Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam |
Tác Giả: Mũ Xanh Phạm Văn Tiền | |||
Thứ Tư, 03 Tháng 8 Năm 2011 18:56 | |||
Binh chủng TQLC là Lực Lượng Tổng Trừ Bị QLVNCH. Trong quá trình 21 năm vừa thành lập vừa phát triển và chiến đấu để chống lại cuộc xâm chiếm Miền Nam của Cộng sản Bắc Việt.
Binh chủng TQLC là Lực Lượng Tổng Trừ Bị QLVNCH. Trong quá trình 21 năm vừa thành lập vừa phát triển và chiến đấu để chống lại cuộc xâm chiếm Miền Nam của Cộng sản Bắc Việt. Ngày 1 tháng 10 năm 1954 sau khi Pháp và Việt Cộng ký kết hiệp định Geneve (20-7-1954), 12 đơn vị Cảm Tử Quân ở Bắc Việt (Commando 13) di chuyển vào Nam hợp với 3 đại đội Tuần Giang ở Hội An, Khánh Hòa và Thị Nghè thành lập Tiểu đoàn 1 Bộ Binh Hải Quân do Đại úy Roger Bùi Phó Chí chỉ huy, con chim đầu đàn của Binh Chủng TQLCVN. Đó là Tiểu Đòan 1 TQLC Quái Điểu sau nầy.
Thiếu Tá Lê Nhữ Hùng được bổ nhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng TQLC để chỉ huy các đơn vị trên. Ngày 1/9/1957 Tiểu Đòan 3 Đổ Bộ được chính thức ra đời, Đại úy Lê Nguyên Khang thành lập xong giao lại cho Đại úy Trần Trung Ái, Xử Lý Thường Vụ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng một thời gian ngắn rồi sau đó là Đại úy Nguyễn Kiên Hùng.Tiểu Đoàn cũng đã được cải danh là Tiểu Đoàn 3 TQLC Sói Biển cho đến hết cuộc chiến năm 1975. Tháng 6 /1960 Đại úy Lê Nguyên Khang đang đảm nhiệm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1, thăng cấp Thiếu Tá và được bổ nhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng TQLC thay thế Thiếu Tá Lê Nhữ Hùng. Tháng 9/1961 Đại úy Bùi thế Lân thành lập Tiểu Đoàn Đổ Bộ thứ tư tại trại Cửu Long, Thị Nghè, Gia Định. Sau khi hoàn tất huấn luyện, TĐ di chuyển ra đồn trú tại trại Hoàng Hoa Thám nằm trên đường Lê Lợi, Vũng Tàu vào đầu tháng 3 năm 1962. Sau nầy là Tiểu Đoàn 4 Kình Ngư TQLC. Để yểm trợ đặc biệt cho các cuộc Hành Quân Thủy Bộ, Đại đội Yểm Trợ Thủy Bộ, Đại đội Vận Tải, Đại đội Truyền Tin, Đại đội Quân Y kế tiếp nhau ra đời. Sau cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963 thành công, Trung tá Lê Nguyên Khang được thăng cấp Đại tá và sau đó được bổ nhiệm chức vụ Tùy viên Quân Sự tại Phi Luật Tân. Vào cuối tháng 1-1964 ông được triệu hồi thăng cấp Thiếu Tướng Tư Lệnh Biệt khu Thủ đô, kiêm Chỉ Huy Trưởng TQLC và cũng từ đó Binh Chủng TQLC cũng được tách rời ra khỏi sự yểm trợ tiếp vận của Bộ Tư Lệnh Hải Quân, trực thuộc thẳng Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH về cả chỉ huy, điều động tác chiến và yểm trợ tiếp vận. Tuần tự Tiểu đoàn 5 Hắc Long cũng được ra đời cuối năm 1964. Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Nguyễn Văn Tính. Hậu cứ tọa lạc tại địa danh Suối Lồ Ồ, quận Dĩ An, Biên Hòa. Sau khi hoàn tất huấn luyện và được bổ sung quân số đầy đủ theo bảng cấp số, đơn vị đã xuất quân năm 1965 vào các chiến trường miền Trung đầy sôi động, nơi mà Việt cộng tập trung quân, vừa lính chính quy lẫn chủ lực miền đánh phá khắp vùng II Chiến thuật, uy hiếp nặng nề 2 tỉnh Pleiku, Kontum. Quan trọng nhất là tại Đức Cơ và Quảng Ngãi. Dù còn son trẻ, nhưng TĐ đã góp phần vào nhiều chiến thắng vẻ vang cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tiểu đoàn 6 Thần Ưng TQLC được thành lập vào cuối năm 1966 và do Thiếu Tá Phạm Văn Chung giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng đầu tiên. Sau khi quân số được bổ sung đầy đủ, tiểu đoàn thụ huấn và thao dượt