Ngày Chúa Nhật Tuyệt Vời |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Diện | |||
Thứ Hai, 25 Tháng 7 Năm 2011 09:21 | |||
Đoàn biểu tình đi hai vòng quanh Bờ Hồ, tính ra thời gian là 2 giờ 30 phút Khác với tâm trạng nặng nề, u uất của chủ nhật trước, hôm nay chia tay những người biểu tình tại đài Cảm tử, mình thấy tinh thần thật là phấn chấn, thanh thản. Có thể nói cuộc biểu tình thành công ở nhiều mặt: số người tham gia đông nhất, truyền bá được thông điệp của cuộc biểu tình tới nhiều người dân thủ đô nhất và không có … “thương vong”. Hai lần gần đây, trước khi đi biểu tình, mình đều được những người có trách nhiệm đến khuyên ngăn. Dù nể nang nhưng cũng đành phải khước từ vì mình tin tưởng sắt đá rằng những cuộc biểu tình như thế này là rất cần cho dân, cho nước. Đoàn về đến đài Cảm tử để kết thúc cuộc biểu tình lần thứ 8 Mờ sáng, thức dậy sớm hơn mọi ngày. Bầu trời xám. Một lúc sau thì mưa rào. Chán quá. Xin trời đất phù hộ cho đất nước chúng con – mình thầm cầu nguyện như thế. Nhưng rồi cơn mưa qua nhanh, bầu trời quang hẳn. Thôi, lần này đi xe bus cho nhẹ nhàng, mát mẻ. 8 giờ xuống xe gần Trung tâm thương mại. Quanh Bờ Hồ, không thấy bóng dáng quân ta đâu, chỉ toàn những người ra tập thể dục, dạo chơi buổi sáng, Đi một lượt đến đầu Hàng Đào, đếm được 6 cái xe bus. Không biết tí nữa mình được “mời” lên xe nào đây. Chợt nhớ ra, gọi cho Phương Bích. Nàng rối rít: “Em đang ở đài Cảm tử, cũng chưa gặp được ai cả”. “Vậy cứ đứng đó nhé”. Mình dặn Phương Bích thế mà lòng có phần hoang mang: Cuộc biểu tình mà chỉ hai anh em thì chắc chắn bị dẹp ngay từ phút đầu. Nếu được “mời” lên xe thì hơi bị lãng phí. Gặp Phương Bích rồi, nhìn quanh thấy anh Vinh Anh, Người buôn gió, Chí Tuyến, Gốc Sậy … và mấy chàng thanh niên mình đã quen mặt. Chuyện trò một lát, thấy một chiếc xe cảnh sát đi ngang nơi tụi mình đang đứng thì dừng lại. Những người trên xe nhìn tụi mình rất chăm chú rồi đi tiếp. Khi nghe tin mọi người đang tập trung ở tượng đài Lê Thái Tổ, bọn mình lập tức đến thì đoàn biểu tình đang sắp thành đội ngũ, trương ra những biểu ngữ. Lúc này là 8h30. Bọn mình nhập vào đoàn. Một cậu thanh niên đưa cho mình tập biểu ngữ chừng năm sáu chục tờ in trên giấy khổ A3. Đó là những biểu ngữ ghi tên từng chiến sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa và Trường Sa. Mình cứ nhìn thấy ai chưa có gì trong tay thì phát một tờ, một loáng là phát hết. Ai nhận cũng mỉm cười thân thiện. Chỉ có một trường hợp, mình đưa cho một cậu thanh niên, cậu ta mặt lạnh lùng lắc đầu không nói gì rồi quay mặt đi. Thôi chết, bỏ mẹ, phát nhầm cho công an chìm rồi. Mà cũng có khi là an ninh của anh bạn 16 chữ vàng cũng nên – mình nghĩ thế. Lúc này, chiếc loa từ chiếc xe hòm mầu trắng số 30F-7148 của Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm đang phát những qui định về việc cấm tụ tập đông người ở lòng đường vỉa hè, nếu có nhu cầu thì phải xin phép này nọ, cần thiết thì cưỡng chế … Những chiếc xe cảnh sát đã đỗ xung quanh. Hô tại chỗ một lúc thì đoàn biểu tình đi về hướng Hàng