Cuộc Chiến Việt Nam KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠYPhần V - Chương 20 Những bài học từ cuộc chiến Việt nam Bài học cho Mỹ Về những bài học của cuộc chiến, có nhiều tác giả đã đưa ra những bài học cho Mỹ, cả về quân sự, chính trị, lẫn ngoại giao. Vắn tắt, một số bài học quan trọng được tóm gọn như sau: Về quân sự: - không thể chỉ dùng sức mạnh của vũ khí để theo đuổi một mục tiêu chính trị; - quân đội Mỹ không được tổ chức thích hợp cho chiến tranh du kích; - khi có quyết định bước vào cuộc chiến, lãnh đạo không nên trói tay quân đội và phải ủng hộ hết mình; vừa đánh vừa rụt rè là chỉ có thất bại; - những bài học về chiến thuật và khí giới thì đã quá nhiều và ngày nay đang được áp dụng. Thí dụ như từ sau chiến tranh Việt nam, chưa có máy bay B-52 nào bị bắn rơi. Và những bài học về du kích chiến thì đang được sử dụng vào chiến tranh chống quân khủng bố (terrorister). Về chính trị: - Dân chúng Mỹ không chịu đựng được một cuộc chiến kéo dài; khi thương vong lên tới trên 1,000 một tháng là tâm lý nhân dân lên cơn sốt; - đừng can thiệp quá nhiều vào nội bộ chính trị của đồng minh; - đừng Mỹ hoá chiến tranh; - đừng đặt quá cao mục đích của Mỹ khi bước vào cuộc chiến; - đừng thổi phồng lên những thắng lợi ở chiến trường, nó có tác động nâng cao triển vọng của nhân dân, để rồi họ vỡ mộng khi được phanh phui là không đúng; vì báo chí, truyền thông Mỹ thường hay đưa tin tức, bình luận chứng minh ngược lại với những tuyên bố hay lập trường của Chính phủ; và Về ngoại giao: - Phải quốc tế hoá chiến tranh qua Liên Hiệp Quốc, hoặc kéo theo nhiều đồng minh; - Phải giữ tính nhất quán của Hoa kỳ trong việc biện hộ cho mục tiêu của cuộc chiến, đừng có thay đổi mục tiêu liên tục; - Trong một xã hội dân chủ, mở rộng như Mỹ, nếu Tổng thống chỉ dựa vào một hai viên chức để làm chính sách về ngoại giao là rất nguy hiểm; và - Đừng bội tín; phải giữ được niềm tin của các nhà lãnh đạo những quốc gia khác; đừng dối trá, nay thế này mai thế khác. Điểm cuối cùng hết sức quan trọng. Nhiều khi nó còn là yếu tố quyết định giữa chiến tranh và hoà bình. Về điểm này, các cấp lãnh đạo tối cao của Hoa kỳ như Tổng thống Nixon, Tổng thống Ford, đã phải công nhận rằng sự thất bại ở Việt nam làm tổn hại rất nhiều tới uy tín của Hoa kỳ. Vì vậy, cho dù việc giải kết, tháo chạy khỏi Miền Nam là điều có lợi cho nước Mỹ đi nữa, nó cũng chỉ là ích lợi ngắn hạn, vào thời điểm đó. Về lâu về dài, nó đã làm tổn hại tới độ tin cậy (credibility) của chính sách ngoại giao cũng như uy tín Hoa kỳ không ít. Chính Henry Kissinger cũng phải nhận định rằng chỉ sáu tháng sau chiến tranh Việt nam, phía Cộng sản đã dùng chiến tranh du kích bung ra tại Phi Châu, Afghanistan; và ba năm sau, Chính phủ của quốc vương Iran là đồng minh của Mỹ đã sụp đổ, làm mất hẳn thế quân bình ở Trung Đông. Ảnh hưởng của biến