Một câu hỏi lớn trong lịch sử Việt Nam đã được mọi người trong thời gian gần đây đặt ra là "Ải Nam Quan có thật sự là của Việt Nam hay của Tàu ?".
Câu nói "nước Việt Nam ta kéo dài từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau" là câu nói đúng lịch sử hay là câu nói nhận vơ bậy cái Ải Quan của nước khác (Trung Hoa) rồi tự nhận xằng là của Việt Nam ta ?
Sau đây là đoạn sử quan trọng trong Việt Sử Toàn Thư (và 1 số sách khác có nói đến đoạn này) để chứng minh Ải Nam Quan đã từng thuộc Tổ Tiên của chúng ta. Tác giả xin trích nguyên văn : Vào ngày 21 tháng Chạp năm Giáp Thân (1284), quân Mông Cổ huy động 50 vạn binh sĩ cùng với các danh tướng như : Tả Thừa Lý Hằng, Bình Chương A Thích, Bình Chương A Lý Hải Nha để sang xâm chiếm nước ta. Tổng chỉ huy là thái tử Thoát Hoan. Phụ tá cho Thoát Hoan là Thượng tướng Ô Mã Nhi và Toa Đô.
Quân bản bộ của Thoát Hoan đến Cửa Nam Quan thì ngừng lại. Thoát Hoan phái Bá Tổng A Lý mang thư qua nói : "Bản súy chỉ nhờ đường Nam Quốc qua đánh Chiêm Thành, chứ không có bụng gì đâu mà ngại. Nên mở cửa cho bản súy đi và đến đâu chỉ nhờ giúp ít nhiều lương thảo, khi phá xong Chiêm Thành sẽ có trọng tạ. Nhược bằng kháng cự thiên binh, bản súy sẽ không dong tình, bờ cõi sẽ tan hoang, lúc đó có hối cũng đã muộn". (trích nguyên văn, Việt Sử Toàn Thư, tác giả Phạm Văn Sơn, trang 183. Có thể kiểm chứng trang 183 ở ấn bản điện tử : http://namkyluctinh.org/a-sachsuvn/phvson-vietsutoanthu.pdf
Qua đoạn sử trên của bộ Việt Sử Toàn Thư chúng ta thấy rất rõ là Việt Nam tổ tiên chúng ta đã từng làm chủ Ải Nam Quan. Quân Tàu muốn qua cửa thì phải viết thư xin phép tổ tiên chúng ta để mở cửa cho đi qua. Qua đoạn sử này, tác giả thấy rõ ràng câu "nước Việt Nam ta kéo dài từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau" là câu nói hoàn toàn đúng đắn về mặt lịch sử. Tức là cho tới năm 1284, dân Việt Nam ta đã làm chủ Ải Nam Quan. Đến thời Lê Lợi thì tướng giữ ải Pha Lũy (chính là Ải Nam Quan) là Trần Lựu. Nếu ải không là của Việt Nam thì cần gì phải cử 1 tướng quân để giữ cái ải này.
Thêm nữa, đại Văn Hào Nguyễn Du (vào ngày 06-04 Quí Dậu-tức 06-05-1813, và khi đi sứ về ngày 29-03 Giáp Tuất-tức là ngày 18-05-1814), khi đi sứ qua Ải Nam Quan đã cảm tác bài thơ Trấn Nam Quan trong Bắc Hành Tạp Lục. Bắc Hành Tạp Lục gồm 110 đề mục, và vì có nhiều đề mục thi sĩ Nguyễn Du sáng tác hai bài thơ, nên có tất cả 120 bài thơ chữ Nho, trong đó có hai bài Nguyễn Du viết về tâm sự của mình khi tiến qua ải Nam Quan để vào đất Trung Hoa. Đó là bài "Nam Quan đạo trung" và "Trấn Nam Quan". Riêng bài "Trấn Nam Quan" nói rõ biên giới giữa nước ta và Trung Hoa nằm ngay nơi mặt ải. Nguyên văn bài thơ như sau :
Trấn Nam Quan
"Lý Trần cựu sự yểu nan tầm, Tam bách niên lai trực đáo câm (kim). Lưỡng quốc bình phân cô lũy diện, Nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm. Địa thiên mỗi vị truyền văn ngộ, Thiên cận tài tri giáng trạch thâm.. Đế khuyết hồi đầu bích vân biểu, Quân thiều nhĩ bạn hữu dư âm."
