Home Giải Trí Thắng Cảnh Thế Giới Cao nguyên Golan và thành phố Tiberias

Cao nguyên Golan và thành phố Tiberias PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài: Trịnh Hảo Tâm /Ảnh: Phùng Khải Tuấn   
Thứ Sáu, 06 Tháng 8 Năm 2010 04:46

Rời nhà hàng bán cá Thánh Phêrô ở bên bờ Tây hồ Galilee xe chúng tôi sang bờ Ðông để lên cao nguyên Golan.

 Cao nguyên Golan (Golan Heights) là một vùng đất chiến lược nhiều núi cao phần cuối của dãy Anti-Lebanon nằm dắt ngang biên giới Syria và Israel. Trước kia thuộc Syria, hai phần ba lãnh thổ cao nguyên Golan hiện bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến tranh chớp nhoáng 6 ngày vào năm 1967.

 Golan có lịch sử lâu đời từ thời thánh kinh được ghi chép và nổi tiếng với nhiều di tích khảo cổ đồng thời cũng là địa điểm du lịch thu hút khách thăm viếng với nhiều dòng suối, núi non và thác nước tuyệt đẹp.


Thác nước trên cao nguyên Golan.

Tên Golan xuất xứ từ Gaulan hay Jaulan là tên thành phố nói đến trong Thánh kinh, trong thời sơ khai hỗn loạn thành phố Gaulan là một trong những nơi an toàn nằm phía Ðông sông Jordan.

Về địa dư cao nguyên Golan có độ cao thay đổi từ 9,230 ft. (2,814 m) ở ngọn núi Hermon phía Bắc xuống đến độ cao bằng mực nước biển (0 m) ở con sông Yarmuk phía Nam.

Miền Bắc Golan núi non chớn chở nhiều độ dốc trong khi miền Nam núi đồi thoai thoải hiền hòa với nhiều bãi cỏ xanh và những ruộng rau cải.

 Về hành chánh, cao nguyên Golan đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Israel từ 1967 đến 1981. Trong năm này Israel thông qua đạo luật về tình trạng cao nguyên Golan đặt Golan dưới luật dân sự có nền hành chánh và tư pháp dân sự. Ða số dân ở cao nguyên Golan thuộc người sắc tộc Hồi giáo Druze, trong vùng Israel chiếm đóng họ vẫn giữ quốc tịch Syria và độ 10% nhập tịch Israel nếu muốn.

 Người không nhập tịch Israel được Israel cho quy chế thường trú và cấp giấy thông hành để di chuyển. Năm 2009 khu vực Israel chiếm đóng có dân số là 41,400 người trong đó sắc tộc Hồi Druze chiếm 20,500, 17,600 người Do Thái và khoảng 2,200 các sắc dân Hồi khác.

Người Druze sinh sống ở các làng như Ein Qinya, Buq'ata, Majdal Shams và Mas'ada hầu hết đều làm nghề nông. Như hành động nhân đạo từ năm 1988 Israel cho phép người Druze xuất cảng 11,000 tấn trái táo sang Syria mỗi năm trong hiệp ước trao đổi mậu dịch giữa Israel và Syria cũng như cho các giáo sĩ mỗi năm sang Syria hành hương.

Phần đất Golan vẫn do Syria cai trị có dân số đông hơn là 79,000 người mặc dù diện tích chỉ có 600 km2 so với 1,200 km2 do Israel quản lý. So với các lãnh thổ khác Israel chiếm đóng như Dãy Gaza, Bờ Tây (West Bank, phía Ðông Jerusalem) với dân chúng là người Palestine thì cao nguyên Golan với người Druze hiền hòa, hợp tác với Israel nên ít xảy ra nhiều tranh chấp.

Ðộng Thần Pan trên cao nguyên Golan.

Trong quá khứ đã nhiều lần Syria đòi hỏi quân Israel phải rút quân ra khỏi cao nguyên Golan, trả lại đất đai theo đường biên giới trước ngày 4 tháng 6, 1967 trong khi Israel lại muốn dùng biên giới 1923 do quốc tế thành lập.

Dưới thời Thủ Tướng Rabin và Peres, Israel nghe như có vẻ chấp nhận đường biên giới trước 1967 nhưng Israel muốn tiếp tục kiểm soát biển hồ Galilee vì đó là nguồn nước ngọt chính của Israel.