cố này còn kéo dài cho tới ngày nay. Khi quốc vương Shah còn ngồi đó thì đâu có chuyện Saddam Hussein xưng hùng xưng bá, và đâu có thù địch nước ngoài nào dám tấn công thẳng vào ngay Ngũ Giác Đài và Trung Tâm Thương Mại Quốc tế ở New York? Suýt nữa còn phá hoại cả vào Quốc hội hay Toà Bạch Cung. Cũng chính Kissinger đã đặt câu hỏi có phải sự sụp đổ của quốc vương Iran là do chính ông ta mất tin tưởng vào Mỹ hay không? Và phe chống đối ông Shah đã bắt đầu coi thường Mỹ đến độ còn bắt ngay cả 52 nhân viên Toà đại sứ Mỹ ở Teheran làm con tin vào tháng 10, 1979. Tổng thống Carter cho trực thăng bí mật vào cứu, nhưng đã hoàn toàn vô ích; và ông đã thất bại trong kỳ tuyển cử nhiệm kỳ hai vào năm 1980. Khủng hoảng này kéo dài tới hơn một năm. Sau khi ông Reagan lên Tổng thống (tháng 1, 1981), những con tin mới được thả. Về việc các chính khách khối A rập nghi ngờ về mức độ tín nhiệm của Hoa kỳ, tôi chỉ nhắc lại một câu chuyện xảy ra vài tháng trước khi Miền Nam sụp đổ. Khi viện trợ Mỹ bị cắt gần hết, Chính phủ VNCH gấp rút xúc tiến việc vay tiền xứ Saudi Arabia như Quốc vương Faisal đã hứa (trước khi ông bị người cháu hạ sát). Ngoại trưởng Bắc đi thương thuyết để sớm giải ngân. Ông Bắc nói với Tổng trưởng dầu lửa Sheik Yamani rằng: "Mỹ đã không viện trợ cho chúng tôi như đã cam kết trong văn bản". Ngỡ ngàng, ông Yamani lắc đầu, hỏi: "Làm sao khi chủ tịch của một công ty đã ký kết một tài liệu, rồi người kế vị ông ta lại nói: Tôi không biệt gì về chuyện đó hết". Bởi vậy, thực ra, cái giá Mỹ phải trả cho việc tháo chạy khói Miền Nam là quá lớn. Nơi đây, ta có thể rút tỉa một bài học về độ tin cậy quan trọng Hoa kỳ: đó là khả năng duy trì, hay khả năng bền (sustainabitity) của những cam kết do Tổng thống đối với đồng minh. Các nhà chính trị học cần nghiên cứu cho kỹ điểm này: khi Tổng thống Hoa kỳ hứa hẹn bằng lời nói miệng hay trên văn bản, liệu những cam kết đó có khả năng bền vững có kéo dài được lâu hay không? Liệu nó có còn hiệu lực khi hoàn cảnh chính trị thay đổi, thí dụ như có một Tổng thống mới hay một Đảng cầm quyền khác? Hay hoàn cảnh kinh tế thay đổi, thí dụ như lạm phát cao, thất nghiệp nhiều, khủng hoảng kinh tế? Nếu không, thì giá trị của những cam kết đó như thể nào? Khi hứa hẹn như vậy, Tổng thống Mỹ có nên hay không nên thêm một câu: "Những cam kết này chỉ có giá trị bao lâu tôi còn ngồi trong Toà Bạch Ốc", hoặc những cam kết này sẽ không còn giá trị khi hoàn cảnh kinh tế xã hội, chính trị của Hoa kỳ thay đổi?" Bài học cho các đồng minh Nếu những bài học cho Mỹ đã được nhiều tác giả bình luận thì những bài học cho các đồng minh của Mỹ lại chỉ được các nhà lãnh đạo quốc tế rỉ tai nhau và truyền miệng về những nhận xét của họ. Bài học thứ nhất cho một đồng minh của Hoa kỳ là nên nhận định rõ ràng vấn đề quyền lợi. Lý do quan trọng nhất mà Hoa kỳ nhảy vào một