Mùa Xuân Nào Thanh Bình Trên Quê Hương? |
Tác Giả: Tô Đồng | |||
Thứ Ba, 25 Tháng 1 Năm 2011 20:43 | |||
Tôi mơ đến một mùa xuân thanh bình trên quê hương? Vào khoảng thế kỷ thứ 18, 19, lần thứ nhất dân tộc ta khốn khổ vì Trịnh Nguyễn phân tranh, với sông Gianh là ranh giới. Đến giữa thế kỷ thứ 20, chính chúng ta lại sống trong cảnh sông Bến Hải ngăn đôi hai miền Nam Bắc. Lần thứ hai này vì lý do nội chiến thì ít, mà bởi ý thức hệ và các thế lực ngoại lai thì nhiều. Tuy ở thời điểm đó sự đi lại trong nước còn thiếu đủ phương tiện, giấy má khám xét rất là khó khăn, nhưng người dân còn có thể lựa chọn việc đi hay ở. Riêng tôi, nguyên là sinh viên Hà Nội, cách đây đúng năm mươi mùa xuân, bỗng nhiên lại may mắn được ăn một cái tết trên cả ba miền đất nước. Để mà có dịp dễ dàng quyết định cho việc chính mình nên ra đi hay ở lại, cũng như được nhìn tận mắt phong trào di cư vĩ đại của đồng bào miền Bắc. Vậy xin kể lại mấy nét xuân từ thuở đó. Kẻ ở người đi Khi Hiệp Định Genève được ký kết vào ngày 21 tháng 7 năm 1954 giữa Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Tướng Henri Delteil của Pháp, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền. Phía Bắc vĩ tuyến 17 thuộc phe Cộng Sản, phía Nam thuộc phe Quốc Gia. Lực lượng Cộng Sản và đồng bào tập kết ra Bắc sẽ do Quân Đội Việt Minh đảm trách, trong hạn 200 ngày từ Cà Mâu, 300 ngày từ Trung Bộ. Lực Lượng Quốc Gia và đồng bào di cư vô Nam sẽ do Quân Đội Viễn Chinh Pháp đảm nhận, trong hạn 80 ngày phải rời khỏi Hà Nội, 100 ngày rời khỏi Hải Dương, và 300 ngày rời khỏi Hải Phòng. Tuy có thời gian để chọn lựa trước khi bức màn tre buông xuống vùng đất Cộng Sản, rất nhiều gia đình chịu cảnh ly tan vì có kẻ ra đi người ở lại. Dân Nam tập kết lo lắng, dân Bắc di cư hoang mang. Nhưng lo sợ nhất là người dân thành phố, và những quân công cán chính của chính phủ Quốc Gia mới được hình thành trước đây ít năm. Đi thì công ăn việc làm ra sao, mà ở lại thì chế độ Cộng Sản liệu có buông tha cho được sống yên ổn? Hay miễn cưỡng phải đi mít tinh, dự học tập, làm kiểm thảo suốt ngày, đâu chỉ có đua vui nhẩy hòa bình Son Đố Mì. Trước Hiệp Định chừng một tháng, Ngô Đình Diệm mới được Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm Thủ Tướng. Nhưng trên thực tế thì tình hình đất nước lúc này vô cùng rối ren vì sự tranh chấp dữ dội của các đảng phái Quốc Gia, vì sự chuyển quyền chậm chạp từ tay người Pháp, và sự can thiệp gián tiếp của người Mỹ. Và đã chẳng một ai tin Hiệp Định sẽ vãn hồi nổi hòa bình cho Việt Nam qua Tổng Tuyển Cử dự trù hai năm sau. Lúc này, một số sinh viên trường Quân Y và tôi đang theo học khóa huấn luyện quân sự tại trường Liên Quân Đà Lạt (EMIAD, Ecole Militaire Inter-Armes de Dalat). Từ đây tôi mất hẳn sự liên lạc trực tiếp với gia đình ở ngoài Bắc. Tin tức nhận được