Huế và những chuyến bay cuối cùng |
Tác Giả: K.B. Phan Văn Phúc | ||||
Thứ Tư, 16 Tháng 5 Năm 2012 22:34 | ||||
Biệt đội 253 chúng tôi biệt phái cho bộ tư lệnh tiền phương đóng ở căn cứ “Mang cá lớn”, chúng tôi được lệnh, mỗi lần địch pháo kích phải cố gắng chạy ra phi cơ cất cánh lên vùng vừa tránh đạn pháo, vừa tìm ngăn chặn hoặc bắn phá các ổ pháo quanh vùng. Thời gian đề máy những lúc này đều cảm thấy lâu hơn bao giờ hêt, suốt mấy ngày đêm chúng tôi mất ngủ luôn trong tư thế sẵn sàng, đôi khi vừa kịp chợt mắt, phải xách nón bay chạy trối chết ra cất cánh tìm bình yên trên vùng trời mà lòng đầy oán hận. Có lẽ điều chỉnh được tọa độ chính xác, chúng pháo càng ngày càng nhiều, chúng tôi phải dời biệt đội ra cửa Thuận An để tránh pháo, nhưng rời cứ điểm cuối cùng vẫn bị pháo địch quấy phá càng lúc càng nhiều. Tôi nhớ có một đêm, mấy anh Thủy quân lục chiến bắt được 2 tên đế lô đang điều chỉnh pháo địch, mấy anh bịt mắt đem ra quỳ trước sân dọa nạt bắn bỏ rồi cùng hô to bắn tóe lửa bên tai, tên này tưởng tên kia đã bị bắn chắp tay van lạy như tế sao. Oán giận thật nhiều, nhưng lòng nhân đạo hãy còn, các anh cho chúng tôi một trận cười lý thú khi thấy mấy tên nội gián “tè” ra đầy quần. Chịu trận mãi đến chiều tối ngày 24-03-1975, có một chiếc trực thăng Chinook CH47 do Trung tá Mai từ Đà Nẵng bay ra đáp trên phi đạo chở người và ban lệnh khẩn cấp tất cả phi cơ đều phải rút về Đà Nẵng, chỉ trừ 2 chiếc trực thăng của tôi và Đại úy Học phải ở lại chờ chở bộ chỉ huy sau cùng, nhưng phải dời qua đậu bên căn cứ hải quân bên cạnh để tránh pháo kích. Phi đạo trở nên náo loạn, binh lính thi nhau tìm phi cơ thoát nạn, một chiếc L-19 cất cánh vội, suýt tông vào toán lính cố chặn trên đường băng. Tôi và Học cũng quay máy định cất cánh sang căn cứ Hải quân đều bị binh lính kể cả không quân, thủy quân lục chiến, địa phương leo lên bám đầy phi cơ, chiếc của tôi có cả chiếc Honda. Chúng tôi tắt máy và giải thích mấy cũng không được, đến lúc chúng phải kê súng vào đầu bắt cất cánh bay về Đà Nẵng. Bất khả kháng, chúng tôi phải bay về trong bóng đêm theo lệnh nòng súng. Tôi báo rõ tình hình với đài kiểm báo Panama và phòng hành quân chiến cuộc, nhưng khi bay về đến phi trường Đà Nẵng lại nhận được lệnh không được đáp, chờ lệnh sau cùng. Chúng tôi bay quanh phi trường đến đèn báo hiệu hết xăng nổi đỏ, tôi báo là phải cho đáp khẩn cấp, lệnh cuối cùng là phải đáp ngoài vòng đai phi trường, tuyệt đối không được đáp trong phi đạo. Trong bóng đêm chúng tôi cố đáp nhiều lần, cứ từ từ hạ xuống lại nghe la dây điện. Toát mồ hôi vì không biết hết xăng lúc nào nhưng rồi cũng tìm được lỗ trống, vừa đặt được phi cơ xuống đường thì đèn pha tỏa sáng khắp nơi. Quân cảnh ùa vào bắt trói tất cả đưa lên xe báo động chạy mất dạng, riêng tôi và Học được đưa về trình diện ông Không đoàn trưởng. Phòng an ninh được báo động và nghi ngờ chúng tôi bị không tặc, ông Đại tá không đoàn trưởng nhà ta bị áp lực nặng trong tình thế hỗn loạn lúc bấy giờ nên có thái độ hằng học khác thường, cho là chúng tôi đào nhiệm. Lần đầu tiên tôi cũng tỏ thái độ bất mãn quyết liệt đến ông Thiếu tá phó, phi đoàn trưởng phải an ủi dìu nhau về lại phi đoàn. Giờ đây nhớ lại ông Đại tá không đoàn trưởng thân yêu, khả kính của mình đã qua đời vừa tròn một năm, tôi không khỏi bùi ngùi thương tiếc. Tôi và ông có riêng cho nhau những cảm tình khá đặc biệt, hầu như lần nào xin được đi phép, ông đều vui vẻ OK, biết bao phi vụ hiểm nghèo nhất trong vùng, ông đều tin tưởng gọi về leader mặc dù tôi đang biệt phái bất cứ nơi nào. Những phi vụ thả người vào cổ thành Quảng Trị, Bạch Mã, Gia vực, tôi đã từng liều mình vào sinh ra tử trước sự chỉ huy trực tiếp của ông. Bao lần thầy trò ôm nhau mừng thoát hiểm, thế mà chỉ vì chúng tôi bị áp lực họng súng bên đầu, tôi lại bị mất lòng tin của ông, thử hỏi sao khỏi bất mãn? Tôi về phòng nghỉ phi đoàn bực tức suốt đêm, hầu như không ngủ. Trong đêm tôi lại gặp Đại úy Nguyễn Xuân Tứ trong phi hành đoàn bay cho Tướng Điềm tư lệnh sư đoàn I bộ binh. Không biết vì lý do nào, Tứ đã thất lạc Tướng Điềm ngoài Huế bay về đây đứng ngồi không yên một mình chẳng thấy co-pilot, cơ phi, xạ thủ đâu cả. Hai tâm trạng bất an suốt đêm đến gần sáng Tứ tha thiết nhờ tôi cùng bay với anh ta trở ra Huế tìm cách liên lạc bằng cách bay thật thấp tìm đến mấy xe nào có cần câu, mở tầng số liên lạc may ra sẽ gặp được. Đúng rạng sáng ngày 25 thang 3 năm 1975, chúng tôi bay dọc theo bờ biển, quốc lộ I, đoàn người di tản đông như kiến, vào tận thành phố Huế vài nơi đã thấy Việt cộng nhưng không liên lạc tìm được chuẩn tướng tư lệnh. Chúng tôi liên lạc với tổng đài Panama trên đỉnh Sơn Trà thì được biết Tướng Điềm đã cùng vài sĩ quan tùy tùng lặn lội thuê được chiếc ghe ra khơi lên được chiếc số 10 (không biết lớn nhỏ thế nào) đang trên đường về bến Tiên Sa. Chúng tôi bay về chờ đón ông tại Tiên Sa. Nhìn ông thiểu não bước lên hối hả chạy đến phi cơ vừa khiển trách Đại úy Tứ vừa thúc giục chúng tôi cất cánh đưa ông sang quân đoàn gấp. Ông căn dặn tắt máy chờ, vài phút sau ông trở ra cùng vài ông sĩ quan với bánh mì ăn vội cầm nơi tay. Chúng tôi bay trở lại Tiên Sa bốc thêm vài sĩ quan Hải quân, tôi được biết kế hoạch là đem tàu vào đón đưa binh lính đang tràn về đến bãi biển, nhưng không qua được đầm Cầu Hai. Đang bay low level ra hướng Huế, tôi chợt thấy 2 tên Việt cộng vừa chạy vào lùm cây vừa bắn lại phi cơ. Một loạt AK vào tàu kính phía trước vỡ toang mảnh vụn ghim vào người toạt cả áo bay, máu đổ nhiều nơi, gió lùa ào ạt, đèn đồng hồ xăng bật sáng, đồng hồ báo động và mùi xăng nồng nặc, tôi quẹo gắt hướng ra biển bay sát mặt biển và kêu gọi tất cả tháo giày thật nhanh chuẩn bị lội vì phi cơ có thể tắt máy lúc nào không biết, may ra sẽ nhờ tàu cứu vớt hơn là rơi lúc này trong đất liền sẽ làm mồi cho giặc đang chặn đánh khắp nơi. Tôi gọi báo tình trạng khẩn cấp cả trên tầng số SOS may đâu Trung úy Giác đang bay tiếp tế cho binh lính Thủy quân lục chiến đang còn kẹt lại rất nhiều ở cửa Thuận An