Home Giải Trí Thắng Cảnh Thế Giới Vegas mùa Thu có gì lạ?

Vegas mùa Thu có gì lạ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài Và Ảnh : Trịnh Hảo Tâm   
Thứ Tư, 03 Tháng 11 Năm 2010 10:17

 Sau những ngày mưa rồi lại gió, thời tiết Nam Cali thay đổi một cách nhẹ nhàng: trời trong xanh, nắng vàng hiu hắt, từng làn gió mơn man trên da thịt, dường như mùa Thu thực sự đã trở về?

Khách sạn Paris Las Vegas về đêm.

 “Bây giờ là Thu rồi đó em
Cây khô nghiêng lặng đứng bên thềm
Gió quen rừng cũ mây về thấp
Sương trắng giăng mù vây kín đêm.
(Nói Với Mùa Thu - Thơ Kim Tuấn, Nhạc Thanh Trang)

Khách sạn Venetian gợi lại thắng cảnh Venice bên Ý.

 Gió quen rừng cũ như cọp nhớ rừng xưa, máu giang hồ vặt nổi dậy, tôi phải đi, nhưng đi xa thời hao địa! Thôi mình đi gần vậy, đến một nơi tuy gần mà lại như là xa cũng có những thắng cảnh Tây Âu như tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn của Paris, Trevi Fountains của Rome, cầu Rialto với những con thuyền Gondola của Venice thơ mộng. Nơi nào tuy gần mà lại có những thắng cảnh xa Pháp, Ý tận trời Âu như vậy? Xin thưa đó là Las Vegas thành phố cờ bạc, ăn chơi, giải trí lớn nhất thế giới, thành phố không bao giờ ngủ, đèn thắp sáng ngày đêm.

Một nơi nhiệt tình ăn chơi, du khách đến chỉ để cờ bạc, ăn uống, xem trình diễn, mua sắm và xài tiền, là thiên đàng của những người ham mê đỏ đen, cờ bạc, cũng là địa ngục của những người cháy túi, là tuần trăng mật của những cặp uyên ương và cũng là khám lớn của những người tự đeo gông vào cổ.

Người ta xưa nay gọi nơi đó là “thành phố tội lỗi” (Sin City) nhưng trái lại Las Vegas có nhiều nhà thờ nhất tính theo đầu người, nhất là những nhà thờ chuyên làm đám cưới mở cửa 24/24. Cô dâu và chú rể chỉ cần ngồi trên xe, lái vào nhà thờ là có mục sư sẵn sàng làm phép cưới cho họ. Ðây là thành phố làm hôn thú nhiều nhất và cũng là nơi người ta ly dị và tự tử nhiều nhất.

Trevi Fountains trước Caesars Palace.
 
Ly dị nhiều là vì tiểu bang Nevada nơi có Las Vegas tọa lạc, thủ tục ly dị dễ dàng hơn các tiểu bang khác, nhiều người sống ở Mỹ đến Las Vegas để ly dị.

Theo nhật báo Las Vegas Sun mở cuộc thăm dò vào năm 2008, Las Vegas là một trong những nơi có số tự tử cao nhất nước Mỹ, nhưng nếu dân Las Vegas rời khỏi đây sinh sống nơi khác thì số tự tử trong nhóm người này sẽ giảm 40%. Trái lại những người từ nơi khác di chuyển về đây sinh sống, số tự tử trong nhóm đó sẽ tăng gấp đôi.

Las Vegas là nơi người ta đến làm hôn thú nhiều nhất vì tiểu bang cấp giấy hôn thú cho cả những người không phải là dân Nevada. Thủ tục hôn thú cũng rất dễ dàng và lệ phí rất rẻ, không cần thử máu và không phải chờ đợi một thời gian. Chỉ cần điền một mẫu đơn ngắn nộp vào phòng hộ tịch kèm theo $60 tiền mặt, trình thẻ căn cước có hình là giấy hôn thú sẽ được cấp trong vòng vài phút. Phòng hộ tịch cấp hôn thú làm việc đến nửa đêm và 7 ngày trong một tuần.