(bản dịch của Đỗ Văn Hỷ-tr.279-sách Địa Chí Lạng Sơn) :
Lý-Trần việc cũ dấu phai mờ Năm đã ba trăm kể đến giờ Muôn núi ải quan nằm chính giữa Một thành Hoa-Việt vạch đôi bờ Trời đất mới biết ơn sao nặng Ddất hẹp xui nên chuyện hóa ngờ Mây biếc quay nhìn nơi cửa khuyết Nhạc Thiều văng vẳng tiếng xa đưa
Qua bài thơ này đã chứng tỏ Trấn Nam Quan đã thuộc nhà Lý-Trần và nó có cách đó khoảng 300 năm tức là khoảng năm 1513. Tức là Trấn Nam Quan có trước thời Gia Tĩnh Triều Minh (1522-1560). Ngoài ra nó còn cho ta biết, bức tường thành chính là biên giới phân cách Việt-Trung vào thời đó.
Cuốn Việt Sử Tân Biên của sử gia Phạm Văn Sơn, tập 2, trang 393 có in lại 1 bản đồ mệnh danh là "Đại Việt Quốc Tổng Lãm Đồ" đã có ghi rõ ràng Ải Phá Lũy (tức Ải Nam Quan) nằm ở phía Bắc-Đông Bắc của bản đồ (Bản đồ này là của ông Thái Văm Kiểm tặng cho sử gia Phạm Văn Sơn). Bản đồ này cũng đã được đăng lại trong bộ sách Việt Sử Khảo Luận của L/S Hoàng Cơ Thụy (Cuốn 1, trang 501-Nhà xuất bản Nam Á -Paris 2002-địa chỉ 44 Avenue D'Ivry 75013 Paris).
Lịch Sử Ải Nam Quan theo các thời kỳ :
Vào thế kỷ 19, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết trong Vân Đài Loại Ngữ, ở điều 81 ghi rõ : "Phía bắc nước ta giáp với Trung Quốc có 3 cửa ải : Mạn trên có Thủy khẩu quan thuộc tỉnh Cao Bằng Mạn giữa có Bình nhi quan thuộc huyện Thất Khê Mạn dưới có Trấn Nam quan (có lúc gọi là ải Pha Lũy, Trâ'n Nam Giao, Mục Môn Quan, Ải Nam Quan, hay Hữu Nghị Quan) thuộc tỉnh Lạng Sơn. Ba cửa ải ấy là nơi quan hệ trọng yếu để ngăn ngừa quân địch".
Ải Nam Quan là nơi đã từng diễn ra và chứng kiến nhiều cảnh tang thương và hùng tráng trong suốt thời gian của Việt sử nghĩa là từ thời nước ta lập quốc cho tới nay.
Năm 40 Tây Lịch, Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán, Nam Quan đã là cửa ngõ xâm lược của viên tướng Mã Viện. Và năm đó, Ải Nam Quan cũng đánh dấu nhiều chiến công huy-hoàng của dân-tộc Việt bất khuất như Thái thú Tô Định bị nghĩa quân của Hai Bà Trưng đánh đuổi phải bỏ chạy về Tàu qua ngả Nam Quan. Năm 981 vua Lê Đại Hành đã chém đầu Hầu Nhân Bảo và đánh đuổi tàn quân nhà Tống ở cửa Nam Quan.
Đời nhà Lý, năm 1060, quân xâm lược nhà Tống lại bị chận đánh ở Nam Quan và Lạng Châu tức Lạng Sơn. Bấy giờ Châu-mục Thân Thiệu Thái từng đánh sang Châu Ung bên Trung-quốc bắt sống Chỉ huy sứ Dương Bảo Tài, chưa kể sau đó là các chiến công phá Tống oanh liệt của Lý Thường Kiệt nữa.
Năm 1285, Đời nhà Trần, năm 1285 Trấn Nam Vương Thoát-Hoan phải nhục nhã chui vào ống đồng trốn chạy về Tàu qua ải Pha-Lũy tức Ải Nam Quan.
