Môt bài nhận định trước tình hình Đất Nước của một cựu SVSQ Khóa 1.
Chọn Hướng Đi Đúng Mới Bảo Vệ Được Tổ Quốc
Chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân nào Trung Cộng càng ngày càng bộc lộ hẳn ý đồ muốn biến Biển Đông thành sở hữu chủ riêng của họ bất chấp sự công bằng và luật quốc tế về biển, mà 119 quốc gia đã ký kết ngày 10 tháng 12 năm 1982, trong đó có Trung Cộng và Việt Nam (1). I. Vì Sự Sống Còn Của Chế Độ Trung Quốc Sau cuộc chiến Hoa Việt năm 1979 và trước áp lực tranh chấp biên giới với Liên Sô, ông Đặng Tiểu Bình và thành phần lãnh đạo nhà cầm quyền Trung Cộng, nhận chân hệ thống tổ chức quân đội và thiết bị quân trang, quân dụng, vũ khí của họ đã lỗi thời; nếu không kịp thời canh tân và trẻ trung hóa hàng ngũ quân đội thì không đủ sức đương đầu với Liên Sô và giữ vị thế một siêu cường vùng Đông Nam Á Thái Bình Dương trước sự tiến bộ về mọi lãnh vực của các quốc gia Tây Phương. Nhưng muốn hiện đại hoá quân đội, cần có một ngân sách rất lớn, nhưng với tiềm năng kinh tế hiện hữu, không thể nào đáp ứng. Hoa Kỳ thay đổi chính sách ngoại giao đối với Trung Cộng và muốn giúp quốc gia này có thể vươn lên đứng thế đối nghịch lại Liên Sô. Hoa Kỳ dành nhiều dễ dãi cho du sinh của Trung Cộng đến học các trường Đại Học danh tiếng cũng như lãnh vực mậu dịch cũng được dành cho mọi sự ưu đãi. Nhân cơ hội này, thành phần lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc quyết định thay đổi tư duy, tầm nhìn, thể hiện qua lời tuyên bố của ông Đặng Tiểu Bình: “Không cần biết Mèo Trắng hay Mèo Đen, chỉ cần biết con mèo nào bắt được chuột mà thôi”. Và với quan niệm này, nhà cầm quyền Trung Cộng đã quyết định chuyển đổi nền kinh tế tập trung trong xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường, kết quả đã giúp nền kinh tế Trung Cộng phát triển nhanh chóng như chúng ta đã thấy ngày nay. 1. Mất Quân Bình Xã Hội Trong Tiến Trình Phát Triển Kinh Tế. Tiến trình phát triển kinh tế, nhờ vào khối nhân công khổng lồ vô tận, vừa cần cù vừa dễ bảo, đáp ứng được sự cạnh tranh trên thị trường nhân công, cho phép giá thành sản xuất hàng hóa Trung Cộng thật thấp, thừa sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đem về cho Trung Quốc một khối lượng ngoại tệ khổng lồ. Đồng thời cũng tạo ra sự mất quân bình xã hội, sự cách biệt giàu nghèo giữa người có thế lực và dân thường, giữa dân thị thành với dân thôn quê, nhứt là giữa những tỉnh Miền Nam và vùng Duyên Hải với các tỉnh nằm sâu trong nội địa, sự cách biệt này quá lớn (2). Nếu đem so sánh mức sống trung bình của dân Bắc Kinh, và thị dân các tỉnh miền Nam và vùng duyên hải với mức sống trung bình của nông dân ở Quý Châu, Tây Tạng, Tân Cương, giống như so sánh mức sống của người dân Âu Châu với dân ở Phi Châu không phải là quá đáng. Trong cuộc họp hàng năm Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày Thứ Sáu 15 tháng 10 năm 2010 vừa qua tại Bắc Kinh, đưa ra kế hoạch 5 năm về kinh tế để có thể nâng cao nếp sống người dân ở nông thôn. Bởi đảng Cộng Sản Trung Quốc đang lo ngại trước sự bất mãn càng ngày càng nhiều của mọi tầng lớp dân chúng và ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, vì nếp sống cách biệt giữa nghèo và giàu càng lớn và tệ nạn tham nhũng là nguyên nhân chính góp phần cho sự bất mãn. Chính vì vậy mà có hiện tượng Ôn Gia Bảo mà thế giới đã bàn tán trong thời gian gần đây. Thủ Tướng Ôn Gia Bảo nhận thấy có thể sẽ có một cuộc nổi loạn nếu không kịp thời cải cách chính trị, bằng không công trình cải cách kinh tế sẽ tan theo mây khói. Ông Ôn Gia Bảo đã công khai kêu gọi Cải Cách Tự Do Dân Chủ và phải chấm dứt cai trị bằng nghị quyết, sắc lệnh của thời kỳ tiền cách mạng, mà nhà cầm quyền phải tuân thủ theo hiến pháp và luật pháp, không một ai có thể đứng trên pháp luật. Trung Cộng với diện tích hiện hữu 3.696.100 dặm vuông, chỉ bằng diện tích lãnh thổ của Hoa Kỳ, nhỏ hơn Canada và Nga (3). Trên thực tế dân Trung Cộng chỉ sống trên 46% lãnh thổ, phần còn lại là núi non hay sa mạc, mặc dù với lãnh thổ rộng lớn như vậy cũng chỉ cho phép dân số tối đa có thể từ 700 triệu đến 800 triệu để người dân có một nếp sống tương đối mà thôi. Trong khi đó dân số Trung Quốc hơn 1.3 tỷ, chiếm gần 1/5 nhân số thế giới, vượt quá khả năng đáp ứng nhu cầu của tài nguyên thiên nhiên mà đất nước Trung Hoa có. Giải quyết vấn đề nhân mãn trước nguồn tài nguyên thiên nhiên giới hạn, nhà cầm quyền Trung Cộng áp dụng các chính sách cưởng bách gia đình chỉ có một con, nhưng kế hoạch này phải tới một thế kỷ sau mới đem lại kết quả. Để giải quyết tức thời nạn nhân mãn họ đã âm thầm di dân và giải quyết vấn đề thất nghiệp qua các công trình thầu xây dựng hay mướn đất, mướn rừng dài hạn tại những quốc gia Phi Châu hay các nước láng giềng để biến những công nhân của họ trở thành cư dân quốc gia sở tại, suốt mấy chục năm qua, nhưng ngày nay đã bị phản đối khó mà tiếp tục thực hiện âm mưu của họ (4). 2. Vì Nhu Cầu Sống Còn Với mô hình phát triển kinh tế của Trung Cộng hiện tại dựa vào dân số đông đúc như là nguồn tài nguyên phát triển kinh tế, chú trọng về số lượng sản xuất hàng hóa thông thường hơn là nặng về phẩm chất, do đó đòi hỏi một số lượng nguyên liệu và nhiên liệu khổng lồ mà bản thân đất nước họ không đủ, cho nên lệ thuộc nhiên vật liệu nhập cảng rất lớn, nhứt là dầu hỏa, nhu cầu càng ngày càng gia tăng. Thấy được các khuyết điểm này, giới lãnh đạo Trung Cộng muốn chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất thiên về số lượng, sang phẩm chất. Nhưng trước hết phải đầu tư vào lãnh vực giáo dục, nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật, và cần phải có một kinh phí thật lớn và lâu dài. Tuy nhiên, điều này họ có thể khắc phục được, nhưng lực lượng lao động phổ thông (lao động tay chân hơn là trí óc) không được xử dụng sẽ dẫn tới nạn thất nghiệp cao, có thể gia tăng lên tới 200-300 triệu người, lại là một vấn nạn nghiêm trọng, làm bất ổn xã hội có thể đưa đến sụp đổ chế độ. Đó là những khó khăn mà nhà cầm quyền Trung Cộng đang đương đầu, không giải pháp nào trọn vẹn, được cái này thì mất cái kia, hơn nữa mô hình kinh tế hiện tại đem lại nguồn ngoại tệ lớn lao cho họ. Giải pháp để sống còn duy nhứt trong hiện tại là tiếp tục giữ mô hình kinh tế hiện hữu và xử dụng sức mạnh quân sự giành hết nguồn