Trong vòng một năm sau khi hôn thú được cấp, đôi tân lang và tân giai nhân phải làm phép cưới theo tôn giáo để hợp thức thủ tục phối ngẫu. Ðể tiện việc họ thường đến nhà thờ bên cạnh để mục sư làm phép cưới luôn. Thường nhà thờ mở cửa sáng đêm và có bán sẵn áo cưới, hoa cưới, nhẫn cưới, bánh cưới và rượu sâm banh. Trong các sòng bài cũng có mục sư sẵn sàng làm hôn lễ và phòng đại yến kết hoa để đón tiếp quan viên hai họ, rất tươm tất đàng hoàng!

Vườn cảnh mùa Thu trong khách sạn Bellagio.
 
Người dân sinh sống ở Nevada lại khỏi phải đóng thuế lợi tức tiểu bang (dĩ nhiên là phải đóng thuế cho liên bang).

 Nevada là một trong 7 tiểu bang miễn thuế lợi tức tiểu bang (state income tax) là các tiểu bang: Alaska, Florida, Nevada, South Dakota, Texas, Washington và Wyoming. Chính sách miễn thuế này nhằm lôi cuốn người từ các nơi khác về đây sinh sống, nhiều người đến tuổi về hưu thích dọn về Las Vegas để bớt được thuế tiểu bang, giá nhà lại rẻ chỉ bằng 1/3 giá nhà tại California. Ăn uống khỏi cần phải nấu nướng chi cho lôi thôi vì nhà hàng Buffet thức ăn ê hề, đầy đủ các món sơn hào hải vị, món ngon vật lạ nước nào cũng có, sòng bài muốn thu hút những con thiêu thân nên giá nhà hàng không cần lời.

 Cuộc sống hàng ngày lại có nhiều môn chơi giải trí ở các sòng bài, với tiền hưu, tiền già mặc tình mà chơi cho hết quãng đời vàng son (golden age) còn lại. Dân Cali, một cổ hai tròng, còn dân Las Vegas còn lại một tròng mà thôi (tức là thuế liên bang của IRS) nhưng thuế thổ trạch (bất động sản, property tax của quận hạt, County) và thuế mua bán, ăn uống (sale tax) của thành phố (khoảng 7.75%) phải chịu.

Las Vegas lôi cuốn hấp dẫn, nhưng tại sao tôi không lên đó sống mà lại “tử thủ” quanh năm ở chốn giang hồ Bolsa gió tanh mưa máu?

Như đã thưa trước Las Vegas là thiên đàng hạ giới nhưng đồng thời cũng là địa ngục trần gian. Nó là con dao hai lưỡi, giúp ta gọt vỏ quả đào tiên, đồng thời cũng làm cho ta đứt tay nhỏ máu. Sống cạnh những sòng bài ánh đèn rực rỡ, âm ba tiền rơi loảng xoảng từ các máy kéo, ai mà cầm lòng cho đậu, ai mà chẳng muốn ngồi xuống đặt tiền.

Vào cuộc chơi có những lúc thắng trận oai hùng, chồng “chip” cao ngất ngưởng nhưng cũng nhiều lúc thua cháy túi, thân xác rã rời. Xác suất chủ sòng đã tính toán rất kỹ, thua thì nhiều nhưng thắng chẳng bao nhiêu.

 Las Vegas cũng như người đẹp, lúc ngây thơ dịu hiền, lúc kiêu sa đài các. Khi mê trận, bước vào tình trường, vui chẳng bao nhiêu mà chỉ chuốc lấy muôn ngàn đau khổ bẽ bàng. Vì vậy dù yêu thích không khí tưng bừng vui chơi của Las Vegas, tôi chẳng bao giờ có ý định muốn sống ở đó vì nơi ấy không là đất lành chim đậu. Lâu lâu lên chơi vài ngày, thắng hay bại cũng phải lui binh, bảo toàn lực lượng. Khi thắng không say men chiến thắng, lúc bại cũng không nóng máu liều mình.

