Home Lịch Sử VN Sách Mẹ VN ơi! Dân ta tội tình? Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 10

Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 10 PDF Print E-mail
Thứ Ba, 22 Tháng 6 Năm 2010 14:22

 

 

CHƯƠNG MƯỜI

"CHÚNG TÔI KHÔNG HÈN NHÁT
CHÚNG TÔI KHÔNG SỢ CHẾT" 
 

Thứ Hai, ngày 14 tháng Tư, 1975

Vừa là Chủ Tịch "Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam", một tổng liên đoàn rất hùng mạnh vừa là Phó Chủ Tịch Tổng Công Đoàn Công Giáo Quốc Tế, ông Trần quốc Bửu là một người rất có quyền lực và rất được kính nể. Ở vào trạc tuổi 60, người tuy có hơi gầy nhưng rắn chắc với đôi mắt sáng ngời, ông luôn luôn ăn mặc rất giản dị với chiếc quần dài màu xám và một chiếc áo bốn túi nhẹ bỏ ngoài. Vừa tranh đấu cho lý tưởng quốc gia vừa tranh đấu cho công đoàn, bị lưu đày ra Côn Sơn trong thập niên 40, ở đó ông từng ở chung phòng giam với Lê Duẫn, hiện là tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, ông đã vượt ngục và chỉ huy toán "đặc công 25" nổi danh của ông trong thời gian trên 5 năm kháng chiến chống Pháp. Bị tướng một mắt Nguyễn Bình và đội an ninh chánh trị cộng sản hăm dọa tử hình, vì ông không chịu gia nhập đảng, ông về Sai Gòn năm 1951 và qua Pháp. Ở đó ông theo học khóa công đoàn từ 1952 đến 1954 ở đường Montholon, Ba Lê với Tổng Liên Đoàn Lao Công Pháp (C.F.T.C.).

Về lại Sai Gòn, ông thành lập Tổng Công Đoàn Lao Công Việt Nam (C.T.V.), nơi tập trung 85% lao công Việt Nam . Tổ chức của ông rất vững mạnh, uy tín và đức tánh bình dân của ông trong giới cần lao đã giúp ông có nhiều sự nâng đỡ từ các công đoàn Hoa Kỳ. Cả phía cộng sản cũng muốn chiêu dụ ông. Lê Duẫn người đã từng ở chung nhà lao với ông ở Côn Sơn, bây giờ là tổng bí thư đảng CSV N đã gởi cho ông một bức thư riêng để yêu cầu ông đừng đứng chung với "bọn tư bản", phải giữ "thế trung lập" hoặc"về với chánh nghĩa cách mạng". Ông Bửu đã trả lời thẳng thừng:

-"Kinh nghiệm mà tôi đã có được với phương pháp của ông, và với lòng tôn kính của tôi đối với quốc gia dân tộc của chúng ta không cho phép tôi tin rằng chủ nghĩa cộng sản là giải đáp duy nhất cho nguyện vọng của dân tộc chúng ta".

Do đó cộng sản đã nhiều lần mưu sát ông nhưng không thành. Trụ sở của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam nằm ở số 14 đại lộ Lê văn Duyệt (đường Verdun cũ) trong môt tòa nhà kiếng lớn, nóc nhọn thềm cao, kiến trúc theo kiểu Pháp, trước kia là trụ sở của Câu lạc Bộ Thể Thao Đông Dương.

Ông Trần quốc Bửu tiếp tôi trong phòng làm việc của ông, một căn phòng rộng lớn sáng sủa, có một bàn lớn và một số ghế dựa. Trên tường có treo một bức tranh lụa với hình một con trâu màu xám tro, mõm to, chân đứng dưới ruộng lúa (biểu tượng của Tổng Liên Đoàn là con trâu trong một bánh xe có răng cưa). Trên một giá đầy sách có treo hình một sĩ quan Việt Nam còn trẻ, có cài một băng đen trên chéo góc. Ông Trần quốc Bửu bắt gặp cái nhìn của tôi, liền giải thích :

-"Đó là hình của con trai tôi. tử trận hồi tháng 10 vừa qua. Thằng nhỏ đẹp trai quá, phải không ? Nó là một đứa rất gan dạ, thông minh và thẳng tánh. Môn nào nó cũng thành công, học hành, thể thao, và đường đời nữa. Nó có vợ rất đẹp và nhu mì, và một đứa con trai năm nay 3 tuổi. Nó chỉ huy một đại đội và đóng đồn trong quận lỵ của một quận thuộc tỉnh Bà rịa. Nó mới vừa được 27 tuổi thì....

Nói tới đây ông Bửu lắc đầu nhè nhẹ, ngưng một vài giây và tiếp tục với một giọng thật rõ ràng, chậm rãi và có mức độ.

