Home Lịch Sử VN Khảo Cứu 55 Năm Sau Nhìn Lại: Cách Mạng Hay Cướp Chính Quyền

55 Năm Sau Nhìn Lại: Cách Mạng Hay Cướp Chính Quyền PDF Print E-mail
Tác Giả: LS Trần Thanh Hiệp   
Thứ Sáu, 03 Tháng 8 Năm 2012 08:29

Cuối thập niên 80, cũng vào dịp này, tôi có viết một bài báo ngắn bàn về chính biến mùa Thu năm 1945, ở Việt Nam, thường được gọi là cuộc Cách mạng tháng Tám. Theo cách nhìn của tôi, đó không phải là cách mạng mà chỉ là cướp chính quyền cho riêng những người cộng sản.

Một người bạn tôi, nửa đùa nửa thật, nói bằng tiếng Pháp để phê bình: “c’est de l’anti-communisme intégral tout craché” (hiểu một cách nôm na: “rõ ràng là chống cộng cùng mình, suốt mặt, cực đoan). Tôi không trả lời, để bụng xét lại, tự hỏi xem mình có thật bị khuôn đóng trong cái nhìn nhị phân (binaire) quốc-cộng máy móc hay không?

Từ bấy đến nay, tôi có dịp tiếp thu thêm nhiều ý kiến khác, thâu thập qua nhiều nguồn thông tin – tài liệu viết, tài liệu nói – do một số nhân chứng lịch sử cung cấp như Vua Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Nguyễn Xuân Chữ, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Đình Hòe, Phạm Khắc Hòe, Lê Văn Tiến, v.v… Ngoài ra tôi còn đặc biệt chú ý đến những khám phá mới, xuất phát từ nhiều công trình nghiên cứu của các nhà viết sử, các nhà khoa học xã hội, v.v… ở trong cũng như ở ngoài nước, cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc.

Năm nay, trở lại đề tài cũ, tôi không thấy cần phải thay đổi kết luận. Nhưng về mặt luận cứ thì cần bổ sung. Dĩ nhiên, cũng chỉ là đề tiếp cận, càng gần càng tốt, sự thật về chính biến mùa thu năm 1945. Tuy nhiên, cốt yếu là để phá đổ cho hết huyền thoại cách mạng mà bộ máy tuyên truyền cộng sản đã vận dụng mấy thập niên qua trong dụng ý nhập nhằng với quốc sử. Chính biến này đang còn là một vùng tối cần phải soi sáng để làm cho rõ vì sao nó đã, vẫn còn là một vùng tối và tại sao nó không thể tiếp tục nằm trong vùng tối.

Nhớ lại tháng Tám năm 1945, những ngày cướp chính quyền

55 năm đã trôi qua kể từ khi ở Việt Nam, năm Ất Dậu, xẩy ra chính biến mùa Thu. Khoảng cách thời gian này, với những biến chuyển trên khắp thế giới – đặc biệt trong nội bộ các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa cũ – đã giúp nhiều dân tộc lập lại những sự thật lịch sử của mình. Nhớ lại những việc đã qua, trong bề dày của quá khứ cận đại hay hiện đại, có nhiều cách nhìn, nói chung, trái ngược nhau trên bình diện ngôn từ, nhưng lại có thể không khác biệt nhau về mặt nội dung.

Những ngày đầu tháng Tám năm 1945, sau khi hai trái bom nguyên tử được thả xuống đất Nhật, Việt Nam đứng trước một bối cảnh lịch sử rất đặc biệt. Tình hình chính trị biến đổi mau lẹ chỉ trong vòng trên dưới mươi ngày. Nhật đã đầu hàng Đồng Minh nên mất hết quyền lực chính trị tại Việt Nam. Pháp chưa kịp đem quân trở lại để phục hồi địa vị thống trị cũ. Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức mà không nhận trách nhiệm xử lý thường vụ trong khi chờ đợi chính phủ mới được thành lập. Dân chúng một phần bi cộng sản đội lốt Việt Minh, xách động, một phân háo hức tự động nổi lên chiếm chính quyền. Vua Bảo Đại tự ý thoái vị. Ngày 2 tháng 9, lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ai Quốc, dưới tên đổi khác, Hồ Chí Minh, nhân danh Mặt Trận Việt Minh, thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và đọc Tuyên Ngôn Độc Lập. Trên cái nền đơn thuần sự kiện này, sau đó mỗi người một cách, người ta đánh giá chính biến mùa Thu năm 1945 bằng ngọn đuốc ý hệ là chính.