Nói cho vui chứ thực tình tôi không mê bài bạc, đến Las Vegas chỉ là ngắm cảnh xem hoa, xem những kiến trúc của các Casino, Hotel mới, dạo quanh các thương xá lộng lẫy và ăn vài bữa Buffet thịnh soạn cho bù những tháng ngày khổ hạnh chuyên trị rau cháo, mì gói qua ngày!

Những cao ốc đang xây trên đại lộ Las Vegas Strip.

 Las Vegas cách Little Saigon không mấy xa, khoảng 275 miles (440 km) lái xe mất khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ, hàng ngày ở Bolsa đều có xe đò Việt Nam chạy Las Vegas và ngược lại với giá vé hiện nay 30$ mỗi chuyến, trên xe còn được phát bánh mì, nước ngọt, báo Người Việt và xem Thúy Nga chánh gốc (?)đã đời!

 Tôi thử vào Internet xem giá máy bay và khách sạn như thế nào, nếu rẻ thì mình đi máy bay cho khỏe thân già (mà còn ham vui). Trang mạng Expedia kê giá bèo nhất là 184$ mỗi người cho vé máy bay khứ hồi từ LAX (Los Angeles Airport) và 2 đêm ở khách sạn Circus Circus còn các khách sạn sang trọng khác thì giá cao hơn nhiều.

Circus Circus là khách sạn dành cho gia đình có con nít, trên đó có nhiều trò chơi cho trẻ con, hàng ngày cứ mỗi tiếng đồng hồ đều có xiệc nhào lộn trên cao hay ảo thuật gì đó miễn phí xem cũng đỡ buồn. Tôi chọn giờ bay thuận tiện không quá sớm cũng như tránh giờ cao điểm kẹt xe khi từ nhà lái xe ra phi trường rồi đặt vé ngay và trả bằng thẻ VISA. Nếu chần chờ khi trở lại nó sẽ tăng lên $5, $10 mỗi người.

 Expedia “thank you” và cho số xác nhận (confirmation number) của vé máy bay và khách sạn, như vậy là đủ. Tôi tìm mướn xe ở phi trường Las Vegas, Internet cho biết nơi mướn xe không còn ở trong phi trường nữa mà dời vào trung tâm mướn xe tên McCarran Rent-A-Car Center nằm cách 3 miles phía Nam phi trường và cứ 5 phút có một chuyến xe buýt Shuttle đưa khách từ phi trường về trung tâm mướn xe. Tôi mướn xe ở hãng Enterprise loại xe nhỏ giá 15$ một ngày nhưng sau này khi trả xe giá cũng lên tới 25$ một ngày vì nhiều thứ thuế khác nhau.

Sáu giờ 30 sáng Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010 vợ chồng tôi rời nhà ở thành phố nhỏ Brea, lái chiếc Camry cà tàng đời 2000 vào phi trường LAX.

Ra đi khi trời vừa sáng vào ngày cuối tuần thiên hạ còn đang “nướng” trên giường nên xa lộ một mình “đường mây rộng thênh thang cử bộ, nợ tang bồng trắng vỗ tay reo, thảnh thơi thơ túi rượu bầu”!

 Cho xe vào bãi đậu xe dài hạn (Long Term Public Parking Lot C) (lệ phí khoảng 10$ một ngày) ở góc đường Sepulveda và 96 rồi lên xe buýt Shuttle đề chữ “C” vào phi trường. Ði và về không cùng nghĩa như nhau (thi sĩ DTL nói “cùng nghĩa” nhưng nhà văn HP phản đối), chuyến đi là hãng máy bay US Airways cất cánh lúc 9 giờ 30 ở Terminal 1, chuyến Las Vegas về là hãng United bay lúc 6 giờ chiều và đậu ở Terminal 7.

