Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Di Cư 1954 Nhìn Lại Hiệp Định Elysée (3)

Nhìn Lại Hiệp Định Elysée (3) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục   
Thứ Năm, 23 Tháng 10 Năm 2008 07:21

Phần kết luận

Hiệp định này dù đã được ký kết long trọng như thế, nhưng ai cũng thừa hiểu rằng cần rất nhiều thời gian và thiện chí để thực hiện dần dần những điều hai bên đã cam kết. Quả thực đúng là như vậy. Bảo Đại hơn ai hết ý thức được sự “mong manh” của Hiệp định. Ông cho rằng, đối với người Pháp, Hiệp định ký xong thì coi như mọi truyện đã hoàn tất. Còn đối với Bảo Đại thì Hiệp định ký xong mới chỉ là giai đọan mở đầu. Bởi vì phải trong bao lâu nữa mới có được độc lập của một Quốc gia nếu quốc gia gia đó chưa thực sự làm chủ, độc lập về ngoại giao và quốc phòng? Đối với De Gaulle, hiệp định này là hết mức rồi, một điểm tận cùng rồi (aboutissement), nhưng đối với nhiều người Việt Nam, nó mới là điểm khởi đầu (départ).

Và tôi tự hỏi kể từ sau khi hiệp định được ký xong thì Bảo Đại đã có những nỗ lực gì, đã làm gì để thúc đẩy tiến trình thực hiện cụ thể hiệp định ấy?

Nếu không thì Hiệp định gì cũng có thể chỉ là tấm giấy lộn.

Điểm rõ rệt và cụ thể nhất là 8 tháng sau ngày ký hiệp định Élysée, quân đội Quốc gia hình thành lần đầu tiên với 23 ngàn binh lính chính quy và hơn 20 chục ngàn dân vệ. Mục tiêu đạt tới là 30 ngàn lính chính quy và 35 ngàn dân vệ.

Điển hình và tiêu biểu nhất là toàn bộ tỉnh Hưng Yên do quân đội Quốc Gia đảm trách. Đối với trong
Nam thì có khá nhiều tỉnh nằm trong tay quân đội Quốc Gia như các tỉnh Tân An, Gò Công và Bến Tre.

Quân đội Việt
Nam cũng thiết lập được 54 tiểu đoàn khinh binh (bataillons légers), phù hợp với chiến trường Việt Nam. Quân số trù liệu sẽ lên đến con số 175.000 người mà chi phí sẽ do Washington
tài trợ. Quân đội Quốc gia nay không còn sát nhập vào quân đội Pháp (armée intégrée) mà là quân đội đồng minh (armée alliée). (Trích trong Le Dragon d’Annam, SM Bao Đai, trang 250-253)

Nhưng cũng cần nêu ra một điều là những người chung quanh ông Bảo Đại đa số không ra gì. Phan Văn Giáo ngoài Trung, Bảy Viễn ở Sài Gòn đều là những cơ sở hậu cần cung cấp dịch vụ cho Bảo Đại. Chỉ trừ một người là ông Nguyễn Đệ, chánh văn phòng mà Bảo Đại đã không tiếc lời khen ngợi. Nguyễn Đệ, học ở Pháp, cùng với Ngô Đình Diệm là bạn chí thiết, cùng làm việc ở Huế năm 1932 và cùng xin từ chức thời Bảo Đại. Một thương gia giầu có mà vào tháng 8, 1945, Hồ Chí Minh đã mời làm cố vấn kinh tế. Chính ông Pignon đã giới thiệu Nguyễn Đệ với Bảo Đại. Bảo Đại viết:

Il allait se montrer pour moi un collaborateur dont la fidélité ne se démentira jamais. Partout, il me suivra comme mon ombre, accomplissant les tâches les plus délicates et souvent les plus pénibles avec une grande finesse d’intelligence et un dévouement à toute épreuve et aussi avec une dignité qui, parfois, donnait à son visage l’air d’un martyr portant sa croix.