Mới đây vào ngày 4 tháng 2, 2010 ngoại trưởng Israel là Avigdor Lieberman báo động Syria “muốn vẽ lại bản đồ Israel bằng một cuộc chiến tranh mới” và ông ta hăm dọa là “sẽ đánh tan và chính phủ Syria sụp đổ trong cuộc chiến mới này.” Ông ta thêm rằng Syria nên bỏ giấc mộng tái chiếm vùng cao nguyên Golan do Israel đang cai trị.

Nguồn sông Jordan ở Banjas

Vùng cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng nằm sát hồ Galilee bao gồm phía Bắc và Ðông của hồ nước ngọt rộng lớn này.

 Ðất đai ở đây là núi đồi cây cối xanh tươi với nhiều dòng suối từ phía Bắc chảy xuống đổ nước vào hồ Galilee và hồ này sẽ đưa nước vào sông Jordan để tiếp tục chảy xuống hướng Nam và kết thúc ở hồ nước mặn Biển Chết (Dead Sea).

 Xe chúng tôi vào cao nguyên Golan sau khi dừng lại ở trạm biên giới có binh lính Israel canh gác để xem giấy xe. Chúng tôi được bà Malca hướng dẫn viên du lịch người Do Thái nhưng biết tiếng Ðức dẫn đi thăm vùng Banjas nằm cách hồ Galilee lối 25 miles về phía Bắc và dưới chân núi Hermon.

Banjas thời Thánh kinh Tân Ước còn có tên là Caesarea Philippi là nơi có con suối lớn nhất tức nguồn nước phát nguyên của sông Jodan. Mấy hôm nay trời lại mưa là hiện tượng theo bà Malca cho là... mới thấy mưa lớn dai dẳng lần đầu tiên trong đời, nên những thác nước ở đây nước tuôn xuống ầm ầm tạo bọt trắng xóa đẹp mắt.

Ðoàn hành hương trên du thuyền ở biển hồ Galilee.

Vùng Caesarea Philippi dồi dào nguồn nước nên đất đai màu mỡ theo lịch sử thời cổ xưa nơi đây có nhiều đền thờ được xây trong thành phố này dưới thời Hellenistic và thời La Mã.

Trong Thánh kinh Cựu Ước nơi đây được gọi là Panias sau khi thần Hy Lạp có tên là “God Pan” được người ta thờ phượng và tế lễ ở đây. Thần Hy Lạp “God Pan” có đầu và thân là người nhưng hai chân là chân... dê có lông và các móng nhọn. Qua các cuộc đào xới khai quật các di tích cổ người ta mới khám phá được những chi tiết như vừa nói.

Liên quan đến Thiên Chúa Giáo, trong Thánh kinh Tân Ước, Chúa Giêsu không thấy ghi lại là có đặt chân đến thành phố này nhưng hai sự kiện là “xưng tội” và “biến hình” đều xảy ra trong vùng này (Matthew 16:13) và nơi đây Tân Ước viết với địa danh là Caesarea Philippi.

Chúng tôi tới thăm Ðộng “Thần Pan” (Grotto of Pan) dưới chân núi đá màu đỏ, đây là một hang động khá lớn. Trong động có một dòng suối nước trong chảy ra và nơi đây người ta tế lễ giết dê cừu cho Thần Pan vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên.

Thần Pan được xem là thần của những người chăn nuôi, ông ta cũng sinh sống bằng nghề chăn nuôi và thường thổi tiêu sáo (flute) để giải sầu. Từ đó thành phố này được gọi là Panias và tiếng Ả Rập đọc là Banias và tiếng Hebrew gọi là Banjas. Hiện nay “thành phố” không thấy còn một căn nhà nào, chỉ còn lại nhiều tường cột, nền nhà và các khung cửa được đục trong vách núi, có nơi tạc tượng cha của Thần Pan là Hermes. Ðây là chuyện thần thoại phát xuất từ nền văn hóa Hy Lạp có trước văn hóa La Mã và trước Thiên Chúa Giáo, thời kỳ người ta còn thờ nhiều thần thánh và tô vẽ nhiều huyền thoại cho các nhân vật này.

Thành phố Liberias bên bờ hồ Galilee.

