Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Bảo Vệ Lãnh Thổ Việt Nam: Nhục Cho Nước, Hại Đến Dân

Việt Nam: Nhục Cho Nước, Hại Đến Dân PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Trần   
Chúa Nhật, 25 Tháng 1 Năm 2009 09:46

Nhà nước Quanh co Giữa Bản Giốc và Ải Nam Quan

Trước Tết Ký Sửu, đảng Cộng sản Việt Nam có hai  hành động làm nhục Tổ Quốc và muối  mặt  Nhân Dân mà vẫn nghĩ  là  mình sáng suốt, là đỉnh cao.

Thứ nhất là việc đảng đã đặt mình vào vòng cương tỏa của Tầu một-trăm-phần-trăm; thứ hai là quyết định đặc xá cho những  kẻ tham nhũng để sỉ nhục những ai còn muốn làm sạch đảng để cứu nước.

Việc thứ nhất thể hiện qua ngôn ngữ trơ trẽn của Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao khi  hết lời ca  ngợi việc hòan tất cắm mốc phân chia biên giới giữa Tầu và Việt Nam ngày 31-12-2008, căn cứ theo Hiệp định năm 1999.

Khiêm nói  : Kết quả trên có được trước hết là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai Nhà nước; những nỗ lực không mệt mỏi của hai Đoàn đàm phán cấp Chính phủ; sự cố gắng vượt bậc của các lực lượng phân giới cắm mốc thuộc các Bộ, ngành, địa phương và đông đảo đồng bào dân tộc các tỉnh biên giới của chúng ta đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để bảo đảm tiến độ phân giới cắm mốc. Đó cũng là sự hội tụ công lao, đóng góp của nhiều thế hệ đi trước, sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; là thành quả của tinh thần độc lập tự chủ, nắm vững và vận dụng hiệu quả luật pháp quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm giải quyết hòa bình các tranh chấp về biên giới lãnh thổ của các nước khác.

Trước hết, không có thế hệ đi trước nào của Tổ tiên người Việt đã đóng góp vào âm mưu  dâng đất cho Tầu  của đảng CSVN. Từ ngàn xưa, lịch sử Việt Nam  đã viết  rõ như ban ngày : Nước Việt Nam chạy dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau." , và những kẻ cấm quyền  trong đảng CSVN, từ Hồ Chí Minh trở xuống  và con cháu họ,  cũng đã học thuộc lòng như thế qua nhiều thế hệ.

Thế mà ngày nay, sau khi phải chịu sức ép không cưỡng nổi của Bắc Phương để bảo vệ quyền lợi cá nhân, phe đảng  mà đảng CSVN đã phải gạch bỏ mấy chữ Ải Nam Quan và chỉ nói  tỉnh Cao Bằng là cái đấu của nước ta !

Thứ đến, cũng chẳng làm gì có chuyện như Khiêm bịa đặt nói rằng việc làm bán đất của họ đã được sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Cả dân tộc, trong và ngòai nước là chủ nhân của đất  nước, nhưng nhúm 3 triệu đảng viên đảng CSVN đã tiếm dụng đặc quyền này để coi đất nước là của riêng mình, cam tâm qùy phục trước áp lực để dâng đất, nhượng lãnh  hải  cho Tâu phương bắc qua  hai Hiệp  định 1999 và 2000.

Nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở ngoài nước đã bị đảng coi thường, bị bịt mắt bắt dê, từ chối mọi yêu cầu công khai hai  Hiệp định để cho dân kiểm chứng. Cả cái Quốc hội bù nhìn, tay sai của đảng cũng đã nhắm mắt thông qua Nghị quyết  công nhận Hiệp định biên giới 1999 , dù không  được đảng cho đọc một chữ và cũng chẳng biết hình dạng của biên giới bây giờ ra sao  !

Cả dân tộc bị đảng Cộng sản gạt ra ngòai hành lang pháp lý để  cho một thiểu  số lãnh đạo được  tự do tung tác buôn  bán, đổi chác đất của Tổ tiên.

Sự sợ hãi, khiếp nhược của đảng CSVN đã rõ như thế mà vào gày 1-1-2009, Vũ Dũng, Thứ trường Ngoại giao, trưởng  đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc vẫn còn trâng tráo : "Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng. Do lịch sử để lại, có những khu vực quá canh, quá cư, Hai đoàn đàm phán đã nhất trí linh hoạt điều chỉnh trên cơ sở cân bằng lợi ích. Vì vậy, không thể có chuyện Việt Nam mất đất, cắt đất cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin. Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau". (VietNamNet, 2/1)

Riêng về thác Bản Giốc, Dũng nói với  báo chí  của nhà nước  : Tại thác Bản Giốc, thác cao và là thác phụ hoàn toàn thuộc Việt Nam, với thác chính hai bên thoả thuận đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính, sau đó tiếp tục đi theo dòng chảy chính của sông Quây Sơn. Tại cửa sông Bắc Luân, đường biên giới bắt đầu từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Với việc hoàn thành phân giới khu vực cửa sông này, Việt Nam và Trung Quốc đã xác định xong đường biên giới hoàn chỉnh dài hơn 1400km từ Tây sang Đông, nối tiếp với đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ. Việc giải quyết hai khu vực này là phù hợp với luật pháp quốc tế, với Hiệp ước 1999 và về cơ bản đã đáp ứng được quan tâm của cả hai bên.