thì khi vui khi buồn, mà qua một số bạn bè vô Nam kể lại, đôi lúc tôi thấy việc gia đình ở lại là một lầm lẫn. Tôi học bên quân Dược nên muốn xin phép ra Bắc thăm thú tình hình cũng khó để được chấp thuận. Nếu tôi theo Y khoa, thì chỉ cần xin làm 'hộ tống viên' (convoyeur) là đã có cơ hội được đi ra Bắc, có thù lao để phụ trách y tế trên các con tầu há mõm chở đồng bào di cư vào Nam. Như vậy có thể tai nghe mắt thấy cảnh đồng bào bỏ quê chạy Cộng Sản, và dễ có quyết định nên đi hay nên ở. Vả lại, tình hình trong Nam lúc này đang còn rối ren và cũng chẳng sáng sủa tốt đẹp gì, nên nhiều bạn tôi cho rằng có lẽ gia đình ở lại miền Bắc là yên ổn hơn. Dân chúng hết sức hoang mang, vì có người đã vô Nam lại trở ra Bắc, có người đã ra Bắc lại vô trở lại Nam. Thế mà vào những năm sau, còn nhiều người phải liều mạng vượt tuyến để về miền đất Tự Do, khi cầu Hiền Lương và hai bờ sông Bến Hải đã chính thức trở thành vùng phi quân sự. Xuân về trên ba miền đất nước Tết năm 1955 là tết đầu tiên tôi xa gia đình, nhưng là một cái tết thật đặc biệt với tôi. Thế thì tại sao tôi không ghi chép hay viết lại một chút gì ngay thời buổi đó? Có thể vì mình không phải là nhà văn nhà báo? Đã hơn năm mươi năm trôi qua từ độ ấy, nhiều nhân danh, địa danh tôi có thể không nhớ cho đúng, nhưng những nét chính của câu chuyện thì khó mà quên được. Tôi đang ở trọ tại một căn nhà đường Ngô Tùng Châu Sài Gòn để học tiếp ngành Dược. Mùa xuân mới đã tới trong cái nắng gay gắt của Sài Gòn. Tôi chưa hình dung được rồi mình sẽ ăn tết ra sao, mà cũng không thấy bà chủ trọ sửa soạn gì đặc biệt để mừng năm mới. Trong thời gian này, hầu hết dân vừa di cư chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện tết nhất, vì còn đang cố gắng thích nghi với đời sống mới, còn phải ở tạm các căn nhà nghèo nàn, chật hẹp và nóng nực. Như trong khu Bàn cờ, ngã ba Ông Tạ, chợ Cầu Kho với ngõ hẻm quanh co, nhỏ hẹp và lầy lội sau những cơn mưa. Vào ngày 28 Tết, chợt bác sĩ Can, người chú về bên mẹ tôi, tới hỏi tôi có muốn theo phái đoàn của ông ngày mai du ngoạn ra Bắc. Chú thím tôi sẽ tháp tùng Đức Tổng Giám Mục Rhodain của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, hiện có mặt tại Việt Nam để thăm viếng các trại tị nạn từ Bắc tới Nam vào dịp tết. Sau này, có lúc tôi nhớ lầm là Đức Tổng Giám Mục M. Feltin của địa phận Paris. Trong phái đoàn, tôi sẽ làm thông dịch viên cho Đức Tổng Giám Mục Pháp. Chú Can tuy hơn tôi cả mười lăm tuổi, nhưng rất thân thiết với tôi từ những ngày chú hồi cư về Hà Nội. Lúc mới vào Nam, chú làm Tổng Thanh Tra Phủ Tổng Ủy Di Cư, một cơ quan tọa lạc trên đường Phan Thanh Giản (Le Grand De La Liraye) gần trường trung học Gia Long. Có lẽ thấy tôi thường than phiền vì Hiệp Định Genève mà phải lưu lạc một mình, nên chú bảo tôi hãy nhân dịp ra Bắc này mà quan