Viếng Vườn Ðạo Bahai ở Haifa |
Tác Giả: Bài: Trịnh Hảo Tâm / Ảnh: Phùng Khải Tuấn | |||
Thứ Hai, 02 Tháng 8 Năm 2010 19:25 | |||
Sau chuyến du ngoạn bằng thuyền trên hồ Galilee chúng tôi rời thành phố Tiberias để đi Haifa bằng xe buýt của công ty du lịch. Haifa là thành phố hải cảng lớn thứ ba của Do Thái nằm bên bờ Ðịa Trung Hải ở miền Bắc Do Thái với dân số hơn 265,000 người (2010) và khoảng 300,000 người khác đa số là người sắc tộc Do Thái sống ở các thành phố kế cận như Krayot, Tirat Carmel và Nesher. Tổng cộng vùng đô thị Haifa có gần 600,000 dân gần 90% người Do Thái và số còn lại là người Ả Rập theo Thiên Chúa Giáo. Khoảng 28% người Do Thái ở Haifa trở về từ Liên Bang Xô Viết cũ sau khi khối này tan rã vào đầu thập niên 1990. Haifa còn là nơi đặt trụ sở của đạo Bahai tên chính thức là Bahái'í World Centre với khu đền thờ được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới, đây là một khu vườn xây dựng trên triền núi phía bắc ngọn Carmel, kiến trúc tuyệt đẹp mà chúng tôi sẽ đến viếng thăm sáng nay. Thành phố Haifa Ðền Giáo Chủ Bab trong Vườn đạo Bahai. Từ Tiberias chúng tôi đi về hướng Tây khoảng 50 miles (80 km) mất khoảng một tiếng rưỡi thì đến Haifa. Haifa được xây dựng dọc theo triền núi Carmel với nhà cửa thoai thoải nhìn xuống biển. Trung tâm thương mại với phố xá nằm cạnh bờ biển và thành phố Haifa giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Israel gồm hải cảng hiện đại, nhiều khu sản xuất điện tử, vũ khí, thuốc men và xưởng lọc dầu. Haifa nằm cách Tel Aviv 56 miles (90 km) về hướng Bắc. Về lịch sử đây là một thành phố lâu đời có từ thời thánh kinh với tên cổ là Tell Abu Hawam, xưa kia là một hải cảng nhỏ được thành lập từ thời đồ đồng khoảng thế kỷ 14 TCN. Thế kỷ 3 SCN Haifa nổi tiếng với nghề nhuộm vải vóc. Qua bao thế kỷ thành phố bị sang tay nhiều chủ quyền, Haifa bị chinh phục và cai trị bởi người Byzantines, Á Rập, Thập Tự Quân, Ottomans, Ai Cập và cuối cùng là người Anh. Từ khi nước Israel được thành lập năm 1948, thành phố Haifa được điều hành bởi Hội Ðồng Thành Phố Haifa. Chúng tôi tới Haifa trời không còn mưa nữa và nắng đã lên trên thành phố toàn là những ngôi nhà lầu tường trắng, trời xanh và ngoài kia biển Ðịa Trung Hải nước cũng xanh biếc. Vài nét về đạo Bahai Hầu hết du khách viếng Haifa đều đến thăm Vườn và Ðền Bahai nằm trên triền núi ở trung tâm thành phố. Ðây là một nơi cảnh trí tuyệt đẹp và là đền thờ linh thiêng thứ nhì của tôn giáo Bahai hoàn thành vào năm 2001 để vinh danh những người sáng lập đạo Bahai. Có thể nói đạo Bahai là một nhánh của Hồi Giáo, hiện tôn giáo này có khoảng từ 5 đến 6 triệu tín đồ trên 200 nước và lãnh thổ trên thế giới. Các tín đồ Bahai hành hương về Haifa để chiêm ngưỡng và kính viếng ngôi mộ của những nhà khai sáng đạo là những người chủ trương đoàn kết mọi nền văn hóa cũng như các tôn giáo. Haifa là trụ sở tổng tòa quốc tế của đạo Bahai, nguyên thủy tôn giáo này xuất phát từ Persia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào giữa thế kỷ 19 nhưng bị các quốc gia Hồi Giáo cấm đoán vì tách ra khỏi Hồi Giáo. Chữ “Bahai” xuất xứ từ chữ “Bahá” tiếng Ả Rập có nghĩa là “vinh quang” hay “xán lạn.” Ðạo Bahai tin rằng chỉ có một Thượng Ðế nhưng mỗi tôn giáo tin theo một giáo chủ riêng là những người mang tin lành (messengers) do Thượng Ðế (God) gởi xuống như Abraham, Moses, Phật Thích Ca, Jesus và Muhammad ở những thời điểm khác nhau và triết lý tuy có khác để phù hợp với sự thay đổi của xã hội nhưng tựu trung cũng là thông điệp, tin mừng từ Thượng Ðế để nhắc nhở và cứu độ nhân loại.