I. Cách cộng sản Việt Nam nhìn chính biến 19 tháng Tám 1945

Đối với những người cộng sản Việt Nam chính biến mùa Thu năm 1945 là một cuộc cách mạng.. Họ khẳng định như vậy nhưng khẳng định từng bước, với nhiều thêm bớt tùy theo nhu cầu của tình thế. Khởi đầu, từ năm 1946, thấy vang lên hồi kèn chiến thắng của những cái loa văn nghệ mở đường cho cách mạng như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Ngọc Phan, v.v… Điển hình, 8 câu thơ dưới đây đọc thấy đâu đó của Xuân Diệu:

[…]

Có một buổi, cờ về Hà nội,
Về ngự trị trên đài sáng chói,
Giữa dân gian, trong những tiếng hoan hô,
Ngự trên cây, trên phố, ngự trên hồ:
Cờ chiến thắng Cách mạng thành tháng Tám!

[…]

Xuân nước việt khơi một ngày tháng Tám
Triều dân gian lên với sóng Hồng Hà
Lụt cờ đỏ nối giữa ngày u ám
Trời sao vàng mọc lúc nước bao la…

Loại son phấn suy tôn có tuổi thọ một thời này chỉ đáng lược bỏ để đi sâu vào cốt lõi lý luận cộng sản. Trường Chinh, lý thuyết gia của những người hộ sinh cho chính biến mùa Thu năm 1945, đã đánh lên âm mầu “la”của cái gọi là bản anh hùng ca Cách mạng tháng Tám. Pha chế lịch sử, ông đã viết rằng, “Ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô đánh vào Mãn Châu như vũ bão. Chỉ trong sáu hôm, đội quân Quan-đông mạnh có tiếng của phát xít Nhật bị tiêu diệt. Thắng lợi căn bản đó của Hồng quân đã quyết định số phận của phát xít Nhật và Liên Xô đã thực sự giải phóng cho các dân tộc bị Nhật áp bức“.

Theo Trường Chinh, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật, giành lấy chính quyền từ tay Nhật”. Ông còn khẳng định thêm “các chiến sĩ Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, theo chỉ thị ngày 12-3-1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đầu hàng [Việt Minh]“. Ông làm như thể vào thời điểm tháng Tám năm 1945, nhờ có Liên Xô đánh thắng được quân Nhật, những người cộng sản Việt Nam đã công khai hô hào làm cách mạng kiểu cộng sản, và dân chúng đã tri tình theo đảng cộng sản làm cách mạng kiểu ấy, khiến chính phủ Trần Trọng Kim đương quyền đã phải đầu hàng. Theo bước Trường Chinh, 4 Hiến pháp1946,1959, 1980 và 1992 đều đưa chính biến mùa Thu 1945 lên hàng cách mạng.

Chính biến này có vinh dự mở đầu cho Hiến pháp thứ nhất – 1946 – mà không phải nêu danh Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng tới Hiến pháp thứ nhì – 1959 – đã bắt đầu thấy nói lên vai trò lãnh đạo của đảng này. Từ Hiến pháp thứ ba – 1980 – “Đảng” công khai ra mặt, nhận công lao lãnh đạo “nhân dân… đi con đường của Cách mạng tháng Mười Nga toàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nước ta [Viết Nam] trở thành một nước xã hội chủ nghĩa, một thành viên của Cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới”. Và văn bản này chính thức thiết lập “chuyên chính vô sản” trên cả nước. Hiến pháp thứ tư – 1992 – ra đời sau khi cái gọi là cộng đồng thế giới xã hội chủ nghĩa nói trên đã sụp đổ tan tành, chỉ còn biết thu góp lại những tàn dư, nhưng vẫn bám lấy cuống rốn cộng sản: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dân ta tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công!”. Nói tóm lại, cộng sản đã đặt chính biến tháng Tám 1945 vào trong toàn bộ “chiến tranh cách mạng lâu dài” để gọi nó là một cuộc cách mạng. Theo thuật ngữ cộng sản, đó là một khâu trong dây chuyền cách mạng của họ nghĩa là một tiết mục trong chương trình hành động ấy. Cộng sản không lúc nào tách nó ra khỏi toàn bộ này để đánh giá nó như một hiện tượng khách quan và độc lập. Vì tách ra như thế thì sẽ không có cơ sở để bảo vệ giả thuyết cách mạng nếu có tranh cãi.

Những đoạn trích dẫn ở trên đã tóm lược đại chỉ của biểu văn chính trị (discours politique) của những người cộng sản Việt Nam. Khi lập luận chính biến tháng Tám là cách mạng, hiển nhiên cộng sản (như đã thấy ngay cả khi Trường Chinh nói lý thuyết) tuyên truyền nạt nộ quần chúng. Nhưng điều quan trọng hơn hết là họ muốn dùng nhãn hiệu cách mạng để làm nền tảng chính thống cho chủ trương của họ cầm quyền bằng bạo lực.