Năm 1427, Liễu Thăng bị phục binh của nghĩa quân Bình Định-Vương Lê Lợi chém chết ở Đảo Mã-Pha (Gò Té Ngựa) thuộc ải Chi-Lăng, ở về phía nam cửa Nam Quan khoảng 50 km và tàn quân Minh cũng phải theo cửa Nam Quan mà trốn chạy về nước.
Thời Lê Thánh Tông (1460 -1497), nhà vua cho tu bổ lại Đoàn Thành (Lạng Sơn), xây dựng lại các ải lớn, đặt 4 trạm dịch trên đất Lạng Sơn : Pha Lũy (Phia Lũy-theo tiếng địa phương), Mai Pha, Nhân Lý, Chi Lăng. Quy định của nhà nước là : chỉ có sứ bộ mới được đi qua ải Pha Lũy (sau này là Ải Nam Quan), còn những người bị tù tội, dân buôn bán trao đổi đều đi theo đường ải Du Thôn. Trên núi Kháo Sơn cũng có hai con đường : một cho sứ bộ, và một cho dân buôn. Nhà nước cũng quy định : các tổng quản, tuyên úy trị nhậm ở phiên lộ cách kinh thành 200 dặm, phải luôn luôn đẩy mạnh việc vũ vệ. Năm 1460, nhà vua hạ lệnh : "Những người coi giữ biên giới phải giữ quan ải cẩn thận, không được thông đồng với người nước ngoài". Trong bộ luật Hồng Đức, chương "Cấm Vệ" có điều "Những người bán ruộng đất, bờ cõi cho người nước ngoài thì bị xử chém". Điều 243 nêu rõ : Các tướng sĩ phòng giữ nơi quan ải nếu không phòng bị cẩn thận, dò la không đích thực để quân giặc đến bất ngờ đánh úp thì bị xử tội lưu hay tử".
Về cửa hay ải Nam Quan, theo Phương-Đình Dư địa chí của Nguyễn Văn-Siêu [bản dịch của Ngô Mạnh Nghinh, Tự Do xuất bản, Saigon, 1960], đời Hậu-Lê trở về trước gọi là cửa Pha-Lũy [hay Pha-Dữ], ở về phía bắc châu Văn-Uyên, trấn Lạng Sơn. Từ châu Bằng Tường [tỉnh Quảng-Tây] bên Trung-quốc muốn vào nước An Nam phải qua cửa quan này. Theo Cương-mục và Lam Sơn Thực Lục, cửa Pha Lũy chính là cửa Nam Quan ở xã Đồng Đăng thuộc huyện Văn-Uyên [xưa là Văn Châu hay Châu Văn], tỉnh Lạng-Sơn. Từ đời Lê Trung Hưng, người Tàu gọi cửa Pha Lũy là Trấn Nam Quan (Chen Nan Kuan) ; còn ta thì quen gọi là cửa hay Ải Nam Quan.
Theo Đại-Nam Nhất-Thống-Chí, Trấn Nam Quan thuộc nội-địa nuớc Tàu, dựng dưới đời vua Gia Tĩnh [1522-1566] nhà Minh.
Theo tác giả thì dịch giả đã diễn dịch sai lầm. Thật sự thì có lẽ tác giả muốn nói là Ải Nam Quan thuộc Tàu vào thời vua Gia Tĩnh. Vì sao nó lại thuộc Tàu vào ngày lúc này ? Theo tác giả thì có lẽ Mạc Đăng Dung do quá ươn hèn nên đã bị Tàu chiếm lấy cái Ải Nam Quan này sau khi làm lễ dâng biểu mất đất đai cho nhà Minh bên Tàu. Theo đoạn sử tả lại sự nhục nhã của phái đoàn Mạc Đăng Dung (xin xem lại chương 5) thì lúc đó Tàu chưa có làm chủ Ải Nam Quan gì cả. Quan quân Tàu còn phải đóng cách Ải Nam Quan 1 khoảng ngắn gọi là Mạc Phủ.
