Home Giải Trí Thắng Cảnh Thế Giới Du lịch Las Vegas: Phố Tàu và người Việt ở Las Vegas

Du lịch Las Vegas: Phố Tàu và người Việt ở Las Vegas PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài và Ảnh: Trịnh Hảo Tâm   
Thứ Ba, 18 Tháng 1 Năm 2011 19:32

Nhận xét đầu tiên là ở đây lạm phát... tiệm phở

 

 

Phố Á Châu tiên khởi ở Las Vegas nơi có Phở Kim Long.
 
Dân ta đến chơi Las Vegas vài ngày là bắt đầu ngán thức ăn trong các khách sạn và tìm đến các nhà hàng Việt Nam để ăn cơm trắng với canh chua, cá kho tộ hay đơn giản hơn là một tô phở thơm mùi bò nghi ngút khói hoặc một tô bún bò Huế, bún vịt sáo măng, bún chả Hà Nội v.v...

Riêng tôi mới đến Las Vegas vào buổi sáng, buổi chiều sau khi lấy phòng khách sạn Circus Circus xong, nghỉ ngơi chút đỉnh rồi rủ vợ tôi vào khu phố Việt Tàu xem dân cho biết sự tình. Ðối với người Mỹ, Việt hay Tàu họ không phân biệt được nên gọi chung là Phố Tàu.

 Vào Phố Tàu không phải để ăn mì hoặc quan sát các chú Ba “puôn pán” làm sao mà là để xem khu thương mại người Việt phát triển thế nào?

Phố Tàu Las Vegas ở về phía Tây của khu trung tâm khách sạn, xa lộ 15 và nằm trên đường Spring Mountain Road là một đại lộ lớn chạy theo hướng Ðông Tây. Phố Tàu cách đại lộ xương sống Las Vegas Strip 1.4 miles (2.3 km) về hướng Tây.

 Thật ra phải nói khu phố Á Châu mới đúng vì ngoài những nhà hàng Tàu, chợ thực phẩm của người Việt gốc Hoa còn có những nhà hàng Việt, Ðại Hàn và Thái Lan. Người Phi Luật Tân (Filipinos) và người Hạ Uy Di (Hawaiians) sinh sống ở Las Vegas cũng đông nhưng không thấy nhà hàng có lẽ vì món ăn của họ không có sắc thái riêng, đặc biệt hấp dẫn người nước khác.

 
Phố Tàu nơi ngã tư Spring Mountain và Wynn.

 Lịch sử phố Tàu Las Vegas

Vào đầu thập niên 1990 cộng đồng người Hoa gốc Ðài Loan ở Las Vegas không đông lắm, năm 1995 khu thương mại đầu tiên được thành lập là Chinatown Plaza do nhà xây cất người Mỹ gốc Ðài Loan James Chih-Cheng Chen làm chủ.

Khu thương mại này được thống đốc bang Nevada lúc bấy giờ là Kenny Guinn chính thức đặt tên là Chinatown vào tháng 10, 1999. Từ đó dân số người Hoa tăng dần được sự chú ý của tờ nhật báo The Wall Street Journal với một bài viết vào năm 2004.

Trước kia khúc đường Spring Mountain Road phía Tây là một khu phố “đèn đỏ” với những hộp đêm thoát y vũ nhấp nháy đèn màu, những tiệm chiếu phim “người lớn” bỏ bạc cắc vào (25 cents Arcade, loại tiệm này bị đào thải vì Internet lấn áp) và những tiệm Massage dành cho du khách từ khu trung tâm sòng bài sang chơi.

 Ðất hồi đó rất rẻ, từ khi có khu phố Chinatown nằm đối diện, rồi những khu thương mại của những di dân người Á Châu mọc lên gần đó, giá đất tăng lên nhanh cho thấy người Á Châu đi đến đâu là giá bất động sản tăng lên đến đó.

 Ngày trước muốn đi đến chợ Tàu gần nhất để mua sắm thực phẩm Á Châu người Las Vegas phải lái xe về San Gabriel và Monterey Park ngoại ô của Los Angeles cách xa đến hơn 250 miles (400 km) mới có.

Theo thống kê dân số năm 2000 người Mỹ gốc Á Châu ở Las Vegas là 22,879 người chiếm 4.8% dân số Las Vegas trong đó 2,784 người là gốc Ðài Loan.