Làm cách mạng là xâm phạm tới sinh mạng và tài sản của người dân, vì người cách mạng tự cho mình đủ mọi quyền kể cả quyền cướp của giết người, như đã xảy ra trong năm, sáu thập niên cách mạng cộng sản. Cho nên bàn chuyện cách mạng không phải là tranh cãi bằng ngụy biện, pháp lệnh, công an, nhà tù, quản chế tại gia, v.v… Mà phải đem chính biến tháng Tám ra đối chiếu với thực tại để xem nó có gì đáng gọi là cách mạng. Dưới độ góc nhìn này và đứng trên quan điểm Mác xít, lấy thước cộng sản mà đo cộng sản, hãy thử xem xét khẳng định của cộng sản trong Lời mở đầu Hiển pháp 1992 rằng “nhân dân ta làm Cách mạng tháng Tám thành công” xác đáng tới đâu. Ba câu hỏi cần đặt ra và cần được trả lời là:

1-Nói “nhân dân” làm Cách mạng tháng Tám là nói ai làm?

2-Làm cách mạng như vậy là làm gì?

3-Bảo rằng Cách mạng ấy đã thành công là nói nó đã đạt được những mục tiêu cụ thề nào?

Trước hết tưởng phải nhấn mạnh ở hai điểm. Thứ nhất, chớ coi câu “đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm” là khuôn vàng thước ngọc để mong biết hết thực chất cộng sản Việt Nam. Đó mới chỉ là một phần sự thật mà thôi! Có một điều cộng sản nói và cộng sản làm đúng như họ nói là “cách mạng”. Vấn đề sinh tử là phải biết chắc khi nào cộng sản nói một đằng làm một nẻo, khi nào cộng sản nhất định làm những gì họ nói.

Vậy nếu phải bàn về ngôn ngữ cách mạng của cộng sản thì đừng mang mặc cảm “chống cộng“, đừng sợ bị chê là chẻ sợi tóc làm bốn. Mà phải tìm hiểu đến nơi đến chốn, nhất là về quá khứ. Chỉ như vậy mới mong hiểu rõ được họ ở hiện tại cũng như trong tương lai.

Vứt bỏ chủ nghĩa đại khái không có gì đáng phải hồ thẹn! Thứ hai, ngôn ngữ cách mạng cộng sản là loại ngôn ngữ “ý hệ”, đối với họ, có giá trị một chân lý tuyệt đối như kinh thánh. Cho nên người cộng sản coi ý hệ của họ là sự thật khách quan. Và cộng sản dựa vào ý hệ để đặt định chủ trương, đường lối, chính sách cho hành động. Họ tin rằng như vậy là duy vật khách quan, khoa học, kỳ thực họ duy tâm hơn cả người duy tâm. Ở đây là bàn về ngôn ngữ và hành động cộng sản vào thời điểm 1945 – không phải 1999 – và quy chiếu vào tài liệu chính là bản Báo cáo của Trường Chinh trước đại Hội toàn quốc khoá II họp năm 1951 của Đảng Cộng sản (khi ấy còn mang danh xưng Đảng Lao Động). Ngoài ra cùng còn dựa vào những bài viết của ông những năm 40 đã được sửa chữa hoặc viết lại sau 1975, cho hợp với lịch sử chính thức của đảng.

A. Nhân dân là ai?

Rất nhiều người hiểu một cách thông thường rằng nhân dân là tất cả dân, là quốc dân hay toàn dân. Không ít các vị nhân sĩ, trí thức tây học còn cho rằng nhân dân là tiếng đối dịch ra tiếng Việt của chữ “peuple” nên nhân dân cũng là dân tộc. Trong ngôn ngữ cộng sản, không phải là nhân dân không mang nghĩa này. Nói cho ngay, trong nhiều trường hợp cộng sản muốn dân chúng cứ hiểu nhân dân theo nghĩa ấy, tức là như đã được định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của họ: nhân dân là “khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước…“. Nhưng đối với cộng sản, chữ nhân dân là một danh từ chính trị – theo thuật ngữ cộng sản – một phạm trù thuộc ý hệ Mác-Lênin, không phải là một thực thể nhân xã khách quan. Nó chỉ là một hình tượng của ý hệ cộng sản về thực thể ấy. Cho nên cộng sản thay đổi hình tượng này tùy từng lúc, tùy từng hoàn cảnh.

