Cuộc Chiến Việt Nam KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠYPhần 1 - Chương 2 Kissinger, ông là ai? New York là thành phố "không bao giờ ngủ". Từng dẫy cao ốc chọc trời. Đường phố rộng thênh thang, xe cộ chạy như mắc cửi. Mỗi khi phải đi băng qua phố ở những chỗ không đèn báo hiệu là cả một vấn đề khó khăn. Nếu vì lý do gì lại phải đợi có ai đi qua để cùng theo thì lại càng mất thời giờ. Uy thế mà cậu bé Heinz luôn luôn làm như vậy. Mới lớn lên mà đã rất cẩn thận. Mỗi khi phải qua phố, cậu luôn chờ xem có đám trẻ nào đi qua thì mới theo sau. Cậu bé di cư từ làng Bavaria. Đầu Thế chiến thứ hai nhiều người gốc Do Thái từ nước Đức sang tìm tự do tại Hoa kỳ, trong đó có gia đình cậu Henry Kissinger. Tên thật của cậu là Heinz Alfred Kissinger. Heinz đổi ra Henry từ khi sang Mỹ. Sinh trưởng ở làng Bavaria, thuộc vùng Furth ngày 27 tháng Năm, 1923. Lên bảy, làng cậu đã bị đám thanh niên theo Hitler quấy nhiễu. Heinz và các bạn trẻ Do Thái bị trẻ con trong làng đánh đập thường xuyên (1). Cậu sợ đến nỗi là dù đã tới đất của Nữ thần Tự do rồi mà vẫn luôn luôn nhút nhát, lúc nào cũng giữ thế thủ. Gia đình cậu được di cư sang Mỹ vào tháng Tám, 1933. Thoát chết, vì chỉ ba tháng sau đó, trong một đêm gọi là "Đêm pha lê" (Crystal Night), đoàn "Thanh niên Hitler" cùng quân đội đã ào ạt tấn công một cách man rợ vào cư dân Do Thái khắp nước Đức. Trong số 3.000 dân Do Thái ở vùng Furth, chỉ còn đếm được có 70 người lúc chiến tranh kết thúc năm 1945.(2) Tới Mỹ, gia đình cậu Henry cư ngụ tại New York, sinh hoạt bình thường như những gia đình di cư khác. Ngay từ lúc còn học trung học, Henry đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc. Tiến sĩ Kissinger Trưởng thành, Kissinger đi quân dịch và nhập trại huấn luyện ở tiểu bang North Carolina vào tháng Hai, năm 1943. Tới tháng Sáu cùng năm ông được nhập tịch, trở thành công dân Hoa kỳ. Sau khi giải ngũ, Kissinger được nhận vào đại học Harvard. Và đỗ tiến sĩ với điểm ưu hạng. Vừa học giỏi, Kissinger lại được một giáo sư nổi tiếng là William Elliott đỡ đầu. Ông Elliott cho Kissinger đảm nhiệm chương trình "Hội thảo chuyên đề quốc tế Harvard" (Harvard International Seminar). Chương trình này được tổ chức vào mỗi mùa hè để các chính khách, học giả từ các nước tới trao đổi về các vấn đề quan trọng. Đây là cơ hội quý giá cho Kissinger gặp nhiều yếu nhân từ khắp nơi. Và ông bắt đầu được biết đến từ lúc đó (3). Năm 1957, ông cho xuất bản cuốn sách "Vũ khí nguyên tử và chính sách ngoại giao" (Nuclear Weapons and Foreign Policy), một cuốn sách được liệt vào hàng bán chạy nhất năm đó. Cuốn này phản ảnh tư tưởng của ông về sự xung đột liên tục trên thế giới giữa phe bảo thủ và phe cách mạng. Nhưng làm sao tránh được một cuộc chiến tranh nguyên tử toàn diện giữa Hoa kỳ và Nga Xô? Ông đề nghị một chính sách "chiến tranh nguyên tử giới hạn" để theo đuổi một mục đích cũng giới hạn. Đọc cuốn sách này, Nixon và đồ đệ của ông đã rất khâm phục (4). Cơ hội tiến thân Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968, ai là người đã cho phía Nixon biết hết những bí mật về kế hoạch của Tổng thống Johnson tại Hoà đàm Paris? Người đó chính là Kissinger (5). Ông có nhiều mối liên lạc với những chuyên gia về ngoại giao trong Chính phủ Johnson vì chính ông đã làm tư vấn bán thời gian cho họ về vấn đề Việt nam. Biết vậy nên ông Richard Allen, trong ban tham mưu về ngoại giao của ứng cử viên Nixon, đã liên lạc với Kissinger để dò xét xem phía Dân chủ đang mưu tính những chuyện gì về kế hoạch hoà bình. Kissinger liền xác định với Allen là mình có nhiều bạn bè và đồng liêu hiện đang làm việc ngay tại Hoà đàm Paris (bắt đầu từ tháng Năm, 1968). "Tôi có cách liên lạc với họ", Kissinger quả quyết. Và ông đã làm như vậy. Phía Nixon được ông khuyến nghị là phải đề phòng vì: "Johnson