Home Lịch Sử VN Khảo Cứu Chân Dung Những Bà Mẹ Việt Nam

Chân Dung Những Bà Mẹ Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Giáng Hương   
Thứ Bảy, 12 Tháng 5 Năm 2012 07:39

Nhân ngày Hiền Mẫu, bài viết này Giáng Hương xin thân tặng tất cả những người mẹ Việt Nam, đã và đang hy sinh cho gia đình, cho xã hội…

Với lòng hoài niệm, ghi nhớ công đức những bà Mẹ VN thời lập quốc, cũng như tô thêm nét đẹp sẵn có trong văn hoá Việt.

Khởi đi từ thời lập quốc người phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò tích cực vào công cuộc dựng nước và giữ gìn giang sơn chống lại giặc xâm lăng phương Bắc. Từ cuối đời nhà Triệu đến đời nhà Ngô ròng rã hơn một nghìn năm, người Việt phải cúi đầu, bó tay làm tôi tớ cho Tàu. Thế nhưng chuyện đã xảy ra, vào năm 43 hai người phụ nữ Việt Nam đầu tiên, bà Trưng Trắc và người em là Trưng Nhị đã khởi sự, đứng lên đánh đuổi được quân Tàu, gây được tiếng vang, kéo theo nhiều nhà ái quốc khác cùng một lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm.  Nhị nữ anh hùng Trưng Vương là những người đầu tiên đã mở ra trang sử độc lập cho giòng giống Lạc Việt mà muôn đời mỗi khi nhắc đến, người người đều tỏ lòng ngưỡng phục.

 

Sử gia Lê văn Hưu kể rằng, hai bà Trưng là con gái của một vị lạc tướng ở huyện Mê Linh làng Hạ Lôi, thuộc  tổng Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên. Bà Trưng Trắc có chồng là ông Thi Sách bị thái thú Tô Định bắt giết. Sau Khi chồng bị giết bà cùng em gái là Trưng Nhị đứng lên qui tụ anh hùng hào kiệt chỉ huy đại cuộc, thu được 65 thành trì, xưng vương. Nhưng tiếc rằng quân của hai bà quá ô hợp, lực lượng còn trong thời kỳ phôi thai, chưa kịp chỉnh đốn quân mã. Trong khi đó đối thủ lại là tay danh tướng từng trải, đoàn quân của hai bà đã bị phá vỡ, ở vào thế cùng hai bà đã phải gieo mình xuống sông Hát Giang tự vận.

Nhắc lại lịch sử oai hùng của hai bà Trưng là hai vị nữ lưu đầu tiên, chúng ta cũng phải ghi danh những vị nữ anh hùng khác dưới trướng hai bà cũng oai hùng không kém.

Bà Hoàng Thiệu Hoa người ở huyện Gia Hưng, tỉnh Thanh Hoá. Bà tổ chức nghĩa quân, mua sắm gươm đao, tích trữ lương thực. Khi nghe tin hai bà Trưng nổi dậy đã kéo quân về dưới cờ. Đến khi được khen thưởng công trạng, bà nói: “Tôi chỉ làm nhiêm vụ cứu dân, chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề khác.” Câu nói bất hủ không màng danh lợi của bà đã ghi lại trong sử sách.

Bà Phùng Thị Chính là một danh tướng túc trí đa mưu. Bà có sức khoẻ phi thường, trong một trận đánh với giặc Tàu, lúc đó bà đang mang thai gần đến ngày sinh vẫn lên ngựa xông ra trận. Đang khi giao tranh, bà chuyển bụng lâm bồn, sinh con ngay tại mặt trận. Bà lấy áo bọc con buộc vào người rồi lại tiếp tục đánh quân địch lui, bà mới trở về. Bà là vợ ông Đinh Lượng người làng Phủ Nghĩa thuộc tỉnh Sơn Tây. Khi nghe tin hai bà Trưng hiến mình cho tổ quốc, bà cũng tự vận theo.

Bà Lê Chân người làng An Biên, huyện Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương. Cha bị hại về tay Tô Định, bà xin gia nhập vào đội nghĩa binh của hai bà Trưng, giữ chức tiên phong. Bà lập được nhiều chiến công oanh liệt. Khi biết được hai bà Trưng tuẫn tiết, bà cũng trầm mình chết  theo.

Bà Cao Nhự làng An Bồi, phủ Kiến Xương thuộc tỉnh Thái Bình. Xuất thân nơi miền duyên hải, bà được hai bà Trưng tin dùng giao cho phần lãnh đạo thuỷ quân. Bà đánh đâu thắng đó, lập được rất nhiều công trạng. Khi quân của hai bà Trưng vào thế cùng lực kiệt, bà Cao Nhự cũng cùng hai bà trầm mình xuống sông để bảo toàn danh tiết.

    Năm 248, sau hai thế kỷ bà Triệu đã theo gương hai bà Trưng. Bà tên thật là Triệu Thị Trinh, lúc đó trên hai mươi tuổi, người huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, bà còn được gọi những tên khác như Triệu Trinh Vương, Triệu Trinh, Ngụy Kiều tướng quân. Tên Triệu Ẩu là do giặc Tàu đặt ra để miệt thị bà. Bà mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, ở với người anh là Triệu Quốc Đạt. Bà Triệu có chí anh hùng, có sức mạnh, có mưu lược nên hàng nghìn tráng sĩ đã theo bà để thao luyện binh mã, mưu cuộc khởi nghĩa. Thời gian đầu ông Triệu Quốc Đạt không tán thành, khuyên can bà thì bà trả lời: “ Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét bờ cõi để cứu dân khỏi cảnh lầm than, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp cho người ta.”  Sau khi ông Triệu Quốc Đạt bị đầu độc chết, bà bị cô thế, thua sút  trước lực lượng giặc, bà phải lui quân về xã Bồ Điền, tỉnh Thanh Hoá và cuối cùng tuẫn tiết tại đó.

Những nữ anh hùng danh nhân của nước Việt thì còn nhiều. Nơi đây GH chỉ ghi lại một số tiêu biểu của thời kỳ đầu lúc lập quốc. Là hậu bối, đọc lại lich sử nước Việt phải thành thật công nhận những bà mẹ VN thời đó quả là vĩ đại hào hùng.
Viết về cuộc nổi dậy của hai bà Trưng và những nữ anh hùng quanh hai bà, trong một khoảnh khắc suy tư xa xôi ngộ nghĩnh, phải chi công cuộc giành độc lập thành công, hai bà sẽ lập ra một triều đại mới trong đó kể từ vua tới các quần thần đều là phái nữ… Không chừng VN chúng ta đã là nước theo chế độ mẫu hệ từ đó rồi. Phải không thưa quí ông?
Cầu chúc một ngày lể Hiền Mẫu thật an bình tới tất cả quí bà mẹ.

Giáng Hương
Viết cho PSXH nhân ngày lễ Mẹ 2012