tài nguyên Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu hỏa, khí đốt và nguồn hải sản khổng lồ, có thể giải quyết các khó khăn mà họ đang gặp phải. Chính vì vậy trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Trung Cộng bất chấp luật quốc tế về biển, tự nới rộng lãnh hải, theo hình lưởi bò hay đường ranh giới lãnh hải 9 điểm, vẽ sát vào bờ biển các quốc gia nằm ven biển, chiếm gần 80% diện tích Biển Đông. Qua các sự kiện vừa nêu trên, cho chúng ta thấy rõ nhu cầu thiết yếu và ý đồ của Trung Cộng trong việc tranh chấp tại Biển Đông, để người Việt Nam chúng ta lựa chọn giải pháp thích nghi và hữu hiệu hầu bảo vệ vẹn toàn biển đảo và quyền lợi kinh tế trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam kể cả về lịch sử và luật pháp quốc tế. II. Trước Thế Cờ Quốc Tế Tại Biển Đông Việt Nam Phải Làm Gì Trong Bối Cảnh Hiện Tại Với sự thành công trong công cuộc cải cách kinh tế đã đem lại nguồn ngoại tệ khổng lồ, giúp cho nhà cầm quyền Trung Cộng đủ tài chánh, tiếp tục hiện đại hoá quân đội như mong muốn. Theo nhận định của giới phân tích quân sự và tình báo cho biết trong vòng một năm tới, sự tranh chấp vùng Biển Đông sẽ trở nên tồi tệ hơn khi Trung Cộng hoàn tất việc sản xuất 8 tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử có khả năng mang hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử với tầm đạn đạo xuyên lục địa, hăm dọa đến nền an ninh lãnh thổ Hoa Kỳ. Và sự phân tích của chuyên viên Ngũ Giác Đài Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ qua không ảnh và tình báo, gần đây cho biết Trung Cộng đang xây cất đường hầm trong sườn núi tại đảo Hải Nam, cao 60 feet (18.288 meters) có thể chứa 20 tiềm thủy đỉnh nguyên tử và trong năm 2010 có thể cho hạ thủy 5 tiềm thủy đỉnh nguyên tử loại 094 có khả năng mang 12 hỏa tiễn JL-2 mang đầu đạn nguyên tử. Ngoài ra Trung Cộng đã mua lại hàng không mẫu hạm của Nga để tân trang cũng như mô phỏng theo đó để đóng thêm ít nhứt 5 hàng không mẫu hạm trong vòng 5 năm đến 10 năm tới (5). Với tham vọng muốn biến Biển Đông thành của riêng của mình, Trung Cộng chủ trương dùng sức mạnh tạo áp lực trong vấn đề tranh chấp và chính vì vậy đã có một vài đụng chạm với Hoa Kỳ trên Biển Đông, như trường hợp xảy ra vào tháng 7 năm 2001, khi phi cơ thám thính EP-3 của Hoa Kỳ thực hiện chu kỳ quan sát trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam bị chiến đấu cơ Trung Cộng lên khuấy nhiễu gây tai nạn đã phải đáp khẩn cấp xuống phi trường tại Hải Nam. Và những đụng chạm nho nhỏ khác trên vùng biển đảo Hải Nam trên hải phận quốc tế sau này, bắt đầu từ 4 tháng 3 năm 2009, phi cơ và tàu đánh cá Trung Quốc lởn vởn bám sát tàu USNS Victorious thăm dò lòng biển của Hoa Kỳ trên vùng hải phận quốc tế gần đảo Hải Nam, đến ngày 8 tháng 3, 5 tàu đánh cá Trung Quốc bao vây tàu thăm dò lòng biển USNS Inpeccable Incident trong vòng 2 tiếng đồng hồ, khi thuyền trưởng tàu thăm dò Hoa Kỳ báo động và cầu cứu, sau đó tàu hải quân Trung Quốc đến giải tỏa. Sau sự việc quấy nhiễu này, chính quyền Hoa Kỳ phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc đồng thời cho chiến hạm đến hộ tống