đang chuẩn bị ngưng dội bom, và sẽ tung con bài bất ngờ ra trước ngày bầu cử". Trong tập hồi ký, chính Nixon cũng xác nhận việc này và tiết lộ một văn thư của phụ tá Haldeman thuật lại báo cáo của Kissinger gửi ông Mitchell (người điều hợp ban tham mưu của Nixon rồi Tổng trưởng Tư Pháp) nói trước mưu lược của Johnson: "Nguồn tin của chúng tôi cho việc chống đối ngưng ném bom là không thực tế, nhưng khuyên ta phải để tâm tới sự kiện là việc đó có thể xảy ra - nghĩa là ta nên tiên liệu trước việc đó - và nhất định là ta phải chuẩn bị cho cái lúc mà việc đó xảy ra. Nguồn tin của chúng tôi vô cùng quan ngại về những nước cờ sắp tới của Johnson, và tiên đoán rằng Johnson sẽ có một hành động nào đó trước ngày bầu cử" (6). Bà Anna Chennault kể lại là vào thời điểm đó, bà đã không biết rõ "nguồn tin của chúng tôi" là ai. Mãi về sau này, ông Mitchell mới tiết lộ cho bà tông tích của "nguồn tin": đó là Henry Kissinger. Khoảng 12 giờ trước khi Johnson ngưng ném bom, Kissinger đã gọi cho Allen để thông báo một tin sốt dẻo: tại Paris, hai ông Harriman và Vance, lãnh đạo phái đoàn Hoa kỳ tại hoà đàm, đã mở rượu xâm banh ăn mừng rồi! Mọi vấn đề liên hệ đã điều đình xong, và việc ngưng ném bom sẽ được tuyên bố sớm (7). Về hành động này của Kissinger, ký giả Seymour Hersh (người nổi tiếng về tiết lộ vụ Mỹ Lai) bình luận: khi đem những thông tin từ Paris cho phía Nixon, không những Kissinger đã lạm dụng tình đồng liêu nhưng còn phản bội những người mà ông đã từng cộng tác về những cố gắng đàm phán bí mật" (8). Sau khi đăng quang, Tổng thống Nixon đã lựa chọn ông vào chức Cố vấn an ninh Quốc gia. Nixon viết thẳng ra trong hồi ký của ông rằng "Trong những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử, khi Kissinger cung ứng cho chúng tôi những tin tức về việc ngưng ném bom, tôi đã thấy được rõ hơn nữa, về sự hiểu biết sâu rộng và ảnh hưởng của ông ta… tôi có một trực giác mạnh về Henry Kissinger"(9). Trong cương vị Cố vấn của Tổng thống, Kissinger chẳng mấy lúc đã nắm được trọn quyền hành về ngoại giao, qua mặt cả Ngoại trưởng William Rogers. Và sau cùng, ngày 22 tháng Tám 1973, Tổng thống Nixon còn chọn ông làm Ngoại trưởng thay ông Rogers (từ chức ngày 16 tháng Tám). Và Kissinger đã trở thành người di cư đầu tiên lên tới chức vị này. Quan trọng hơn nữa, ông cũng là Ngoại trưởng đầu tiên kiêm cả chức Cố vấn Tổng thống về An ninh. Sau khi Nixon từ chức, ông Ford lên kế vị (ngày chín tháng Tám 1974), lại cũng tiếp tục bổ nhiệm Kissinger kiêm luôn hai chức như cũ. Tới tháng 11, 1975 (bảy tháng sau khi Miền Nam sụp đổ) ông Ford mới rút lại chức Cố vấn. Như Kissinger đã tự thuật sau này là: ông đã kịch liệt phản đối việc ấy vì làm cho người ta nghi ngờ về địa vị của ông. "Và trong mấy tuần, tôi còn có ý định từ chức nữa" (10). Trong tám năm trời và dưới hai thời Tổng thống, ông Kissinger đã nắm toàn quyền về ngoại giao Hoa kỳ. Chắc chắn lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng trong một thời gian là sáu năm ba tháng (lừ 20 tháng Giêng 1969 tới 30-4-1975), tức là gần một phần ba thời gian tồn tại của Việt nam cộng hoà, Kissinger đã đóng vai trò then chốt trong cả việc Mỹ tháo gỡ và việc Mỹ bỏ chạy ra khỏi Miền Nam. Chuyên gia tư vấn: từ Dân chủ sang Cộng hoà Tư vấn cho Đảng Dân chủ. Đầu thập niên 1960, Kissinger theo đảng Dân chủ và được làm tư vấn bán thời gian cho bộ Ngoại giao về vấn đề Âu châu thời Tổng thống Kennedy. Tới thời Tổng thống Johnson, ông còn tư vấn thêm cả về vấn đề Việt nam, đặc biệt là trong một công tác được gán hiệu là "Pennsylvania". Trong khi tham dự nhiều hội nghị quốc tế tại Paris, Kissinger có gặp một nhà vi trùng học người Pháp tên Herbert Marcovich. Marcovich cho biết ông có người bạn, một kỹ sư tên Raymond Aubrac, là chỗ quen biết với ông Hồ Chí Minh. Rất bén nhạy, Kissinger