là chung với anh Vũ là phải tranh đấu để đất nước được điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật hoàn thiện. Thứ hai nữa là anh Vũ từng là người đứng lên bào chữa, bảo vệ cho quyền lợi của giáo dân Cồn Dầu thuộc giáo phận Đà Nẵng. Giáo dân Cồn Dầu cũng nhờ chúng tôi dâng thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho anh Vũ, và thay giáo dân Cồn Dầu, và trong tinh thần hiệp thông của Hội Thánh thì chúng tôi thấy điều đó là có liên hệ với chúng tôi. Và cái thứ ba nữa có liên hệ đến anh Vũ, đó là tôi và anh Vũ cũng như tất cả mọi người Việt Nam đều chung một dòng máu của tổ tông, của tổ tiên, và muốn gìn giữ truyền thống đó là bảo vệ độc lập dân tộc và làm cho đất nước của mình mỗi ngày một phát triển mạnh lên; cần phải có những tiếng nói, cần phải có những người can đảm như anh Vũ, thì đấy là những cái giống nhau mà chúng tôi nhận thấy là có chung với Luật sư Vũ. Hoàng Trường: Về việc toà án đã không tuân thủ điều 214 của luật tố tụng hình sự thì Linh mục nghĩ như thế nào? Lm. Phạm Minh Triệu: Cũng là những người được đào tạo tại trường luật của chính nhà nước chế độ này, thì theo tôi nghĩ, khi mà phiên toà xét xử anh Vũ không tuân thủ nguyên tắc của luật tố tụng hình sự - nhất là vi phạm một cách trắng trợn điều 214 bộ luật tố tụng hình sự qui định về chứng cứ ở tại phiên toà, việc không cung cấp đầy đủ cho bị can cũng như là luật sư bào chữa bị can đủ chứng cứ để bào chữa cho bị can - thì tôi nghĩ đó là một vi phạm trắng trợn mà theo thông thường nếu mà không trưng dẫn được thì phải đình chỉ hoặc hủy đi phiên toà này để điều tra lại, hoặc là hoãn phiên toà để điều tra lại. Nhưng chính quyền thành phố, nhất là Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã bất chấp hiến pháp, qui định trong hiến pháp, bất chấp luật tố tụng hình sự để cố tình diễn ra một vụ án mà có thể nói là một vụ án trái pháp luật; nói một cách khác là một vụ án thật trơ trẽn, xấu hổ với quốc tế, xấu hổ với cộng đồng quốc tế, và xấu hổ với lương tâm của những người yêu chuộng công lý, yêu chuộng hoà bình và nhất là xấu hổ với những con người có lương tri. Hoàng Trường: Với tình trạng mà các toà án, nói chung là toàn hệ thống tư pháp nhà nước bây giờ tiếp tục coi thường luật pháp như đang xảy ra, thì theo Linh mục, xã hội mình sẽ đi về đâu, và người dân Việt nói chung của mình phải làm gì để thay đổi tình trạng này? Lm. Phạm Minh Triệu: Cám ơn ông hỏi câu hỏi rất hay. Trước kia tôi đã có thời gian được thực tập ở toà án nên tôi biết cái kiểu án bỏ túi của Việt Nam rồi; mặc dù là trong luật tố tụng hình sự hay luật pháp Việt Nam đều nói là “án tại” hồ sơ, tức là xét xử theo hồ sơ. Nhưng đấy chỉ là cái bánh vẽ trên giấy tờ, còn thực tế, tất cả các vụ án xử như thế nào thì đầu tuần hoặc đầu quí từ bên Viện Kiểm Sát, bên Toà án, bên cơ quan điều tra họp lại với sự điều chỉnh của Ban Tuyên Giáo, Ban Tư Tưởng, Ban Tuyên Huấn.., sau đó thì ông ấy chỉ đạo án này phải xử thế này, án kia sẽ phải xử thế kia, mà tôi thấy ông bí thư ở bên Tuyên Huấn làm gì có trình độ về pháp luật, về thẩm phán. Mà điều quan trọng nhất là không tuân thủ hình thức gọi là độc lập của toà án, cho nên nó vi phạm một cách trắng trợn mà không phải ngày hôm nay mới vi phạm, mà đã vi phạm từ trước đến giờ rồi, nên tôi không lạ gì cách xử án của nhà nước này. Nhưng tôi chỉ băn khoăn một điều, và tôi mong muốn một điều là có nhiều vụ án như vụ án của Cù Huy