Vọng niệm 2: Những bức ảnh về chiến tranh năm đó và dáng đứng Việt Nam hôm nay |
Tác Giả: Nhà Báo Nguyễn Thượng Long | |||
Thứ Bảy, 31 Tháng 3 Năm 2012 05:05 | |||
Hành động đàn áp hiện tại của CSVN là lời tiên báo về sự sụp đổ của cả một chế độ.Nguyễn Thượng Long (Danlambao) - Sau những bài viết về quân lực Việt Nam Cộng Hoà như bài “Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà với việc bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa”, bài “Năm 2011… những nghịch lý đời thường", tôi viết về cái chết của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ nguyên Phó Tổng Thống, nguyên Thủ Tướng VNCH, nguyên tư lệnh không quân VNCH, gần đây nhất trong bài “Hải Phòng… còn đâu nữa niềm tin!", với tấm hình rất nổi tiếng của Eddie Adams, tôi duy nhất ghi một dòng giới thiệu theo lời giới thiệu của báo chí thế giới, không hề có ý bình luận: “Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan chánh cảnh sát đô thành Sài Gòn xử bắn tù binh đặc công Bẩy Lốp trong biến cố Mậu Thân 1968”. Thật bất ngờ chỉ sau 24h xuất hiện, đã có hàng trăm comments cho bài viết này.
Ngoài những lời chia sẻ cùng tôi về sự kiện Tiên Lãng Hải Phòng, có không ít lời chê trách, phàn nàn rằng tôi vô ý thức, là không biết gì về bức ảnh đó, thậm chí có người còn kết tội tôi là kẻ “đi hàng hai” khi sử dụng tấm hình này. Tôi không tin hơn 40 năm sau biến cố Mậu Thân 1968 và cũng ngót 40 năm sau ngày 30-4 những người lính nay lại mất bình tĩnh đến thế khi nhìn lại hình ảnh của một thời khói lửa và hận thù phủ trùm lên quê hương và như vậy, có thể nói: Dư âm của cuộc nội chiến tương tàn vừa qua 1954 – 1975, còn lâu lắm mới ra khỏi tâm thức của người Việt Nam.
Vậy bức ảnh mà tôi đã sử dụng là bức ảnh gì mà nhiều người không hài lòng với tôi đến thế? Phần tôi, khi được chiêm ngưỡng tác phẩm này, tôi đã nghĩ: Tấm hình này xứng đáng là một kiệt tác ảnh phóng sự về chiến tranh, không tiền khoáng hậu, sẽ lưu danh muôn thuở. Hãy cùng đọc lại những thông tin về số phận của bức ảnh có tên “Hành Quyết Tại Sài Gòn” – Saigon Excution mà tôi đã dùng, để biết số phận tác giả và những nhân vật liên quan đến bức ảnh này:
Nhiếp ảnh gia Eddie Adams (1933 - 2004)
* Eddie Adams, người chụp bức hình này viết:
“Tôi dõi máy theo…
khi họ đến gần khoảng 5 foot, những người lính dừng lại và lui về phía sau. Tôi thấy một người đàn ông từ bên trái bước vào trong vòng ngắm máy ảnh của tôi. Ông ta rút một khẩu súng lục ra khỏi bao và nâng lên chĩa vào đầu người Việt Cộng…
Đúng lúc đó tôi chụp bức hình - Eddie Adams (Giải thưởng báo chí Pulitzer 1969 – NTL)
* Theo lời kể của Neil Davis trong hồi ký In the Frontline thì: “…Tướng Loan cầm khăn lau mặt, vẫy tay kêu các tuỳ tùng tránh ra, đi đến bên Bẩy Lốp, không nói một lời, Loan quăng điếu thuốc và móc khẩu súng lục ra. Ông ta lấy tư thế của một xạ thủ, cánh tay phải giơ thẳng ở khoảng cách có lẽ 1m, bắn vào thái dương của người tù binh này”.
* Bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn” xuất hiện trên trang nhất báo chí thế giới ngay ngày hôm sau… đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ khắp thế giới. Bức ảnh đã thực sự làm bùng cháy ngọn lửa phản chiến đang âm ỉ tại Mỹ. Viện Galup cho biết trước tết Mậu Thân có 1/5 số người được hỏi nhận mình là “Diều Hâu” (Ủng hộ chiến tranh), nhưng sau khi thấy bức hình Tướng Loan bắn Bẩy Lốp thì họ tự đổi thành “Bồ Câu”. (Nguyễn Ngọc Chinh’s - Hồi Ức Một Đời Người)
* “Saigon Excution” đã trở thành hình ảnh được nhớ tới nhiều nhất trong Chiến Tranh Việt Nam, giúp cho Eddie Adams giành được giải thưởng World Press Photo of the Year và giải báo chí Pulitzer năm 1969 về thể loại ảnh. Năm 2007, bức ảnh này được tạp chí Metal Floss bầu chọn là một trong 13 tấm ảnh đã làm thay đổi bộ mặt thế giới.” (Nguyễn Ngọc Chinh’s – Hồi Ức Một Đời Người)
* Nguyễn Ngọc Chinh viết tiếp, cùng có mặt trên đường phố Sài Gòn lúc đó còn có Võ Sửu là phóng viên quay phim cho đài truyền hình NBC. Tuy Võ Sửu cũng quay được cảnh Tướng Loan bắn Bẩy Lốp, nhưng cũng thật là bất công, cả thế giới chỉ biết được bức hình của Eddie Adams. Võ sửu kể: “Sau khi bắn, Tướng Loan nói với các ký giả: “Người này đã giết vô số dân chúng của tôi và…
Tôi nghĩ: “Đức Phật sẽ tha thứ cho tôi”
* Sau khi bức hình được cả thế giới biết đến, Eddie Adams luôn sống trong bất ổn. Ông kể: “Tôi mặc bộ đồ dạ hội sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng về bức hình đó tại Đại Hội Nhiếp Ảnh ở Hà Lan. Khi ban nhạc trôi bài quốc ca Hoa Kỳ, tôi bật khóc. Không phải tôi khóc vì sung sướng mà khóc cho Tướng Loan. Cho tới giờ phút đó, tôi vẫn chưa ý thức được việc mình đã làm. Khi chụp tấm hình đó tôi đã huỷ hoại đời ông Tướng, vì ông bị dân chúng ở cả nước ông lẫn Hoa Kỳ lên án về tội giết tù binh chiến tranh. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào người ta vẫn cứ thường làm như vậy, nhưng hiếm có nhiếp ảnh viên nào chụp được như tôi mà thôi” (Eddie Adams)
* Năm 1983 Adams trở lại Việt Nam và được thấy tấm hình oan nghiệt của mình được trưng bầy ở một chỗ rất trang trọng trong Bảo Tàng Chiến Tranh tại Sài Gòn. Tuy nhiên, hiện nay không hiểu vì lý do gì bức hình Saigon Excution đã không còn được trưng bầy, chỉ được bày bán trong gian hàng lưu niệm tại đây mà thôi. Đến thập niên 1990 ông giải thích: “…bức hình tôi chụp đã lừa dối công luận. Ông ấy chiến đấu cho cuộc chiến của chúng ta (Người Mỹ) không phải cuộc chiến của họ.” (Eddie Adams)
* Lại nói về người lính đặc công mặc áo ca rô trong bức ảnh có tên là Nguyễn Văn Lém tức Bẩy Lốp, lại có tài liệu nói anh ta là Lê Công Nà tức Bẩy Nà (!?). Sau ngày 30 – 4 – 1975 có tới 8 người đàn bà đứng ra nhận mình là vợ của người đàn ông mặc áo carô trong bức ảnh và hài cốt của người này đến nay vẫn chưa tìm thấy, dù anh ta đã được phong tặng danh hiệu Liệt Sĩ. (!?) Vậy là người mặc áo carô trong tấm hình của Eddie Adams sau gần 50 năm vẫn còn là vô danh? Phải chăng vì lý do này mà bức ảnh đó không còn hiện diện ở nơi trang trọng nhất trong Bảo Tàng Viện chiến tranh ở Sài gòn? (Nguyễn Thượng Long)
Một trong 8 người đàn bà đã nhận là vợ của người đàn ông mặc áo carô.