Khay, vòng phải vào Lê Thái Tổ. Xe cảnh sát chạy theo kèm, chủ yếu là dẹp không cho người đi đường dừng lại vì sợ tắc nghẽn giao thông. Chỉ buồn cười vì đoàn biểu tình đi vòng Bờ Hồ theo chiều ấy nên khi vào đường Lê Thái Tổ thì xe cảnh sát bắt buộc phải vi phạm luật giao thông, đi ngược chiều. Có một chiếc xe chạy vượt lên, quay ngang chắn ở đầu đường đôi, dồn hết người đi đường sang làn đường bên kia thành ra các phóng viên nhà ta thoải mái đứng dưới lòng đường bên này quay, chụp. Nói chung các đồng chí công an hôm nay thực hiện đúng như lời đề nghị của đoàn biểu tình: “Chúng tôi trân trọng đề nghị các lực lượng an ninh bố trí lực lượng giúp phân luồng giao thông và bảo vệ an ninh cho đoàn biểu tình yêu nước”. Xin cảm ơn nhiều lắm. Đoàn biểu tình đi hai vòng quanh Bờ Hồ, tính ra thời gian là 2 giờ 30 phút. Sở dĩ lâu thế là vì cứ đi một đoạn, đoàn lại dừng lại, quay ra phía người đi đường hô khẩu hiệu để truyền bá thông điệp của đoàn biểu tình. Mình chọn tấm biểu ngữ mang dòng chữ “Ngụy Văn Thà, hy sinh ngày 19/1/1974 tại Hoàng sa”. Trong các chiến sĩ hy sinh ở Hoàng Sa, mình ấn tượng nhất là Ngụy Văn Thà bởi tấm gương tổ chức cho đồng đội chiến đấu và hy sinh anh dũng của Anh. Mình giơ cao lên quá đầu, hô đến lạc giọng: “Ngụy Văn Thà bất diệt”. Có người không biết Ngụy Văn Thà là ai, mình giải thích rồi bảo: “Các chiến sĩ hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ở Hoàng Sa chắc chắn sẽ được Tổ quốc vinh danh, điều đó không thể khác”. Có ba người thấy biểu ngữ Ngụy Văn Thà, yêu cầu mình đứng giơ cao lên cho họ chụp ảnh. Chí Tuyến với tấm biểu ngữ “Tổ quốc vinh công” trong đó ghi đầy đủ họ tên những người lính đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Tuy nhiên, đó chỉ mới là nguyện vọng của những người biểu tình yêu nước. Người đi đường hô theo, vẫy vẫy, hai ngón tay làm thành hình chữ V biểu thị sự đồng tình, ủng hộ. Qua quầy kem Thủy Tạ, có 4 cô bán kem vỗ tay cổ vũ rất nhiệt tình. Mình chạy lên, đưa cho các cô tấm biểu ngữ ghi tên một liệt sĩ Hoàng Sa. Hôm nay có hai áo dài của Bùi Thị Minh Hằng và Kim Tiến. Áo của Minh Hằng đỏ thắm, rực lên không khí biểu tình. Kim Tiến mặc áo dài màu trắng, đi guốc mộc, cầm một bên biểu ngữ lớn đi đầu, trông thật duyên dáng. Trong suốt cuộc biểu tình, dáng vẻ Kim Tiến thật hiên ngang, đĩnh đạc, gương mặt rực sáng mà toát lên vẻ đẹp nữ tính, dịu dàng. Có thể nói, cô là tâm điểm cho cuộc biểu tình hôm nay. Rất nhiều phản hồi ở các trang web bày tỏ cảm xúc về Kim Tiến. Một bạn đọc của Dân Làm Báo viết: “Em Trịnh Kim Tiến mới xứng danh là HOA HẬU NƯỚC VIỆT. Một vẻ đẹp hoàn toàn từ hình thể đến tâm hồn của người con gái Việt Nam Cám ơn em đã ghi vào lịch sử 1 hình ảnh đẹp”. Cũng như tuần trước, Minh Hằng hô khỏe nhất, đến loa điện cũng phải … bất lực. Phương Bích tuy dáng người hơi lẫm chẫm nhưng hô nhiệt tình không kém có điều dù gắng hết cỡ cũng không to bằng. Khi đoàn dừng lại hướng ra đường, Nguyễn Văn Phương đang hô khẩu hiệu thì chiếc xe hòm trắng lùi lại. Phương liền vỗ vỗ mấy nhát bình bình vào sau xe ra