sát tình hình xem sao. Tôi có thể liên lạc và tìm cách đón cả gia đình vào Nam, hay nếu muốn cũng có thể trở về sống cùng gia đình ở Hà Nội. Sáng 29 Tết, đèn đường vừa tắt, trời mới tờ mờ sáng, chú thím Can đã đến đón tôi tại căn nhà trọ. Tôi mặc một bộ âu phục nâu nhạt, thắt chiếc cà vạt mầu đỏ điểm chấm trắng, mang theo một túi hành lý nhỏ, rồi leo lên chiếc Jeep xanh đậm của Phủ Tổng Ủy Di Cư. Xe chạy nhanh qua các khu phố im vắng đầy bóng nhạt lấp lánh của nhà lầu cây cao, trên mặt đường còn ướt đẫm sương đêm. Chúng tôi vào trong dinh Gia Long để đón Đức Tổng Giám Mục lên đường. Chỉ vài phút sau, ngài đã đi từ cầu thang trên gác xuống phòng khách, niềm nở bắt tay và chào hỏi từng người. Ngài hồng hào khỏe mạnh, nét mặt hiền hậu, lời nói khoan hòa. Phái đoàn lên xe ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất. Nơi đây, Tướng Paul Ely, Cao Ủy Pháp tại Đông Dương, đã dành sẵn chiếc máy bay trang bị đặc biệt, bàn ghế có đệm bọc nhung đỏ tráng lệ, cùng phi hành đoàn riêng của ông để Đức Tổng Giám Mục sử dụng trong suốt cuộc hành trình. Một Đại Úy Pháp là sĩ quan hầu cận cho ngài, sau này đã trở thành người bạn đồng hành nhất thời của tôi. Chuyến bay thật êm ả, vì thời tiết lúc đó tuyệt hảo. Sau mấy giờ máy bay đã vào tới không phận Hải Phòng, rồi nhẹ nhàng đáp xuống phi trường Cát Bi. Nhìn qua khung cửa xuống vịnh Bắc Việt phía dưới, tôi chợt nghĩ nếu được đi thăm thắng cảnh Hạ Long trước khi phải rời bỏ đất Bắc thì thú vị biết bao. Một kỳ quan của đất nước mà tôi chỉ mới biết qua sách vở báo chí. Phái đoàn được các nhân vật cao cấp trong chính phủ đến tận sân bay đón rước. Rồi mấy chiếc công xa mang biển số VNB đã đưa chúng tôi về ngay Tòa Đại Biểu Bắc Phần, qua những con đường rộng rãi mà sinh hoạt như ngưng đọng. Hải Phòng trông giống một thành phố chết. Tuy vậy, dọc hai bên phố cũng có chỗ dân chúng tụ tập đông đảo chào mừng đoàn xe của Đức Tổng Giám Mục. Chúng tôi đã lần lượt đi thăm một số các trại tạm cư được dựng lên với những dẫy lều vải nhà binh. Các trại này ở rải rác chung quanh Hải Phòng, nhiều trại được thiết lập tại các khu đất trống từ phi trường vào đến thành phố. Mỗi trại lại chia ra làm nhiều khu nhỏ, ngăn cách bởi những hàng rào dây thép gai bao quanh, có lẽ để tránh sự lẫn lộn hay va chạm của các dân tị nạn từng địa phương. Đồng bào chờ được di cư đa số quê quán tại vùng đồng bằng sông Hồng. Người ta vui mừng và kính cẩn cúi chào khi được Đức Tổng Giám Mục thăm hỏi. Tôi thấy cả dân bên lương bên giáo, người già trẻ em, có gia đình hay độc thân. Gia tài họ mang theo được đặt trên các phản gỗ sơ sài. Thường chỉ là một ít hành lý trong những chiếc bị hoặc tay nải nhỏ, và một số vật dụng thường nhật thật nghèo nàn. Tôi đã len lỏi qua nhiều trại để tìm hiểu về tình trạng ăn ở hiện tại, về nguyện vọng trong