cuộc chiến là quyền lợi của Hoa kỳ. Những mục tiêu khác như bảo vệ nhân dân, tranh thủ nền độc lập, hay xây dựng dân chủ (cho VNCH hay Iraq, hay Afghanitan) thì chỉ là thứ yếu. Năm 1965, trước khi cho TQLC đổ bộ vào Đà Nẵng (ngày 6 tháng 3), trong một cuộc họp mật và cao cấp tại Washington, D.C. vào tháng 1, 1965, Bộ trưởng quốc phòng Robert Mcnamara và thứ trưởng Mcnaughton đã nói toạc ra là mục liêu của Mỹ "không phải là để giúp một nước bạn thắng là để ngăn chặn Trung Cộng".(1) Về việc đưa quân vào Việt nam, trong buổi họp ngày 24 tháng 3, 1965, Mcnaughton còn tính toán rõ ràng về mục đích của Mỹ theo phần trăm như sau: - 70% là để tránh một sự thất bại làm bẽ mặt cho Mỹ; - 20% để giữ Miền Nam khỏi rơi vào tay Trung Cộng; và - 10% để cho nhân dân Miền Nam được tự do, hạnh phúc (2). Thứ hai, quyền lợi về kinh tế là bền vững, lâu dài; quyền lợi về chính trị hay ngoại giao chỉ là giai đoạn. Nó chỉ tồn tại vào thời gian nào đó mà thôi. Hoa kỳ can thiệp vào chiến trường Việt nam trong thời điểm lúc cường độ chiến tranh lạnh còn đang lên cao. Tới lúc bắt đầu "détente", giảm căng thẳng được với Liên Xô thì quyền lợi đó cũng bắt đầu giảm. Tới khi Tổng thống Nixon bắt tay với Mao Trạch Đông (tháng 2, 1972) thì quyền lợi đó coi như đã chấm dứt. Ngày nay, trong chiến tranh vùng Vịnh chẳng hạn, mục đích là dẹp được Saddam Hussein vì nhiều lý do, đầu tiên là vì Saddam sản xuất vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), không tìm được khí giới này thì viện lý do là vì Saddam dính líu với bọn phá hoại Al Qaeda. Khi bằng chứng dính líu cũng không rõ, thì tới nhu cầu xây dựng dân chủ bên Trung Đông. Nhưng còn mục đích khác, rất quan trọng và liên hệ trực tiếp tới quyền lợi của Mỹ là phải làm giảm đi mối đe doạ của Iraq đối với Do Thái. Do Thái là tiền đồn dầu lửa ở Trung Đông. Dẹp xong Saddam rồi, và khi đe doạ về dầu lửa đã giảm bớt, sớm muộn thì quân đội Mỹ cũng sẽ phải rút về. Và muốn rút, trước hết phải có tổng tuyển cử để xây dựng dân chủ. Vì có dân chủ thì nhân dân Iraq mới "thi hành quyền tự quyết của mình" được. Bầu cử xong, Chính phủ Iraq phải sớm "phát triển những sức mạnh sẵn có của mình". Bởi vậy, quân đội và cảnh sát Iraq phải trưởng thành sớm để tự đối diện với quân phản loạn. Khi chúng tôi đọc đoạn này lấn cuối cùng trước khi in sách (tháng 2, 2005) đã nghe Tổng thống Bush tuyên bố là "Iraq phải tự hảo vệ lấy chính mình" ("Iraq must defend itself"); và có tin là Mỹ cũng sắp sửa rút 15.000 quân về). Thứ ba, về lâu về dài, thực quyền là ở Quốc hội Hoa kỳ. Theo quy định của Hiến Pháp, Quốc hội có quyền "khuyến nghị và ưng thuận" (advise and consent). Như vậy, khi nào Tổng thống Mỹ có đảm bảo điều gì thì lãnh đạo đồng minh phái yêu cầu ông thông báo cho Quốc hội để yêu cầu họ đồng ý, chớ có hứa hẹn trong bí mật. Về điểm này, Đài Loan đã học được kinh nghiệm