Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng trực tiếp cảnh tên lửa Trường Chinh đẩy module Thiên Cung-1 lên vũ trụ trên nền một bài hát ái quốc của Mỹ.
Tên lửa Trung Quốc bay trên nền nhạc Mỹ
Tên lửa đẩy chương trình đưa module Thiên Cung-1 lên vũ trụ từ sa mạc Gobi vào tối 29/9. (Ảnh: AP)
AP đưa tin giai điệu của bài hát "America the Beautiful" (tạm dịch là “Nước Mỹ tươi đẹp”) vang lên trong chương trình truyền hình trực tiếp cảnh phóng module Thiên Cung vào tối 29/9. Không ai hiểu tại sao CCTV chọn bài hát "America the Beautiful" làm nhạc nền của chương trình. Một số người cho rằng có lẽ các nhà sản xuất chương trình của kênh truyền hình Trung Quốc không nghĩ tới nguồn gốc của bài hát. CCTV chưa bình luận gì về thông tin này. Được công bố lần đầu vào năm 1910, "America the Beautiful" là bài hát ái quốc rất được ưa chuộng tại Mỹ. Sự nổi tiếng của bài hát tăng lên mạnh mẽ sau những vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Trong nhiều sự kiện thể thao, người ta hát "America the Beautiful" sau bài quốc ca. Module Thiên Cung-1 được phóng từ sa mạc Gobi của Trung Quốc vào tối 29/9. Vụ phóng là cột mốc đầu tiên của nước này trong tham vọng xây dựng trạm không gian riêng vào năm 2020. Bắc Kinh coi trạm không gian là biểu tượng cho tầm vóc toàn cầu của Trung Quốc.
Trái Đất sẽ không bị đe dọa những thập kỷ tới?
Cơ quan hàng không vụ trũ Mỹ (NASA) ngày 29/9 cho biết số lượng tiểu hành tinh lớn đi qua gần Trái Đất, đặc biệt là những tiểu hành tinh có kích cỡ trung bình có khả năng hủy diệt cả một cụm dân cư lớn, đã giảm đi và khả năng xảy ra va chạm lớn giữa những tiểu hành tinh này với Trái Đất là rất ít.
Những đánh giá này là kết quả của việc thống kê một cách chính xác nhất các vật thể quay xung quanh Mặt Trời, cách hành tinh này chưa đến 195 triệu km và ở tương đối gần quỹ đạo Trái Đất. Theo ông Tim Spahr, giám đốc "Trung tâm tiểu hành tinh" thuộc Trung tâm vật lý thiên văn của Trường đại học Harvard (Mỹ), "nguy cơ một tiểu hành tinh rất lớn va chạm Trái Đất trước khi chúng ta phát hiện và báo động về vụ va chạm này, đã giảm một cách đáng kể." Hiện, NASA đã phát hiện 93% trong tổng số 3.300 tiểu hành tinh lớn nhất (có đường kính ít nhất 1km) ở gần Trái Đất và số lượng tiểu hành tinh có kích cỡ lớn tương đương một ngọn núi nhỏ đã giảm từ 1.000 xuống còn 981 tiểu hành tinh, trong đó 911 tiểu hành tinh đã được phát hiện. Trong khi đó, số lượng tiểu hành tinh có kích cỡ trung bình cũng giảm mạnh từ 35.000 xuống còn 19.500. Cũng theo NASA, những quan sát mới của kính thiên văn WISE đã cho thấy sẽ không có vật thể nào đe dọa Trái Đất trong những thập kỷ tới.
Điệp viên giấu thông điệp trong vi khuẩn
Thay vì dùng nước chanh, trong tương lai các nhân viên tình báo có thể mã hóa những thông điệp bí mật bằng vi khuẩn để gửi tới đồng đội hoặc cấp trên. Mực không màu, nước chanh là những loại dung dịch mà giới điệp viên sử dụng để ghi thông điệp trong suốt vài thập kỷ qua. Đương nhiên, giới tình báo cũng nghĩ ra hàng loạt cách để giải mã những thông điệp được viết bằng các loại "mực" đặc biệt ấy. Tìm ra cách mới để giấu thông điệp là nhu cầu thường xuyên trong thế giới tình báo.
