Home Giải Trí Thi Ca Má tôi, người đi tìm tự do

Má tôi, người đi tìm tự do PDF Print E-mail
Thi Ca
Tác Giả: Trúc Xanh   
Chúa Nhật, 13 Tháng 5 Năm 2012 06:34

Có nhiều điểm má tôi không giống với những người phụ nữ cùng thế hệ. Đầu tiên và rõ nhất là cái tiếng “má”. Ba má tôi đều là người miền Bắc...

  

Có nhiều điểm má tôi không giống với những người phụ nữ cùng thế hệ. Đầu tiên và rõ nhất là cái tiếng “má”. Ba má tôi đều là người miền Bắc, lớp người bỏ quê vào Nam di-cư-đi-tìm-tự-do. Gia đình tôi vẫn nói bằng giọng Bắc đặc sệt, rõ ràng từng chữ một. Nhưng tôi chỉ ý thức được điều đó năm học lớp Tư, khi lên đọc bài cửu chương. Nghe tôi đọc “chín lần một là chín” đám bạn ngồi dưới cứ khúc khích cười hoài. Hồi sau hỏi ra mới biết tại số 9 của tôi nghe không giống số 9 của tụi nó; số 9 của mấy đứa Nam Kỳ có thêm chữ “h” đàng đuôi. Ấy vậy mà anh chị em chúng tôi vẫn gọi cha mẹ là “ba má” thay vì “bố mẹ” hay “cậu mợ” theo lối thông thường của người miền Bắc. Khi tôi hỏi thì má bảo “Tại chữ ‘ba má’ nghe dễ chịu hơn”. Tôi không biết tại sao dễ chịu hơn nhưng không hỏi tiếp nữa vì cũng thích hai chữ “ba má” hơn, nhất là khi tôi dài giọng “má ơi má, con muốn...” Thì chữ má hình như hợp với cái miệng nhõng nhẽo của tôi hơn.

Má rất cưng tôi, có lẽ vì tôi là con gái út. Mà không cưng sao được vì tôi trông mũm mĩm trắng trẻo với cái mặt tròn quay, nhưng cũng còn vì tôi ngoan, nghe lời, chăm học, biết làm việc nhà. Nhà đông con, nhưng không hiểu từ lúc nào sự phân công trong nhà cho mấy đứa con đã trở thành cái lệ. Tôi tuy không phải ẵm em đến trẹo hông (như chị Hai tôi thường than thở) nhưng vẫn phải làm mấy thứ lặt vặt như phơi quần áo, rửa chén buổi trưa, và ủi đồ. Mãi sau này, khi nói chuyện với thằng bạn cũng là con út, mới hiểu người miền Bắc vốn có tính chuyên cần, thường dạy con cái chăm làm việc ngay từ lúc nhỏ. Ngày nhỏ tôi ham chơi lắm, nhìn chồng tô chén lủ khủ trong lòng thiệt ngán thấy mồ, chỉ mong sao mấy chị dễ thương “ra tay tế độ dùm em” nhưng rồi vẫn phải phụng phịu đứng rửa cho hết chồng chén dĩa.

Nhưng những công việc đó không đáng gọi là “công dung ngôn hạnh”. Công dung ngôn hạnh hiểu theo nghĩa con gái phải biết nữ công gia chánh, biết làm bánh làm trái, biết may quần may áo, lại còn biết đi đứng sao cho uyển chuyển, ăn nói sao cho dịu dàng. Nói chung, những thứ các bà mẹ thường chuẩn bị kỹ lưỡng cho con gái trước khi về nhà chồng. Má tôi chẳng bao giờ nói với tôi 3 chữ “về nhà chồng” hay 4 chữ “mai mốt lấy chồng”. Ngược lại, má phán một câu xanh rờn: “Học giỏi, làm ra tiền là xong hết!”

Vào những năm 70, lúc quần áo vẫn còn ra tiệm may hay may lấy ở nhà, ít ai ra chợ mua đồ may sẵn thì câu nói của má tôi đáng là một lời tiên tri vĩ đại, bởi bây giờ dù làm ra tiền tôi cũng vẫn không đủ tiền để vào tiệm may hay không đủ thì giờ để tự may lấy quần áo. Ra tiệm mua đồ là rẻ nhứt. Chắc chắn má tôi không có quả cầu thủy tinh, cũng chẳng phải là chiêm tinh gia Huỳnh Liên để thấy tương lai, má chỉ có ý muốn nói: “Ráng học cho giỏi để có tương lai.” Đời má đã không được học. Dù sinh ra trong một gia đình khá giàu có, ông bà ngoại tôi vẫn cho các con gái lấy chồng sớm thay vì học nhiều. Thương chồng con, má tôi tự học may quần áo, học nấu các món ăn ngon, học buôn bán, nhưng má vẫn không cho đó là những phẩm chất cao quý mà người phụ nữ phải có. Bỗng dưng, tôi là đứa được hưởng lợi nhứt nhờ vào cái “trào lưu tư tưởng” của má.

