Home Lịch Sử VN Sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy Khi Đồng Minh Tháo Chạy - Phần V - Chương 18: Nhìn Lại Lịch Sử.

Khi Đồng Minh Tháo Chạy - Phần V - Chương 18: Nhìn Lại Lịch Sử. PDF Print E-mail
Thứ Ba, 25 Tháng 5 Năm 2010 01:55

 

Cuộc Chiến Việt Nam                                                                                                                                                                 

KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY

Phần V -Chương 18
NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Bao nhiêu trắc trở lúc ban đầu
Từ Vũng Tầu và các địa điểm khác, bao nhiêu ngàn người đang cố trèo lên những con thuyền đánh cá mỏng manh, liều mạng để tìm lối thoát mà cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu. Một số may mắn được tầu Mỹ vớt, một số khác hẩm hiu đã bị chìm đắm, trôi dạt trên đại dương. Được vớt rồi, như Đại sứ Martin đã điều trần trước Quốc hội, "vẫn không có chỗ nào cho phép họ tới một cách hợp pháp", vì ông chỉ được quyền tạm dung (parole Authority) cho nhập vào Mỹ là 50.000 người. Và dù quyền này, ông cũng chỉ nhận được bốn ngày trước chuyến ra đi cuối cùng (1). Đã không có chỗ nào cho họ đi vì ngoài việc Mỹ chấp nhận một số nhỏ này, các quốc gia láng giềng đã tránh né!
Mang họ đi đâu bây giờ?
Điều đáng buồn là trong số các nước đã thu được nhiều lợi nhuận vì cuộc chiến Việt nam, tới giờ phút chót lại tỏ ra thờ ở với tỵ nạn (trừ Singapore). Trên 150 tỷ đô la Mỹ tài trợ chiến tranh phần lớn đã được tiêu ngay ở Mỹ cho các hãng sản xuất quốc phòng; số còn lại được tiêu cho phần dịch vụ cung ứng tại các quốc gia Á Châu. Indonesia bán dầu lửa, nhiên liệu; Singapore bán súng M-16; Đài Loan bán quần áo quân đội, đồ hộp. Phillippines lắp ráp thiết bị, máy bay. Ngoài ra lại còn những chi tiêu cá nhân của quân đội Mỹ khi nghỉ phép tại các nước này.
Ông Martin đã kể lại rằng từ đầu tháng 4, khi có những chuyến máy bay quân sự từ sân bay Clark ở Phillippines bay vào Tân Sơn Nhất, Toà đại sứ đã tranh thủ những chuyến bay trở ngược về Clark để cho di tản một số người Việt. Thế nhưng, Phillippines đã chống đối việc này:
"Thoạt đầu, chúng tôi được bảo là phải mang họ trở về Việt nam ngay, vì Chính phủ Phillippines đang la lối om xòm…
Đầu tháng 4, Bộ Ngoại giao còn chỉ thị cho tôi là phải chấm dứt việc sử dụng những chuyến bay trở về (căn cứ Clark) như thế" (2).
Tới lúc di tản, khi cuộc "Hành quân gió nhanh" khởi sự, lúc đầu là gần 10.000 người đã được chở vội tới "Thành phố Lều, (Tent City) ở căn cứ Clark. Tổng thống Marcos lại lên tiếng phản đối. Mỹ phải dùng các máy bay vận tải quân sự C-141 và một số phi cơ 747 thuê của hãng American Airlines để chở họ gấp tới đảo Guam.
Sát cạnh Việt nam là Thái Lan cũng chống đối, và khi toán phi công Miền Nam cùng với gia đình và một số người khác tổng cộng là 2.000 tới căn cứ Utapao cùng với 130 chiếc máy bay đủ loại, Chính phủ Thái tuyên bố là đoàn người này phải rời lãnh thổ Thái nội rạng 30 ngày (3).
Chống đối: từ Pendleton đến trại Eglin
Nền kinh tế Hoa kỳ năm đó rất khó khăn. Thất nghiệp lên tới 9%, tức 8 triệu người, lạm phát cũng 9%. Vật giá đắt đỏ, khan hiếm. Người ta xếp hàng trước những trạm xăng và có lúc mỗi xe chỉ mua được 5 đô la xăng. Hãng Gallup cho làm một cuộc thăm dò dân ý, kết quả là 54% chống việc nhận người di tản Việt nam vào Mỹ, và 36% đồng ý (4).
"Hãy gửi đến cho ta những kẻ mệt nhọc, co cụm, những tướng lãnh của các người, những kẻ giàu có và được ưu đãi, những ké lưu manh, ma cô, và những cô gái bán bar, đang khao khát được thở không khí tự do…".
("Send me your tired and huddled masses, your generals, your wealthy and privileged classes, your crooks and pimps and bar girls, yearning to breathe free…) (5).