 Chuyến đi US Airways này đưa chiếc máy bay nhỏ là CR9 mỗi hàng chỉ 4 ghế (có tất cả 22 hàng) nhưng bay cũng khá và cho uống cà phê, cam vắt, nước ngọt đàng hoàng. Chỉ non một giờ sau là phi cơ hạ cánh ở Las Vegas.

 Ra khỏi nhà ga là những làn gió nóng hắt lên đầu với nhiệt độ gần 100 độ F! Las Vegas nằm trên sa mạc là phải nóng, không nóng thì không phải là sa mạc, tuy là sa mạc nhưng sa mạc Las Vegas không có lạc đà thay vào đó có “ngựa rừng” trong mấy trại Mustang Ranch, giống thú hiếm quý này cỡi rất nguy hiểm, không chết trên lưng ngựa thì cũng có nguy cơ mang trọng bịnh không thuốc chữa! Ðộc giả thắc mắc về giống thú này xin đừng “nóng” cứ từ từ theo dõi, những bài tới hạ hồi sẽ rõ!

Ra khỏi Terminal 1 nơi vòng quay hành lý số 10, 11 là có một hàng xe buýt Shuttle loại lớn chở đến trung tâm cho mướn xe. Xe thì lớn nhưng chỉ có chừng 16 ghế ngồi, còn lại là khoảng trống giữa xe là kệ chứa hành lý và có nhân viên chất cũng như giao hành lý cho mình.

 Xe chạy về hướng Nam chui xuống đường hầm nằm dưới phi đạo, 5 phút sau là tới trung tâm cho mướn xe. Trung tâm này cơ ngơi hoành tráng, tổ chức rất khoa học, tất cả các hãng cho mướn xe như Alamo, National, Dollar, Thrifty, Enterprise, Payless, Budget, Avis, Hertz... đều có chi nhánh văn phòng ở đây.

 Trung tâm có 2 tầng lầu, to lớn như Parking Building (cao ốc đậu xe) văn phòng phía trước, phía sau là nơi đậu xe. Từ trước tới nay tôi quen mướn của Enterprise thì nay cũng Enterprise, họ giao cho tôi một chiếc mới tinh hiệu KIA, loại SUV nhỏ kiểu Seoul, đồng hồ mới 5 miles, chính vì xe mới này mà chiều nay tôi mới bị cảnh sát chớp đèn, hụ còi chận lại giữa con đường Las Vegas Boulevard mà người ta thường gọi là “Strip”!

Tôi tưởng là đường lạ không quen, bị “ticket” tốn 5, 6 trăm đô lãng nhách rồi! Nhưng không chỉ vì xe tôi... không có bảng số! Còn một chuyện nữa mà tôi nghĩ là phí tiền vô ích, là hãng cho mướn xe giao ước là xăng trong thùng bao nhiêu, khi trả xe mực xăng phải vậy, nếu thiếu họ tính 4.50$/gallon (trong khi hiện nay giá xăng khoảng 3$/gallon). Nếu “trả trước” (Prepay) giá là 2.50$/gallon.

Tôi hỏi “trả trước” là sao? Họ nói xe sẽ được đổ đầy thùng xăng với giá là 37$, khi trả xe cứ xài cạn tàu ráo máng! Tôi chịu vụ này, có nghĩa là mình cứ chạy xả láng khỏi lo tìm trạm đổ xăng lôi thôi vì thật tình tính tôi không thích đi đổ xăng xe tí nào. Tới trạm đổ phải de tới de lui, coi cây xăng nào trống, thuận chiều với nấp thùng xăng của xe mình?

 Một lần tôi đang đứng bơm ở một trạm xăng ở gần Bolsa, có một bà Mỹ độ 50 tóc vàng sợi nhỏ, ngồi trên xe hỏi nấp thùng xăng... của bả nằm bên nào? Thật kỳ cục, xe của bả mà bả lại hỏi tôi! Thoáng qua tôi nghĩ chắc bà này thấy tôi phong độ, “đẹp lão” nên tính làm quen kiếm chuyện gì đây? Miệng cười vô tư và “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay dần đến đâu”?