đói khát mầy ngày qua. Giác phải dùng phi cơ riêng của Tướng Lân tư lệnh sư đoàn Thủy quân lục chiến bay chở lương thực tiếp tế liên tục, nhận được tín hiệu của tôi, anh liền xin tọa độ sẵn sàng tiếp cứu. Tôi cho tọa độ và nhờ Giác khi nhìn thấy phi cơ tôi thì báo và tôi sẽ bay trở lại đất liền ngay. Chỉ vài phút sau Giác báo đã nhận ra phi cơ tôi phía Đông Bắc Lăng Cô không xa, tôi đáp lời và bay vào tìm chỗ vắng người đáp vội, Giáp đáp ngay phía sau, mấy ông Đại tá dìu dắt Tướng Điềm lom khom chạy vội lên phi cơ của Giác, tôi cố phá vội tầng số tắt máy chạy lên tàu của Giác đưa tất cả về quân đoàn. Tình chiến hữu “không bỏ bạn bè” của binh chủng không quân đã thể hiện rõ ràng trong những lúc “thập tử nhất sinh” này. Có một điều trùng hợp khá kỳ thú là: khi phi đoàn Sói Thần 253 vừa mới thành lập Trung tá Luân vừa được chỉ định làm phi đoàn trưởng chưa được ổn định, trưởng phòng hành quân chưa có, một số mới mẻ từ các phi đoàn khác về, phi lệnh cắt bay hằng ngày. Ông Thiếu tá Hiền phi đoàn phó hay nhờ tôi cắt bay thế sau đó phi đoàn lại nhận nhiệm vụ là phải cắt 2 phi hành đoàn bay cố định cho 2 tư lệnh Thủy quân lục chiến và sư đoàn I Bộ binh. Thiếu tá Hiền lại nhờ tôi chọn 2 phi hành đoàn đề nghị lên trên: Tôi đã đề nghị Đại úy Tứ bay cho Tướng Điềm và Trung úy Giác bay cho Tướng Lâm. Đến giờ phút cuối, tôi lại sống chết cận kề bên hai anh bạn này. Trong những ngày cuối đầy hỗn loạn ở thành phố Đà Nẵng, nghe đâu Trung úy Giác đã bị rớt phi cơ mất tích trên đường chạy loạn. Tôi và Đại úy Tứ gặp lại cùng chạy vào phi trường sáng ngày 29 tháng 3, nhờ mấy anh phòng thủ vẹt lối chạy vào theo tiếng hô hào “tử thủ” của mấy anh không quân còn hăng máu. Chúng tôi vào tìm thì hầu hết phi cơ đã cất cánh tránh pháo kích suốt đêm qua không còn phi cơ khả dụng nào cả. Rất may tôi tìm được một chiếc khá tốt chỉ còn thiếu bình battery, nhờ một anh vào hangar tìm ra lắp vào, start máy chuẩn bị cất cánh bay qua Non nước nhưng phe ta leo lên đầy vẫn còn mấy mươi tên chẳng lên được, bắn bể cả cánh quạt, tôi tắt máy gọi bảo tất cả chạy ra sân vận động để tôi bay sang Non nước nhờ các phi cơ khác về đón sau, tất cả đều xuống tàu, tôi start lại chuẩn bị cất cánh lại với cánh quạt bể toạt khá nhiều, nhưng anh em lại bám lên phi cơ trở lại tình trạng cũ, lại bị tình trạng súng chỉa vào đầu đòi tắt máy của mấy anh còn kẹt không lên tàu được. Chúng tôi đành bỏ phi cơ chạy qua Non nước. Phi cơ đã bay đi tất cả, nhìn thấy một tàu Hải quân xa xa ngoài khơi, tôi và Đại úy Tứ lột áo bay cố lội ra tàu nhưng đuối người không ra đến tàu được, đành lội trở vào bờ thì chiếc vespa của Tứ đã bị cướp mất. Tôi chở Tứ trên chiếc Lambretta của mình chạy qua Tiên Sa, nhưng giữa đường gặp hai phe bắn nhau chạy toán loạn, tôi đành quay về nhà chờ đến ngày hôm sau đi trình diện vào trại tập trung đi tù cùng bao quân nhân theo lệnh gọi “học tập cải tạo”. 15 ngày nhưng cuối cùng tôi phải trải qua gần 10 năm nhục hình trong lao tù Cộng Sản. K.B. Phan Văn Phúc
|