Lừa Dối |
Tác Giả: Bảo Định | ||||
Thứ Ba, 22 Tháng 5 Năm 2012 19:46 | ||||
Ngày này (9 tháng 4) năm xưa, cách đây vừa đúng 35 năm, vào lúc trời chưa sáng, quân CSBV đã nã vào thị xã Xuân Lộc nhỏ bé hàng ngàn trái đạn pháo đủ loại, trước khi mở cuộc tấn công biển người. Trận mưa pháo của cộng quân không gây thiệt hại nào đáng kể cho quân trú phòng, nhưng đã tàn phá nặng nề nhà cửa, chùa chiền, giáo đường, trường học và chợ búa. Duy có một trái đạn pháo rớt trúng phòng ngủ của Tướng Đảo, nhưng thật may mắn, lúc đó vị Tư lệnh đang nghỉ qua đêm ở BTL/SĐ tại căn cứ Long Bình. Chỉ một lúc sau, Tướng Đảo đã bay C&C vào mặt trận, đã có mặt tại ngã ba Tân Phong, một trong 3 địa điểm dự phòng cho Trung tâm Hành quân Sư đoàn. Sau 12 ngày đêm ác chiến, với một quân số áp đảo gấp 3, gấp 4 rồi gấp 6 lần, nhưng Quân đoàn 4 của Tướng Hoàng Cầm đã bị thảm bại chua cay trước Sư đoàn 18 của Tướng Đảo. Chính những tên cầm đầu Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà…đều thú nhận. Nhưng thật bí ổi, thật là trơ tráo, bọn cộng sản đang khua chuông gióng trống, chúng bắt người dân Xuân Lộc làm lễ ăn mừng chiến thắng, nhân 35 năm trận chiến Xuân Lộc. Người lính Miền Đông cảm thấy uất hận, mà cũng nực cười cho cái trò đời khốn nạn. Vào lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày 9 tháng 4 năm 1975, hàng ngàn trái đạn pháo của cộng quân nã vào thị xã Xuân Lộc, tỉnh lỵ Long Khánh, cách Thủ đô Sài Gòn lối 70 cây số về hướng Đông. Trận mưa pháo kéo dài đúng 1 tiếng đồng hồ. Tiếp theo là cuộc tấn công biển người có xe tăng dẫn đầu của Quân đoàn 4/CSBV do Tướng Hoàng Cầm chỉ huy. Lúc khởi đầu trận chiến, lực lượng trú phòng là các đơn vị Sư đoàn 18BB của Tướng Lê Minh Đảo, ĐPQ và NQ Tiểu Khu Long Khánh của Đại tá Phạm Văn Phúc, Tiểu đoàn 82/BĐQ của Thiếu tá Vương Mộng Long. Trung đoàn 43 của Đại tá Lê Xuân Hiếu với 2 tiểu đoàn bố phòng bên trong thị xã. Đó là Tiểu đoàn 1/43 của Đại úy Đổ Trung Chu, Tiểu 3/43 của Thiếu tá Nguyễn Văn Dư. Tiểu đoàn 2/43 của Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế giữ cao điểm Núi Thị, nằm bên ngoài vòng đai thị xã, cách xa lối 3 cây số về hướng Tây. Đơn vị này có nhiệm vụ bảo vệ dàn pháo binh hỗn hợp cở Tiểu đoàn, gồm các pháo đội 105ly và 155ly của Sư đoàn. Chính dàn pháo hùng hậu này đã góp công lớn trong chiếng thắng Xuân Lộc. Đơn vị này cũng còn nhiệm vụ bảo vệ sườn phía Đông của Núi Ma, ngọn núi cao nhất vùng, nằm hướng TTB, cách thị xã lối 10 cây số; và ngăn chận các mũi tiến công của địch từ đèo Mẹ Bồng Con, từ Suối Tre. Ngày 11/4/75, Trung đoàn được tăng phái Tiểu đoàn 2/52 của Đại úy Huỳnh Văn Út, xuất phái từ lực lượng bố phòng trên tuyến ngã ba Dầu Giây. Trung đoàn 48 của Trung tá Trần Minh Công đã xuất phái 1 tiểu đoàn bảo vệ Hàm Tân, thị xã tỉnh Bình Tuy, nên chỉ còn 2 tiểu đoàn bố phòng phía Nam thị xã. Thiết đoàn 5 Kỵ Binh của Trung tá Trần Văn Nô đã xuất phái 1 chi