các tàu thăm dò lòng biển suốt lộ trình công tác, để tỏ rõ thái độ quyết tâm của Hoa Kỳ vì đây là hải phận quốc tế. Ngoài ra, Trung Cộng đã tổ chức cuộc tập trận bằng đạn thật trong vùng biển Đông Hải gần đảo Kawasaki của Nhựt trong 5 ngày kể từ 30 tháng 6, như là một hành động khiêu khích Hoa Kỳ. Trong cuộc tập trận này Trung Cộng đem ra thử nghiệm loại hỏa tiễn đạn đạo có tên là “Sát thủ của hàng không mẫu hạm” (Aircraft Carrier Killer). Ngày 28 tháng 6 năm 2010, 2 ngày trước khi Trung Quốc bắt đầu tập trận, Hoa Kỳ đã điều động 3 tiềm thủy đỉnh lớn và tối tân nhứt trong Đệ Thất Hạm Đội, trong thời kỳ còn chiến tranh lạnh các loại tiềm thủy đỉnh này mang 16 hoả tiễn Trident với đầu đạn nguyên tử, nhưng ngày nay được tối tân hóa mang hoả tiễn Tomahowk, mang đầu đạn có sức tàn phá mạnh và chính xác bất cứ địa điểm nào trên đất liền mà Radar địch không thể phát hiện được. Đó là các tàu USS Michigan, được điều tới Pusan, Nam Hàn; tàu USS Ohio tới Vịnh Subic của Phi Luật Tân; và tàu USS Florida tới Diego Garcia trong Ấn Độ Dương. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Hoa Kỳ đang kiên quyết duy trì vị thế thống lĩnh về quân sự ở Châu Á. Và Hoa Kỳ muốn chuyển thông điệp cho Bắc Kinh và các nước khác, kể cả đồng minh lẫn không đồng minh. (6) Cũng như trong cuộc họp với các Ngoại Trưởng khối ASIA tại Hà Nội, trong tháng 7 vừa qua Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, khẳng định “lợi ích quốc gia” của Mỹ ở Biển Đông, sẽ không đứng ngoài cuộc tranh chấp, Hoa Kỳ phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực ở vùng biển quan trọng này. III. Kết Luận Hơn hai thập niên qua, trước sự lấn hiếp của Trung Cộng trong việc tranh chấp biên giới trên đất liền và biển đảo. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, trong thế yếu đã phải chủ trương giải quyết bằng đường lối ngoại giao mềm dẻo. Nhưng kết quả chỉ bị thua thiệt, như trường hợp hiệp ước Vịnh Bắc Việt, dân tộc Việt Nam mất hàng nghìn dậm vuông lãnh hải. Trên đất liền mất hàng nghìn cây số vuông trong đó có thác Bản Dốc, dù nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cố ngăn cấm nhân dân không cho xúc phạm đến Trung Quốc để lấy lòng, cầu mong Trung Cộng thương tình không lấn hiếp. Những ngư dân Việt Nam tại vùng đánh cá Vịnh Bắc Việt là nạn nhân thường xuyên bị trấn áp, bắn giết của hải quân Trung Cộng, với mục đích làm cho ngư phủ Việt Nam không dám đến đánh cá hầu giành độc quyền cho ngư phủ Trung Quốc. Mặc dù CSVN và Trung Cộng đã ký kết hiệp ước công nhận vùng đánh cá chung giữa ngư dân hai nước. Riêng khu vực biển Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong vòng tranh chấp, tàu Trung Cộng lấn áp ngư dân Việt Nam qua nhiều hình thức, ngăn cấm đánh cá, đụng chìm tàu, tịch thu cá cùng các phương tiện đánh cá và giam cầm ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc mạng, v.v… Qua các sự kiện và hành động của Trung Cộng cho chúng ta thấy vì nhu cầu sống còn, Trung Cộng không thể nhân nhượng vì tình hữu nghị hay đàn em chịu thuần phục mà nương tay. Hiện tại Hoa Kỳ có nhu cầu bảo vệ quyền lợi chiến lược quân sự và kinh tế vùng Đông Nam Á Thái Bình Dương nên phải đứng thế đối nghịch trước tham vọng bành trướng của Trung Cộng, đây là cơ hội giúp cho các quốc gia Biển Đông trong đó có Việt Nam. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải ý thức trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc, phải đặt quyền lợi tổ quốc trên quyền lợi đảng, đừng vì sợ diễn biến hòa bình mà bỏ qua cơ hội họp tác, đồng minh với Hoa Kỳ và cũng là cơ hội tạo sự đoàn kết toàn dân ở hải ngoại và quốc nội cùng nhau bảo vệ tổ quốc. Bởi trong quá khứ nhà cầm quyền và đảng Cộng Sản Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và quyền lợi kinh tế: a. Nếu năm 1978 đừng quá kiêu căng của kẻ thắng trận đòi Hoa Kỳ bồi thường chiến tranh, mà chỉ yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ tái thiết thì đã bình thường hóa bang giao, không bị Trung Cộng phỏng tay trên. Và cuộc chiến tranh Hoa-Việt không xảy ra vì có Hoa Kỳ đứng đàng sau (7) b. Bình thường hóa Thương Mại với Hoa Kỳ sau 4 năm thương lượng, dự trù được ký kết trong phiên họp thượng đỉnh các quốc gia Thái Bình Dương tại Tân Tây Lan năm 1998, khi Tổng Thống Clinton đến đây, nhưng giờ chót phái đoàn Việt Cộng không đến, coi như bỏ lỡ cơ hội được Hoa Kỳ đề bạt Việt Nam vào WTO từ năm 2000, và Việt Nam có nhiều cơ hội đón nhận đầu tư nhiều quốc gia Tây Phương thay vì họ đầu vào Trung Cộng.
Qua thời gian dài trong 3 thập niên qua, Trung Cộng ra sức gây thiện cảm với các quốc gia Đông Nam Á qua chính sách kinh tế và ngoại giao. Nhưng khi Trung Cộng muốn dùng sức mạnh quân sự biến Biển Đông thành của riêng mình, khiến cho các quốc gia Đông Nam Á thấy bộ mặt thật của Trung Cộng, nên họ đã phải tìm chổ dựa làm đối lực chống lại sự hung hăng, ngang ngược của Trung Cộng nên ngã hẳn về Hoa Kỳ. Và Hoa Kỳ cũng có nhu cầu về quyền lợi kinh tế và chiến lược vùng Đông Nam Á Thái Bình Dương, do đó họ không thể nhượng bộ ý đồ bành trướng của Trung Cộng và sẳn sàng hỗ trợ cho các quốc Đông Nam Á Thái Bình Dương,`` qua lời tuyên bố của bà Clinton tại Hà Nội trong tháng 7 vừa qua. Cũng như cuộc hợp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ và nguyên thủ các quốc gia trong khối ASIAN tại New York nhân dịp tham dự phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24 tháng 9 vừa qua với bản thông cáo chung 25 điều. Đặc biệt điều 18 khẳng định tầm quan trọng của ổn định và hòa bình khu vực, an ninh hàng hải, không cản trở thương mại và tự do hàng hải theo những quy định liên quan được sự đồng thuận của luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và những điều luật hàng hải quốc tế khác, đồng thời giải quyết hòa bình các tranh chấp. Và mới đây Hoa Kỳ tái khẳng định lập trường về Biển Đông trong cuộc họp cấp Bộ Trưởng Quốc Phòng các quốc gia trong khối ASEAN mở rộng tại Hà Nội vừa kết thúc ngày 14 tháng 10 năm 2010 vừa qua. Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông Robert Gates tuyên bố: “Các bên tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế, thông qua quá trình hợp tác ngoại giao, và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Hoa Kỳ luôn luôn thực hiện quyền của chúng tôi và ủng hộ quyền của các nước quá cảnh và hoạt động trên vùng biển quốc tế. Điều này sẽ không thay đổi, cũng như cam kết của chúng tôi tham gia vào các cuộc diễn tập và các hoạt động cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, cũng sẽ không thay đổi”