 Thống kê dân số 2010 chưa công bố nhưng theo đà phát triển của khu phố Tàu cho thấy số người Á Châu hiện đã tăng lên rất nhiều. Hiện nay Las Vegas có một nhật báo chữ Tàu và trong các chợ có những tờ báo Tàu từ vùng Monterey Park được chở đến hàng ngày.

 Khu chợ Thuận Phát cũ.

 Vòng quanh phố Tàu

Từ đại lộ Las Vegas Strip nơi có các khách sạn Palazzo, Wynn, Treasure Island lái xe về hướng Tây trên đường Spring Mountain Road sau khi qua khỏi xa lộ 15 là chúng ta đã thấy các cửa hàng của người Việt Nam như Lee's Sandwich, Phở Kim Long là tiệm phở đầu tiên tại thành phố này.

 Kế đến cũng về phía Nam nơi giữa đường Wynn và Arville có thương xá Chinatown là khu thương mại Á Châu đầu tiên tại Las Vegas với cổng chào theo kiến trúc Trung Hoa. Nơi đây có chợ 99 Ranch Market cũng là chợ Á Châu đầu tiên tại Las Vegas. Rồi từ đó rất nhiều nhà hàng tiệm phở Việt xen lẫn với những hiệu buôn, nhà hàng Tàu, Thái.

Nơi góc Ðông Nam của ngã tư Spring Mountain và Decatur là một khu thương xá lớn với bãi đậu xe rộng rãi trước kia là Spring Oaks Plaza Shopping Center nay toàn là nhà hàng Việt và các sắc dân Á Châu khác với ngôi chợ Thuận Phát mới mở tại đây. Ðây cũng là bến đậu của các xe đò người Việt từ Westminster lên đỗ hành khách nơi đây.

Hiện nay hàng ngày có 2 hãng xe đò sáng đi từ Little Saigon đến Las Vegas và tối trở về lại Little Saigon, giá vé 40$ mỗi chuyến. Trên xe có cung cấp bánh mì, nước uống, báo Người Việt, hơn hẳn các hãng máy bay vì đi máy bay thức ăn phải mua, hành lý gởi phải trả tiền!

 Bãi đậu này có nhà hàng Hamburger Carl's Jr cũng như Phở Số 1, tiện lợi cho hành khách chờ xe món ăn Việt hay Mỹ đều có.

Tiếp tục lái xe về hướng Tây các tiệm Việt, Tàu, Nhật xen lẫn với các cơ sở thương mại người Mỹ, tôi lại thấy một chợ Thuận Phát khác nhỏ hơn, chắc là chợ cũ trước kia nay mở thêm chợ mới lớn hơn. Bắt đầu từ đây các cơ sở thương mại Á Châu rải rác thưa dần nhưng tới góc đường Jones nhộn nhịp trở lại nhưng không ở hướng Nam mà lên khu phố ở hướng Bắc. Cho tới ngã tư Rainbow khu chợ Tàu chấm dứt bằng một khu thương xá của người Ðại Hàn.

 Từ đây trên đường Spring Mountain là những khu gia cư mới xây trong những năm gần đây quy tụ nhiều người Việt Nam sinh sống làm ăn ở Las Vegas mua nhà trong khu mới phía Tây này. Càng đi xa về hướng núi thêm 5 miles nữa nơi có xa lộ vòng đai 215 chạy ngang, nhà cửa càng rộng lớn hơn nhất là trong vùng Summerlin South với hồ nước, cây cối rất đẹp. Ðây là vùng sa mạc việc duy trì, chăm sóc bãi cỏ cây cối rất tốn kém vì phải tưới nhiều.

Ðiểm đặc biệt của phố Tàu Las Vegas

Nhận xét đầu tiên là ở đây lạm phát... tiệm phở, có lẽ khi ngán thức ăn trong các Buffet thì dân ta thèm phở trước nhất.

 Trên đường Spring Mountain thấy có những tiệm phở sau đây: Phở Kim Long, Phở Little Saigon, Phở Thanh Hương, Pho Village, Phở Số 1, Phở Saigon 8, Phở 87, Jenni Pho, Pho Vietnam Restaurant, Pho Hung, Pho Huong Saigon, Phở Như Ý v.v...

 Vì quá nhiều nên phải cạnh tranh, quảng cáo cho du khách từ xa đến hay biết nên nhiều tiệm phở phải thuê những Billboard lớn gắn trên những cột cao hay thuê những xe truck chở hàng đậu trên những bãi đất trống quảng cáo tiệm phở của mình. Chúng tôi có đến ăn một tiệm hương vị cũng đậm đà, tô cũng lớn và giá cả cũng như ở khu phố Bolsa, California nhưng đến Las Vegas là phải cầu may mới thắng bạc mà chưa thấy tiệm phở nào có tên như Pho Lucky, Phở Phát Tài?

