Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Di Cư 1975 Hộ Tống Hạm USS Kirk 'Giải cứu Hải Quân miền Nam' ngày 1/5/1975

Hộ Tống Hạm USS Kirk 'Giải cứu Hải Quân miền Nam' ngày 1/5/1975 PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 24 Tháng 9 Năm 2010 07:40

LTS - Ngày 1 tháng 9, 2010 vừa qua, đài phát thanh National Public Radio (NPR) của Hoa Kỳ cho phát thanh một phóng sự kéo dài 3 kỳ,

liên quan đến cuộc di tản khỏi miền Nam những ngày cuối cuộc chiến, 30 tháng 4, 1975.Phóng sự của NPR liên quan đến hộ tống hạm USS Kirk mà nhiều người từng nghe qua.

Tuy nhiên, điều ít ai biết, là USS Kirk đã phải quay lại Việt Nam sau khi nhận được một mệnh lệnh bí mật: Trở lại Côn Sơn để giải cứu Hải Quân Việt Nam. Đó là ngày 1 tháng 5, 1975, và sứ mệnh ấy được thi hành dưới sự chỉ huy của một nhân vật dân sự bí ẩn. Mời độc giả đọc lại câu chuyện của 35 năm trước, qua phần lược dịch của Triệu Phong.

Hộ tống hạm USS Kirk FF-1087, tiến vào Côn Sơn ngày 1 tháng 5, 1975, nơi 30 chiến thuyền, hàng chục ghe đánh cá và tàu buôn của Nam Việt, cùng khoảng 30,000 dân tị nạn đang chờ được đưa ra khỏi Việt Nam. (Hình: Hugh Dole/NPR)

Ngày 30 tháng 4, 1975, quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. Những người Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam vài giờ trước đó, trên các trực thăng, bay ra hàng không mẫu hạm đang chờ sẵn ngoài khơi. Chiến tranh Việt Nam chính thức chấm dứt.

Tất cả chiến thuyền Hải Quân Mỹ tuần tự rời khỏi Việt Nam.

Ngoại trừ... đêm ấy, thuyền trưởng Paul Jacobs của hộ tống hạm USS Kirk nhận được lệnh bí mật: quay lại Việt Nam!

Thuyền trưởng Paul Jacobs được lệnh của Ðô Ðốc Donald Whitmire, người điều khiển chiến dịch di tản “Operation Frequent Wind,” từ chiếc USS Blue Ridge, soái hạm chỉ huy của Ðệ Thất Hạm Ðội.

Ông Jacobs nhớ lại lệnh bất ngờ của Ðô Ðốc Whitmire với nội dung: “Ông được lệnh phải quay trở lại Việt Nam để giải cứu Hải Quân Nam Việt. Chúng ta quên mất họ. Nếu không cứu họ, tất cả có thể sẽ bị giết chết.” Tuy nhiên, quân lệnh đưa xuống có điều kỳ cục, đó là ông sẽ nghe theo lệnh của một nhân vật dân sự.

Nhân vật dân sự bí ẩn ấy có tên Richard Armitage.

Ông Richard Armitage lên chiếc Kirk vào lúc nửa đêm. Về sau ông này trở thành nhân vật số hai của Colin Powell, bộ trưởng Quốc Phòng dưới thời Tổng Thống Bush. Hồi đó ông Armitage chỉ mới đủ 30, thi hành công tác đặc biệt này theo lệnh của bộ trưởng Quốc Phòng.

Sau khi vừa lên boong chiếc Kirk, ông Armitage lập tức được đưa đến phòng sĩ quan để gặp hai ông Jacobs và Thiếu Tướng Hải Quân Donald Roane, tư lệnh đoàn hộ tống hạm.


Ðoàn chiến thuyền Nam Việt nối đuôi theo chiếc USS Kirk tiến vào Subic Bay, Philippines. (Hình: Hugh Dole/NPR)

Ông Armitage nhớ lại Thiếu Tướng Roane nói câu đại khái như: “Ông bạn trẻ ơi, tôi không quen với trường hợp, vào lúc nửa đêm lại có một người dân sự xa lạ bước lên tàu rồi ra lệnh cho tôi.”

Ông Armitage đáp: “Tôi cũng ngỡ ngàng không kém, thưa ông, khi bước chân lên một con tàu lạ vào lúc đêm hôm khuya khoắt rồi ra lệnh cho ông. Tôi ra lệnh ông cho tàu hướng về phía Côn Sơn.”