từ Việt nam, nên dù phía hành pháp có hứa hẹn là sẽ không để cho Trung Cộng thôn tính bằng võ lực, Đài Loan đã cố gắng vận động để Quốc hội Mỹ ra một đạo luật vào năm 1979 là sẽ trợ giúp Đài Loan để tự vệ; Tuy nhiên, dù Quốc hội có ưng thuận, và Quốc hội thường hay chấp thuận những yêu cầu của Tổng thống nào lúc ban đầu cuộc chiến, nhưng rồi dần dần sẽ giãn ra khi bắt đầu có nhiều thương vong và tốn kém lên cao. Họ sẽ đặt vấn đề "được gì, mất gì?" Quốc hội nắm cái túi tiền, đó là quyền biểu quyết về ngân sách, đặc biệt là ngân sách quốc phòng. Dĩ nhiên, khi có một Tổng thống mạnh và cương quyết, ông sẽ có khả năng thuyết phục Quốc hội tiếp tục chi tiền như trường hợp Tổng thống George W. Bush hiện nay (2004-2005) trong kế hoạch tài trợ cho chiến tranh Iraq. Nhưng nếu ông không sớm giải quyết vấn đề thì sự ủng hộ sẽ kéo dài được bao lâu? Phản ứng của Quốc hội Mỹ về chiến tranh Việt nam là một thí dụ điển hình. Tôi còn nhớ rất rõ ràng: ngày 2 tháng 8, 1964, khi xem TV thì thấy phát ngôn viên Bạch Ốc thông báo cho dân chúng Mỹ: tầu tuần tiễu (PT boats) của Bắc Việt phóng ngư lôi vào tầu USS Maddox của Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ"; hai ngày sau, 4 tháng 8, lại thấy nói: có cuộc tấn công lần thứ hai, lần này vào cả hai tầu USS Maddox và USS Tumerjoy. Dù rằng sự việc này không hoàn toàn chắc chắn, và về sau đã có nhiều chứng cớ cho thấy việc phóng ngư lôi lần thứ hai là không đúng, Tổng thống Johnson cũng đã được Quốc hội lập tức thông qua một quyết định cho phép Tổng thống làm tất cả mọi biện pháp để đẩy lui bất cứ tấn công nào vào quân lực Hoa kỳ và đảy lui mọi gây hấn". Nhà báo nổi tiếng James Reslon của tờ New York Times đã bình luận ngay rằng "quyền hạn trao cho Tổng thống như vậy là quá rộng, vì nó có nghĩa là Quốc hội đã chấp thuận bất cứ biện pháp quân sự nào, ở bất cứ chỗ nào tại Đông Nam Á, gồm cả những biện pháp quân sự để yểm trợ bất cứ quốc gia nào trong Liên minh Đông Nam Á (SEATO)". Và việc chấp thuận lại đồng nhất: số phiếu ở Hạ Viện là 466-0; và Thượng Viện: 88-2 (chỉ có hai nghị sĩ: Gruening và Morse bỏ phiếu chống). Từ lập trường ủng hộ mạnh mẽ như vậy, Quốc hội đã dần dần đi tới quyết định chống đối hoàn toàn. Liên hệ tới điểm này: Thứ tư những tuyên bố về quyết tâm của Tổng thống Mỹ thì cũng chỉ có tính cách giai đoạn. Thí dụ như những tuyên bố rằng "Chúng tôi sẽ theo đuổi tới cùng" (We will stay the course) hay "Chúng tôi sẽ ở lại bao lâu còn phải ở lại" (We will stay as long as we have to"). Dù Tổng thống Mỹ có tuyên bố như vậy về chiến tranh Việt nam hay chiến tranh Iraq, thì cũng phải hiểu đây là rất tương đối. Dù thực sự có muốn làm như vậy, Tổng thống Mỹ cũng khó mà thi hành được. Nhân dân Hoa kỳ thường không nhẫn nại đủ để tiếp tục ủng hộ Chính phủ trong những cuộc xung đột kéo dài. Ngoài ra còn tình hình kinh tế, xã hội