Thật thế, Hiến pháp 1946 không dùng cho nhân dân mà dùng cho “toàn dân“, một cách để gián tiếp định nghĩa nhân dân là toàn dân. Sự nhượng bộ về hình thức này tuy vậy cũng không quan trọng gì, vì cái gọi là “Hiến pháp 1946” thật ra chỉ là một chiếc bánh vẽ không hơn không kém. Nó được hối hả biểu quyết bằng một quốc hội bù nhìn, với một thiểu số nhỏ dân biểu “quốc gia” không thông qua bầu cử mà được cộng sản “mời” bổ sung! Một sự kiện, đã được các báo cộng sản thời đó tường thuật, cho thấy cung cách thảo luận và biểu quyết của quốc hội này: Khi bàn đến quốc ca, do lời đề nghị của dân biểu thuộc đảng xã hội Phan Tử Nghĩa, mọi người đứng dậy hát bài Tiến quân ca, thế là quốc hội thông qua quốc ca! Ngoài ra, được chung quyết ngày 09-11-1946, bản Hiến pháp này không hề được ban hành, tức là nó không bao giờ có hiệu lực pháp lý. Rồi ngày 19-12-46, cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, cộng sản rút lên Việt Bắc, vào chiến khu để kháng chiến, các dân biểu quốc gia “đối lập” trước được mời, nay bị lùng bắt. Quốc hội từ đó cho đến sang thập niên 50 khi hết chiến tranh, không họp nữa, chỉ còn tồn tại dưới hình thức một Ban Thường Vụ. Hiến pháp 1959 không định nghĩa chữ nhân dân, chỉ khẳng định nơi điều 2 rằngnước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một nước dân chủ nhân dân. Sau 1975, khi đã chiếm được quyền trong cả nước, Đảng cộng sản công khai lộ diện, Hiến pháp 1980 mới đưa ra một định nghĩa trực tiếp của chữ nhân dân, nơi điều 3: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chủ tập thể là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa và những người lao động khác mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Cứ theo cách phân định này thì rõ ràng nhân dân không phải là toàn dân mà cũng không phải là tất cả những thành phần được kể trên đều là nhân dân! Cùng là nông dân nhưng chỉ có “nông dân tập thể” mới được kể là nhân dân, còn nông dân cá thể thì không. Cũng vậy, trí thức muốn được coi là nhân dân thì phải là trí thức “xã hội chủ nghĩa” chứ không thể là trí thức “suông”. Đầu thập niên 90, tiếp theo sự sụp đổ của toàn bộ các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ, cộng sản Việt Nam phải mở rộng thêm một phần nào nội dung chữ nhân dân: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” (điều 2 HP 1992).

Nhưng họ lại không quên thòng thêm một định nghĩa gián tiếp về nhân dân là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc… (điều 4, Hiến pháp đã dẫn). Nói cách khác, bề ngoài, công khai trước dư luận, cộng sản tùy tiện định nghĩa chữ nhân dân. Lúc thì lấy cái nhỏ định nghĩa cái lớn (giai cấp là nhân dân) lúc lại lấy cái lớn định nghĩa cái nhỏ (dân tộc là nhân dân). Đã vậy, lại đưa vào bản chất của nhân dân một thành tố không ăn nhập gì tới bản chất ấy, đó là quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân. Phải chăng như vậy là nếu một tập thể nào không phải là liên minh của hai giai cấp công, nông và nếu nó không do giai cấp công nhân lãnh đạo thì không phải là “nhân dân” sao? Qua nhiều minh chứng đã dẫn ở trên của biểu văn chính trị, cộng sản nói “nhân dân” là nói tào lao mà thôi.

Nhưng trong nội bộ đảng thì cộng sản lại rất là minh bạch. Như Trường Chinh đã xác định nhân dịp đọc báo cáo trước Đại Hội II: “Hiện nay, nội dung của chính quyền nhân dân nước ta là chuyên chính dân chủ nhân dân: Nhân dân gồm các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Những tầng lớp ấy, do giai cấp công nhân lãnh đạo, cùng tham gia chính quyền…“. Phải soi sáng cho quan điểm này bằng hai nhận định.

Thứ nhất, trên lý thuyết, Trường Chinh, rập khuôn tư tưởng Mao Trạch Đông, cũng quy định rằng có bốn giai cấp họp thành nhân dân. Nhưng trên thực tế không có một tiêu chuẩn nào chắc chắn, ổn định để xác định tính giai cấp cả. Bởi vậy vấn đề này thuộc quyền chuyên quyết của đảng.

Thứ nhì, giai cấp nào cũng chỉ được kể là giai cấp qua những phần tử gọi là đại biểu của giai cấp ấy. Đảng Cộng sản đã tự phong cho mình là đại biểu của giai cấp công nhân, giai cấp này đồng thời lại là lãnh đạo của tất cả những giai cấp khác mà các đại biểu không là ai khác hơn những người được đảng cộng sản nhìn nhận có tư cách ấy. Vậy nhân dân là Đảng và tất cả những người theo đảng. Chính người thợ cả của cuộc Cách mạng tháng Tám, Trường Chinh đã xác nhận điều này (l).