(Le Dragon d’Annam, S.M Bao Dai, trang 258-259.

Ông Đệ là một người cộng tác trung thành không thể chê vào đâu được. Đi đâu, ông cũng như cái bóng hình của tôi để chu toàn những nhiệm vụ tế nhị và phiền toái nhất với một sự tế nhị thông minh và một sự tận tâm qua rất nhiều thử thách, nhưng vẫn chứng tỏ một nhân cách mà đôi khi khuôn mặt ông ta có dáng vẻ một người đang phải gánh vác một cây thánh giá.

Nhiệm vụ tế nhị và phiền toái là thứ nhiệm vụ gì?

Nhưng một mặt khác, phải nhìn nhận rằng Hiệp định Élysée là một giai đoạn chuyển tiếp cần phải có trong tiến trình tiến tới môt nền hòa bình, thống nhất và độc lập thực sự cho đất nước. Có thể cần hai ba giai đoạn thương thuyết để có thể đi tới độc lập thực sự. Và người ta tự hỏi phải chăng chỉ có một đường lối độc nhất là tiến hành chiến tranh giải phóng như Việt Minh đã làm? Hay phải đạt được một giải pháp toàn diện và chung cuộc như những đòi hỏi của ông Diệm? Cái giá phải trả cho một cuộc chiến tranh giải phóng phải chăng là quá đắt và “không cần thiết”?

Nhưng nếu chúng ta biết và nhận thức rõ ràng những chủ đích của người cộng sản là tiến hành chiến tranh giải phóng trên toàn thế giới thì sẽ có thái độ như thế nào? Thật vậy, chỉ vừa mới chiến thắng được Trưởng Giới Thạch và tống xuất ông này ra một đảo nhỏ là Đài Loan vào năm 1949. Mao Trạch Đông đã hỗ trợ cho Bắc Hàn mở đầu cuộc chiến tranh Nam Bắc Hàn, 1950 và tạo một dây chuyền chiến tranh giải phóng trên các nước khác.

Phần Mỹ đã trực tiếp đem quân sang Nam Hàn cũng với một số đồng minh chống lại Bắc Hàn mà đằng sau là Trung Quốc

Nay thì cuộc chiến tranh Việt Pháp đã đổi mầu. Nó không còn là thứ chiến tranh chống thực dân nữa. Những mỹ từ đất nước, chiến tranh giải phóng, chống thực dân thật sự kể từ 1950 chỉ còn là thứ tuyên truyền không hơn không kém.

Không phải là thứ chiến tranh dành độc lập, đánh đuổi thực dân Pháp như trước đây nữa. Kể từ năm 1950 với sự giúp đỡ võ khi, quân nhu, quân dụng, huấn luyên của Trung Cộng đã biến cuộc chiến ở Việt Nam thành một thứ chiến tranh ý thức hệ, giữa hai thế lực.
Đầu năm 18/01/1950, Trung Cộng chính thức công nhận chính phủ Việt Minh. Tiếp theo đến lượt Liên Xô ngày 30/01/1950 và rồi đến lượt các nước Đông Âu và Bắc Triều Tiên công nhận. Võ Nguyên Giáp viết:

Không đầy một tháng sau khi tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa nhân dân, Trung Quốc báo tin sắp công nhận Việt Nam Dân chủ cộng hòa và đề nghị ta sớm cử đại sứ tới Bắc Kinh.

(Đường tới Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, trang 13)

Tháng 8, 1950, Hồ Chí Minh tuyên bố rất tự tin và hãnh diện vì được hai nước đàn anh cộng sản công nhận.