Rồi tới Tháng Tư năm 75, như bao gia đình khác gia đình tôi mất rất nhiều thứ của những ngày trước. Tôi phải làm việc nhà nhiều hơn. Rồi cũng phải tập nấu ăn, phải tập may quần áo. Chẻ củi, xách nước, chuyện nhỏ! Tôi còn vác cái thang sắt dài ngoằng đi quét mạng nhện khắp nhà thay các anh đã đi xa. Rồi tới ngày gia đình tôi qua Mỹ. Tôi không “học cho giỏi” nữa mà phải lo “làm cho giỏi”, nói theo kiểu người Việt mình là “cày 2, 3 dóp”.

Còn má tôi thì ngày kia được giấy báo được căn phòng chung cư trong một “nhà già”. Má mừng, khăn gói tức tốc lên đường “di cư” lần nữa. Lần này má hoàn toàn “tự do độc lập”. Hết còn nhức đầu vì nghĩ tới món ăn nào cho ngày mai, hết còn lo lắng đứa con nào đi sớm về trễ. Từ nay, má tôi có thể đường hoàng nói rằng mình đã hoàn thành được một nửa câu tục ngữ nước Nam: “Sống mỗi người mỗi nhà”. Sự tự do được má diễn tả thiệt thoải mái, “Tha hồ vào buồng tắm, muốn ngồi bao lâu cũng được, chả phiền ai”. Nghe dễ sợ, nhưng mà đúng!

Tới lúc này tôi mới hiểu, má tôi không hẳn cho rằng hai chữ “ba má” nghe dễ thương hơn “bố mẹ” hay “cậu mợ”, nhưng một cách gián tiếp, má tôi dùng 2 chữ “ba má” như một hành động đoạn tuyệt với cái quá khứ, cái quá khứ của một miền Bắc êm đềm nhưng cũ kỹ, đầy thành kiến, trong đó có một cô bé thông minh nhưng không được gia đình xã hội tạo cho điều kiện mở mặt với đời. Và rồi bây giờ, hành động dứt khoát “ra riêng” của má lại là cách đoạn tuyệt với cái quá khứ của một miền Nam sung túc nhưng lộn xộn, đầy thương đau. Bây giờ má tôi bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời như một bà Mỹ già, tách biệt với con cái, cô độc nhưng tự do.

 

 
Má và tôi

 Từ đó má thành một “đại sứ lưu động”, một tàu con thoi đi đi lại lại giữa nhà mấy đứa con. Má đáp xe bus đi chợ, đi nhà thờ, đi Hội Người Già rất nghề. Nếu như có ai hỏi đi xe bus vậy có phiền không, má đáp, tỉnh rụi: “Phiền gì mà phiền, xe đưa rước có tài xế Mỹ, còn muốn gì nữa”. Và như những người bà, người mẹ Việt Nam trên đất Mỹ, có lúc má cười khoe rằng “Mình bây giờ giỏi hẳn ra!” vì những món bánh trái khó làm như bánh khúc, bánh dày, những món nem chua, giò chả, ngày xưa ở Sài Gòn má vẫn phải ra chợ mua nay ở nhà tự tay làm lấy mà ăn vẫn thấy ngon ra phết.

Má làm thức ăn rồi tiếp tế cho các con. Chẳng phải để giữ con giữ cháu mà vì đó là cách vận động tay chân. Còn con cái đứa nào muốn đến chơi thì đến, không ai đến thì má đọc báo, coi ti vi. Má thường đến nhà tôi, ở chơi cuối tuần. Một tối điện thoại reng, thì ra bà chị dâu. Má nói chuyện với chị, câu chuyện về đứa con trai lớn của anh chị tôi, từ nhỏ không học tiếng Việt, nhưng bây giờ đi làm, ở Cali, thằng nhỏ bỗng dưng muốn học tiếng Việt. Má tôi lên tiếng “cảnh báo”, giọng sôi nổi hẳn: “Coi chừng đó con ơi, bây giờ nhiều tiếng của Việt Cộng lắm, học lầm thì nguy lắm. Như là cái chữ “bức xúc” đó. Bức xúc là cái gì? Tại sao không nói là “khó chịu lắm” hoặc “rất bực mình”. Rồi còn cái gì mà “nợ trần”? Tại sao không nói là “giới hạn mức nợ lên”? Rõ là vô duyên”.