* Số phận của Tướng Loan thế nào ?
Tướng Loan bị bắn trọng thương trên cầu Phan Thanh Giản
Tướng Loan và vợ tại cửa hàng bánh Pizza ở USA sau 30-4-1975
“Bốn tháng sau sự kiện Saigon Excution, ngày 5-5-1968 bộ đội Bắc Việt mở đợt tổng công kích lần thứ 2. Lần này, Tướng Loan cùng lực lượng cảnh sát ngày đêm tiếp tục chiến đấu trên đường phố Sài Gòn. Ông bị trọng thương ở cả 2 chân trên cầu Phan Thanh Giản tức đường Điện Biên Phủ ngày nay. Một ký giả Úc đã nhìn thấy và dìu ông vào chỗ an toàn. Định mệnh thật kỳ lạ: Một ký giả Mỹ đã huỷ diệt danh dự ông thì 4 tháng sau một ký giả Úc đã cứu sống ông. Sau đó Tướng Loan được chở sang Úc chữa trị, nhưng bị công luận Úc phản đối, nên ông lại được chuyển sang bệnh viện Walter Reet Army Medical Center ở Washington DC Hoa Kỳ. Nhưng thật đau đớn cho Tướng Loan, các Dân Biểu phản chiến tại Quốc Hội Hoa Kỳ lúc đó cũng phản đối. Trở về Sài Gòn trên đôi chân tật nguyền khập khiễng, Tướng Loan được giải ngũ và dành thì giờ vào các công tác thiện nguyện giúp trẻ mồ côi. Sau 1975, Tướng Loan và gia đình đến lập nghiệp ở thành phố Springfield, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông mở một tiệm bán bánh Pizza. Đã có lần Eddie Adams đến tiệm này thăm Tướng Loan. Khi nhắc đến tấm hình oan nghiệt ngày xưa, Tướng Loan không một lời oán trách, ông còn an ủi Adams “Ông làm nhiệm vụ của ông, tôi làm nhiệm vụ của tôi. Chỉ có thế thôi”…và từ đó họ trở thành đôi bạn tri kỷ. Năm 1991, Tướng Loan phải đóng cửa tiệm Pizza vì dân chúng địa phương đã nhận diện được ông. Có kẻ đã vào WC của tiệm viết lên tường dòng chữ khiếm nhã: “We know who you are” (Chúng tao biết mày là ai?). Tướng Loan qua đời lúc 20 h ngày 14-7-1998 vì bệnh ung thư tại Brucke, Virginia, thuộc vùng ngoại ô của Washington DC, thọ 68 tuổi. Ông để lại vợ là bà Mai Chính, 5 người con và 9 cháu nội ngoại.” - (Theo Nguyễn Ngọc Chinh’s - Hồi ức một đời người).
Khi sử dụng tấm hình Tướng Loan xử bắn Bẩy Lốp, tôi không để một áp lực nào chi phối bởi tôi luôn tâm niệm: Trung lập không thiên vị là phẩm chất phải có của những người cầm bút chân chính. Tôi rợn người khi thấy nòng súng của Tướng Loan rê vào mang tai đặc công Bẩy Lốp, thì tôi cũng ghê người trước hình ảnh những hố chôn tập thể dân thường được tìm thấy ở Huế sau Mậu Thân 1968 mà nghi án thủ phạm là những tay súng AK 47 của phía chúng tôi (!?). Tôi đau nỗi đau của người đồng bào tôi đã ngã xuống ở đường phố Sài Gòn và Huế 1968 thế nào thì tôi cũng xót xa như vậy khi nhìn tấm ảnh Kim Phúc trần truồng trên đường, dang tay vẫy vẫy vì lửa napan của Mỹ ở Trảng Bàng Tây Ninh 1972.