Một lần nữa, "Nữ thần Tự do" lại bị mang ra để phỉ báng đoàn người tị nạn một cách rộng rãi hơn. Trên đây là một câu nhại châm biếm (bắt chước câu thơ của bà Em ma Lauzarus) ghi dưới một hình hí hoạ do Pat Oliphant, nhà hí hoạ nổi tiếng, vẽ một đoàn di tản Việt nam đang xếp hàng đi qua pho tượng đứng bao dung ngoài cảng Manhattan. Hình này được in vào một số báo lưu hành trên toàn quốc.
Kể cả ngay sau khi chiếc máy bay khổng lồ C-5A chở đoàn cô nhi 300 người bị rớt và 206 bé em bị tử thương, vấn đề vận chuyển 2.000 trẻ em, "operation Babylift" cũng vẫn còn là một đầu đề tranh luận tại Mỹ. Tuy là một vấn đề nhân đạo và nhiều em là bé lai, vẫn có sự chống đối. Sau đây là mấy thí dụ do báo chí Mỹ ghi lại: (6)
Nghị sĩ Mcgovern, người đã ra tranh cử với Tổng thống Nixon năm 1972, đã đổ dầu vào lửa: "Tôi cho rằng người Việt nam sẽ được sung sướng hơn nếu ở lại Việt nam, kể cả lũ trẻ mồ côi kia".
Khi thấy đoàn người nghèo khó được ùn ùn chở từ Guam tới Camp Pendleton, các nhà lãnh đạo California- gồm cả Thống Đốc và hai Thượng Nghị sĩ - đều lên tiếng báo động! Bộ trưởng Y Tế và Xã Hội, ông Mario Obledo gửi ngay công điện cho ông Kissinger cảnh cáo rằng tiểu bang của ông khó có khả năng chấp nhận "những người tị nạn không nhà". Lý do là vì: "Cali đã có tới "952.000 người thất nghiệp, 2,4 triệu lãnh trợ cấp an sinh xã hội; 4 triệu sống gần mức nghèo khó, và 20 triệu người đã phải đóng thuế ở mức cao nhất mà một nền kinh tế tự do có thể chấp nhận".
Rồi tới bức thứ hai: "Cali còn có kế hoạch để cô lập hoá số 64.000 người ở hai trại cũ kỹ tại sa mạc Mojave tức Camp Pendleton) và thung lũng San Joaquin (Fort Travis)". Thấy Cali lo lắng, thị trưởng Chicago bàn thêm: "Đức bác ái phải được bắt đầu tại gia".
Một anh chàng quản lý một tiệm sách của tổ chức quá khích John Birch Society gần trại Eglin (Florida) còn lo ngại là bệnh tật nhiệt đới sẽ trôi nổi lên mặt biển". Phụ tá Báo chí Ron Nessen cũng kể lại mấy thí dụ về việc chống đối người tỵ nạn: (7)
Bên ngoài Fort Chattee (Arkansas), những người biểu tình còn mang bảng với khẩu hiệu "Hãy về đi!" (Go home!); "Thành phố da vàng" (Gooksville).
Câu chuyện khác: một người biểu tình ngoài Fort Chattee còn nói với anh nhà báo: "Người ta nói là ở đây lạnh lẽo hơn ở Việt nam nhiều. Với chút ít may mắn, có thể họ sẽ bị sưng phổi và chết đi".
Một ông thị trưởng ở thành phố gần căn cứ không quân Eglin, Florida đã nói với người quay phim hãng ABC: "Chúng tôi lo ngại chẳng những đối với những gì đang xảy ra chung chung, nhưng còn cả với những gì sẽ xảy ra cho cái bãi biển sạch sẽ của chúng tôi nữa".
Một may mắn: di sản của Mẹ
Cái khó khăn thực tế nhất vào những ngày đầu của là chuyện tiền bạc. Ngày 1 tháng 5, Hạ Viện đã bác đi số tiền 327 triệu đô la do Tổng thống Ford yêu cầu chuẩn chi cho dân tị nạn. Toà Bạch Ốc tuyên bố về việc này:
"Tổng thống đã rất buồn và bất mãn về hành động của Hạ Viện ngày hôm nay… Nó không xứng đáng với một dân tộc đã sống theo triết lý được tượng trưng bởi Nữ thần Tự do". (8)
Trung Tâm Định Cư ước tính là chỉ riêng nhu cầu ăn uống, tiện nghi, sức khoẻ cho một người trong trại cũng đã cần tới 15 đô la cho một người một ngày. Ngoài ra còn tiền chuyên chở (530) và tiền chi phí cho Cơ quan Thiện Nguyện (500). Thế nhưng Quốc hội đã không chấp thuận thì làm sao mà chi được?
Thật là may mắn: số tiền viện trợ của Mỹ cho VNCH còn lại chút ít. Bộ Ngoại giao, Quốc phòng có thể dùng để tài trợ vận chuyển, và lo an sinh cho đoàn người tị nạn lúc ban đầu. Để bạn đọc nắm được những dữ kiện tài chánh chung quanh việc di tản, và cũng là để tổng kết cho lịch sử về viện trợ của Hoa kỳ cho VNCH, tôi ghi lại kết toán trong bảng sau đây:
Số tiền viện trợ kinh tế còn lại ( triệu USD)




