Thiên tài quân sự Trần Nhân Tông |
Tác Giả: Trúc Lâm Lê An Bình | |||||||||||||
Thứ Năm, 29 Tháng 4 Năm 2010 04:53 | |||||||||||||
Vua Trần Thánh Tông truyền ngôi cho thái tử Khâm. Thái tử lên ngôi xưng là Hiếu Hoàng, hiệu là Pháp Thiên Ngự Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Ðế (tức là Nhân Tông)
Vua Trần Thánh Tông truyền ngôi cho thái tử Khâm. Thái tử lên ngôi xưng là Hiếu Hoàng, hiệu là Pháp Thiên Ngự Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Ðế (tức là Nhân Tông), chính thức trị vì đất nước Ðại Việt năm 1279, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên cũng gọi là Trùng Hưng. Vua Nhân Tông tôn vua cha là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng đế và tôn Thiên Cảm Hoàng Hậu là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu. Ngài là người hâm mộ đạo Phật ngay từ lúc thiếu thời, ý chí mong muốn xuất gia đầu Phật mà thôi. Tuy nhiên, giữa lúc đất nước Ðại Việt đang trong cơn thử thách trước mưu đồ xâm lăng của nhà Nguyên ngày càng rõ rệt, thì ngài đã vận dụng lòng từ bi rộng lớn để cưu mang xã tắc và dân tộc. Sau khi tiêu diệt nhà Tống vào năm 1279 (quân Tống bị đánh úp ở Nhai Sơn phía Nam huyện Tân Hội tỉnh Quảng Ðông Trung Quốc), kết thúc bằng sự kiện tả thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển tự tử vào mùa Xuân cùng hằng vạn quân dân nhà Tống khác (cũng là năm vua Nhân Tông lên ngôi), Hốt Tất Liệt, Nguyên Thái Tổ đã chuẩn bị binh sĩ cũng như cho đóng thêm chiến thuyền để xâm lăng nước ta. Ðể tránh sự thất bại như lần trước vào năm 1258, khi Thái tổ Trần Thái Tông đánh bại, quân Nguyên dự trù mở ba mặt trận làm thế gọng kềm trong dã tâm đè bẹp nước Ðại Việt của chúng ta. Chúng dự định đem quân đánh chiếm Chiêm Thành làm gọng kềm phía Nam, phối hợp với hai hướng tiến quân phía Ðông Bắc và Tây Bắc, từ dưới đánh lên và phía trên cho quân tràn xuống với khí thế vô cùng hung liệt. I. Quân Nguyên tấn công, quân đội Đại Việt rút lui: Mùa thu tháng 8 năm 1283, viên tướng trấn thủ biên cương Lạng Châu (Lạng Sơn) là Lương Uất cấp báo về triều đình, Hữu thừa tướng nhà Nguyên là Toa Đô (Sôgatu) đem 5000 quân mượn đường nước ta sang đánh Chiêm Thành. Tháng 10, Ðức Hoàng Ðế Trần Nhân Tông tổ chức một hội nghị tại bến đò Bình Than, vũng Trần Xá (chỗ gặp nhau của hai con sông Thái Bình và Kinh Thầy. Nơi nầy về sau vẫn còn xã gọi là Trần Xá) ở địa phận xã Trần Xá, huyện Chí Linh. Hội nghị đã quy tụ hầu hết các vương thân quốc thích và cũng là các hàng lãnh đạo quân sự, mục đích tổ chức nhằm bàn kế chống giặc ngoại xâm cũng như thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết chiến đấu của toàn thể triều đình chúng ta. Tại đây ngoài việc bàn kế chống giặc, vua Nhân Tông đã phục chức Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân, một phẩm hàm đã bị tước đi khi ông phạm lỗi và phải lui về làm nghề bán than ở Chí Linh (xưa là đất Bàng Châu, cũng gọi là Bàng Hà, khi quân Minh chiếm nước ta chúng đổi thành huyện Chí Linh, sau đó nhà Lê vẫn xử dụng tên cũ không thay đổi, này nay nó thuộc tỉnh Hải Dương). Có một điểm khá nổi bật là, tất cả mọi người đến Bình Than đều được tham dự hội nghị, duy có Hoài Vương Hầu Trần Quốc Toản vì còn nhỏ tuổi đã không được tham dự. Ông đã bóp nát trái cam trong tay lúc nào không hay để tỏ ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm. Khi lui về, ông đã quy tụ người nhà thành một đạo quân hơn ngàn người, trang bị khí giới, chiến thuyền, gương cao lá cờ «Phá Cường Ðịch Báo Hoàng Ân». Khi lâm trận chống quân Mông-cổ, lúc nào ông cũng đi đầu diệt giặc, khiến chúng phải e dè, không dám đối đầu mà phải lẫn tránh. Vào tháng 10 cùng năm, Ðức Hoàng Ðế sắc phong Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư (vị quan đứng đầu triều đình, chỉ huy cả hai bộ phận văn và võ), Ðinh Củng Viên làm Hàn lâm học sĩ phụng chỉ (vị quan đứng đầu viện văn học trông coi việc soạn thảo các loại chế, cáo, chiếu chỉ của nhà vua). Tháng 7 mùa thu năm 1283, triều đình Ðại Việt cử quan Trung phẩm Hoàng Ư lệnh, nội thư gia Nguyễn Chương đi sứ nhà Nguyên. Tháng 10 hai vị sứ giả của chúng ta trở về báo rằng nhà Nguyên sai thái tử Trấn nam vương Thoát Hoan (Toghan) và bình chương A Lạt (Ariq-Qaya) quy tụ 50 vạn quân ở hai tỉnh Hồ Quảng chuẩn bị tràn vào xâm lăng nước ta. Cho nên mùa Đông tháng 10 năm 1283, Vua Nhân Tông đã đích thân cùng với các vương hầu mở cuộc tập trận lớn bao gồm cả thủy và lục quân. Ngài bổ dụng Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công, tiết chế thống lĩnh tất cả các sắc quân (tương đương với Tổng tham mưu trưởng ngày nay), chọn trong hàng tướng lãnh người nào có khả năng võ nghệ thì cho ra chỉ huy từng bộ phận. Trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì ghi rằng tháng 8, mùa thu Đức Hoàng đế tổ chức duyệt binh cũng như hạ lệnh cho Hưng đạo vương điều khiển các sắc quân của vương hầu. Mùa thu tháng 8 năm 1284, Đức vua Trần Nhân Tông hạ lịnh cho Hưng Đạo Vương điều khiển các sắc quân của vương hầu, mở cuộc duyệt binh lớn ở Đông-bộ-đầu (tức bến sông Hồng phía trên cầu Long Biên gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay) rồi chia quân trấn giữ Bình-Than cũng như các nơi trọng yếu. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã phổ biến bài Hịch Chiến Sĩ đến toàn quân sĩ Đại Việt. Sự bố trí lực lượng của quân đội Đại Việt được ghi nhận như sau: Ở mặt Đông-Bắc quân ta trấn thủ Vĩnh Bình, Động Bàng, Nội Bàng, Vạn Kiếp, Bình Than, chỉ huy mặt trận này là Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo; đối phó với cánh quân Vân Nam ở phía Tây Bắc thì giao cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy; phía Nam kinh đô ta xây dựng một số địa điểm phòng thủ như Đà Mạc, A Lỗ và Đại Hoàng do Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng làm chỉ huy. Trên cùng, Tổng chỉ huy chiến trường là Đức Hoàng Đế Trần Nhân Tông. Tháng 8 năm 1284, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã cho mời các kỳ lão của cả nước vào thềm điện Diên-Hồng để chiêu đãi cũng như bàn kế sách chống giặc. Khi Đức Thượng Hoàng trình bày tình hình nguy biến của nước nhà trước họa xâm lăng của Mông-cổ, thì tất cả kỳ lão đồng hô to «Phải đánh». Trở lại vấn đề quân Mông-cổ muốn mở gọng kềm phương Nam để kềm chế Đại Việt bằng cách tấn công nước Chiêm Thành. Chỉ huy đoàn quân này do Toa Đô thống lãnh đã hoàn toàn thất bại trước sự kháng cự mãnh liệt của quân dân nước này. Vua Nguyên đã tổ chức một bộ máy quân sự khổng lồ sang xâm lược nước ta. Bao gồm A Lý là tướng có công trong các trận hạ thành Tương Dương, Ngạc Châu, Phàn Thành, Tỉnh Giang, Giang Lăng và nhiều chiến trường khác. Còn phải kể Lý Hằng, người dứt điểm nhà Tống trong chiến dịch Nhai Sơn. Một số cận tướng với A Lý như Áo Lỗ Xích, Trình Bằng Phi, Ô Mã Nhi, Toa Ðô, Phàn Tiếp. Phải nói là bộ tham mưu này đã tập trung những tướng lãnh dày dặn kinh nghiệm nhất của quân Nguyên trong chiến dịch xâm lăng nước Ðại Việt. Ngày 21 tháng 12 năm Giáp Tý (1284) quân Mông-cổ do Thoát Hoan cầm đầu đã tràn xuống tới biên giới của nước ta. Thoát Hoan đã cho lý vấn quan Khúc Liệt (Kütä) và tuyên sứ Tháp Hải Tân Lý (Taqai Sarïq) cùng Nguyễn Ðại Học đem thư của A Lý đòi nước ta mở đường và cung cấp lương thực cho họ đi đánh Chiêm Thành. Ðức vua của ta trả lời rằng «Từ nước tôi đến Chiêm Thành, thủy bộ đều không tiện». Song song ngài hạ lịnh cho Hưng Ðạo Vương mang quân trấn thủ biên giới. Trong khi các phái bộ ngoại giao