Điều này cho Trung Cộng hiểu rõ không thể tiếp tục xử dụng luật rừng xanh, hung hăng dùng cường lực nước lớn bắt nạt, cưỡng ép nước bé bất chấp luật pháp quốc tế, nếu họ không muốn bị cô lập. Vì vậy chúng ta thấy Trung Cộng đã xuống giọng, không còn hung hăng như trước đây và trong phiên họp các viên chức, Trung Cộng không lập lại cụm từ “Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của họ”, và Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng, Lương Quang Liệt cũng đã tuyên bố: “Trung Quốc đang chuẩn bị hợp tác với các quốc gia về an ninh khu vực và cũng khẳng định việc phát triển quân sự chỉ để tự vệ, không là mối đe dọa các quốc gia láng giềng”. Dù lời tuyên bố này có thực tâm hay không, nhưng cũng cho thấy Trung Cộng đã thấm đòn. Qua sự kiện này cho chúng ta thấy sự quy lụy, yếu hèn của CSVN không làm cho Trung Cộng thương tình mà nương tay mà còn là một yếu tố khuyến khích cho Trung Cộng lấn ép thêm. Thể hiện qua việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trong quá khứ đã không dám phản đối trước ác tâm của hải quân Trung Cộng bắt giam, cướp bốc ngư dân Việt Nam trên vùng biển tranh chấp (Hoàng Sa và Trường Sa), đòi tiền chuộc mạng hay đụng chìm tàu, mà nhà cầm quyền CSVN cũng không dám nêu đích danh tàu Trung Cộng mà gọi là tàu lạ. Trong khi đó chính quyền Phi Luật Tân, mặc dù quân đội của họ cổ lỗ sĩ hơn Việt Nam, nhưng Phi Luật Tân bảo vệ được ngư dân của họ và còn bắt và xử phạt ngư phủ Trung Cộng khi những ngư phủ Trung Cộng đánh cá trong hải phận Phi Luật Tân, bởi chính quyền Phi Luật Tân thể hiện quyết tâm bảo về chủ quyền lãnh hải của mình dù Trung Cộng phản đối nhưng không dám vượt qua giới hạn. Nhưng gần đây, trước phiên họp Bộ Trưởng 10 quốc gia khối ASEAN và 8 quốc gia được mời trong đó Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nhựt Bổn, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Nam Hàn, Nga và Ấn Độ tại Hà Nội. Lần đầu tiên Bộ Ngoại Giao CSVN đã triệu Đại Sứ Trung Cộng đến và đưa công hàm phản đối và buộc nhà cầm quyền Trung Cộng phải thả vô điều kiên 9 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại vùng biển gần đảo Hoàng Sa ngày 11 tháng 9 vừa qua. Kết quả ngày 12 tháng 10, phía Trung Cộng cho biết họ đã phóng thích ngư dân Việt Nam. Qua sự kiện này, cho thấy khi nhà cầm quyền có quyết tâm bảo vệ công dân của mình, dù là tiếng nói của một nước nhược tiểu, kẻ thù không thể làm ngơ bởi còn công luận quốc tế. Riêng hành động của những công dân, sinh viên, thanh niên nam nữ Việt Nam thể hiện lòng yêu nước lên tiếng chống đối hành động xâm lăng của Trung Cộng đối với biển đảo lại bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp giam cầm, hành động này vô hình chung khuyến khích kẻ thù Trung Cộng không tương nhượng trong vấn đề tranh chấp biển Đông bởi họ thấy CSVN quá nhu nhược và sợ hải trước quyền lực của họ.