Nhưng quan trọng nhất là việc Hồ Chí Minh sang Liên Xô và gặp cả Staline và Mao Trạch Đông ở đấy. Hồ Chí Minh xin Liên Xô trang bị 10 đại đoàn bộ bình và một trung đoàn pháo cao xạ. Stalin nói: yêu cầu của Việt Nam không lớn. Nhưng nên có sự phân công giữa Trung Quốc và Liên Xô. Phần Mao Trạch Đông nói: “Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt, hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khi bên phía Trung Quốc.Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trục tiếp của Việt Nam…”

Tháng Tư 1950, 2 trung đoàn của 308 đi theo đường Hà Giang qua Mông Tự (Vân Nam) nhận vũ khí. Tiếp đó 1 trung đoàn của 312 đi theo đường Cao Bằng để trang bị tiếp cho 2 trung đoàn khác phải ở lại chiến trường đối phó với quân đich.

Và ông Giáp viết: “lần đầu dây Mác xung kích được đưa ra khỏi đội hình chiến đấu của những trung đoàn chủ lực” (Trích Đường tới Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, trang 14-15-16).

Các cố vấn lần lượt có mặt ở biên giới như La Quý Ba, Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Mã Tây Phu. Đặc biệt Trần Canh do chính Hồ Chí Minh khẩn khoản mời sang. Về thiệt hại giữa “ ta và địch”, Võ Nguyên Giáp đánh giá: ta thiệt hại 1 thì địch thiệt hại 1,2. Ai tin được, cứ tin.

Tôi không chắc chắn là ông Võ Nguyên Giáp đã viết đầy đủ về sự chi viện của Trung Cộng cho chiến trường Điện Biên Phủ. Xin ghi lại một vài con số vắn tắt từ nguồn tài liệu phương Tây để tiện dịp so sánh.

• Theo Chinese United Nes Agency ở Hồng Kông thì vào 20 tháng 8 năm 1950, có khoảng 150.000 binh đội Trung Hoa Cộng Sản đã tới Côn Minh (Kun Ming) thuộc tỉnh Hồ Nam (Yun-Nam) để trực tiếp hỗ trợ cho Việt Minh.

• Theo Kwong Wah News Agency cũng ở Hồng Kông, có hai tầu chở võ khí của Trung Cộng để tiếp tế vũ khí cho Việt Minh.

• Cũng theo tin của China Tribune ở Nữu Ước, cho hay cũng có hai tầu thủy chở vũ khí có tên là S.S Kuo Tai và S.S Kuo young ở cảng Nam Kinh đã rời cảng sang vịnh Bắc bộ.( Trích trong Viet Nam crisis, Stephen Pan và Daniel Lyons, trang 25).

Nay thì phía Trung Cộng đã mở ra rất nhiều tài liệu để nhằm hạ uy tín của tướng Giáp và Hà Nội trong trận chiến. Điện Biên Phủ. Gián tiếp, đại học North Carolina đã cho ấn hành “Mao’s China and the cold war” của Jian Chen năm 2001, Và với “China and the Viet Nam wars” của Qiang Zhai năm 2000

Phần người viết thì tin là sự trợ giúp của Trung Cộng là yếu tố quyết định trong cán cân quyền lực về quân sự trong chiến thắng Điện Biên phủ.

Đúng như lời tuyên bố của đại tướng Eishenhower trong bài diễn văn nhận chức ở tòa nhà trắng vào năm 1952 như sau:

Le soldat francais en Indochine et le soldat américain en Corée combattent pour la même cause “Ainsi, pour les Américains, la guerre d’Indochine n’est plus une guerre coloniale, mais une guerre occidentale contre le communisme, une guerre qui tend à apporter la liberté au Viet Nam.

(Trích Bảo Đại, Le Dragon d’Annam, trang 302)

Tạm dịch: Người lính Pháp ở Đông Dương và người lính Mỹ ở Đại Hàn đều cùng chiến đấu chung cho cùng một mục đich. Vì vậy, đối với người Mỹ, cuộc chiến ở Đông Dương không còn là một thứ chiến tranh chống thuộc địa nữa, mà là một thứ chiến tranh của Tây Phương chống lại chủ nghĩa cộng sản, một cuộc chiến tranh nhằm đem lại tự do cho Việt Nam.