Nguyên-Việt tiếp tục qua lại trao đổi công hàm ngoại giao thì quân Nguyên tiếp tục ào ạt tiến đến Lộc Châu (tức huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn ngày nay). Thoát Hoan sai Ðà tổng là A Lý sang nước ta nói rõ về lý do chuyển quân là đi đánh Chiêm Thành chứ không có ý gì khác. Trong khi đó quân Mông-cổ tiếp tục tiến quân vào nội địa nước ta, khi chúng tiến tới núi Kheo Cấp thì bị quân ta anh dũng chận đánh không thể tiến lên được. Khi quân Nguyên kéo tới Lộc Châu, nhà vua đã nhanh chóng điều động quân lính đến trấn thủ các ải Khâu Ôn và Khâu Cấp Lãnh. Ngày 21 tháng 12 năm Giáp Thân (tức 27 tháng một năm 1285) Thoát Hoan và A Lý Hải Nha đã chia quân ra hai hướng để tấn công. Cánh quân phía Tây do Vạn Hộ Lý, La Hợp Ðáp Nhi (Bolqadar) và chiêu thảo Athâm (Atsin) chỉ huy do đường huyện Khâu Ôn tiến xuống. Cánh quân phía Ðông do khiếp tiết Tản Ðáp Nhi Ðãi (Tatartai) và vạn hộ Lý Băng Hiến … tới ải Nữ-Nhi (Toàn Thư, Cương Mục) còn An-Nam Chí-Lược gọi là ải Anh-Nhi. Ở đây chúng bắt và giết một nhân viên do thám của Đại Việt là Đỗ-Vĩ tướng quân. Quân ta chiến đấu chống giặc Nguyên ở núi Khâu (hay Kheo) Cấp vẫn không phân thắng bại vì hai ải Khả-Ly và Nữ-Nhi đã thất thủ, vì vậy bắt buộc phải rút về cố thủ ải Chi Lăng (thuộc Ôn Châu, tỉnh Lạng Sơn). Tại ải Chi Lăng mặc dù chiến đấu anh dũng nhưng không thể nào đương cự được quân địch đông đảo gấp bội phần nên đành phải cấp tốc rút về trấn giữ bến Vạn Kiếp (tỉnh Hải Dương) là nơi Hưng Đạo Vương đặt tổng hành dinh điều khiển mặt trận miền Bắc (trước đây được đặt tại ải Nội Bàng). Như khi ngài nghe tin các ải Chi Lăng, Nội-Bàng bị thất thủ, quân ta lui về giữ bến Vạn Kiếp, Đức Hoàng đế Trần đã vội vàng di chuyển bằng thuyền nhẹ ra Hải Đông (chỉ chung vùng Hải Dương cũ nay thuộc tỉnh Hải Hưng và Hải Phòng hiện nay) để được biết thêm tin tức, do vì phải bôn ba vất vả đồng thời lo lắng cho quân tình nên ngài không kịp ăn sáng và lúc mặt trời đã về chiều thì có người lính tên là Trần Lai dâng cơm hẩm cho vua dùng. Ngài khen là người trung nghĩa và đã ban thưởng chức thượng phẩm, kiêm tiểu tư xã xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng. Khi hội ngộ, đức ngài đã ra lịnh cho Hưng Đạo Vương điều động quân lính các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm (Vân Trà Ba Điểm là hai hương lộ thuộc Hải Đông bấy giờ. Hương Vân Trà hay Trà Hương là vùng Kim Thành, tỉnh Hải Hưng ngày nay), chọn những người dũng cảm làm tiên phong, vượt biển vào Nam để trợ chiến với quân bạn. Nhờ sự tăng viện kịp thời, tinh thần binh sĩ của ta mới được phấn chấn trở lại sau những thất bại liên tiếp ở các chiến dịch biên giới phía Bắc. Vào ngày 26 tháng chạp năm Giáp-thân (1284) giặc Nguyên tấn chiếm các ải Vĩnh-Châu, Nội-Bàng, Thiết-Lược và Chi-Lăng. Trong đó Nội-Bàng là một chiến trường khá quan trọng cho vòng đai phòng thủ kinh thành Thăng Long. Tại Nội-Bàng khi quân ta phải rút lui vội vàng thì Hưng Đạo Vương có hai gia tướng là Yết Kêu và Dã Tượng, Vương dự định di chuyển bằng đường núi, nhưng Dã Tượng nói rằng nếu Yết Kêu chưa gặp Vương thì ông ta nhất định không đưa thuyền rời bến. Hưng Đạo Vương vội đến bến đò Bãi, quả thấy chỉ còn độc nhất chiếc thuyền của Yết Kêu đang ở đó để chờ Vương tới cùng đi. Hưng Đạo Vương rất mừng và nói: «chim Hồng và chim Hộc bay được cao, tất phải nhờ có lông cánh mạnh, nếu không thì chả khác gì chim thường». Nói xong liền đi thuyền cùng với Yết Kêu và Dã Tượng về họp cùng quân lính các lộ trấn giữ Vạn Kiếp và Bắc Giang. Sự rút quân vội vã như thế cho ta thấy tình thế rất bức bách đối với quân đội của ta, đồng thời ngoài dự tính của Đức Hoàng Đế Trần cũng như Hưng Đạo Vương. Ấy thế, kẻ thù vẫn không buông tha. Quân Nguyên đuổi theo đoàn quân triệt thoái và chúng chia ra hai ngả để tấn công vào cứ điểm Vạn Kiếp. Tại đây quân Đại Việt phải lùi thêm một bước nữa và bị thiệt mất 20 vạn chiếc thuyền về tay giặc. Thừa cơ quân ta rút lui, chúng cướp phá, giết chóc xem như chỗ không người, đồng thời tiến chiếm các cứ điểm Gia Lâm, Đông Ngàn. Ở hai nơi này hễ bắt được người lính nào của ta trên tay có xâm hai chữ «sát thát» trên cánh tay đều bị Mông-cổ giết thẳng tay. Sau khi các phòng tuyến Vin-Châu, Nội-Bàng, Thiết-Lược và Chi-Lăng lần lượt thất thủ sau 5 ngày tấn công của giặc, Vua Trần Nhân Tông đã phải thay đổi chiến lược chống giặc. .. chủ trương tác chiến ban đầu của vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo hình như là đưa quân lên chận giặc ngay tại những vùng địa đầu biên giới của tổ quốc theo chiến lược Lý Thường Kiệt đã làm hơn 200 năm trước» Chiến lược mới vừa đánh vừa rút, vừa tổ chức phòng thủ đồng thời chọn lựa thời điểm và chiến trường thích hợp nhất để phản công đánh bại kẻ thù. Ngày 26 tháng Chạp năm 1284 giặc Nguyên tấn công vào ải Nội-Bàng cũng như các ải gần đó (Toàn Thư), còn trong An Nam Chí Lược ghi là 27 tháng Chạp. Quân ta đã rút khỏi các ải vừa bị thất thủ và lui về phòng tuyến Vạn Kiếp. Vào lúc này nhằm năm hết tết đến, vừa phải cấp tốc tổ chức lại sự chiến đấu cũng như chăm sóc cho những binh sĩ bị thương còn phải chuẩn bị đón chào năm mới Ất-Dậu, không khí thật tưng bừng phấn chấn nhất là khi Đức Hoàng Đế Trần nhắc nhở và cổ vũ tinh thần toàn quân sau một số thất lợi ban đầu bằng cách nói rằng «Hoan, Diễn do tồn thập vạn quân» nghĩa là ta còn đạo quân dự bị ở Hoan Diễn đến hơn trăm ngàn người. Thoát Hoan sau khi đã chấn chỉnh xong binh đội, ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1285 chúng mở cuộc tấn công vào phòng tuyến Vạn Kiếp và núi Phả Lại (tức là núi ở xã Phả Lại, cạnh sông Lục Đầu, đối diện với thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng) của quân Đại Việt. Ở tại Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương đã đem chiến thuyền dàn trận cách sông Vạn Kiếp mười dặm mà theo Cương Mục gọi là trận «dực thủy». Dực thủy là hình thức dàn trận đánh trên sông sắp các chiến thuyền theo hình cánh chim sãi trên mặt nước. Hình thức này có lợi là các chiến thuyền có thể nương tựa và bảo vệ nhau trong lúc chiến đấu. Tuy nhiên nếu gặp cường địch, thế cùng phải thoái lui thì sẽ bị vướng víu khó lòng xoay trở kịp. Trong sách Trần Hưng Đạo của tác giả Hoàng Thúc Trâm thì ghi là «Dục thủy» tức là trận tắm nước. Phải nói là trận đánh tại Vạn Kiếp xảy ra rất là cam go giữa ta và địch, chúng phải mất hơn 10 ngày mới phá vỡ được phòng tuyến này của ta. Dĩ nhiên con số thiệt hại nhân mạng giữa hai bên là không nhỏ, phía quân Nguyên có tướng vạn hộ Nghê Nhuận bị tử trận ở Lưu Thôn. Quân ta rút lui thêm một lần nữa trước sức công phá mãnh liệt của địch. Ngày 12 giặc Nguyên đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh (sau là Võ Giảng, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), Đông Ngàn (tức là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Chúng đã sát hại rất nhiều binh sĩ của ta, nhất là những người có xâm hai chữ «sát thát». Thẳng đường giặc Nguyên chiếm luôn Đông Bộ Đầu và dựng một lá cờ lớn (lá cờ lớn không thấy trong các bộ sử nói là cờ gì, có lẽ là cờ của quân Nguyên). Cũng cần biết thêm rằng từ khi chiến cuộc Nguyên Việt bùng nổ thì khắp nơi trong nước Việt đều treo bảng yết thị của triều đình với nghiêm lịnh không được đầu hàng kẻ thù, nghiêm lịnh đó nội dung như sau: «Phàm các quận huyện trong nước, hễ có giặc ngoài đến, thì phải liều chết cố đánh; nếu không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, chứ không đón hàng».