Ðiểm thứ nhì là khu Phố Tàu cũng rất nhiều tiệm Foot Massage của người Trung Quốc tập trung ở dãy phố phía Bắc con đường (một điều lạ là các hiệu buôn Tàu Việt đều nằm ở dãy phố phía Nam, cửa tiệm nhìn về hướng Bắc, có lẽ thuật “phong thủy” dính dáng vào đây chăng?).

 Giá cả Foot Massage ở đây cũng không cao hơn Bolsa bao nhiêu: 20$ cho một giờ. Phê bình trên trang mạng nhiều du khách Mỹ ở xa đến rất lấy làm thích thú khi thưởng thức nguyên một giờ đấm bóp thư giãn với giá thật rẻ như vậy. Nhưng có một người Mỹ phàn nàn khi vào tiệm hai ông thợ massage người Trung Quốc đấu khẩu nhau kịch liệt bằng tiếng Quan Thoại mặc cho có khách hàng vào tiệm họ cũng không ngưng lớn tiếng! Một phụ nữ Mỹ than phiền là trong tiệm bay mùi đồ ăn Tàu từ microwave bốc ra!

Ðiểm đặc biệt thứ ba là khu Phố Tàu Las Vegas rất dễ dàng tìm được chỗ đậu xe vì tương đối vắng vẻ trong khi Phố Tàu San Gabriel, Monterey Park của Los Angeles hoặc khu Bolsa Little Saigon luôn đông đảo khách ăn uống mua sắm, tìm được nơi đậu xe rất khó khăn.

Phố Tàu Las Vegas ngày thường cũng như cuối tuần ngày nào cũng vậy, không nhộn nhịp đông đảo hơn trong khi Phố Việt Bolsa cuối tuần hay ngày lễ cuối năm người đông nhộn nhịp khác thường, đậu xe không là chuyện dễ.

Chuyện mấy năm trước từ giữa đường Bolsa thấy trong bãi một chiếc xe de ra, “điền vào chỗ trống cho... hợp nghĩa,” tôi vọt một cái đậu ngay vào. Bỗng có tiếng đàn bà hỏi: “Chú đậu xe dzậy coi được hông?” Hóa ra vì lo nhìn lưu thông ngược chiều trên đường Bolsa, thấy trống là tôi vào bãi đậu, đâu có thấy một bà đang chờ! Bả xổ nho rồi má của bả nấu trong tiệm... cơm chay chạy ra, hai mẹ con họp nhau xổ tiếng Ðức, tiếng Ðan Mạch (ÐM) um sùm! Tôi không biết nói sao, tìm nơi khác thì hết chỗ đậu, tôi bỏ đi sau khi ghi số xe của bả (xe tôi bị gạch bảo hiểm tôi sẽ gọi cho bà). Ðó là những chuyện “thắm thái tình đồng hương” ở xứ Bổn Xà.

 Trung tâm Công Giáo Việt Nam trong khuôn viên nhà thờ La Vang.

  Cộng đồng người Việt ở Las Vegas

Người Việt sinh sống tại Las Vegas theo thống kê dân số Census năm 2000 là 3,493 người, đứng thứ 40 trong các thành phố trên nước Mỹ có đông người Mỹ gốc Việt.

Hiện thống kê 2010 cũng chưa có nên người ta không biết chính xác dân số gốc Việt sinh sống tại Las Vegas là bao nhiêu nhưng ước chừng gấp đôi con số 10 năm trước là khoảng 7, 8 ngàn nhưng cũng có thể lên đến 10,000 người không chừng?

Thập niên qua kinh tế thương mại nhiều biến chuyển, giá nhà đất Orange County và Los Angeles tăng vùn vụt nên một số đông người Việt di chuyển sang Las Vegas, Phoenix sinh sống làm ăn vì nơi đây giá nhà có tăng nhưng vẫn rẻ hơn California nhiều.

Người Việt ở Las Vegas đa số làm nghề móng tay (Nail) và những công việc trong các sòng bài như chia bài (dealer), trong các nhà hàng hoặc trong các khách sạn. Nói chung rất dễ tìm việc làm ở Las Vegas cho dù không có nghề chuyên môn hoặc không cần biết tiếng Anh.