về Washington thuyết phục các cấp trên của ông dùng Aubrac làm đường dây với Hà Nội để điều đình. Chính phủ Johnson đồng ý và ngày 21 tháng Bảy 1967, hai người Pháp cùng với Kissinger bay ra Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng (11). Và đó là "Pennsylvania", nguồn gốc của hoà đàm. Tháng Năm 1968, Cyrus Vance, đại diện Hoa kỳ và Hà Văn Lâu, đại diện Hà Nội đến họp tại Paris để thảo luận về chi tiết những cuộc hoà đàm về chiến tranh Việt nam. Tư vấn cho Đảng Cộng hoà. Khoảng năm 1964, Kissinger đổi sang Đảng Cộng hoà. Trước hết là tư vấn cho Nelson Rockefeller, đối thủ của Richard Nixon. Nhà triệu phú Rockefeller, thống đốc tiểu bang New York, đã tuyển ông làm tư vấn về ngoại giao khi ra cạnh tranh với Nixon trong chức ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà. Thời đó, Kissinger rất khinh miệt Nixon, cho ông này là người "nông cạn, tham quyền, chống cộng quá khích và có thể đưa Mỹ tới đụng độ nguyên tử với Nga Xô và Trung Cộng". Ông còn nói với phe chống Nixon trước ngày họp Đảng "Con người Nixon đó không thích hợp để làm Tổng thống". Để thuyết phục, ông thêm: "Trong ngần ấy những người ra tranh cử, Richard Nixon là con người nguy hiểm nhất nếu trở thành Tổng thống". Thế nhưng, tại Đại hội đảng Cộng hoà, ngày 8-8-1968, ông Nixon được Đảng lựa chọn. Khi thấy Rockefeller thất bại ngay lần bỏ phiếu đầu với số phiếu 277 so với 692 cho Nixon, Kissinger vô cùng buồn bã. Người ta kể lại rằng ông đã khóc. Ông còn nói: "Cái ông đó hả, ông ta không có quyền để cai trị"(12). Nhảy sang tư vấn cho Richard Nixon. Khinh miệt Nixon như vậy, mà khi ông này vừa được đảng Cộng hoà tuyển chọn, Kissinger xoay chiều ngay. Dù biết rằng Kissinger coi thường cấp trên của mình, ban tham mưu của Nixon cũng nhận ra tài năng của ông ta. Chính ông Nixon cũng biết về thái độ thù nghịch của Kissinger, nhưng ông cho rằng đó chỉ là chuyện chính trị trước bầu cử (13). Phía Cộng hoà liền đề nghị Kissinger cộng tác để làm việc cho đảng trong kỳ tuyển cử tới. Kissinger vui vẻ quá sức. Người ta cho đây là "cơ hội chủ nghĩa" ở đỉnh cao nhất của nó (14). Lúc đó, Nixon đang cần có một nhà tư tưởng, nhà quân sư như Mcgeorge Bundy, Arthur Schlesinger của Kennedy hay Walter Rostow của Johnson. Là một luật sư, tuy có nhiều kinh nghiệm thực tế về chính sách vì đã làm Phó Tổng thống thời Eisenhower, nhưng ông Nixon thiếu cách diễn tả lưu loát về ngoại giao và những quan niệm về cơ cấu quy mô của chính trị toàn cầu. Về điểm này, chúng tôi cũng có nhận thức được phần nào, khi nghe ông Nixon tranh luận với ông Kennedy vào lúc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11, năm 1960. Ngồi trong gian phòng giải trí dành cho sinh viên tại đại học Virginia, tôi được xem cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tại nước Mỹ trên truyền hình, tuy là TV đen trắng và nhỏ xíu. Chắc là ông Kennedy có những cố vấn ở đại học Harvard luyện cho trước cuộc tranh cãi, nên ăn nói lưu loát và bình luận về ngoại giao ở tầm lý thuyết cao. Còn ông Nixon thì mắt cứ chớp chớp, chỉ chống chế cho thành tích ngoại giao dưới thời Eisenhower. Sau cùng Nixon đã thất cử năm đó. Tư vấn cho hai Đảng một lúc Trong kỳ bầu cử 1968, khi Henry Kissinger ngấm ngầm làm việc với phía Cộng hoà qua Richard Allen, ông lại tiếp tục cộng tác với phía Dân chủ qua Zbigniew Brzezinski, người điều hợp về ngoại giao cho Humphrey. Tác giả Seymour Hersh trong cuốn The Price of power có dẫn chứng là Ted van Dyke, viên phụ tá thân cận của Humphrey có xác nhận chính ông đã là người tiếp nhận bức thư Kissinger viết cho. Humphrey vừa chỉ trích Nixon vừa xin tình nguyện làm việc với Chính phủ Humphrey. Trong một cuộc điện đàm với Brzezinski, Kissinger cho biết là ông có thể đưa cho xem cả hồ sơ riêng của Rockefeller về Nixon. Theo như lời Kissinger, đó là