tương lai của đồng bào. Và khi vội chui qua một hàng rào kẽm gai, vì bất cẩn, tôi đã để áo bị móc rách một vết, sau này tôi phải đem mạng lại tại một hiệu may đường Tự Do (Catinat). Phái đoàn chúng tôi được khoản đãi thật chu đáo bởi Tòa Đại Biểu Bắc Phần, hết tiệc lớn lại đến tiệc nhỏ. Để mừng xuân, có nhiều thức ăn khai vị khoái khẩu, nho táo nhập cảng và rượu tây rượu lễ đủ loại. Đa số các công chức trong chính quyền và các vị chức sắc Công giáo đều nói thông thạo tiếng Pháp, nên nhiệm vụ của tôi quả thật là nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng lắm tôi mới được Đức Tổng Giám Mục hỏi chuyện. Những ngày giáp tết tại Hải Phòng, tôi đã cố tìm cách bắt liên lạc với gia đình mà không kiếm được ai quen để cho tin tức. Tôi cũng không dám mạo hiểm đi xe hỏa về lại Hà Nội, sợ bị khám xét ngặt nghèo, nên đành bỏ hi vọng có thể bàn tính đi hay ở cùng với bố mẹ và anh chị em. Nhưng tết đã đến thật rồi, trong một thành phố đang rã rời vì dân chúng bỏ vào Nam gần hết. Trời miền Bắc vô tâm, vẫn chuyển sang mùa xuân hi vọng của vòng tuần hoàn thời gian, mà không gian còn như tươi trẻ tuyệt đẹp. Tuy người ta không nghe tiếng pháo nổ, không thấy chợ hoa náo nhiệt hay cảnh ngựa xe tấp nập và áo quần sang trọng, nhưng đó đây không khí vẫn mang đầy hương sắc. Của riêng mùa xuân miền Bắc. Trời hơi se lạnh, thỉnh thoảng thoáng có mưa bụi nhẹ như những hạt sương bay, chẳng làm ướt áo người lữ thứ. Chỉ tiếc rằng dân tị nạn không còn lòng dạ nào mà vui đón xuân. Họ vốn ngổn ngang những ưu tư về tương lai bất định và mang mang niềm tâm sự của giờ phút chia ly thật dài. Sáng mồng một Tết chúng tôi ra phi trường Cát Bi để lên máy bay về Huế. Miền Trung cũng đã giúp một số bà con miền Bắc định cư. Xuống phi trường Phú Bài, chúng tôi được các vị chức quyền tại Tòa Đại Biểu Trung Phần tiếp đón và đưa về khách sạn Morin. Lại tiệc tùng chúc tụng mừng xuân. Đây là lần đầu tiên mà tôi có dịp ăn tết ở Huế. Khí hậu rất dịu dàng, không nóng mà cũng chẳng lạnh. Bầu trời trong sáng đặc biệt, nhưng ít thấy khách du xuân và tiếng nói cười trên đường phố. Người ta theo lệ đã mồng một ăn tết ở nhà. Trên vỉa hè ngày đầu năm, tôi không để ý thấy xác pháo hồng, nếu pháo đã được đốt từ đêm giao thừa? Gió mát thổi nhẹ nhàng lên từ phía sông, thời tiết khác hẳn cảnh nắng bốc cháy ngày hè hay mưa tầm tã mùa đông. Tôi đã không lợi dụng dịp này để thăm viếng một số bè bạn mà tôi đã hân hạnh làm quen mùa hè vừa qua. Vả lại, phái đoàn lúc nào cũng bận rộn làm việc từ sáng tới chiều. Vào lúc chập tối, sau bữa cơm chiều, vị Đại Úy tùy viên người Pháp đã chở tôi dạo chơi qua mấy khu phố chính. Chúng tôi trò chuyện về chuyến đi. Thành phố đã lên đèn, hàng quán đều đóng cửa. Người dân dường như ngủ sớm, có lẽ chỉ còn mấy con đò của ca nhi là sống động. Rồi xe chúng tôi chạy