Home Lịch Sử VN Sách Mẹ VN ơi! Dân ta tội tình? Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 19

Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 19 PDF Print E-mail
Thứ Ba, 22 Tháng 6 Năm 2010 11:30

 

 

CHƯƠNG MƯỜI CHÍN

TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH XUẤT HIỆN  

Thứ Năm, ngày 24 tháng Tư, 1975

Cứ mỗi lần từ vùng chiến trận trở về Sài Gòn , là mỗi lần tôi gần như bị chấn động vì không khí rất khác biệt giữa thành phố và tiền tuyến. Một bên là sự khốc liệt quá mức của chiến tranh, những người chết, những người bị thương, xóm làng nhà cửa bị tàn phá dưới sức rung chuyển của bom đạn như những cơn động đất, những cỗ pháo, những phóng pháo oanh tạc cơ, những binh sĩ đang bám đất, những người nông dân đang chạy loạn..... Một bên thì sự yên tĩnh của thành phố với những bãi cỏ được săn sóc hằng ngày thật công phu cẩn thận, với những ngân hàng, và tấp nập những nhà buôn , với những nhà ngoại giao v.v.. Chỉ cách nhau không quá 50 cây số mà tôi có cảm tưởng như là cách xa nhau vạn dậm, hay không cùng ở một hành tinh ! Sài Gòn đang tranh cãi với nhau, đang lợi dụng lẫn nhau, và đang dàn cảnh một sân khấu chánh trị để cho các nhân sĩ có nơi cho họ xuất hiện nhanh để rồi biến đi to nhỏ với nhau ngoài hành lang. Một hoạt cảnh vừa mới bắt đầu đã nhanh chóng trở thành vô ích hay đã lỗi thời ngay sau đó !.

Ngày hôm kia, thứ ba 22/4, một đám đông dân chúng, theo lời kêu gọi của 4 Tôn Giáo lớn ở Miền Nam - Ki tô giáo, Phật giáo, Cao đài và Phật Giáo Hòa hảo - đã tập hợp lại trong nhà thờ Chánh Tòa ở Sài Gòn . Đứng dưới một tấm biểu ngữ thật lớn có vẽ hai chữ "Hòa Bình" thật to bằng sơn đỏ, là một hàng rào các sư sãi đầu cạo nhẳn bóng láng mặc cà sa vàng hực hỡ, đức Tổng Giám Mục với lễ phục trắng, các thân hào nhân sĩ mặc áo dài đen, và đang quì phía sau họ là cả một khối giáo dân . Người ta chỉ thấy đại diện duy nhất của ngoại giao đoàn là Đại Sứ Pháp, Jean-Marie Mérillon, một người được mời dự buổi lễ đặc biệt nầy và là người được người ta chú ý đến nhiều nhất. Các quan sát viên cho rằng đây là nhân vật đương nhiên tự thừa nhận là mình đang tiến hành một cuộc vận động chánh trị để đi đến hòa bình. Nhưng chương trình của buổi lễ hôm nay đã được dự tính từ nhiều ngày trước rồi, được dự trù là sau khi hành lễ xong tất cả đều sẽ kéo nhau đến dinh Độc Lập cách đây không xa, để kêu gọi "Tổng Thống Thiệu hãy từ chức" . Sự ra đi bất ngờ của vị nguyên thủ Quốc Gia vừa qua đã làm bể hết kế hoạch và mất hết ý nghĩa của những sự vận động của các nhóm người chỉ có sát cánh nhau vì cùng chung một động cơ hành động. Tất cả đều mong muốn có "hòa bình", nhưng con đường mà họ định đi đến đích thì không người nào giống người nào ! Bây giờ thì mọi người đều nghĩ đến một cái tên , tên của tướng Dương văn Minh, thường được gọi là "Minh Lớn" ( nguyên tác: "Grand Minh"), người được xem như là phương sách cuối cùng. Ông Đại sứ Mérillon nghĩ rằng CPLTCHMN sẽ chấp nhận ông Dương văn Minh, nên hối thúc ông Trần văn Hương nên mời ông Minh lập một Chánh Phủ gọi là "Chánh Phủ để Thương Thuyết". Ông Đại sứ Pháp thấy rằng tình hình đã quá nghiêm trọng rồi nên cần phải có những quyết định cấp bách. Nhưng từ 48 giờ qua, ông vẫn giẫm chân tại chỗ trong sự nhẫn nại. Ông đã hai lần ngồi xe D.S của ông có gắn cờ Pháp để đi vào Dinh Độc Lập hối thúc ông Tổng Thống già nua nên sớm "có hành động" kịp thời. Hôm nay lúc 5 giờ chiều, đã có một phát súng bị tịt ngòi trên sân khấu chánh trị. Tướng Minh đã mời các nhà báo và đã nói với họ rằng:

- " Tổng Thống Trần văn Hương đã mời tôi nhận chức vụ Thủ Tướng , Tôi đã từ chối. Ở cương vị Thủ tướng tôi không thể mở đường đi đến một cuộc thương thảo được với "phía bên kia". Tôi đã trả lời cho Tổng Thống Hương là: điều kiện tiên quyết mà những người "cách mạng" đặt ra là Tổng Thống phải từ nhiệm. Đó không phải là một điều mong muốn, mà là một sự bắt buộc "

Sự từ chối chức vụ Thủ tướng của tướng Minh đã nói lên ý muốn "đốt giai đoạn" của ông ta. Đại sứ Pháp, người đã hướng dẫn cho ông ta, đã chơi một ván bài nguy hiểm. Sơ đồ hành động của ông, nhằm đẩy cụ già Hương ra khỏi ghế Tổng Thống và thay thế ông bằng một người chưa từng bao giờ "bị phía bên kia chỉ trích", chủ yếu được dựa trên niềm tin rằng cộng sản sẽ sẵn sàng thương thảo trên căn bản của Hiệp Định Paris 1973. Và theo ông thì không có gì là không vững chắc. Mười hai ngàn người có quốc tịch Pháp ở Miền Nam Việt Nam, được Tổng Thống Giscard d'Estaing và Đại sứ của họ kêu gọi hãy ở lại tại chỗ, có thể có nguy cơ phải trả giá rất đắt với tài sản và sanh mạng của mình, nếu giải pháp chánh trị nầy bất thành.Cân nhắc kỹ lưỡng rồi, ông Mérillon ước tính là cơ nguy đó phải được qua và ông dùng cách để thuyết phục cộng đồng người Pháp ở đây là không có gì đáng phải lo sợ hết.. Trước tiên là ông quyết định vẫn giữ nguyên ngày giờ thi Tú Tài toàn phần là ngày thứ hai 28 tháng 4, mặc dầu có những sự vận động khẩn thiết của các phụ huynh học sinh . Kế tiếp là trong lúc hầu hết các tòa đại sứ Tây Phương ở đây đều đóng cửa, ông Jean- Marie Mérillon đã công khai cho sơn lại mặt tiền của tòa đại sứ và cho trồng thêm bông hoa trong khu vườn của tư dinh ông . Có 12 người hiến binh được gởi tới bằng đường hàng không để tăng cường canh gác, Ông đã cho họ thay phiên nhau đứng gác ngoài cổng rào của tòa đại sứ.. Ông cho một số thợ hồ xây thêm tường rào tòa đại sứ cho cao hơn lên, vừa để tránh những sự dòm ngó của kẻ tò mò nhằm bảo vệ cho các nhân sĩ Việt Nam ra vào tiếp xúc với Ông, vừa có thể dùng tòa đại sứ như một nơi tỵ nạn đúng theo quyền tỵ nạn chánh trị , nếu có xảy ra chiến trận ở đây. Và cuối cùng, để dự trù trường hợp xấu nhất, có một số tiêu lệnh đã được ban ra cho một số người "đầu đàn" trong cộng đồng người Pháp. Ba điểm tập trung đã được dự trù: đó là bệnh viện Grall, trường trung học Saint Exupéry (Chasseloup Laubat cũ) và cư xá Lareynières, nơi cư trú của các giáo chức Pháp. Tất cả những cơ sở công cộng, tất cả những tiệm buôn và nhà cửa, tài sản hay nơi cư trú của người Pháp đều phải được treo cờ tam tài Pháp. Những người nào còn nghi ngờ về tương lai và thiện chí của cộng sản , tự thấy mình "bi quan thái quá" và muốn nghe câu trả lời thì đây :

"Hãy làm một bản thống kê chính xác tất cả tài sản của mình. Thiết lập hồ sơ thật đầy đủ, nhưng vẫn phải ở lại tại chỗ. Vì khi rời khỏi nước Việt Nam , trước tiên là mình sẽ mất hết tất cả các quyền cứu xét để được bồi thường vì lý do chiến tranh, nếu có."