Và trong điều 4 của thông cáo chung cuộc họp thượng đỉnh tại New York giữa Tổng Thống Hoa Kỳ và lãnh đạo của các quốc gia khối ASEAN, các quốc gia này cũng khẳng định sẽ hợp tác với Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề nhân quyền, giáo dục, v.v… Điều này Hoa Kỳ cho các quốc gia trong khối ASEAN biết rằng cần cải thiện vấn đề nhân quyền sẽ giúp cho chính phủ Hoa Kỳ dễ dàng họp tác và hỗ trợ các quốc gia này về mọi mặt trong đó có lãnh vực quốc phòng, vì sự đồng tình của Quốc Hội và nhân dân Hoa Kỳ. Trái lại, nếu các quốc gia trong khối ASEAN tiếp tục vi phạm nhân quyền, dù chính phủ Hoa Kỳ có muốn hỗ trợ cũng bị Quốc Hội ngăn cấm. Vì vậy nhà cầm quyền CSVN phải thức tỉnh, ý thức đặt quyền lợi Tổ Quốc lên trên quyền lợi đảng Cộng Sản, nắm lấy cơ hội này, chấp nhận chế độ tự do dân chủ để trở thành đồng minh của Hoa Kỳ và cũng là cơ hội tạo sự đoàn kết quốc gia dân tộc, cùng nhau chống ngoại xâm.
Houston, ngày 16 tháng 10 năm 2010
Lê Phát Minh
Chú thích: (1) Công Ước Liên Hiệp Quốc về Biển được 119 quốc gia ký kết ngày 10 tháng 12 năm 1982, trong đó có Trung Cộng và Việt Nam. Và công ước này đã trở thành luật chấp hành kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1994. Theo đó biển lãnh thổ rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở (bãi biển) khi nước thủy triều xuống trở ra khơi. Theo điều 76 về luật biển, vùng đặc quyền kinh tế về đánh cá, khai thác dầu hỏa rộng thêm 200 hải lý (370. 4Km) kể từ biển lãnh thổ. Ngoài ra thềm lục địa dựa theo địa chất, địa hình có thể kéo dài tới 350 hải lý (647.2 km). (2) Nghiên cứu của ông Aleksandr Khramchikhin, một học giả người Nga, tổng thu nhập của các tỉnh ở miền duyên hải Đông Nam, Quảng Châu cao hơn 90 lần so với tổng thu nhập của vùng Tây Tạng, Tân Cương. (3) Trung Hoa có diện tích 3.696.100 dậm vuông, dân số 1,338.570.000. Hoa Kỳ có diện tích 3.618.813 dậm vuông, dân số 306.707.000 người, Canada có diện tích 3,866.085 dậm vuông với dân số 34.619.000. Nga có diện tích 6.592.771 với dân số 146.001.176. (4) Trên 150 triệu di dân người Hoa sống trên khắp thế giới. (5) Theo tài liệu đăng trong nhật báo The Daily Telegraph, ngày 05 tháng 5 năm 2010 do ký giả chuyên về quốc phòng Thomas Harding. (6) Tờ South China Morning Post xuất bản tại Hongkong ngày thứ hai 28 tháng 6 năm 2010 cho hay ba tàu ngầm hạng Ohio này vừa được nâng cấp sử dụng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân chuyển sang dùng các vũ khí tối tân hơn như thiết bị do thám hiện đại và số lượng lớn hỏa tiễn Tomahawk chuyên tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Tổng số tên lửa mà 3 tàu này mang trên mình lên tới 462 chiếc Tomahawk. (7) Trả lời phỏng vấn của cựu Ngoại Trưởng CSVN Nguyễn Duy Niên với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đăng trên Vietnamnet, ngày 8-7-2010, cho biết năm 1978 Hoa Kỳ muốn thiết lập bang giao với Việt Nam và sẳn sang viện trợ kinh tế, nhưng phiá nhà cầm quyền CSVN đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh, rồi mới nói đến bang giao. Sau đó chừng một vài tháng CSVN biết hố, muốn nhận điều kiện bang giao của Hoa Kỳ, nhưng lúc đó Hoa Kỳ lờ vì họ đã thoả thuận được với Trung Cộng.
|