Hai bên thoả thuận không xây dựng các công trình nhân tạo tại khu vực thác Bản Giốc để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái ở khu vực này, đồng thời nhất trí xem xét hợp tác khai thác tiềm năng du lịch và sẽ ký Thoả thuận cấp Chính phủ về vấn đề này. Hai bên cũng thoả thuận sẽ thiết lập khu vực tự do đi lại cho tàu thuyền của cư dân biên giới tại khu vực cửa sông Bắc Luân và ký một thoả thuận cấp Chính phủ quy định các nội dung cụ thể liên quan. Hai bên cũng đồng ý sẽ tổ chức lễ mừng công hoàn thành PGCM (phân giới cắm mốc) tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) và Hữu Nghị Quan (Quảng Tây, Trung Quốc) vào thời gian thích hợp trong năm 2009.

Về Ải Nam Quan, Dũng biện bạch theo cách nói của Phường chèo: Về khu vực Hữu nghị quan: Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan. Theo Đại Nam Nhất thống chí, Trấn Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Minh; sau đó, đời Nhà Thanh cho tu bổ lại vào năm 1726. Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị là mốc 19 cũ do Pháp - Thanh cắm năm 1894. Vừa qua ta và Trung Quốc đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m. Như vậy có thể khẳng định đường biên giới tại cửa khẩu Hữu nghị vừa được PGCM là phù hợp với lịch sử và thực tiễn quản lý ở khu vực này. (Báo Điện tử Trung ương đảng, 5-1-2009)

Khi Dũng còn làm Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Dũng đã cảng cố cãi  lý như thế khi bị đông đảo trí thức và cựu đảng viên còn  tâm huyết  trong nước và người Việt ngòai nước lên án đảng cắt đất, nhượng biển cho Tầu trong 2 Hiệp định về đất liền (năm 1999) và lãnh hải (năm 2000).

Lập  luận cũa Dũng ngay lập tức bị Nhà báo Bùi Tín, người biết Dũng qúa nhiều và đang tị nạn ở Pháp phản ứng quyết liệt trong một bài viết : Trước hết tôi tin là ta mất đất. Mất cả ở vùng Ải Nam Quan, cả ở vùng Bản Giốc. Trước hết đó là 2 vùng không xa lạ với tôi. Đã có nhiều lần hồi trẻ tôi thăm thác Bản Giốc. Nước ta rất hiếm thác, nên Bản Giốc nổi tiếng. Tôi còn nhớ như in cái thiệp du lịch thắng cảnh Đông Dương do người Pháp in, có Thác Bản Giốc - Cao Bằng, bên thác có cái ki-ốt tròn, nhỏ, lợp tranh để người đến thăm có thể ngồi tránh nắng, mưa. Tôi đã đích thân cùng bạn và gia đình nhiều lần đến thăm thác Bản Giốc, khi gia đình tôi sống ở thị xã Cao Bằng. Các chị và em tôi đã giở cơm nắm ra ăn trong cái ki-ốt nhỏ khi bọt nước ở chân thác bắn đến gần. Chúng tôi còn tò mò ngắm bà con người Mán sơn đầu sống gần đó. Phía Trung Quốc còn ở xa, khá xa, không ai nhắc đến, đinh ninh là thác ở hẳn trên đất ta.

Ông Bùi Tín còn nói chi tiết hơn : Ở Ải Nam Quan còn rõ hơn. Tôi đi qua đây gần chục lần, bằng ô tô và xe lửa, những năm 1957, 1961, rồi 1976, 1977, 1986, 1989. Cổng đá cao lớn với 3 chữ hán ''Trấn Nam Quan'', sau được đổi là ''Hữu Nghị Quan'' chữ vàng, cùng cột cây số có chữ ''0 km'' chữ đen nền trắng là những vật gây ấn tượng mỗi lần đi qua. Thường đến đó xe dừng lại để nghỉ ngơi, ngắm cảnh và đưa giấy tờ cho công an và hải quan 2 bên. Hai lần đầu, tôi nhớ rõ, chiếc cột cây số ở rất gần cổng, không sát cổng đổ xuống, nhưng không xa, ước tính bằng chiều rộng của một sân bóng đá, không thể đến 100 mét. Năm 1986, tôi quan sát kỹ, và nhận ra quang cảnh khác hẳn thời chiến, cổng vẫn thế, nhưng từ cổng đổ xuống, nhà cửa san sát, bãi xe rộng, nhà nghỉ, trạm gác, dãy nhà công an, hải quan của phía Trung Quốc mọc lên, bề thế, đi mỏi chân mới đến cột cây số mới toanh''0km'', không thể dưới 300 mét, phải bằng 2 chiều dài của sân bóng đá. Cho nên chỉ bằng quan sát tại chỗ, so sánh thực tế, tôi cũng đã có thể khẳng định ông Vũ Dũng không biết thực tế, cố tình nói liều.