Bộ "Đại Nam Nhất Thống Chí", quyển 14, đã viết về ải Nam Quan như sau : "Cửa quan Nam Giao : Cách tỉnh thành 31 dặm về phía bắc, ở địa phận hai xã Đồng Đăng và Bảo Lâm thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp địa giới châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi là Trấn Nam Quan. Cửa này dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ưng Chính thứ 3 (năm 1726) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại, có tên là "Đại Nam Quan". Phía đông là một giải núi đất, phía tây là một giải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng (gần 400 mét ; 1 trượng =3.3 mét), cửa quan đặt ở quãng giữa, có biển đề ba chữ "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ưng Chính thứ 6 triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân Sửu, đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc có cửa Chiêu Đức Đài, đằng sau đài có đình Tham Đường (nhà nuôi ngựa) của nước Thanh. Phía Nam có Ngưỡng Đức Đài của nước ta, bên tả bên hữu có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ.
"Xét : Trấn Nam Quan không rõ bắt đầu từ triều đại nào, trong Nam sử và Bắc sử đều không có nói minh văn. (Theo tác giả thì ải Nam Quan có lẽ đã thuộc Tàu vào thời Mạc Đăng Dung-Sử gia nhà Mạc thì không dám nói những cái ươn hèn của chính họ. Còn, các sử gia nhà Lê thì không biết rành vì vùng này thuộc nhà Mạc đến 150 năm sau. Ngay cả đốc trấn Lạng Sơn cũng còn không rõ xuất xứ của Ải Nam Quan. Còn sử gia Tàu thì cũng chẳng nói rõ chuyện này vì chỉ là chuyện nhỏ đối với họ. Cụm chữ "thuộc nhà Minh" đã bao hàm nhiều ý nghĩa : cũng có thể chính cái ải do nhà Minh xây lên, hay là nhà Minh đi ăn cuớp cái ải đó, hay là được nhà Mạc hiến dâng ải Nam Quan. Tất cả mọi tình huống đều nằm trong cụm chữ mập mờ "thuộc Nhà Minh thời Gia Tĩnh". Ngoài ra, bọn nhà Minh bên Tàu đã vét sạch tất cả các sách sử của Việt Nam đem về Tàu khi chúng sang xâm chiếm nước ta nên sau này việc tra cứu sử liệu Việt Nam có phần khó khăn).
Khoảng đời Lê Cảnh Hưng, đốc trấn Lạng Sơn Nguyễn Trọng Đang, sửa lại Ngưỡng Đức Đài bằng gạch, lập bia ghi việc đại lược nói : "Nước Việt ta có Ngũ Lĩnh, quan ải trước ở đâu không rõ, là vì diên cách thế nào không ghi đủ. Gần đây lấy địa giới châu Văn Uyên trấn Lạng Sơn làm cửa quan, cửa quan có Ngưỡng Đức Đài không rõ dựng từ năm nào, có lẽ bắt đầu từ đời Gia Tĩnh nhà Minh." Văn bia ấy nay vẫn còn.
Lại xét : niên hiệu Gia Tĩnh (1522-1566) ngang với niên hiệu Nguyên Hòa (1533-1543) nhà Lê (Trang Tông), văn bia cũng nói có lẽ thế thôi. Sử chép : năm Nguyên Hòa thứ 8, Mạc Đăng Dung cùng với bầy tôi là bọn Nguyễn Như Khuê qua Trấn Nam Quan, đến Mạc phủ nhà Minh dâng biểu xin hàng." Đến đây mới thấy sử chép tên Trấn Nam Quan." Thời nhà Minh xâm lăng đô hộ nước ta, năm 1406, ông Nguyễn Trãi theo cha là Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Tàu cùng cha con Hồ Quý Ly. Tại ải Nam Quan, Nguyễn Trãi đã vâng nghe theo lời cha ghi nhớ hận mất nước và sau này phò Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh, thu hồi lại nền tự chủ cho nước nhà.