Hà Vũ để mọi người dân Việt Nam cũng như những người yêu chuộng sự thật, những người được học hành tử tế lo cho tương lai của đất nước, hiểu rõ được bản chất của chế độ, hiểu rõ được bản chất điều hành đất nước của một chế độ độc đảng, để họ có những cố gắng xây dựng lại đất nước này. Tôi nói là phải xây dựng lại bởi vì nó quá là xuống cấp đến mức trầm trọng báo động, ngay cả về hình thức đạo đức cho đến các hình thức quản lý nhà nước, nhất là trong các vụ kiện một số năm gần đây liên quan đến đất đai, liên quan đến lãnh hải và lãnh thổ của dân tộc thì đều bị các cơ quan quản lý của nhà nước, nhất là hệ thống toà án nhà nước và bên cơ quan điều tra công an,… tôi phải nói là bị đàn áp một cách rất tinh vi, cho nên tôi nghĩ là nếu mà tình trạng xét xử như toà án hôm qua, về phía thực tế thì các nước sẽ cười cho Việt Nam là một đất nước thật là ấu trĩ, nghĩa là họ không cười người Việt Nam, nhưng họ cười cho cách quản lý của nhà nước này, của chính thể này. Còn đất nước Việt Nam nếu mà kiểu tình trạng như thế này thì tôi nghĩ chỉ là một sự thống khổ cho những người thấp cổ bé họng. Những người yêu chuộng sự thật thì luôn luôn sẽ bị đàn áp. Nhưng tôi tin rằng nếu nhà nước cứ tiếp tục xử lý như thế này thì người dân Việt Nam sẽ không chịu cái cảnh bị đàn áp bất công như thế này, nhất là trái luật, cho nên tôi tin rằng một ngày nào đó người dân Việt Nam sẽ đứng lên đòi cái quyền của mình, cái quyền được đối xử công bằng trước pháp luật. Hoàng Trường: Như Linh mục đã trình bày thì đây không phải là lần đầu tiên một toà án của nhà nước làm một việc như vậy. Trong những vụ xử các nhà bất đồng chính kiến trước đây thì cũng đã xảy ra như vậy rồi, chỉ có điều là vụ xử của Ls. Cù Huy Hà Vũ thì nó hơi đặc biệt vì cái nhân cách riêng của Cù Huy Hà Vũ. Nhưng mà họ vẫn bất chấp, thì theo Linh mục thì dân Việt Nam, người Việt Nam phải làm cái gì thêm bây giờ? Linh mục vừa nói là một lúc nào đó thì sẽ đứng lên để làm thế này thế kia thì cụ thể hoá là bây giờ có thể làm gì theo ý của Linh mục ạ? Lm. Phạm Minh Triệu: Theo ý của tôi thì thứ nhất cần phải làm cho người dân hiểu được bản chất của chế độ, hiểu được cái mặt thật của nó mà trên thực tế, muốn hiểu được thì phải tăng cường hệ thống truyền thông qua thông tin, các đài Chân Lý Á Châu, VOA, đài Chân Trời Mới. Các hệ thống phát sóng được nhiều hơn cho người dân Việt Nam hoặc có tầng số nào đó có thể nghe được các thông tin thực tế hơn. Và rồi nhất là trong các môi trường của Việt Nam, bị đàn áp như vậy rất khó để có thể có một thông tin chính thức, vì vậy mà Việt Nam cần phải xử dụng internet nhiều hơn, người dân được tiếp cận với các hệ thông tin nhiều hơn. Như cuộc cách mạng bông Hoa lài tại Bắc Phi, họ thành công được là vì người dân hiểu được vấn đề, là bởi vì nhờ có các mạng truyền thông xã hội cho nên người ta nắm bắt được các vấn đề về sự thật; nhờ có truyền thông người ta mới có hiểu biết, và nhờ có hiểu biết thì người ta mới thông tin được cho nhau. Còn như ở Việt Nam thì tất cả các hệ thống truyền thông, internet, các blogger… đều bị ngăn chặn. Tôi lấy ví dụ ngày hôm qua và ngày hôm kia xử án anh Vũ thì mạng internet rất là khó vào, ngay cả vào anonymouse.org hoặc saigonbáo hoặc một số trang như của anhBaSàm… Với tình hình nhà nước Việt Nam không xử dụng đến hệ thống pháp luật để điều hành đất nước mà chỉ xử dụng đường lối của Đảng để đảm bảo quyền lợi của phe nhóm. Để mọi