Hiểu như thế, không thể có chiến thắng Đện Biên Phủ nếu không có sự tài trợ của cộng sản Tàu cộng. Chiến thắng đó có ý nghĩa một cuộc chiến tranh giữa hai phe thù địch mà người Việt Nam chỉ là con bài thí.

Vì thế, cho dù Hiệp định Élysée có đem lại kết quả thế nào đi nữa thì Việt Minh vẫn tiếp tục chiến tranh, dành thắng lợi về cho riêng họ.

Trách nhiệm của họ đối với lịch sử Việt Nam về Hiệp định Élysée là ở đó. Họ không chấp nhận bất cứ giải pháp hay hiệp ước nào mà không có họ.

Đó là bài học cần học khi suy nghĩ về Hiệp định Élysée này.

Nay thì chúng ta có thể nhìn lại để thấy cộng sản Việt Nam đã không lý gì đến Hiệp định Élysée này và tiếp tục chiến tranh, hy sinh thêm biết bao sinh mạng người dân nhân danh độc lập, thống nhất mà chúng ta có thể tránh được nếu Hiệp định Élysée đã không được nhìn nhận chỉ vì tham vọng bá quyền của chủ nghĩa cộng sản.

Thật vậy, chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới đã tiêu phí trên 100 triệu sinh linh từ gần một thế kỷ nay nhằm tiêu diệt những “thế lực phản động” như tư bản, phong kiến và thực dân. Theo Jung Chang và Halliday trong The Unknow Story, xuất bản năm 2005, Mao Trạch Đông trách nhiệm về cái chết của hơn 70 triệu dân Tầu (who for decades held absolute power over the lives of one quarter of the world’s population, was responsible for well over 70 millions deaths in peacetime, more than any other 20th century leader (Trích trong Los Angeles Times, April 13, 2008)

Phần còn lại của hơn 30 triệu sinh linh là trách nhiệm của Joseph Stalin và đồng bọn.

Riêng Việt Nam, nếu chỉ kể từ 1946, Hồ Chí Minh đã tiêu phí khoảng 5 triệu sinh mạng dân Việt. Nghĩa là một phần tư dân số người Việt thời 1946 đã bị hy sinh cho lá bài của đảng cộng sản Việt Nam.

Nhưng khi cộng sản trên toàn thế giới sụp đổ thì thế giới đã không tốn một giọt máu. “Tự nó” tan rã. Tự nó sụp đổ. Sự kiện đã không cần tốn một giọt máu cũng đủ khiến cho thế giới cộng sản tan rã đủ để nói lên tính cách phi lý và phi nhân của nó của cuộc chiến tran này. Và người cộng sản Việt Nam hẳn cũng nhận ra, trước sau gì thì họ cũng chỉ là cái đuôi thừa của một chủ nghĩa không có lý do để tồn tại.

Mặc dầu văn kiện này chỉ là một giải pháp giai đoạn, giải pháp Bảo Đại (La solution Bảo Đại) đã là bước mở đầu có thể giúp chúng ta tiến được một bước lớn trên con đường tranh đấu giành độc lập cho Việt nam mà chắc chắn là chúng ta sẽ không phải tiếp tục mang sinh mạng người Việt Nam ra để mua lấy độc lập tự do nữa. Chúng ta đã tránh được chiến tranh và chắc chắn đỡ tốn những giọt máu chảy ra vô ích. Nhưng vì đảng Cộng sản Việt Nam bị đặt ra bên ngoài Hiệp định, vì không được ký vào hiệp định đó nên họ tiếp tục chiến tranh, để cuối cùng họ được chia nửa nước Việt nam cho riêng họ. Họ bằng lòng với phần bánh được chia đó bất kể số phận đất nước bị chia cắt làm hai. Nhưng người quốc gia đã không chấp nhận sự phân chia đó. Những ai còn cho rằng chỉ có cộng sản mới có công giành được độc lập, thống nhất đất nước bằng chiến tranh thì nên nhìn lại giải pháp Bảo Đại.