những "hồ sơ nhơ bẩn" (shitfiles) của Nixon (15). Và ông cứ đi hàng hai như vậy cho tới giữa tháng Chín khi những cuộc thăm dò dân ý cho biết Nixon đã bỏ xa Humphrey, lúc đó ông mới tỏ rõ thái độ, nghiêng hẳn về Nixon. Khi Brzezinski gọi điện thoại tới văn phòng Kissinger để hỏi xin hồ sơ này, cô thư ký trả lời: "Như ông đã biết, tiến sĩ Kissinger bây giờ đang làm việc cho ông Nixon rồi". Và từ đó phía Humprey không nghe thấy gì về "shitfiles" của Nixon nữa (16). Vào đầu thập niên 1990, khi tôi có dịp quen biết với Richard Allen (trước đó là Cố vấn an ninh cho Tổng thống Reagan), trong cương vị là thành viên của Hội đồng quản trị Trung tâm nghiên cứu Á Châu (Asian Studies Center tại Heritage Foundation) do Allen làm Giám đốc, tôi tò mò hỏi xem ông nghĩ sao về việc đã giới thiệu Kissinger cho Nixon, Allen nhún vai, lắc đầu, như hối tiếc đã giúp cho tham vọng của ông này. Lên chức Cố vấn Tổng thống Ngày 27 tháng 11, 1968, sau khi Nixon thắng cử, ông John Mitchell mời Kissinger tới căn phòng của Nixon ở lầu 39 khách sạn Pierre, New York để gặp Tổng thống tân cử. Nơi đây Nixon mời Kissinger làm Phụ tá an ninh quốc gia. Vui vẻ quá sức nhưng ông vẫn tỏ vẻ ngần ngại, nói là cần có thời gian để suy nghĩ. "Được rồi, một tuần", Nixon trả lời. Kissinger về hỏi ý kiến Rockefeller. Ông này đồng ý để tiến cử đệ tử mình. Ngày 20 tháng Giêng 1969, Nixon đăng quang, dọn vào Bạch Ốc. Kissinger dọn vào theo (17). *** Tổng thống Nixon là người muốn thành công ở lãnh vực ngoại giao nên muốn tập trung chính sách ngoại giao của Hoa kỳ vào toà Bạch Ốc, chứ không giao cho Ngoại trưởng như Tổng thống Eisenhower đã giao cho ông John Foster Dulles. Và như vậy cũng rất khôn ngoan. Quyền lực và danh vọng của một Tổng thống Mỹ thực ra chỉ được biểu lộ trong lãnh vực đối ngoại. Truman thả bom nguyên tử ở Hiroshima, Kennedy cho chiến hạm trực chỉ Cuba ép Krutschev gỡ hoả tiễn về. Và ngày nay, ông Bush Cha thả bom Baghdad, bắt Iraq rút khỏi Kuwait; ông Bush Con, đánh đuổi Taliban và Al Qaeda khỏi Kabul. Rồi chiếm Iraq, lại bắt được Saddam Hussein trốn trong hầm. Ngay chính bản thân Nixon, khi làm Phó cho Tổng thống Eisenhower cũng đã chỉ nổi tiếng về vụ "Kitchen Debate", đốp chát với Krutschev ở trong một khu trưng bày đồ gia dụng nhà bếp tại hội chợ quốc tế ở Moscow. Bây giờ lên dài, Nixon phải sáng chói. Cũng chỉ trong lãnh vực ngoại giao thôi. Vì trong thời hiện đại, có Tổng thống Mỹ nào nổi tiếng về vấn đề nội trị đâu? Nền kinh tế Mỹ như cái máy tự động, khổng lồ, chỉ làm sao đừng bị lạm phát (dưới 4%), giữ thất nghiệp cho thấp (khoảng 5%) là tốt rồi, đâu có làm phép lạ được. Xã hội thì đã có nền nếp; luật pháp thì đã thành khuôn, chắc như đanh đóng cột. Khó mà làm được gì nổi bật trong địa hạt chính sách đối nội. Ngược lại chỉ thấy nhức đầu: tăng thuế cũng bị chửi, giảm thuế cũng bị la. Tổng thống Johnson đã hái được nhiều thành quả trong nước, đặc biệt là đã để ý tới vấn đề xoá đói giảm nghèo, công bình xã hội, nhưng lại thất bại về mặt ngoại giao là chiến tranh Việt nam, nên rồi cũng chẳng đi đến đâu. Hiện giờ (2005) Tổng thống George Bush vừa thắng nhiệm kỳ hai, ông đặt ưu tiên cho chính sách đối nội là sửa đổi lại hệ thống "an ninh xã hội" (so- cial security system), nhưng rồi cũng sẽ gặp nhiều chống đối, và dù đa số ở Quốc hội là Cộng hoà, ông cũng sẽ phải đi đến thoả hiệp nếu muốn thành công. Và sau cùng thì kết quả về chiến tranh Iraq cũng vẫn là yếu tố quan trọng xác định địa vị của ông trong lịch sử. Công cụ của quyền hành Hiểu rõ nhu cầu của Nixon cần có thành quả ngoại giao, Kissinger lại có trong tay một cơ hội bằng vàng: đó là quyền điều khiển toàn bộ nhân viên làm việc cho "Hội đồng an ninh quốc gia" (National Security Council - NSC). Ông liền đưa ra một đề nghị để Nixon cho phép ông sửa đổi nó lại theo ý ông (18). NSC