20 nhà văn miền Nam trong ‘họp mặt’ chót ngày 15.4.1975 |
Tác Giả: Viên Linh | ||||||
Thứ Năm, 03 Tháng 5 Năm 2012 15:59 | ||||||
1. Ðúng ngày 27 tháng 3, 2007, trong hộp thư của Khởi Hành tại 'Thị trấn Giữa Ðàng' có một chiếc phong bì xa lạ, từ khuôn khổ đến sắc màu: Bưu chính Việt Nam, gửi cho tôi một tài liệu cũ, Tạp chí Thời Tập số 23, ra ngày 15 tháng 4, 1975, chủ đề Văn chương trước tình thế mới, Tâm hồn và Ðất nước Tây nguyên-Trung Việt, số báo thực hiện ngay sau ngày 11 tháng 3 là ngày Ban Mê Thuột thất thủ.
Ðó là số báo cuối cùng mà tôi thực hiện tại Việt Nam trước 75, và có lẽ là tờ tạp chí văn học cuối cùng của miền Nam xuất bản nửa tháng trước khi tất cả sụp đổ. Ở trang 86, là trang chót có ghi: Giấy phép xuất bản số 346/BDVCH/PBCXB/ALP/TP ra ngày 27 tháng 3, 1975... 3000 số. Gỡ phong bì, lật tờ báo xem ngày tháng phát hành, trong tôi có cái bồi hồi của một tái hợp, lẫn với cái xúc động của sự xa lạ: Tờ báo - tôi là chủ nhiệm, chủ bút - ra hàng tháng, số đầu tiên xuất bản trong năm 1973, số cuối cùng nó chết cùng cái chết của miền Nam. Và một đêm khuya trước ngày 30 tháng 4 chúng tôi leo lên một con tàu vĩ đại... và đêm ấy tôi từ giã quê hương ra đi cho tới bây giờ. (Cho nên một trong những người bạn đã bảo: “Ðời nhà văn của anh thiếu sót kinh nghiệm Việt cộng, vì anh chưa được sống một ngày nào với Việt cộng. Chưa cả nhìn thấy Việt cộng như thế nào. Thế mà sao anh chống họ nhỉ?”) Quả là tôi chưa thực tế nhìn thấy họ, cũng như tôi chưa từng tận mắt nhìn thấy con lang hay con sói, song tôi biết con sói tốt hơn con lang, vì con sói không ăn thịt đồng loại, còn con lang ăn thịt con lang. Anh có thấy con cái những người loạn luân không? Họ nhỏ người, da xanh tái, mắt nhút nhát. Con lang cũng tương tự: hai chân sau ngắn hơn hai chân trước, cái lưng nó, cái đuôi và hai chân sau chỉ là một đường cong, cái cổ to bằng cái bụng, trông lùn tịt, vì nó đã ăn thịt đồng loại nó. 2. Ba chục năm nay nhờ bạn bè có dịp về Việt Nam mua cho sách báo cũ giai đoạn 54-75, chưa bao giờ tờ Thời Tập hiện lên. Cho tới khi viết những dòng này tôi chưa từng nhớ đã có lần nào trông thấy số báo chót này. Nhưng nhớ chắc chắn là sau khi Ban Mê Thuột thất thủ tôi đã thực hiện ngay số Chủ đề Cao nguyên. Tôi biết rõ báo đã phát hành, nhưng không nhớ mặt mũi tờ báo ra sao, trong có bài vở của những ai. Bộ Thời Tập tại Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ thiếu số 1, và thiếu số chót đó. Bộ TT tại Thư viện Ðại Học Cornell ở Ithaca có đủ từ số 1, nhưng cũng thiếu số chót đó. Ðời sống của một nguyệt san là một tháng, nó ra đời mới được một nửa hạn kỳ thì đất nước đổi chủ, đường phố ào ào lang sói người ngợm, còn gì là chữ nghĩa. Nó sống được đúng mười lăm ngày, kể từ ngày phát hành chính thức in trên mặt bìa sau; cho đến nửa tháng sau là 30 tháng 4 đen. Nếu không từng sống ở đó, không rõ tôi có làm số báo “Tâm hồn và Ðất nước Tây Nguyên-Trung Việt không?” Tôi tin là có. Ngay ở trang đầu của số ra mắt hơn hai năm trước, tờ báo đã phi lộ: “Thời Tập dấn mình vào sinh hoạt, quan niệm tất cả những gì không va chạm đều ẻo lả, thụ động, có tồn tại cũng không hơn vai trò một tấm gương, phận sự là đẩy trả lại trước mặt thủy tất cả những ảnh và hình, sự việc sống hay chết, không ý kiến, không phát biểu thuận hay nghịch. Vai trò đó là vai trò một tuyển tập, không phải vai trò Thời Tập muốn đóng, cho dù một tuyển tập là có chọn lựa, nhưng là chọn lựa những giá trị đã thành, không chọn lựa chủ động tìm kiếm. Bởi thế, đây là một tập san đưa sự trao đổi lên hàng thứ nhất: đặt thành vấn đề thảo luận các sự việc và tác phẩm bất cứ khi nào được và cũng bởi thế, việc phê bình bút chiến tất phải xảy ra trên tập san này, kể từ những số tới.” Ngay khi quyết định làm một tờ Tạp