Theo Phương Đình Dư Địa Chí, cửa Nam Quan, tùy theo từng triều đại mà còn có những tên gọi khác như Đại Nam Quan, Trấn Di Quan, cửa Nam Giao. Năm 1541, Mạc Đăng Dung và bày tôi qua cửa Nam-Quan xin hàng nhà Minh, bấy giờ cửa ải này có tên gọi là Trấn Man Quan. Trấn Nam Quan (hay ải Nam Quan) thì thuộc địa giới châu Bằng-Tường [tỉnh Quang-Tây bên Tàu], đối diện với các xã Đồng-Đăng và Bảo-Lâm thuộc châu Cao-Lộc [Văn-Uyên cũ], tỉnh Lạng-Sơn của tạ Hai bên cửa ải là núi đồi núi đá khá cao. Cửa ải Nam Quan luôn luôn khóa kín, chỉ mở khi có việc thông sứ chính thức giữa hai nước. Theo Bắc-Thành Dư-Địa-chí [của Lê Đại-Cương] ở về phía bên phải cửa Nam Quan có nhiều ải nhỏ như Ải Bang [ở châu Lộc-Bình], ải Tầm Bang [ở xã Tam-Lộc], Ải Kiệm [ở xã An-Khoái], ải Na Chi [ở xã Xuất-Lễ], ải Khấu-Sơn [ở xã Cần-Lua], Ải Du [hay cửa Du-Thôn ở xã Bảo-Lâm] và ở về phía bên trái cửa Nam Quan có các ải Bố Sa, Sơn-Tử [ở xã Tiên-Hội], ải Học-Mô [ở xã Hành-Lư], ải Bản Dương, Bản Quyên [ở xã Lạc-Khư], ải Nguyên-Anh, Bình-Công [ở xã Khánh-Môn], ải Bình-Nhi [ở xã Cửu-Dương] ; thuộc châu Thất-Tuyền có các ải Bắc-Bố, Khấu-Trung [ở xã Nghĩa-Điền], ải Ba Tạm, Cảm Môn [ở xã Cụ-Khánh], ải Na-Mân, Khô-Thịnh [ở xã Nghĩa Khản], ải Kiều-Lễ, Kiều-Lân [chưa rõ ở xã nào], ải Cốc Ngọa [ở xã Bình-Lục], Ải Hoa, Ải Mộ [ở xã Nông-Đồn].
Riêng về cửa ải Du-Thôn [ở xã Bảo-Lâm, châu Văn Uyên cũ - tỉnh Lạng-Sơn], phía bắc giáp thôn Điếu-Sách [thuộc châu Thượng-Thạch bên Trung-quốc]. Từ cửa ải Du-Thôn đến cửa Nam-Quan đi đường núi độ 2 canh rưỡi. Theo Phương Dình Dư Địa Chí, phàm tống đạt công văn việc thường [không khẩn cấp], trao trả tội phạm và khách thương [buôn-bán] đi lại giữa Ta và Tàu đều do cửa này.
Năm 1789 (Mùa Xuân Năm Kỷ Dậu), vua Quang Trung cũng từng đánh cho tan tác hàng vạn quân Tàu cùng với tổng đốc Tôn Sĩ Nghị khi sang giúp vua Lê Chiêu Thống. Kết quả, Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, phải bỏ chạy trốn qua Ải Nam Quan.
Năm 1802, Vua Gia Long thống nhất sơn hà. Theo Đại-Nam Thực lục, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia-Long vẫn theo lệ cũ của đời nhà Lê cho thi-hành những thủ tục điều hành công vụ ở cửa Du Thôn. Giấy thông hành qua cửa Du Thôn phải có đóng dấu ấn Văn Uyên Châu Quảng Úy Sứ Ty Chi Ấn. Còn các giấy tờ, công-văn ở địa phương Văn Uyên giao thiệp với Trung-quốc thì dùng ấn Văn Uyên Tấn Khẩu [nghĩa là dấu của Cửa quan châu Văn-Uyên]. Vua Gia-Long cho đổi chức Quảng Úy-Sứ ra là Thủ-Hiệu và cho đúc ấn đồng, khắc chữ triện, gồm các chữ : Văn Uyên Châu Thủ Hiệu Chi Chương. Bấy giờ cửa Du-Thôn phụ-trách bởi hai viên Chánh và Phó Thủ-Hiệu và hai hiệu quân. Đồng thời, vua Gia Long cũng sai Trịnh Hoài Đức vẽ lại bản đồ thống nhất Việt Nam. Năm 1806, Trịnh Hoài Đức hoàn thành công việc và trình vua Gia Long với bản đồ Việt Nam trong đó có ải Nam Quan.