được thành lập từ 1947 để giúp Tổng thống điều hợp các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Về thực chất nó rất lỏng lẻo. Tôi còn nhớ từ khi du học ở Mỹ, dù là dưới thời Eisenhower, Kennedy hay Johnson, mỗi khi truyền hình chiếu những biến cố ngoại giao quan trọng vào phần tin buổi chiều thì đều thấy Ngoại trưởng hoặc Tổng trưởng quốc phòng lên trình bày. Bây giờ được Nixon ủng hộ, Kissinger sắp xếp lại để nó trở thành một công cụ tập trung quyền hành. Guồng máy NSC được sửa lại thì giống như cái máy sàng lọc, mọi hồ sơ phải qua đây thì mới tới được bàn giấy Tổng thống. Ba cơ quan Ngoại giao, Quốc phòng, CIA có trách nhiệm phải nộp cho NSC các đề nghị về những giải pháp được cân nhắc kỹ lưỡng. Dựa theo đó, nhân viên làm việc tại NSC phải trình bày cho Tổng thống những lựa chọn và hậu quả về mỗi giải pháp và cho từng vấn đề. Sự sắp xếp lại NSC cho phép Kissinger đóng hai vai trò: một là người điều hợp, tập trung các phân tích, đề nghị của các bộ về lãnh vực an ninh; hai là làm cố vấn cho Tổng thống về ngoại giao. Là người điều hợp, ông có quyền sàng lọc, thâu tóm các đề nghị. Quyền sàng lọc là quyền vô cùng quan trọng. Những điểm gì mình không thích hay không đồng ý thì có thể làm nhẹ đi, giảm tầm quan trọng của nó xuống, hay chỉ nói phớt qua thôi. Ảnh hưởng của cố vấn cũng lợi hại. Có nửa ly rượu: nói đầy nửa ly cũng đúng hay vơi nửa ly cũng đúng, kiểu nào cũng được. Miễn là gần kề Tổng thống. Bộ Ngoại giao đã hết sức bất mãn, cho rằng Kissinger đã độc quyền hoá lãnh vực ngoại giao, nắm trọn vẹn quyền hạn đến nỗi một bộ lớn với 12 ngàn nhân viên, mà chỉ còn vai trò sắp xếp giấy tờ, hồ sơ. Nghị sĩ Stuart Symington còn bàn thêm rằng "Kissinger đã thực sự là Ngoại trưởng, trừ cái tên đó thôi" (18). Tài nghệ ông Phụ tá Ngoài tài ba về chính trị, ông Kissinger lại có tài hùng biện, rất khéo chơi chữ để nói quanh co. Chúng tôi còn nhớ có đọc một bài báo (mà không nhớ xuất xứ từ đâu) nói về điểm này và cho là Kissinger có nghệ thuật "làm sao không nói sự thực mà lại không là nói dối" ("how not to tell the truth with- but really lying"). Ông H. R. Haldeman, Đổng lý Văn phòng cho Tổng thống Nixon kể lại một câu chuyện khôi hài về tài của Kissinger. Hồi tháng 12, 1972, chính Kissinger là người đề nghị Nixon cho ném bom Bắc Việt vì ông đã tuyên bố "hoà mình đang trong tầm tay" (peace is at hand) hai tháng trước đấy mà bây giờ theo như ông nói, Hà Nội đã bội ước. Thế mà làm sao nhà báo James Reston lại viết trên tờ New York Times trái ngược lại. "Không thấy Kissinger nói gì công khai về vụ thả bom Bắc Việt cả, một hành động mà không hồ nghi gì là chính ông ta đã phản đối". Nixon phẫn nộ, chỉ thị Haldeman tìm hiểu xem "Henry làm cái trò gì vậy" (find out what the hell Henry s doing"). Khi Haldeman hỏi, Kissinger đã chối phắt là ông đã chẳng nói với "bất cứ ai" về vụ thả bom. Ông quả quyết: "Tôi không cho ông Reston cuộc phỏng vấn nào cả. Sau đó Haldeman cho điều tra kỹ lưỡng và thấy rõ ràng là Kissinger đã nói chuyện với Reston. Quay lại cật vấn ông ta, Haldeman hỏi: "Ông nói với chúng tôi là ông đã không cho Reston cuộc phỏng vấn nào cả thế mà thực sự ông đã nói hết với ông này!" "Đúng, nhưng đó chỉ là qua điện thoại", - Kissinger trả lời. Haldeman bình luận: "Vâng, chỉ qua điện thoại thôi (chứ đâu có gặp mà phỏng vấn). "Bất cứ học giả nào muốn xem nhà ngoại giao Henry giỏi đến thế nào thì nên phỏng vấn tất cả những người đã làm việc với ông ta tại Toà Bạch Ôc" (19). Cứ xem cách ông chơi chữ trong các văn bản, cách đối đáp, biện luận, từ những cuộc thương thuyết tới hồi ký hay họp báo, ta cũng thấy rõ cái tài năng này. Sau đây là vài thí dụ. Như sẽ thuật lại trong Chương 11, về cuộc họp báo của Kissinger sau Hiệp định Paris: Hỏi: Có nghị định thư nào (protocols) đã được thoả thuận (với Miền