người dân sống và hiểu được hệ thống pháp luật, nâng cao sự hiểu biết để cải cách lại nền pháp chế của Việt Nam, thì cần: Thứ nhất là vấn đề thông tin, cần phải có thông tin; nghĩa là mọi người cần nắm bắt được thông tin, không phải chỉ thông tin tuyên truyền từ một phía – từ phía nhà nước – nhưng cần phải nắm bắt được cả những thông tin về… tôi hay gọi là lề trái, nghĩa là các mặt trái của xã hội. Kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng dân chủ như tại Libya, Ai Cập v.v.. vừa qua, thì nhờ có thông tin qua hệ thống internet mà mọi người có thể thông tin, liên lạc được với nhau. Cho nên ở Việt Nam muốn có một sự thay đổi căn bản trong hệ thống pháp luật thì cần mọi người nắm bắt được thông tin. Khi người ta có thông tin thì người ta đòi buộc chính phủ phải thay đổi và phải làm theo Hiến pháp, làm theo luật. Bây giờ ví dụ Điều 88 Bộ Luật Hình Sự chẳng hạn, quy định rất chung chung, không ai hiểu được gì cả. Một số tiến trình xét xử, ví dụ như vụ của anh Cù Huy Hà Vũ hôm qua chẳng hạn, thì trong chương trình bản tin 11 giờ đêm thì lại nói như con vẹt. Điều đó thật là nực cười. Cho nên tôi nghĩ, muốn cho đất nước, dân tộc Việt Nam và cộng đồng Việt Nam muốn thay đổi được một cái hệ thống, thay đổi hệ thống pháp luật được hoàn chỉnh và mọi người sống và làm việc được bình đẳng pháp luật, thì điều đầu tiên là phải cải cách hệ thống pháp luật, đấy là về phía Quốc hội phải trách nhiệm. Thứ hai là phía người dân phải tích cực và phải thoát ra khỏi sự sợ hãi, vì người dân Việt Nam quá sợ hãi bởi vì hệ thống công an, hệ thống công quyền của Việt Nam, hệ thống trấn áp quá mạnh nên người Việt Nam rất sợ ảnh hưởng đến mạng sống của mình, đến danh dự của mình, đến đồng lương của mình nên họ không dám lên tiếng. Chính vì những lý do: Một là lý do sợ hãi; hai là vì lý do miếng cơm, manh áo, nghề nghiệp; và thứ ba là không liên lạc, không thông tin được với nhau, cho nên người ta rất sợ hãi. Tôi tin rằng nếu người Việt Nam chấp nhận đầu tư vào hệ thống thông tin, hoặc só sự cộng tác của một số các đài như VOA, Á Châu Tự Do, hoặc các trang web, blog phát triển mạnh lên thì tôi nghĩ là Việt Nam sẽ thay đổi. Hoàng Trường: Dạ vâng, tôi tin chắc là đồng bào của chúng ta trong và ngoài nước khi nghe được những lời chia sẻ của Linh mục thì chắc chắn sẽ lên tinh thần rất nhiều, và cũng là một động lực thêm để làm việc thêm nữa trong chiều hướng mà Linh mục đề nghị. Hiện giờ, trước mắt thì Ts. Cù Huy Hà Vũ đang lãnh một án và đang nằm trong tù, thì Linh mục nghĩ chúng ta cần làm gì để giúp cho tình trạng của ông Cù Huy Hà Vũ khá hơn lên? Lm. Phạm Minh Triệu: Thật ra vụ án hôm qua là một màn kịch hơn là một phiên tòa. Phán quyết của toàn án đã có rồi, là 7 năm tù giam và 3 năm quản chế. Cái mà chúng ta có thể làm để giúp anh cũng như tất cả những người yêu chuộng đất nước, yêu chuộng gióng nòi, yêu chuộng tự do dân chủ như anh,… về phía ngoại giao thì tôi nghĩ thật ra ở Nam không trông chờ gì ở phía nước ngoài, bởi vì muốn làm cho đất nước được sạch thì tự người Việt Nam phải đứng lên thôi, chứ không trông chờ vào nước ngoài; và tôi cũng không thích cái điều đấy. Nhưng đối với trong nước, các nhà đấu tranh dân chủ, các tổ chức như các tổ chức luật sư, các nhà chí sĩ yêu nước, các nhà trí thức, sinh viên cần phải có những bản kháng nghị, kiến nghị lên Quốc hội, lên Thủ tướng, lên các viện như Viện Kiểm Sát để kháng án lại quyết định