Bảo Đại trên du thuyền Panda của ông - đi tìm độc lập? (Cannes, 1954)
Nguồn: wumingfoundation.com

 

Ngày đó, chúng ta có đủ các yếu tố khách quan của tình hình thế giới để thu hồi độc lập. Xu hướng giải thể chủ nghĩa thực dân (décolonisation) trước sau như vết dầu loang đứng trước nguy cơ tranh chấp lưỡng cực giữa thế giới Tư Bản và Cộng Sản. Nhiều nước bị trị đã dành lại được độc lâp mà không cần mang sinh mạng người dân ra thế chấp.

Cộng sản Việt Nam đã nằm trong gọng kìm của cuộc đối đầu giữa thế giới Tư Bản và Cộng Sản nên đã không nhìn ra cái xu hướng chính trị giải thể ấy. Hoặc nhìn ra, nhưng họ bị ràng buộc bởi nghĩa vụ quốc tế, bởi tham vọng của họ lớn hơn nhu cầu độc lập, thống nhất: tham vọng của chủ nghĩa bá quyền cộng sản trên toàn thế giới?

Người cộng sản đã từ chối giải pháp Bảo Đại. Phải chăng, nếu đứng trên lập trường dân tộc, số phận đất nước, việc từ chối đó coi như một phản bội lại quyền lợi tối ưu, sống còn trên tiến trình dành độc lập và thống nhất tổ quốc?

Lịch sử sau này cho thấy, giải pháp Bảo Đại là một thất bại vì nhiều lẽ. Giải pháp chính trị hay giải pháp Bảo Đại đã không phải là một diễn tiến chính trị đem tới sự độc lập và thống nhất cho Việt Nam.

Chung cục là người ta đã chỉ có thể đi tới một giải pháp chính trị nửa vời bằng một chiến thắng quân sự là Điện Biên Phủ.

Ngay cả chiến thắng này cũng không phải là giải pháp chung cuộc hứa hẹn hòa bình và độc lập cho Việt Nam.

Và mọi người đều biết rằng, giải pháp quân sự đã tốn hao thêm biết bao là xương máu nữa sau này?

Về phương diện cá nhân, có lẽ chỉ mình Bảo Đại là người thu lợi nhiều nhất. Nay hồ sơ lưu trữ của Pháp cho thấy một cách không tưởng tượng được là cựu hoàng có đến 4 máy bay DC-3, một máy bay B-24 sáu chỗ, một B-29 và một máy bay để thi nhào lộn. Phần Thủ tướng Queille đã tặng ông một du thuyền hằng trăm triệu franc, du thuyền y-át Jajusy. Rồi xe Mercedes, nặng 4 tấn, có kính dày trên 3 cm, vỏ thép chống được đạn tiểu liên, 4 chiếc Limousine Mỹ. Ngoài ra còn các xe thể thao Ferreri hay Bentley. (CAOM, Hồ sơ lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại–SPCE 376, các năm 1949-1950, trích lại trong bài của Nguyễn Gia Kiểng, đăng trên Thông luận)

Tư lợi cho Bảo Đại
Nguồn: The Last Emperors of Vietnam

 

Tóm lại cuộc đời của Bảo Đại tóm gọn trong những chữ sau đây: Du thuyền, máy bay, xe hơi, đánh bạc và nhất là gái đẹp và săn bắn .

Khi tình thế đất nước không còn mảy may hy vọng gì nữa, Bảo Đại đã lên chiếc máy bay riêng, chiếc Libérator vào ngày 9 tháng 4 năm 1954 cùng với hoàng thân Vĩnh Cẩn và Nguyễn Duy Quang để về Pháp mang theo 500 ngàn đô la, tiền sở hụi đóng góp cuối cùng của Bảy Viễn. (Trích Nguyễn Gia Kiểng, như trên).

Lần này ông ra đi vĩnh viễn và không bao giờ quay trở lại Việt Nam nữa.

© DCVOnline