Hầu hết những tiệm Nail ở đây đều do người Việt làm chủ và thợ cũng là người Việt, không phải chỉ ở Las Vegas mà còn các thành phố nhỏ lân cận như Henderson, Boulder City, Lake Mead, v.v... Một số ít người Việt cũng hàng nghề chuyên môn như bác sĩ, nha dược sĩ, y tá, chuyên viên trong bịnh viện, kỹ sư làm trong các hãng kiến trúc hoặc chính quyền.

Về tôn giáo, văn hóa cũng có các chùa, Thánh thất Cao Ðài hàng tuần đều sinh hoạt nhưng không nhất thiết phải diễn ra ngày cuối tuần mà thường là ngày Thứ Tư, cuối tuần đồng hương phải đi làm vì du khách đến Las Vegas đông hơn ngày thường.

 Nhà thờ La Vang Las Vegas.

 Ðền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas

Nhà thờ Công Giáo có Ðền Thánh Mẹ La Vang ở số 4835 S Pearl St. Las Vegas, NV 89121, hàng tuần hiện nay đều có Thánh lễ vào ngày Chủ Nhật lúc 9 giờ 30 sáng và 6 giờ chiều (gọi số 702-821-1459 để biết giờ Thánh lễ).

 Ðền Thánh Ðức Mẹ La Vang cũng thường tổ chức các lễ cổ truyền như Tết Nguyên Ðán, Tết Trung Thu v.v... Vào ngày cuối ở Las Vegas chúng tôi có đến thăm Ðền Thánh Ðức Mẹ La Vang, một nơi nhiều phái đoàn Công Giáo ở Nam Cali thường tổ chức những chuyến hành hương.

Vì không dự định trước nên không có địa chỉ hoặc số điện thoại, tìm kiếm trên Internet lại không có máy Laptop nên không biết làm sao biết địa chỉ.

 May sao trong điện thoại niên giám trong khách sạn lại có liệt kê nhà thờ Việt Nam này để rồi từ đó chúng tôi lái xe tìm đến viếng thăm cho biết.

Nhà thờ tọa lạc tại một vùng dân cư êm đềm về phía Ðông Las Vegas, bằng đường Tropicana đi về hướng Ðông, qua phi trường McCarran khoảng 3 miles là tới.

 Nhà thờ nằm khuất bên trong đường Tropicana lại nóc chuông không cao nên khó thấy. Chúng tôi loanh quanh một lúc mới tìm được nhà thờ ở góc Ðông Bắc của ngã tư Tropicana Ave. và Pecos Rd.

 Khuôn viên nhà thờ khá rộng, phía trước là một khoảng sân lớn có bộ tượng Chúa chịu nạn của Chặng Ðàng Thánh Giá được đem từ Việt Nam sang. Nhà thờ được xây theo kiểu nhà thờ La Vang ở Quảng Trị đổ nát vì chiến tranh không có tháp chuông nhọn bên trên.

Trước nhà thờ là tượng đài Ðức Mẹ La Vang phần bên trên là những cây hình nấm như nhà thờ chính La Vang Quảng Trị. Khi chúng tôi đến viếng là sáng Thứ Hai, vị linh mục quản nhiệm đi đâu đó nên nhà thờ cửa đóng then gài và văn phòng giáo xứ cũng vậy.

 Khung cảnh nhà thờ yên ắng thanh tịnh, cây cối xanh tươi mặc dù đất nơi đây là vùng sa mạc khô cằn. Ðược biết Ðền Thánh Mẹ La Vang thành lập từ năm 2000 và có trang nhà ở địa chỉ www.lavang-lasvegas.com.

 Du khách người Việt theo Công Giáo khi đến nghỉ hè, vui chơi ở Las Vegas có thể xem lễ ngày Chúa Nhật ở đây vừa hiệp thông cầu nguyện vừa gặp gỡ đồng hương người Việt sinh sống ở Las Vegas.

Cùng ngòi bút lãng du Trịnh Hảo Tâm, đã ra 6 quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam,” “Miền Tây Hoa Kỳ,” “Trung Quốc,” “Mùa Thu Ðông Âu,” “Tây Âu Cổ Kính” và “Miền Ðông Nước Mỹ và Canada.” Mới phát hành quyển thứ 7 “Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái” dầy 234 trang nhiều hình ảnh ghi lại trong chuyến thăm Do Thái vào tháng 2, 2010. Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến đi của tác giả trên Người Việt có thể tìm mua tại các nhà sách, đồng giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí):

TRINH HAO TAM
3683 Hawks Drive
Brea CA 92823
Ðiện thoại 714-528-1413
Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it