của toà án; đồng thời các phong trào dân chủ trong nước cần phải liên kết được với nhau để có một tiếng nói chung thì mới có tác động hơn. Thứ hai nữa là vụ anh Cù Huy Hà Vũ là một vụ án để dằn mặt kẻ khác, thực sự là như thế. Dằn mặt những người nào muốn nói tiếng nói lương tâm, muốn nói tiếng nói dân chủ, muốn nói tiếng nói yêu nước thì nhìn vào Cù Huy Hà Vũ mà liệu chừng. Nhưng tôi nghĩ nếu chế độ này càng làm như vậy thì sẽ càng làm cho người dân phản ảnh bức xúc thôi. Tôi lấy vị dụ, cách đây hơn 80 năm khi Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh đều là những người yêu nước đòi hỏi quyền độc lập tự do cho đất nước thì đều bị người Pháp hoặc một kẻ nào đứng sau đó để bán trắng Cụ Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh cho Pháp. Nhưng dần dần lịch sử sẽ phải thay đổi và bánh xe lịch sử sẽ tiến gần, sẽ nghiền nát tất cả những thể chế độc tài nào muốn đàn áp, bịt miệng những người đấu tranh dân chủ. Ngoài ra về đấu tranh ngoại giao thì Việt Nam bây giờ không thể sống co cụm một mình được mà cần đến sự hỗ trợ của đồng tiền nước ngoài, như Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết Tuyên Ngôn về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhờ sức ép của các tổ chức nhân quyền thế giới, các tổ chức luật sư thế giới, tiếng nói của các đại sứ quán cũng như các tổ chức về tự do dân chủ trên thế giới, lên tiếng để bằng cách nào đó tác động đến đường lối ngoại giao của nhà nước Việt Nam để nhà nước Việt Nam phải nhìn nhận quyền chính đáng của con người nói chung, nhất là qua vụ án Cù Huy Hà Vũ nói riêng. Hoàng Trường: Có một câu hỏi khác chúng tôi muốn hỏi Linh mục là Linh mục nghĩ sao về vai trò của tôn giáo trong vấn đề này, đặc biệt là bên Công Giáo? Lm. Phạm Minh Triệu: Vâng, thứ nhất là qua thực tế, trong một hai năm vừa qua chúng ta thấy là bên Công giáo, nhất là qua các vụ kiện Toà Khâm sứ Hà Nội, giáo xứ Thái Hà, Cồn Dầu, Loan Lý, v.v… Nói về vấn đề tôn giáo, chỉ có phía Công giáo mới đứng lên phản đối chính quyền về đất đai, về vấn đề quyền con người, bởi vi Giáo Hội Công Giáo là một trong những nạn nhân chịu nhiều thiệt hại nhất của chế độ này. Thứ hai nữa là qua vụ anh Cù Huy Hà Vũ thì anh ấy là người nghèo, anh đứng về phía những người nghèo và anh là người có tiếng nói của lương tâm, của lương tri. Giáo hội của Thiên Chúa là giáo hội của người nghèo, bênh vực người nghèo. Chúng tôi là những người hoạt động tôn giáo, chúng tôi không làm chính trị, có nghĩa là chúng tôi không chống đối nhà nước, nhưng chúng tôi chống lại tất cả những thể chế, những tổ chức độc tài đàn áp nhân quyền con người, nhất là quyền tự do tôn giáo, tự do lương tâm. Chính vì vậy mà ảnh hưởng của tôn giáo trong vấn đề như Cù Huy Hà Vũ này hoặc là tất cả các vấn đề dân chủ khác; nó là vấn đề mang tính chất bản chất của ơn gọi Kitô hữu thôi. Vì người Công Giáo chúng tôi không phải chỉ biết đến nhà thờ để rửa tội, để đọc kinh, nhưng người Công Giáo còn phải làm chứng cho Tin mừng, mà Tin mừng của Đức Giê-su là Tin mừng của sự thật, của tình yêu; và ai ở trong sự thật, ai ở trong tình yêu thì người đó sẽ làm chứng cho Đức Kitô. Anh Cù Huy Hà Vũ là một chứng nhân của sự thật, của công lý, tiếng nói của lương tâm. Vì vậy, có thể anh không phải là người Công giáo vì chưa được chịu phép rửa tội theo nghi thức Công Giáo, nhưng về lương tâm và con người của anh cũng đã trở thành một Kitô hữu bởi vì anh đã can