 Và thế là họ thi hành theo lệnh ông.

Chiếc Kirk với thủy thủ đoàn gồm 260 người nhận lệnh tiến đến Côn Sơn, một đảo nhỏ nằm cách đất liền Việt Nam chừng 50 dặm, chưa bị quân Bắc Việt chiếm. Ðây là nơi có nhà tù nổi tiếng và bây giờ là chỗ trú ẩn của những chiến thuyền còn sót lại của Hải Quân Nam Việt.

Armitage là người đề ra kế hoạch cho tàu thuyền về tề tựu nơi đây. Ông tốt nghiệp trường sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ, Annapolis, từng là sĩ quan tình báo Hải Quân, được chỉ định làm việc chung với các đơn vị Nam Việt Nam.

Trong thời gian cộng tác, ông được đồng minh miền Nam kính nể và trở nên thông thạo tiếng Việt. Thế rồi ông từ chức và rời bỏ Hải Quân để phản đối việc chính phủ Nixon đặt bút ký hiệp định hòa bình Paris. Ông tin rằng Hoa Kỳ muốn bán đứng Nam Việt Nam.

Khi biết rõ chính phủ Nam Việt sắp sụp đổ, Bộ Quốc Phòng yêu cầu Armitage trở lại Việt Nam với sứ mệnh nguy hiểm, đó là di chuyển hoặc phá hủy tàu thuyền hải quân cùng mọi phương tiện kỹ thuật để không bị rơi vào tay Cộng Sản.

Vài tuần trước khi Sài Gòn thất thủ, Armitage tìm đến văn phòng người bạn cũ là Ðại Tá Ðỗ Kiểm, tham mưu phó Hải Quân Nam Việt Nam. Họ cùng phác thảo kế hoạch mật nhằm giải cứu các chiến thuyền Hải Quân Việt Nam, một khi chính phủ miền Nam đầu hàng.


Tháng 4, 1975, Richard Armitage, một công chức 30 tuổi, lãnh sứ mạng nguy hiểm: trở lại Việt Nam vào thời gian 30 tháng 4 để cứu tàu thuyền hải quân Nam Việt. (Courtesy Richard Armitage)

Ðại Tá Kiểm nhớ lại mình đã nhắc nhở với Armitage rằng không những cứu tàu mà còn phải cứu người nữa. Ông nói: “Người của tôi không thể ra đi nếu không mang theo được gia đình họ, bởi thế sẽ đông người lắm.”

Nghe vậy Armitage chỉ im lặng, không nói được, cũng chẳng nói không, và Ðại Tá Kiểm cho rằng “như vậy có nghĩa là đồng ý.”

Về phần Armitage, ông không cho các sếp lớn ở Ngũ Giác Ðài biết trên những chiến thuyền sẽ có sự hiện diện của dân tỵ nạn, e rằng chính quyền Mỹ không chịu.

“Nhân vật dân sự bí ẩn” bỗng nhiên xuất hiện trên hộ tống hạm USS Kirk ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, quay lại Việt Nam, giải cứu hải quân miền Nam, chính là Richard Armitage, về sau làm đến chức thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống George W. Bush.

Ông Armitage sinh tại Boston, tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ năm 1967. Tài liệu nói rằng, trong chiến tranh Việt Nam, ông Armitage là người mạo hiểm, lăn xả vào nơi nguy hiểm nhất của những trận hải chiến. Ông ăn chung, ngủ chung, ngay trên nền đất, với người lính miền Nam, và kể chuyện tiếu lâm cho họ bằng thứ tiếng Việt hoàn hảo.Thay vì mặc quân phục, Armitage lại thường chọn trang phục Việt Nam, và có cả tên Việt Nam: Trần Văn Phú.’

Ðiều chắc chắn là cả hai đều không rõ sẽ có bao nhiêu người tỵ nạn ở Côn Sơn. Tài liệu lịch sử sau này đưa ra con số 20,000, nhưng có hồ sơ lại cho là 30,000.

Chiếc Kirk đi suốt đêm và ghé vào Côn Sơn lúc rạng sáng ngày 1 tháng 5. Ở đây đã có sẵn 30 chiến thuyền Hải Quân miền Nam, hàng chục ghe đánh cá cùng tàu buôn. Tất cả đều đầy nhóc dân tỵ nạn.