đoàn cho Trung đoàn 52 của Đại tá Ngô Kỳ Dũng, lập tuyến phòng ngự tại giao điểm QL1 & QL20, hướng đường đi Đà Lạt, cách thị xã hơn 12 cây số về hướng Tây, nằm bên ngoài tuyến phòng thủ Xuân Lộc. Tiểu đoàn 82/BĐQ của Thiếu tá Vương Mộng Long, quân số trên dưới 200. Đơn vị này di tản từ Vùng 2 Chiến thuật về. Trên một đoạn đường dài toàn núi và rừng, vừa đi vừa đánh, quân số bị hao hụt nhiều, thể xác rã rời, định nghĩ qua đêm tại Xuân Lộc rồi sáng ngày hôm sau sẽ được bốc về Biên Hòa. Nhưng số phận trớ trêu, vừa thoát trận chiến ác liệt trên Cao nguyên, chưa kịp nghỉ lấy lại sức thì đã phải lao vào một trận chiến khác. Với tinh thần “Biệt Động Quân, Sát!”, những chiến sĩ mũ nâu đã làm rạng danh một Binh chủng Anh hùng. Lực lượng ĐPQ và NQ Tiểu khu Long Khánh của Đại tá Phạm Văn Phúc. Các chiến sĩ diện địa này trong suốt thời gian trận chiến, đã chứng tỏ khả năng chiến đấu và tinh thần cao độ, đã sát cánh cùng các đơn vị chủ lực tạo nên chiến thắng Xuân Lộc. Bước sang ngày thứ ba của trận chiến, dù ở trong thế bị động, lực lượng phòng thủ vẫn giữ được trận địa, không hề mất một tấc đất. Để có thể dành thế chủ động, ngày 12/4/1975, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Vùng 3 Chiến thuật, điều động Lữ đoàn 1 Dù của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh vào Xuân Lộc giúp quân bạn. Ngay từ khi mới nhảy vào trận địa, đơn vị này đã lập tức mở những cuộc phản công địch, nới rộng vòng đai an ninh ra xa bên ngoài thị xã. Như vậy lực lượng bố phòng có lối 6 ngàn quân sĩ. Trong lúc đó CSBV tung vào trận chiến với số lượng quân số gấp 5 lần. Trong dân gian có câu: “Ba đánh một, không chột cũng què!” Đằng này không phải ba mà là năm, nhưng bên một không chột cũng không què. Họ đã tạo nên chiến thắng vang dội. Lực lượng CSBV là các Sư đoàn 6, 7 và 341 của Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy, và Sư đoàn 1 cùng các đơn vị của Quân khu 7. Sư đoàn 6 với quân số khoảng 2300 người gồm 3 trung đoàn 33, 274 và 812. Sư đoàn 7 với quân số khoảng 4100 người, gồm 3 trung đoán 141, 165 và 209. Sư đoàn 341 với quân số nhiều hơn, vì là một sư đoàn tân lập, được hình thành một năm sau ngày Hiệp định Paris . Thành phần của sư đoàn này gồm các đơn vị địa phương của các tỉnh Thanh Nghệ Tịnh, do Đại tá Trần Văn Trấn chỉ huy. Trấn là một tù binh vừa mới được trao trả theo thỏa ước Paris . Sư đoàn 1 với quân số khoảng 3400 người gồm Trung đoàn 44 Đặc công, Trung đoàn 52 và Trung đoàn 101Đ. Khi Quân đoàn 4 của Cầm bị cầm chân và thiệt hại nặng sau mấy ngày đầu tấn công, CSBV tung thêm vào chiến trường Sư đoàn 325 và Trung đoàn 95B. Sư đoàn 325 với quân số khoảng 5000 người, gồm 3 trung đoàn 18, 95 và 101. Trung đoàn 95B có quân số khoảng 1200. Sau 12 ngày đêm ác chiến, lực lượng phòng thủ Xuân Lộc bị thiệt hại khoảng 30% quân số. Chiến đoàn 52 tại ngã ba Dầu Giây lối 60%. Nhưng đã có hơn 6000 quân CSBV bị