Hiện Tượng Bí Ẩn “Thân Thể Tự Bốc Cháy“ |
Tác Giả: Phương Tôn | |||
Thứ Năm, 03 Tháng 11 Năm 2011 03:16 | |||
Nguyên nhân vụ cháy là do chính từ cơ thể bốc cháy chứ không do bất kỳ một nguyên nhân nào khác, không do một chất xúc tác từ bên ngoài nào khác Tiếng chuông báo động tại trạm cứu hỏa thuộc thành phố Galway tại Irland vào lúc 3 giờ sáng ngày 22.12.2010 vang lên từng hồi sau một cú điện thoại báo động của một người hàng xóm cho biết có ánh lửa phát ra từ căn hộ của Michael Faherty, hưu trí 76 tuổi. Đội cứu hỏa Galway tức tốc chạy đến hiện trường nhưng vẫn không cứu được Michael Faherty. Nạn nhân bị chết cháy trong căn phòng khách với điểm kỳ lạ mà ngay chính các nhân viên cứu hỏa nhiều năm kinh nghiệm cũng tỏ ra hoang mang vì chưa bao giờ gặp một trường hợp tương tự: Dù thân thể của ông, ngay cả bộ xương bị cháy hầu như toàn bộ nhưng vết lửa cháy chỉ hiện diện ngay dưới xác chết còn lại và ngay trên trần nhà. Toàn bộ căn hộ vẫn nguyên vẹn. Người ta giải thích như thế nào khi thời gian có ánh lửa cháy trong căn hộ cho đến khi đội cứu hỏa chạy đến không bao lâu trong khi đó về mặt kỹ thuật khi hỏa táng các cơ sở thiêu xác cần đến 90 phút với nhiệt độ 1200°C để đốt cháy được một bộ xương người? Cái chết bí ẩn của Michael Faherty lại gây hoang mang dư luận Irland khi vào ngày 21.9.2011 vừa qua, tòa án đã cho khảo nghiệm tử thi một lần nữa. Ngay chính Dr. Kieran McLoughlin chánh án tòa án West Galway, người có 25 kinh nghiệm trong nghề điều tra các vụ án chết cháy cũng chưa bao giờ gặp một vụ tương tự, công bố kết quả khảo nghiệm: Nguyên nhân vụ cháy là do chính từ cơ thể bốc cháy chứ không do bất kỳ một nguyên nhân nào khác, không do một chất xúc tác từ bên ngoài nào khác „Vụ cháy đã được điều tra cặn kẽ và tôi đã có kết luận đưa vụ cháy này vào chuyên mục ‚Thân thể tự bốc cháy (Spontaneous human combustion, SHC)’. Tôi không thể giải thích được lý do vì sao lại bốc cháy như vậy.“ theo lời công bố của Dr. McLoughlin cùng báo The Irish Times. Henry Thomas tại Wales thuộc Anh quốc bị chết cháy vào năm 1980. Căn hộ của ông vẫn còn nguyên vẹn ngoài trừ một phần hai cái ghế anh đang ngồi bị cháy. Phần thân thể còn sót lại chỉ là cái sọ và xương ống chân. Tài liệu ghi nhận được có hơn 100 trường hợp thân thể tự bốc cháy một cách khó hiểu từ thế kỷ 19 đến nay. Phần lớn trong số này đều có một điểm chung, thân thể bị cháy rụi nhưng đồ đạc chung quanh vẫn nguyên vẹn. Vụ việc càng bí ẩn hơn khi một vài nhân chứng sống thoát chết khi thân thể đã tự bốc cháy cho biết: Vào một buổi tối vào năm 1985 tại Anh quốc khi Paul Hayes đang đi dạo trên một con đường vắng yên tỉnh thì bổng nhiên lửa từ vòng eo bụng bốc cháy. Dù cố sức chạy trốn nhưng Hayes phải gục xuống mặt đường nằm lăn lộn chờ chết. Chừng một phút rưỡi sau lửa bổng nhiên tắt ngụm thật bất ngờ như khi bốc cháy. Hayes sau đó được đưa vào bệnh viện chữa trị vết thương bị cháy. Một trường hợp tương tự tại Mỹ cũng được ghi nhận. Vào một buổi sáng bổng nhiên tấm lưng của bà Kay Y. Fletcher bốc khói mạnh. Chồng bà cho biết khói bốc ra từ da, ngửi ra mùi thịt bị cháy nhưng không thấy ngọn lửa. Một vài giả thuyết khoa học giải thích hiện tượng Thân thể tự bốc cháy Giả thuyết „hiệu ứng tim đèn sáp“: Một số lớn nạn nhân được ghi nhận khi bị cháy thường ở gần những nơi có ánh lửa như lò sưởi, ngọn nến, thuốc lá v.v… Các nhà khoa học cho rằng, đầu tiên phải có ngọn lửa táp vào áo quần nạn nhân. Thân thể bốc cháy theo „hiệu ứng tim đèn sáp“ (Dochteffekt). Giải thích về tim đèn sáp: Một cây đèn sáp gồm có tim đèn được bao quanh bởi một lớp sáp làm từ các axít béo dễ cháy. Lớp sáp này sẽ giúp tim đèn sáp bắt lửa và giữ cho ngọn lửa cháy. Cơ thể người cũng tương tự như cây đèn sáp có một lớp mỡ đóng vai trò như lớp sáp, còn quần áo hay tóc là tim đèn. Khi lửa bắt táp vào người bất tỉnh do say rượu, cần sa, đứng tim… nhiệt độ lên cao làm mỡ trong cơ thể tan ra và thấm vào quần áo. Lúc này lớp mỡ đóng vai trò như sáp sẽ giữ ngọn lửa tiếp tục cháy âm ỷ cho đến khi thân thể thành tro. Giả thuyết tĩnh điện: Cho rằng đây là kết quả của sự hình thành tĩnh điện do ma sát hoặc do một từ trường mạnh bên trong cơ thể tác động tạo nên năng lượng điện lớn đốt cháy cơ thể. Giả thuyết khí Metan: Một số nhà nhoa học khác lại giải thích, ngọn lửa bốc lên khi khí metan (sản sinh trong quá trình phân hủy các chất hữu cơ) sinh ra trong đường ruột tương tác với một số enzim – chất xúc tác giúp thúc đẩy các phản ứng hóa học trong cơ thể. Thêm vào đó còn có các chất liệu có năng lượng cao trong bắp thịt, còn được gọi là Phosphagens, có tiềm năng tự bốc cháy. Trong ba giả thuyết được đưa ra, giả thuyết „hiệu ứng tim đèn sáp“ được đánh giá đáng tin cậy nhất tuy nhiên vẫn chưa giải thích được lý do mỡ trong thân thể đóng vai trò chất cháy lại có thể tạo nên nhiệt độ trên 1000°C và chỉ trong một thời gian ngắn để có thể đốt thiêu hầu như toàn bộ xương người? Các giả thuyết vẫn không chứng minh thuyết phục được lý do vì sao, như các nhân chứng xác nhận, có ngọn lửa bốc cao (trong một vài trường hợp có dấu vết cháy đến trần nhà) mà những vật dụng chung quanh nạn nhân lại không bốc cháy? Ngày nay một số nhà khoa học quy kết cho rằng, việc thân thể tự bốc cháy chỉ là huyễn hoặc, được tô son điểm phấn nuôi dưỡng từ trào lưu văn học kinh dị thời thế kỷ thứ 19 tuy nhiên một khi khoa học vẫn chưa được ra được một lời giải thích thỏa đáng người ta vẫn có quyền hoài nghi và xem là chuyện huyền bí.
|