"Tôi muốn nói cho anh nghe về thằng con trai nầy, anh Pierre ạ. Con trai tôi đã chọn quân đội, không phải vì nó ham chiến tranh, mà vì chúng ta đang ở trong thời chiến. Nó đánh đấm cũng khá lắm và đã được khá nhiều huy chương. Chúng tôi khắng khít với nhau lắm. Nó thường viết thư cho tôi. Vài tháng trước khi chết, nó đã tỏ ra rất băn khoăn lo lắng, có lúc hoảng sợ nữa. Trong những ngày đầu của tháng 10, nó có gởi cho tôi một lá thư, để tôi đọc cho anh nghe . Trần quốc Bửu lấy trong ví ra 3 tờ giấy mà ông đã xếp thật cẩn thận và ông bắt đầu đọc:

- " Ba kính yêu, Trong tiểu khu của con tình hình đã đi xuống. Không phải vì dân chúng đã ngả theo sự tuyên truyền của "phía bên kia", mà tại vì chúng tôi đang thiếu phương tiện để chiến đấu. Mấy anh nông dân trong hàng ngũ "nhân dân tự vệ" không có đủ đạn cho súng của họ, và họ còn phải tìm mua lựu đạn của mấy anh lính chánh quy, thường ít đụng trận hơn họ. Phần các đơn vị chánh quy thì không phải họ tránh chạm súng, mà cứ mỗi lần chạm địch, môt địch quân hơn hẳn họ cả về chiến cụ lẫn đạn dược, nên họ cứ bị tổn thất thật nặng. Để Ba hiểu rõ hơn tình hình của tụi con, con phải giải thích cho Ba nghe một vài điểm về kỹ thuật. Cộng sản Bắc Việt thì dùng chiến xa T. 54 và đại bác 130 ly của Liên Xô. T.54 là loại chiến xa rất năng động, tuy thô kệch nhưng được bọc sắt rất dày và võ trang hùng mạnh: một đại bác 100 ly lòng dài với 34 quả đạn trong xe, 2 liên thanh 30 ly, và một liên thanh 50 ly, có tầm hoạt động 400 cây số đường bán kính. Trong trường hợp tấn công, tụi con chỉ có ống phóng M.72 (loại ba-zô-ca chống chiến xa). Súng nầy chỉ xử dụng có một lần, bắn xong là phải vứt ống phóng đi, và nó chỉ thật sự hữu hiệu trong vòng 100 thước mà thôi. Do đó mình phải bắn chiến xa địch trên bộ, thật gần, mới trúng đích được . Có nghĩa là mình phải đi bộ đến trong tầm tác xạ chính xác của vũ khí tự động trên chiến xa địch, để cho người ta giết chết mình ... mà không chắc là mình sẽ hạ được nó. Trên thực tế muốn tiến sát đến gần chiến xa thường rất là khó, gần như không thể được, vì lúc nào chiến xa cũng có "bộ binh tùng thiết" đi mở đường cho nó và bảo vệ nó. Còn pháo binh 130 ly dù là một loại vũ khí xưa, cũ, trên 20 năm rồi nhưng là một vũ khí đáng sợ. Nặng khoản 8 tấn, được xe xích kéo, có tầm tác xạ tới 27 cây số và có thể bắn đi 6 quả đạn trong một phút. Chỉ cần có 3 khẩu pháo 130 dấu kín trong rừng, và với 1 giờ tác xạ (1000 quả đạn thôi) cũng đủ đánh sập quận lỵ của bất cứ một quận nào. Đạn pháo 130 ly có thể phá vỡ một miếng thép dày 27 ly, cho nên không có một kiến trúc nào, một công sự nào chịu nổi sức công phá của loại pháo nầy. Dân chúng bỏ chạy hết và quân đội của tụi con không thể nào chống trả mà không bị thiệt hại nặng vì chúng tôi chỉ có pháo binh 105 ly với tầm tác xạ ngắn hơn nhiều , và đạn pháo thì được đếm từng quả, 3 viên cho một khẩu trong một ngày, trong lúc địch thì được tiếp tế quá dồi dào về đạn dược. Để khóa miệng mấy khẩu pháo binh cộng sản nầy, chúng ta bắt buộc phải có ưu thế tuyệt đối về Không quân. Điều nầy rất đúng trên lý thuyết, nhưng hoàn toàn sai trên thực tế.. Từ khi có cuộc khủng khoảng xăng dầu, trực thăng quan sát và thám thính của chúng ta chỉ được phép bay có 3 giờ mỗi ngày. Ngoài ra cộng sản còn được trang bị hoả tiễn tầm nhiệt S.A.7 rất dễ xử dụng và rất chính xác để vô hiệu hóa các loại phi cơ của chúng ta . Thưa Ba yêu quý, Con biết rằng Ba có nhiều mối liên hệ với người Mỹ. Cương vị Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động của Ba sẽ giúp Ba có tiếng nói mạnh hơn. Ba phải giải thích cho họ hiểu rằng tình hình ở đây đã rất là nghiêm trọng lắm rồi. Họ phải cung cấp cho chúng ta vũ khí cần thiết, như hỏa tiễn Tows trên thớt cơ động, và trực thăng võ trang "cobra" trang bị chuyên về chống chiến xa. Họ có hết các thứ nầy mà tại sao họ từ chối ? Họ phải viện trợ cho chúng ta về quân sự và kỹ thuật như họ đã hứa. Tôi yêu cầu Ba, Ba ơi, Ba hãy can thiệp với họ. Nếu không thì chúng ta sẽ bị đè bẹp và bại trận ngay. Chúng tôi không phải là kẻ hèn nhát. Chúng tôi không bao giờ sợ chết. Với điều kiện là còn giữ được một cơ may để chiến thắng, hay là để chống cự với cộng sản có hiệu quả. Xin Ba tha lỗi cho con vì bắt Ba phải nghe một tờ trình quân sự quá dài dòng. Trong tiểu khu của con, số lần chạm súng và số lần tác xạ của pháo binh tăng lên theo cấp số nhân. Dù sao thì con cũng giữ được đồn của con và con sẽ không rút đi đâu hết..... dĩ nhiên là vẫn còn sống. Binh sĩ của con theo con, và dân chúng vẫn tin tưởng nơi chúng con. Đứa con lúc nào cũng kính mến và trung thành của Ba"