Ngày 9 tháng giêng năm Ất Dậu (1285) Đức vua Trần Nhân Tông thống lãnh 100 ngàn quân Đại Việt cả thủy và lục hai lộ quân ở tại phòng tuyến nơi sông Bình Than (hay Bài-Than theo An Nam Chí Lược của Lê Tắc) để chống lại sức tấn công vũ bảo của giặc Nguyên do các tên tướng Ô Mã Nhi, Chiêu-Thảo Nạp-Hải, Trấn-Vũ Tống-Lâm-Đức cầm đầu. Để tấn công vào phòng tuyến này của ta, chúng đã xử dụng những chiến thuyền tịch thu được ở trận Vạn Kiếp. Cũng tại đây vào tháng 10 năm 1283, Vua Trần Nhân Tông đã triệu tập các vương thân quốc thích để bàn phương sách chống giặc. Thì nay hơn một năm sau tại bến đò Bình Than vũng Trần Xá này đã diễn ra một trận kịch chiến long trời lở đất do đích thân ngài chỉ huy. Trận này xảy ra cho ta thấy rõ ràng hơn chiến lược chống giặc của vị lãnh đạo của chúng ta là «mềm nắm rắn buông» hay tháo lui chiến lược phòng thủ chiến lược và phản công chiến lược. Và hiện tại ta đang ở giữa giai đoạn một và hai. Ngày 13 tháng giêng, Đức vua Trần cùng quân lính trấn thủ phòng tuyến sông Cái (trong sử gọi là sông Lô) chống trả các cuộc tấn công của quân Nguyên nhưng không thành công đành phải rút lui để lập phòng tuyến mới. Đang lúc các trận giao tranh xảy ra ác liệt có Chi hậu cục Đỗ Khắc Chung bước ra tình nguyện mang thơ đi (mục đích do thám trại lính quân Nguyên), ông nói: «Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi». Đức vua khen ngợi: «Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế». Ngày 14 tháng giêng (1285), quân ta lập các cứ điểm (gồm các sào lũy bằng gỗ) phòng ngự phía Nam sông Cái để chống giặc, ở đây mở màn cho trận đánh thành Thăng Long. Thoát Hoan cùng quan hành tỉnh thân chinh đến phía Đông bờ sông Cái để tấn công quân nhà Trần. Nơi đây chúng tịch thu của quân ta được 20 chiến thuyền. Quân do Hưng Đạo Vương không đương cự nổi phải rút lui. Và quân Mông-cổ buộc bè làm cầu, sang bờ bắc sông Phú Lương. Vua Nhân Tông bố trí binh sĩ dựng gỗ dọc theo sông. Khi thấy quân Mông-cổ đến, quân ta nổ pháo và thách thức đánh nhau. Trận đánh tiếp diễn đến chiều, Nguyễn Phụng Ngự được sai đi thuyết khách yêu cầu Thoát Hoan rút lui. Dĩ nhiên quân mông-cổ làm sao chấp nhận được, chúng vẫn nhất quyết tấn công. Để bảo toàn lực lượng vua Nhân Tông cùng binh sĩ Đại Việt rút khỏi thành Thăng-Long ngày 14 tháng giêng năm Ất Dậu (1285). Hôm sau, Thoát Hoan vào thành, đều thấy cung điện trống trơn, chỉ lưu lại chiếu sắc và mấy lá thư hành tỉnh, tất cả đều bị xé nát. Ở đây chúng ta thấy tài trí của vua Nhân Tông trong việc cầm chân kẻ thù để rút lui binh lính một cách an toàn nhất, ít bị hao binh tổn tướng. Về thời điểm thành Thăng-Long thất thủ năm 1285 có nhiều ghi chép như sau: Cương Mục Chính Biên quyển VII ghi «Ngày hôm sau, kéo quân vào thành, thì lúc bấy giờ nhà vua đã chạy ra ngoài rồi, Thoát Hoan cho quân đuổi theo». Việt Sử Tiêu Án ghi «ngày đã về chiều, quân giặc qua sông vào kinh thành». Toàn Tập Trần Nhân Tông của Lê Mạnh Thát ghi ở trang 73 như sau: «Chính trong ngày 14 tháng giêng năm Ất Dậu ấy (1285) khi Thoát Hoan vào kinh thành yến tiệc với thuộc hạ». An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc quyển đệ tứ ghi: «Ngày 13 Bính Tuất…Trấn-Nam-Vương qua sông mở tiệc tại cung đình An-Nam». Quyển Đạo Phật và Dòng Sử Việt của tác giả Đức Nhuận ghi ở trang 265: «ngày 18 tháng 2…địch dùng súng đại bác bắn yểm trợ…kéo đến đánh chiếm Thăng Long; nhưng khi vào được thành thì chỉ còn trơ trụi những thành quách». Vì có sự khác biệt về ngày Thăng-Long thất thủ, cho nên chúng tôi lấy ngày 14 tháng giêng năm Dất Dậu (1285) là thời điểm kinh thành thất thủ. Tuy chiếm được Thăng Long nhưng Thoát Hoan e dè sợ lọt vào ổ phục kích của ta nên không dám đóng quân trong thành. Kế hoạch rút quân của ta từ Bình Than về Thăng Long và từ Thăng Long về Thiên Trường là nhằm bảo toàn lực lượng tránh đi ba mũi tấn công của giặc Nguyên. Một mũi do chính Thoát Hoan và A Lý Hải Nha từ phía Đông Bắc xuống, mũi kế là từ Tây Bắc thọc qua do Nạp Tốc Lạt Đinh và cuối cùng, quan trọng hơn là mũi từ phương Nam đâm lên do Toa Đô chỉ huy. Quân Nguyên vẫn tiếp tục truy sát quân ta để cố bắt cho được hai vị vua của ta. Vua Nhân Tông rước Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đi Tam Trĩ Nguyên (là sông Ba Chế, ở huyện Ba Chế thuộc tỉnh Quảng Ninh), Thoát Hoan khi vào thành biết rằng nhà vua đã đi xa nên càng gấp rút đuổi theo. Quân do thám Mông-cổ dò biết được nơi chốn đào tỵ của hai vua nên chúng chia hai đường do Tả thừa truy đuổi bằng đường thủy, Hữu thừa rượt theo bằng đường bộ. Đức Hoàng đế Trần bỏ đường thủy phò Thượng Hoàng đi bộ cùng với quân dân. Trong Cương Mục và Toàn Thư không thấy ghi cách tổ chức hành quân triệt thoái vào đời Trần ra sao, chắc hẳn là vô cùng gian nan và bức bách. Đoàn quân triệt thoái được an toàn đã chứng tỏ tài năng trời cho về quân sự của vua Trần Nhân Tông suy nghĩ trong việc sắp xếp một cách chu đáo cuộc triệt thoái này. Ngày nay nhiều nhà quân sự tiếng tăm trên thế giới cho rằng hành quân triệt thoái nó còn khó hơn cả khi tấn công vào đất địch vì đạo quân bị rơi vào thế thụ động vừa phải tìm cách bảo toàn lực lượng vừa lo chống đỡ kẻ thù truy kích, thì cách đây 720 năm về trước, một vị Hoàng đế người Việt Nam đã thành công trong việc chỉ huy đoàn quân triệt thoái giữa lúc đang bị kẻ thù xâm lăng truy đuổi gắt gao nhất. Người đó không ai khác hơn đó là Đức vua Trần Nhân Tông. Và đây là cuộc triệt thoái thứ hai và được tổ chức một cách chu toàn nên đã thành công. Hai cuộc lui binh do chính vua Trần Nhân Tông tổ chức năm 1285 trong cuộc kháng Nguyên lần thứ hai có điểm tương đồng với cuộc lui binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa do Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu chỉ huy từ Cao Miên về nội địa Việt Nam năm 1971. Điểm tương đồng rõ rệt nhất của hai cuộc lui binh là cả hai đạo quân nhà Trần do vua Trần Nhân Tông lãnh đạo và đạo quân QLVNCH của Tướng Nguyễn Văn Hiếu chỉ huy đều bị lọt vào giữa vòng vây của quân thù. Kế đến là hai đạo quân vừa nêu đã rút lui an toàn và bảo toàn được lực lượng. Một trong những phòng tuyến xa bảo vệ Thiên Trường ( Nam Định nơi đặt triều đình tạm của ta) là bãi Tha-Mạc (tức sông Thiên-Mạc ở bên sông Cái thuộc Hưng-Yên. An-Nam Chí-Lược gọi là ải Thiên-Hán), vị tướng trấn thủ phòng tuyến này là Bảo-Nghĩa-Hầu Trần