*
*    *

Mặc dầu ông Đại Sứ Pháp đã cho thấy tất cả sự lạc quan của mình, cuộc khủng hoảng chánh trị xem ra khó có thể tháo gỡ được . Phía ngoài hàng rào có vẻ yên tĩnh và mặc cho bối cảnh vận động chánh trị bận rộn của tòa đại sứ , thành phố Sài Gòn vẫn đầy rẫy những mánh khóe và những sự âm mưu toan tính . Những sự liên minh vừa mới được kết hợp ngày hôm qua thì ngày mai lại tan rã ... Từ đêm ngày thứ năm cho tới thứ sáu, ở khách sạn Palace đã có một buổi họp của đại diện các phe nhóm ở Miền Nam, một số các tướng lãnh trẻ, các đại diện của người công giáo di cư và những lãnh tụ đối lập. Nhưng sau nhiều giờ bàn cải, họ không muốn chọn tướng Minh Dương . Họ có ý trách ông nầy rất thụ động về phương diện chánh trị trong mười năm qua, và thiếu năng lực phán đoán. Tin chắc rằng mục tiêu duy nhất mà cộng sản đang theo đuổi là chiếm Miền Nam Việt Nam bằng giải pháp quân sự , họ nghĩ rằng ông Minh "không đủ sức" nên các cuộc thương lượng với cộng sản nếu có đi chăng nữa thì củng chỉ sẽ dẫn đến một sự đầu hàng mà thôi không hơn không kém. Đại diện của Phật Giáo Hòa Hảo đề nghị đem lên Sài Gòn hai chục ngàn người tình nguyện (20.000) để "thanh toán hết các phần tử chủ bại và thành lập một Chánh Phủ cứu quốc". Đặc biệt hơn ông nầy tấn công ngay tướng Trần văn Đôn vì ông Đôn không chịu phát vũ khí cho các lực lượng tôn giáo và hằn học kết luận là :

-"Phải bắt ông ta, đưa lên đoạn đầu đài và xử bắn ông ta!"

Linh mục Hoàng Quỳnh , người được những người công giáo di cư tuyệt đối tin tưởng, xác nhận là ông

-"sẵn sàng đưa hai trăm ngàn người công giáo (200.000) xuống đường" (biểu tình).

Luật sư Trần văn Tuyên thì tố cáo Đại sứ Pháp đã có hành động không thể tha thứ được là xen vào công việc nội bộ của Việt Nam . Ông Tuyên nói :

- "Ông Mérillon đã dám xấc xược nói với tôi rằng Tổng Thống Hương đã già yếu bệnh hoạn. Phải đưa ông ta vào bệnh viện để người ta giải phẩu cho ông, và nếu ông nằm ở bệnh viện thì bài toán sẽ được giải quyết "

Ông Trần văn Tuyên, 62 tuổi, một luật sư có tài, là trưởng nhóm xã hội trong Quốc Hội và là một đối thủ của ông Thiệu. Ông là một trong những người hoạt động tích cực cho "Phong tràio Tự Do Báo Chí" . Ông Tuyên nói tiếp :

- " Tổng ThốngTrần văn Hương rất phẫn uất vì thái độ khinh khỉnh và không thân thiện của ông Mérillon. Nản lòng vì những lời mỉa mai cay độc nhắm vào ông, và những áp lực đối với ông, vị Tổng Thống lớn tuổi của chúng ta đã đe dọa sẽ tự tử bằng ống thuốc thạch tín mà ông luôn luôn đeo ở bên mình "

Tham vọng và sự nóng giận đã thúc đẩy những người có trách nhiệm nầy ý thức được mối nguy cơ cộng sản và sẵn sàng làm tất cả những gì để tránh nguy cơ nầy. Người nào củng tin rằng mình có thể cung ứng hàng ngàn chiến sĩ. Có người người còn dự trù thành lập một khu kháng chiến ở Đồng Bằng sông Cửu Long ở Miền Tây. Họ đề nghị chuyển hết các kho vũ khí và đạn dược về vùng nầy. Còn các tướng lãnh trẻ thì thề nhứt quyết họ không bao giờ đầu hàng cộng sản ..

Nhưng liệu cuộc kháng chiến như thế có cơ may kéo dài được bao lâu nếu không có một sự yểm trợ từ bên ngoài ? Dù gì đi nữa thì Hoa Kỳ sẽ không can dự vào nữa rồi. Lên tiếng ở tiểu bang New Orléans , Tổng Thống Ford vừa mới thản nhiên xác nhận điều đó làm cho tim mọi người muốn ngừng đập .Ông ta đã yêu cầu người Mỹ "hãy lật sang trang khác" để hướng về tương lai. Ông ta đã tuyên bố thêm là ông đã gạt ra ngoài mọi khả năng tái can thiệp của Hoa Kỳ bằng hai câu ngắn :

- " Bây giờ thì chúng ta có thể tìm thấy lại được sự hãnh diện mà Hoa Kỳ đã có từ trước sự kiện Việt Nam ..,Một sự hãnh diện mà Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tìm lại được, nếu còn tham gia vào một cuộc chiến coi như đã hoàn toàn chấm dứt đối với chúng ta." !