Ông Bửu từ từ xếp lá thư lại, đằng hắng để lấy giọng và để dằn cơn xúc cảm lại rồi mới tiếp tục:

- " Tất cả mọi thất bại của chúng tôi đều được gói gọn trong những hàng nầy. Tôi nhận được thư nầy của con tôi sau chuyến đi thăm Á Châu và Âu Châu của tôi trở về. Khi tôi đọc được lá thư nầy thì con tôi đã tử trận được3 ngày rồi.

- Ông có nói gì cho người Mỹ họ nghe không ?

- Dĩ nhiên là có. Tôi đã gặp Đại sứ Martin, và các tùy viên quân sự Hoa Kỳ . Tôi cũng có viết thư qua Mỹ. Không có người nào nghi ngờ về những tin tức của tôi. Ông Đại sứ và các tùy viên quân sự đã có ghi chú đầy đủ, và tôi cũng nhận thấy thực tình họ đang quá bận rộn. Nhưng không thấy có ai làm gì hết, tôi muốn nói là họ không có một biện pháp cụ thể nào cả.

- Như vậy cái gì sẽ xảy ra ?

- Chuyện gì cũng được hết ! Các ông dân cử chắc sẽ nhúc nhích.Tổng Thống Ford sẽ có những lời tuyên bố dễ nghe. Quốc Hội sẽ kéo dài các cuộc tranh cãi để khỏi phải chuẩn chi ngân khoản viện trợ. Ông Thiệu sẽ ra đi hay sẽ để bị ám sát. Các sĩ quan và binh sĩ trẻ và tự hào như con trai tôi sẽ bị hy sinh vì danh dự, hay vì để kéo dài thêm thời gian cho một vài chánh trị gia tự phụ kịp leo lên nắm quyền, Đủ thời gian để dàn dựng một kịch bản tưởng như bất thần được ứng biến, mà thật ra đã được viết sẵn từ lâu.. Người Mỹ sẽ đóng cửa các văn phòng cuối cùng của họ. Hạm đội 7 sẽ có mặt tuần rỏn ở biển Đông. Rồi cộng sản sẽ chiếm Sai Gòn . Và tất cả lỗi đều sẽ được đổ hết cho chúng tôi !!.

 *
*     *

"Đây thật đúng là thời điểm để trở lại nhận xét nghiêm túc về Hiệp Định Paris . Chế độ cảnh sát và quân đội của ông Thiệu phải nhường chỗ cho những người đại diện, có trách nhiệm và xứng đáng hơn, để họ bắt đầu một cuộc nói chuyện thành thực và nghiêm chỉnh với cộng sản trước khi đã quá trễ. "