Tóm lại, cộng sản nói “nhân dân làm Cách mạng tháng Tám” nhưng đừng hiểu là toàn dân làm mà phải hiểu là chính Đảng Cộng sản đã làm.

B. Cách mạng là gì?

Một điều quan trọng nhưng rất nhiều người không để ý, đó là cộng sản ít bàn đến một khái niệm về cách mạng nói chung. Bị chi phối bởi sử quan giai cấp đấu tranh nên cộng sản đã gắn liền cách mạng với giai cấp đấu tranh. Từ điển cộng sản định nghĩa cách mạng là một “cuộc tranh đấu của giai cấp bị áp bức đứng lên lật đổ nền thống trị của giai cấp áp bức, phá vỡ quan hệ sản xuất cũ, xây dựng một chế độ tiến bộ“. Về điềm này Trường Chinh đã nói rất rõ: Trước hết, “Điều cốt yếu của một cuộc cách mạng là giành chính quyền và củng cố chính quyền“. Sau nữa, dưới mắt lý thuyết gia họ Đặng này thì Cách mạng tháng Tám đã mở đầu cho “quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam là quá trình từ xã hội có tính chất thuộc địa, nửa phong kiến qua xã hội dân chủ nhân dân, đến xã hội chủ nghĩa“. Cách mạng ẩy bước đầu là “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”. Gọi là “dân tộc” vì “tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập, thống nhất toàn vẹn cho dân tộc“. Gọi là “dân chủ” vì “thực hiện những quyền tự do dân chủ cho nhân dân“. Gọi là “nhân dân” vì “do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dựa trên cơ sở liên minh công nông“. Cách mạng ấy bước sau sẽ phải là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giữa hai cuộc cách mạng này, theo Trường Chinh trích dẫn Lê-nin, thì sẽ có “nhiều bước quá độ, nhiều trình độ quá độ khác nhau”, nhưng tựu trung, chúng chỉ có một thực chất đó là “chuyên chính vô sản“. Giáo điều này của Lê-nin đã được Trường Chinh khẳng định lại được một hình thức quy luật: “Nhớ rằng chuyên chính vô sản là một trong nhưng nguyên lý bắt buộc cho tất cả các nước muốn thực hiện chủ nghĩa xã hội“. Kết luận tất yếu phải rút ra là cách mạng Việt Nam do cộng sản tiến hành nhất định phải là “chuyên chính“. Khi còn ở giai đoạn dân chủ nhân dân thì là “chuyên chính công nông” (nằm trong phạm trù chuyên chính vô sản – Trường Chinh chú thích như vậy), khi chuyển sang “xã hội chủ nghĩa” thì là “chuyên chính vô sản“. Hai bước này, cộng sản Việt Nam đã đi không chệch hướng trong suốt hơn 4 thập niên, với cao điểm là những năm 80. Từ đầu thập niên 90, đà tiến ấy bỗng như mất hết động lực, những chỉ dấu của một quá trình băng hoại đã xuất hiện. Nhưng nói Cách mạng tháng Tám là nói khâu mở đầu cho hai bước đi này để cách mạng được bất đầu.

C. Cách mạng tháng Tám thành công như thế nào?

Chính biến mùa Thu năm 1945 đúng ra đã không mang lại bất cứ một thành công cách mạng nào, dù cách mạng dân chủ nhân dân hay cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì chúng chưa bắt đầu. Nói làm Cách mạng tháng Tám “thành công” là để tuyên truyền. Thật ra, bản thân chính biến này cũng không mang dự án cách mạng mà cộng sản đã vạch ra từ trước. Do đó, nó chỉ là một vụ “cướp chính quyền” để Đảng làm cách mạng. Trường Chinh gọi đó là “tổng khởi nghĩa”. Người thầy của cách mạng cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh, trong thư gửi đồng bào nhân dịp tổng khởi nghĩa này cũng chỉ thúc dục tiến lên dưới lá cờ Việt Minh, không đả động gì tới cách mạng cộng sản: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức đang đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trể. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Vậy nói Cách mạng tháng Tám đã thành công thì chỉ có thể là vì nó đã cướp được chính quyền cho Đảng. Thế thôi. Nhưng nếu vậy thì tất lại phải đặt ra những vấn đề mới. Cướp chính quyền cho ai? Cướp chính quyền để sau đó sẽ làm gì? Và những việc làm này có giải quyết được vấn đề tiến bộ không?

Thực tế chính trị hơn nửa thế kỷ qua đã trả lời câu hỏi thứ nhất là “cướp cho Đảng Cộng sản“. Thực tế này cũng trả lời cả câu hỏi thứ hai: để Đảng thiết lập “chuyên chính” dưới nhiều hình thức (chuyên chính công, nông, chuyên chính vô sản mà chuyên chính là cưỡng đoạt nhân quyền). Câu hỏi thứ ba, muốn trả lời phải vượt ra khỏi hệ thông tư tưởng cộng sản. Nếu không, câu trả lời đã sẵn rồi và sẽ là “có tiến bộ“. Lập luận như vậy là không rút ra được những bài học của quá khứ.