trong nước. Sau cuộc khủng hoảng dầu lửa do chiến tranh Do-thái A Rập vào mùa Thu 1973, kinh tế Mỹ chịu cảnh thất nghiệp, lạm phát cao, nhân dân lại càng chống đối việc viện trợ cho nước ngoài; Thứ năm, phía đồng minh nên nhớ rằng trong một hệ thống dân chủ cao như Hoa kỳ, quyền hành tất nhiên là phân tán. Ngay trong nhiệm kỳ của một Tổng thống, vẫn có nhiều phe phái. Nói chung là được phân ra làm hai: phe bồ câu và phe diều hâu. Do đó, thường có những bất đồng ý kiến giữa các lãnh đạo dân sự ở Bộ Quốc phòng và Ngoại giao. Rồi còn phía tướng lãnh quân đội, phía CIA. Nhiều lúc đồng minh phải nhận những tín hiệu đối nghịch từ các phe phái khác nhau. Nhớ lại lúc Miền Nam đi vào giai đoạn hạ màn chẳng hạn, giới Quốc phòng thì thông báo không thể gửi thêm quân viện, trong khi toà Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao thì trấn an là đừng quá lo còn chúng tôi ở đây cơ mà. Bởi vậy, về chính sách, khi ta nói "Mỹ thế này, Mỹ thế khác" là thiếu phần chính xác. Phải đặt câu hỏi "Mỹ thuộc phía nào? "Mỹ" là những ai? và như vậy, đồng minh không nên ỷ y, tưởng là nếu đã nhận được những hứa hẹn của Tổng thống, hay của Tổng trưởng quốc phòng hay Ngoại giao là tốt rồi. Khi lãnh đạo của đồng minh được mời tới thăm viếng Quốc hội Mỹ chẳng hạn, và đọc diễn văn này nọ (như Tổng thống Diệm -1956, hay Tổng thống Afghanistan Kazai - năm 2002, hay Thủ tướng lâm thời Iraq Allawi - tháng 9, 2004) thì chỉ nên nghĩ rằng đây là tượng trưng một sự ủng hộ tương đối. Nhiều khi nó chỉ là một hành động ngoại giao, không có nhiều trọng lượng về thực chất. Tôi cũng còn nhớ hồi 1956, sau khi Tổng thống Diệm được mời sang Mỹ, và đọc diễn văn trước Quốc hội (bác Trịnh Văn Chẩn, đài VOA đi theo, có kể lại là ông Diệm đọc bài diễn văn bằng tiếng Anh nhưng với giọng Huế, Quốc hội hiểu rất ít, nhưng cứ đứng lên vỗ tay vui vẻ). Khi trở về Sài gòn, uy tín ông Diệm lên rất cao; mỗi khi tôi đi xem xi nê là thấy phần tin tức (trước phim chính) cứ chiếu đi chiếu lại cảnh ông Diệm được đón rước long trọng tại New York, và đặc biệt là ông diễn thuyết được Quốc hội Mỹ hoan hô. Không những ông Diệm mà đa số nhân dân, trong đó có tác giả, đều nghĩ rằng: Mỹ ủng hộ như thế này thì chắc ăn quá rồi. Bởi vậy, điều cần thiết là phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ, giới truyền thông, và thành phần trí thức (tại các đại học và những viện nghiên cứu). Họ là những người vận dụng quần chúng bén nhậy. "Vận động hành lang" (lobby) tại Quốc hội Mỹ là nỗ lực không thể thiếu được (nên ghi nhận thành công của Do Thái, Đại Hàn, Đài Loan trong công tác này); Thứ sáu, phía đồng minh nên đề cao cảnh giác về cá nhân, tư tưởng và quá trình của một vài viên chức nào có quyền hành tại Washington, vào từng thời điểm. Nếu có một quan chức được Tổng thống tin cậy, thì người này sẽ khuynh loát để đánh bạt đi những lập trường khác và áp đặt giải pháp của mình. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, Ngoại trưởng Foster Dulles được Tổng thống Eisenhower tín cẩn, đã gạt đi những chống đối, hết sức ủng hộ Tổng thống Diệm. Tới Tổng thống Kennedy, rồi Tổng thống Johnson, Ngoại trưởng Dan Rusk và Bộ trưởng quốc phòng Mcnamara rất mạnh, mang quân ồ ạt vào Việt nam dù có nhiều quan chức bất đồng ý. Thời Đệ nhị cộng hoà, một mình Cố Vấn An Ninh (sau này kiêm luôn cả chức Ngoại trưởng) Henry Kissinger được Tổng thống Nixon và Ford hoàn toàn tin cậy, đã thao túng chính sách ngoại giao của cả một cường quốc; và nắm quyết định then chốt về Việt nam như đã được tổng kết trong cuốn sách này. Thứ bẩy, là sự xoay chiều của chính sách ngoại giao Hoa kỳ mỗi khi có bầu cử Tổng thống. Vào thời điểm đó, Hoa kỳ sẽ có tác động mạnh vào phía đồng minh đang dính líu với mình, để đi theo chiều hướng những thay đổi về chính sách. Sớm là vào năm trước năm tuyển cử. Muộn là vào cuối hè chính năm tuyển cử, lúc hai Đảng họp chọn ứng cử viên Tổng thống. Vào thời điểm đó, áp lực từ nhân dân, báo chí chống đối sẽ lên rất mạnh, ứng cử viên nào muốn được bầu thì phải đưa lập trường hoà bình, thịnh vượng ra cho rõ. Vị Tổng thống đương nhiệm thì phải hứa chắc chắn sẽ giải quyết những khó khăn mà vẫn giữ được danh dự, quyền lợi cho Mỹ. ứng cử viên đối lập thì đả kích, nói là Tổng thống đương nhiệm đã lầm lỡ và mình sẽ giải quyết tốt hơn. Phải chăng bài học Việt nam là Mỹ nên có nhiều đồng minh ủng hộ, cũng đang được áp dụng vào chiến tranh Vùng Vịnh hiện nay? Trong kỳ tranh cử 2004, cả hai ông Bush và Kerry đều có lập trường quốc tế hoá chiến tranh Iraq. Gần đến ngày bầu cử, vị Tổng thống đương nhiệm còn phải làm cho viễn tượng hoà bình được sáng tỏ lên. Cũng trong kỳ tranh cử năm 2004, vào mùa thu năm 2003, Chính phủ Bush đã tuyên bố là sẽ trao trả quyền hành cho Iraq vào cuối tháng 6, 2004, làm cho những người lãnh đạo mới của Iraq (được Mỹ ủng hộ) rất lo ngại, nhưng cũng phải đồng ý. Ảnh hưởng của bước đi này là làm giảm sự lo sợ của nhân dân Hoa kỳ về chuyện sa lầy. Rồi việc chuyển giao quyền hành lại cũng đã được thực hiện vào lúc bất ngờ: hai ngày trước ngày đã ấn định. Báo chí đăng tin rầm rộ. Gần đến ngày bầu cử, Toà Bạch Ốc lại tuyên bố sẽ rút mấy chục ngàn quân từ các địa điểm ngoại quốc về Mỹ. Washington còn công bố lịch trình bầu cử tại Iraq (cuối tháng 1, 2005). Phải có bầu cử thì mới có dân chủ. Như ở lên đã nhận xét, có dân chủ rồi thì việc trao trả lại trách nhiệm cho người bản xứ là việc dĩ nhiên. Bầu cử xong thì chẳng mấy lúc nữa, báo chí, chính khách Mỹ sẽ biện luận rằng: nước là của họ, Chính phủ là của họ, nhân dân là của họ, và an ninh là việc họ phải tự lo: phải "Iraq hoá" (như "Việt nam hoá"); Thứ tám, khi Hoa kỳ rút đi, nếu lực lượng đối nghịch chiến thắng thì rất có ít hy vọng là