Thành phố Tiberias cạnh hồ Galilee

Rời cao nguyên Golan với núi đồi, thác nước trong cơn mưa lâm râm chúng tôi về lại thành phố Tiberias nằm bên bờ Tây của hồ Galilee và đến khách sạn Leonardo Club Hotel ở về phía Nam của trung tâm thành phố.

Chúng tôi lấy phòng và sẽ nghỉ tại đây một đêm. Khách sạn hiện đại xây theo hình chữ L, 10 tầng lầu có đến 398 phòng thuộc công ty khách sạn Leonardo Hotels.

Khách sạn có hồ tắm ngoài trời, khu Spa có phòng xông hơi (saunas) và massage. Ðây là khách sạn sang trọng nhất trong chuyến hành hương Do Thái này, phòng chúng tôi có ban công nhìn ra hồ Galilee.

 Buổi tối nhìn ra hồ thấy những ánh đèn trên các con thuyền đánh cá lung linh trên mặt hồ và phía bờ bên kia là cao nguyên Golan chi chít những ánh đèn của những làng mạc trên vùng núi cao đó.

Sau bữa ăn tối trong khách sạn, chúng tôi lang thang ra phố dạo chơi, thăm dân Do Thái cho biết sự tình. Ðây là thành phố du lịch nổi tiếng từ xưa với nhiều suối nước nóng tin rằng chữa được nhiều chứng bệnh.

Thành phố đông khách du lịch nội địa vào mùa Hè nên ở đây có tất cả khoảng 30 khách sạn hiện đại nằm kế bờ hồ Galilee (tên mới là hồ Kineret). Tiberias tiếng Hebrew là “Tverya” đồng nghĩa với “Vacations” nên ở đây du khách có thể thưởng thức nhiều phương tiện nghỉ ngơi thư giãn của thiên nhiên như trượt nước, câu cá, bơi lội, chèo thuyền và tắm suối nước nóng.

Trở về với lịch sử bằng cách vào thăm phố cổ, viện bảo tàng vì thành phố vào đầu thế kỷ 2 từng là thủ đô văn hóa của người Do Thái sau khi họ bị quân La Mã không cho cư ngụ tại Jerusalem.

Hồ Galilee bên cạnh còn là nơi tín đồ Thiên Chúa Giáo hành hương vì là nơi hoạt động rao giảng của Chúa Giêsu sau khi Người rời khỏi nơi lớn lên ở Nazareth. Chúa Giêsu đã sống với các môn đệ của mình bằng nghề chài lưới trên hồ Galilee và làm nhiều phép lạ được ghi chép trong Tân Ước.

Ra phố thấy thành phố rất nhỏ (dân số 40,000 người), khu phố cổ là trung tâm với nhiều nhà hàng, quán rượu và các biệt thự, các khách sạn nằm cạnh bờ hồ. Dọc bờ hồ là công viên trồng nhiều cây cọ (palm) có lối dạo mát cho người đi bộ và rất nhiều cầu tàu là bến của những chiếc ca nô, du thuyền.

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm khi ánh mặt trời vừa nhô lên khỏi núi đồi Golan ở hướng Ðông. Qua cửa kính, trời hôm nay quang đãng, những áng mây mưa còn sót lại trôi nổi nơi chân trời, nên ánh dương vừa mọc cố xuyên qua tạo nên những tia nắng tím hồng phản chiếu trên mặt hồ có vài con thuyền neo đậu tạo nên một cảnh tượng vừa hoành tráng vừa lung linh nhiều màu sắc. Tôi vội lấy máy ra chụp nhiều tấm rất đẹp, không phải vì tài nghệ chụp ảnh mà vì cảnh đẹp tự nhiên ngay ngoài ban công khách sạn.

Nhà thờ Hóa Nhiều Bánh và Cá

Sau khi tập họp ăn sáng trong khách sạn chúng tôi được đưa đến viếng nhà thờ Hóa Nhiều Bánh và Cá (Church of Multiplication of the Loaves and Fishes).