Bả thấy tôi ngạc nhiên nên giải thích là xe mướn nên không rành! Trở lại xe mướn của tôi, tôi trả tiền nguyên một thùng xăng đầy nhưng thực ra tới ngày trả xe tôi chỉ chạy được 90 miles và kim xăng chỉ xuống 1/4 thùng mà thôi! Thật phí của giời! Hãng cho mướn xe đã tính hết, Las Vegas xem hoành tráng, lộng lẫy nhưng không rộng lớn bao nhiêu, chỉ có con đường “Strip,” đi dăm ba phút cũng về chốn cũ. Vả lại không dám đi rong nhiều, sợ cảnh sát hụ còi chận xe tôi lại nữa!

Giờ “check-in” khách sạn Circus Circus là 3 giờ chiều, mà giờ này mới có 11 giờ 30 trưa nên tôi lái xe vào đại lộ “Strip” dãy xương sống của thành phố tội lỗi Las Vegas để bà xã tôi chiêm ngưỡng mặt tiền các sòng bài, khách sạn Casino hoành tráng, xa hoa.

Thành phố này dư điện nên ban ngày cũng thắp đèn xanh đỏ. Từ phía Nam lên là Mandalay Bay nghe nói của tư bản Singapore nhưng nay cũng bán cho đại công ty MGM, nguy nga đồ sộ nhưng hơi vắng khách, từng tổ chức thi hoa hậu Việt Nam hoàn vũ, dường như năm rồi tới giờ chót hủy bỏ cuộc thi làm các người đẹp khắp các tiểu bang và cả Việt Nam kéo va ly về (có cô còn mướn chuyên gia trang điểm làm tóc đi theo) phải một phen khóc cười!

 Ðến hẹn lại lên, xù hẹn, hủy show “nhưng sao đi mà không bảo gì nhau để... anh gọi tiếng... thở buồn!” Kế đến là Luxor kim tự tháp màu đen, Excalibur lâu đài thời trung cổ, Tropicana vẫn không có gì thay đổi, hai khách sạn sau này đã cũ, giảm giá phòng chờ thời.

 Qua ngã tư Strip và Tropicana thì hai bên đường trở nên đông đảo, bộ hành du khách tấp nập, ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Bên trái là New York, New York với tượng Nữ Thần Tự Do và cây cầu Brooklyn, bên phải là MGM Grand đồ sộ, nặng nề. Bên trái cạnh Monte Carlo là những kiến trúc mới hai năm trước tôi chưa từng thấy là Mandarin Oriental, Aria Resort & Casino, Vdaral Hotel & Spa.

Còn bên phải là Planet Hollywood hai năm trước cũng chưa có bên cạnh Paris với tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn cao vời vợi và Bally's một cao ốc khiêm nhượng.

Ðối diện tay trái là Bellagio kiến trúc Ý Ðại Lợi huy hoàng bề thế soi bóng trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng với những hàng cây xanh bóng ngã bên đường thật thơ mộng trữ tình.

 Qua ngã tư Flamingo Road, tay trái (phía Tây) có Caesars Palace dù đã xưa nhưng không chịu lép vế, xây thêm nhiều kiến trúc theo kiểu La Mã cổ xưa như đấu trường Colosseum, Trevi Fountains và thương xá Forum có mặt tiền nhìn ra Strip thật kiêu sa, lộng lẫy.

Cũng bên trái về hướng Bắc là hai khách sạn cũ một thời huy hoàng vang bóng từng là phát pháo đầu tiên để Las Vegas bỏ chốn downtown Fremont cũ mà Nam tiến về khu đô hội hoa đèn hiện nay. Ðó là The Mirage nổi tiếng với Show cọp trắng với hai anh chàng sanh nghề tử nghiệp người Ðức Siegfried và Roy. Ban đêm trước khách sạn là núi lửa tuôn trào một thời làm du khách dừng chân xem coi thích thú.