chí Văn học, cái tên gần như thành hình rồi vì chủ trương đã ở trong đầu: nhà văn phải viết trong thời đại mình, viết về thời đại mình, viết về dân tộc mình, viết về đất nước mình, viết thật, viết cho đúng, và viết cho đẹp. Muốn thế trước hết phải theo dõi sinh hoạt, sống trong đời sống, nghe ngóng trào lưu và thẩm định tin tức. Vì báo không phải là tuyển tập hay đặc san. Ðời sống trước mắt, sinh hoạt xung quanh phải được biết đến, phải được nói đến. Cái biết vô cùng quan trọng cho sinh hoạt tinh thần, và đời sống. “Cái biết sẽ dẫn đến Thiên Ðàng,” chẳng phải có một con rắn cấp tiến từng nói thế sao? Hitler không muốn thanh niên Ðức biết nhiều: “Knowledge is ruin to my young men.” CS cũng thế. Nhưng biết mà không có thái độ thì sự biết chỉ đưa đến ù lì sa đọa. Anh không thể đang ở Chợ Lớn chằng chịt kinh rạch đen ngòm mà viết kiểu Tô Châu lớp lớp phù kiều như Hồ Dzếnh. Anh không thể đang ở Sài Gòn cúp điện hàng đêm mà viết về Paris kinh thành ánh sáng “vỡ òa” như là nơi anh đang sống. Mai Thảo có quyền viết “tôi là nhà văn là kẻ rong chơi giữa cuộc đời,” nhưng anh không phải Mai Thảo, vì anh đâu có bao giờ muốn rong chơi? Thì giờ của anh phải hữu ích. Xuân Diệu có quyền nói “là thi sĩ nghĩa là ru với gió” nhưng anh không phải Xuân Diệu, anh sức đâu mà ru với ai; nữa là với gió? Thế cho nên trên Khởi Hành cũng như trên Thời Tập - (tôi rời Khởi Hành không lâu sau thì xuất bản tờ báo của riêng mình) - đều có những mục như Nơi Tôi Ðang Sống, Một Nghìn Cửa Sổ, Tay Ðôi... Bởi thế không phải vì đã sống ở Ban Mê Thuột mà tôi làm số báo Chủ đề Ban Mê Thuột thất thủ; nó còn là một biến động thời thế nhà văn phải lên tiếng. 3. Các tác giả và bài tham dự chủ đề như sau, thứ tự theo số trang: -Viên Linh: Văn chương trước mỗi tình thế, tr.3. -Mặc Ðỗ, Trần Thị Tuệ Mai, Nguyễn Mộng Giác, Thạch Trung Giả, Phạm Thiên Thư, Bình Nguyên Lộc, Trúc Sĩ, Võ Phiến, Lê Tràng Kiều, Lệ Hằng, Xuân Vũ, trả lời phỏng vấn của Viên Linh Vai trò của Người cầm bút trước Tình thế Ðất Nước, trang 8. -Thích Ðức Nhuận: Giai phẩm Thời đại, tr.22. -Trần Hoài Thư: Thị trấn Cà phê hoa, tr.27. -Kim Tuấn: Kontum Kontum, 46. -Trần Quang Thiếu: Chuyến xe cao nguyên, tr.47. -Ðặng Phú Phong: Bài học cho các em khi di tản, tr.54. -Nguyễn Hàn Thư: Pleiku, mọi sự hầu như nhỏ, tr.60. -Nguyễn Kim Phượng: Chư HơDron và Plei-Lasơn, tr.63. -Trần Văn Nghĩa: Cho những cơn mưa chiều Blao, tr.76. -Dương Nghiễm Mậu: Một lời, tr. 77. Tác giả viết về chủ đề là hai mươi người. Cho tới hôm nay, trong số trên, chúng ta đã thấy vắng khuất: -Trần Thị Tuệ Mai, nhà thơ, (1928-1983), tác phẩm đầu tay Thơ Tuệ Mai, 1962. (Bà là con gái nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải.) -Thạch Trung Giả, giáo sư Ðại Học Vạn Hạnh, nhà biên khảo, thi sĩ, tác phẩm lớn Văn học Phân tích Toàn thư dầy 700 trang. Nghe nói tự tử sau khi CS làm chủ đất nước. -Bình Nguyên Lộc, (1914-1987), từ trần tại San Jose. -Trúc Sĩ, trong nhóm Thế Kỷ, Hà Nội, vào Nam 1954, mất tại Hoa Kỳ. Tác phẩm nổi tiếng Kẽm Trống. -Lê Tràng Kiều, có tiếng từ thời Tiền chiến. -Xuân Vũ (1930-2004). -Thích Ðức Nhuận, (Nam Ðịnh-Sài Gòn, 2004 [?]...),hòa thượng, nhà thơ, nhà luận thuyết. Tác phẩm Sáng Một Niềm Tin, thơ, 2000. -Kim Tuấn (1940-2003), có chỗ ghi sinh 1937. Nhà thơ, tác phẩm hay: Tạ Tình Phương Nam. Như thế ít nhất tám người đã khuất bóng; bốn người chúng tôi không rõ hiện nay ra sao là Nguyễn Kim Phượng, Trần Văn Nghĩa, Hàn Thư và Trần Quang Thiếu. (Có một điều, bây giờ đọc lại, người viết lấy làm kỳ. Thay vì viết Cao nguyên-Trung Việt, như nhóm chữ miền Nam vẫn dùng, không hiểu vì lẽ gì mấy chữ ấy lại biến thành Tây nguyên... lối nói của miền Bắc. Âu cũng là một cái điềm rớt.) Santa Ana, Tháng Tư 2007, bổ sung Tháng Tư 2012 Viên Linh
|