một số đông nhân dân của nước đồng minh sẽ được giúp di tản, và đó là bài học vào lúc sụp đổ của Miền Nam Việt nam. Tại sao như vậy? Thứ nhất, khi rút đi tức là đã có quyết định dứt điểm, và như vậy ít ai muốn sự có mặt của người tỵ nạn vì nó sẽ nhắc nhở mãi về quá khứ; thứ hai, ít nhà lãnh đạo nào muốn đưa thêm nhân lực vào Mỹ để cạnh tranh thêm về công ăn việc làm; và thứ ba, là ảnh hưởng về ngân sách. Phải chăng sự tốn kém vì chiến tranh Việt nam đã làm cho chương trình "Một xã hội vĩ đại" (The Great Society) của Tổng thống Johnson bị thất bại? Phải chăng những chi tiêu tại Iraq (vào thời điểm này tức là đầu 2005, cũng sắp sửa bằng tổng số chi ở Việt nam là 150 tỷ) đã làm cho ngân sách thêm khiếm hụt, và ảnh hưởng tới tất cả những chính sách đối nội như y tế, an sinh xã hội (health care, social security), giáo dục và giảm nghèo? Mệnh nước nổi trôi Sau cùng, là một suy gẫm hơn là một bài học, vì nó có tính cách siêu hình. Đó là, cũng như một con người, mỗi một quốc gia đều có một vận mệnh. Và mệnh nước thường hay nổi trôi! Suy như vậy vì tôi luôn có những câu hỏi không thể nào trả lời được, chỉ còn có cách nghĩ đến chữ "mệnh". Tại sao ở một cường quốc vĩ đại như Hoa kỳ, biết bao nhiêu người vừa tài, vừa đức, vừa có tâm, vừa có tầm mà lại không lên được tới địa vị quyền hành như ông Henry Kissinger? Tại sao Miền Nam lại gặp ngay một người quay quắt, thiếu lương tâm như ông này làm đạo diễn chính sách của Hoa kỳ về Việt nam trong gần sáu năm rưỡi, tức là gần một phần ba thời gian tồn tại của VNCH, và trên hai phần ba thời gian của Đệ Nhị Cộng hoà? Tại sao tới lúc Miền Nam lâm nguy, lại có một ông Tổng thống Mỹ quá yếu, ít kinh nghiệm ngoại giao như ông Gerald Ford? Và ông không bao giờ được nhân dân bầu lên. Ông vừa xin thêm quân viện, vừa tuyên bố là chiến tranh Việt nam đối với Hoa kỳ coi như đã xong rồi (ngày 23 tháng 4), ôn lại những bất hạnh, tôi thấy câu "Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí" là đúng, nhưng tại sao tai hoạ nó lại đến với Miền Nam một cách quá dồn dập vào lúc hoàng hôn: Vừa bị ép ký một hiệp định bất lợi thì bị cắt xén viện trợ; Còn được chút ít viện trợ kinh tế và quân sự, lại bị cú "sốc" siêu lạm phát (do chiến tranh vùng Vịnh) năm 1973 làm tiêu hao mãi lực của viện trợ; Tới khi viện trợ bị cắt hết, Miền Nam xoay đi vay tiền Quốc Vương xứ Saudi để mua tiếp liệu. Ông vua vừa đồng ý thì lại bị ngay người cháu mình hạ sát; ông nằm xuống vào đúng ngày cố đô Huế bị bỏ ngỏ. Thế rồi, vài ngày sau, một lãnh tụ ủng hộ VNCH tích cực, ông Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Đài Loan cũng ra đi về thế giới bên kia; Trên chiến trường, lúc bị tấn công, Ban Mê Thuộc gọi không quân đến yểm trợ. Phi vụ vừa tới thả bom thì một trái rơi trúng ngay Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23; Mất Ban Mê Thuộc, có lệnh