Một thông điệp được mã hóa bằng màu sắc ánh sáng từ vi khuẩn. (Ảnh: Newscientist)
David Walt, một nhà hóa học của Đại học Tuft tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp nghĩ tới việc dùng vi khuẩn để cất giấu thông tin mật. Các nhà khoa học gây biến đổi gene đối với vi khuẩn Escherichia coli để chúng sản sinh các protein có khả năng phát sáng huỳnh quang. Nhờ các protein này mà vi khuẩn phát ra ánh sáng có 7 màu, Newscientist cho biết. Mỗi ký tự của thông điệp được mã hóa bằng hai màu. Do vi khuẩn phát ra ánh sáng có 7 màu nên tổng số ký tự có thể mã hóa là 49 – đủ dùng cho bản chữ cái, các số tự nhiên từ 0 tới 9 và vài biểu tượng khác. “Bạn có thể mã hóa mọi ứng dụng tình báo bí mật với 7 màu của vi khuẩn”, Walt tuyên bố. Vi khuẩn được nuôi trên một đĩa thạch trắng trước khi người ta chuyển chúng sang một tấm phim mỏng. Tấm phim mỏng có thể được gửi cho người nhận qua bưu điện. Trong mọi điều kiện ánh sáng người ta không thấy gì trên tấm phim. Song thông điệp sẽ hiện ra khi người nhận đưa phim vào môi trường phù hợp để vi khuẩn trên phim phát sáng. Ngoài việc làm cho vi khuẩn phát sáng, kỹ thuật biến đổi gene của Walt còn khiến vi khuẩn chỉ có thể phát sáng trong một số môi trường nhất định. Chẳng hạn, nếu một chủng vi khuẩn được biến đổi gene để chống lại một loại thuốc kháng sinh nào đó, chúng sẽ chỉ phát sáng khi phơi nhiễm kháng sinh ấy. Khi đó thuốc kháng sinh được coi là chìa khóa để giải mã thông điệp, Walt nói rằng ông có thể tạo ra hàng nghìn chìa khóa như vậy bằng cách kết hợp một số đặc tính di truyền của vi khuẩn. Các nhà khoa học cũng có thể làm mất khả năng phát sáng của vi khuẩn sau một khoảng thời gian nhất định, nhờ đó họ sẽ tạo ra những thông điệp có khả năng tự hủy.
Xe hơi đọc được suy nghĩ của tài xế
Trong tương lai, suy nghĩ rẽ trái của lái xe không chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà sẽ thành hiện thực khi mới đây hãng xe hơi khổng lồ Nissan đang hợp tác với trường ĐH EPFL của Thụy Sỹ để phát triển phần mềm đọc ý nghĩ của người điều khiển, tích hợp trên thế hệ xe hơi tiếp theo của công ty.
Sau 4 năm nữa, Nissan có thể sản xuất những chiếc xe hơi đọc được suy nghĩ của người lái (Ảnh: Channelnewsasia)
"Ý tưởng của thiết kế là dung hòa ý nghĩ của người lái và phương tiện để đảm bảo an toàn tính mạng cho người điều khiển", Jose del R. Millan, GS tại trường ĐH Công nghệ Thụy Sĩ EPFL đồng thời là người dẫn đầu dự án nghiên cứu cho biết.
"Phần mềm sử dụng "Kỹ thuật đo lường các hoạt động của não kết hợp với một bộ cảm biến và mô hình chuyển động của mắt để "quét" môi trường xung quanh chiếc xe và dự đoán động thái tiếp theo của lái xe. Chiếc xe sau đó sẽ giảm tốc độ nếu thấy cần thiết hoặc điều chỉnh sang phải, trái cho phù hợp". Công trình nghiên cứu dự tính sẽ kéo dài trong 4 năm.
