Trần Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗; nguyên tên thật là Trần Bồ 陳蒲, sau đổi thành Trần Cảnh 陳煚; 17 tháng 7, 1218 – 4 tháng 5, 1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi hơn 32 năm (1225 - 1258), làm Thái thượng hoàng 19 năm.
Trần Thái Tông
Làm vua Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa. Khi ông sinh ra, họ Trần đã nắm quyền thao túng triều chính nhà Lý. Do sự sắp đặt của người chú họ là Trần Thủ Độ - quyền thần đương thời - ông lấy nữ hoàng đầu tiên và là vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng khi mới lên 7 tuổi. Khi đó Trần Thủ Độ là Điện tiền chỉ huy sứ trong triều Lý. Bố của Trần Cảnh là Trần Thừa, cũng là một viên quan của triều Lý như Trần Thủ Độ (từng làm Nội thị khán thủ, một chức quan đứng đầu các quan hầu cận của vua nhà Lý). Cuối năm 1225, Trần Thủ Độ ép nữ hoàng nhà Lý mới lên 7 tuổi nhường ngôi cho ông.
Trong thời gian ở ngôi, Trần Thái Tông đã 3 lần đổi niên hiệu: Kiến Trung (1225-1232), Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250) và Nguyên Phong (1251-1258). Trước khi truyền ngôi cho con trai là Thái tử Trần Hoảng (tức vua Trần Thánh Tông), Trần Thái Tông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại thành công cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông.
Truyền ngôi được 19 năm, Trần Cảnh qua đời, thọ 60 tuổi. Ngày nay ở Hà Nội có phố mang tên Trần Thái Tông ở quận Cầu Giấy. Tại thành phố Nam Định cũng có phố mang tên ông.
Gia đình
| Đền Trần ở quê hương Nam Định | | Cung Vũ Lâm -Đền Thái Vi (Ninh Bình) nơi các vua Trần xuất gia |
Vợ • Chiêu Thánh hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng, năm 1237 giáng làm công chúa do không có con, năm 1258 gả cho Lê Phụ Trần. • Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị húy Oanh, nguyên là vợ An Sinh vương Trần Liễu. • Huệ Túc phu nhân Hoàng thị, là con của Hoàng Bính • Có lẽ còn một số bà vợ khác nhưng không rõ tên tuổi do Trần Ích Tắc (1254), Trần Nhật Duật (1255) đều sinh ra sau khi Thuận Thiên hoàng hậu đã mất (1248).
Con cái Sử sách cổ không ghi chính xác là bao nhiêu nhưng có thể thấy các con trai có: • Hoàng Thái Tử Trần Trịnh (chết yểu năm 1233) (con của Lý Chiêu Hoàng) [1] • Tĩnh Quốc Vương Trần Quốc Khang[1], thực tế là con của Trần Liễu và hoàng hậu Thuận Thiên. • Hoàng Thái Tử-> Thánh Tông Trần Hoảng, con của Thuận Thiên hoàng hậu. • Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, con của Thuận Thiên hoàng hậu. • Bình Nguyên vương Trần Nhật Vĩnh • Chiêu Đạo Vương Trần Quang Xưởng, anh cùng mẹ với Ích Tắc. • Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc • Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật • Minh Hiến Vương Uất[2]. Chơi thân với Phạm Ngũ Lão.
Các con gái gồm: • Công chúa Thiên Thành (? - 9/1288) (Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bà là trưởng công chúa[3] nhưng không nói rõ là con ai (có lẽ là con gái lớn của Trần Thái Tông[4]), trong khi Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép bà là con gái[5] của Trần Thừa). • Công chúa Thiều Dương húy Thúy (? - 4/1277): Lấy thượng vị Văn Hưng hầu, mất khi Trần Thái Tông vừa mất. • Công chúa Thụy Bảo: Lấy Uy Văn vương Toại, sau lấy Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. • Công chúa An Tư: Lấy Thoát Hoan.
Quan hệ với Trần Liễu Trần Liễu là anh trai của vua Trần Thái Tông. Năm 1237, khi đó vợ chồng Trần Thái Tông và Chiêu Thánh hoàng hậu chưa có con nối dõi tông đường, do hoàng tử Trần Trịnh mới sinh đã chết. Khi đó hoàng hậu Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu, đã có thai Quốc Khang ba tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực (vợ ông) bàn tính với nhau là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh lập công chúa Thuận Thiên làm hoàng hậu Thuận Thiên và giáng Chiêu Thánh làm công chúa. Vì thế, Trần Liễu đem quân bản bộ ra sông Cái làm loạn. Điều này làm cho vua Trần Thái Tông khó xử và ông đã bỏ kinh đô lên núi Yên Tử. Trần Thủ Độ phải đích thân lên núi mời, cộng với lời khuyên của sư Phù Vân, ông mới quay lại kinh đô. Hai tuần sau, Trần Liễu thế cô, không đối địch được, mới đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng. Trần Thủ Độ định chém Trần Liễu, nhưng vua Trần Thái Tông đã lấy thân mình che đỡ cho Liễu nên Thủ Độ không làm gì được. Sau đó lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm ấp thang mộc. Vì tên đất được phong, mà Liễu có tên hiệu là Yên Sinh Vương (An Sinh Vương). Tuy nhiên, Trần Liễu vẫn ôm hận trong lòng và trước khi mất (1251) có dặn lại con trai là Trần Quốc Tuấn phải tìm cách đoạt lấy ngai vàng (Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được). Trần Quốc Tuấn đã nhận lời cha, nhưng sau này ông đã không thực hiện lời trối trăng này.
Tôn hiệu Các vua nhà Trần có nhiều tôn hiệu: Tôn hiệu khi được nhường ngôi, khi đang làm hoàng đế, khi lui về làm Thái Thượng hoàng, và thụy hiệu sau khi mất. Tôn hiệu của Trần Thái Tông gồm: • Khi mới nhận ngôi từ Lý Chiêu Hoàng thì tôn hiệu là: Thiện hoàng (Hoàng đế được nhường ngôi) • Khi đang làm vua: Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế • Khi về làm Thái thượng hoàng: Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế • Thụy hiệu đầy đủ: Thống Thiên Ngự Cực Long Công Hậu Đức Hiền Công Hựu Thuận Thánh Văn Thần Vũ Nguyên Hiếu hoàng đế
|