dọc theo con đường tối vắng bên sông Hương xuống tới chùa Thiên Mụ. Bóng tháp lặng lẽ vượt lên thinh không, tất cả mờ ảo trong thời gian như ngừng trôi. Tại Huế, phái đoàn còn có thăm viếng một số các Trại Cô Nhi Quả Phụ của Công giáo. Sự tổ chức chu đáo, cách đối xử với người thụ hưởng nhân hậu, làm tôi vô cùng bội phục các vị quản trị nơi đây. Mồng 2 Tết, phái đoàn đi từ Huế vào Đà Nẵng qua đèo Hải Vân, bằng mấy chiếc xe nhà binh Âu Mỹ loại Hotchkiss, Chrysler, Peugeot. Chiếc máy bay riêng đã được chuyển từ Phú Bài về đợi Đức Tổng Giám Mục tại Phi Trường Đà Nẵng. Vì ngài muốn dùng đường bộ để mục kích cảnh trời xanh mây trắng lẩn vào núi mà phía dưới là biển Thái Bình xanh biếc bao la. Tới đèo, trời xuân trong sáng và dịu mát. Đoàn xe leo nhanh với tiếng rú ga rất gấp trên con đường hẹp lại thật dốc và quanh co. Từ trạm nghỉ trên đỉnh cao, lúc đổ dốc, thỉnh thoảng tiếng thắng lại rít lên qua các khúc quanh hiểm nghèo. Những chiếc xe nối đuôi nhau, lao nhanh như tên bắn. Nhưng người ngồi xe có cảm giác an toàn vì xe chạy như bám dính lấy mặt đường, tôi thật phục tài mấy ông tài xế nhà binh Pháp. Xuống hết đèo, khí hậu bắt đầu nóng nực hơn lúc ở Huế. Đến đầu thị xã, phái đoàn dừng lại ít phút khi được Henri Delteil, vị Tướng Quân Đội Viễn Chinh Pháp đã ký vào Hiệp Định Genève nghênh đón. Sau đó, phái đoàn được các vị chức sắc tại Đà Nẵng tiếp rước để đưa về Tòa Tỉnh Trưởng. Lại tiệc tùng chúc tụng linh đình. Và cũng được nghe báo cáo về tình trạng di cư chung trong vùng này. Tại đây, ngoài các trại tạm cư, phái đoàn còn đi thăm một số Cơ Sở Từ Thiện do mấy vị Linh Mục và bà Sơ hướng dẫn. Đà Nẵng là một thành phố rất đẹp có nét tây phương của miền Trung. Là nơi tôi đã ở chơi với Tiểu Đoàn Thiết Giáp của Đại úy Nguyễn Duy Hinh khi di chuyển từ Bắc vô Nam về đóng trại ở sân Vận Động thành phố vào dịp hè năm trước. Cũng là nơi tôi làm việc sau khi ra trường ở Đại Đội Kho Y Dược 21 (DAS, Dépôt d'Approvisionnement Sanitaire) hai năm sau. Sáng mồng 3 Tết, phái đoàn ra Phi Trường Đà Nẵng, và lên máy bay về Sài Gòn. Chuyến bay nhẹ nhàng êm ả. Tại Phi Trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi chào từ biệt Đức Tổng Giám Mục địa phận Paris, rồi ra xe của Phủ Tổng Ủy Di Cư đã chờ sẵn. Tôi trở về ngay nhà trọ, thấy còn ngày giờ để cùng bạn bè tiếp tục vui xuân. Sài Gòn chỉ còn rất ít không khí tết, vì mùa nắng vô tình đã làm giảm bớt vẻ đẹp đầu năm. Chợ Hoa Nguyễn Huệ (Charner) được dẹp từ chiều 30. Những buổi lễ xin quẻ hái lộc ở chùa chiền, Lăng Ông cũng đã thưa thớt. Phố xá vắng vẻ, trường học công sở chưa mở cửa làm việc lại. Nhiều hàng quán còn nghỉ tết. Nhưng ánh nắng chói chang vẫn thoáng làm nổi bật mầu trắng trinh nguyên của những chiếc áo bà ba mới trên người thiếu nữ miền Nam. Và ban đêm, nơi thủ đô hoa lệ vẫn ồn ào vì