đảm làm chứng cho công lý, cho sự thật, bảo vệ cái quyền của người nghèo, bảo vệ cái quyền lương tâm con người, thì một cách nào đó, anh đã là một Kitô hữu, và như vậy, anh cũng là một thành phần trong Giáo Hội. Nói như vậy là nghĩa hẹp, còn nói rộng hơn là ở Việt Nam có rất nhiều người Việt Nam của chúng ta yêu chuộng công lý và sự thật; không chỉ là Công Giáo mà còn Giáo hội Phật giáo, Giáo hội Hòa Hảo, Giáo hội Tin Lành đều là anh em, đều muốn nói lên cái quyền của con người. Nhiều người hỏi tại sao Linh mục nói như một người làm chính trị, nhưng không, tôi nó là Đức Bê- Nê-Đi-Tô XVI đã giải thích rất rõ rõ rằng tôn giáo không làm chính trị, nhưng tôn giáo có thể lên tiếng khi cái quyền chính trị của con người bị xâm phạm, thì những người hoạt động tôn giáo phải lên tiếng bênh vực. Còn như chúng tôi linh mục thì chúng tôi không tham gia chính trị, nhưng khi cái quyền chính trị của con người như là quyền tự ngôn luận, tự do lương tâm, tự do hội họp, tự do tôn giáo bị xâm phạm thì chúng tôi lên tiếng để bênh vực, và sẵn sàng, thậm chí còn hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ cái quyền con người, trong đó có quyền chính trị của con người. Hoàng Trường: Linh mục nghĩ sao về sự sợ hãi? Lm. Phạm Minh Triệu: Thứ nhất, chúng ta sống trong chế độ Cộng sản như ở miền Bắc quá lâu, nhất là trải qua thời kỳ gọi là thanh trừng của thời kỳ Quốc Dân Đảng và thời kỳ đầu đảng Cộng sản vào những năm 30-40; rồi những vụ thanh trừng nhau đẫm máu, rồi đến thời kỳ cải cách ruộng đất một cách rất kinh khủng, rồi đến thời kỳ đấu tố tư sản…, Nhà nước Việt Nam luôn luôn dùng những hình thức công an để trấn áp, giết chết hoặc đàn áp một cách khủng khiếp, cho nên sự sợ hãi đã đi vào máu của người Việt Nam mấy chục năm nay rồi. Sự sợ hãi này tôi nghĩ bây giờ người ta vẫn còn sợ. Cái sợ ở đây không phải gì khác hơn là sợ mất công ăn việc làm, sợ mất vị thế trong xã hội. Bởi vì tất cả mọi cái, mà bây giờ nhà nước và chế độ độc tài này đánh vào người Việt Nam đều là đánh vào cái dạ dầy hết. Ví dụ như tôi là một viên chức nhà nước, tôi là một cựu đảng viên Cộng sản, nhưng tôi đang ăn lương của nhà nước, bây giờ nếu tôi nói lên tiếng nói của lương tâm hay tiếng nói của sự thật thì tôi sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng, đồng nghĩa là tôi bị cắt lương, tôi bị mất nghề nghiệp và tôi sẽ bị cô lập và ngay cả cái mạng sống của tôi, tôi cũng không thể duy trì được. Thế cho nên là cái sự sợ hãi này nó phát xuất từ một điểm xem rất là bình thường, đó là cái nguồn sống của con người. Tôi nghĩ là sự sợ hãi này nó bắt nguồn từ đó. Còn rất nhiều những lão thành cách mạng hoặc những đảng viên họ rất không chấp nhận cách điều hành đất nước hiện nay của lãnh đạo đất nước, của Bộ Chính Trị hay của chính phủ, nhưng khi nói ra thì người ta sẽ bị mất việc hoặc sẽ bị khai trừ, hoặc sẽ bị thanh trừng v.v… Cái vụ này nếu anh có đọc blog Bauxite thì anh thấy như vụ nhà giáo Phạm Toàn, ông Nguyễn Quang A v.v… Sự sợ hãi này, tôi nghĩ lúc này Việt Nam còn đang sợ hãi, nhưng nếu nhà nước càng bắt bớ, càng đàn áp, người nông dân càng khổ cực nhiều, đau khổ nhiều thì một lúc nào đó tức nước sẽ vỡ bờ. Lúc đó, tôi nghĩ một cuộc cách mạng Hoa Lài sẽ không phải là xa đối với người Việt Nam. Hoàng Trường: Thế thì theo cha tại sao lần này họ lại xử nặng như vậy? Lm. Phạm Minh Triệu: Tôi không ngạc nhiên gì về phán quyết 7 năm của toà án qua án