Ngày 06-05-1813 (vào ngày 06-04 Quí Dậu-khi đi về thì vào ngày 29-03 Giáp Tuất-tức là ngày 18-05-1814), đại văn hào Nguyễn Du vâng mệnh vua Gia Long đi sứ, khi đi sứ qua Ải Nam Quan đã cảm tác bài thơ Trấn Nam Quan như sau (bản dịch của Đỗ Văn Hỷ-tr.279-sách Địa Chí Lạng Sơn-1999" :
Lý-Trần việc cũ dấu phai mờ Năm đã ba trăm kể đến giờ Muôn núi ải quan nằm chính giữa Một thành Hoa-Việt vạch đôi bờ Trời đất mới biết ơn sao nặng Ddất hẹp xui nên chuyện hóa ngờ Mây biếc quay nhìn nơi cửa khuyết Nhạc Thiều văng vẳng tiếng xa đưa
Qua bài thơ này đã chứng tỏ Trấn Nam Quan đã có cách đó khoảng 300 năm tức là khoảng năm 1513. Tức là Trấn Nam Quan có trước thời Gia Tĩnh triều Minh (1522-1560). Ngoài ra nó còn cho ta biết, bức tường thành chính là biên giới phân cách Việt-Trung vào thời đó.
Ngoài những chi tiết liên quan đến ải Nam Quan nói trên, ông Nguyễn Văn Siêu còn viết về những vụ lộn xộn tại biên giới liên hệ đến thị trấn Đồng Đăng, nơi có ải Nam Quan, trong đó có một đoạn đáng lưu ý như sau : "Năm thứ 29 niên hiệu Hồng Võ, Thổ tri phủ Tư Minh là Hoàng Quảng Thành tâu phủ ấy từ nhà Minh đặt lộ Tư Minh, châu huyện động trại trong hạt, phía Đông đến châu Thượng Tư, phía Nam đến Đồng Trụ, quân nhà Nguyên đánh nước Giao Chỉ, cách Đồng Trụ 100 dặm, đặt trại Vĩnh Bình, để quân đóng giữ, bắt người Giao Chỉ phải cung quân lương. Người Giao Chỉ đem quân đánh phá trại Vĩnh Bình khiến nhà Nguyên rối loạn, sau đó vượt qua Đồng Trụ hơn 300 dặm, xâm chiếm nhiều đất thuộc lộ Tư Minh, như 5 huyện Khâu Ôn, Như Ngạo, Khánh Viễn, Uyên Thoát. Lại Đồng Đăng thực là đất của Tư Minh, mà người Giao Chỉ nói là Đồng Trụ dựng ở nơi ấy, xin ban sắc cho An Nam phải trả lại đất cũ để bờ cõi được đúng. Vua Minh Thái Tổ sai chức Hành nhân là Trần Thành Lã Nhượng sang dụ, bàn cãi đi lại, mãi vẫn không quyết, việc [quên] dần thôi."
Tới đời nhà Thanh gần đây, trong bài Trùng tu Nam Quan Ký của Tuần phủ Lý Công Phất còn nhắc tới việc này như sau: Nam Quan trông sang Giao Chỉ thật là hiểm yếu, ở đó có cột đồng Mã Viện.
Đến ngày mồng 8 tháng giêng năm Ất Dậu (1885) thì thiếu tướng De Négrier lên đến cửa Nam Quan, truyền phá ải quan, rồi trở về Lạng Sơn (Việt Nam Sử Lược, tác giả TrầnTrọng Kim, trang 225, phần "Lấy thành Lạng Sơn", ấn bản điện tử tại www.vnet.org/vanlangsj/tailieu/vnsl.pdf).