Trong sổ sách Hoa Kỳ vào ngày 30-4-1975


182

 
1. Chuyển cho Bộ Ngoại giao tài trợ di tản


58

 
2. Chuyển cho Bộ Tư Lệnh Hải vận quân sự (Military Sealift Command) và các cơ quan "Thiện nguyện di tản biển"


13

 
Còn lại vào ngày 31-5-1975


111

Quyết toán nguồn của số 111 triệu:




Ngân khoản tài khoá 1974 còn lại


(nghìn đô la)

 
1. Chương trình nhập cảng


21.150

 
2.Viện trợ nhân đạo


3.922

 
3.Viện trợ dự án


7.811

 
Cộng


32.883

Ngân khoản tài khoá 1975 còn lại (nghìn đô la)




1. Chương trình nhập cảng


40.260

 
2. Viện trợ nhân đạo


28.855

 
3. Viện trợ dự án


8.130

 
4. Chưa phân bổ


985

 
Cộng


78.230

Tổng cộng 111 triệu
Tất cả số tiền viện trợ kinh tế cho tài khoá 1975 còn lại vào ngày 30 tháng 4, 1975 là 182 triệu. Nếu lấy tổng số này mà chia cho 130.000 người thì: mỗi người đã nhận được 1.400 đô la, và đó là di sản của Mẹ. Khoản này đã giúp các cơ quan trung ương sử dụng được ngay để đáp ứng nhu cầu cấp thời. Tuy nó khiêm nhượng, nhưng đã giúp giải quyết những khó khăn lúc ban đầu. Vì nếu không có số này thì chắc chắn là cuộc di tản còn kẹt lớn, chưa chắc đã thực hiện được. Nó cũng đã mua được thời gian quý giá cho người tỵ nạn lúc bước vào miền đất mới.
Để khoá sổ, ta cũng nên biết tới số liệu của vấn đề gay go nhất lúc hạ màn, đó là viện trợ quân sự cho VNCH. Số tiền 700 triệu quân viện cho tài khoá 1975 còn lại vào ngày 30 nháng 4, 1975 là 12 triệu. Tất cả sòng phẳng là như vậy.
Nhìn vào số này ta mới hiểu rõ hơn về hoàn cảnh chính trị, quân sự, và nhất là tâm lý của VNCH khi thấy Ban Lãnh Đạo đảng Dân Chủ cả Thượng và Hạ Viện (lúc đó hợp vào trở thành đa số tại Quốc hội), trong buổi họp kín ngày 12 tháng 3 1975 đã phán quyết: không cấp thêm viện trợ quân sự cho VNCH nữa.
Số tiền 12 triệu còn lại cũng như 130 chiếc máy bay do phi công Việt nam bay sang Thái lan và các thiết bị, súng ống, đạn dược chưa chuyển tới Sài gòn hay đã mang ra khỏi hải phận, như một số chiến hạm, đều được thu về chủ quyền của Bộ Quốc phòng Mỹ:
"Hãy trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar", đó là lời Chúa.
Chú thích:
(1) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 544, 562.
(2) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 563.
(3) TIME (Magazine), 12 tháng 5, 1975, trang 24.
(4) TIME (Magazine), 12 tháng 5, 1975, trang 24.
(5) Nessen, It sure looks different from the inside, trang 115-116.
(6) TIME (Magazine), 12 tháng 5, 1975, trang 26; 5 tháng 5, 1975, trang 26.
(7) Nessen, It sure looks different from the inside, trang 115.
(8) Nessen, It sure looks different from the inside.
                                                                                                                                                          hết: Phần V - Chương 18, xem tiếp: Phần V - Chương 19