 Nhà thờ được xây mới trên nền nhà thờ cũ có từ thế kỷ thứ 4 và 5 nhằm vinh danh phép lạ Chúa Giêsu hóa 5 bánh mì và 2 con cá thành nhiều đủ cho 5 ngàn người ăn trong lúc nghe Chúa rao giảng trên bờ hồ Galilee (Mark 6: 40-44). Bên ngoài nhà thờ nhiều cây cọ xanh tươi, có hồ nuôi cá Koi yên tịnh. Bên trong nhà thờ bằng đá trắng đơn sơ với vài hàng ghế gỗ, dưới bàn Thánh còn nền nhà thờ cũ với tranh cẩn đá màu Mosaic hình 2 con cá và một thúng bánh.

Xem chiếc thuyền Chúa Giêsu

Sau đó chúng tôi lên xe di chuyển đến Yigal Allon Center cũng gần đó. Yigal Allon Center là một nhà bảo tàng để tưởng nhớ Yigal Allon (1918-1980) là nhà chính trị Do Thái từng tham gia lập kế hoạch trong cuộc chiến 6 ngày 1967, ông từng giữ chức Thủ Tướng Israel vào năm 1969.

 Nhà bảo tàng Yigal Allon nằm cạnh bờ hồ Galilee bên trong có trưng bày “Chiếc Thuyền Chúa Giêsu.” Nguyên vào ngày 24 tháng 1, 1986 mực nước hồ Galilee cạn nhất, hai anh em ngư phủ Yuval và Moshe Lufan khám phá thấy một xác thuyền cổ nằm gần bờ hồ.

Lúc ấy trên bầu trời Galilee một lúc có hai cầu vòng (rainbow) nằm vắt ngang như là dấu hiệu từ Thiên Chúa. Hai anh em đi báo chính quyền và sau đó một ủy ban được thành lập gồm các nhà khoa học, khảo cổ để trục vớt, bảo tồn và xác định niên đại.

 Bằng phương pháp Carbon-14 các nhà khoa học cho rằng đây là chiếc thuyền gần 2,000 năm cùng thời với Chúa Giêsu đi đánh cá với các môn đệ trên hồ Galilee nên người ta đặt tên chiếc thuyền là “Jesus Boat”. Chúng tôi xem xác chiếc thuyền, chiều dài khoảng 10 mét bằng gỗ có thể chở được 10 người và vận hành bằng chèo và buồm.

 Xác thuyền thời Chúa Giêsu tìm thấy năm 1986.

Ði du thuyền trên biển Galilee

Chúng tôi tới cầu tàu ngay phía trước nhà bảo tàng để xuống chiếc du thuyền đang nổ máy chờ.

Thuyền bằng gỗ có một tài công và một thủy thủ, trên thuyền ngoài những chiếc ghế nhựa, sàn thuyền trống trải để du khách sinh hoạt và phía trên là mái che mưa nắng.

Thuyền chạy lòng vòng trên hồ Galilee để chúng tôi ngắm cảnh, cùng nhau sinh hoạt tâm linh và vui chơi. Lúc đầu linh mục hướng dẫn suy niệm lời Chúa cũng như nhắc lại Thánh kinh, sau đó hát Thánh ca, hết Thánh ca hát nhạc yêu nước các bài “Việt Nam, Việt Nam”, “ Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, hết nhạc yêu nước chuyển qua vũ tập thể. Các cô, các bà sắp hàng, lắc lư múa hát tưng bừng tạo không khí vui tươi trẻ trung trong buổi sáng mùa Xuân nắng ấm chan hòa trên mặt hồ xanh phẳng lặng. Anh chàng thủy thủ trẻ tuổi người Do Thái biểu diễn cho chúng tôi xem một màn quăng lưới trên hồ như ngày xưa Thánh Phêrô từng làm. Hai lần quăng lưới không dính một con cá nào mặc dù nước trong thấy nhiều cá chép to lớn bơi lội nhởn nhơ dưới hồ!

Cùng ngòi bút lãng du Trịnh Hảo Tâm, đã phát hành 6 quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam”, “Miền Tây Hoa Kỳ”, “Trung Quốc”, “Mùa Thu Ðông Âu”, “Tây Âu Cổ Kính” và “Miền Ðông Nước Mỹ và Canada.” Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến đi của tác giả trên Người Việt có thể tìm mua tại các nhà sách, đồng giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí):

Trinh Hao Tam

3683 Hawks Drive

Brea CA 92823

Ðiện thoại 714-528-1413   
Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it