Xem phim 3D… không cần kính
Cải tiến này dựa trên khả năng chụp ảnh 3D bằng một máy quay phim lập thể duy nhất. Đối với các chủ sở hữu TV 3D, nội dung là một điểm hạn chế. Ở châu Âu, TV 3D đang rất được ưa chuộng, được nhiều người quan tâm nhưng công việc hậu sản xuất, phát sóng trực tiếp chương trình 3D là cực kỳ hiếm và người xem vẫn cần phải đeo cặp kính thô kệch để xem phim. Nhưng điều đó có thể sớm thay đổi. Sản xuất trực tiếp truyền hình 3D không cần kính không chỉ có thể trở thành hiện thực mà giá cả cũng phải chăng nếu như các nhà nghiên cứu Đức đi đúng hướng. Công nghệ truyền hình 3D không kính, được gọi là autostereoscopy, đã xuất hiện và tồn tại mặc dù vẫn còn trong giai đoạn phát triển. Màn hình hoạt động bằng cách sử dụng lớp nền quang học đặc biệt hiển thị hình ảnh khác nhau cho mỗi mắt, đánh lừa bộ não của người xem rằng hình ảnh nổi ra là những hình ảnh thật. Để tạo ra hiệu ứng chất lượng cao, cần thiết phải có nhiều góc máy quay trong mỗi lần chụp, do đó, quá trình sản xuất này cực kỳ khó khăn. Số lượng của hình ảnh màu xám càng nhiều thì chất lượng 3D càng cao. "Lắp 8, 9 hay 20 máy ảnh vào một bộ hệ thống là điều không thực tế lắm", Frederik Zilly, quản lý dự án phân tích 3D của Viện Fraunhofer Heinrich Hertz ở Berlin cho biết. Chi phí, trọng lượng, điện năng tiêu thụ và các yêu cầu băng thông cho video 3D không kính là điều tuyệt vời, khó tin. "Đó là lúc mà chúng tôi nghĩ, OK, chúng ta cần phải tạo ra một cái gì đó", ông cho biết thêm
Công nghệ 3D hiện nay vẫn phải sử dụng những chiếc kính gây phiền phức cho người dùng. (Nguồn: discovery.com)
Nhóm nghiên cứu của Zilly đã phát triển một chiếc máy phân tích lập thể, được đặt tên là STAN có khả năng chỉnh sửa các hình ảnh 3D chuẩn trong thời gian thực để tạo ra chương trình phát sóng trực tiếp. Hệ thống mới là một phần mở rộng của STAN mà có thể tạo ra lên đến 25 hình của một cảnh từ nhiều góc nhìn khác nhau, điều này là rất cần thiết cho công nghệ 3D không kính. Cách dựng hình ảo này khá nhanh trong phòng thí nghiệm nhưng chưa đáp ứng ở tốc độ cần thiết để phát sóng trực tiếp, Zilly cho biết. Nhóm nghiên cứu dự án Fraunhofer gần đây đã trình bày công nghệ autostereoscopic tại hội nghị phát thanh truyền hình quốc tế ở Amsterdam. Phiên bản hiện tại của họ hoạt động offline nhưng Zilly hy vọng sẽ giới thiệu một phiên bản thời gian thực của công nghệ phát sóng tại hội nghị vào năm tới. Markus Aha là một nhà sản xuất TV 3D, cũng là người sáng lập và là Giám đốc điều hành của hãng truyền thông quốc tế Aha tại Berlin. Ông biết rất rõ về Zilly và công trình của Fraunhofer, một phần vì cả hai đều thuộc nhóm hợp tác đổi mới 3D mới ở Berlin. "Việc sản xuất 3D không cần kính phát triển càng nhanh thì thị trường càng sớm mở ra cho nội dung 3D", ông nói. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các công ty điện tử tiêu dùng vẫn còn đang phát triển màn hình autostereoscopic. Toshiba đã trình bày một nguyên mẫu màn hình LCD độ nét cao theo công nghệ này hồi đầu năm nay nhưng vẫn chưa xuất hiện trên thị trường. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi vẫn đang theo dõi 2 năm phát triển trước khi thế hệ của màn hình này được tung ra trên thị trường", ông nói. Trong khi người tiêu dùng đang chờ đợi cho màn hình TV tốt hơn thì Aha đã chứng kiến màn hình 3D không kính được sử dụng cho quảng cáo kỹ thuật số ở châu Âu. Aha cũng đã thấy một thử nghiệm ở Anh, nơi các trận đấu bóng bầu dục bằng 3D stereo được chuyển đổi cho màn hình autostereoscopic trong các quán bar thể thao. Trong khi nhu cầu tại gia đình không cần chất lượng cao thì các sự kiện thể thao được coi là một trong các ứng viên tốt nhất cho nhu cầu truyền nội dung 3D. Các sự kiện văn hóa và các buổi hòa nhạc trực tiếp cũng nằm trong danh sách này. Thị trường toàn cầu cho TV 3D là khá nhỏ và hiện tượng này đã được chế nhạo như là mốt nhất thời. Người tiêu dùng cũng bày tỏ mối lo ngại về sự mỏi mắt và buồn nôn khi liên tục xem các chương trình theo cách này. Mặc dù còn nhiều rào cản nhưng các nhà nghiên cứu, đặc biệt là ở châu Âu, tiếp tục nỗ lực để cải thiện trải nghiệm xem truyền hình 3D. Zilly nghĩ rằng khi người xem có được một màn hình TV 3D mang lại cảm xác thoải mái khi xem, họ sẽ muốn nhiều hơn nữa. "Đó là lúc xem xét bổ sung thêm màu cho hình ảnh chỉ có màu đen và trắng trước đó. Tôi nghĩ rằng 3D mà không cần kính sẽ là tương lai của truyền hình", ông khẳng định.
|