Chính khách họ Trần, thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam – theo nghĩa hiện đại của danh xưng – không phải là người làm chính trị chuyên nghiệp. Ông chỉ là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, thuộc thế hệ những người trí thức Tây học nhưng thấm nhuần tinh thần nho giáo. Vì thế, ông không xu hướng cách mạng bạo động, chỉ muốn ôn hòa thực hiện ngay những cải cách mà thực trạng đất nước cho phép. Khi thấy Việt Minh xách động dân chúng giành chính quyền, đồng thời ông lại thất bại trong mấy ban vận động hợp tác với Việt Minh để thành lập một chính quyền mới, trong liên tục quốc gia, ông đã tri tình lùi bước để cho Việt Minh nhận trách nhiệm trước lịch sử. Chẳng những vậy, ông cũng từ khước không nhận lời đề nghị của người Nhật, nếu ông chính thức yêu cầu họ có thể tiếp tay chính phủ ông chống nổi loạn hầu bảo vệ trật tự. Ứng xử của ông trước chính biến mùa Thu 1945 là ứng xử của một kẻ sĩ, khi thấy làm được việc thì đứng ra gánh vác, khi thấy không làm được việc thì lui về ở ẩn.

Các bộ trưởng trong nội các của ông, nói chung, cũng có thái độ tương tự. Theo hồi ký của Phạm Khắc Hòe, có hai bộ trưởng, Trần Đình Nam và Hồ Tá Khanh đề nghị “chúng ta rút lui ngay, nhường hẳn quyền bính cho Việt Minh”. Luật sư Vũ Văn Hiền, Bộ trưởng Tài chánh chủ trương Việt Nam phải có một chính quyền hợp pháp bảo đảm được trật tự để, lâm sự, giao thiệp với Đồng Minh, ngăn ngừa trước không cho Đồng Minh lấy lý do trật tự mà giúp cho người Pháp trở lại cầm quyền. Do đó, dù có trao quyền cho Việt Minh thì cũng cứ phải giữ chính thể quân chủ để duy trì căn bản pháp lý của một chính quyền hợp pháp. Các luật gia khác trong nội các như Trần Văn Chương, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, v.v… đều tán thành quan điểm của Vũ Văn Hiền. Sau cùng cả nội các đồng ý lấy thái độ như luật sư Hiền đã đề xuất.

Vua Bảo Đại lúc đầu đã chọn lập trường này. Nhưng về sau, trước những biến đổi hàng ngày của tình hình, người vua cuối cùng của dòng họ Nguyễn đã quyết định thoái vị. Nguyên nhân nào đã đưa tới quyết định ấy? Thật ra, từ ba nguồn thông tin hiện có là ba tập hồi ký của Trần Trọng Kim (Một Cơn Gió Bụi), Phạm Khắc Hòe (Từ Triều Đình Huế Đến Chiến Khu Việt Bắc), và chính vua Bảo Đại (Con Rồng Việt Nam), người đọc cũng đã có thể rút ra được một số kết luận, dù rằng họ đã phải rất dè dặt với Phạm Khắc Hòe vì thái độ của ông tâng bốc quá lố cộng sản. Trong tương lai, sử học còn có thể mang tới những ánh sáng mới về những động cơ tâm lý đã thúc đẩy vua Bảo Đại từ bỏ ngôi báu. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, những động cơ ấy không phải là điều chủ yếu. Việc tìm hiểu tại sao vua Bảo Đại thoái vị không quan trọng bằng việc xác định người vua ấy đã thoái vị như thế nào, đã trao quyền cho ai, và trên những cơ sở gì, với những hậu quả pháp lý ra sao?