 Tài liệu còn lưu trong hồ sơ chính quyền Pháp cũng nói đường biên giới ở cách chân cổng Trấn Nam Quan ''chừng 100 mét'', với bản đồ đi kèm. Vậy mà theo sơ đồ vẽ tại chỗ hiện nay, khoảng cách ấy là từ 300 đến 350 mét. Chả trách bộ chính trị và bộ ngoại giao giấu kỹ các tập bản đồ đến thế, cho dù trong Hiệp định về biên giới có ghi rõ tập bản đồ kèm theo là ''bộ phận cấu thành của Hiệp định''. Chừng 100 mét, so với 300 hay 350 mét thì có khác gì nhau không, thưa ông Vũ Dũng? Vậy thì cái cổng nặng nề ấy đã bị di dời sang phía Bắc, hay cái cột cây số nhỏ bé đã bị gió thổi về phía Nam ? Không thì vì đâu ?

Cựu Nhà Báo cao cấp của rờ Nhân Dân, ông Bùi Tín còn thách thức : Cũng lại xin hỏi ông Dũng: năm 1979 Bộ ngoại giao đã ra sách Trắng về sự thật trong quan hệ Việt-Trung và sự thật về biên giới 2 nước, có nhiều đoạn tố cáo phía Trung quốc: ''đã lợi dụng việc phía Việt nam nhờ in giúp bản đồ cỡ 1/100.000, vẽ vùng có thác Bản Giốc của Việt nam sang phía Trung quốc; đã lợi dụng việc nối đường sắt giữa 2 nước để lấn sang biên giới Việt Nam đến hơn 300 mét; đã nhân việc làm ống dẫn dầu qua biên giới mà lấn một dải đất dài 3100 mét, rộng 500 mét của lãnh thổ Việt nam''. Tôi biết hồi ấy chính ông đã cùng Trưởng ban biên giới Lê Minh Nghĩa tham gia viết Sách Trắng ấy của Bộ ngoại giao. Vậy nay ông có dám nói rằng tất cả những tố cáo ấy là không đúng, là sai, là vu cáo phía Trung Quốc và nay ông xin sám hối hay không?

Cuốn Sách Trắng của bộ Ngoại giao còn lên án ''Nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện một tư tưởng chỉ đạo đại dân tộc, thực hiện một chính sách ích kỷ dân tộc và thực hiện mục tiêu chiến lược của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn''.

Kết luận, ông Bùi Tín chửi xéo Vũ Dũng : Xin ông cho biết: nay ông có thực tâm rút lui lời lên án ấy, để thay vào đường lối mới của hai bộ chính trị hiện nay là 16 chữ vàng (!): ''láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai'' ?

SÁCH TRẮNG NÓI GÌ ?

Tập Sách Trắng của Nhà xuất bản Sự Thật ấn hành tháng 3/1979, sau Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Tàu, còn tố cáo Tàu chiếm đất của Việt Nam từ năm 1954.

Một đọan trong Chương II của sách này viết: Trong một phần tư thế kỷ vừa qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã lần lượt chiếm hết khu vực này đến khu vực khác của Việt Nam, từ khu vực nhỏ hẹp đến khu vực to lớn, từ khu vực quan trọng về quân sự đến khu vực quan trọng về kinh tế. Họ đã dùng mọi thủ đọan, kể cả những thủ đọan xấu xa nà các chế độ phản động của Trung Quốc trước kia không dùng.

Lợi dụng đặc điểm núi sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân dân hai bên biên giới vốn có quan hệ họ hàng, dân tộc, phía Trung Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh thổ Việt Nam để làm ruộng, làm nương, rồi định cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng, nương, cuối cùng nhà cầm quyến Trung Quốc ngang ngược coi những khu vực đó là lãnh thồ Trung Quốc.

Riêng đọan 7, đã viết về việc Tàu có ý định chiếm một phần thác Bản Giốc khi Tàu lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp Việt Nam chuyển dịch đường biên giới.

Nguyên văn: Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỷ lệ 1/100.000, Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu mợt số đọan đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất Trung Quốc. Thí dụ: họ đã sửa ký hiệu khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và Pò Thoong.