Bình Trọng. Bãi Tha-Mạc bị chiếm, và ông bị giặc bắt nhưng nhất quyết không đầu hàng chẳng những như vậy còn hét vào mặt Thoát Hoan khi chúng chiêu hàng «Ta thà làm ma nước Nam chứ không làm Vương đất Bắc» nên đã bị chúng giết. Quân ta do Vua Trần Nhân Tông thống lĩnh, lui về giữ ải Hải-Thị (có thể thuộc mạn Hưng-Yên), tại đây ta làm rào cản bằng cây gỗ, tại phía Tây bờ sông để chống giặc. Quân Nguyên từ trên và dưới bờ sông bắn tên tới tấp khiến quân ta bị tan vỡ và phải rút đi. Sau ngày Thăng Long thất thủ quân Nguyên tăng cường sự có mặt ở những vùng chúng vừa chiếm đóng. Vạn Hộ Lý Bang Hiến và Lưu Thế Anh được lịnh từ Tàu đem quân vào nước ta lập những chốt kiểm soát. 30 dặm một trại, trại đây tức là nơi trung chuyển tin tức từ vùng này sang vùng khác, nó cũng là nơi các bưu tín viên (theo danh từ của ta gọi là lính thú đời xưa) dừng chân nghĩ ngơi và thay ngựa chạy. 60 dặm đặt một trạm, trạm đây có thể là đồn binh. Sự kiểm soát đã diễn ra rất gắt gao những vùng chúng chiếm đóng. Một đạo quân khác của nhà Nguyên, do Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ huy từ Vân Nam tiến sang, vừa đến Thu Vật (Yên-Bình, Yên-Bái) thì bị đoàn quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật giữ mặt Yên-Bái chận đánh, nhưng vẫn không cản nổi địch, nên phải lui quân về giữ mạn hạ lưu sông Hồng.
Và ở bãi Tha-Mạc là nơi diễn ra trận chiến đầu tiên sau khi kinh thành Thăng Long thất thủ do các tướng nhà Nguyên Hữu Thừa Khoan Triệt, Vạn Hộ Mông Cổ Đãi và Bột La Hợp Đát Nhi dẫn quân bằng đường bộ và Lý tả thừa dẫn Ô Mã Nhi Bạt Đô bằng đường sông truy đuổi quan quân nhà Trần. Như trên đã ghi sau khi tấn chiếm được cứ điểm Tha-Mạc của ta, quân Nguyên tiếp tục tấn công vào cứ điểm Hải-Thị (An-Nam Chí-Lược). Về cứ điểm này theo Kinh Thế đại điển tự lục trong Nguyên văn loại 41 ghi «Đại quân đuổi Nhật Huyên ở sông A Lỗ và sông Đức-Cương». Như thế cho ta thấy Hải-Thị và A-Lỗ là cùng một nơi. Hải-Thị và A-Lỗ thuộc địa phận Hưng-Yên, Tha-Mạc cũng thuộc Hưng-Yên nằm trên lưu vực sông Hồng, nhưng ở phía Tây theo An-Nam Chí-Lược. Như vậy Tha-Mạc và Hải-Thị (hay A-Lỗ) ở gần nhau. Nghĩa là sau khi chiếm được Tha-Mạc chúng đã đánh tiếp là Hải-Thị. Ngày 28 tháng giêng, Hưng Đạo Vương tâu với nhà vua xin cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chận đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An (cánh quân này được lịnh từ Chiêm Thành, tiến chiếm các châu lộ phía Nam của ta, rồi Bắc tiến, phối hợp với đạo quân của Thoát Hoan làm thành thế gọng kềm tiêu diệt quân đội nhà Trần). Ngày 1 tháng 2, con thứ của Tỉnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến Trần Kiện (Trần Kiện vốn có hiềm khích với hoàng tử Đức Việp. Khi giặc Nguyên xâm lăng, Kiện được lịnh trấn giữ Thanh Hóa) và thuộc hạ thân tín là Lê Tắc (hay Trắc) ra đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai quân lính đưa đám hàng binh này về Yên kinh (thủ phủ của nhà Nguyên). Dọc đường bị các vị tù trưởng ở Lạng Giang (tức Lạng Sơn ngày nay) là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh tập kích trại Ma Lục (ở Chi Lăng thuộc châu Lạng Giang thời đó, nay là tỉnh Lạng Sơn). Vị tướng của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô bắn tên giết được Trần Kiện. Lê Tắc phải đưa xác Kiện lên ngựa, chạy trốn trong đêm, được vài chục dặm tới Khâu Ôn và chôn tại đó. II. Tổng phản công: Quân Toa Đô từ Chiêm Thành kéo về, cướp bóc ở dọc đường, trèo non xuống dốc ở khoảng châu Ô, châu Lý, châu Hoan, châu Ái, nay về trấn đóng ở Tây Kết. Các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái được lịnh của Đức Hoàng đế Trần đem các binh sĩ tinh nhuệ vây đánh quân giặc ở bến Tây-Kết (ở ven sông Hồng, khoảng thôn Đông Kết, xã Đông Bình, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Ngày nay, thôn này cách sông Hồng 3 cây số, đất bãi (tức bãi Mạn-Trù, nay thuộc xã Tân Châu), nhưng xưa kia sông kề thôn). Thừa thắng xông lên sau khi đã chiếm được bến Tây-Kết, các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đã thẳng đường tiến đánh Hàm Tử Quan (cửa Hàm Tử: ở bãi Hàm Tử, huyện Động Yên tỉnh Hưng Yên). Như vậy là suốt trong tháng 4 sau khi lịnh tổng phản công được ban hành thì quân dân Đại Việt đã tái chiếm lại các cứ điểm đã bị mất trước đây. Đó là A-Lỗ, Tây-Kết, Hàm Tử Quan và nó đã mở rộng cửa cho đường về giải phóng Thăng Long. Trận phản công diễn ra tại cứ điểm A-Lỗ hay Hải-Thị do Hưng Đạo Vương chỉ huy. Đây là một trận đánh lớn không kém phần gay go quyết liệt. Quân nhà Trần đã tấn công hai hướng An-Lỗ và Giang-Khẩu. Ở tại Giang-Khẩu dưới sự chỉ huy của Trung Thành Vương đã kịch chiến với tướng nhà Nguyên là Thiên Hộ Mã Vinh. Binh sĩ Nguyên bị quân ta sát hại rất nhiều phải tháo lui. Sau đó hai cánh quân thủy bộ của nhà Trần đã tập trung toàn bộ lực lượng đánh vào đại doanh của chúng. Đại doanh đây chính là kinh thành Thăng Long. Mặc dù quân giặc cố gắng chống trả, quân ta thiệt hại không ít, nhưng nhờ chiến lược «đánh cầm chừng» trước đây nên ta đã bảo toàn được lực lượng do đó ta có đủ lực lượng để bủa vây quân địch đến mấy lớp và viện quân được điều đến liên tục để dứt điểm chiến trường quan trọng này. Quân Mông-cổ vì bị vây hãm nhiều ngày, người ngựa thiệt hại, lương thực thiếu thốn, khí giới mất mát, không có viện binh cũng chẳng có khí cụ thay thế nên chúng buộc phải rút bỏ thành Thăng Long. Trận đánh từ A-Lỗ qua Giang-Khẩu đến Thăng Long ắt hẳn phải kéo dài đến cả tháng trời từ đầu tháng 4 cho đến thượng tuần tháng 5 mới hoàn tất. Sang tháng 5 vào ngày mùng 3 năm Ất Dậu (1285) Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng đế Nhân Tông từ Thanh Hóa tiến ra cùng thân chinh đánh chiếm lại Trường-Yên (hay Tràng An theo Việt Sử Tiêu Án), ở đây quân ta đã thắng lớn, bắt được vô số địch quân cũng như giết được nhiều quân giặc. Chương Dương (tên bến đò, ở xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội ngày nay-thuộc huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ) là một cứ điểm phòng ngự lớn của giặc trước khi về tới Thăng Long. Có thể nói đây là tiền đồn xa để phòng thủ kinh thành Thăng Long mà giặc Nguyên gọi là đại doanh. Tại đây quân ta và Mông-cổ đánh nhau một trận rất lớn và kẻ thù đã bị thiệt hại nặng. Có thể vì lý do đó chúng đã không ghi một dòng chữ nào trong các quyển sử Mông-cổ, ngoại