giết với 37 xe tăng T-54 và PT-76 bị phá hủy. QLVNCH chiến thắng Xuân Lộc là một sự thật hiển nhiên. Vị Tư lệnh mặt trận, Tướng Lê Minh Đảo, ý thức được tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân sĩ dưới quyền, nên đã rất tự tin khi tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Xuân Lộc chỉ vài ngày sau: “Tôi không cần biết phía bên kia sẽ đưa vào bao nhiêu sư đoàn nữa để đánh chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ tiêu diệt họ, ngay tại đây!”. O. Todd, ký giả Pháp viết: “Tinh thần của binh sĩ bảo vệ Xuân Lộc rất cao. Hệ thống truyền tin tốt…QLVNCH đang dùng một để chống ba…Các sĩ quan QLVNCHgọi pháo binh và không yểm rất nhanh chóng và chính xác…” A. Dawson của thông tấn UPI viết: “Hỏa lực của hai bên đều rất dữ dội. Trong vài giờ đầu, Sư đoàn 18 phải rút bỏ một phần thị xã, nhưng sau đó đã phản công để chiếm lại. Đến tối thì sư đoàn 6/CSBV phải gom quân và triệt thoái….Trận đánh kéo dài một ngày nữa, rồi lại một ngày nữa, và cứ thế. Tướng Đảo và binh sĩ của ông đã đánh một trận đánh mà ít người dám nghĩ rằng họ có thể làm được. CS tung vào Xuân Lộc một sư đoàn nữa. Sư đoàn 18 vẫn tiếp tục chống cự. Ngày 10 tháng 4, Cộng quân lại đánh vào giữa thị xã và lại bị đẩy lui. Ngày 12, quân CSBV vẫn không tiến thêm được chút nào. Hai trung đoàn của quân đội Nam VN không những đã giữ vững được vị trí mà còn phản công dữ dôi hơn…Thêm 2000 đạn đại bác nữa rót vào Xuân Lộc, xé nát mọi vật, Sư đoàn 18 vẫn đứng vững. Tướng Đảo ở lại bên cạnh các binh sĩ của ông và tiếp tục chiến đấu”. D. Warner, ký giả người Úc viết: “Với 3 sư đoàn 6, 7 và 341, Văn Tiến Dũng tin tưởng sẽ chiếm được Xuân Lộc một cách dễ dàng. Ông đã lầm…Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh VN, sư đoàn này đã chiến đấu một cách dũng cảm. Không những họ đã giữ vững được trận địa mà lại còn phản công mỗi ngày”. P. Darourt, sử gia người Pháp nhận xét: “Cộng quân có một đơn vị phòng không trên xe kéo hùng mạnh…Trong hai ngày, pháo binh CSBV tác xạ hơn 8000 trái đạn vào các vị trí của Sư đoàn 18. Liên lạc vô tuyến với BCH của Tướng Đảo bị gián đoạn rồi lại được tái lập. Quân của ông bám sát trận địa, chiến đấu cực kỳ dũng mãnh và nhất định không lùi, mặc cho những trận mưa lửa cứ trút lên đầu họ”. Kể từ khi công khai ồ ạt mở cuộc xâm lăng VNCH, quân CSBV đã tiến công như thế chẻ tre. Chúng đã chiến thắng dễ dàng tại hai Quân khu 1 và 2. Lực lượng của chúng chỉ dừng lại tại Phan Rang, nhưng rồi Phan Rang cũng mất. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh mặt trận, cùng Tướng Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 KQ, và Đại tá Lương, Tư lệnh Lữ đoàn 3 Dù bị bắt. Chúng chỉ bị cầm chân và thiệt hại nặng nề tại Xuân Lộc. Chỉ mới vài ngày trước, Tướng Văn Tiến Dũng, chỉ huy đạo quân xâm lược Nam tiến còn khoác lác: “Cán bộ tham mưu vẽ không kịp bản đồ cho bước tiến quân của bộ đội”. Nhưng khi đụng phải bức tường thép Xuân Lộc (Tuyến Thép Xuân Lộc – Đại tá Hứa Yến Lến) thì đã đổi giọng, ra điệu than vãn: “Kế hoạch tiến công Xuân Lộc của Quân đoàn 4 lúc đầu chưa tính hết được sự phát triễn phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch”. Lê Đức Thọ, một thứ Thái Thượng Hoàng của triều đình đỏ Bắc Việt thú nhận: “Kết cục là anh em ta không đánh được Xuân Lộc, bị thương vong nặng, phải rút ra”. Sau Xuân Lộc, VNCH không còn nữa. Tin chiến thắng của QLVNCH và sự thảm bại của đám quân xâm lược tại mặt trận Xuân Lộc không được phổ biến rộng rãi. Thậm chí lịch sử đã được viết lại theo quan điểm của phe thắng trận. Đó là điều dĩ nhiên. Nhưng vẫn có những kẻ thuộc phe ta, như Luật sư Nguyễn Văn Chức đã cố tình bôi bác chiến thắng Xuân Lộc khi trích lại từ cuốn Việt Sử Khảo Luận của LS Hoàng Cơ Thụy, viết theo ký giả Mỹ Frank Snepp trong cuốn Decent Interval: “Trực thăng đã đến bốc cái tiểu đoàn chót của 4 tiểu đoàn sống sót của Sư đoàn 18, kể luôn Tướng Lê Minh Đảo. Có 600 người dưới quyền Đại tá Lê Xuân Hiếu tình nguyện ở lại sau cùng để che chở cho cuộc triệt thoái. Trong vài giờ, họ bị tràn ngập bởi 40 ngàn quân Bắc Việt đã được bố trí để trực tiếp đánh họ”. Có lẽ ông ký giả kiêm nhân viên tình báo CIA chỉ ngồi tại Sài Gòn, trong một phòng có gắn máy lạnh, uống rượu Tây, chỉ dựa vào một vài thông tin không chính xác hay sai lạc từ kẻ ác ý, rồi tưởng tượng mà viết bậy. Nhà văn Bảo Ninh với tác phẩm NỔI BUỒN CUỘC CHIẾN, cuốn tiểu thuyết được giải thưởng hội nhà văn năm 1991, được dịch nhiều thứ tiếng, có ấn bản tại Hoa Kỳ, viết lếu láo như thế này: “…Hồi bọn tớ tràn qua Xuân Lộc đuổi đánh bọn lính sư đoàn 18, ở những rãnh xích đầy những thịt với tóc. Giòi lúc nhúc. Thối khẳn. xe chạy tới đâu, ruồi bâu tới đấy…” Có lẽ hắn là tên lính lái xe tăng T-54 trong trận chiến Xuân Lộc tháng Tư năm 1975. Nhưng các xe tăng T-54, PT-76 không có chiếc nào đến gần vòng đai phòng thủ Xuân Lộc. Chiếc nào mon men đến gần thì bị M-72 bắn cháy. Những chiếc còn xa thị bị đạn pháo binh, bị mìn chống chiến xa hay lún sình hoặc bị quấn vào kẽm gai. Có 37 chiếc bị bắn cháy, tất cả đều bị từ ngoài vòng đai, vậy còn chiếc nào dám đến gần để “đuổi đánh bọn lính sư đoàn 18”. Hay hắn chỉ là một loại văn nô viết càn, viết bậy, viết bạ, viết theo lệnh, lấy không nói có, lấy có nói không, không biết mắc cở. Thế mà tiểu thuyết của hắn được dịch ra nhiều thứ tiếng, được giải thưởng của Hội Nhà Văn. Nhưng mà hội của bọn văn nô thì cũng đúng thôi. Chiến thắng Xuân Lộc của QLVNCH tháng Tư năm 1975 đến nay đã tròn 35 năm. Sự thật vẫn còn đó. Người dân Xuân Lộc vẫn nhớ rõ. Trận chiến ác liệt trong 12 ngày đêm không thể phút chốc bị hiểu sai lạc. Những người lính oai hùng của trận chiến Xuân Lộc vẫn còn đây. Nhưng Cộng sản là bọn nói dối. Chúng thay trắng thành đen. Nói dối như VẸM! Thật là một sự LỪA DỐI lố bịch. Michigan , Ngày Quốc Hận lần thứ 35
|