Về điểm này, tưởng phải phục hồi giá trị lịch sử cho “Chiếu thoái vị” ngày 25-8-1945 của vua Bảo Đại, một văn kiện lịch sử đã bị chôn vùi một cách vô ý thức quá sớm, chẳng những bởi những người cộng sản mà cả những người chống cộng sản. Đối với người Việt Nam, không ai nghĩ rằng Chiếu thoái vị này là một loại Đại Hiến Chương (Magna Carta hay Great Charter) mà ý nghĩa lịch sử cũng như pháp lý cao hơn bản Đại Hiến Chương 1215 của vua Jean-Sans-Terre, một lời cam kết của vị vua này ở Anh quốc chấp nhận nhường một phần vương quyền cho các bá tước người Anh. Vậy mà ngày nay chẳng những riêng người Anh, cả thế giới đều coi nó như một nguồn gốc lịch sử của nhân quyền. Trong khi đó, Chiếu thoái vị 25-8-1945 của vua Bảo Đại là một văn bản chính thức và công khai, qua trung gian các đại diện của dân chúng, nhường không điều kiện toàn bộ vương quyền cho dân chúng. Những người cộng sản cướp chính quyền, theo âm mẫu “la” của Trương Chinh, coi Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại chỉ là một văn kiện “đầu hàng cách mạng” là điều hiểu được. Nhưng quả thật rất khó hiểu sự kiện đã có không ít những người tự nhận là chống cộng sản, hoặc vì không biết được nội dung đầy đủ của nó nên coi nó như không có gì đáng kể, hoặc khiếp đảm vì bạo lực của cộng sản cướp chính quyền, không nhận ra được giá trị đích thực của Chiếu thoái vị, thậm chí còn nhập nội và lưu truyền mặc cảm tự ti của những người thất trận!

Đã đến lúc phải tái lập sự thật.

Trên bình diện lịch sử, Chiếu thoái vị ngày 25-8-1945 của vua Bảo Đại là một sử liệu quý giá đánh dấu sự chấm dứt nền quân chủ cổ truyền để chuyển quyền, không đổ máu, từ vua sang dân, trong một tinh thần tự nguyện vì độc lập của đất nước, vì tự do của mỗi người dân và vì đoàn kết của cả dân tộc. Trên bình diện pháp lý, văn kiện này là một bản hợp đồng rất đặc biệt – vừa thành văn vừa không thành văn – ấn định rõ ràng những điều kiện trong đó hành vi trao quyền được thực hiện và những nghĩa vụ mà người nhận quyền phải thi hành. Điều cho đến nay không ai nói tới hoặc không nghĩ tới, là bên nhận quyền, những người cộng sản cướp chính quyền năm 1945, đã long trọng cam kết thi hành những nghĩa vụ ấy. Nhưng cộng sản đã bội ước, nhận quyền để thiết lập chuyên chính còn bạo tàn hơn cả quân chủ.

Cũng như trong trường hợp bản Đại Hiến Chương 1215, luật học ngày nay không cần tìm biết vì sao vua Jean-Sans-Terre đã nhường quyền mà chỉ cần biết vị vua này đã nhường những quyền gì, nhường cho ai? Vua Bảo Đại, với tư cách người kế thừa vương quyền của dòng họ Nguyễn lưu truyền đã gần 400 năm nay, đã văn kiện hóa hành vi nhường quyền của mình bằng những lời lẽ không thể minh bạch hơn nữa: “vì hạnh phúc của dân”, “vì độc lập của nước”, không “ngồi yên mà đợi quốc hội” trước “nhiệt vọng dân cử” rất cao của dân chúng miền Bắc, đã “quả quyết thoái vị” để tránh nạn “Nam-Bắc phân tranh ” đồng hời “nhượng quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa” . Một trong đòi hỏi của người trao quyền là chính quyền dân chủ sắp được thiết lập phải “lấy sự ôn hòa xử trí” đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng hòa nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân”.

Như vậy là vua Bảo Đại đã sang trang cho lịch sử cả hàng ngàn năm. Và những người nhận quyền từ tay vua Bảo Đại đã giao ước, trước mặt quốc dân, với vua Bảo Đại, sẽ viết những trang sử mới theo đúng lời yêu cầu ghi trong Chiếu thoái vị. Giao ước long trọng nhiều lần. Lần thứ nhất, khi vua Bảo Đại gặp các đại diện của ấy Ban Nhân Dân Cứu Quốc tự xưng là đại diện cho tất cả mọi đảng phái và tầng lớp dân chúng, sáng ngày 23-8-1945 tới cung điện với giấy ủy quyền nhân danh Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (Việt Minh) ở Hà Nội phái vào . Theo tập hồi ký Con Rồng Việt Nam thì phái đoàn đại diện gồm có hai người là Trần Huy Liệu, Phó chủ tịch của ủy ban Nhân dân cứu quốc và Cù Huy Cận, nhưng ký giả Nam Đình Nguyễn Kỳ Nam lại viết trong tập hồi ký của ông là còn có cả Nguyễn Lương Bằng, đại diện cho “cách mạng”. Cách thức nhận quyền thuộc phần giao ước không thành văn. Người ta đọc thấy trong tập hồi ký Con Rồng Việt Nam rằng Trần Huy Liệu xuất trình giấy ủy quyền và tuyên bố: “Nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Mặt Trận Giải Phóng đất nước cho chúng tôi vinh dự đến gần Hoàng thượng để nhận ấn kiếm”’. Được vua Bảo Đại trao cho đọc Chiếu thoái vị, sau khi đọc xong và, hội ý với Cù Huy Cận, Trần Huy Liệu nói: “Thưa Hoàng thượng, nhân danh dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận hết cả bản văn này. Nhưng chúng tôi kính xin tổ chức một buổi lễ vắn tắt, trong đó xin Hoàng thượng công khai tuyên bố cho mọi người biết”*. Chiều ngày 23-8-1 1945, vua Bảo Đại bận triều phục, đọc cho hàng ngàn người tụ họp trước cửa Ngọ môn nghe Chiếu thoái vị đề ngày 25-8-1945.