Không ai có thể hiểu khác điều khẳng định như đinh đóng cột của CSVN vào năm 1979 khi họ viết trên giấy trắng mực đen rằng Tàu định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và Pò Thoong.

Còn vùng đất của Việt Nam tại Hữu nghị quan thuộc về ai ? Sách Trắng của Việt Nam tố cáo Tàu: Năm 1955, tại khu vực Hữu nghị quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đọan đường sắt từ biên giới Việt - Trung đến Yên Viên, gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt - Trung sâu trong lãnh thồ Việt Nam trên 300 mét so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đề nghị chính phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều chỉnh lại điểm nối ray cho phù hợp với đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vần đề biên giới thì sẽ xem xét. Cho đến nay (chú thích : 1979), họ vẫn trắng trợn ngụy biện rằng khu vực hơn 300 mét đường sắt đó là đất Trung Quốc với lập luận rằng không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác.

Đó là những điều nói ra từ cửa miệng nhà nước CSVN. Không ai biết rõ tình trạng 300 mét đất mất ấy bây giờ thuộc về Ta hay Tàu.

Ấy là chưa kể các phần đất quân Tàu chiếm rồi không trả lại cho Việt Nam sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, đã từng được Hà Nội tố cáo Bắc Kinh trước khi hai bên nối lại bang giao năm 1991.

Chiếu ngang lãnh thổ vùng biên giới Việt - Tàu dài khoảng 1,400 cây số.

THẢ THAM NHŨNG

Việc thứ hai là quyết định đặc xá cho những phạm nhân  can tội tham nhũng lớn nhỏ, trong số này có  hai cha con Mai Văn Dâu, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại, con trai Mai Thanh Hải và phó vụ trưởng Vụ Xuất Khẩu Lê Văn Thắng  và 277 cán bộ, đảng viên can phạm tham  nhũng.

Ngoài ra còn có Lương Quốc Dũng, phó chủ nhiệm Ủy Ban Thể Dục Thể Thao, chức vụ tương đương hàng thứ trưởng, bị bỏ tù từ năm 2004 với bản án 8 năm vì hiếp dâm trẻ em.

Mai Văn Dâu bị bắt tháng 9/2004 vì toa rập với một số viên chức dưới quyền lấy tiền hối lộ mà không cấp quota xuất cảng hàng dệt may.

Tính đến ngày được đặc xá, Dâu bị bắt đã 5 năm. Tháng 6/2007, Mai Văn Dâu được Tòa án Nhân dân Tối  cao giảm án từ 14 xuống 12 năm tù về tội nhận hối lộ. Tại cơ quan điều tra, Mai Văn Dâu đã thừa nhận nhiều lần bút phê lên hồ sơ xin cấp hạn ngạch dệt may của các doanh nghiệp và được Nguyễn Cương (nguyên phó Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP HCM) "biếu" 6.000 dollars.

Hành động khoan hồng cho những kẻ tham nhũng, ăn cắp tiền của nhân dân trong khi đảng và nhà nước không ngừng găng cổ lên kêu gào và thúc đẩy đảng viên kiên quyết  phòng chống tham nhũng không khác gì đã xỉ nhục, tạt gáo nước lạnh vào mặt những ai đang ngày đêm tìm cách làm sạch chế độ.

Từ nay, có còn ai muốn chống tham nhũng nữa không hay cán  bộ, đảng viên thấy kẻ tham nhũng trước mình mà chỉ bị tù làm cảnh như thế thì dại gì không thi đua, bảo nhau đục khóet để lỡ có bị bắt cũng thỏa chí, bõ công?

Chẳng thế mà trong Hội nghị 9  của Trung ương đảng mới kết thúc hôm 13-1 (2009) vừa qua, đảng phải thừa  nhận: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém;  hành động trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế;  tính khả thi của một số quy định phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa cao; tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đồng đều, chưa sâu, nhiều nơi còn yếu; tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức vụ, quyền hạn còn yếu kém; công tác kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở nhiều nơi còn thiếu chủ động, chưa thường xuyên, có hiện tượng né tránh trong xử lý; nhiều vụ án tham nhũng còn xử lý chậm. Hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc ở nhiều địa phương còn lúng túng; sự chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức gây bức xúc trong nhân dân.

Việc đặc xá hàng loạt những kẻ tham nhũng và hành động dâng lãnh thổ cho Tầu Trước thềm năm mới Kỷ Sửu  không liên hệ với nhau, nhưng lại mang cùng một ý nghĩa phản bội và xúc phạm nghiêm  trọng đến  vong linh của những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh  để bảo vệ Tổ Quốc và những nạn nhân đang còn sống của tham nhũng. -/-