Nam) không? Đáp: Không có sự thông cảm (understanding) bí mật nào hết. Đúng, Kissinger chỉ chối đi là không có sự thông cảm, hiểu ngầm nào chứ đâu có chối là không có nghị định thư? Câu chuyện khác. Có lần Tổng trưởng quốc phòng Melvin Laird (người điều khiển chương trình "Việt nam hoá" thời Nixon) khi được chúng tôi hỏi về chuyện ông không biết gì đến những mật thư của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu, ông Laird trả lời: "Có lần tôi hỏi ông Kissinger tại sao không đưa cho tôi xem mấy lá thư đó, thì ông ta trả lời "Ồ, đó chỉ là một vụ qua lại giữa Tướng Haig và Tổng thống Thiệu". Tướng Haig có lui tới Dinh Độc lập để trao đổi qua lại với ông Thiệu, nhưng thực ra ông chỉ là người đưa những bức thư do Kissinger thảo cho Nixon mà thôi. Rồi đây tôi nhớ tới câu chuyện tiếu lâm mà ta đều đã nghe lúc còn nhỏ, về cậu bé láu lỉnh. Có cậu học trò đánh rắm trong lớp học. Thầy đồ hỏi: - Chi kêu đó bay? - Lạy thày cóc kêu. - Cóc kêu sao thối? - Lạy thày cóc chết, - Cóc chết sao kêu? - Lạy thày hai con". Một biệt tài khác của Kissinger có tính cách quyến rũ: đó là luôn luôn nói với đối tác của mình trong các cuộc thương lượng rằng chỉ mình ông mới là người đứng về phía họ. Tổng thống Thiệu cũng như Ngoại trưởng Trần văn Lắm thường hay nói chuyện về điểm này. Ở Paris, theo Đại sứ Phạm Đăng Lâm, Kissinger lúc nào cũng muốn chứng tỏ ông là người ủng hộ VNCH mạnh nhất trong Chính phủ Nixon. Ký giả Matti Golan trong cuốn "The Secret Conversations of Henry Kissinger" (Những đối thoại bí mật của Henry Kissinger) còn nhớ như in rất rõ về đặc tính quyến rũ này của Kissinger trong một lần cuộc thương thuyết với Do Thái và các nước trong khối Ả Rập. Ông luôn nói với lãnh đạo Do Thái rằng chỉ có ông mới là Đồng minh, là bạn của họ ở Washington (20). Đơn thương độc mã Khi ra tranh cử, Nixon hứa là sẽ giải quyết chiến tranh Việt nam trong danh dự. Kissinger biết bản tính của ông Nixon cũng rất là thực tế "realpolitik", đặt nặng quyền lợi chứ không phải là luân lý, ý thức hệ, hay đạo đức. Bởi vậy ông bám chặt vào đó để thuyết phục Nixon cho ông làm sao thì làm, miễn có kết quả là được. Nixon đồng ý. Và trên thực tế đã trao toàn quyền giải quyết chiến tranh Việt nam cho ông. Trong cuốn sách nổi tiếng "A World Restored" (Một thế giới được phục hồi), một tập nghiên cứu về Metternich lúc còn ở Harvard, Kissinger có viết: "Chính khách phải hành động như thể là trực giác của mình đã là kinh nghiệm, như thể là khát vọng của mình đã là chân lý rồi" (21). Metternich là một Hoàng tử người Áo, đã cùng với Lord Castlereagh (Ngoại trưởng Anh) giúp sắp xếp lại trật tự ở Âu châu (Hội nghị Vienna (1814-1815) sau khi Napoleon bại trận ở Nga vào mùa đông 1812. Hai người này, đã không ngần ngại dùng mọi đòn phép và làm mọi việc trong vòng bí mật để tới được mục đích. Tôi nghĩ lập luận như thế này thì không ổn. Trong thời hiện đại, nếu những chính trị gia của các cường quốc, nắm quyền hành trong tay, mà lại quá tự kiêu, làm mọi việc trong vòng bí mật, và nghĩ rằng "những khát vọng của mình đã là chân lý rồi" thì thật là nguy hiểm cho thế giới! Đơn thương độc mã là bản tính của Kissinger và ông rất tự hào về điểm đó. Trong một cuộc phỏng vấn với nữ ký giả người Ý, bà Oriana Fallaci, ông giải thích rằng sở dĩ ông có sức mạnh là nhờ ở lối hành động một mình: "Điểm chính là lúc nào tôi cũng hành động một mình. Người Mỹ thích cái đó vô cùng. Người Mỹ thích hình ảnh một gã chăn bò dẫn đầu một toán di dân, một mình trên lưng ngựa, đi đầu, thủng thẳng tiến vào một tỉnh lỵ, một thị xã; chỉ mình với ngựa thôi, không có gì khác. Có thể là không có cả súng nữa, là vì gã ta không cần bắn. Gã chỉ hành động bằng cách là ở đúng chỗ, vào đúng lúc, thế thôi. Nói gọn hơn, gã là một cao bồi (Westem)"(22). Chắc ông muốn nói tới cuốn phim "High Noon", có