tại Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp, tỉnh Phước Tuy. Tiểu Đoàn 6 TQLC xuất quân đầu tiên là đặc khu Rừng Sát, rồi chiến khu D, mật khu Lê Hồng Phong, cứ địa Cộng sản tại Đức Hòa, Đức Huệ. Đại đội Huấn Luyện trở thành Trung tâm Huấn Luyện Sư Đoàn, khả năng cung cấp hàng ngàn tân binh cho các tiểu đoàn tác chiến sau khi được huấn luyện thành thục căn bản bộ binh tác chiến và hành quân đặc biệt Không, Thủy, Bộ. Cuối năm 1969 Tiểu đoàn 8 Ó Biển TQLC được chào đời. Thiếu Tá Phạm Văn Sắt là vị Tiểu Đoàn Trưởng đầu tiên. Tiểu đoàn 9 TQLC Mãnh Hổ được thành lập vào tháng 3/1970. Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Nguyễn Kim Đễ. Cũng trong thời gian nầy Tiểu đoàn 2 Thần Tiễn và Tiểu đoàn 3 Pháo binh Lôi Hổ cũng được thành hình. Tháng 12 năm 1969 Trung Tá Ngô Văn Định được chỉ định thành lập Lữ Đoàn 369. Tháng 4-1970 xuất quân sang chiến trường Campuchia qua ngã Gò Dầu Hạ, Tây Ninh. Bắt đầu từ đó các Lữ Đoàn A và B được đổi tên là Lữ Đoàn 147 và 258. Tháng 1- 1975 Đại Tá Ngô Văn Định thêm một lần nữa được chỉ định đứng ra thành lập thêm Lữ đoàn 468 gồm các Tiểu đoàn 14, 16, 18 và 1 Pháo đội 105 ly cũng được ra đời để phù hợp với nhu cầu của tình hình đất nước. Các cấp chỉ huy TQLC thường xuất thân từ các quân trường Sĩ Quan QLVNCH, trong đó đa số là từ trường Võ Bị Quốc Gia Đàlạt hoặc Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, hầu hết đều tốt nghiệp các khóa Căn bản Trung Cấp, Bộ Binh và Chỉ huy Tham Mưu Cao Cấp từ trong nước hoặc được thụ huấn tại Hoa Kỳ. Kể từ năm 1960, các đơn vị TQLC đều đồn trú tại khu rừng Cấm phía Tây Bắc thị xã Thủ Đức, giáp ranh quận Dĩ An, Biên Hòa, ngoại trừ Tiểu đoàn 4 tại Thị xã Vũng Tàu, Tiểu đoàn 2 và 3 tại quận lỵ Thủ Đức. Bộ Tư lệnh Sư Đoàn đặt tại 15 Lê Thánh Tôn Sàigòn cùng một vài đơn vị yểm trợ tại Thị Nghè. Kể từ ngày thành lập 1-10-1954, với nhiệm vụ ban đầu là bảo vệ các vùng duyên hải và hải đảo của tổ quốc, TQLC đã chiếm giữ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiểm soát cả một vùng Biển Đông cho đến đầu năm 1960 vì tình hình chiến sự gia tăng, TQLC đã phải bàn giao các hải đảo cho các đơn vị Địa phương quân canh phòng để trở về hành quân tại đất liền. - Những chiến thắng vang dội từ tái chiếm quận Đầm Dơi, Cà Mau vào cuối năm 1963 Những trận đánh trên chỉ là tiêu biểu sơ lược trong quá trình chiến đấu bảo vệ miền Nam Tự Do của Binh chủng TQLC VN, vừa thành lập vừa trưởng thành trong khói lửa, chống lại làn sóng đỏ của tập đoàn Cộng Sản Quốc Tế mà tay sai là bọn Cộng Sản Hà Nội. Trung Tướng Lê Nguyên Khang, vị Tư lệnh Sư Đoàn đầu tiên cùng với Đại Tá Nguyễn Thành Yên, Tư Lệnh phó. Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, vị Tư Lệnh Sư Đoàn và đại tá Nguyễn Thành Trí, Tư lệnh phó cuối cùng từ năm 1972 đến năm 1975. Bên cạnh đó còn có các vị chỉ huy Chiến đòan, Lữ đoàn như các Đại Tá Tôn Thất Soạn, Hoàng Tích Thông, Phạm văn Chung, Ngô Văn Định, Nguyễn Năng Bảo , Nguyễn Thế Lương... cũng đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của Sư Đoàn TQLCVN. Nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày thành lập Binh chủng TQLC VN, toàn thể các chiến sĩ Mũ Xanh còn lại hôm nay, xin thành kính nghiêng mình trước những chiến sĩ Cọp Biển đã hy sinh vì Tổ Quốc hay mất mát một phần thân thể trong suốt cuộc chiến vừa qua. Cuối cùng xin hãy cùng nhau bảo vệ phương châm: “Danh Dự-Tổ Quốc-Trách Nhiệm” của người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
|