Theo lời mô tả của bác sĩ Hải Quân Neis (thành viên phái đoàn phân định biên giới) trong hồi ký Phân Ddịnh Biên Giới Pháp Hoa 1885-1887 của ông (Nguyên văn tiếng Pháp và được dịch giả tiến sĩ Walter ẸJ. Tips dịch ra tiếng Anh) thì :
Ải Nam Quan nằm ở dưới 1 rảnh núi hẹp, hai bên là hai đồi núi khá dựng đứng, cao chừng 50-60 m (xin xem hình vẽ Ải Nam Quan của Eug. Burand). Khi đó thì Trung Hoa đã xây sửa lại Ải này và nối liền nó với 1 bờ tường thành thấp chạy dài theo hai bên núi. Các thành viên Trung Hoa đã kịch liệt phản đối và cho rằng bờ tường thành không phải là biên giới (nên nhớ đại văn hào Nguyễn Du đã làm 1 bài thơ Trấn Nam Quan vào năm 1813, bài thơ nói rõ bờ tường này chính là biên giới phân cách hai nước-xin xem chương 13). Phía Trung Hoa yêu cầu cột biên giới phải cách xa khỏi Ải Nam Quan. Cuối cùng, phía Pháp đồng ý cột mốc biên giới (thứ 25) cách Ải Nam Quan là 100m (theo hồi ký của bác sĩ Neis thì là 150 m (nghĩa là lấy biên giới là con suối nhỏ ở phía trước ải (suối này tên là suối Phi Khanh), theo hình chụp biên bản biên giới tại Văn Khố Đông Dương-Pháp thì cho biết chính xác là 100m). Kết quả là Việt Nam mất 100m ngay trước của Ải Nam Quan. Sau khi đó, hai phái đoàn đi qua các làng kế bên để tiếp tục đóng các cột mốc biên giới khác. Sau hai ngày, thì hai phái đoàn trở lại Ải Nam Quan để làm 1 bản báo cáo chính thức về việc đóng cột mốc biên giới. Cách Ải Nam Quan 150 m là một con suối nhỏ (sau này có 1 cây cầu bắc qua gọi là cầu Nam Quan).
Theo Địa dư Các Tỉnh Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn (1999) thì cửa Nam Quan ở ngay biên giới Trung Quốc và Việt Nam. Kể từ Hà Nội lên đến tỉnh lỵ Lạng Sơn là 150 km ; đến cây-số 152 là chợ Kỳ Lừa ; đến cây số 158 là Tam Lung ; đến cây số 162 là Đồng Đăng ; đến cây số 167 là Ải Nam Quan đi sang Long Châu bên Tàu. Như vậy từ Đồng Đăng lên cửa Nam Quan có 4 km (xin xem hình anh lính Pháp ngồi với bản đề 4 km) ; từ Kỳ Lừa lên Nam Quan mất 15 km.Về phía Tây-Nam chợ Kỳ Lừa có động Tam Thanh, trước động Tam Thanh có núi Vọng Phu hay tượng nàng Tô Thị là những danh thắng của tỉnh Lạng Sơn và từ tỉnh-lỵ Lạng-Sơn lên Nam-Quan là 17 km. Thời Pháp-thuộc, người Pháp gọi cửa Nam-Quan là Porte de Chine, nghĩa là cửa ngõ Trung-quốc. Tên này được dùng cho đến năm 1945. Năm 1931, Tờ báo National Geographic có chụp hình Ải Nam Quan từ bên phía phải của nó.
Sau năm 1954, Mao Trạch Đông cho đổi cách gọi Trấn Nam Quan là Mục Nam Quan (Mục : theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì có nghĩa là hòa thuận, tin cậy, thân thiết-vì vậy tên tiếng Anh là Friendship Gate. Hồ Chí Minh thì cho gọi là Hữu Nghị Quan). Còn Bộ trưởng ngoại giao Trần Nghị (Chen Yi) thì cho gắn bảng là Mục Môn Quan.
Từ thời Pháp, dựa theo bức họa của Eug. Burnand vẽ năm 1887, biên giới hai nước Trung-Việt ở Nam Quan ngăn cách bởi một bức tường thành, ở giữa có cửa thông sang Trung-quốc và hai bên là hai ngọn núi khá cao (xin xem hình đính kèm). Trải qua những trận chiến Pháp-Hoa ở vùng biên-giới Lạng Sơn, bức tường thành và cửa ngăn cách biên-giới hai nước nay không còn nữa. Còn bưu-thiếp của Collection de L'Union Commerciale Indochinoise vào năm 1910 (xin xem hình) cho thấy một cửa Nam Quan sát chân núi khá cao ; ngoài cửa chính có lính canh gác và còn có một cửa phụ ở bên cạnh và phía sau cửa ải có một tòa nhà lầu ở lưng chừng núi. Cũng vì chiến-tranh Pháp và Việt-Minh, cửa Nam Quan này nay không còn.