tín hiệu dừng lại. Rất hách. Trẻ em đi theo bố mẹ cũng nhiều, có cháu đang tuổi học tiểu học, có cháu 4, 5 tuổi, có cháu đeo khăn quàng đỏ. Nhìn các cháu tham gia biểu tình mà cảm động. Mình ôm lấy các cháu bảo các con lớn lên thay các bác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chắc chắn sẽ giỏi hơn các bác nhiều lắm. Bố mẹ cháu rất vui, bảo con có nghe thấy bác nói không? Về trưa, trời nóng thêm. Được cái tuần hành quanh hồ, nhiều bóng cây nên cũng không đến nỗi nào. Thấy mình mồ hôi nhễ nhại, một cô gái đang đi cạnh nghệ sĩ violongsen đường phố vẻ ái ngại: “Em mua 3 thùng live nhưng phát không đủ”. Tuy vậy, thỉnh thoảng, mình vẫn được các bạn thanh niên đưa nước mời uống, thấy lòng mát mẻ biết bao. 11 giờ, đoàn biểu tình kết thúc trước đài Cảm tử. Lại giăng biểu ngữ, hô khẩu hiệu và chụp ảnh lưu niệm. Mình nhìn ra xung quanh. Sao đông đến thế này. Khi đang đi tuần hành vòng 1, mình đứng lên một chiếc ghế đá quan sát, ước tính chừng 350 người, thế mà con số ấy đã bị vượt lên từ bao giờ mình không để ý. Tiếng vĩ cầm của nghệ sĩ đường phố lại cất lên. Mọi người hát theo: “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi …”
Sau khi tuyên bố chấm dứt biểu tình, mọi người còn lưu lại mãi, tranh thủ làm quen, nói chuyện, trao đổi số điện thoại. Cuộc biểu tình hôm nay thành công ngoài mong đợi. Số người tham gia đông kỷ lục nói lên sự cố đáng tiếc của cuộc biểu tình lần 7 không làm cho ai chùn bước, ngược lại, còn kích thích thêm những người khác tham gia. Việc lực lượng cảnh sát, an ninh hôm nay không ra tay dẹp biểu tình, có lẽ người ta đã thấy hậu quả của việc quá tay tuần trước là làm xấu đi hình ảnh của những người gọi là công an nhân dân, làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trước con mắt bạn bè quốc tế. Ngoài ra có thể lần này do người biểu tình đã thay đổi chiến thuật, không vỗ mặt đại sứ quán TQ như những lần trước nữa nên họ cũng yên tâm hơn. Tuy nhiên, cũng có tin Nguyễn Chí Đức bị yêu cầu trở về nơi cư trú. Mình cũng nhận được một tin gửi qua email rằng chị Dương Thị Xuân và đứa con bị bắt về trụ sở CA Tràng Tiền, chưa rõ thực hư ra sao. Mình đã định ra về, chợt thấy một chàng trai đến ôm lấy Minh Hằng: “Cô”. Rồi thấy hai cô cháu ôm nhau nghẹn ngào. Những giọt nước mắt rơi ra từ người phụ nữ tham gia biểu tình tích cực và hô hét đến cuồng nhiệt ngỡ như chị chẳng bao giờ thèm khóc. Thậm chí đã có người chê chị là biểu hiện tình yêu nước một cách thô mộc. Nhiều người ngưỡng mộ gọi chị là nữ tướng. Vậy mà … Mình đứng lùi lại một chút nhìn cảnh tượng cảm động ấy. Sao chị khóc? Có thể chị vui mừng vì cuộc biểu tình hôm nay quá thành công. Có thể chị có nỗi u ất gì đó trong lòng và có thể là lý do nào đó khác, hoặc là tất cả. Tất nhiên mình không thể hỏi chị nhưng nghĩ những người có trách nhiệm trong bộ máy chính quyền cần lưu tâm, tìm hiểu những gì sâu thẳm trong tâm can của con người. Không phải cứ thấy ai làm trái ý một nhóm, thậm chí một cá nhân nào đó mà đã vội kết tội hay đánh giá người ta thế này thế khác. Hà Nội 24/7/2011
|