Sòng Bài Đại Thế Giới, vì các dàn nhạc Phi Luật Tân tại nhiều vũ trường... Nhiệm vụ tôi trong chuyến đi tháp tùng Đức Tổng Giám Mục của địa phận Paris vừa qua thật quá dễ dàng. Vì thời ấy, người Việt đa số thông thạo tiếng Pháp, tôi lại chẳng phải viết báo cáo, hay phóng sự gì. Nhưng riêng tôi thì được hưởng một mùa xuân mới trên cả ba miền đất nước thân yêu. Để có thêm niềm tin ra đi là đúng, tuy tôi tiếc không được gập bố mẹ chị em khi gia đình quyết định ở lại Hà Nội. Mấy năm sau khi tôi sang Paris du học, tôi không nghĩ Đức Tổng Giám Mục nay là một Hồng Y có còn nhớ gì đến cậu sinh viên trẻ là tôi, từng làm việc thông dịch nhân dịp ngài thăm viếng Việt Nam thời di cư. Những mùa xuân qua Từ đầu năm 1955 đã xẩy ra biết bao nhiêu biến cố bất ổn và xáo trộn tại miền Nam do các đảng phái, giáo phái. Phải sau cuộc Trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại, vào ngày 26 tháng 10 năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa mới chính thức được thành lập. Thời gian kế tiếp, tôi được ăn những Tết Sài Gòn, Tết Paris, Tết Đà Lạt. Những cái tết đặc biệt rất vui vẻ của Sài Gòn, xem chợ Hoa Nguyễn Huệ, đón giao thừa tại chùa Xá Lợi, đi xin quẻ tại Lăng Ông. Và những cái tết tha hương nhưng an bình của Paris, dạ vũ tại Nhà Đông Dương, Hội xuân tại Maubert Mutualité. Hay Tết Đà Lạt đầy hoa mai, pháo nổ, và khu chợ trung tâm đông nghẹt người mua sắm. Nhưng xuân 1975 tại Sài Gòn hai mươi năm sau lại là một cái tết mà tôi không thể quên được. Chiến tranh mà ai nấy đã chán ngấy đang tràn dần về thủ đô. Dân Sài Gòn ăn tết trong tâm trạng chờ đợi một biến cố không vui. Tôi có cảm tưởng như cây mùa xuân của Trường Dược Sài Gòn năm ấy đã nhiều phần ít đâm chồi nẩy lộc, không khí nhộn nhịp ngày tết thật kém hẳn so với những năm trước, và nét lo lắng thoáng hiện ra trên vẻ mặt của nhiều nhân viên và sinh viên nhà trường. Rồi biến cố tháng tư ập xuống nhanh như cơn bão tố, việc bỏ nước ra đi hay ở lại phải toan tính trong khoảnh khắc. Bỗng nhiên bao nhiêu gia đình ly tan. Hòa bình ló dạng mà mạnh ai người ấy chạy. Đâu còn thời gian sửa soạn, hay được cấp phương tiện di tản như thời di cư. Chú tôi, người Tổng Thanh Tra Phủ Tổng Ủy Di Cư năm xưa, cố xoay sở tìm đủ cách mà rồi cả gia đình đều bị kẹt lại. Tất cả phó thác cho định mệnh! Đâu là quyền được tự do lựa chọn? Từ dạo đó đến nay, đã ba mươi mùa xuân nơi đất khách. Tại Hoa Kỳ, những Hội Tết của người Việt theo thời gian ngày càng đủ mầu sắc lệ bộ. Tôi không quên buổi Họp Mặt Tết thứ ba mươi này, Tết Ất Dậu 2005 với Hội Dược Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ban Chấp Hành và Hội Đồng Quản Trị tài ba trẻ trung. Ban Báo Chí và Ban Văn Nghệ xuất sắc. Đã mang lại cho giới chúng ta một mùa xuân hi vọng. Để cho tôi mơ đến một mùa xuân nào thanh bình trên quê hương?
|