sơ thẩm ngày hôm qua, ngày mùng 4. Tôi không ngạc nhiên bởi vì tôi biết trong nội bộ đảng có sự chia rẽ rất lớn về quyết định của cái án này, nhưng nó là một sự thắng thế của một phe nào đó thôi. Tôi nghĩ chính vụ án Cù Huy Hà Vũ này nó là một ngòi nổ cho các vấn đề từ trong nội bộ cũng như là về phía dư luận xã hội. Tôi thì tôi không ngại, vì tôi là một linh mục mà tôi phải nói lên sự thật của mình. Giá mà tôi là một người làm chính trị thì tôi sẽ không nói như thế, nhưng mà tôi là một linh mục thì tôi phải có tiếng nói của một người dân Việt Nam. Thứ nhất, tôi là một người dân Việt Nam, một người Việt Nam muốn tranh đấu, muốn đòi hỏi cho cái quyền độc lập tự do của người Việt Nam, cho cái sỹ diện hoặc là cái danh dự của người Việt Nam; đồng thời tôi là một Kitô hữu thì tôi phải nói lên cái quyền sống mà ơn gọi Kitô hữu của tôi mời gọi. Và điều thứ ba, tôi là một linh mục thì tôi không được nói dối, và tôi có nói gì thì nói để làm chứng cho sự thật thì thậm chí đến mất cả mạng sống tôi cũng phải chấp nhận. Điều đó tùy thuộc vào ơn Chúa sẽ giúp tôi khi tôi phải đối diện với khó khăn nhưng cho đến lúc này thì tôi không có ngại. Tôi cám ơn các anh đã phỏng vấn tôi. Nói thật với anh, tôi chỉ là một linh mục nhà quê thôi, nhưng tôi khao khát cho một đất nước được tự do, một đất nước người nghèo được tôn trọng, sự sống mọi người được tôn trọng, ít nhất là dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc thấp kém, nhưng là một dân tộc có bề dầy lịch sử anh hùng và có tiếng nói trên thế giới. Một mình tôi chỉ là một hạt cát trong biển, nhưng nếu tất cả người Việt Nam đều cố gắng, dù nhỏ thôi, thì nó sẽ trở thành một cái gì đó rất là lớn. Tôi nói lại, tôi chỉ là một linh mục nhà quê, bình dị, không có nhiều kiến thức, không được học rộng, hiểu nhiều, tôi nghĩ thế nào thì tôi nói như thế. Đó là tâm sự của tôi. Mình sống một cách làm sao cho để không phải vì riêng mình mà vì một dân tộc, vì một đất nước mà mấy chục năm qua lê lết quá rồi; thế nên giúp được ai cái gì thì mình phải giúp đến nơi đến chốn, phải giúp tận tình, bởi vì ơn gọi của mình không chỉ là linh mục mà mình còn là đồng bào với nhau khi gặp những hoạn nạn, đau khổ; nhiều khi đau khổ họ không biết được, khi họ biết được thì đã muộn rồi. Ở các giáo xứ, ở những trung tâm tư vấn pháp lý để khi người dân bị lấy đất, bị thiệt hại về cái quyền con người, họ đến nhờ mình kịp thời thì mình cứ dựa vào luật Việt Nam thì ít nhiều gì mình cũng có thể có tiếng nói, nhưng thực sự thì cũng như muối bỏ biển thôi. Tôi phụ trách về giới trẻ và sinh viên của thành phố Nam Định; tôi có những buổi tĩnh tâm cho các sinh viên, nhưng tôi rất buồn sinh viên ngày hôm nay họ không quan tâm đến vấn đề của dân tộc, của đất nước. Họ chỉ quan tâm đến chuyện trước mắt, chơi bời, nên tôi rất là buồn. Tôi luôn luôn nhắc nhở các bạn sinh viên mà tôi phụ trách là, không biết các bạn học cái gì, lịch sử dân tộc, các bạn không nắm được thì coi như các bạn mất tất cả. Tôi chia sẻ với ông một số điều như vậy để nói lên cái thao thức của tôi. Tôi ước mong cho dân tộc mình, cho các người trẻ của dân tộc Việt Nam, nhất là các bạn trẻ sinh viên ý thức được vận mệnh của đất nước chúng ta trong lúc này rồi có một hành động cụ thể nào đó để hướng đưa đất nước đến một tương lai tươi sáng hơn. Tôi xin Chúa chúc lành cho anh cũng như cho các anh chị em trong đài. Hoàng Trường: Vâng xin cảm ơn cha rất nhiều.
|