Toán chuyên viên cơ khí từ chiếc Kirk lập tức chuyển sang các tàu thuyền đó, để sửa chữa được chiếc nào hay chiếc ấy. Chiếc nào hư hay cũ quá thì để lại.

Kent Chipman, hồi đó chỉ mới 21 tuổi và là thợ cơ khí phòng máy, mô tả tình trạng của tàu thuyền: “Chiếc nào chiếc nấy cũ mèm, rỉ sét, xấu xí. Một số không chạy được phải nhờ chiếc khác kéo, vài chiếc bị nước rỉ vào bên trong.” Một chiếc tàu buôn đang chìm dần vì quá tải, người ở khoang dưới phải dùng giày để tát nước ra ngoài.

Cuối cùng thì đoàn tàu gồm tàu chiến, ghe đánh cá, thuyền buôn, nối đuôi theo chiếc Kirk hướng về Philippines. Sau sáu ngày theo đuôi chiếc Kirk, trong toàn bộ 30,000 “hành khách,” chỉ có ba người chết.

Chưa hết, khi đoàn tàu vào đến gần Philippines, thuyền trưởng chiếc Kirk nhận được tin không vui. Sự hiện diện của đoàn tàu Nam Việt Nam trong một cảng của Phi sẽ mang lại cho chính quyền Manila sự nguy hiểm về mặt ngoại giao.

Thuyền trưởng Jacobs nhớ lại: “Chính quyền Philippines không cho phép chúng tôi vào bờ. Lý do: những tàu thuyền này, nay thuộc sở hữu của Bắc Việt, và Manila không muốn có chuyện đụng chạm với tân chính phủ.”

Chính quyền Tổng Thống Ferdinand Marcos là một trong những nước đầu tiên công nhận chính phủ Cộng Sản cai trị hai miền Nam-Bắc Việt Nam, và Jacobs được cho biết là phải quay tất cả tàu ra biển.

Armitage và Ðại Tá Kiểm cùng đi đến một giải pháp mà họ nghĩ rằng Marcos sẽ chấp thuận. Kế hoạch: Giương cờ Mỹ trên tất cả tàu thuyền, thay vì cờ Nam Việt Nam. Ðiều này có nghĩa là tất cả đã được hoàn trả cho Hoa Kỳ, vì rằng trong thời gian chiến tranh, tàu thuyền đều do Mỹ cho miền Nam mướn dài hạn.

Thế là phải khó khăn lắm mới kiếm đủ cờ cho hết 30 chiến thuyền. Hai sĩ quan hải quân từ chiếc Kirk lên mỗi chiến thuyền Việt Nam để tiếp nhận, sau khi làm lễ bàn giao tàu và quốc kỳ thật trang nghiêm.

Rick Sautter, một trong những sĩ quan từ chiếc Kirk sang tiếp nhận một chiến thuyền, nói rằng: “Ðó là hình ảnh cuối cùng của Nam Việt Nam. Khi cờ nước này hạ xuống và cờ Mỹ kéo lên, có nghĩa, thế là chấm dứt. Vì trên lý thuyết, một tàu hải quân được xem như lãnh thổ chủ quyền của một quốc gia, như vậy, thời điểm đó chính là lúc Nam Việt Nam không còn lãnh thổ chủ quyền nữa.”

Ðại Tá Kiểm nhớ lại: “Hàng ngàn, hàng ngàn người Việt Nam trên các con tàu đồng loạt cất tiếng ca bài quốc ca của miền Nam. Khi cờ hạ xuống, họ khóc tức tưởi.”

Ngày 5 tháng 7, những con thuyền mang cờ Mỹ tiến vào Subic Bay.

Ðối với dân tỵ nạn, đây chỉ mới là bước đầu của một cuộc hành trình dài, đưa họ đến Guam và sau đó sang định cư ở Mỹ.

Armitage nói rằng ông cảm thấy “ganh tị” với các quân nhân trên chiếc Kirk. Dù rằng con tàu này chưa hề dự phần chiến đấu ở Việt Nam lần nào nhưng nó kết thúc cuộc chiến với sứ mạng cứu vớt hàng chục ngàn dân tị nạn, một trong những sứ mệnh nhân đạo lớn lao nhất trong quân sử Hoa Kỳ. (TP)