Về lịch sử đạo phải truy lần theo các người khai sáng đạo kế tiếp nhau. Bắt đầu là ông Siyyid Ali-Muhammad of Shiraz vào ngày 23 tháng 5, 1844 công bố tại Shiraz nước Iran cương lĩnh và hệ thống tổ chức của đạo. Ông nhận mình là “Báb” có nghĩa là “cánh cửa” (gate), ông bị bắt giam và bị hành hình năm 1850. Ðệ tử của ông “Báb” là ông Bahá'u'llá nối tiếp việc truyền giảng đạo và cũng bị bắt bớ, trục xuất khỏi Tehran (thủ đô Iran) đến Baghdad (thủ đô Iraq ngày nay, lúc đó thuộc Ottoman) rồi tới Constantinople (Istanbul ngày nay) và Adrianople (Edirne ngày nay). Năm 1868 ông Bahá'u'llá bị đày sang thuộc địa của Ottoman là Akká tức nước Israel hiện nay và chết ở đây năm 1892. Con trai lớn của ông là Abdul Bahá được cha làm di chúc kế thừa lãnh đạo Bahai, trước đây đạo chỉ được biết ở Trung Á và Phi Châu đến thời ông này đạo được truyền sang Âu và Mỹ Châu. Ông Abdul Bahá cũng bị giam cầm và đến năm 1908 được phóng thích và mất năm 1921 tại Haifa. Thời gian sau khi được phóng thích ông Abdul Bahá đã cải táng xác đạo trưởng Báb tại núi Carmel sau 60 năm giữ ở một nơi bí mật. Hiện đạo được điều hành bởi một hội đồng gọi là The Universal House of Justice trụ sở là tòa nhà nhiều cột trong Vườn Bahai ở Haifa. Vườn Ðạo Bahai ở Haifa Vườn đạo Bahai còn được gọi là “Terraces” vì ở đây khu vườn được thiết lập trên sườn núi Carmel thoai thoải nhìn xuống biển và còn được gọi là “Vườn Treo ở Haifa.” Giữa khu vườn là Ðền Thờ Báb tức người khai sáng đạo Bahai, ông được chôn trong ngôi đền này. Ngôi đền có mái vòm hình bán cầu màu vàng nổi bật trên khu vườn hoa cỏ xanh tươi và được chăm sóc kỹ lưỡng. Nhiều người gọi nơi đây là “Kỳ Quan Thứ 8 Thế Giới” vì kiến trúc vĩ đại, hoành tráng lại cân đối hài hòa giữa cảnh trí thiên nhiên trời mây, non nước, núi đồi, hoa cỏ và những kiến trúc nhân tạo như đền đài, lăng mộ, lối đi, hồ nước, suối phun, bậc thềm v.v... Lối thiết trí khu vườn theo hình bậc thang tạo thành 18 khu vực “terraces” mà tâm điểm là Ðền Thờ Giáo Chủ Bab. Mười tám “terraces” cộng với “terrace” của đền thờ là 19. Mười Chín là con số thiêng liêng của đạo Bahai vì giáo chủ Bab có 18 môn đệ cộng với ông tạo thành nhóm 19 người, lịch của đạo Bahai có 19 tháng trong một năm và mỗi tháng có 19 ngày, như vậy mỗi năm có 361 ngày (19 x 19) so với dương lịch cũng gần giống nhau là 365 ngày. Nếu đọc chương đầu tiên của kinh Quran Hồi Giáo thì môi sẽ chạm nhau đúng... 19 lần! Cũng trong Thánh kinh Quran thì sự Giáng Sinh của Chúa Jesus được mô tả ở chương 19, câu thứ 19 (Quran 19,19). Ðó là ý nghĩa về tâm linh cách thiết kế khu vườn mà kiến trúc sư Fariborz Sahba bắt đầu thực hiện từ năm 1987. Khởi đầu từ dưới thấp, khu vườn được xây dần lên cao kéo dài gần 1 km trên sườn núi Carmel với diện tích khoảng 200,000 mét vuông đất. Trong khu vườn lối đi được nối nhau bằng các hệ thống bậc thang cập theo 2 dòng suối dẫn nước từ trên núi xuống nên có những chiếc cầu bắc ngang, những bậc thang quanh co uốn lượn theo dòng nước. Hệ thống tưới nước khu vườn được điều hành bằng vi tính với những vòi phun tự động được tưới vào ban đêm hoặc rạng sáng để tránh nước mau bốc hơi. Nước dư chảy theo những lối đi và được thu hồi lại để không thất thoát nước. Khu vườn được bày trí theo vườn cảnh kiểu miền Persian nhằm ngăn tiếng động cơ giới từ thành phố vọng lên, giữ cho các đền lăng phía trong được êm đềm thanh tịnh.