Kim Phúc cô bé Napan (Ảnh Nick Út). Giải thưởng báo chí Pulitzer
và sau này tôi cũng không hề thấy tâm hồn mình thanh thản chút nào trước tấm hình “Cha Lý bị bịt miệng”, hình “Nguyễn Tiến Nam bị bắt trước chợ Đồng Xuân”, hình Bùi Thị Minh Hằng bị hành hạ, Nguyễn Chí Đức bị đạp mặt trong cuộc biểu tình yêu nước khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, hình ảnh phụ thân của Hoa Hậu biểu tình Trịnh Kim Tiến bị Công an đánh gẫy cổ, gần đây nhất là hình ảnh Đại Tá Đỗ Hữu Ca giám đốc công an Hải Phòng rất ngầu trong bộ đồ CSCĐ đang ném về phía anh em nhà Đoàn Văn Vươn những tia nhìn từ con mắt mang hình viên đạn của hận thù.
Tôi tin rằng ở thế giới bên kia, nhiếp ảnh gia Eddie Adams mất năm 2004, Tướng Loan mất 1998, đặc công Bảy Lốp mất 1968, cùng biết bao thường dân vô tội có tên và không có tên ở cả 2 bên, sẽ không ai lên án tôi khi tôi đã nhắc đến họ bằng tình cảm của con người với con người. Là nhà giáo… trong tôi không có lá phiếu nào dành cho cách hành xử hung bạo. Khi sử dụng tấm hình nổi tiếng của Eddie Adams, tôi chỉ muốn bầy tỏ một điều rất giản dị là: “Lựa chọn bạo lực, lại là bạo lực trong nội bộ dân tộc với nhau không phải là một lựa chọn tối ưu”. Khi sử dụng tấm hình Tướng Loan tôi biết, cú xiết cò đó ông Loan chỉ loại trừ được một con người, cú bấm máy xuất thần của Eddie Adams chỉ giết được danh dự của một mình Tướng Loan thôi, còn bức ảnh Đại Tá Đỗ Hữu Ca hôm nay… tuy không giết chết được ai, nhưng nó chỉ ra sự xuống cấp về đạo đức của người làm công vụ, sự mất niềm tin của dân chúng, sự sa sút uy tín của thể chế, thậm chí lấp ló là lời tiên báo về sự sụp đổ của cả một chế độ.
Biến cố Mậu Thân đã lùi xa 44 năm rồi, Ngày 30-4 cũng đã có 36 lần tổ chức, ngày 30-4-2012 đang dần đến với dân tộc tôi. Không biết sau những ngày các Nghĩa Trang Liệt Sĩ nơi tưởng niệm đồng bào ta ngã xuống trong trận chiến Hoàng Sa 1974, trận chiến biên giới phía Bắc 1979 vẫn tiếp tục là hương lạnh khói tàn, sau sự kiện lễ tôn vinh và tặng quà cho thân nhân gia đình 64 chiến sĩ Hải Quân Nhân Dân Việt Nam ngã xuống trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma 1988 do báo Thanh Niên cùng báo Nông Thôn Ngày Nay, Hội CCB Việt Nam, hội CCB ngành dầu khí được Bộ Tư Lệnh Hải Quân, vùng 4 hải quân đồng tình và hoan nghênh, nhưng đến phút cuối cùng đã không được “Trên” cho phép tổ chức… thì có ảnh hưởng gì đến sự náo nhiệt của ngày 30-4-2012 lịch sử, ngày mà cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt coi đó là ngày mà “Triệu người vui và cũng có cả triệu người buồn”?