Tôi nằm buồng bên, hình hịch cười. Nhớ lời của một người bạn làm báo, anh ta bảo nếu có lấy bài viết từ các báo trong nước đều phải đọc và sửa cẩn thận, đừng tưởng bạn đọc không để ý mà lầm to, có nhiều người đọc không chịu được mấy chữ mới của việt cộng thì sẽ không thèm mua báo luôn. Đó, “bạn đọc khó tánh” đó đang ở ngay trong nhà tôi đây nè. Nhưng nói cho ngay, chính tôi cũng rất “bức xúc” vì cái chữ “bức xúc”, nghe kỳ kỳ thế nào, nó làm tôi nghĩ tới một cảnh quái quái, cứ như là vì trong người khó chịu bực tức quá mà phải bứt cả nút, xút cả áo ra. Tôi dù khó chịu bực mình cách mấy cũng nhất định không “bức xúc”.

Rồi tôi nghe má nói tới chuyện mê-đi-keo. À ra cái vụ đám lừa đảo ở Cali bị túm. Má đọc báo hàng tuần nên theo sát tin tức thời sự lắm. Má kể cho chị dâu nghe, giọng hào hứng thấy rõ:

“Trời ơi, cái tụi đó làm trắng trợn lắm. Như năm ngoái năm kia kìa, có mấy tay tự xưng là nhóm y tế này nọ, đến hội người già của má. Họ bảo sẽ xin cho, người thì cái thắt lưng, người thì đôi giày, người thì cái gậy,… Sau đó gởi biu tính tiền Medicare. Mà đâu có ít, tính gì mà ra tới cả ngàn bạc. Vậy mà chả thấy cái giầy, cái dép nào hết. Thế là má bảo con Trúc gọi phone cho văn phòng Medicare báo cho họ biết. Con còn nhớ ông Th. không? Ông đó cũng gọi cho Medicare nữa. Mấy cái tụi lừa đảo đó cứ tưởng bở, ai ngờ đụng phải mấy ông bà khó nhai rồi … hì hì”

Hèn chi có câu “kẻ cắp gặp bà già”, đụng tới má tôi là xong game! Gần một tiếng đồng hồ, má tôi khi im lặng nghe, khi đáp trả lời, khi kể lể, có khi còn cười to “há há há”. Dù đã hơn 80, giọng nói má vẫn không suy giảm “cường lực”, vẫn sang sảng như tự thuở nào. Tôi bỗng giựt mình nhận ra hình như tôi được thừa hưởng cái cười của má. Không những vậy, còn phát triển nó thêm lên mấy bực, nên khi nào tôi khoái chí cười ha hả mấy đứa bạn thường trợn mắt, cười gì mà cứ như xé quần xé áo người ta.

Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ thừa hưởng được tài nấu bếp hay tài may quần áo của má như các chị tôi. Nhưng các chị cũng vì thích nấu ăn, may đồ nên mới học mấy thứ nữ công gia chánh đó chứ họ vẫn được học chụp hình, học vẽ, học thể dục thẩm mỹ cơ mà. Những đứa con gái của má được học những thứ mà nó thích chứ không phải những thứ để làm vừa lòng người khác. Nhìn ở góc độ nào đó, các chị và tôi đã được má cho nếm mùi vị của Tự Do ngay trong lòng một xã hội còn rất nhiều gò bó.

Ở góc độ nào đó, má tôi, cũng giống như người mẹ da đen trong bài thơ “The Negro Mother” của Langston Hughes, hy vọng những đứa con rồi sẽ vươn lên từ kinh nghiệm đau thương của cha mẹ.

 


Remember my sweat, my pain, my despair.
Remember my years, heavy with sorrow,
And make of those years a torch for tomorrow.
Make of my past a road to the light,
Out of the darkness, the ignorance, the night.

 

 


Dịch nghĩa đoạn trích trong bài thơ “The Negro Mother” (Người Mẹ Da Đen) - Các con hãy nhớ những giọt mồ hôi, niềm đau đớn, nỗi tuyệt vọng của mẹ. Hãy nhớ những năm tháng nặng trĩu khổ đau của mẹ. Và các con hãy biến những điều ấy thành ngọn đuốc cho ngày mai. Hãy biến quá khứ của mẹ thành con đường đi tới vùng ánh sáng, thoát ra khỏi bóng tối, thoát ra khỏi sự ngu dốt, thoát ra khỏi đêm đen.

 

Và câu nói “Học giỏi – Kiếm nhiều tiền” của má tôi nên được hiểu là “Nhỏ lo học, lớn lo làm, tự mình làm chủ đời mình”.Đó là quan niệm về tự do - giản dị, thực tiễn như chính cuộc đời của má tôi.