Có tất cả 3 cửa vào khu vườn: một ở phía trên cao nơi con đường Yefe Nof Street, một giữa lưng chừng núi nơi đường Ha'tzionut Street là cổng chính gần các đền và một ở phía dưới thấp cạnh Hagefen Square. Cửa phía trên cao có hướng dẫn viên của khu vườn nói được nhiếu thứ tiếng hướng dẫn, giải thích, tất cả đều miễn phí kể cả vé vào thăm vườn. Ðoàn hành hương chúng tôi tuy là người Việt nhưng định cư ở Ðức (duy chỉ có tôi là ở Cali), vườn không có hướng dẫn viên nói tiếng Ðức mà chỉ còn một anh chàng nói tiếng Anh. Cả tuần nay đi tới đâu các người hướng dẫn nói tiếng Ðức nên tôi chỉ như “vịt nghe sấm,” hôm nay mới có cơ hội thông dịch lại cho đồng hương ở Ðức những gì anh chàng hướng dẫn nói.
Vườn Bahai ở Haifa mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, 7 ngày một tuần, khu vườn phía trong gần đền thờ đóng cửa lúc 12 giờ trưa. Vườn Bahai đóng cửa vào những ngày lễ của đạo (khoảng 9 ngày trong 1 năm). Trong thời tiết mưa vườn có thể tạm thời đóng cửa vì lý do an toàn tránh trượt té vì trơn trợt. Nếu muốn tham dự những Tour có người hướng dẫn để ngoạn cảnh khu vườn, không cần giữ chỗ trước, Tour được tổ chức mỗi ngày (trừ ngày Thứ Tư) bắt đầu ở cổng 45 Yefe Nof Street (cổng nơi cao nhất). Tour kéo dài khoảng 50 phút hướng dẫn bằng các thứ tiếng Hebrew, Anh, Nga và chấm dứt ở cổng giữa. Vườn Bahai là địa điểm tôn giáo nên khách viếng được yêu cầu ăn mặc kín đáo, áo không hở vai và quần phải quá gối, nên mang giày gót thấp để đi bộ dễ dàng, được chụp ảnh và quay video (ngoại trừ bên trong đền thờ). Không được mang theo thú vật và vũ khí, được mang theo nước uống nhưng các loại nước ngọt, thức ăn, kẹo cao su không được phép mang vào vườn. Vào khu vườn cảm giác đầu tiên là sự thanh tịnh, an vui trong tâm hồn vì cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp, hoa cỏ xanh tươi trải dài từ trên cao xuống thấp bố trí cân xứng hài hòa. Các kiến trúc như đền thờ, lăng mộ, trụ sở hội đồng điều hành đều uy nghi, hoành tráng xứng đáng là một trung tâm tôn giáo uy nghiêm. Nhiều du khách cho rằng đây là thắng cảnh đẹp nhất của nước Do Thái và là một nơi khi đến Haifa không thể nào mà không đến thăm viếng. Cùng ngòi bút lãng du Trịnh Hảo Tâm, đã phát hành 6 quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam,” “Miền Tây Hoa Kỳ,” “Trung Quốc,” “Mùa Thu Ðông Âu,” “Tây Âu Cổ Kính” và “Miền Ðông Nước Mỹ và Canada.” Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến đi của tác giả trên Người Việt có thể tìm mua tại các nhà sách, đồng giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí): 3683 Hawks Drive Brea CA 92823 Ðiện thoại 714-528-1413 Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|