trừ An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc ghi vắn tắt: «Trong tháng 4, mùa hạ, An-Nam thừa cơ quân ta chỉnh mãng, đánh lấy lại La-thành». Chương Dương là tiền đồn xa như đã nói, khi quân ta chiếm được địa điểm tức nhiên Thăng Long chắc chắn phải lọt vào tay ta thôi. Nếu Chương Dương không mất thì Thăng Long không bị đe dọa và cũng không bị ta chiếm. Cho nên ở đây Lê Tắc viết: «An-Nam đánh lấy lại La-thành». La-thành tức thành Đại-La mà Đại-La là tên cũ của thành Thăng Long, thành này lại là đại doanh (tổng hành dinh đạo quân miền Bắc của Thoát Hoan) như trong Kinh thế đại điển tự lục Nguyên văn loại đã ghi. Chúng ta có thể biết được rằng kinh thành Thăng Long đã được quân ta giải phóng từ tháng 4 nhưng mãi đến 10 tháng 5 mới có người lính của ta bị giặc bắt ở Chương Dương trốn chạy về báo cho hai vua đang chỉ huy trận đánh ở Trường-Yên được biết tin trên. Như vậy kinh thành Thăng Long được quân ta giải phóng vào cuối tháng 4 và tháng 10 tháng 5 có người chạy về Trường-Yên để báo là điều hợp lý là vì trận đánh tái chiếm Thăng Long thành diễn ra rất gay go nên nó đã kéo dài hơn cả tháng trời. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà Cương Mục và Việt Sử Tiêu Án lại không đề cập đến trận đánh tái chiếm Chương Dương độ? Về mặt trận Trường-Yên, Cương Mục ghi tiếp: «Về phần quân Nguyên: quân của Toa Đô và quân của Thoát Hoan đóng cách nhau đến hai trăm dặm, lúc Thoát Hoan phải rút lui quân, Toa Đô vẫn chưa biết, nên Toa Đô và Ô Mã Nhi đem quân từ đường biển ra đánh ở sông Thiên Mạc, định phối hợp với cánh quân Thoát Hoan để nương tựa lẫn nhau». Tại mặt trận Trường-Yên do Thoát Hoan chống giữ. Thoát Hoan đã bị hai vua Trần thống lãnh quân sĩ đánh bại nên phải rút lui và cũng không kịp báo cho Toa Đô và Ô Mã Nhi cùng biết vì chúng đóng quân cách nhau đến hai trăm dặm. Trong chiến dịch tổng phản công tái chiếm kinh thành Thăng-Long quân đội nhà Trần được tổ chức làm hai cánh quân: Cánh quân thứ nhất do Thượng tướng Trần Quang Khải cùng chư vị tướng lãnh như Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Trần thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền thống lãnh quân lính rầm rộ tiến về Thăng-Long sau chiến thắng Chương Dương Tử; Cánh quân thứ hai do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung cầm đầu. Tại mặt trận thành Thăng Long, An-Nam Chí-Lược ghi: «Ngày Đinh Sửu mồng 5 tháng 5, Giảo Kỳ cùng Vạn-Hộ phục binh đánh vào cung điện vua Trần, đánh tan rồi, đến sông Lư-giang hội họp với Trấn-Nam-Vương». Bên trong thành Thăng Long, quân ta truy đuổi gắt gao kẻ thù, Giảo-Kỳ và Vạn-Hộ rút lui sau chót (sau khi Thoát Hoan đã chạy) phải dùng kế mai phục chận đánh quân ta bằng nỏ mới thoát được khỏi sông Cái để họp với Thoát Hoan. Sau khi Thăng Long đã sạch bóng quân thù, ngày 15 tháng 3 năm Ất Dậu (1285) hai vua đã về lại kinh thành trong tiếng khải hoàn và hai vị đã đi bái yết lăng tẩm của tổ tiên ở Long Hưng. Thượng tướng Trần Quang Khải cảm khái làm một bài thơ bất hủ để đánh dấu cuộc chiến đấu vô cùng dũng liệt của mọi con dân Đại Việt đồng thời khuyến khích mọi người hãy cố gắng giữ gìn nền thái bình đã được đánh đổi bằng sinh mạng của cả dân tộc, nội dung như sau: Đoạt sáu Chương Dương độ Nghĩa Chương Dương cướp dáo giặc III. Quân Sử Trận Bạch Đằng: Sau khi đuổi giặc xong, vua Trần Nhân Tông đã gấp rút tổ chức lại đất nước để đối phó với cuộc chiến mới có thể xảy ra từ triều đình Mông-cổ. Ngài đã phóng thích tất cả người Chiêm Thành bị quân ta bắt được lúc giao tranh với quân Nguyên. Phụng ngự Đặng Du Chi vâng mệnh vua đưa về Chiêm Thành Ba Lậu Ke, Na Liên cùng 30 người khác đi theo Toa Đô khi tên này tấn công nước láng giềng phương Nam của ta.
Tháng 8 mùa thu năm Ất Dậu (1285), thưởng cho những người có công đánh giặc Nguyên, và tùy theo cấp bậc mà phong cấp cao thấp khác nhau. Đồng thời Ngài đã trị tội những kẻ đã đầu hàng quân thù. Tháng 9 năm Ất Dậu (1285), đổi niên hiệu là Trùng Hưng năm thứ nhất. Đức vua ra lịnh ân xá lớn cho trong cả nước. Ngày 12 gia tôn huy hiệu chi các vị tiên đế và tiên hậu. Mùa đông tháng 10, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu định hộ khẩu trong cả nước. Các quan can gián: «dân vừa lao khổ, định hộ khẩu không phải cần thiết». Ngài nói: «Chỉ có thể định hộ khẩu trong lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao?» Vua Mông-cổ rất tức giận khi thấy đoàn tinh binh của nhà Nguyên rút chạy về nước một cách hốt hoảng, quăng bỏ vũ khí, dày đạp lên nhau mà tháo chạy cố tìm lối thoát thân. Hốt-Tất-Liệt đã bãi lịnh tấn công Nhật Bản để tập trung toàn bộ lực lượng cho cuộc Nam chinh một lần nữa. Tổng số quân Nguyên được điều động trong lần xâm lăng thứ ba là khoảng từ 200 đến 300 ngàn quân lính và chúng dự trù sẽ khởi sự tấn công vào tháng 9, tháng mùa đông bên Tàu thời tiết mát mẻ dễ chịu cho binh sĩ khi phải đi xa. Về phía Đại Việt tháng 3 năm Đinh Hợi (1287) vua Trần Nhân Tông lại hạ chiếu ân xá cho người có tội trong nước để an ủy dân chúng. Tháng 4, mùa hạ, năm Đinh Hợi (1287), bổ dụng Tá Thiên Đại Vương Đức Việp làm quyền tướng quốc. Ngày Ất Dậu, 28 tháng 10, năm Đinh Hợi (1287) quân Mông-cổ xâm lăng nước ta lần thứ ba, khi quân của Thoát Hoan đến huyện La-Tân. Ô Mã Nhi cùng Phàn Tiếp dẫn theo 18 ngàn người; các tướng Ô-Vị, Trương Ngọc và Lưu-Khuê cùng 3 vạn quân, 500 chiến thuyền, 70 thuyền vận tải lương thực khởi hành từ Khâm Châu. Như vậy, đạo quân xâm lăng của Thoát Hoan tấn công vào nước ta được ghi nhận thành ba hướng. Thế giặc hung hãn không khác lần trước và quân Đại Việt áp chính chiến thuật Trì hoãn chiến để bảo tồn lực lượng. Thoát Hoa sau khi chiếm được Thăng Long, nhưng cũng như lần trước hắn không dám lấy đó làm đại bản doanh, mà vẫn xử dụng căn cứ Vạn Kiếp như là một tổng hành dinh điều khiển mọi hoạt động xâm lược nước ta. Hắn đang nóng lòng mong đợi thuyền lương tiếp viện từ bên Tàu sang, nhưng đâu biết rằng đoàn thuyền chở lương thực của Trương Văn Hổ đã bị Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đánh tan ở Vân Đồn. Túng thế chúng quyết định lui binh. Dự đoán được sự lui binh của giặc, vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng thế trận trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt đoàn quân xâm lược. Quân Nguyên rút về Tàu chia thành nhiều hướng khác nhau. Ngày 