chú cao bồi cỡi ngựa, lững thững đi một mình vào giữa phố mà ai cũng hãi sợ. Giờ đây, ông muốn một mình một ngựa để đưa Hoa kỳ ra khỏi Việt nam. Chướng ngại vật đối với ông là bộ Ngoại giao. Vì vậy, không biết ông thuyết phục thế nào mà Nixon đã gạt phắt Ngoại trưởng William Rogers ra ngoài. Trong cuốn hồi ký "Những năm biến động" (Years of Upheaval), Kissinger viết: "Tổng thống Nixon đòi hỏi là tất cả những sáng kiến ngoại giao quan trọng đều phải phát xuất từ Bạch Ốc; ông ta đã loại trừ bộ Ngoại giao và Ngoại trưởng, ông William P. Rogers ra khỏi những quyết định chủ chốt một cách liên tục và đôi khi còn có lính cách hạ nhục" (23). Đẩy được bộ Ngoại giao ra là hết bị vướng víu về bàn cãi, bất đồng ý kiến, thủ tục rườm rà, quan liêu. Từ đó, Kissinger lại có thể sắp xếp mọi chuyện. Đây là một cung cách thật lạ lùng! Nó rất "un-american", không Mỹ chút nào. Ở trong một nền dân chủ, tính chất "minh bạch" (transparency) là điều cẩn thiết. Cái gì không trong sáng thì không thể kéo dài được lâu. không có tính cách bền vững (sustainabihty). Ngoài ra, chính sách hay lập trường đều đòi hỏi phải có "consensus", sự đồng thuận của số đông. Muốn vậy, phải ngồi lại bàn bạc. Ba cái đầu phải to hơn một cái. Từ quản trị một công ty tới một hội, một nhà thờ, một trường tiểu học, bao giờ cũng có những buổi mít tinh để bàn cãi, bỏ phiếu, lấy quyết định. Làm sao một chuyện đại sự quốc gia, có tới bốn Tổng thống Mỹ dính vào mà Kissinger lại đòi giải quyết một mình? Ấy thế mà Nixon đã khoán trắng Miền Nam cho ông. Ông Jun Tsunoda, Cố vấn cho bộ Ngoại giao Nhật cũng đã phải phàn nàn: "Công tác ngoại giao trong một thế giới phức tạp như ngày nay là một công việc quá lớn lao để giao cho một người tự mình hành động" (24). Ba tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Nixon cho Kissinger sang Moscow tranh thủ sự giúp đỡ của Nga Sô để lập thêm một ngả thương thuyết riêng biệt, tách rời khỏi Hoà đàm Paris. Kissinger gặp Ngoại trưởng Nga Gromyko và trao cho ông ta một thông điệp (25): "Tổng thống (Nixon) sẵn sàng thăm dò những con đường khác ngoài khung cảnh đàm phán hiện tại. Điều đáng mong muốn là những người thương thuyết phía Hoa kỳ và Bắc Việt có thể gặp nhau tách biệt ra khỏi khuôn khổ hoà đàm Paris để bàn về những nguyên tắc tổng quát cho một giải pháp. "Nếu những người thương thuyết đặc biệt của hai bên Hoa kỳ và Việt nam dân chủ cộng hoà có thể đi tới một Hiệp định trên nguyên tắc, thì vấn đề đàm phán cuối cùng về kỹ thuật sẽ được trao lại cho hoà đàm Paris". Ký tắt RN (Richard Nixon). Dĩ nhiên là Gromyko vui lòng giúp, và Kissinger đã thành công trong việc lập ra một hoà đàm sau hậu trường, do chính ông điều khiển. Ngày 23 tháng Bảy 1969, nhân dịp phi thuyền Apollo của Mỹ vừa thành công lên cung trăng và sắp đáp xuống Thái Bình Dương, Tổng thống Nixon bay sang Guam để mừng và bắt đầu chuyến công du Á châu gồm Phillippines, Indonesia, Thái Lan, Nam Việt nam, India, Pakistan, Romania, và Anh Quốc. Nixon thuật lại: "Chuyến đi đã cho một cơ hội hoàn toàn nguỵ trang cho Kissinger gặp gỡ với phía Bắc Việt. Kissinger được sắp xếp cho đi Paris bề ngoài là để trình bày cho quan chức Pháp kết quả chuyến đi của tôi, nhưng đang khi đó ông ta sẽ gặp ông Xuân Thuỷ" (26). Ông Xuân Thuỷ là đại diện của Bắc Việt tại Hoà đàm Paris. Được biết về chuyến đi này, Tổng thống Thiệu có mời Nixon ghé thăm Sài gòn để làm một cử chỉ ủng hộ Việt nam cộng hoà. Dường như để đền đáp công ơn của ông Thiệu trong kỳ bầu cử, Tổng thống Nixon đã quyết định vào giờ chót là sẽ viếng thăm dinh Độc Lập với Kissinger tháp tùng. Trong phiên họp làm việc, "Ông Nixon chỉ nói tới những khó khăn trong nước mà ông đang gặp phải", ông Thiệu kể lại. "Ông yêu cầu tôi tiếp tay và nói: "Hãy giúp chúng tôi để chúng tôi giúp các ông" và tôi đáp: "Chúng tôi sẽ giúp