Bên cạnh là Treasure Island mỗi đêm với Show Hải tặc Caribbean miễn phí có cà nông bắn ầm ầm và người rơi từ cột buồm cao xuống, nước văng lên tung tóe.

Bên kia đường là 3 khách sạn cũng một thời vàng son, nay kiên nhẫn chờ thời, chờ có người mua để phá sập là Flamingo, Imperial Palace và Harrah's.

Phía Bắc một chút là cơ ngơi của Venetian Resort Hotel Casino là phiên bản thành phố xây trên mặt nước Venice bên Ý, cũng có cầu Rialto, tháp đồng hồ công trường San Marco với những con kênh, các con thuyền Gondola xuôi ngược mái chèo.

Cạnh đó là Palazzo chỉ một cao ốc hình như anh em cùng chủ? Phía Bắc thấy hai khách sạn cũng mới là Wynn và Encore buyn đinh đen cong cong có khu mua sắm toàn hàng hiệu.

Xe chạy đến ngã tư Spring Mountain Road thì khu Strip vàng son hoa lệ mỹ miều xem như chấm dứt. Bà xã than đói bụng, đòi đi ăn buffet, ăn đồ ta, đồ Tàu, đồ Mỹ thì thường quá, tới Las Vegas muốn ăn đồ Tây. Nên tôi tìm cách quay xe lại đến khách sạn Paris có gì lạ không em.

 Lái xe chạy vào dưới Khải Hoàn Môn thì gặp Valet Parking, phải tấp lề phải ra phía sau khách sạn mới có Self Parking, lên những con dốc, hết tầng này sang tầng khác, đôi lúc phải nhấn ga mạnh cho xe vọt lên, sợ ngần ngừ tuột dốc thì chết! Cuối cùng cũng tìm được chỗ đậu nhưng phải nhớ vị trí xe đậu, lầu mấy, hàng xe chữ gì, số mấy? Tìm thang máy đi xuống khách sạn.

Các casino ở đây lạ một điều là nhiều cửa vào, lối nào cũng dẫn vào casino, không muốn đi nó cũng đẩy bằng thang cuốn (escalator) nhưng khi muốn tìm lối ra thì thật khó, cố tình không thèm chỉ dẫn cửa ra.

Vào Casino Paris tìm đến The Village Buffet thấy người ta sắp một hàng dài, có một bảng quảng cáo: “Buffet of Buffets: Ăn 7 Buffets ở 7 Casino, nguyên ngày 24 tiếng đồng hồ chỉ trả 39.99$!” Hỏi cô thu ngân thì thật như vậy: Hiện nay ở Las Vegas các nhà hàng Buffet ở các sòng bài có phong trào chiêu dụ thực khách, trả tiền một lần, ăn bất cứ các khách sạn nào có tham gia chương trình, trong 24 tiếng đồng hồ ăn bao nhiêu lần cũng được. Nghĩa là bao bụng nguyên suốt một ngày đêm với một giá duy nhất. Ðó là chiêu thức câu khách mới mẻ ở Las Vegas trong mùa Thu năm nay:

Chị em nếu muốn giữ eo
Có lên Vegas đừng vào Buffet!

Trịnh Hảo Tâm

Cùng ngòi bút lãng du Trịnh Hảo Tâm, đã có bán 6 quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam”, “Miền Tây Hoa Kỳ”, “Trung Quốc”, “Mùa Thu Ðông Âu”, “Tây Âu Cổ Kính” và “Miền Ðông Nước Mỹ và Canada”. Sắp phát hành quyển thứ 7 “Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái”. Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến đi của tác giả trên Người Việt có thể tìm mua tại các nhà sách, đồng giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí):

Trịnh Hảo Tâm
3683 Hawks Drive
Brea CA 92823
Ðiện thoại 714-528-1413
Email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it