3 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), Hữu Thừa Trình Bằng Phi, Thiên Tỉnh Đạt Mộc thống lĩnh kỵ binh đi rước các cánh quân di chuyển bằng đường thủy, có lẽ đi đón đoàn thuyền của Trương Văn Hổ hay chăng, một hy vọng chót trước khi rút về nước? Tuy nhiên khi qua chợ Đông-Hồ thì bị cản trở bởi dòng sông phải lui trở về đường cũ thì cầu cống đã bị quân dân nhà Trần bám theo sau phá hủy. Túng thế, trước mặt thì bị quân ta chận đường, sau lưng là chướng ngại thiên nhiên, đoàn quân thiện chiến của chúng đã bị dồn vào khoảng giữa. Tiếc rằng vì không đủ lực lượng để bao vây và tiêu diệt kẻ thù, nếu không cánh quân này khó lọt được vòng vây của ta. Chúng đã gian manh dọ hỏi những người dân của ta bị bắt làm tù binh về lối thoát thân, cho nên vào nửa đêm hôm đó đám quân này đã lẻn đột phá vòng vây chạy trốn theo con đường khác phối hợp với một cánh quân Nguyên đang rút lui để cùng nhau ra khỏi ải Nội-Bàng. Tuy bị bất ngờ bởi sự thay đổi lộ trình của chúng, quân đội nhà Trần đuổi theo đánh rất sát vào cánh quân đi sau của chúng. Tướng Nguyên là Vạn-Hộ Đáp-Thứ-Xích và Lưu-Thế-Anh phải dẫn quân lính quay trở lại phía sau đối phó với quân ta. Không may các vị tướng nhà Trần chỉ huy đoàn quân tập kích vào quân thù là Tướng quân Phạm-Trù và Nguyễn-Kỵ đã bị chúng bắt được và đem giết đi. Ngày 7 tháng 3 năm 1288, cánh quân Mông-cổ rút bằng đường biển đi tới Trúc-Đông, tại đây quân nhà Trần đã chận đánh chúng, nhưng không thành công. Tướng Nguyên là Lư-Khuê chỉ huy cánh quân này đánh bật sự tấn công của quân ta và tịch thu được 20 chiến thuyền. Ngày 8 tháng 3 năm 1288, Ô Mã Nhi chỉ huy quân lính không rút về bằng đường biển mà xử dụng con sông Bạch Đằng để di chuyển, chúng lạc quan nghĩ rằng, đường biển đã bị chu-sư (hải quân) nhà Trần vây chặt còn đường sông thì ta không phòng hờ nếu chúng rút lui như thế và một nguyên do khác đó là, với con sông Bạch Đằng này chúng ta thể rút lui được là vì nó nối liền với nội địa Tàu bằng thủy lộ. Theo kế hoạch đã bàn trước, quân dân ta dưới sự đốc thúc của Hưng Ðạo Vương đã chuẩn bị một trận địa mai phục kỹ càng trên sông Bạch Ðằng, là nơi đoàn thuyền của giặc Nguyên sẽ băng qua trên đường rút chạy. Các loại gỗ lim, gỗ tàu đã được đốn ngã trên rừng kéo về bờ sông và được đẽo nhọn cắm xuống lòng sông (xem họa đồ hình thức bao vây quân giặc trên sông Bạch Ðằng) ở các cửa dẫn ra biển như sông Rút, sông Chanh, sông Kênh làm thành những bãi chông ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước. Ghềnh Cốc là một dải đá ngầm nằm bắt ngang qua sông Bạch Ðằng nhưng phía dưới sông Chanh, đầu sông Kênh, có thể sử dụng làm nơi mai phục quân lính phối hợp với bãi chông ngầm nhằm ngăn chận thuyền địch khi nước rút xuống thấp. Chu-sư (thủy quân) của ta kín đáo mai phục phía sau Ghềnh Cốc, Ðồng Cốc, Phong Cốc, sông Khoái, sông Thái, sông Gia Ðước, Ðiền Công; còn bộ binh bố trí ở Yên Hưng, dọc theo bờ bên trái sông Bạch Ðằng, Tràng Kênh ở bờ bên phải sông Bạch Ðằng, núi Ðá Vôi v.v…ngoại trừ sông Ðá Bạc là để trống cho quân Ô Mã Nhi kéo vào. Cánh quân lớn của hai vua đóng quân ở Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) trong tư thế sẳn sàng lâm trận cho chiến trường quyết liệt sắp xảy ra. Sông Bạch Đằng hiểm yếu mà hùng vĩ chảy giữa hai huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km , cách Vạn Kiếp nơi đóng quân của Thoát Hoan hơn 30 km , theo ngược dòng sông Kinh Thầy. Nước sông này theo thủy triều lên xuống, khi triều lên cao, mặt sông ở vùng Tràng Kênh trải rộng hơn 1200 mét. Dòng sông đã rộng lại sâu. Khi triều nước xuống rặc, nơi sâu nhất đến 16 mét, trung bình giữa dòng cũng sâu từ 8 đến 11 mét. Theo sông Đá Bạc chảy xuống đến đầu bắc dãy núi Tràng Kênh, sông Bạch Đằng phình to hẳn ra. Đó là nơi tập trung dòng nước của các sông Khoai, sông Xinh bên tả ngạn và sông Gia Đước, sông Thải, sông Giá bên hữu ngạn đổ về. Sông Chanh, sông Kênh (cửa sông này ngày nay đã bị lấp) và sông Rút (còn gọi là sông Nam ) là chi lưu bên phía bắc Bạch Đằng chia nước chảy ra vịnh Hạ Long. Một khúc sông không dài quá 5 km mà có năm dòng nước đổ về và có ba nhánh sông phụ đưa nước ra biển. Đó là hình thức của thượng lưu Bạch Đằng. Ở lòng sông Bạch Đằng từ bên nhánh phải (thuộc xã Phục Lễ, Thủy Nguyên) có một dải còng đá ngầm chạy qua vào quãng giữa sông Chanh và sông Rút, nhân dân địa phương gọi đó là Ghềnh Cốc. Ghềnh Cốc có năm cồn đá chắn ngang ba phần tư sông Bạch Đằng. Khi triều xuống thấp nhất, nơi cạn là 0,40 mét, nơi sâu là 3,70 mét, thuyền nhẹ đi trên sông có thể thấy được cồn đá. Ghềnh Cốc là dải đá gốc của chân núi Tràng Kênh kéo dài ra. Khi chuẩn bị chiến trường, Ghềnh Cốc đã khiến Trần Quốc Tuấn chú ý. Ông đã lợi dụng địa hình thiên nhiên này sử dụng nó như là chiến lũy làm chỗ dựa cho thuyền ta lao nhanh ra ngay sông chặn địch. Đặc điểm địa hình nổi bật của vùng thượng lưu Bạch Đằng là sông núi tiếp nối nhau. Từng ngọn núi nhấp nhô ở vùng núi đá Tràng Kênh ở phía đông huyện Thủy Nguyên kéo nhau chạy sát tới bờ sông. Ở đây có nhiều thung lũng nhỏ nằm gọn giữa những ngọn núi đá vôi liền với lạch nước ra tận bờ sông mà dân địa phương gọi là áng núi như Áng Hồng, Áng Lác, Áng Chậu, Áng Táu … Các sông Khoai, sông Xinh bên tả ngạn và sông Thái, sông Giá, sông Gia Đước bên hữu ngạn Bạch Đằng chạy theo các áng, len qua các dãy núi, là đường giao thông thuận lợi cho quân thủy. Những ngọn núi chắn tầm mắt địch. Áng núi và lạch sông là nơi có thể tập trung quân thủy bộ với khối lượng lớn, giấu quân kín đáo, xuất kích bí mật và dễ dàng, từng đội thuyền ra vào nhẹ nhàng, nhanh chóng. Có thể nói đây là trận địa mai phục lý tưởng của quân ta. Thủy quân địch rút lui theo đường Bạch Đằng buộc phải qua đây. Dù có đề phòng cẩn thận, chuẩn bị sẳng sàng, binh thuyền của chúng cũng tự nhiên phải dàn hàng qua khúc sông hiểm yếu này. Đối với ta, thủy binh và bộ binh mai phục từ các nhánh sông đổ ra phối hợp chiến đấu dễ dàng, thuận lợi. Để bảo đảm cho thế trận bao vây địch thật hoàn chỉnh, ngoài việc dựa vào địa thế thiên nhiên hiểm yếu và lợi dụng Ghềnh Cốc như một chướng ngại thiên nhiên, Trần Quốc Tuấn còn xây dựng ở các cửa sông những trận địa cọc vững vàng, quy mô lớn. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: trước đây Vương đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng phủ cỏ lên trên. Lòng sông Bạch Đằng rất rộng và sâu, khó có thể dựng được những hàng cọc chắn ngang sông. Ở Ghềnh Cốc cạn hơn nhiều nhưng là đá gốc kéo dài từ Tràng Kênh nên cũng không thế nào cắm cọc được. Mặt khác nước triều lên xuống mạnh, độ chênh lệch khá lớn. Lưu tốc nước là 0,26 mét. Những số liệu trên đây cũng cho ta thấy một ý niệm về sông nước Bạch Đằng đời Trần. Ba cửa sông Chanh, sông Kênh, sông Rút cạnh nhau dẫn thuyền từ Bạch Đằng xuôi biển. Những tài liệu gần đây đã xác định trận địa cọc của Trần Quốc Tuấn được cắm ngang qua các cửa sông này. Đó là những bãi cửa sông Chanh cửa sông Kênh. Bãi cọc chính nằm ở cửa sông Chanh sát liền với sông Bạch Đằng ngày nay ta quen gọi là bãi cọc Yên Giang. Hàng cọc đóng ngang qua sông, theo hướng nam bắc. Hầu hết các cọc đều bằng kim hoặc gỗ cứng to và vững chắc có đường kính từ 20 cm đến 30 cm và dài từ 1,50 cm trở lên, phổ biến là 2 mét, những cọc trung bình từ 0,9 mét đến 1,2 mét. Phần cọc phía dưới được đẽo vát nhọn với độ dài 0,80 mét đến 1 mét. Đa số được cắm thẳng đứng, đóng sâu xuống đất đáy từ 1 mét đến 1,50 mét, giữa các hàng cọc có nhiều khúc gỗ nằm ngang, có lẽ là khúc gỗ cài để chận thuyền giặc. Ngày 8 tháng 4 năm 1288, một đội thuyền của địch đi trước dò đường tiến theo sông Giá. Đến Trúc Động (Thụy Nguyên, Hải Phòng), đội thuyền này bị quân ta chận đánh phải rút lui. Nhiệm vụ của trận này là bịt đường sông Giá để bảo đảm bí mật cho trận địa mai phục và buộc toàn bộ đoàn thuyền của quân Mông-cổ phải hành quân theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng, nghĩa là phải dẫn quân vào trận địa do ta chọn sẵn. Gần đây phát giác được bãi cọc ở gần cửa sông Chanh và một số cọc bên tả ngạn sông Bạch Đằng phía dưới sông Chanh. Một số nhà nghiên cứu cho đó là di tích của bãi cọc trong trận Bạch Đằng năm 1288. Niên đại của bãi cọc đó đang được nghiên cứu để xác minh thêm. Theo Toàn Thư «Sông Bạch Đằng từ sông Lục Đầu, tỉnh Bắc Ninh chia dòng chảy vào Hải Dương. Một nghành theo sông Mỹ, một nghành theo sông Cốc…». Địa Lý Chí của Nguyễn Trãi chép: «Sông Bạch Đằng biệt hiệu là sông Vân Cừ, rộng hơn hai dậm. Muôn sông đứng sắp, các nước giao dòng, sóng nổi lên trời! Cây tre rợp bãi! Thật là nơi hiểm yếu của đường biển» (bản dịch của Nhượng Tống). Theo nghiên cứu địa lý thì sông Chanh, sông Kênh, sông Rút xưa kia là lạch thoát của nước sông Bạch Đằng. Hiện nay vùng này phù sa đang bồi thêm. Vì thế nên sông Kênh chảy qua vùng Đồng Cốc (thuộc Yên Hưng) đang bị lấp cạn, cửa sông hiện nay chỉ còn vết trũng sâu mà dân địa phương gọi là lũng Mắt Rồng sát bờ đê sông Bạch Đằng (Đại Cương Lịch Sử Việt Nam tập I trang 239). Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra khiêu chiến, sau đó giả thua chạy vào sâu bên trong. Hắn trúng kế khích tướng nên thúc quân vận tải lương thực ra nghinh chiến, các tướng Phàn-Tham-Chính, Hoạch Phong cùng ra tiếp ứng. Khi thuyền giặc đã vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, nghĩa là thuyền của chúng đang đi trên những cọc gỗ mà quân ta cắm sẳn dưới lòng sông. Tướng quân Nguyễn Khoái (người tỉnh Đông, lập được công lớn trong những trận phá quân Nguyên sau này được phong tước Hầu và được ăn lộc một làng Khoái Lộ, ở phủ Khoái Châu bây giờ) dẫn các quân lính Thánh Dực ra khiêu chiến và nhử giặc Mông-cổ tiến sâu vào khúc sông đã đóng cọc, trong thời gian đó quân ta đợi cho thủy triều xuống mới trở đầu thuyền lại và tấn công thẳng vào đội hình của quân giặc.
Thủy quân Đại Việt từ Hải Đông-Vân Trà và từ các phía Điền Công, Gia Đước, sông Thái, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng. Với hàng trăm chiến thuyền cùng quân lính các lộ khác căng tay chèo thật nhanh ra sông và dựa vào Ghềnh Cốc lập thành một dãy thuyền chặn đầu thuyền địch trong thế chấn chiến hạm ở ngang sông. Trong lúc thủy chiến dữ dội thì đoàn chiến thuyền của hai vua đóng ở vùng Hiệp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương). Cũng có nơi nói Đức Hoàng đế Trần đóng quân ở Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) đã xông ra tấn công giặc theo kế hoạch đã dự trù trước. Trước đó, đạo quân của hai vua chỉ huy đóng ở vùng Hiệp Môn bên bờ sông Giáp (sông kinh Thần, vùng Kinh Môn, Hải Dương) làm nhiệm vụ đánh cầm chừng và cản bước tiến của giặc. Đạo quân của hai vua tấn công từ phía sau của quân giặc khiến chúng càng bị lúng túng và tổn thất rất nặng. Bị tấn công tới tấp trên sông, một số cánh quân khác của địch bỏ thuyền chạy lên bờ sông bên trái của Yên Hưng để tìm đường trốn thoát. Nhưng vừa lên tới bờ chúng lại rơi vào ổ phục kích của quân ta, và một trận đánh ác liệt đã xảy ra. Trời về chiều khi chiến trường sắp kết thúc, cánh quân của Thoát Hoan đóng gần đó vẫn án binh bất động không tới tiếp ứng, hắn đã bỏ rơi Ô Mã Nhi cùng với thuộc hạ chống đỡ thụ động trước sự tấn công của quân ta và đạo quân này hoàn toàn bị quân ta tiêu diệt. Theo Nguyên sử, truyện của Phàn Tiếp chép rằng kịch chiến xảy ra từ giờ mão đến giờ dần, tức là từ sáng ròng rã kéo dài đến chiều. Đặc điểm của sông Bạch Đằng là khi nước lớn rất nhanh mà nước rút cũng khá lẹ. Cho nên khi nước rút quá lẹ như thế thuyền của giặc Nguyên bị cọc gỗ đâm trúng, lật đỗ cả, quân giặc chết đuối vô số kể, máu đã chan hòa cả dòng sông. Quân ta tịch thu được hơn 400 chiến thuyền, Tước Nội Linh Tự Đỗ Hành bắt sống được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc (Nhiều tài liệu khác ghi là Tích Lê Cơ hay Tích Lê Cơ Đại Vương. Viên tướng Mông-cổ này tên là Tích Lê Cơ, còn Vương là tước hiệu. Chữ Ngọc? chép lầm từ chữ chữ Vương? Chú thích Toàn Thư) và đem dâng cho Thượng hoàng Thánh Tông. An-Nam Chí-Lược (sử của giặc Nguyên do phản thần triều đình nhà Trần ghi lại) có ghi các tướng Nguyên là Phàn Tiếp và Hoạch Phong đến tiếp ứng cho Ô Mã Nhi, nhưng không ghi rõ sống chết. Tuy nhiên, trong Nguyên Sử có chép về Phàn Tiếp như sau (tờ 10 b 2-3): «Tiếp cùng Ô Mã Nhi đem quân thủy trở về, bị giặc đón chận. Triều sông Bạch Đằng xuống, thuyền Tiếp mắc cạn. Thuyền giặc dồn về nhiều, tên bắn như mưa. tiếp hết sức đánh từ giờ mão đến giờ dậu. Tiếp bị súng bắn, rớt xuống nước. Giặc móc lên bắt, dùng thuốc độc giết». Chiến thắng Bạch Đằng có một ý nghĩa quan trọng đó là quân dân Đại Việt đánh tan toàn bộ đoàn quân triệt thoái của giặc triệt thoái bằng đường thủy do Ô Mã Nhi đích thân chỉ huy. Từ bấy lâu nay mỗi khi nhắc tới chiến thắng này chúng ta thường đề cập tới Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là người đã có công tạo nên nó. Các quyển sử xưa như Cương Mục, Toàn Thơ thường nhắc tới người lãnh đạo tối cao của quân dân nhà Trần vào lúc đó là Đức Hoàng Đế Trần Nhân Tông (tức Hoàng đế Kim Phật) đã lãnh đạo thành công hai lần kháng Nguyên 1285 và 1288. Khi đề cập tới Hưng Đạo Vương về trận Bạch Đằng chúng ta cần đặc biệt nhắc tới Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông. Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông vừa là bậc lãnh đạo chính trị kiêm chỉ huy tối cao về quân sự (mặc dù Hưng Đạo Vương là Tiết chế được xem như là tổng tham mưu trưởng, nhưng Đức Hoàng đế Trần lại là vị tổng tư lịnh tối cao), và là người đã đề ra mọi đối sách từ ngoại giao đến quân sự nội trị với kết quả là Đại Việt đã thành công đánh bại giặc Nguyên qua hai cuộc xâm lăng của chúng. Khi quân Mông-cổ tràn qua xâm lăng đất nước chúng ta lần thứ hai, lần thứ ba, nếu không có trí tuệ sáng suốt, tài ngoại giao khéo léo, nghệ thuật lãnh đạo cuộc chiến một cách đầy mưu lược, cũng như lòng can đảm để đương đầu trước mọi tình hình và nhân từ trong việc đối xử với người trong gia tộc, dân chúng, binh lính cho đến kẻ thù thì Đức Hoàng Đế Kim Phật làm sao có thể hội tụ được sức mạnh của toàn dân tộc để chống lại quân thù. Ngài là bậc Thánh Quân có một không hai trong lịch sử dân tộc nên đã được các danh tướng như Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Tảng v.v… hết lòng phù trợ. Đó là những sự thực lịch sử mà mỗi người trong chúng ta cần ghi khắc và lấy tấm gương sáng ngời của Ngài truyền lại cho thế hệ con cháu chúng ta sau này. Trương Hán Siêu đã ca ngợi chiến thắng ở sông Bạch Ðằng qua Bài Phú Sông Bạch Ðằng Khách có kẻ: Chèo bể bơi trăng, buồm mây giang, gió. Sớm ngọn Tương kia, chiều hang Vũ nọ. Vùng vẫy Giang, Hồ: tiêu dao Ngô, Sở. Ði cho biết đây, đi cho biết đó. Chằm Vân-mộng chứa ở trong kho tư-tưởng, đã biết bao nhiêu, mà cái trí khí tứ phương, vẫn còn hăm hở! Mới học thói Tử-trương: bốn bể ngao du. Qua cửa Ðại-than sang bến Ðông-triều, đến sông Bạch-Ðằng, đứng đỉnh phiến-chu. Trắng xóa sông kềnh muôn dặm, xanh rì dặng ác một màu. Nước trời lộn sắc, phong cảnh vừa thu. Ngàn lau quạnh cõi, bến lách đìu-hiu. Giáo gậy đầu sông, cốt khô đầy gò. Ngậm ngùi đứng lắng ngắm cuộc sống phù du. Thương kẻ anh hùng đâu vắng tá, mà đây dấu vết hãy còn lưu. Kia kìa, bến sông, phu lão người đâu. Lượng trong bụng ta, chứng có sở cầu. Hoặc gậy trống trước, hoặc thuyền bơi sau. Vái tạ mà thưa rằng: Đây là chỗ chiến địa vua Trần bắt giặc Nguyên, và là nơi cố-châu của vua Ngô phá quân Lưu đây. Đương khi: muôn đội thuyền bày, hai quân giáo chỉ. Gươm tuốt sáng lòe, cờ bay đỏ khí! Tướng Bắc quân Nam đôi bên đối lũy. Đã nổi gió mà bay mây, lại kinh thiên mà động địa. Kìa quân Nam-Hán nó mưu sâu, nọ Hồ-Nguyên có sức khỏe. Nó bảo rằng: phen này đạp đổ nước Nam , tưởng chừng có dễ. May sao: Trời giúp quân ta, mây tan trận nó, khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích-bích khi xưa, giặc Bồ Kiên bị tan ở bến Hợp-phù thuở nọ. Ấy cái nhục tày trời của họ, há những một thời, mà cái công tái tạo của ta lưu danh thiên cổ. Tuy vậy, từ thuở có trời có đất, vẫn có giang-san. Trời đặt ra nơi hiểm-trở, người tính lấy cuộc tồn-an. Hội này bằng hội Mạnh-tân, như vương-sự họ Lã; trận nào bằng trận Dung-thủy, như quốc sĩ họ Hàn. Kìa trận Bạch-Đằng này mà đại-thắng, bởi chưng Đại-vương coi thế giặc nhàn. Tiếng thơm còn mãi, bia miệng hao mòn. Nhớ ai sa giọt lệ, hổ mình với nước non! Rồi vừa đi vừa hát rằng: Sông Đằng một dải dài ghê! Khách vừa đi vừa hát rằng: Vua Trần hai vị Thánh-quân. Nguyên văn chữ Nho của Trương Hán Siêu, Đông Châu dịch. Khảo về địa-dư và lịch-sử tỉnh Quảng-Yên (Nam-phong tạp-chí, tập XIV số 8, tháng 6-1924). Thơ của Phan Lập Trai thì ghi Biển Châu hiển phát Chương Dương độ Dịch nghĩa: Buổi sáng cưỡi thuyền nhỏ ra bến Chương Dương, (Việt Nam Văn Học Sử Yếu tập I, giáo sư Dương Quảng Hàm, trang 152) Ở đền Kiếp Bạc còn ghi lại câu đối bằng quốc âm để tưởng nhớ các bậc anh hùng dân tộc như sau: Uy tan giặc Bắc, trận Sát Thát quân reo, một tay chống lại sơn hà: quét bụi Tống, rửa thù Nguyên, nòi giống vẻ vang hồn lịch sử ; Ơn khắp miền Đông, đền Đại Vương quốc tế, mảnh đã in còn sự nghiệp: tiếng sóng Bạch Đằng, vầng mây kiếp, khói hương phảng phất bóng anh hùng. Dưới đây là phần trích trang nhà britannica.com có ghi về Hưng Ðạo Vương. Tran Hung Dao born 1229? died 1300, Van Kiep , Vietnam, original name Tran Quoc Tuan, also called Hung Dao Vuong figure of almost legendary proportions in Vietnamese history, a brilliant military strategist who defeated two Mongol invasions and became a cultural hero among modern Vietnamese. By the early 1280s the Vietnamese kingdom faced a growing threat from the Mongols under Kublai Khan, who had conquered China in the previous decade. When he was appointed… Trang nationmaster.com Úc Đại Lợi đã ghi nhận Đức Hưng Đạo Vương là một tướng lãnh tài ba đã chiến thắng quân Mông-cổ vào thế kỷ thứ 13. “Trần Hưng Đạo (陳興道) (1228-1300) was a Vietnamese Grand Commander-in-Chief during the Trần Dynasty. Born as Trần Quốc Tuấn (陳國峻), he commanded the Đại Việt (Dai Viet) armies that repelled two major Mongol invasions in the 13th century. His multiple victories over the mighty Mongol Yuan Dynasty under Kublai Khan are considered among the greatest military feats in world history. General Trần Hưng Đạo’s military brilliance and prowess is reflected in his many treatises on warfare and is a one of the most accomplished general in history. He’s one of a very few generals in history to have never lost a single battle or war under his command”. Bản dịch Bạch Đằng giang phú của Nguyễn Hữu Tiến, Bùi Văn Nguyên Khách có kẻ: IV. Kết Luận: Từ lâu nay các giới biên khảo nghiên cứu đã ngưỡng mộ vua Trần Nhân Tông qua các lãnh vực Thiền tông Phật giáo, văn hóa, giáo dục cũng như thơ phú. Hôm nay chúng tôi đề cập đến một khía cạnh tài ba khác của Vua Trần Nhân Tông, đó là lãnh vực quân sự. Xuyên qua tài năng về mặt quân sự, vua Trần Nhân Tông, Phật hoàng Trần Nhân Tông là một bậc Thiên Tài Quân Sự trong một ngàn năm thứ hai của tộc Việt. © Trúc Lâm Lê An Bình
|