Từ Đồng Đăng lên Nam Quan lác-đác có ít nhà nhỏ xây bằng gạch (xin xem ảnh tư liệu). Gần đồn lính của Pháp ở Nam Quan thì có vài hàng quán nhỏ dành cho khách đi đường, lính-tráng trong đồn hoặc một ít người tài-xế lái xe vận-tải hay những người làm nghề khuân vác lẩn quẩn ở đó chờ đêm xuống lẻn qua biên giới sang Tàu để khuân hàng lậu về nước ta để kiếm lời. Từ biên giới Nam-Quan sang Bằng-Tường cũng vậy, nhà cửa thưa-thớt chứ không có phố sá gì nhiều cả. Một đồn lính biên phòng nhỏ của Việt-Nam ở ngay sát đường biên-giới hai nước trước cửa Nam Quan (xin xem hình)
Từ Lạng Sơn đến Đồng Đăng khoảng 14 cây số và từ Đồng Đăng đến cột mốc số 0 do Pháp cắm ngày xưa để làm dấu lằn ranh giới giữa hai nước và cũng là cột mốc đầu của Quốc lộ 1, phải mất 4 cây số nữa. Trước khi tới cột mốc số 0 (theo tài liệu biên bản biên giới Pháp-Thanh thì cột mốc này được đánh số 25. Vào năm 1979, cột mốc này đã bị lính Trung Quốc dùng xe ủi nát mất dấu. Sau đó, dân địa phương cho dựng lại cột mốc nhưng họ không rõ trước đó nó là số mấy nên đành để 0 (trên cột có đề chữ H. N. Quan). Vị trí cột này dễ nhận biết vì nó nằm gần ngay 1 cây đa và 1 giếng nước-còn gọi là giếng Phi Khanh) khoảng 100 thước, phải dừng xe ở trạm gác biên phòng của Việt Nam. Tại đây, mọi người phải vào Phòng Xuất Nhập Cảnh làm thủ tục kiểm dịch quốc tế, đóng thuế Hải Quan rồi mới được đi tiếp. Từ trạm gác biên phòng đi khoảng 100 thước nữa thì đến cột mốc số 0 đã nói ở trên. (Cách đường cái quan là đường xe lửa Việt Trung cách đó 50 mét. Điểm nối ray là cách Ải Nam Quan 300 mét. Bản tín hiệu xe lửa thì cách Ải Nam Quan 500 mét). Qua khỏi cột mốc biên giới khoảng 100 thước lại gặp trạm kiểm soát biên phòng của Trung Quốc rồi đến Phòng Xuất Nhập Cảnh như bên Việt Nam. Tại đây, hải quan biên phòng của Trung Quốc thâu lệ phí và thâu passport cùng giấy tờ tùy thân, rồi cấp giấy tạm nhập khẩu Trung Quốc. Có khi vui miệng, họ còn nhắc rằng phải đổi giờ 1 tiếng đồng hồ vì Trung Quốc theo giờ Bắc Kinh còn dân Việt thì theo giờ Hà nội. Ra khỏi Phòng Xuất Nhập Cảnh là thấy ngay cổng Hữu Nghị Quan (Ải Nam Quan) đồ sộ hiện ra trước mắt-bên tay trái, chỉ cách phòng này khoảng 100 thước. Đi xuôi về phía Trung Quốc khoảng hơn 200 mét nữa thì có trạm xe buýt quốc tế có bảng "International Terminal" để chở khách du lịch đi đến Long Châu (xin xem các ảnh tư liệu đính kèm).
Hữu Nghị Quan - Ải Nam Quan nhìn từ tòa nhà Xuất Nhập Cảnh của Trung Quốc.
Hữu Nghị Quan - Cột cây số 0 KM.
Thật đau buồn cho dân tộc Việt Nam !
Qua các cuộc thương thảo về phân định biên giới Việt-Trung, Thứ trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng đã phải thú nhận nhà cầm quyền VN đã nhượng 200 mét tính từ cột mốc O Km (H.N.Quan). Tính ra biên giới Việt-Trung ngày nay là chính ngay chổ nhà Xuất Nhập Cảnh Việt Nam (tức cách Ải Nam Quan-Hữu Nghị Quan khoảng 400 mét).
***
Phần trên là trích từ các chương 13&14 của sách "Những Biến Cố Mất Lãnh Thổ-Lãnh Hải của Việt Nam từ 939-2002". Sách hiện đang được bày bán tại các nhà sách báo hải ngoại. Ở xa có thể đặt mua qua tác giả tại :
Trinh Quoc Thien, Esq. P.O. Box 323 Annandale, VA 22003 Giá 22USD/cuốn (bao cước phí và thuế).
|