Lần đầu tiên nền dân chủ đã trực tiếp ra đời trên đất nước Việt Nam, với một áp âm tươi sáng: “Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập. Lần thứ hai, sự giao ước – lần này gián tiếp – đã được nhà cầm quyền cộng sản trá hình, thay thế triều đình Huế, long trọng tuyên đọc qua bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945 trong đó có trích dẫn tinh thần dân chủ tự do theo truyền thống phương Tây để được nêu lên như một giá trị quy chiếu. Không biết rằng vô tình hay cố ý, sự giao ước giữa hai bên không được văn kiện hóa để mang hình thức một tài liệu thành văn. Nhưng xét theo tập tục của người Việt Nam vào thời điểm mùa Thu năm 1945, giữa hai bên “Vua” và “Dân” đã có sự kết ước với những điều kiện rõ rệt. Ở các chợ miền quê trong cả nước hồi đó, tập tục mua bán trâu bò chỉ cần thỏa thuận miệng và một cử chỉ hai bên vỗ vào tay nhau là sự kết ước thành tựu. Không lẽ một bản văn trọng đại như Chiếu thoái vị, được tăng cường thêm bằng những hình thức trọng thể của việc thoái vị và Tuyên ngôn ngày 2-9-1945 thành lập chính quyền Cộng Hòa, lại không có giá trị bằng một lời giao ước miệng mua bán trâu bò ở giữa chợ sao?

Những gì đã thực tế xảy ra, sau ngày vua Bảo Đại thoái vị đến nay đã hơn nữa thế kỷ, cho thấy là những người được trao quyền đã bội ước. Không hề có “đoàn kết quốc dân“, chỉ có “giai cấp đấu tranh” giữa các “nhân dân” đủ loại. Không hề có “dân chủ”, chỉ có “chuyên chính“. Không hề có đa nguyên, đa đảng chỉ có một đảng độc nhất là Đảng Cộng Sản độc chiếm quyền hành. Mọi người nay đã có cơ sở để khách quan đánh giá chính biến mùa Thu 1945, định xem nó là một vụ cướp chính quyền hay là một cuộc cách mạng.

Nhờ sự giúp sức của thời gian, mọi người nay thấy rõ được rằng không thể máy móc dựa vào việc bạo động cướp chính quyền để ca ngợi chính biến mùa Thu 1945 là một cuộc cách mạng lật đổ phong kiến, hủy bỏ chế độ quân chủ, thiết lập dân chủ. Mà phải vạch trần ra rằng nếu thật sự muốn thiết lập dân chủ thì hành vi của vua Bảo Đại nhường toàn bộ vương quyền đã mở rộng đường vào dân chủ và có thể giúp tiết kiệm được mồ hôi, nước mắt, xương máu cho dân Việt Nam trên con đường vòng hơn 50 năm áp bức đảng trị gay gắt hơn cả phong kiến. Nhưng, mặt khác, muốn coi chính biến này là một cuộc cách mạng thì phải hiểu chữ cách mạng theo nghĩa của hệ quy chiếu cộng sản. Nhìn dưới độ góc đó, chính biến mùa Thu chỉ mới là một “khâu” cướp chính quyền trong chuỗi dài cách mạng cộng sản, theo con đường “Cách mạng tháng Mười” mà lịch sử từ một thập niên qua đã chứng minh rằng nó đã thất bại ngay từ bước quá độ, không thể và không bao giờ đi tới được thành công.

Trong nhưng năm tới, Việt Nam chắc cũng sẽ có những công trình nghiên cứu sử học vô tư – như trong bộ sử hậu-cộng-sản, do giáo sư đại học Nga, Iouri Afanassiev, chủ trì và ấn hành năm 1991 tại Mạc Tư Khoa – để đưa ra trước ánh sáng những thao tác của Đảng Cộng sản Việt Nam trong ý đồ cưỡng hiếp và ngụy tạo lịch sử. Nhưng ngay tự bây giờ người ta cũng đã có cơ sở để dứt khoát kết luận rằng cuộc chính biến mùa thu 45 không thể coi là một cuộc cách mạng – dù vô sản hay dân tộc dân chủ nhân dân – mà chỉ là một vụ cướp chính quyền.