Người đời xưa nói: “Mạnh vì gạo – Bạo vì tiền”, người đời nay nói: “Chân lý thuộc kẻ mạnh!”. Dân tộc Việt Nam có thực sự còn sức mạnh nữa không khi trong tay là một bình quân GDP ở tốp thấp nhất khu vực và thường xuyên phải “ăn độn” với một “Niềm Vui – Nỗi Buồn” kỳ lạ như thế ? Không biết trong những ngày này, ai còn nhớ cũng trong Mậu Thân 1968, có một tiểu tổ đặc công tiềm nhập vào phi trường Tân Sơn Nhất và… một tượng đài bằng âm thanh “Dáng Đứng Việt Nam” đã ra đời: (Trích đoạn)
“Trong chúng ta, anh như những thiên thần. Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng. Và Anh chết trong khi đang đứng bắn. Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng. Chợt thấy anh giặc hốt hoảng xin hàng. Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn. Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm, vẫn đàng hoàng nổ súng tiến công” và...
…
“Anh giải phóng quân ơi, tên anh đã thành tên đất nước.
Tổ Quốc bay lên bát ngát mùa xuân…
Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất.
Dáng đứng tự hào, dáng đứng Việt Nam.”
(Lời Thơ: Lê Anh Xuân, Âm Nhạc: Nguyễn Chí Vũ, Ca Sĩ hát: TrungKiên – Doãn Tần)
***
Vâng đã có một thời lãng mạn như thế, một thời trùng trùng điệp điệp là máu xương của những con người như thế. Những hy sinh to lớn và âm thầm của những người lính là hoàn toàn có thật, đâu để hôm nay chúng ta lại phải sống như lạc loài ngay trên quê hương xứ sở của ông bà. Về kinh tế: Chúng ta đang ngày càng tụt hậu so với các lân bang. Về thể chế chính trị: Chúng ta là một dị thường trong con mắt của các dân tộc văn minh. Trước tổ tiên, giống nòi: Chúng ta đang vô tư làm biến mất bao đất đai, biển đảo và biết bao những giá trị tinh thần Việt Nam được hun đúc từ suốt 4000 năm lịch sử và nhìn nhau bằng những đôi mắt mang hình viên đạn. Còn đứng trước người phương Bắc, chúng ta lại khúm núm đến thảm hại trong một “Dáng Đứng” không thể chấp nhận được. Thật đúng là: “Giữa ngày vui mà nước mắt lại trào!”
Bạn có thể sẽ không đồng ý với tôi, đó là quyền của bạn. Còn với tôi, những suy nghĩ: Bỏ điều 4 là cần thiết, thực hiện điều 69 để nhân dân Việt Nam được hưởng những gì mà các dân tộc văn minh đang được hưởng… đến cùng với khí trời mà tôi hít thở, nước uống và lương thực mà tôi sử dụng mỗi ngày, đến với tôi cùng với niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và cả những bất hạnh. Tôi tin rằng, ai cũng thấy như tôi cả thôi, có điều tôi đã nói ra điều đó, trong khi nhiều người khác… vì một lý do nào đó mà họ đã chọn phương cách: “Im Lặng Là Vàng”, chấp nhận “Sống Chung Với Lũ”. Đáng buồn làm sao, lại có người chỉ vì những lợi ích cá nhân và băng đảng của mình mà đã sẵn sàng nói những điều hoàn toàn là ngược với những gì mà chính họ cũng đã nghĩ, dù rằng họ thừa biết tiếp tục làm theo những điều ngược đó… cả dân tộc này sẽ tiếp tục bị đoạ đầy./.
Hà Đông Tháng 3 - 2012
Nơi ở: Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà nội
ĐT: 0433521066
Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|