rút Pleiku. Ngày 18 tháng 3, quân dân hoảng hốt rút trên con đường 7B đẫm máu. Vừa về tới Phú Bổn, lại bị kẹt ngay vì công binh chưa làm xong cây cầu nổi như đã dự tính: đoàn người di tản chịu thêm một trận pháo kích bên bờ sông Ea Pha (3). Sau này Tổng thống Thiệu kể lại cho tôi rằng ông vẫn còn thắc mắc về chuyện tại sao công binh không làm xong cái cầu nổi; Đại tướng Viên cũng cho rằng "Sư đoàn 320 của cộng sản sẽ không bao giờ truy kích kịp đoàn quân nếu chúng ta có được cầu qua sông thiết lập đúng lúc, và giữ được trật tự trong đoàn dân quân di tản" (4); vì cầu không xong, nên hai ngày sau mới rời được Hậu Bổn. Đoàn dân quân vừa tiến được chừng 20 cây số là khứng ngay, vì "trước mặt đoàn di tản là Phú Túc đã bị dịch chiếm". Khi không quân tới cứu,"một trái bom rơi vào đoàn quân đi đầu, gây thương vong cho gần một tiểu đoàn Biệt Động Quân" (5). Tôi đang dự một buổi họp đầy căng thẳng tại Dinh Độc Lập sau cuộc rút lui thảm hại này thì Đại tá Cầm (Chánh Văn phòng Tổng thống) bước vào đưa một tin bất hạnh. Ông Paul Léandri, trưởng phòng thông tấn xã Agence Francce Presse ở Sài gòn bị cảnh sát bắn chết! Léandri loan tin "có số lính người Thượng (Monltagnards) đã nổi loạn ở Hậu Bổn, chống lại quân đội VNCH". Nha cảnh sát mời ông đến để thẩm vấn. Sau vài tiếng đồng hồ bị giữ lại, Leandri bỗng nhiên bước ra khỏi phòng, nhảy lên xe và lái vút đi. Khi cảnh sát huýt còi ngừng, ông cứ tiếp tục phóng. Cảnh sát rút súng bắn vài phát vào bánh xe để giữ lại. Chẳng may một viên đạn lạc trúng ngay người. Leandri gục chết tại chỗ! Phóng viên ngoại quốc vô cùng phẫn uất, phản kháng kịch liệt. Trong một tình hình vô cùng bất lợi cho Miền Nam về tất cả mọi phương diện quân sự, chính trị, kinh tế, và bộ mặt Miền Nam đã bị bôi nhọ bởi những hình ảnh dã man, độc tài, tham nhũng, bây giờ hình ảnh Leandri bị bắn gục chết lại được phóng đi khắp thế giới! Tổng thống Thiệu nghe tin này đã tái mặt. Ông liền chấm dứt buổi họp. Mấy ngày hôm sau, trong một phiên họp khác ở Văn Phòng Thủ tướng, lại có tin chiếc máy bay vận chuyển C-5A chở đám trẻ em mồ côi vừa cất cánh ở Tân Sơn Nhất đã bị nổ tan? Chết trên 200 trăm em bé? Vào chính lúc đó lại đang có những chống đối ngay tại Washington về việc di tản người Việt nam. Ôi sao tin tức nó dồn dập, bi đát đến thế vào lúc con huyền Miền Nam nghiêng ngửa sắp chìm đắm. Suy gẫm như vậy, nhiều người trong chúng ta, trong đó có ác giả, vẫn còn tiếp tục đặt câu hỏi "Âu có phái là mệnh nước đến lúc suy tàn rồi chăg?". Chú thích: (1) New York Times, The Pentagon Papers, trang 309. (2) New York Times, The Pentagon Papers, trang 432. (3) William E. Legro, Vietnam from cease-fire to capitulation, trang 150. (4) Cao Văn Viên, Những ngày cuối của VNCH, trang 152. (5) Cao Văn Viên, Những ngày cuối của VNCH, trang 149. hết: Phần V - Chương 20, xem tiếp: Thay lời cuối
|