Người nói với tôi lời tuyên bố nầy là Nghị sĩ Vũ văn Mẫu, tiến sĩ luật xuất thân từ trường Đại Học Luật khoa ở Paris, (đúng như tấm biển treo trước văn phòng luật sư của ông), và Chủ Tịch Phong Trào Hòa Giải Quốc Gia, một phong trào của Phật giáo quy tụ những người chống đối dai dẳng nhứt của ông Thiệu. Nhỏ người, tròn trịa, khoảng sáu mươi, hay lăng xăng quậy phá, với gương mặt xương xẩu và giọng nói thanh tao kỳ lạ, là luật sư cho các công ty xăng dầu (Shell và Socony) , ông Mẫu là một người giàu có và liến thoắng, khôn khéo và cơ hội chủ nghĩa hơn là thành thực và quả cảm. Dân Sai Gòn không hề thích ông, một phần vì ông gốc người Miền Bắc, một phần vì họ thấy ông kiêu căng và xảo trá. Dù sao thì ông cũng thông minh và lanh lợi. Ông đã từng là Tổng trưởng Ngoại giao của Tổng Thống Ngô đình Diệm, đã nhiệt tình và hết lòng phục vụ Tổng Thống Diệm và ủng hộ đường lối cương quyết chống cộng, nhưng sau đó, khi có cuộc khủng khoảng Phật Giáo, ông tự từ chức và cạo đầu để chứng tỏ một lòng với sự tranh đấu của các sư sãi. Ba tháng sau đó thì Tổng Thống Diệm bị sát hại. Tin chắc là Phật tử đang cần có một người "lãnh đạo thực sự" nên ông Mẫu đi sát với các sư cốt cán của chùa Ấn Quang, những người chống đối tất cả mọi hình thức của chế độ quân nhân, và với sự yểm trợ của họ, ông đắc cử Nghị sĩ. Trước hết ông đụng ngay ông tướng Kỳ, sau đó mới tới ông Thiệu. Cuối năm 1973, lúc ông Thiệu định cho sửa đổi Hiến Pháp nhằm ra tranh cử Tổng Thống một nhiệm kỳ thứ ba, Vũ văn Mẫu lại cạo đầu một lần nữa để chống đối, và tuyên bố là chỉ để tóc lại "ngày nào mà chế độ độc tài được cáo chung" . Từ đó ông được thêm một biệt danh là "thợ cạo hàn thử biểu"

- "Ông Thiệu đã dối gạt tất cả mọi người, trừ tôi, Chỉ có một cách để chấm dứt cuộc chiến, là cho ông Thiệu đi và đưa tướng Minh lên thay thế ông ta.

Ông Mẫu nói với tôi bằng một giọng lạ lùng của một cậu bé hỗn xược.

- Còn Hiến Pháp thì sao ?

Bằng một cử chỉ kiên quyết, ông gạt phăng luận cứ nầy:

- " Ông Thiệu đã vi phạm Hiến Pháp để tiếp tục chiến tranh. Ai cấm cản chúng tôi vi phạm Hiến Pháp để đem lại hòa bình ? Chúng tôi sẽ tìm được đa số tương tự để làm chuyện đó.

- Và người nào sẽ là Thủ Tướng ?

- Tôi ! Luật sư Vũ văn Mẫu phá lên cười nắc nẻ có vẻ bực tức, sau đó làm mghiêm trở lại, và nói tiếp với một giọng tâm tình:

- Ông biết không, tôi tốt với tướng Minh lắm. Ông đã có nói với tôi là ông rất cần môt người giỏi về luật để bàn cãi với cộng sản... và ông đã nhắm vào tôi.

- Ông tin thật là có thể thương thảo trong khuôn khổ Hiệp Định Paris à ?

- Không có một căn bản nào khác để mà thương thảo, và đây là nghề của tôi, nghề bàn cãi, biện hộ, thuyết phục và ngay cả dùng mưu nữa. Tôi biết bênh vực cho một hồ sơ, tin tôi đi. Khó mà có thể bắt bí tôi lắm, tôi sẽ dùng một luận cứ mà không một ai dám làm. Một khi tôi lên rồi, tôi sẽ đòi hỏi tất cả người Mỹ phải rời khỏi ngay đất nước nầy trong vòng 24 tiếng đồng hồ, và ông hãy tin tôi đi, họ sẽ đi ngay cho ông xem ! Ông có vẻ hoài nghi hả ? ông sai rồi. Đây nầy, tôi cho ông một cái hẹn trước ba tuần lễ ở Dinh Độc Lập. Tôi sẽ là Thủ Tướng, tôi sẽ tiếp ông, và chừng đó ông sẽ thấy là tôi giữ lời hứa của tôi. Vô liêm sỉ?...

 hay là biết chắc một trò chơi mà ông ta đã nắm được những con bài chủ nhưng không muốn trưng ra? Tôi nghiêng về giả thuyết thứ hai. Vì Luật sư Vũ văn Mẫu là con người không bao giờ chịu liều lĩnh.