ông để ông giúp chúng tôi". Tuy nhiên, Nixon vẫn khẳng định lại lập trường rút quân trên căn bản song phương: cả quân đội Hoa kỳ lẫn quân đội Bắc Việt đều rút, và lịch trình rút quân còn tuỳ vào khả năng tự vệ cũng như mức độ viện trợ quân sự và kinh tế cho Miền Nam. Sau khi nâng ly sâm banh chúc tụng cho Việt nam cộng hoà, các động cơ trực thăng bắt đầu nổ, cánh quạt quay ầm ầm mỗi lúc một nhanh, như để khẳng định lại một lần nữa sức mạnh và sự hiện diện của Hoa kỳ tại Miền Nam. Ông Thiệu tới đưa Tổng thống Nixon và ông Kissinger ra bãi phi cơ đậu trên cỏ trước dinh Độc Lập. Mỉm một nụ cười, ông giơ tay vẫy chào tạm biệt lúc chiếc trực thăng của Tổng thống Hoa kỳ bốc thẳng bay nhanh về hướng Bắc, lướt qua những mái nhà đỏ của thành phố. Ngày hôm đó, 30 tháng Bảy 1969, Nixon đã không hề tiết lộ cho ông Thiệu biết rằng ngay sau khi từ biệt, Kissinger đã trực chỉ qua Paris gặp gỡ phái đoàn Bắc Việt. Và từ giờ phút đó cho tới 10 giờ sáng ngày 30-4 tức là trong gần hai phần ba thời gian của Đệ nhị Cộng hoà, Kissinger đã một mình thao túng chính sách Hoa kỳ về Việt nam. Trong cương vị đó, ông đã có những hành động gian dối với Đồng minh, dấu giếm Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ, như được chứng minh trong cuốn sách này. Gần đây (năm 2001), một nhà báo, ông Christopher Hitchens, đã viết cuốn sách tựa đề "Xét xử Henry Kissinger (The Trial of Henry Kissinger) đem ra đầy đủ bằng chứng dựa trên những tài liệu mới được giải mật, về những sự lạm dụng quyền hành, và những hành động thiếu lương tâm mà Kissinger đã hành xử đối với các nước Đồng minh, ngoài các nước Đông Dương, còn có Chile, Bangladesh, Santiago, Nicosia và East Timor (27). Đối với Miền Nam, có thể là ông đã hối hận phần nào, nên năm năm sau ngày Miền Nam sụp đổ, vào đầu năm 1980, ông có viết một thư riêng cho Tổng thống Thiệu (xem cuối chương II và Phụ lục E): "Tôi không trông đợi sẽ thuyết phục được Ngài. Ít nhất tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng hối hận và kính trọng vẫn còn của tôi". Chú thích (1) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 42. (2) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 42-46. (3) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 49. (4) Richard Nixon, Memoiry, trang 340; về cuốn Nuclear Weapons and Foreign Policy, nên đọc thêm: Warren G. Nutter, Kissinger Grand Design, trang 43-48. (5) Anna Chennault, do Seymour Hersh trích dẫn trong The price of power, trang 22. (6) Richard Nixon, Memoiry, trang 324. (7) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 20. (8) Seymor Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 13. (9) Richard Nixon, Memoiry, xem Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 24. (10) Henry Kissinger, The White House years, trang 437. (11) Marvin Kalb and Bernard Kalb, trang 86. (12) Marvin Kalb and Bernard Kalb, trang 29. 25-26 (13) Richard Nixon, Memoiry, trang 340. (14) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 29. (15) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 21 (16) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 14. (17) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 35. (18). Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 481. (19) H.R. Haldeman, The End of power, trang 143. (20) Matti Golan, The Secret Conversations of Henry Kissinger (21) Henry Kissinger, A World Restored, trang 329. (22) Oriana Fallaci, Interview With History, trang 40-41. (23) Henry Kissinger, A World Restored, trang 414. (24) TIME (Magazine), "The Dilfìculty of being Henry Kissinger" (The Nation), 21 tháng 4, 1975. (25) Richard Nixon, Memoiry, trang 391. (26) Richard Nixon, Memoiry, trang 394. (27) Bạn đọc có thể vào Internet/google để tìm đọc về cuốn này. hết: Phần I - Chương 2, xem tiếp: Phần I - Chương 3
|